QUAN NIỆM TRIẾT HỌC CỦA DUY THỨC
Người giảng: Pháp Sư PHÁP PHẢNG
Người dịch: THÍCH THẮNG HOAN

 

CHƯƠNG I

A.- DANH NGHĨA TRIẾT HỌC

(Triết Học, Phệ Đà, Bát Nhã)

Triết Học là một danh từ và danh từ này không có trong Cổ Thư của Trung Quốc. Sau khi Nhật Bản duy tân, danh từ triết học đây được dịch từ ngôn ngữ Philosophy của Anh Văn và Trung Quốc dùng theo. Nhưng Trung Quốc thời xưa, người trí thức cũng thường được gọi là triết nhân. Sở học của triết nhân được gọi là triết học. Xét cho cùng nguồn gốc chữ Philosophy nguyên là chữ Philiastes – Sophias 1, Trung Quốc dịch là Ái Trí. Người Tây Phương đầu tiên sáng kiến và sử dụng danh từ này chính là Tỷ Tháp Ca Lạp Tư (Pythagore). Thời xưa người Tây Phương vì bị áp bức tiếp nhận tư tưởng của tôn giáo chẳng dám nói trí tuệ là thuộc của loài người và họ bị bắt buộc phải chấp nhận trí tuệ là thuộc về của Thiên Thần. Do đó, họ vì sợ phạm lỗi bất kính với Thiên Thần cho nên tự mình không dám xưng là nhân trí mà chỉ xưng là trẻ nhỏ của khất trí. Chỉ có Trời thì mới biết đặng trí tuệ chắc chắn là của loài người, hơn nữa có bộ phận trí tuệ là bản năng của loài người, cho nên loài người mới cần cầu đến bản tánh của trí tuệ này. Nhờ trí tuệ đó, loài người mới có khả năng tiến thủ hướng thượng, nhưng so với các loài động vật khác thì không giống nhau.

Văn hoá tối cổ của Ấn Độ là Phệ Đà, dịch đúng là Nhật Minh và ý nghĩa đích thực của Nhật Minh là trí tuệ. Người Ấn Độ thời xưa rất vui mừng và ưa thích đọc tụng xướng ca Thánh Điển Phệ Đà với mục đích là để khai thị trí tuệ của họ. Truyền thuyết cho rằng Thánh Điển Phệ Đà cũng là sáng tạo của Thiên Thần. Nhưng Thánh Điển Phệ Đà nhất định phải là người của Thiên Thần Bà La Môn mới có quyền tin tưởng và phụng hành, chính là các giáo sĩ Bà La Môn mới có khả năng đọc tụng.

Còn các triết học Trung Quốc nếu như dùng Kinh Dịch để đại biểu thì cuối cùng có thể gọi là Dịch Học.

Nơi Phật Giáo thì có kinh Bát Nhã và Bát Nhã chính là trí tuệ. Học sinh Phật Giáo cốt yếu là phát tâm cầu trí tuệ nên phải học Bát Nhã và ở trong kinh Đại Bát Nhã, Phật Giáo thì thế nào cũng khích lệ khuyên người đi học Bát Nhã! Lại có một cốt truyện nói về một vị Bồ Tát cầu Bát Nhã đã đạt được mục đích chính là Bồ Tát Thường Đế. Theo Bồ Tát, ly khai Bát Nhã thì hoàn toàn không có Phật, toàn bộ Phật Học là Bát Nhã Học và Bát Nhã Học cũng chính là Triết Học Phật Giáo.

Trí tuệ của triết học theo quan niệm của Phật Giáo nhận xét không phải của Thần Học mà chính là của nhân loại, một thứ lý tánh giác ngộ siêu việt của nhân loại. Làm thế nào để thấy được? Triết Học thì có Triết Học Thường Thức 2, Phật Học thì có Thế Gian Cực Thành Chân Thật Trí, tức là một loại lý trí luôn luôn quan hệ nơi sự sinh hoạt của nhân loại trong thế gian và ngoài ra trong Phật Học còn có chỗ gọi là Trí Tuệ Siêu Nhân Loại, chính là sự giác ngộ của chứng ngộ lý tánh qua kinh nghiệm và nó không phải là thứ giác ngộ thường có của thường thức. Như hiện tượng lý trí thực nghiệm của Khoa Học, như hiện tượng lý trí thực chứng của Triết Học Kinh Nghiệm, như hiện tượng giác ngộ tu chứng của Phật Học, những thứ lý trí này vừa là triết học chân đế, vừa là trí tuệ chân chánh. Trí tuệ của Phật Học quan niệm ở chỗ chú trọng nơi sự thể hội, nơi sự giác ngộ, chú trọng nơi sự tham học một cách chân thật để minh tâm kiến tánh.

 

B.- PHƯƠNG PHÁP CỦA TRIẾT HỌC:

Duyệt qua danh nghĩa của triết học trên, những triết nhân, những kẻ giác ngộ từ xưa đến nay đều khai thị cho nhân loại mong cầu đạt đến một thứ lý tánh cao thượng vượt qua một thứ sinh hoạt của trí tuệ, vượt qua một thứ sinh hoạt của nghệ thuật. Như thứ sinh hoạt của Thiền của Thiền Tông Trung Quốc chính là sinh hoạt nghệ thuật của triết học.

 Nhân loại tiếp nhận sự giáo dục mong cầu tri thức đều là mở bày và phát triển thiên tánh của nhân loại, tức là bản năng của trí tuệ, hoặc là tánh năng của tự giác; cho nên tri thức là do học tập mà có và thuộc về ngoại lai. Còn trí tuệ thì nhất định không phải thuộc về ngoại lai mà chính là tánh năng giác ngộ của nội tại. Do đó, nơi học hiệu, tri thức thì được các học sinh tiếp nhận từ nơi sự giáo dục của các giáo sư  và các học sinh chỉ có thể học tập được một số tri thức nào đó của các giáo sư mà thôi.

Hơn nữa các giáo sư  cũng chỉ có khả năng nắm giữ phần nào những thứ luận lý của đông tây để khai thị tánh giác ngộ của mình cho học sinh, nhưng họ không thể đem toàn bộ trí tuệ của mình trao truyền cho học sinh. Từ xưa đến nay các Thiền Sư và các nhà Lý Học đời Tống Minh giáo dục các học sinh đều chỉ sử dụng có một cách là khai thị. Cho nên Phật nói: “Khai thị ngộ nhập tri kiến của Phật”. Còn các Nho Gia chỉ dạy: “Trí tri tại cách vật” (Muốn biết đến nơi đến chốn thì phải xét cho cùng lý lẽ của sự vật). Căn cứ nơi ý kiến trên, Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận nói rằng: “Năng lập và năng phá là chỉ ngộ tha, hiện lượng và tỷ lượng là chỉ tự ngộ”. 3

Nhân Minh Luận có chỗ gọi là Lượng Luận mới là phương pháp luận lý chân chánh để cầu trí tuệ. Nhân Minh là phương pháp luận lý của Duy Thức Học và Duy Thức là cảnh giới chân lý của trí tuệ, lẽ tất nhiên phải do Nhân Minh thẩm định. Duy Thức Học đã là chỗ nguyên lý của tánh sai biệt và của tánh chân thật nơi mỗi sự vật, nhưng phải trải qua phương thức luận lý của Nhân Minh. Từ đó, Duy Thức Học cũng có thể cho là Triết Học Tư Duy, hoặc là Triết Học Biến hay là Triết Học Lượng, nguyên vì Duy Thức Học là tìm cầu lý tánh chân thật, nhận thức lý tánh chân thật, chứng đắc lý tánh chân thật, cho nên gọi là Lượng Quả, cũng tức là Tri Thức vậy.

C.- TÁNH CHẤT CỦA TRIẾT HỌC VÀ VẤN ĐỀ “HỮU” (CÓ) CỦA DUY THỨC:

Căn cứ theo những ý kiến đã trình bày ở trước, chủ yếu nhắm đến của triết học là mong cầu để hiểu biết, khi đối với vũ trụ nhân sanh mong cầu đạt đến một thứ duy nhất là thấy sáng tỏ và biết chân thật, tức là chỉ cho trí tuệ. Tri thức của triết học có hai phương diện: Năng Tri và Sở Tri.

Chữ “Tri” đúng nghĩa là hiểu biết chân thật, có khả năng thuyết minh đầy đủ một sự kiện của một sự vật nào đó là cái gì, là như thế nào mà ở đây không phải chỉ cho tánh chất thiết yếu chân thật như thế của nó, nghĩa là nhất định phải tìm kiếm cho được nguyên nhân sanh khởi ra nó, đó chính là nhiệm vụ chủ yếu của các nhà triết học. Tri Thức đạt được xác thực và thiết yếu từ nơi nguyên nhân sanh khởi chính là tri thức của khoa học, cho đến triết học nói trên cũng là một thứ khoa học. Từ đây trở về trước triết học được trình bày bao gồm cả khoa học, nhưng từ đây trở về sau khoa học thoát ly khỏi triết học để độc lập. Hiện tại triết học thì trở thành thục lùi và tư  cách lại hoàn toàn phụ thuộc nơi khoa học.

Chúng ta nương tựa vào đâu để hiểu biết? Ngoại trừ Luận Lý Học ra, căn bản là nương tựa vào lý tánh để hiểu biết.

“Sở Tri” (nơi hiểu biết) là gì? Hoặc giả nói rằng hiểu biết ít nhiều về cái gì? “Triết học thì cho tất cả sự vật tồn tại đó đây đều là đối tượng, nhưng mà trong tất cả sự vật tồn tại đó, cái quan trọng bậc nhất để nghiên cứu chính là nguyên nhân sanh khởi ra chúng. Ngược lại, tất cả khoa học lại khác hơn là một khi nghiên cứu sự vật gì của một thứ tồn tại nào thì trên lãnh vực đó đều cho nguyên nhân sanh khởi ra chúng là chỗ thứ yếu của sự nghiên cứu”. Vì thế chúng ta có thể nói triết học là tri thức vô cùng cao cả trong nhân loại. Cho nên chúng ta định nghĩa Triết học chính là nói đến thể phổ biến của các thứ hoa học. Nhờ nương tựa vào triết học, chúng ta mới thấy được lý tánh và sử dụng lý tánh để nghiên cứu nguyên tắc tối cao của tất cả sự vật, cho nên Địch Ca Nhĩ nói rằng: “Triết học đã tiếp thu khoa học khác, là tổng thể của khoa học”.

Căn cứ những ý nghĩa trên, chúng ta có thể khẳng định: Triết học tựu trung chính là Hình Nhi Thượng Học. Trương Đông Tôn nói rằng:

 “Hệ thống tri thức của Hình Nhi Thượng Học là “Hữu” hoặc là “Thể” (Being) làm khái niệm cơ bản. Quan hệ nơi khái niệm phân chia có hai loại: một loại là “Bản Chất” của sự biến hoá, một loại là động lực thúc đẩy biến đổi làm “Tuyệt Đối” hoặc làm “Toàn Thể”, đây chính là đặc điểm Triết Học Phân Kỳ của Trung Quốc và của Tây Phương. Từ khái niệm của thực chất lại sản sanh khái niệm “Bản Thể” (Substance) của thực chất đó. Nhưng Trung Quốc thì khác hơn, ngoại trừ Lão Tử chủ trương: “Có một loại vật được thành hình từ nơi hỗn mang trước khi trời đất sanh ra”, đại khái đều không hướng về phương diện khái niệm nói trên để phát triển. Trái lại, Triết học tây phương thì thỉ chung hoàn toàn chẳng ly khai vấn đề khái niệm Bản Thể (Substance). Gần đây mặc dù có phong trào vận động bày trừ khái niệm này, nhưng chúng ta tất nhiên phải biết đạo lý khái niệm này có thể phế bỏ mà Thể (Being) của khái niệm này quyết định không thể phế bỏ, nguyên vì giả sử Thể (Being) của khái niệm đây một khi bị phế bỏ thì Hình Nhi Thượng Học lại hoàn toàn bị mai một luôn. Phải biết đối với vấn đề Thể (Being) của khái niệm, Hình Nhi Thượng Học cho là “Hữu” (Có) và họ nắm lấy cái “Hữu” đó tạo ra một phạm trù để sử dụng. Có một số triết học thì dùng kinh nghiệm làm điểm cơ bản xuất phát, nhưng các triết học này vẫn nắm lấy kinh nghiệm và chấp nhận cho là “Hữu”. Căn cứ theo đó chúng ta có thể chia thành hai khuynh hướng: “Hữu Đầu Tiên” (Hữu Thỉ Khởi) và “Hữu Cuối Cùng” (Hữu Tối Chung). Hai tổ chức đây kết cuộc rồi chỉ là một cá thể mà thôi…, nguyên vì nơi triết học cuối cùng đồng thời cũng chính là đầu tiên. Nói chung lại, tất cả hệ thống Hình Nhi Thượng Học quyết định không có một cá thể nào có thể ly khai khái niệm về cái “Hữu” này.4

 Về Phật Giáo, Tư tưởng thì có hai học phái lớn: một là học phái Duy Thức, học phái này giảng về “Hữu”, cho nên các nhà học Phật thường gọi là Hữu Tông; hai là học phái Tam Luận, học phái này giảng về “Không”, cho nên các nhà học Phật thường gọi là Không Tông. Chúng ta hiện nay thường giảng về Duy Thức Học đều hướng về cơ sở của hệ thống “Hữu” nơi Hình Nhi Thượng Học để trình bày và cũng là nghiên cứu sâu xa nguyên tắc tối cao của vạn hữu vũ trụ. Riêng tôi, trong một câu văn: “Nghiên cứu về Hữu”, chính tôi đã từng nói: “Nếu như đem Phật Giáo tạo dựng một thứ triết học tối cao thì chữ Hữu mới là đại biểu một nữa bộ phận triết học Phật Giáo”.

D.- PHẠM VI TRIẾT HỌC VÀ DUY THỨC HỌC:

 Đây chỉ là trình bày điểm trọng yếu của triết học để nghiên cứu ít nhiều vấn đề gì đó. Đại khái chỗ nghiên cứu của triết học cũng chính là chỗ nghiên cứu của Duy Thức Học và phạm vi chỗ nghiên cứu thì vô cùng rộng lớn. Tại Trung Quốc, chỗ nghiên cứu của triết học chính là nghĩa lý. Tại Ấn Độ, chỗ nghiên cứu thì gồm có những danh xưng như: Tứ Phệ Đà, Ngũ Minh, Thập Ưu Ba Ni Sa Đàm. Các nhà triết học cổ đại Hy Lạp căn cứ nơi triết học phân làm ba bộ phận: một là Vật Lý Học, hai là Luân Lý Học và ba là Luận Lý Học. Còn các nhà triết học hiện tại thì phân loại phạm vi của triết học thành: Bản Thể Luận, Nhân Sanh Luận và Tri Thức Luận.

1)- BẢN THỂ LUẬN:

Bản Thể Luận là bộ phận chuyên nghiên cứu đạo lý của thế giới vũ trụ, nghiên cứu bản thể của “Tồn Tại” và nghiên cứu yếu tố của “Chân Thật”. Bản Thể Luận cũng gọi là Vũ Trụ Luận, nghĩa là bộ phận chuyên nghiên cứu sự khởi nguyên của thế giới và lịch sử phát triển..v..v…. của nó.

2)- NHÂN SANH LUẬN:

Nhân Sanh Luận là bộ phận chuyên nghiên cứu nguồn gốc của nhân sanh, nghiên cứu loài người phải chăng do động vật tiến hoá thành. Bộ phận này bao gồm nghiên cứu Tâm Lý Học của loài người và yếu tố Luân Lý Học của con người như thế nào.

3)- TRI THỨC LUẬN:

Tri Thức Luận là bộ phận chuyên nghiên cứu sự sanh sản của tri thức, cũng như nghiên cứu tánh chất và sự tác dụng của tri thức. Bộ phận này còn nghiên cứu luôn cả vấn đề chân, ngụy, tà, chánh của tri thức, cho nên được gọi là Tri Thức Luận Lý. Tri Thức Luận Lý gồm có:

a)- A Lại Da Thức Thứ Tám Của Duy Thức Học:

A Lại Da Thức thứ tám của Duy Thức Học là bổn luận của tất cả pháp, như Nhiếp Đại Thừa Luận gọi là “Sở Tri Y” (Sở Tri tức là chỉ cho vạn hữu vũ trụ. “Y” chính là ý của bản thể). Hơn nữa, như trong ba Tự Tánh, ngoại trừ “Ngã Tướng và Pháp Tướng” vốn không của Biến Kế Sở Chấp, “Y Tha” và “Viên Thành” đều thuộc về “Hữu” và “Tồn Tại”. Nhưng vấn đề “Hữu” của các pháp ở đây thì lại nương tựa nơi A Lại Da Thức mà có, cho nên Bản Thể Luận của Duy Thức Học chính là A Lại Da Thức.

b)- Mạt Na Thức Thứ Bảy Của Duy Thức Học:

Mạt Na Thức thứ bảy của Duy Thức Học chính là nguồn gốc sanh khởi của tất cả nhân ngã, thị phi, tà chánh. Thức “Mạt Na” nếu như không có thì nhân ngã cũng không có và tất cả xã hội cũng trở thành bình đẳng, tự do, tự tại. Quan niệm cơ bản về luân lý đạo đức của nhân sanh đều được kiến lập từ nơi Thức này. Cho nên Mạt Na Thức chính là Nhân Sanh Luận của Duy Thức.

c)- Sáu Thức Trước Của Duy Thức:

Sáu Thức Trước của Duy Thức tức là năm cảm quan hiểu biết và Ý Thức tri giác của chúng ta, đó là nguồn gốc của tất cả tri thức, như “Chân Duy Thức Lượng”, ..v..v… của Tri Thức Luận đều căn cứ nơi năm Thức trước để kiến lập. Hơn nữa tất cả hành vi của nhân loại hoạt động tạo tác các điều thiện, tạo tác các điều ác đều được kiến lập nơi trên những Thức này. Tất cả hiện tượng tác dụng của tâm lý, tất cả tánh chất..v.. v… thể hiện rộng lớn đều lệ thuộc nơi sáu Thức này. Phạm vi mong cầu hiểu biết về thực nghiệm của khoa học quyết định không thể vượt ra khỏi phạm vi của năm Thức trước. Các nhà triết học suy xét hoặc tư duy đều không ra khỏi phạm vi của Ý Thức, cho nên Tri Thức Luận của Duy Thức là được kiến lập từ nơi sáu Thức trước.

Giờ đây, tôi căn cứ nơi ba phương diện đã trình bày ở trên để giảng giải Duy Thức Tam Thập Luận. Tôi chỉ mong cầu giảng giải dễ dàng cho phổ thông quần chúng mà không phải mong muốn dựng lên kiểu mới cho kỳ lạ.

 

E.- MỤC ĐÍCH CỦA TRIẾT HỌC DUY THỨC 5

Duy Thức Triết Học thuyết minh Biến Kế Sở Chấp thì thuộc về loại Không, Y Tha Khởi thì thuộc về loại Có (hữu) trong hư vọng, Viên Thành Thật thì thuộc về loại Có (hữu) một cách mầu nhiệm. Nguyên vì chủ trương Có (hữu), cho nên học phái này cũng gọi là Hữu Tông. Hôm nay căn cứ vào chủ trương trên, ý nghĩa của chữ “Hữu” (có) xin được thuyết minh thâm ý triết học của nó.

Ý nghĩa của chữ “Hữu” (có) căn cứ trên phương diện văn tự để quan sát chẳng qua là ngôn từ đối đãi giữa chữ “Hữu”(có) và chữ “Vô” (không) mà thôi, tợ hồ không có ý nghĩa chi cả; nhưng chúng ta sử dụng tư tưởng sâu sắc để nghiên cứu, nhờ đó mà giác ngộ đặng ý nghĩa sâu rộng của chữ “Hữu” (có). Không chỉ nơi lãnh vực triết học, ý nghĩa của chữ “Hữu” (Being) còn có tánh chất trọng yếu, triết học “Hữu” (Being) lẽ đương nhiên là một thứ phạm trù và ngay cả nơi tông giáo cũng có địa vị tương đương không kém; triết học “Hữu” đối với sự quan sát của Phật Giáo ý nghĩa lại càng vi tế.

Triết học “Hữu” ở bên trong nếu đem so sánh trên vật sở hữu thì ý nghĩa của nó được xem như là Có và Không, nhưng ý nghĩa tột đỉnh của “Hữu” thì rộng lớn phi thường. Thí dụ như nói: “Có đây có kia”, “Có lý có sự”, “Có nhân có ngã”, cho đến như nói “Vạn hữu vũ trụ”, “Sum la vạn tượng” đều hoàn toàn là ý nghĩa của “Hữu” này cả. Triết học “Hữu” của vạn hữu vũ trụ nói trên, từ xưa đến nay thường gọi là trời đất nhân sanh, tất cả của tất cả, hình hình sắc sắc, kỳ kỳ quái quái, sự sự vật vật, kia kia đây đây, người người ta ta,..v..v…., tất cả đều không thể ra khỏi phạm trù của “Hữu” này. Cho đến tất cả hiện tượng trong không gian của vũ trụ nếu như quan sát và so lường thì không ngoài ý nghĩa của “Hữu” này. Cho nên ý nghĩa của “Hữu” được gọi là sâu rộng phi thường.

Triết học “Hữu”, chúng ta nếu như căn cứ nơi “Tánh” của nó để quan sát thì ý nghĩa cũng hết sức thâm sâu mầu nhiệm. Nơi trong triết học Ấn Độ, phái Thắng Luận thiết lập sáu cú nghĩa gọi là sáu phạm trù, trong đó đặc biệt thiết lập “Phạm Trù Hữu”, có khi đặc biệt chú trọng đến sự tác dụng của “Hữu” này và lại thiết lập một danh xưng là “Đại Hữu”. Ý nghĩa tổng quát cho rằng, sở dĩ có “Vạn Hữu Vũ Trụ”, sở dĩ có “Nhân Sanh Thế Giới” đều là do quan hệ với “Hữu Tánh”. Cho nên tại Ấn Độ, ý nghĩa của “Hữu Tánh” rất là trọng yếu nơi trong triết học của phái Thắng Luận. Phật Giáo thì phá trừ thứ quan niệm tri kiến cực đoan cố chấp của phái này cũng rất tổn phí một phần nào công phu.

Nơi trong Phật Giáo quan niệm đối với vấn đề “Hữu” rất là xem trọng, nhất là phái “Thuyết Nhất Thế Hữu Bộ”. Vấn đề “Hữu” phái này chủ trương rất rõ ràng. Họ đề xướng rằng: Vũ trụ nhân sanh tất cả chư pháp không chỉ là Có mà lại là “Thật Có”; không chỉ thể của các pháp Thật Có và thời gian cũng Thật Có. Cho đến học phái Pháp Tướng Duy Thức cũng chủ trương tất cả pháp đều “Có”. Cái “Có” của Pháp Tướng Duy Thức chủ trương nếu như so sánh với cái “Có” của Thuyết Nhất Thế Hữu Bộ thì chỗ kiến giải không giống nhau như: cái “Có” của Duy Thức chủ trương mặc dù là Có, nhưng chẳng phải là “Thật Có”, chỉ là “Giả Có”, “Nhân Duyên Có” và “Duy Thức Có”, mà không phải là “Thật Có” như chủ trương của Thuyết Nhất Thế Hữu Bộ.

Kiến giải về triết học “Hữu” sử dụng để quan sát tánh phổ biến và tánh cộng đồng của các tông phái Phật Giáo tóm lược đại khái gồm có hai loại:

1)- Thứ nhất là “Nghiệp Hữu”, “Quả Hữu”, tánh nhân quả nếu như cho rằng không bị hoại diệt và tồn tại thì Nghiệp Hữu và Quả Hữu nói trên thuộc về loại “Nhân Quả Hữu”, “Như Huyễn Hữu”.

2)- Thứ hai là “Chân Như”, “Niết Bàn”..v..v…. nếu như chủ trương cho là chân lý, là diệu pháp thì cũng thuộc về loại “Hữu”, mà lại chính là “Chân Thật Hữu”.

Đệ tử của Phật Giáo trong thời kỳ tu học Phật Pháp đối với hai vấn đề “Hữu” trọng yếu nói trên như, Nhân Quả Như Huyễn Hữu, Chân Thật Vi Diệu Hữu đều phải quán sát và tư duy một cách thận trọng, điểm duy nhất là không thể cẩu thả. Nơi trong những cảnh giới này, tự mình dùng trí tuệ nhận thức triệt để, cốt yếu làm sao đạt được chỗ tín giải không thể hoài nghi chính là người đầy đủ chánh kiến. Hai vấn đề “Hữu” trọng yếu nói trên tuyệt đối không thể phủ định, cũng như vấn đề quả báo tự mình không có năng lực chọn lựa và không có nhà thông thái nào, không có bậc long sư hay bạn long thiện nào đủ khả năng chỉ đạo để nương tựa; kẻ nào sanh khởi kiến giải sai lầm đi phủ định toàn bộ hai vấn đề “Hữu” trọng yếu này thì kẻ đó hoàn toàn “chẳng được gì cả”! Căn cứ nơi kiến giải, ai chủ trương phủ định toàn bộ vấn đề “Hữu” trọng yếu trên đều trở thành những kẻ thuộc loại “Tổn Thiệt Chấp”, thuộc loại “Đoạn Kiến Luận”! Còn căn cứ nơi sự lý, ai chủ trương theo sự kiến giải nói trên cũng chính là những kẻ loại bỏ không tin nhân quả. Người tri kiến như thế, theo quan niệm Phật Giáo là những kẻ hiểu biết thấp hèn. Du Già Sư Địa Luận nói: “Những thứ người như thế là kẻ tột đỉnh hư vô”; những kẻ hư vô như thế có thể tự bại hoại lấy mình và cũng có thể bại hoại thế gian theo sự kiến giải của họ. Trung Luận nói: “Những hạng chủ trương hư vô như thế, tất cả kẻ trí, những người thật hành phạm hạnh không nên nói năng chung với họ và không nên ở chung với họ”.

Người nghiên cứu Phật Học và người tu trì Phật Học không có ai là không biết rõ giáo nghĩa của đạo lý Phật Giáo và biết rõ rất nhiều. Nhưng phân định một cách đặc biệt rộng rãi và phán định một cách phổ thông, giáo nghĩa “Hữu” của Phật Giáo không ra ngoài hai loại: một là “Hữu Giáo” và hai là “Không Giáo”. Hữu Giáo là chỉ cho những giáo pháp của Phật nói và trong những Thánh Điển đó, tất cả giáo pháp đều tuyên dương học thuyết “Hữu” và “Tồn Tại”. Không Giáo là chỉ cho những giáo pháp của Phật nói và trong những Thánh Điển đó, tất cả giáo pháp đều tuyên dương học thuyết phủ định của cái “Không”. Tất cả giáo pháp tuyên dương học thuyết “Hữu” bao gồm các kinh luận thuộc Tiểu Thừa Phật Giáo như Tứ A Hàm, Lục Túc Phát Trí Bà Sa..v..v….., và các kinh luận thuộc Đại Thừa Phật Giáo như  Thâm Mật, Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Du Già, Duy Thức..v..v…., trong đó Lục Kinh, Thập Nhất Luận của học phái Duy Thức là rất thiết yếu. Còn tất cả giáo pháp tuyên dương học thuyết phủ định của cái “Không” gồm có các kinh luận thuộc Tiểu Thừa Phật Giáo như Thành Thật Luận..v..v…., và các kinh luận thuộc Đại Thừa Phật Giáo như Tam Luận Học Phái, Bát Nhã, Tam Luận..v..v…. Cho đến Thánh Điển Luật Nghi của hai Thừa đều thích ứng cả phương diện “Hữu Giáo”, nhân vì những Luật Nghi đó là những giáo giới mẫu mực của các đệ tử Phật đương thời triệt để hành trì và cũng có thể nói những Thánh Điển Luật Nghi là những quy luật của Tăng Đoàn Phật Giáo hiện thật sinh hoạt. Những Thánh Điển Phật Giáo sở dĩ được phân loại thành hai hệ phái “Hữu” và “Không” là căn cứ nơi phương diện giáo lý và phương diện tư tưởng để phê phán, cho nên những người nghiên cứu Phật Pháp đều xem trọng hai học phái này. Lý do hai học phái “Hữu” và “Không” đây đều là đại biểu toàn bộ Phật Giáo. Căn cứ trên lịch sử phát đạt của Đại Thừa Phật Giáo để quan sát, Giáo Chủ của Phật Giáo chính là Thích Ca Thế Tôn, Giáo Pháp ở thời đại đức Thích Tôn nói mặc dù có vô lượng pháp môn, có trăm ngàn quyển kinh, chung quy chỉ phát động sự tư duy của Ý Thức, tức là Phật Đà quan sát và thuyết minh tư tưởng của vũ trụ nhân sanh, của vạn hữu chư pháp không ngoài hai chữ “Hữu” và “Không” này. Cho nên hai chữ “Hữu” và “Không” trở thành trung tâm tư tưởng Nhị Nguyên Luận của Phật Giáo. Đệ tử Phật đích thân trực tiếp truyền thừa tư tưởng “Hữu” và “Không” nói trên của Đại Thừa Phật Giáo đều cho rằng: Ngài Văn Thù truyền thừa Thánh Điển Phật Pháp của đức Thích Tôn đều quan hệ nơi tư tưởng “Không”; ngài Di Lặc truyền thừa Thánh Điển Phật Pháp của đức Thích Tôn lại quan hệ nơi tư tưởng “Hữu”. Những môn hạ của ngài Văn Thù gồm có Long Thọ, Nguyệt Xứng..v..v….; những môn hạ của ngài Di Lặc gồm có Vô Trước, Thế Thân..v..v…. Hiện nay trong khu vực Đại Thừa Phật Giáo lưu hành, đặc biệt là vùng Tây Vực, hai tư tưởng “Hữu” và “Không” vẫn còn tiếp tục truyền thọ cho nhau.

Từ đó trên phương diện quan sát, tư tưởng “Hữu” có thể đại biểu phân nửa bộ phận Phật Giáo. Đúng như  căn cứ vào một thứ ngôn ngữ triết học vô cùng thâm sâu của Phật Giáo đương thời đã được tổ chức, tư tưởng “Hữu” thì hoàn toàn đại biểu hết phân nửa bộ phận triết học Phật Giáo.

Tư tưởng “Hữu” trở thành “Diệu Hữu” là đặc biệt triệt để căn cứ nơi học lý để minh định và cũng là cảnh giới chí cực vô thượng thậm thâm không thể nghĩ bàn của Phật Giáo. Ý nghĩa “Diệu Hữu” của Phật Giáo lẽ đương nhiên hoàn toàn không phải là ý nghĩa “Hữu” phổ thông mà kẻ phàm phu bình dân thường sử dụng. Ý nghĩa “Hữu” đây là có như thật, có như lý, do Tuệ Không hiển hiện, do Tuệ Không phản chiếu ứng hiện mà tuyệt đối không một mảy may mê man, vì lẽ đó mới gọi là “Diệu Hữu”.

Tư tưởng “Hữu” ở nơi các tôn giáo cũng bao hàm ý nghĩa trọng yếu phi thường. Làm thế nào thấy đặng? Các nhà tôn giáo, ngoài Phật Giáo, đều căn bản là không dám phủ định tất cả cảnh giới hiện thật của vũ trụ nhân sanh; họ giả sử hoàn toàn phủ định tư tưởng “Hữu”, hoàn toàn phủ định hiện thật của vũ trụ và nói rằng tất cả đều là “Không”, tất cả đều là “Không Phải Có”, hoặc tất cả chẳng có tồn tại, cuối cùng bản thân của họ cũng không đứng vững và những lời thuyết giảng của họ bị cho là phản tác dụng. Thí dụ rõ ràng nhất là các nhà tôn giáo đều thừa nhận có Trời hoặc có Thần Linh tồn tại và lại tin tưởng cho Trời và Thần Linh đó đều có một thứ uy quyền, có một thứ thế lực đặc biệt. Uy quyền và thế lực đặc biệt của Trời và Thần Linh nói trên thì siêu việt tuyệt đối và tồn tại độc lập ngoài vũ trụ vạn hữu, từ xưa đến nay thường hằng muôn kiếp không thể hoại diệt. Họ cho Trời hoặc Thần Linh là kẻ sáng tạo ra vũ trụ vạn pháp, là người sản sanh ra nhân sanh vạn vật, là chúa tể tuyệt đối của mọi tất cả, những chúa tể đây đối với họ có quyền năng sáng tạo ưu việt đặc biệt. Như vậy Trời hoặc Thần Linh ở nơi họ không chỉ không dám phủ định sự tồn tại của chúng, đồng thời lại còn tín ngưỡng tuyệt đối sự tồn tại và quyền thế của chúng. Hiện nay các nhà Khoa Học, các nhà Tân Triết Học và các nhà Phật Học quả thật khi sử dụng một thứ chân lý sự thật đi phủ định Trời hoặc Thần Linh thì họ không thể chịu đựng. Cho đến vũ trụ, nhân sanh, thế giới, tất cả vạn hữu ở nơi chúng ta đây lẽ đương nhiên đối với họ đều là do Trời hoặc Thần Linh sáng tạo ra, hơn nữa sanh mạng được tồn tại và sinh hoạt được hưởng thọ khổ vui cũng là do Trời hoặc Thần Linh ban ơn!

Tư tưởng “Hữu” đang được giải thích mang ý nghĩa “Tồn Tại”, lại còn bao hàm ý vị triết học rất sâu. Từ xưa đến nay trong và ngoài, không luận nhà triết học của phái nào, công tác duy nhất là đi tìm kiếm chân tướng của vũ trụ vạn hữu, tìm kiếm căn nguyên sanh khởi của thế giới nhân sanh để mong cầu đạt đến một thứ kiến giải đặc biệt độc lập của trí tuệ cao thượng. Lý do ý nghĩa căn bản ban đầu của triết học là “Cầu Tri”, người công phu đi làm triết học đối với trong không gian và thời gian, đối với khoảng cách của trời đất và nhân sanh, tất cả tự nhiên giới, tất cả nhân giới, họ cốt yếu đều vận động thích ứng, họ ra sức tư duy biện bạch, đi tìm cầu đạt đến tri thức của hiểu biết tất cả chân thật để cùng khế hợp với nhau về đạo lý và sự thật, cho nên được gọi là “Lý Tri”. Triết học của chúng ta chẳng gì khác là ý muốn sinh hoạt của lý trí phải hơn phi thường, chỗ hạ thủ công phu phải vượt hẳn hơn người thường, họ muốn đạt đến “Lý Tri” siêu xuất phi phàm, không phải giải thích theo tri kiến của hạng phàm phu , nghĩa là họ cũng rất ham thích cá nhân họ đạt được “Lý Tri”. Vì lẽ đó các nhà triết học lại cũng xưng là “Ái Tri”.

Lúc bấy giờ các nhà triết học khi trong thời gian chuyên tâm làm việc, nói chung là triệt để tận dụng bộ não của họ phát ngôn những điều thần bí mầu nhiệm và đi tư duy đi suy luận để biện bạch những điều thần bí mầu nhiệm đó. Chỗ tư duy, suy luận và biện bạch của họ đều là tất cả sự vật của vũ trụ, những sự và những vật này hoặc giả là tự nhiên, hoặc giả là nhân sanh. Từ xưa đến nay những điều tư duy và biện bạch của các nhà triết học cuối cùng đi đến kết quả đại khái không ngoài Duy Tâm, Duy Vật, Quan Niệm, Biện Chứng Pháp..v..v…. của vũ trụ. Chúng ta không cần phải đi tìm hiểu lại như thế nào nhiều thêm nữa. Các nhà triết học đối với tự thân của họ, đối với trí tuệ tư duy và biện bạch của họ, họ thâu hoạch được chỗ tri lý và kết luận; nói chung lại, họ đối với đầu não, đối với tâm lý có khả năng tư duy và biện bạch của họ, đồng thời đối với vũ trụ là chỗ tư duy và biện bạch, cho đến đối với chỗ kết quả thâu hoạch được, họ tuyệt đối không hội đủ điều kiện để phủ định sự chẳng tồn tại của chúng. Lại tiến thêm một bước nữa, họ cho rằng chỗ kết quả thâu hoạch được đúng là muôn ngàn chân thật, muôn ngàn chính xác, không bao giờ biến hoá, không bao giờ đổi khác. Khoa học đối với vấn đề quan sát vũ trụ khách quan thì chú trọng nơi sự kinh nghiệm, không có trải qua kinh nghiệm của khoa học thì không đủ để tin là chân thật, chỗ đạt đến tri thức cũng không thể tính là chính xác. Theo các nhà khoa học, những sự những vật duy nghiệm và phân tích thành mới cho là chân thật; những tri thức đã có mới cho là chính xác. Khoa học đối với những sự vật trong vũ trụ khách quan “chỉ nghiên cứu quan hệ, chỉ trình bày cho chúng ta cách sử dụng những phương thức quan hệ, ngoại trừ đây ra thì không có khả năng tính và khách quan tính”. Phương pháp khoa học thì rất tiến bộ về sự huyền diệu tối hậu của vũ trụ: theo Vật Lý Học..v..v…. từ Phân Tử Luận đến Nguyên Tử Luận, từ Nguyên Tử Luận đến Điện Tử Luận, từ Điện Tử Luận đến Lượng Tử Luận, từ Lượng Tử Luận mà suy luận đến “Lực”, từ Lực lại phát hiện đến “Năng”, lại từ Số Học tối tân phát minh Tương Đối Luận. Tóm lại, những kết luận trên của khoa học đây đối với “Vật” và “Tâm”, tri thức suy nghiệm phân tích mỗi mỗi quan sát thì không giống nhau, nhưng mà đối với chỗ tham khảo nghiên cứu, tánh khách quan của vũ trụ, của sự và vật nhận định thì tồn tại, đã tồn tại thì nhất định là “Hữu”. Họ biết rõ con đường biến động của vật thể thì không dừng lại. Nhân đó có mỗi mỗi phương thức khoa học không giống nhau, quan hệ không giống nhau và phép tắc quan hệ của phương pháp tóm lại cũng là phương pháp của khoa học. Phương pháp của khoa học là vạn năng, phương pháp của vạn năng chính là phương thức thực nghiệm thật tánh tồn tại của vật thể; sử dụng sự quan hệ không giống nhau này để tham khảo sự liên hệ của sự vật. Những “Phương Thức” và những “Quan Hệ” đây, trên lãnh vực khoa học cũng quyết định là tồn tại, đã tồn tại thì tựu trung cũng là “Hữu”. Do phương thức quan hệ của khoa học, thực nghiệm đạt được “Tri Thức” và Tri Thức đây thì cũng tồn tại, đã tồn tại thì tựu trung cũng là “Hữu”, nguyên vì đã là “Hữu” thì không thể nói là “Vô”, nói là “Không” được.

Cố nhiên Phật Pháp thì cũng nói rộng về ý nghĩa “Không”, biểu tượng như kinh Đại Bát Nhã 600 quyển đều hoàn toàn nói về ý nghĩa “Không”. Những kinh điển có nói về ý nghĩa Không đây rất phổ thông thường đề cử mười tám loại Không, hoặc hai mươi loại Không, chỉ cốt yếu là muốn cho chúng ta biết rõ đạo lý về ý nghĩa Không của Bát Nhã, tuyệt đối không phải là hoàn toàn phủ định, hoàn toàn đoạn diệt tất cả thể tướng của sự vật trong vũ trụ mà nói lên về ý nghĩa Không thuộc loại đoạn diệt và cũng không phải là loại Ngoang Không giống như Thái Không của trời xanh. Nghĩa Không được đề cập đến ở đây là:

*- Thứ nhất là phá trừ tướng ngã chấp và tướng pháp chấp, nguyên vì tự tánh tồn tại của ngã chấp và pháp chấp chính là tự tánh tồn tại hư vọng, hoàn toàn che lấp bản tướng tánh khách quan của sự và vật, mà lại còn khiến cho tri thức hư vọng của tướng ngã chấp hoặc của tướng pháp chấp trở nên hiểu biết không chính xác, hiểu biết điên đảo, hiểu biết “trong cái Không sanh ra cái Có”, giống như thứ tri thức điên đảo không chính xác không qua khoa học thực nghiệm. Những điều trình bày trên thì thích ứng với nghĩa “Không” của Bát Nhã vậy.

 *- Thứ hai là thể chất căn bản của tất cả “Sự” và “Vật” muôn ngàn chân thật, muôn vạn chính xác quyết định không có một loại Tánh (Tự Tánh) nào cố định tồn tại cả, theo như Phật Pháp nói rằng “Tất cả pháp không có tự tánh” đều là ý nghĩa của loại này vậy. Mỗi một Sự hoặc mỗi một Vật đều không có Tánh cố định cho nên gọi là “Không”! Những Sự hoặc những Vật gì không có Tánh cố định? Nguyên nhân là bản thể của mỗi Sự của mỗi Vật đều do rất nhiều và rất nhiều Sự hoặc Vật riêng biệt nhau bên ngoài tổ chức thành. Tách rời tất cả Sự hoặc Vật riêng biệt bên ngoài thì mỗi một Sự hoặc mỗi một Vật nói trên hoàn toàn không có. Nhưng hôm nay hình trạng hiện tượng tồn tại của mỗi Sự của mỗi Vật chẳng qua chỉ là vài thứ Sự hoặc vài thứ Vật dựa theo phép tắc quan hệ của phương thức nào đó tổ chức thành một loại hình thái mà thôi! Ngoại trừ những thứ đây cái gì tồn tại có tánh cách cố định? Như vậy vấn đề “Không” ở đây được đề cập đến chính là “Sắc tức là không” và cũng có thể nói “Không tức là sắc”.

Nghĩa thứ nhất đã được trình diện là đả phá sự tồn tại của tướng ngã chấp và nghĩa Không thứ hai đã được biện minh là đả phá sự tồn tại của tướng pháp chấp. Giả sử hai loại nghĩa Không đây nếu như được minh bạch thì tri thức quyết định không gặp điên đảo. Tri thức không còn điên đảo thì tri thức hoàn toàn thông đạt được nghĩa Không mà tôi thường nói là Bát Nhã. Nghĩa Không nếu như không có huệ của Bát Nhã thì không thể đạt đến một cách thông suốt đầy đủ.

Như vậy nói đến nghĩa Không là quyết định không trở ngại sự tồn tại như thật, sự tồn tại như lượng của tất cả sự vật. Kinh Bát Nhã nói: “Không hoại diệt giả danh mà nói thật tướng”. Lại nói: “Do vì có nghĩa Không, tất cả pháp được thành tựu”. Lại nói: “Do vì Bát Nhã Ba La Mật Đa mà có thể biện bạch tất cả những việc thù thắng được thành tựu”.

Bởi thế, nghĩa Không của Phật Pháp có thể sử dụng để tri đạo, không phải phủ định triệt để tánh khách quan tồn tại của sự và của vật. Chúng ta hiện tại có thể nói như thế, nói nghĩa Không trong Phật Pháp chính là dùng để bảo trì sự tồn tại của tất cả sự và vật, cho nên mới nói là Không. Nguyên do nghĩa Không nếu như không đề cập đến thì tất cả sự hoặc vật hiện thật của vũ trụ lại gặp ngã chấp pháp chấp của nhân điên đảo và tri thức của tánh hư vọng đi phá hoại, đi cản trở mà không đặng giao tiếp

lẫn nhau để thành tựu khắp nơi! Tất cả sự hoặc vật của vũ trụ nếu như không đặng giao tiếp lẫn nhau để thành tựu khắp nơi thì không thể trợ giúp cho nhau để được lợi ích. Chúng nó vì không thể trợ giúp cho nhau để được lợi ích thì nhất định bị ngăn cách mà trở thành đối đãi với nhau; do đối đãi mà chúng nó trở thành đối nghịch lẫn nhau; nhân đối nghịch với nhau thì sự lợi hại phá hoại lẫn nhau; đây là quy luật tất nhiên và cũng có thể nói là “Luật Hàm Số” của phép tắc tự nhiên.

Nghĩa Không sở dĩ được đề cập đến là vì muốn thành lập “Diệu Hữu”. Chúng ta không thể nhân vì Phật Pháp nói nghĩa Không mà lại cam tâm tình nguyện đi theo đoạ lạc, đi tạo tác tất cả độc ác, lại còn chẳng thấy được vô lượng công đức thù thắng trong Phật Pháp mà phải bị đoạ vào đường tà! Chúng ta nhất là không nên nhân vì trong Phật Pháp nói nghĩa Không, như nói Vô Nhân Tướng, Vô Ngã Tướng, Vô Chúng Sanh Tướng, Vô Thọ Giả Tướng, rồi chúng ta lại chỉ trông thấy có riêng mình mà bất chấp tất cả người ngoài mình, cho đến những bậc phi nhân và những bậc siêu nhân. Chúng ta không nên vì nói đến “Vô Ngã Tướng”, lại bám lấy nhân cách, bám lấy Phật Tánh của riêng mình mà hoàn toàn đi phủ nhận sự tồn tại; chúng ta không nên vì nhân cách vì Phật Tánh của riêng mình mà lại đi tạo tội ác. Chúng ta không thể nhân vì nói “Vô Chúng Sanh Tướng” rồi lại chấp tất cả chúng sanh cho là loại hữu tình mà bỏ qua không đi cứu độ, thậm chí còn đi làm tổn thương cho tất cả chúng sanh. Chúng ta không thể nhân vì nói “Vô Thọ Giả Tướng” mà lại liền không chú trọng đến sanh mạng của mình, hoặc giả còn khinh thị sanh mạng của mình mà đi tự sát. Có một số đệ tử Phật không minh bạch được nghĩa Không đây một cách chân chánh, điểm duy nhất là họ chạy theo chỗ tín ngưỡng lại bắt buộc đi hủy hoại thân thể của mình, như đốt đầu, thiêu ngón tay, tuyệt thực, đâm đầu vào vách núi để mong cầu công đức viễn vông!

 Tứ Đại đương nhiên vốn là không, Ngủ Uẩn tự nó không phải là ngã, Tứ Tướng cố nhiên cũng là vô ngã. Nhưng chúng ta không thể căn cứ nơi lời nói không, lời nói vô ngã đây mà lại bị mù quáng nơi chỗ giải lầm đi làm hư hoại tự thân của mình, hủy diệt tiền đồ của mình và hủy diệt Phật Pháp. Chúng ta cần phải tri đạo và nhân vì nghĩa Không này, chúng ta lại càng yêu quý thân thể của chúng ta cốt yếu để bảo vệ Phật Pháp!

Phật Pháp lẽ cố nhiên khả dĩ cho là Không Môn, nguyên vì Phật Pháp chính là không tất cả chấp tướng và không tất cả tri thức điên đảo, cho đến không tất cả thị phi điên đảo do vọng chấp thấy ngược của chúng ta sanh khởi, không tất cả hiện tượng tâm lý và hiện tượng vọng chấp của mê mộng của tán loạn gây nên. Nhưng quyết định không phải là không công hạnh của chúng ta, không phải là không tội ác của chúng ta, công hạnh và tội ác mặc dù không có tự tánh, nhưng không thể viện cớ Phật Pháp nói không thì sẽ mãi mãi không có việc gì, số mạng ra sao chịu vậy, chỉ biết nương tựa nơi Phật và Bồ Tát mà thôi. Hơn nữa không thể nhân vì nói đến Không Môn, chúng ta cuối cùng mỗi người đều được thanh nhàn tự tại, cho nên sống tạm bợ cầu an, ngồi không ăn rồi cho qua ngày đoạn tháng. Lại nữa không thể nhân vì nói đến Không Môn, chúng ta chẳng chịu tạo tác tất cả sự nghiệp; chúng ta cần phải nổ lực để thực hiện tất cả sự nghiệp. Vẫn còn nữa, chúng ta không thể nhân vì nói đến Không Môn lại đi nhận chịu người ta giết hại, lại đi nghe người ta hủy bán mắng chửi, thậm chí còn sĩ nhục tất cả, mặc dù chúng ta là môn đồ Phật Giáo của Không Môn.

Chúng ta hiện tại cần phải hướng về lộ trình “Hữu” để đi, hướng về đại lộ bằng phẳng “Diệu Hữu” để chạy! Nguyên vì “Diệu Hữu” là “Trung Đạo”, chỉ có “Diệu Hữu” mới là “Chân Không” và “Chân Không” thì quyết định thành “Diệu Hữu”. Gần đây có một số người nhân vì mê man chạy theo Vô Thượng Thiền Mật lại chẳng tin nhân quả, chẳng tu công đức, rộng tạo ác nghiệp, chỗ gọi là chuyên tu cái Không Thắng Giải và cái Không Thắng Giải này chẳng phải công đức lợi lạc thù thắng của Niết Bàn, cho nên cũng chẳng chịu tu tích lủy tất cả tư  lương. Những người như thế hoàn toàn không làm gì cả, tâm niệm tín ngưỡng Tam Bảo lâu đời của họ cũng tiêu diệt luôn, đây đều là bởi do cái Không mà họ thọ nhận những điều độc hại đến thế! Rồi họ sẽ bị đoạ vào Địa Ngục La Võng! Cho nên chúng ta ngày nay cần phải quay về đi trên lộ trình của “Hữu” vậy.

Chúng ta như đã nói trong Phật Pháp không cần nói đến cái Không và chúng ta cũng không phải thọ nhận sự tai hại của cái Không mà ở đây chúng ta cốt yếu chỉ cần đạt được sự lợi ích của cái Không mà thôi. Tăng đồ Phật Giáo Trung Quốc vì không hiểu rõ chân nghĩa của cái Không đi giải thích sai lầm về chân nghĩa của cái Không, cho nên hoàn toàn nhận lấy sự độc hại trong cái Không. Cái “Không” thực tại là một thứ cảnh giới rất cao sâu, một thứ cảnh giới thậm thâm lại thậm thâm, cốt yếu ở chỗ suy nghĩ làm cách nào hoàn thành được công đức quả Phật của chính mình thì tất nhiên thông đạt được chân thật nghĩa Không, nhưng chúng ta không thể giải lầm nghĩa Không, giải điên đảo nghĩa Không! Chúng ta mục đích chỉ cần từ trong “Diệu Hữu” đạt đến “Chân Không”, từ trong “Chân Không” nắm lấy và an trụ nơi “Diệu Hữu”.

Gần đây nhất phái Khoa Học Tân Hưng thì có thuyết Tương Đối Luận và phái Triết Học Tân Hưng thì có thuyết Biện Chứng Duy Vật Luận. Hai phái học thuyết khuynh tả và khuynh hữu này là hoàn toàn thuộc về của thời đại thế kỷ 20, cũng có thể cho rằng hai loại học phái này là sản vật tươi mới của thế kỷ 20. Thuyết Tương Đối Luận ở trước đã đề cập qua, chắc chắn là học thuyết có giá trị, có hoàn hảo ở một số địa phương và cũng gần nhau với học lý Phật Giáo xin để lại sau sẽ bàn luận đến. Riêng đây một số vấn đề  trong thuyết Biện Chứng Duy Vật Luận cần nên đề cập đến. Loại học phái này căn cứ nơi phương diện tư tưởng, thế lực chiếm cứ rất lớn hình thành giai cấp đấu tranh và ngày nay tạo thành thực trạng xã hội. Thuyết Biện Chứng Pháp của Duy Vật Luận lý luận trên ba nguyên tắc: một là Luật Mâu Thuẩn Hợp Nhất; hai là Luật Số Lượng Chuyển Biến Nơi Chất Lượng; ba là Luật Phủ Định Của Phủ Định. Ba loại quy luật cơ bản này là nhất quán không thể phân ly, ngoài đây ra có Phương Pháp Luận Lý Hợp Lý của họ. Chúng ta hiện tại không cần phải đi thảo luận nội dung thế nào của họ, nhưng đối với loại thế giới này họ đã tin tưởng cho là chân thật, đối với quá khứ họ cũng nhìn nhận lịch sử quá khứ là thật có, đối với vị lai họ cũng nhận chân là phỏng đoán. Nói chung lại, họ nhận thức nhân sanh và thế giới này là thật có, cho nên họ vừa nổ lực và vừa sáng tạo! Đến như Phương Pháp, Quy Luật, Luận Lý Hợp Lý của Duy Vật Biện Chứng đều chấp cho là hoàn toàn chân thật. Thứ học thuyết đây mặc dù có một số phương thức rất hoàn hảo và rất gần với Phật Học, nhưng vẫn còn bị thiên chấp, tuy nhiên sở dĩ nói là Hữu mà thực ra không phải chỉ cho Diệu Hữu và họ cần phải hướng về Chân Nghĩa Diệu Hữu của Duy Thức để được khai thị.