QUAN NIỆM TRIẾT HỌC CỦA DUY THỨC
Người giảng: Pháp Sư PHÁP PHẢNG
Người dịch: THÍCH THẮNG HOAN

 

CHƯƠNG V
TƯ LƯƠNG NĂNG BIẾN THỨC
(Nhân Sanh Luận)

I.- LỜI NÓI ĐẦU:

1)- Chỗ nhu cầu cốt yếu của xã hội và nhân loại chính là tự do bình đẳng, người Tây Phương nói: “không tự do chẳng thà chết”, lẽ đương nhiên sinh hoạt bị nô lệ chính là không bình đẳng và như thế thà chết còn hơn. Nhơn đó nhân loại gần đây đua nhau đấu tranh không có lúc nào không dùng khẩu hiệu tự do bình đẳng. Nhưng trên thực tế, thế giới loài người ngày nay kẻ yếu dĩ nhiên không có tự do, không có bình đẳng, sinh hoạt nô lệ quá mức; còn Ý Thức của những kẻ mạnh thì cũng không có tự do bình đẳng chân thật, tự do bình đẳng của họ chẳng qua họ thống trị nhân dân. Không bàn luận đến chủ nghĩa chánh trị như thế nào, cựu dân chủ cũng tốt, tân dân chủ cũng tốt, quốc gia chủ nghĩa cũng tốt, dân tộc chủ nghĩa cũng tốt, tất cả cần phải đem tự do bình đẳng chân thật đối đãi với nhân dân của họ. Trung Quốc thuở xưa sở dĩ có thiên hạ là do đem tư tưởng đại đồng làm chánh, người nước Mỹ cận đại đề xướng bốn châu tự do và thiên hạ một nhà thì mới được hoàn toàn thiện mỹ. Những chủ trương nêu trên nếu như triệt để thật hành thì đối với nhân loại rõ ràng thật tế lợi ích.

Nhưng nhân loại kể từ khi có lịch sử cho đến ngày nay, từ khi chưa có thể thật hành tự do bình đẳng chân chánh, thì tình trạng lúc đó như thế nào? Tình trạng lúc đó là do mỗi con người trong nhân loại đều có một cái “Ngã” riêng tư. Từ cái “Ngã” riêng tư nói trên trải qua bao nhiêu kinh nghiệm học tập mà phát sanh ra “Ngã Kiến” và “Ngã Kiến” này có chỗ cho là tri thức, là kiến giải mỗi sự vật theo mỗi cá nhân. Những thứ tri thức, những kiến giải này đều chọn Tự Ngã làm trung tâm, cho nên mới có hệ thống tư tưởng (tức là có kiến giải), mới có cụ thể hoá tổ chức, nơi chánh trị gọi là chủ nghĩa, là chánh sách, nơi văn hoá tư tưởng gọi là tư tưởng lý luận. Những thứ chủ nghĩa hoặc lý luận nói trên nơi xã hội trong nhân loại lúc bấy giờ phát sanh một thứ lực lượng tín ngưỡng với những sự kiến giải của họ tạo thành một thứ trào lưu hoặc một thứ dòng thác thời đại. Nhân đấy chỗ tri thức, chỗ kiến giải của tất cả thế gian đều căn cứ nơi trí năng của cá nhân và kinh nghiệm của xã hội mà phát sanh. Điểm xuất phát của trí năng này chính là “Tư Ngã”. Tư Ngã là cái ngã riêng tư của cá nhân. Do đó “Tư Ngã” thì tất nhiên có đối tượng đặc thù của tư ngã chính là “Nễ” và “Tha”. Nễ nghĩa là đại danh từ chỉ cho ngôi thứ hai số ít như: Mầy, Anh, Chị…… và Tha nghĩa là đại danh từ chỉ cho ngôi thứ ba số ít như: Nó, Anh Ấy……. Có cái Ngã của anh thì nhất định cũng có cái “Ngã không phải của anh”; “Chúng tôi thì không phải các anh”; “Chỗ kiến giải chính xác của chúng tôi thì nhất định không phải chỗ kiến giải chính xác của các anh”; “Chúng tôi cho là dân chủ thì các anh không cho là dân chủ”. Cũng từ đó phiền não phát khởi, tình cảm phát khởi, hành động phát khởi, sáng tạo ra tất cả khổ não cho xã hội, cho nhân loại và tự do bình đẳng khoái lạc từ đây vĩnh viễn không thể nào đạt được. Vấn đề “Tư Ngã” mà trong đây đề cập suy cho cùng, theo Duy Thức Học giải thích chính là chỗ vọng chấp của Thức Mạt Na.

2)- Con người trong xã hội cốt yếu ở chổ là có nhân cách, người có nhân cách trong xã hội thì được quần chúng tôn trọng; người không có nhân cách thì bị xã hội cho là hạng thấp hèn, thế nên có câu: “Nhân cách đòi hỏi phải vĩ đại”, vì thế nhận thấy tánh chất nhân cách đối với nhân sanh rất là trọng yếu. Nhưng nhân cách là gì? Vấn đề đây rất khó đoán trước được, nếu như người khác hỏi anh tánh tình của người kia như thế nào? Hành vi của nó như thế nào? Thông minh của nó như thế nào? Nhân cách của nó như thế nào? Anh có thể trả lời với họ rằng, tánh tình của người đó rất tốt, hành vi của nó không được tốt trăm phần trăm, nhưng nó cũng thông minh, nhân cách của nó thì hoàn toàn. Cứu cánh của nhân cách thì như thế nào?  Theo Tâm Lý Xã Hội Học giải thích: Sự phát triển của nhân cách là thích hợp và thuận theo hoàn cảnh gia đình và xã hội..v..v….. Nói cách khác: nhân cách là hoàn cảnh xã hội nuôi dưỡng trưởng thành; nhưng riêng phương diện khác lại cho rằng sự phát triển của nhân cách là do hành vi của cá nhân làm chủ. Còn theo Sanh Lý Học giải thích: thể cách, tánh tình, sức khỏe.. v..v…. của con người có thể do ảnh hưởng đến nhân cách của người khác. Theo các nhà Tâm Lý Học giải thích: nhân cách là khí chất và theo Cổ Thư Trung Quốc giải thích: nhân cách cũng là khí tiết. Danh xưng khí tiết, nhân cách cứu cánh của nó nơi nội tâm như thế nào và hành sử của nó như thế nào? Theo Phật Học, khí tiết hay nhân cách chính là cái “Ngã”. Bản tánh Ngã của cá tánh biểu hiện, phát triển ở phương diện nào đó gọi là nhân cách là khí tiết. Con người có cá tánh nếu như đặc biệt chú trọng tư dục (hoặc tư ngã) thì nhất định hẹp hòi, tự lợi, làm quan thì tham ô, hại dân và mọi người cho hạng này là kẻ không có nhân cách. Con người có cá tánh nếu như xem nhẹ tư dục (hoặc tư ngã) thì nhất định khoan dung, đại lượng, thanh liêm, yêu dân và mọi người cho hạng này là kẻ có nhân cách. Hơn nữa chúng ta nếu như trung thành với quốc gia dân tộc thì được người thời xưa cho là kẻ trung thành với vua chúa, còn nếu như hy sinh cho quốc gia dân tộc thì được mọi người cho là kẻ có khí tiết, có nhân cách; ngược lại chúng ta nếu như  phản bội lại quốc gia dân tộc thì bị người đời cho là kẻ không có nhân cách, không có khí tiết. Còn những kẻ tin tưởng tôn giáo và hy sinh cho tôn giáo của họ thì cũng được người đời cho là kẻ có nhân cách. Trái lại họ nếu như phản bội tôn giáo của họ thì cũng bị người đời cho là kẻ không có nhân cách, không có linh hồn. Vấn đề tư ngã, nhân cách, linh hồn ở đây, theo Phật Giáo cho là sự chấp ngã làm mô hình cơ bản của Thức thứ bảy. Những thứ tư dục nói trên chính là bản năng mà không phải do học tập tạo nên. Nhưng đứng trên phương diện khác mà nói, nhân cách có thể do hoàn cảnh nuôi dưỡng trưởng thành.

3)- Thức Mạt Na thứ bảy có hai đặc tánh: đặc tánh thứ nhất là luôn luôn thẩm xét so lường về cái “Ngã” và mãi mãi sử dụng cái Ngã làm điểm xuất phát để hoạt động, để ảnh hưởng đến Thức thứ sáu; đặc tánh thứ hai là những hiện tượng tâm lý của nó hoạt động đều thuộc về phiền não như: Ngã Kiến, Ngã Mạn,  Ngã Si và Ngã Ái. Bốn phiền não này đều bám lấy cái “Ngã” làm chủ thể nhưng hoạt động khác biệt nhau. Thức thứ tám sở dĩ trở thành Thức A Lại Da là do tâm lý Ngã Ái của Thức thứ bảy chấp trì: chấp lấy cái sanh tử của Thức thứ tám làm “Ngã Thể” bất diệt. Còn ý nghĩa khác của Thức Mạt Na thứ bảy đều không tính là ý nghĩa chủ yếu.

4)- Mục đích của nhân sanh là mong cầu được tự do chân thật và bình đẳng chân thật, cho nên họ tận lực phát triển thiên tài cá tánh và nhân cách cao thượng. Đó chỉ là thứ yếu, còn chủ yếu căn bản trên hết là đạt đến tự do và bình đẳng chân thật ở trong nội tâm của cá nhân. Sự tham ngộ của Thiền Tông và của Lý Học không ngoài đạt đến thứ cảnh giới này, đó là chân tự do, chân bình đẳng trong nội tâm của cá nhân, tất nhiên họ đã đập phá “Ngã Chấp” mà bên Tống Nho gọi là Tư Dục. Ngã Chấp hoặc Tư Dục đây nếu như không thể phá trừ thì nhất định phải bị vật chuyển mà không có khả năng chuyển được vật. Phật Học cốt yếu ở chỗ phải hội nhập được Kiến Đạo thì mới có thể vào được Trí Tuệ Bình Đẳng Tánh (Thức thứ bảy). Cho nên từ nơi Kiến Đạo trở về trước, tâm cảnh tự do và bình đẳng chân thật tuyệt đối không thể có.

5)- Vô Ngã là lý học cơ bản của Phật Giáo. Giải thoát được vô ngã chính là chuyển được Thức thứ bảy thành cảnh giới Trí Tuệ Bình Đẳng Tánh, cho nên Thức thứ bảy nếu như không chuyển biến được thì tuyệt đối không thể đạt đến cảnh giới vô ngã chân chánh.

II.- GIẢI THÍCH TÊN BÀI TỤNG:

 “THỨ ĐỆ NHỊ NĂNG BIẾN, THỊ THỨC DANH MẠT NA, Y BỈ CHUYỂN DUYÊN BỈ, TƯ LƯƠNG VI TÁNH TƯỚNG, TỨ PHIỀN NÃO THƯỜNG CÂU, VỊ NGÃ SI NGÃ KIẾN, TỊNH NGÃ MẠN NGÃ ÁI, CẬP DƯ XÚC ĐẲNG CÂU, HỮU PHÚ VÔ KÝ NHIẾP, TÙY SỞ SANH SỞ HỆ, A LA HÁN DIỆT ĐỊNH, XUẤT THẾ ĐẠO VÔ HỮU”

( Tiếp theo Năng Biến thứ hai, tên gọi là Thức Mạt Na, nương A Lại Da để chuyển biến và trở lại duyên A Lại Da, tư lương làm tánh và tướng. Bốn phiền não thường quan hệ, là Ngã Si Ngã Kiến, và Ngã Mạn Ngã Ái, ngoài ra Xúc vân vân cùng tương ưng, thuộc tánh hữu phú vô ký, tùy thuộc theo Thức thứ tám sanh vào chỗ nào thì Thức thứ bảy cũng theo đó để sanh ra, trừ A La Hán, Diệt Định, Đạo Xuất Thế thì không còn Thức thứ bảy)

Bài Tụng: “Thứ đệ nhị Năng Biến, thị Thức danh Mạt Na”(Tiếp theo Năng Biến thứ hai, tên gọi là Thức Mạt Na) . Trước đây đã trình bày qua Thức Năng Biến Liễu Cảnh của Liễu Tri Thức Luận, tiếp theo trình bày Thức Năng Biến thứ hai của Nhân Sanh Quan, Thức Năng Biến này gọi là Mạt Na. Như câu “thị Thức danh Mạt Na” (tên gọi là Thức Mạt Na) , tên Mạt Na dịch là Ý. Mạt Na nơi tiếng Phạn có hai tên: một là chỉ cho Thức thứ bảy, Trung Hoa dịch âm là Mạt Na và chỗ khác dịch là Ý; hai là chỉ cho Thức thứ sáu, dịch là Ý Thức. Vì sợ danh tướng của hai Thức này bị lầm lẫn cho nên dịch giả chỉ dịch âm Thức thứ bảy là Mạt Na.

Khi Duy Thức Học chưa được phát triển hoàn thành, Phật Học chỉ thuyết minh có sáu Thức, còn Thức thứ bảy và thứ tám đều bao gồm ở trong Thức thứ sáu. Thành Duy Thức Luận cũng nói: “Ý và Ý Thức cả hai đều gọi chung là Ý Thức”. Nhưng trên sự tác dụng đặc biệt của Thức thứ sáu, các học giả Đại Thừa liền lập riêng thành Thức thứ bảy và đặt tên cho nó là Mạt Na, hai chữ Mạt Na hàm nghĩa là “Tư Lương”. Danh từ Tư Lương sở dĩ được kiến lập là ngôn từ ám chỉ cho Thức thứ tám và sáu Thức trước. Như nói: “Tâm Ý Thức tam” (ba thứ Tâm, Ý, Thức), ba thứ danh từ này có thể là danh xưng chung cho tám Thức, nhưng ý nghĩa của mỗi Thức thì có chỗ thù thắng khác nhau, cho nên mới phân loại để thiết lập. “Tâm” là nghĩa chứa nhóm và phát khởi, đây là chỉ cho Thức thứ tám có khả năng thâu góp chủng tử của tất cả pháp và cũng có khả năng thúc đẩy tất cả pháp hiện hành để phát sanh tác dụng, các Thức khác nếu như so sánh thì hoàn toàn không thể có những đặc thù như Thức thứ tám. “Ý” là nghĩa tư lương, tức là chỉ cho Thức thứ bảy, Thức này luôn luôn thẩm xét và so lường chấp Thức thứ tám làm ngã, nghĩa là luôn luôn nhớ nghĩ chấp trước nơi Thức thứ tám làm bản ngã không gián đoạn. Mặc dù ở trong mộng, Thức này vẫn chấp có ngã và hành tướng của nó rất vi tế, chúng ta bình thường rất khó phát hiện được. Cho nên Bát Thức Quy Củ Tụng giải thích: “Hằng thẩm tư lương ngã tương tùy, hữu tình nhựt dạ chấn hôn mê” (Theo chỗ hằng thẩm tư lương về Ngã của Thức thứ bảy, cho nên loài hữu tình thường bị hôn mê che lấp ngày đêm); các Thức khác nếu như so sánh thì cũng hoàn toàn không thể có những đặc biệt giống như Thức thứ bảy này. “Thức” là nghĩa liễu biệt, tức là chỉ cho sáu Thức trước, sáu Thức này tác dụng rất mạnh và hiểu biết ngoại cảnh khác nhau, hai Thức thứ bảy và thứ tám nếu như so sánh với sáu Thức trước thì không thể bì kịp. Liễu Biệt nghĩa là đối với cảnh giới sở duyên làm chủ nhận thức, làm chủ phân biệt, như chúng ta sinh hoạt bình thường thấy rõ đều do sáu Thức này hoạt động; chủ thể của sáu Thức chính là Ý Thức. Ý nghĩa của Mạt Na biểu thị đặc biệt là tư lương, nhưng đối với liễu biệt và tập khởi thì không giống như hai Thức thứ sáu và thư tám.

III.- SỞ Y VÀ SỞ DUYÊN:

Năm chữ “Y bỉ chuyển duyên bỉ” chính là thuyết minh ý nghĩa Sở Duyên và Sở Duyên của Thức thứ bảy. Chữ “Bỉ” là đại danh từ chỉ cho Thức A Lại Da thứ tám. Chữ “Y”có nghĩa là nương gá và không thể lìa khỏi. Chữ “Chuyển” có hai nghĩa: một là nghĩa lưu chuyển, bản thân của Thức thứ bảy bị lưu chuyển liên tục không gián đoạn; hai là nghĩa tùy chuyển, Thức thứ bảy nương theo Thức thứ tám để biến hiện, cho nên bài Tụng nói “Y bỉ chuyển”. Đây là trình bày rõ sự quan hệ giữa Thức thứ bảy và Thức thứ tám. Mạt Na là tâm thức thuộc năng duyên; còn sở duyên của nó đối tượng duy nhất chính là Thức thứ tám. Trước khi chưa chuyển y, nghĩa là chúng ta trước khi chưa giác ngộ chân lý vô ngã, Thức thứ bảy chỉ bám lấy cảnh sở duyên của Thức thứ tám làm “Ngã”; Thức thứ bảy đến khi chuyển thành Trí Bình Đẳng Tánh thì có thể duyên được tất cả cảnh giới. Nói ngược lại câu trên: Trí Bình Đẳng Tánh tức là trí tuệ đả phá được tư ngã, ngộ được chân lý, chứng được bậc cao thượng.

Căn cứ nơi sự quan hệ giữa Thức Mạt Na và Thức A Lại Da, Thức thứ bảy là Thức Năng Y (Thức nương tựa), còn Thức thứ tám là Thức Sở Y (Thức để nương tựa). Thật ra Tâm và những Tâm Sở của cá nhân Thức thứ tám đều là sở y cả, Thức thứ tám nếu như không có “Sở Y” thì không thể sanh khởi. Vì thế quan điểm tánh sở y này nơi Duy Thức Học cho là trọng yếu và trong đó xin trình bày tóm lược như sau:

1)- SỞ Y NHÌN CHUNG: sở y có ba loại:

a)- Một là Chủng Tử Y, cũng gọi là Nhân Duyên Y, như Luận giải thích: “Tất cả pháp hiện hữu đều nương gá nơi chủng tử này, nếu như lìa khỏi nơi nhân duyên đó tự nó nhất định không thể sanh khởi”. Mỗi một pháp sanh khởi tự nó đều có chủng tử riêng biệt và chính nó phải nương tựa nơi chủng tử riêng biệt đó mới có thể sanh khởi, đấy gọi là Thân Nhân. Còn các thứ trợ duyên khác đều gọi là Sơ Duyên. Như chúng ta cảm thọ sự khổ vui không giống nhau đều do nghiệp chủng tử khác biệt nhau của chúng ta chiêu cảm.

b)- Hai là Tăng Thượng Y, cũng gọi là Câu Hữu Y và cũng gọi là Tăng Thượng Duyên Y. Hai chữ “Tăng Thượng” là trợ giúp, nghĩa là tăng thêm những trợ duyên cho nó và thúc đẩy khiến nó phát triển. Hai chữ “Câu Hữu” là làm nhân quả lẫn nhau, nghĩa là bên này và bên kia trợ giúp lẫn nhau, nương tựa với nhau không thể tách rời. Như bài Tụng giải thích: “Tăng Thượng Duyên Y nghĩa là trong sáu chỗ các Tâm và Tâm Sở đều nương gá nơi Câu Hữu Y, nếu như lìa khỏi Câu Hữu Y thì tất nhiên không thể biến chuyển”.

c)- Ba là Đẳng Vô Gián Duyên Y, cũng gọi là Khai Đạo Y. Chữ “Đẳng” là nghĩa giống nhau. Hai chữ “Vô Gián” nghĩa là nơi thời gian thì liên tục không gián đoạn, nơi không gian thì không có kẻ thứ ba thâm nhập. Tâm Thức trước sau sanh diệt liên tục không gián đoạn giống nhau nên gọi là Đẳng Vô Gián. Các pháp Tâm và Tâm Sở niệm trước làm chỗ nương tựa cho niệm sau nên gọi là Đẳng Vô Gián Duyên, chữ Duyên đây đặc biệt là chỉ cho các pháp Tâm và Tâm Sở. Các pháp Tâm và Tâm Sở nếu như không có Đẳng Vô Gián Duyên thì không thể sanh khởi, không thể chuyển động, lẽ tất yếu nhờ niệp trước đã diệt thì niệm sau mới được sanh, niệm trước và niệm sau không có pháp nào gián đoạn riêng biệt cho nên gọi là Vô Gián. Còn Khai Đạo Y nghĩa là niệm trước mở đường cho niệm sau. Như Luận giải thích: “Đẳng Vô Gián Duyên Y nghĩa là niệm trước khi đã diệt, các Tâm và Tâm Sở đều nương gá nơi chỗ niệm trước đã diệt này để sanh khởi niệm sau, nếu như ly khai con đường căn bản đây thì tất nhiên không thể sanh khởi”. Gần đây có người quan niệm rằng: tự thể của các pháp ngoại cảnh cũng bị sát na sanh diệt, điều đó rất thích ứng với Đẳng Vô Gián Duyên (Vấn đề này được thấy trong Tân Duy Thức Luận).

2)- HỮU SỞ Y:

Tất cả pháp Tâm và Tâm Sở đều có ba loại Sở Y nói trên (Chủng Tử Y, Tăng Thượng Y, Đẳng Vô Gián Duyên Y) nên gọi là Hữu Sở Y. Các loại Tâm nếu như không có Sở Y thì không thể sanh khởi. Còn tất cả ngoại cảnh như: sắc, thinh,..v..v…. đều không có Sở Y.

3)- CÂU HỮU Y CỦA THỨC MẠT NA:

Thức thứ bảy lấy gì làm Sở Y? Vấn đề này có hai thuyết: Thuyết thứ nhất là chủng tử Thức thứ bảy lấy Sở Tàng trong Thức thứ tám làm sở y (thân nhân duyên) để sanh khởi, mà nó không phải nương tựa nơi hiện hành (Dị Thục) của Thức thứ tám để sanh khởi. Theo như Luận giải thích: “Có nghĩa rằng, Ý đây lấy chủng tử Thức kia làm sở y mà không phải lấy Thức hiện hành. Ý đây thì liên tục không gián đoạn mà không phải thuộc loại Thức giả hiện”. Thuyết thứ hai là Thức thứ bảy nương nơi chủng tử và hiện hành của Thức thứ tám làm sở y nên gọi là Câu Hữu Y. Nương nơi chủng tử gọi là Nhân Duyên Y, nương nơi Thức hiện hành gọi là Câu Hữu Y, hoặc gọi là Tăng Thượng Y. Đúng như bài Tụng giải thích: “Y bỉ chuyển”, nghĩa là nương nơi chủng tử và hiện hành của Thức thứ tám kia để sanh khởi.

4)- THẤT BÁT HỖ Y:

Pháp Câu Hữu Y rốt ráo như thế nào? Theo Luận giải thích: “nghĩa là trong sáu chỗ” (sáu căn), đó là Tăng Thượng Duyên —– tức là Câu Hữu Y, tất cả pháp Tâm và Tâm Sở chủ yếu đều nương nơi trong sáu chỗ này mới có thể sanh khởi. Do đó Duy Thức Học gọi là Tâm Cảnh Hợp Nhất luận. Trong sáu chỗ này tức là chỉ cho sáu căn và sáu căn nương nơi sáu trần mà thiết lập: Căn đây tức là chủng tử mà chủng tử chính là Câu Hữu Y của tất cả Tâm và Tâm Sở. Theo ngài Hộ Pháp trình bày: Câu Hữu Y của Thức thứ bảy là Thức thứ tám và Câu Hữu Y của Thức thứ tám là Thức thứ bảy, cũng gọi là Công Thức Toàn Chuyển (Công thức xoay quanh), nguyên vì hai Thức này nương nhau làm sanh mạng. Câu Hữu Y và Đẳng Vô Gián Y nơi Duy Thức Luận có rất nhiều thuyết và ở đây chỉ nói tổng quát mà thôi.

5)- SỞ DUYÊN CỦA MẠT NA:

Trước đã trình bày Thức thứ bảy nương nơi Thức thứ tám để chuyển biến đồng thời cũng duyên nơi Thức thứ tám để sinh hoạt. Chữ “Duyên” như trước đã giải thích là nghĩa quán sát, là nghĩa phân biệt và cũng có thể nói là nghĩa chấp thủ. Mạt Na thứ bảy duyên nơi Thức thứ tám chấp làm “Ngã” như thế nào? Các vị sư cổ Ấn Độ đối với vấn đề này có mấy cách giải thích rất hay: Thuyết thứ nhất là Mạt Na thứ bảy duyên nơi tự thể của Tâm Vương thứ tám chấp làm “Ngã” và duyên nơi các Tâm Sở của Thức thứ tám quan hệ chấp làm “Ngã Sở”. Thuyết thứ hai là Mạt Na thứ bảy duyên nơi Kiến Phần của Thức thứ tám chấp làm “Ngã” và duyên nơi Tướng Phần của Thức thứ tám chấp làm “Ngã Sở”. Thuyết thứ ba là Mạt Na thứ bảy duyên nơi Hiện Hành (Dị Thục Báo) của Thức thứ tám chấp làm “Ngã” và duyên nơi những Chủng Tử trong Thức thứ tám chấp làm “Ngã Sở”. Thật ra Mạt Na thứ bảy thì duyên nơi Kiến Phần của Thức thứ tám, tức là duyên nơi tự thể tác dụng của Thức thứ tám tổng chấp làm “Ngã”, đây là tư tưởng của ngài Hộ Pháp. Nói chung lại, Thức thứ bảy chỉ là chấp “Ngã” mà thôi.

6)- CĂN NGUYÊN CỦA CHẤP NGÃ:

Người nghiên cứu Phật Học, đặc biệt là người tu học Phật Pháp cốt yếu ở chỗ là đả phá chấp ngã (ngã kiến). Nguyên vì có ngã chủ quan, có vô minh phiền não, cho nên nhân ngã thị phi đều từ đây sanh khởi, nhân luân xã hội cũng từ đây kiến lập. Vì thế vấn đề “Ngã” chính là chủ thể của con người, chủ thể của xã hội và từ đó Phật Giáo coi trọng học lý của vô ngã, cho vô ngã là không có phiền não. Đức Phật thấy rõ chúng sanh sở dĩ bị sanh tử luân hồi cũng đều do cái “Ngã” sanh ra, cho nên chủ trương thuyết vô ngã để giáo dục. Người nào có khả năng quán sát vô ngã, thể nghiệm được lý vô ngã thì người đó có thể không còn tạo nhân sanh tử. Người nào muốn tu vô ngã trước hết cần phải tìm cho ra căn bệnh của cái “Ngã” từ đâu sanh ra rồi sau đó mới hạ thủ công phu tốt và cải tạo tốt. Bát Thức Quy Củ Tụng giải thích: “Hữu tình nhật dạ trấn hôn mê” (Cho nên hữu tình thường bị hôn mê che lấp ngày đêm). Đây là thuyết minh cái “Ngã” làm chủ thể của nhân sanh, tất cả nhân loại suốt đời đều mê chấp cho cái Ngã là chủ nghĩa quan trọng trong nhân sanh. Nhưng thật ra Kiến Phần Thức thứ tám vốn không phải là Ngã và như vậy Thức thứ bảy điên đảo chấp trước cái gì làm ngã?  Nguyên vì thật thể Thức thứ tám giống như thường còn, giống như chỉ có một, do nó làm chủ tể tất cả cho nên Thức thứ bảy chấp làm “Ngã”. Theo Tâm Lý Học  chủ trương, nhân loại từ khi xuất hiện đến nay đều cho là có một cái “Ngã” tự chủ. Cái Ngã này mặc dù Đông Tây đặt cho nó một thứ danh từ gì đều không thành vấn đề, lẽ đương nhiên cũng có thể cho nó là Thức A Lại Da. Do đấy, nếu như không nắm chắc đoạn trừ được Ngã Tướng của Thức thứ bảy, vấn đề nhân ngã, thị phi, xã hội sẽ đấu tranh mãi mãi và vĩnh viễn không thể nào đạt đến sự giải quyết hợp lý mà cũng không thể nào hoàn toàn giải thoát được sanh tử. Chữ Đoạn Trừ đây có nghĩa là chuyển hoá thành Trí Bình Đẳng Tánh, tức là thành vô ngã.

Ý Thức thứ sáu cũng chấp có “Ngã”, nhưng chỉ là chịu ảnh hưởng của Thức thứ bảy để khởi lên mà thôi. Sự chấp ngã này của Ý Thức thứ sáu có hai loại: một là Câu Sanh Chấp Ngã, cũng gọi là Bản Năng Chấp Ngã; hai là Phân Biệt Chấp Ngã, chính là do học tập tạo nên hay là do tập quán dưỡng thành. Tập quán dưỡng thành so sánh thì dễ đoạn diệt, nhưng bản năng thì khó đoạn trừ. Vì lẽ đó, tôi cho đặc điểm của Thức thứ bảy là chấp “Ngã” và chấp Ngã chính là lẽ sống của con người mà cũng là nồng cốt của tất cả tổ chức xã hội, không luận xã hội gì, đoàn thể nào đều được thành lập từ nơi đây và cũng từ nơi đây mà có ý thức xã hội, có ý thức dân tộc, có ý thức quốc gia.. v..v…… Chỗ gọi có ý thức chính là chỉ cho cái “Ngã” nồng cốt khá lớn. Tự ngã của một cá nhân phát triển, tự ngã hưởng thụ, đấy là cái “Ngã” quá thiên lệch hẹp hòi, thường hay nhơn đó hại đến người khác. Cái Ngã nếu như được Tâm tất cả đồng tình tác dụng mở rộng phát triển nhằm mục đích làm lợi ích cho quần chúng đều được gọi là “Đại Ngã”. Phật Học thì không phản đối chủ nghĩa “Đại Ngã” này và Đại Ngã đây có thể nói là Vô Ngã, đó chính là đả phá cảnh giới Tư Ngã sau này.

IV.- THỂ TÁNH, HÀNH TƯỚNG VÀ TƯƠNG ƯNG:

Hiệu năng (thể tánh) của Thức thứ bảy do tư lương làm đặc thù, nghĩa là hằng thẩm tư lương chấp ngã, Hằng là nghĩa liên tục không gián đoạn, Thẩm là nghĩa xét kỷ, tức là quán sát sâu sắc. Thức thứ sáu mặc dù cũng xét kỷ cái “Ngã”, nhưng không liên tục. Thức thứ tám mặc dù liên tục, nhưng căn bản không thẩm xét có “Ngã”. Năm Thức Trước thì không thẩm xét và cũng không liên tục. Chỉ Thức thứ bảy này đã là liên tục và còn thẩm xét. Cho nên bài Tụng giải thích: “Hằng thẩm tư lương ngã tương tùy” (Theo chỗ hằng thẩm tư lương về Ngã của Thức thứ bảy). Thứ hành tướng này của Thức thứ bảy, Ý Thức bình thường của chúng ta không thể nào quán sát được; lý do Thức thứ bảy nói trên thuộc về loại Tiềm Ý Thức. Thật ra Thức thứ bảy muốn được an lập thì không khó! Nơi trong Nhiếp Luận, Thức thứ bảy được gọi là Ý Nhiễm Ô, nguyên vì Thức này có bốn phiền não quan hệ. Thức thứ bảy cũng gọi là Ý Hằng Hành, nguyên vì Ý thứ sáu thì bị gián đoạn. Đúng ra Ý thứ sáu chỉ gián đoạn chỗ tác dụng, chỉ gián đoạn ở nơi nhiễm ô do phiền não tác dụng, cho nên danh xưng của Ý và Ý Thức bao gồm chỉ có một loại mà thôi. Như Thành Duy Thức Luận giải thích: “Ý và Ý Thức gọi chung là Ý”. Câu này chứng minh cho thấy Ý và Ý Thức chỉ có một loại mà không phải hai loại. Còn căn cứ nơi Khởi Tín Luận giải thích: Ý và Ý Thức giải thích cũng không có ranh giới rõ ràng.

Thức thứ bảy đây có bốn tâm lý phiền não luôn luôn quan hệ (câu), bất cứ thời khắc nào đều cùng sinh hoạt với Thức thứ bảy không ly cách. Theo Luận giải thích: “Trong đây nói đến chữ Câu là hiển bày nghĩa quan hệ, nghĩa là từ vô thỉ cho đến khi chưa chuyển thành trí tuệ, Ý đây luôn luôn gìn giữ tự tánh, mãi mãi duyên nơi Thức Tạng, cùng quan hệ với bốn phiền não”. Cho nên Thức thứ bảy được gọi là Ý Ô Nhiễm. Bốn thứ phiền não như thế nào? Như bài Tụng giải thích: “gọi là Ngã Si, Ngã Kiến, Ngã Mạn, Ngã Ái”. Bốn thứ phiền não đây đều chấp lấy “Ngã” làn y chỉ mà nơi tâm lý thì có thứ tự: trước hết đối với chân lý của sự vật hiểu biết thiếu lý trí (ngã si), kế đến cho sự nhận thức của mình là chính xác (ngã kiến), căn cứ theo sự thấy biết này mà phát sanh ngạo mạn (ngã mạn), do đây cũng chính là ái trước nơi ngã (ngã ái). Bốn thứ phiền não nói trên mỗi thứ thâm trước mỗi việc.

1)- Ngã Si: chữ Si nghĩa là ngu si, cũng tức là vô minh, hoặc gọi là vô tri, nói thiết thực hơn: chữ Si nghĩa là không tri thức, không lý trí, là căn bản của tất cả phiền não. Đối với ngã tướng, pháp tướng và chân lý, không thể thông suốt nên gọi là ngu si. Còn Vô Minh thì có hai loại: Một là Cộng Vô Minh, cũng gọi là Tương Ưng Vô Minh, nghĩa là quan hệ với tất cả tâm lý phiền não như Tham, Mạn, Nghi,..v..v….. để cùng nhau phát khởi. Nói chung, không luận bất cứ tâm lý phiền não nào sanh khởi đều có mặt vô minh xen lẫn vào. Hai là Bất Cộng Vô Minh, vô minh này có hai loại:

 a)- Vô Minh Độc Hành:  nghĩa là vô minh sanh độc lập. Vô Minh Độc Hành cũng có hai loại: loại thứ nhất là trạng thái không lý trí, nhưng có Ý Thức và có các tâm lý Phẩn Nộ,..v..v….. cùng nhau hiện khởi; loại thứ hai là trạng thái không lý trí, không Ý Thức và cũng không có các tâm lý Phẩn Nộ,..v..v…. cùng nhau hiện khởi.

b)- Vô Minh Hằng Hành:  là trạng thái hoàn toàn không có lý trí, nghĩa là không thấu suốt chân lý của ngã tướng. Vô Minh đây được gọi là Hằng Hành vì quan hệ với Thức thứ bảy trong sự hiện hữu và sinh hoạt liên tục không gián đoạn. Sự sinh hoạt của Vô Minh xin liệt kê như dưới đây:

 

(Hình vẽ)

 

2)- Ngã Kiến: là chấp ngã, tinh thần và thân thể xác thịt của con người vốn là các pháp do nhân duyên sanh ra, không có bản ngã thật tánh tồn tại ở trong, người ta chỉ biết các pháp không phải ngã này lại vọng chấp cho là ngã, thế nên đối với thứ kiến giải đó gọi là Ngã Kiến.

3)- Ngã Mạn: chữ Mạn là cao ngạo, là tâm lý tự cao tự đại, thứ tâm lý này nương tựa nơi sự chấp ngã để sanh khởi nên gọi là Ngã Mạn.

 4)- Ngã Ái: là tham ngã, nghĩa là đối với những cảnh giới bên ngoài khởi lên ý niệm ham thích liền sanh ra tánh tham ái, bởi do ái trước cái ngã nên gọi là Ngã Ái. Thành Duy Thức Luận giải thích: “Đối với chỗ chấp ngã đam mê tham trước nên gọi là ngã ái”.

Thức thứ bảy sở dĩ tác dụng là do suy tính chấp có “Ngã” làm thể tánh, tâm lý này mỗi khi tác dụng liền quan hệ với bốn Tâm Sở nói trên và chọn lấy “Ngã” làm điểm xuất phát, cho nên Thức thứ bảy chính là Ngã Chấp Luận.

Còn câu “cập dư Xúc đẳng câu” (ngoài ra Xúc vân vân cùng tương ưng). Thức thứ bảy không chỉ quan hệ với bốn phiền não nói trên mà còn quan hệ với năm Biến Hành như Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng và Tư. Ngoài ra Thức này còn quan hệ với các Tâm Sở khác nữa, như Bát Thức Quy Củ Tụng giải thích: “Bát Đại, Biến Hành, Biệt Cảnh Huệ, Tham, Si, Ngã Kiến, Mạn tương tùy”, nghĩa là Thức thứ bảy này quan hệ với tám Đại Tùy như Hôn Trầm, Trạo Cử, Bất Tín, Giãi Đãi, Phóng Dật, Thất Niệm, Tán Loạn, Bất Chánh Tri và một Tâm Sở Huệ của Biệt Cảnh. Những Tâm Sở đây thuộc loại phân biệt cảnh giới như đã trình bày trong phần Năng Biến ở trước.

Kế đến câu “Hữu phú vô ký nhiếp” (thuộc tánh hữu phú vô ký). Tánh Vô Ký có hai loại: Hữu Phú Vô Ký và Vô Phú Vô Ký. Như trước đã giải thích, Thức thứ tám thì thuộc về loại Vô Phú Vô Ký và Thức thứ bảy thì thuộc về loại Hữu Phú Vô Ký. Hữu Phú là nghĩa ô nhiễm, tánh chất nơi bản thân của Thức thứ bảy thì không phải thiện và cũng không phải ác, chưa từng phát khởi niệm ác, chưa từng làm việc ác, cho nên gọi là Vô Ký. Nhân vì Thức này có phiền não quan hệ để phát khởi, do đó tự thể của nó bị các phiền não bám lấy ngăn che, bám lấy nhiễm ô, cho nên gọi là “Tánh Hữu Phú Vô Ký”. Cũng vì có các phiền não quan hệ để duyên, Thức Mạt Na thứ bảy lại được mang thêm một tên đặc biệt nữa là Ý Ô Nhiễm, nghĩa là Ý Thức bị phiền não ô nhiễm.

V.- CẢNH GIỚI TRÓI BUỘC, CHINH PHỤC VÀ TIÊU DIỆT CỦA THỨC MẠT NA:

Câu “Tùy sở sanh sở hệ” (tùy thuộc theo Thức thứ tám sanh vào chỗ nào thì Thức thức bảy cũng theo đó để sanh ra). Đây là trình bày những chỗ trong ba cõi trói buộc Thức thứ bảy và Thức thứ bảy này tùy thuộc theo Thức thứ tám để chuyển biến. Chữ sanh trong câu “Sở Sanh” có nghĩa là “Nơi Chốn”. Tùy Sở Sanh nghĩa là tùy theo Thức thứ tám sanh vào chỗ nào và loại gì thì Thức thứ bảy cũng theo đó để sanh ra. Hơn nữa hai chữ “Sở Sanh” là chỉ cho các nghiệp hữu lậu của ba cõi  chiêu cảm Thức Dị Thục thứ tám hiện khởi, nghĩa là Thức Dị Thục Quả sanh vào chỗ nào thì Thức thứ bảy cũng bị trói buộc theo để sanh vào chỗ đó. Thí dụ như Thức thứ tám sanh vào loài người trong cõi Dục Giới thì Thức thứ bảy cũng bị trói buộc theo để sanh vào trong loài người. Như Luận giải thích: “Tùy ý vận dụng luôn luôn duyên lấy nơi tự thể Thức Tạng chấp làm nội ngã, không phải duyên lấy nơi chỗ khác, còn nếu như sanh khởi nơi chỗ khác tức là chỉ cho Thức Tạng Dị Thục hiện tại đã sanh khởi nên gọi là đã sanh vào chỗ khác. Thức Mạt na nhiễm ô duyên nơi Thức thứ tám chấp làm “Ngã” tức là đã bị trói buộc nơi Thức thứ tám nên gọi là Thức thứ tám trói buộc”.

Câu “A La Hán, Diệt Định, Xuất Thế Đạo vô hữu” (trừ A La Hán, Diệt Định, Đạo Xuất Thế thì không còn Thức thứ bảy). Đây là trình bày rõ thứ lớp ngôi vị chinh phục và đoạn trừ Thức thứ bảy. Trong đó Thức Mạt Na thứ bảy có ba ngôi vị chinh phục và đoạn trừ: một là ngôi vị A La Hán, hai là vào ngôi vị Diệt Tận Định, ba là chứng đến ngôi vị Đạo Xuất Thế. A La Hán nghĩa tổng quát là trình bày Thánh quả vô học của ba Thừa. “Diệt Định” gọi cho đủ là Diệt Tận Định, cũng có tên là Diệt Thọ Tưởng Định. Câu Xá Luận giải thích: có pháp khiến cho các Tâm và Tâm Sở tiêu diệt, khiến cho các Tâm và Tâm Sở không còn sanh khởi (không phát động niệm tưởng) nên gọi là Diệt Định. Diệt Thọ Tưởng Định nghĩa là thứ thiền định tiêu diệt hết hai loại Tâm Sở này: Tâm Sở Thọ và Tâm Sở Tưởng. Chữ “Thọ” là tiếp nhận để hưởng thọ, tức là người hưởng thọ năm dục lạc trong thế gian. Chữ “Tưởng” là phân biệt tính toán và chấp trước của Ý Thức, tất cả Khoa Học, Triết Học, Tông Giáo, Chủ Nghĩa, Học Thuyết trong thế gian, mỗi mỗi đều phân biệt, tư duy và suy tưởng. Người học Đạo Xuất Thế mặc dù không tham muốn hưởng thọ năm dục lạc của thế gian, nhưng họ vẫn còn phân biệt, còn tính toán, còn chấp trước thì rõ ràng vẫn có hai thứ tâm lý này hoạt động và nhất định họ không thể nào ra khỏi luân hồi, vì lẽ đó người học Đạo Xuất Thế tất yếu trước hết dùng định lực tiêu diệt cho được hai thứ Tâm Sở này. Thân tâm của con người nếu như có hai thứ Tâm Sở này hoạt động thì không thể nào tịch tịnh và muốn cho thân tâm được tịch tịnh thì phải diệt hai Tâm Sở Thọ và Tưởng. Người tu Thọ Tưởng Định mục đích là mong cầu đạt được trí tuệ tịch tịnh, nhờ tu định này tâm họ được tự tại, diệt hết phiền não và nhất định chứng đặng đạo quả A La Hán.

Câu “Xuất Thế Đạo”: chữ Đạo nghĩa là con đường, nhưng Xuất Thế Đạo ở đây là so sánh với Thế Gian Đạo, tức là chỉ cho Thánh Đạo vô lậu của ba Thừa xuất thế gian, nhờ trí tuệ vô lậu đích thân chứng được lý chân như, đây gọi là Chân Kiến Đạo. Tiểu Thừa thì vào được bậc Sơ Quả, Đại Thừa thì chứng được bậc Sơ Địa, nghĩa là họ đã chứng được đạo lý này, tức là đã diệt được ngã chấp và Mạt Na của họ đã được chuyển thành trí tuệ.

Trong ba loại danh vị nói trên, danh vị A la Hán là quả vô học, nếu như chứng được quả này những chủng tử và hiện hành của Mạt Na nhiễm ô toàn bộ đều bị đoạn trừ cho nên gọi A La Hán là vô lậu. Còn như ở nơi danh vị hữu học, khi vào Định Diệt Tận ở nơi Đạo Gia Hạnh trở về sau, cũng như khi chứng vào Đạo Xuất Thế thì những hiện hành của Mạt Na lần lần nhờ thế lực của hai thứ đạo nói trên chinh phục và tiêu diệt, cho nên gọi là Diệt Định Vô Hữu và Xuất Thế Đạo Vô Hữu. Tại sao Diệt Định có thể chinh phục và tiêu diệt Thức Mạt Na này?  Nguyên do Diệt Định là pháp thuộc loại bình đẳng của Đạo Xuất Thế và pháp này vô cùng tịch tịnh. Trong Đạo Xuất Thế, người tu tập nhờ Trí Căn Bản mà thấu triệt được chân như vô ngã, xa lìa được cái hại chấp ngã cho nên gọi Thức Mạt Na này là Vô Hữu. Trí Hậu Đắc là trí tuệ thuộc loại chân thật bình đẳng và trí tuệ này cũng tiêu diệt bệnh chấp ngã. Do đó nhận thấy, các Đạo Hữu Lậu không thể chinh phục Ý Thức nhiễm ô. Thức Mạt Na đây nếu như đoạn trừ vĩnh viễn nhiễm ô thì liền chứng được Trí Tuệ Bình Đẳng Tánh ngay lập tức. Chỗ chinh phục của danh vị nói trên chính là sự hiện hành của chấp ngã, chỗ đoạn trừ của danh vị nói trên chính là chủng tử hiện hữu của chấp ngã, chỗ chứng đắc của ba danh vị nói trên chính là chân lý vô ngã, tất cả đều chọn lấy cái “Ngã” làm trung tâm để lập luận.