QUAN NIỆM TRIẾT HỌC CỦA DUY THỨC
Người giảng: Pháp Sư PHÁP PHẢNG
Người dịch: THÍCH THẮNG HOAN

 

CHƯƠNG II
KIẾN LẬP ĐỀ LUẬN

 

A.- GIẢI THÍCH ĐỀ LUẬN:

DUY THỨC TAM THẬP LUẬN

(Ba mươi bài luận Duy Thức)

Đề luận này giải thích có hai đoạn: một là giải thích riêng biệt và hai là giải thích chung lại.

1.-  GIẢI THÍCH RIÊNG BIỆT: 

Giải thích riêng biệt trong đó lại được phân làm ba:

a)- Giải thích hai chữ Duy Thức:

Chữ Duy là nghĩa độc lập, chỉ có, không thể phân ly, giản lượt và duy trì. Kế đến giải thích về chữ Thức. Chữ Thức là Tâm Thức hoặc là Ý Thức. Chữ Thức nghĩa là:

*- Lý do Tâm Thức tác dụng một cách độc lập, một cách thù thắng, tác dụng tất cả pháp của tự nhiên giới và tất cả pháp của phi tự nhiên giới, cho nên gọi là Duy Thức.

*- Lý do sự tồn tại của tất cả hiện tượng muôn pháp đều là giả có, chỉ có Tâm Thức mới là thật có, cho nên gọi là Duy Thức.

 *- Lý do sự sanh khởi và tồn tại của tất cả pháp, sự tiêu diệt..v..v…. của tất cả hiện tượng đều không thể ly khai khỏi sự quan hệ của Tâm Thức, cho nên gọi là Duy Thức.

 *- Nhân vì tướng cảnh giới ở bên ngoài không phải là thật có nguồn gốc mà chúng sanh lại chấp cho là thật có, thế nên cần phải giản lược và tẩy trừ cái bệnh “Chấp” thật có này. Thể tánh tác dụng của Tâm Thức ở bên trong lại cũng là thật có, chỉ vì chúng sanh cứ mãi theo đuổi tìm cầu ngoại cảnh mà không biết cái thật có của nội tâm, cho nên cần phải nắm giữ cái “Có”của Tâm Thức này, vì lý do đó nên mới gọi là Duy Thức.

Lại nữa vấn đề Duy Thức như trong các Kinh thường nói: “Vạn Pháp Duy Thức”, hoặc nói: “Tam Giới Duy Tâm Sở Tác”. Vạn pháp là cái gì? Duy Thức là thế nào?

Vạn pháp tức là vũ trụ vạn hữu, cũng chính là đối tượng để nghiên cứu của Khoa Học Tự Nhiên và của Khoa Học Xã Hội. Phật Giáo chỉ gọi vấn đề đó một chữ “Pháp” thì bao quát rất rộng lớn, không những chỉ có tâm tư mà cả đến ngôn ngữ cũng đều gọi là “Pháp”, hơn nữa nơi chỗ mà Tâm không thể nói đến được cũng gọi là “Pháp”. Tất cả pháp tóm lại gồm có hai thứ: một là Pháp Hữu Vi, hai là Pháp Vô Vi; hoặc gọi là Pháp Hữu Lậu và Pháp Vô Lậu. Hai thứ Pháp này bao gồm tất cả pháp. Tất cả pháp đây đều không thể lìa khỏi sự quan hệ của Tâm Thức, cho nên được gọi là Duy Thức. Giờ đây xin dẫn kinh luận để thuyết minh:

1)- Bách Pháp Minh Môn Luận: 

Bách Pháp Minh Môn Luận là một loại mẫu mực tốt để thuyết minh Vạn Pháp Duy Thức. Như Luận trên đã nói: “Kinh nói rằng: “Phật nói tất cả pháp đều là vô ngã”. Sao gọi là tất cả pháp? Sao gọi là Vô Ngã?” 1

Tất cả pháp tóm lược có năm ngôi vị: một là Tâm Pháp, hai là Tâm Sở Pháp, ba là Sắc Pháp, bốn là Bất Tương Ưng Hành Pháp, năm là Vô Vi Pháp. Năm ngôi vị trăm pháp nói trên đúng như đồ biểu sau đây:

Tất cả pháp trên đây sao gọi là Duy Thức? Bách Pháp Minh Môn Luận giải thích rằng: “Trong tất cả pháp Tâm Pháp là thù thắng hơn hết; Tâm Pháp và Tâm Sở Pháp thì tương ưng với nhau; cả hai Tâm Pháp và Tâm Sở Pháp biến hiện ra Sắc Pháp; cả ba Tâm Pháp, Tâm Sở Pháp và Sắc Pháp phân chia ngôi vị sai biệt nhau trở thành hai mươi bốn loại Bất Tương Ưng Hành Pháp; cả bốn Tâm Pháp, Tâm Sở Pháp, Sắc Pháp và Bất Tương Ưng Hành Pháp cùng nhau hiển hiện sáu Vô Vi Pháp”.

Năm câu trên đều là thuyết minh Duy Thức. Câu thứ nhất là chỉ cho Tâm Pháp, Tâm Pháp thì thù thắng hơn hết trong tất cả pháp, có lực lượng cùng tột, nhân vì Tâm Pháp có thể ảnh hưởng và cung cấp các pháp khác, có năng lực chủ động và chi phối tất cả pháp, lại còn có nghĩa tự tại, cho nên Tâm Pháp được thuyết minh là thù thắng hơn hết. Câu thứ hai là chỉ cho Tâm Sở Pháp, Tâm Sở là thuộc về tâm lý tác dụng của Tâm Vương, thích ứng hổ trợ cho Tâm Thức, lẽ dĩ nhiên trong đó Tâm Thức là chủ thể, Tâm Sở là loại tâm hoàn toàn phụ thuộc. Câu thứ ba là thuyết minh Sắc Pháp (vật chất cảnh ngoài), là do Tâm Vương và Tâm Sở cùng nhau biết hiện, cho nên gọi Sắc Pháp là không thật thể. Câu thứ tư là chỉ cho Bất Tương Ưng Hành Pháp, Bất Tương Ưng Hành Pháp là do Tâm Thức, Tâm Sở và Sắc Pháp cùng nhau tác dụng hiện khởi những thứ sai biệt này, cho nên gọi là giả pháp. Như thời gian, không gian, số lượng, thước đo, đặng mất, tướng sanh diệt, tướng văn tự..v..v…. đều là thuộc về Bất Tương Ưng Hành Pháp. Bốn câu trước là thuyết minh hiện thật và câu thứ năm là thuyết minh Vô Vi Pháp của lý tánh. Vô Vi Pháp cũng không thể lìa khỏi Hữu Vi Pháp mà có thể tánh riêng biệt của nó và nó chính là chân lý của các pháp hữu vi được hiện bày, cho nên cũng gọi là Duy Thức. Tâm Vương và Tâm Sở Pháp đều là tất cả hiện tượng tâm lý của Tâm Lý Học nghiên cứu. Sắc Pháp và Tất Tương Ưng Hành Pháp tức là Số Học, Vật Lý Học..v..v…. đều thuộc về đối tượng của Khoa Học Tự Nhiên nghiên cứu. Lý tánh của Vô Vi Pháp chính là cảnh giới của các nhà Triết Học. Nói tóm lại, Sự Tướng và Lý Tánh của vạn pháp đều không thể lìa khỏi Tâm Thức mà có được, cho nên gọi là Duy Thức. “Không thể lìa khỏi” ở đây tức là chỉ cho danh từ “Quan hệ” của Khoa Học đã nói. Ở trong các thứ quan hệ chỉ có Tâm Thức là thù thắng hơn hết, vạn hữu đều không thể lìa khỏi Tâm Thức thù thắng hơn hết này để thành lập, cho nên gọi là Duy Thức.

2)- Kinh Giải Thâm Mật: 

Kinh Giải Thâm Mật giải thích: “Tôi nói Thức Sở Duyên tức là nói Duy Thức biến hiện.” 2“Sở Duyên” trong câu đây là ý nghĩa của quan sát. Phật nói Nhãn..v..v……  tám Tâm Thức và những Tâm Sở Pháp, tất cả đối tượng của sự quan sát đều là chỗ biến hiện sanh khởi của Duy Thức. “Sở Duyên” chính là giải thích chỗ liễu biệt hoặc chỗ phân biệt. Phân biệt và liễu biệt giản lược có chỗ không giống nhau: Phân Biệt là đối với những cảnh giới có nghĩa phân loại để chọn lựa, còn Liễu Biệt là đối với những cảnh giới có nghĩa nhận thức. “Chỗ hiện của Duy Thức”, chữ Hiện có hai nghĩa: một là nghĩa hiện khởi, hai là nghĩa biến hiện. Phàm tất cả sự vật đều bị chuyển biến theo từng sát na và cũng nhờ chuyển biến mới được hiện khởi. Chuyển biến ở trong sát na ban đầu và hiện khởi mà ở trong sát na thứ hai không chuyển biến thì quyết định không hiện khởi, hoặc có thể nói biến hiện cùng một lúc. Như hạt giống ngũ cốc biến hiện mầm lá hoa quả..v..v….. Nhãn Thức..v..v….. mỗi khi phân biệt nhận thức các thứ cảnh giới, thông thường là do Tâm Thức làm chủ quan sát để chuyển biến và hiện khởi lên. Long Thọ Đại Thừa Nhị Thập Luận nói rằng: “Tâm như người hoạ sĩ vẻ hình tướng Dạ Xoa, tự mình vẻ rồi tự mình sợ..v..v…..”, đây cũng là thuyết minh ý nghĩa vạn pháp Duy Tâm biến hiện.

3)- Duy Thức Nghĩa Chương:

Căn cứ nơi Duy Thức Nghĩa Chương giải thích: “Thành Duy Thức nói rằng tất cả loài hữu tình đều có tám Thức, có sáu loại Tâm Sở cùng nhau chuyển biến thành hiện tượng ( Sắc Pháp), phân vị sai biệt nhau (Bất Tương Ưng) và hiển bày nguyên lý Không kia (Vô Vi Pháp). Các pháp như thế đều không thể lìa khỏi Thức để thành lập, cho nên được gọi chung là Thức. Chữ Duy chỉ nói là ngăn ngừa (Chỉ) mà kẻ phàm phu ngu muội chấp trước cho là thật ngã thật pháp”.

Lại căn cứ nơi Ba Tánh mà nói, Nghĩa Chương giải thích rằng: “Kẻ phàm phu ngu muội kia..v..v….. do bởi Tâm hư vọng điên đảo khắp cả quyết định chấp trước cho rằng ngoài Thức ra thật có các thứ ngã pháp sai biệt; học thuyết Duy Thức đây nói đến chữ Duy nhằm để ngăn ngừa những thứ Biến Kế Chấp của họ khiến cho hư mất, còn nói đến chữ Thức với mục đích chỉ cho ngã pháp là do Thức biến và giả có là do nhân duyên, thật sự là như thế. Còn các pháp Y Tha Hiện Khởi và trong cái giả có đó có Chân Lý Tánh Không tức là Viên Thành Thật Tánh; các pháp Y

Tha Hiện Khởi và Chân Lý Tánh Không Viên Thành Thật Thánh, cả hai sự và lý này đều là chân chánh thật có, cho nên gọi là Tồn Thật” 3.

b)- Kế Đến Giải Thích Hai Chữ “Tam Thập”:

Tam Thập có hai nghĩa: thứ nhất Tam Thập là nghĩa số mục, nguyên vì thể văn của bổn Luận là một thứ hình thức thi ca theo thể Kệ Tụng, năm chữ thành một câu kệ, bốn câu kệ thành một bài Tụng. Tổng Cộng gồm có ba mươi bài thi ca theo thể văn Kệ Tụng, nên gọi là Tam Thập Luận (ba mươi bài Luận); thứ hai Tam Thập là nghĩa giản biệt để cho khác với Nhị Thập Luận (hai mươi bài Luận).

c)- Giải Thích Chữ “Luận”:

Chữ “Luận” có ba nghĩa: “Thứ nhất Luận đây chính là Luận Tạng, một trong ba Tạng; thứ hai Luận đây có nghĩa là thảo luận, tức là đối với vấn đề phương diện Sự cũng như phương diện Lý đã được nghiên cứu và thảo luận đến”; thứ ba Câu Xá Luận giải thích: “Giáo giới cho đồ chúng tu học nên gọi là Luận”. Giáo là giáo thọ tức là chỉ dạy và hướng dẫn học sinh về phương diện học lý để nghiên cứu chân lý, giúp họ có thể đạt đến trí tuệ sao siêu. Giáo Giới là chỉ dạy và hướng dẫn học sinh về hành vi luật nghi để nuôi dưỡng nhân cách trở thành người cao thượng.

2.- GIẢI THÍCH CHUNG LẠI:    

“Duy Thức Tam Thập Luận”, Luận là danh xưng phổ thông, Duy Thức Tam Thập là danh xưng riêng biệt, phổ thông và riêng biệt hiệp chung lại gọi là Duy Thức Tam Thập Luận. Hoặc gọi Tam Thập Luận của Duy Thức, nhưng không phải là Duy Thức Nhị Thập Luận. Hơn nữa Duy Thức là danh xưng phổ thông, phổ phông cho các bộ luận của Duy Thức, “Tam Thập” chính là tên riêng của bộ luận này, cho nên gọi là Duy Thức Tam Thập Luận. Nếu như căn cứ nơi nguyên văn của bản chữ Phạn, Duy Thức Tam Thập Luận này chỉ gọi có ba chữ là Tam Thập Luận.

B.- CÁCH TỔ CHỨC VĂN LUẬN:

Dưới đây chính là giải thích lối văn Tụng, lối văn Tụng tổng cộng gồm có 30 bài, in liệt kê một bản đồ biểu thị để trình giải đại cương:

(hình vẽ)

Bản đồ biểu thị ở trên nội dung gồm có ba đại cương Duy Thức Tướng, Duy Thức Tánh và Duy Thức Vị. Hai mươi bốn bài Tụng đầu là thuyết minh rộng về Duy Thức Tướng, Duy Thức Tướng là hình trướng của Duy Thức, Duy Thức Tướng là cảnh giới hiện tượng của vũ trụ vạn hữu. Tất cả hình tướng cảnh giới hiện tượng đây đều không thể lìa khỏi Thức, nên gọi là Duy Thức Tướng. Hình tướng của Duy Thức tức là Pháp Tướng, nghĩa là vũ trụ vạn pháp có một danh xưng thì nhất định có một hình tướng. Thêm nữa chữ Tướng ở đây là chỉ cho sự tướng, sự thể đã có tướng danh tự thì có ý ngôn. Những tướng trạng của danh tự đây đều là sự tướng của chỗ hiểu biết và cũng là hình tướng của Duy Thức. Kế đến có một bài Tụng thuyết minh Duy Thức Tánh, nghĩa là nói rõ về lý tánh của tất cả sự tướng. Sự và lý thì không lìa nhau, lý nhờ sự hiển bày, sự mượn lý để biểu dương. Vì thế sự tướng là chỗ hiện bày của Duy Thức, lý tánh là chỗ hiển lộ của Duy Thức. Năm bài Tụng sau là thuyết minh Duy Thức Vị, nghĩa là giảng giải trình tự ngôi vị sai biệt của sự tu hành chứng quả. Nguyên vì Phật Học không chỉ chuyên giảng về lý học mà lại còn cốt yếu ở chỗ từ nơi lý học đi thực nghiệm, thực tu, thực chứng. Nói chung lại, Phật Học cốt yếu là tu chứng. Bổn Luận này là nói rộng về sự tướng và lý tánh của Duy Thức, giúp cho chúng sanh sáng tỏ cảnh giới sẵn có của mình. Rồi sau đó nương theo lý học đi tu hành, đi cải biến nơi mình. Duy Thức Học trước hết là thuyết minh từ nơi ngôi vị của chúng sanh, rồi sau đó chúng sanh tự đi đến ngôi vị của Phật. Như thường nói: “Liễu sanh tử”, chữ Liễu là nghĩa hiểu biết hoặc nghĩa nhận thức. Sanh Tử là cảnh giới chúng sanh, chúng sanh hiểu biết được nguồn gốc sanh tử của chính mình thì rồi sau mới có thể đoạn trừ được cái nhân của sanh tử để đặng giải thoát. Cho nên trong đây có hai mươi lăm bài Tụng thuyết minh sâu rộng những cảnh giới của chúng sanh giúp cho con người hiểu biết hiện tượng và chân lý của nhân sanh. Rồi sau đó chúng sanh mới phát khởi chí nguyện và hành vi tiến thủ hướng thượng, lần lược giải thoát sanh tử của thống khổ này. Đây là địa vị và phương thức của Duy Thức Tông không giống nhau với các Tông phái khác. Các Tông phái khác, như Mật Tông, Tịnh Độ Tông, Hoa Nghiêm Tông, Tam Luận Bát Nhã..v..v….. đối với chúng sanh thuyết pháp đều là thuyết minh trước tiên về công đức cảnh giới trên hết của Phật quả, nào là trang nghiêm như thế, nào là an lạc như thế, khiến cho các chúng sanh sanh khởi tâm tín ngưỡng hy vọng cầu xin, rồi nương nơi pháp đó tu chứng mà đạt đến mục đích hy vọng cầu xin của họ, thật là địa vị căn bản của chúng sanh bổng nhiên quá đơn giản và mất mát. Nói lên như thế cho thấy Duy Thức thì chú trọng nơi sự hiểu rõ địa vị và nguyên nhân của các pháp, còn các Tông phái khác thì chú trọng nơi sự hiểu rõ về thành quả trên hết của các pháp.

 Lại nữa, căn cứ nơi Cảnh, Hạnh, Quả để phê phán, trong đó, Duy Thức Tướng và Duy Thức Tánh đều thuyết minh những cảnh giới của Duy Thức, nghĩa là đều quán sát vũ trụ nhân sanh trên Duy Thức Học. Nơi trong năm ngôi vị của Duy Thức, bốn ngôi vị trước là thuyết minh Duy Thức Hạnh, nghĩa là từ Sơ Phát Tâm cho đến Kiến Đạo và Tu Đạo là nói rõ và sâu rộng những pháp hành giúp cho các học giả nên nương tựa nơi pháp nào để tu trì. Một ngôi vị sau là thuyết minh Duy Thức Quả, tức là trình bày hai quả Chuyển Y. Căn cứ hoàn toàn vào hệ thống văn Tam Thập Tụng này nhận thấy có hai mươi lăm bài Tụng trình bày rõ về Cảnh, có bốn bài Tụng trình bày rõ về Hạnh và chỉ có một bài Tụng nói rõ về Quả mà thôi.

C.- TÁC GIẢ VÀ DỊCH GIẢ:

1.- TÁC GIẢ VÀ MỤC ĐÍCH CỦA NGƯỜI TẠO LUẬN: 4

Tác giả của bổn luận này chính là Bồ Tát Thế Thân, người Thiên Trúc. Danh từ “Thiên Trúc” là ngôn ngữ được dịch thuở xưa của Ấn Độ (Indu). “Thế Thân” tiếng Phạn là Bà Tẩu Hàn Đậu, dịch là Thế Thân và cũng dịch là Thiên Thân. “Bồ Tát” là lời xưng hô. Thời đại tuổi trẻ của Thế Thân tức là thời đại sáng tạo Câu Xá Luận và ngài được người đời xưng tụng là Tôn Giả Thế Thân. Đến thời đại tuổi giả của Thế Thân tức là thời đại nghiên cứu Đại Thừa và ngài mới được người đời tôn xưng là “Bồ Tát”. (Bồ Tát gọi cho đủ là Bồ Đề Tát Đoả, dịch là Giác Hữu Tình, nghĩa là người nào tự mình đã giác ngộ, lại có thể đem lý giác ngộ của chính mình đi giác ngộ cho người khác, tức là tự giác và giác tha, nên gọi là Bồ Tát. Tượng Bồ Tát đắp bằng đất, chạm bằng cây, khắc bằng đá thì không phải Bồ Tát). Bồ Tát Thế Thân vốn là người của nước Kiền Đà La thuộc Tây Bắc Ấn Độ, ra đời tại thành Phú Lâu Sa Bố La, nay tức là Thủ Phủ (Peshawara) của biên tỉnh Tây Bắc. Phụ thân của Bồ Tát đều là người Bà La Môn Giáo, tín ngưỡng Đại Tự Tại Thiên..v..v…. Bồ Tát có ba anh em đều xuất gia nơi Hữu Bộ. Người anh cả có tên là Đại Thừa Học Giả Vô Trước. Thời xưa ở Ấn Độ, người muốn học Phật Pháp nếu đi xuất gia thì phải vào trong Tiểu Thừa Giáo, tu theo luật xuất gia và đầu tiên nghiên cứu ba Tạng của Tiểu Thừa. Cho nên cả ba anh em của Bồ Tát trước hết đều tu học Tiểu Thừa, rồi sau đó mới học Đại Thừa. Bồ Tát Thế Thân lúc ban đầu rất chú tâm trong sự nghiên cứu ba Tạng của Tiểu Thừa. Lúc bấy giờ nước Ca Thấp Di La là nơi văn hoá quan trọng của Bắc Ấn Độ. Học thuyết của Nhất Thiết Hữu Bộ là một thứ học thuyết thuộc loại tân tiến và rất được phát đạt. Học thuyết này có tên là Đại Tỳ Bà Sa Luận và do 500 Đại A La Hán nơi Ca Thấp Di La cùng nhau thiết lập. Theo truyền thuyết lúc bấy giờ người ngoài không thể vào học tập. Bồ Tát Thế Thân mới hoá trang người thương buôn đến Ca Thấp Di La và lưu lại để học tập, để nghiên cứu Đại Tỳ Bà Sa Luận của Hữu Bộ. Về sau Bồ Tát căn cứ nơi yếu nghĩa của Đại Tỳ Bà Sa sáng tác thành Câu Xá Luận, nhờ đó danh tiếng của Bồ Tát vang vội khắp cả Ngũ Ấn. Người anh của Bồ Tát là ngài Vô Trước, biết rõ Bồ Tát chuyên hoằng truyền Tiểu Thừa, hủy bán Đại Thừa nên rất thương tâm. Vì thế ngài Vô Trước lấy cớ bệnh nặng triệu Bồ Tát về. Bồ Tát Thế Thân nhận được tin lập tức về viếng thăm, thấy anh mình không có bệnh chi cả, cảm giác rất kỳ lạ liền hỏi: “Này anh! Chẳng phải nói là anh có bệnh sao?” Ngài Vô Trước nói: “Đúng ra em mới là người có tâm bệnh”. Bồ Tát Thế Thân lại rất kỳ lạ. Ngài Vô Trước nói tiếp: “Nguyên vì em chẳng chịu nghiên cứu Đại Thừa mà lại còn đi hủy bán, tương lai em sẽ bị đoạ lạc! Do đó tâm của anh quá đau khổ”. Nhưng Bồ Tát Thế Thân là người không dễ gì lay chuyển, nhân tiện ngài Vô Trước lưu Bồ Tát ở lại và khiến Bồ Tát mỗi buổi sáng ở cách vách tụng Thập Địa Kinh. Bồ Tát Thế Thân đọc xong, đọc những chỗ chưa từng nghe, bổng nhiên vui mừng, thế là liền sám hối muốn cắt lưỡi của mình. Bồ Tát nói: “Cắt lưỡi kẻ tội đồ này tự chịu thống khổ để chuộc lấy tội lỗi!” Ngài Vô Trước mới khuyên Bồ Tát nên tín ngưỡng Đại Thừa, nên tạo ra nhiều bộ luận để hoằng dương Đại Thừa và nhờ những công đức đó Bồ Tát mới có thể chuộc lấy tội lỗi của mình. Bồ Tát Thế Thân kể từ đấy chuyên hoằng dương rộng lớn giáo nghĩa Duy Thức..v..v….. Bồ Tát khi hoằng dương Tiểu Thừa thì đã từng sáng tác 500 bộ Luận và đến khi hoằng dương Đại Thừa thì lại sáng tác thêm 500 bộ Luận nữa, cho nên người đời tôn xưng Bồ Tát là Thiên Bộ Luận Sư 5.

Học thuyết của Bồ Tát Thế Thân thì rất rộng lớn, Bồ Tát nghiên cứu toàn bộ kinh điển Đại Thừa, đặc biệt chuyên chú về tông Duy Thức. Những bộ luận Đại Thừa của Bồ Tát hầu hết là học thuyết Duy Thức, Trung Hoa đã dịch rất nhiều gồm 20 loại, như Kim Cang Kinh Luận Thích, Bảo Kế Kinh Luận, Chuyển Pháp Luân Kinh Luận,  Tam Cụ Túc Luận, Thắng Man Kinh Luận 6, Thắng Tư Duy Phạm Thiên Vấn Kinh Luận, Pháp Hoa Kinh Luận, Vô Lượng Thọ Kinh Luận..v..v…. Những kinh luận đây đều không ngoài Duy Thức. Có thể thấy tư tưởng của Bồ Tát Thế Thân không chỉ hoằng dương Duy Thức và đối với các phương diện học vấn khác Bồ Tát đều có nghiên cứu đến.

“Hôm nay chỉ có ngài Thế Thân đích thật là bậc ứng thân của Hiền Kiếp, mặc dù sanh ra từ nơi chỗ tối tăm nhưng biết chuyển hoá để đưa mình lên, hào quang của ngài sanh ra bay toả khắp nơi và tư chất linh hoạt của ngài phản chiếu rực rỡ rộng lớn, ánh sáng phi thường của ngài đều ở nơi Nhập Uẩn (Lục Nhập, Ngũ Uẩn), văn vẻ tình đầu của ngài đều ở nơi Lục Túc (Luận), tài đức và lời hay tiếng đẹp của ngài đều ở nơi Câu Xá, học thuyết về Hữu của ngài đều ở nơi Câu Xá, học thuyết về Hữu của ngài đều được đánh dấu trong các Tông khác. Âm ba mầu nhiệm về học thuyết Hữu của ngài đều được thâu nhiếp ở nơi Đại Thừa, nghiên cứu chí lý thì vô cùng sáng tỏ. Phương pháp thăng hoá của ngài chiếu soi đến tột cùng và sự mầu nhiệm của nó chú trọng duy nhất ở nơi những bài Tụng của ngài.” (được thấy trong Thành Duy Thức Luận Hậu Tự). Địa vị của Bồ Tát Thế Thân có thể tin tưởng là rất trọng yếu nơi trong Phật Giáo Ấn Độ.

Hơn nữa, mục đích sáng tạo những bộ luận của Bồ Tát Thế Thân bao gồm có ba điểm:

a)- Thứ nhất là khiến Phật Pháp được tồn tại lâu đời để lợi lạc cho chúng sanh hữu tình. Nguyên vì trong tất cả sự bố thí, Pháp thí là trên hết; những kẻ vì người nói Pháp chính là thật hành sự giáo dục, cho nên nói Pháp cũng là cách giáo dục và đối với chúng sanh hữu tình Pháp thí thì rất lợi lạc trọng đại.

 b)- Thứ hai là giải thích kinh Phật, giải thích là phát huy rộng lớn ý nghĩa kinh Phật Đà, hai điểm nói trên chính là mục đích của sự sáng tạo những bộ luận. Hôm nay Bồ Tát Thế Thân sáng tạo bộ Duy Thức Tam Thập Luận không ngoài mục đích phát huy rộng lớn ý nghĩa rốt ráo Duy Thức của kinh Phật.

c)- Thứ ba là vì đoạn trừ nghiệp chướng để được giải thoát, cho nên Bồ Tát Thế Thân mới sáng tạo bộ luận này, như Thành Duy Thức Luận quyển đầu đã nói rằng: “Ngày bộ luận này được tạo thành với ý nghĩa là đối với những kẻ mê lầm chấp có Nhị Không khiến họ phát sanh chánh giải, phát sanh chánh giải nghĩa là đoạn trừ được hai trọng chướng…., đoạn trừ được hai trọng chướng tức là chứng được hai quả thù thắng, hai quả thù thắng nghĩa là nhờ đoạn trừ được phiền não chướng cho nên chứng được chân giải thoát và nhờ đoạn trừ được sở tri chướng cho nên thành tựu được đại bồ đề”. Đây là mục đích rốt ráo và đặc biệt về sự sáng tạo Duy Thức Luận của Bồ Tát Thế Thân.

2.- DỊCH GIẢ7 VÀ SỰ CỐNG HIẾN CỦA DỊCH GIẢ ĐỐI VỚI VĂN HOÁ TRUNG ẤN:

Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang đời Đường phiên dịch.

Đây là đề mục dịch thuật. Bộ Duy Thức Tam Thập Luận này là do Bồ Tát Thế Thân người Ấn Độ sáng tác, dùng lối văn Ấn Độ (văn Phạn Ngữ) viết thành sách. Nhưng hiện tại bộ luận nói trên lại dùng văn Trung Quốc để giảng giải do đó phải trải qua sự phiên dịch. Người phiên dịch bộ luận này căn cứ trên lịch sử Trung Quốc chính là pháp sư Huyền Trang. Pháp sư Huyền Trang, người ở thời kỳ đầu của Lý Đường. Văn hoá của thời Đường theo lịch sử Trung Quốc không luận ở phương diện nào đều phát đạt đến đỉnh cao về văn trị cũng như về võ nghiệp và lúc bấy giờ trên trường quốc tế Trung Quốc là một trong các quốc gia rất có địa vị. Pháp sư Huyền Trang trong thời kỳ đó là nhân vật của thời đại. Pháp sư là người Hà Nam, lúc thiếu niên theo anh cả xuất gia. Nhân tình thế loạn lạc, pháp sư từ Hà Nam đơn độc đến Ích Châu và ở đó được mấy năm. Pháp sư thọ giới Cụ Túc tại chùa Đại Từ nơi thành đô. Pháp sư nghiên cứu ý nghĩa Chân Đế nơi Câu Xá Luận và Nhiếp Đại Thừa Luận..v..v…. thuộc cổ dịch cho nên giác ngộ phần thâm sâu chưa được hoàn bị; pháp sư lại nghe ở Tây Vực có Du Già Sư Địa Luận liền phát nguyện cầu Pháp nơi Tây Thiên (Ấn Độ). Khi ở thành đô, sự quyết định cầu Pháp nói trên của pháp sư trở thành thứ chí nguyện kiên cường. Kế tiếp pháp sư lần mò theo Giang Đông đi xuống, đến Kinh Châu và Dương Châu vừa học thêm vừa giảng pháp, sau đó mới trở lại Trường An. Lúc bấy giờ vào thời đầu Đại Đường, nhân dân ăn mừng thái bình, Thái Tông Hoàng Đế nổ lực quản trị cơ đồ, trong thời gian đó pháp sư Huyền Trang kiên quyết đi Tây Phương. Gặp phải trong lúc Đại Đường không cho phép tráng đinh ra khỏi nước, pháp sư  Huyền Trang liền lén lúc vượt qua sự ngăn chận của cửa ải Lưu Sa, không sợ nguy hiểm sanh mạng, sử dụng Tâm Bồ Đề thù thắng rộng lớn khắc phục tất cả những thứ tai nạn, do nhờ chiêu cảm thành tín tinh tấn mà được sự gia hộ của chư Phật và Bồ Tát pháp sư rốt cuộc vượt qua được Thông Lãnh Lưu Sa mà đến nơi Ấn Độ và ở lại Ấn Độ hơn 17 năm mới trở về cố quốc. Trong thời gian ở Ấn Độ, pháp sư thành công trên sự phiên dịch, thật là bậc hơn cả người xưa đối với tiền nhân và hơn cả người sau đối với hậu lai; pháp sư trên lãnh vực Phật Giáo Trung Quốc không những thành công một cách huy hoàng, trên lãnh vực Lịch Sử Văn Hoá Trung Quốc trang đầu không thể xoá bỏ tên ngài và còn trên thế giới học thuật ngài cũng là người rất có địa vị. Sự xuất sắc của pháp sư là ở chỗ đối với lịch sử văn hoá, tôn giáo, phong tục..v..v….. của Ấn Độ đều ghi chép cụ thể và cống hiến thật vĩ đại. Do đó sách vở của pháp sư trở thành tư liệu tất yếu của Lịch Sử Ấn Độ để nghiên cứu. Sự quan hệ về truyền ký của pháp sư Huyền Trang có thể tham khảo nơi Đại Đường Từ Ân Pháp Sư Truyện.

Phật Giáo truyền vào Trung Quốc từ đời Tần Hán, trải qua Hán, Ngụy, Lưỡng Tấn, Nam Bắc Triều và cho đến Tùy Đường, trong thời gian đó thì rất phát đạt và phát đạt nhất là hai triều đại Tùy Đường. Thời bấy giờ, Phật Pháp tại Trung Quốc thì hoàn toàn áp đảo tất cả học thuyết khác và có thể nói đây là thời kỳ của trào lưu mới đối với Trung Quốc.

Tam Tạng Pháp Sư  tức ngài Huyền Trang không phải một người có địa vị thông thường mà ở đây chính là chỉ cho một pháp sư có địa vị thông suốt Tam Tạng. Tam Tạng tức là Kinh, Luật, Luận, là danh xưng tổng quát của Phật Giáo. Xưa nay người học Phật Pháp đã từng nghiên cứu một Tạng, hoặc Kinh, hoặc Luật, hoặc Luận là tùy theo sở thích của cá nhân. Trong lúc nghiên cứu, tâm họ có chỗ chứng đắc, có khả năng thông suốt Kinh Tạng được gọi là Kinh Sư, thông suốt Luật Tạng được gọi là Luật Sư, thông suốt Luận Tạng được gọi là Luận Sư. Tiêu biểu như người xuất gia của Trung Quốc chuyên tu tập ngồi thiền tất nhiên được xưng là Thiền Sư. Ngài Huyền Trang đã thông suốt ba Tạng cho nên được gọi là Tam Tạng Pháp Sư. Bộ Duy Thức Tam Thập Luận đây chính là xuất thân từ bộ Tam Thập Luận của Phạn văn do pháp sư Huyền Trang sử dụng văn Trung Quốc phiên dịch lại.