XUỐNG RỪNG
Hồi ký Hạnh Đoan

 

Hồi nhỏ, mỗi lần nghe nói đến Long Thành là tôi ghét cay ghét đắng, tôi liên tưởng đến một vùng đất đồng khô nắng cháy, hết sức hoang vu. Mỗi lần gặp người quen đi lập nghiệp ở đó về, nghe họ kể chuyện, tôi thầm vái van mình đừng bao giờ phải lê thân đến vùng đất lưu đày nọ.

Từ lên Bát Nhã rồi đến thành lập Viên Chiếu, vâng lịnh thầy tôi hạ sơn làm ruộng và buộc phải đóng đô ngay vùng đất “định mệnh” (?) – Đúng là “Ghét của nào trời trao của ấy”. Nhưng tôi đã quên bẵng ý tị hiềm ngày xưa mà chỉ còn lại là niềm háo hức… Các chị tôi đã xuống trước cả tháng để mở đường. Còn chúng tôi, rạng sáng khởi hành thì ngay trong đêm ai nấy đều thao thức, kháo nhau:

– Nghe nói chỗ mình có suối …

– Chà! Tuyệt quá! Nhất định em phải chèo thuyền đi chơi mới được!

– Nhưng mình làm gì có thuyền?

– Em thấy người ta chèo trong… cái thúng!

– Được rồi, mình sẽ chèo trong cái thúng ngắm cảnh trăng lên…

– Còn em, em sẽ mang võng theo mắc giữa rừng, nằm nghe chim hót…

– Mình sẽ trồng thật nhiều hoa nữa chứ…?

Một bức tranh cực kỳ nên thơ được chúng tôi hợp nhau phác họa, càng vẽ càng nôn nao… Mặc dù được tin đất mới có nhiều đỉa vắt, gai góc, sâu bọ và rắn rít… song sự lạc quan của tuổi trẻ đã đánh bạt hết, một vài vị lớn thấy chúng tôi quá hí hửng, không kìm được phải buột miệng bình: -“Đúng là cái thứ điếc không sợ súng!”…

Mà có lẽ thế thật, nhờ “điếc” nên tiếng “đùng, đùng” của chướng ngại không làm chúng tôi nản lòng, còn những người hiểu việc, do “không điếc” nên chẳng có đủ can đảm để sống cùng đất mới, đã vội bỏ đi.

Các chị bảo nhau: “Cứ mặc đồ dày, trùm kín hết là không ngại gai góc, đỉa, vắt gì…”

Khi chiếc xe vận tải thả chúng tôi xuống vệ đường thì trời đã đứng bóng. Tất tả, kẻ gánh người khiêng, cố len lỏi vào con đường gò nổng gập ghềnh, lau sậy giăng mít mù và chằng chịt nhánh cây rừng đan cản lối. Thế này thì xe đạp khó mà vào được… (?) vượt hơn hai cây số, lên dốc rồi xuống dốc, ì à ì ạch, lần theo con đường ngoằn ngoèo… băng qua bóng tối âm u của khu rừng, cuối cùng chúng tôi cũng… “đáo bỉ ngạn”.

Quang cảnh đầu tiên đập vào mắt tôi thật ngộ, căn nhà thấp lè tè, mái lợp nửa tôn nửa lá, ngang chàng và lá chỉa tua tủa – giống như lông nhím hay lông chó xù – đây là thành quả của những bàn tay học trò thạo ăn hơn thạo làm – và khả năng kiến trúc kỳ tài của các bậc chưa biết gì nhưng cứ bắt tay vào… sáng tạo.

Tôi ngắm thật lâu … “cái chuồng” rồi ngơ ngẩn hỏi:

– “Nhà” của mình đây sao??

Tiếng một tân binh nào đó (tự dỗ mình):

– Hỏng phải đâu! Đây chỉ là nhà… tạm, sau này sẽ cất lại đàng hoàng mà…

– Thôi đi mấy cô nương! Vầy là đẹp lắm rồi! Mới xuống mà có được nhà ở là sướng hơn tụi chị nhiều. Mấy hôm đầu tụi chị phải nhét cả chục mạng trong cái chòi rách đằng kia. Cái gì cũng túng thiếu chật chội…

– Sao mình không xén vách cho gọn bớt?

– Xén chi? đó là vách cửa từng gác trên, để vầy cho kín đáo và tiện che kẽ hở bên dưới. Thôi! Vào cất đồ rồi ăn cơm, ở đó mà kiến nghị, thắc với mắc!…

Nghe nói còn tầng trên, chúng tôi đồng reo:

– A! Chùa có gác! Có gác! Sướng quá!…

Hối hả cất hành lý, chúng tôi tranh nhau trèo lên chiếc thang mảnh khảnh ghép bằng cây rừng, nó kêu cót két và lắc lư theo nhịp bước của chúng tôi. Tôi tranh thủ tận hưởng chút cảm giác nghỉ ngơi. Nằm trên sàn ván thông thưa rỉnh tôi có thể ngắm rõ mồn một bên  dưới. Gian nhà thoạt trông có vẻ quái dị, song tôi lại dành cho nó rất nhiều cảm tình. Nhất là khi chống các cửa lên thì nhà như không còn vách, gió lồng lộng ùa vào làm dịu bớt sức nóng như thiêu từ mái tôn hắt xuống. Tôi chợt nhổm dậy, trườn mình thò đầu ra ngoài tìm kiếm bóng dáng mấy con chim khi nghe tiếng hót líu lo của chúng… bỗng dưng, tôi thấy cái giang sơn mới này thơ mộng biết là ngần nào!

Chỗ Viên Chiếu hùng cứ là vùng đất trũng – gần như là thung lũng – nên khí hậu ẩm thấp và có nước quanh năm. Khu rừng dù đã có tên song vẫn còn nét hoang dại sơ khai. Lần đầu đi thăm suối, tôi đã tắt ngay mộng chèo thuyền ngắm trăng khi nhìn dòng nước đục ngầu bốc mùi xác lá úng nồng nặc, hai bên bờ thì chơm chởm tre gai, đan chằng chịt tràn xuống cả lòng suối – hãy tưởng tượng những múi gai tre nhìn giống hệt răng nanh của chằn tinh –  hầu như lòng suối chẳng có lấy một chỗ trống để đặt chân vào, nói gì đến hạ thuyền? Nước thì chảy xiết đến độ sành bơi như tôi cũng đâm ra chóng mặt vì sợ. Nhánh tre, lá tre đan dày đến nỗi nắng không soi thấu đến mặt nước khiến quang cảnh dòng suối tối mờ mờ như chiều hoàng hôn. Đây quả là chỗ lý tưởng cho đám muỗi đòn sóc trú ẩn. Có vẻ như lâu rồi chúng không gặp được mồi, nên rất hung hăng tấn công bọn tôi. Mỗi khi đi ruộng về, tôi cố len vào các chỗ trống ven bờ suối để gột rửa bùn bám toàn thân, tranh thủ giặt vớ lẫn các y phục bết bùn, nhưng nếu không khéo giữ, chỉ cần lỏng tay một chút… thì nước sẽ cuốn trôi tuốt luốt hết. (Từ sau khi chương trình thủy lợi hoàn thành, nước dâng cao, không còn chảy xiết. Vùng bên phía chúng tôi trũng nên đồng ruộng bị ngập và không xử dụng được khá nhiều). Giờ thì khoảng không gian trên và trong lòng suối đều đã được phát quang, thông thoáng; không còn âm u như xưa nữa.

Ngoài con suối lượn quanh cuộc đất, đó đây cây cối um tùm rậm rạp, đầy gai góc… càng làm tăng thêm vẻ đìu hiu cho đất mới. Chị Thủy thường nghịch ngợm ngâm:

“Thầy ơi! Đất nước lạ lùng!
Chim kêu con cũng sợ, vắt… mừng con cũng kinh!”

Miếng ruộng đầu tiên chúng tôi khai phá mới là não nùng, gai giăng dày mịt không đáng nói, mà chính là mây. Những cọng dây mây người ta đan ghế trông thơ mộng là vậy, chứ xuất xứ của nó thì thật khủng khiếp: gai tua tủa…Nghĩa là cảnh tượng ngán đến nỗi các chị  có thuê mướn đám thanh niên vào làm thì họ đều lắc đầu quầy quậy, bảo:

– Quí cô mà phá được cuộc đất này thì bọn tôi xin bái phục!

Không thể trông chờ vào ai, chúng tôi đành phải nhờ vào chính đôi tay của mình. Trước tiên, phải đặt lò rèn làm những lưỡi cuốc bảng bự giống hình tam giác đều với cạnh dài khoảng 30-35cm, rồi chia nhau thành từng cặp mà phá mây. Phải đưa cuốc dang thẳng lên trời, lấy hết sức mà bổ xuống cuốc mới lút qua rễ mây. Làm trông mạnh bạo vậy mà chỉ gặm được từng lát rễ, có khi cuốc bị rễ mây dội lại buốt cả lồng ngực, tê rần cả cánh tay. Thầy Nhật Quang tình cờ vào thăm, nhìn cảnh chúng tôi “bửa” rễ mây, chỉ còn biết ban cho cái nhìn thương cảm. Có lẽ vì vậy mà mỗi khi Thường Chiếu có món gì ngon, thầy đều không đành lòng hưởng riêng và sốt sắng bắn tiếng mời chúng tôi ra dự. Ban ngày làm mệt là thế, nhưng chỉ cần nghe: “Ra Thường Chiếu ăn bánh…” thì in như chúng tôi hồn vía… “lai tỉnh” và chẳng ai muốn ở nhà! “Ở đâu có ăn là ta tới…” thì sá gì cái chuyện lội bộ đường xa? Thời ấy được ăn dù một mẩu bánh nhỏ cũng là quí lắm (nhờ Thường Chiếu hảo tâm nhín cho mới được như thế). Thêm nữa, chúng tôi ai cũng đang sức trẻ nên rất siêng đi. Đường lộ bình thường đã vắng người, đêm về càng vắng ngắt. Đất nước mới hoà bình nên chuyện an ninh không có gì đáng lo. Dân nơi đây thưa thớt và đã quá quen với hình ảnh mấy bà vải mặc đồ vá chùm vá đụp đi mòn đường. Chính nét vắng vẻ của cảnh vật đã cho chúng tôi cái cảm giác mình là … “bá chủ”  trong rừng lẫn ngoài lộ… vì vậy mà màn hoà tấu văn nghệ thường xảy ra, khi đêm càng sâu trăng càng sáng vằng vặc, rải ánh vàng huyền hoặc… hào phóng soi đường và… “hớp hồn” chúng tôi. Mặc sương phủ lạnh buốt, chúng tôi nắm tay nhau cùng xướng vang các bản hùng ca, âm thanh “tuyệt vời” ấy thường chẳng bị ai phàn nàn.

Nhưng có một lần duy nhất, tình cờ ngang qua nhà ai đó, cánh cửa chợt bật mở và lời quở của một bà từ trong “bay” ra:

– Mấy con quỉ cái kia, giờ này còn hát hò, coi chừng “bà” ra bà vặn họng hết cả lũ!…

Tất nhiên, bà không hề biết chúng tôi là ai trong đêm đen chập choạng, cả đám im bặt, nhìn nhau cười, mắt lấp lánh sắc trăng…

Đó là ban đêm, còn ban ngày, vẫn có người nhìn lầm. Chị Thủy đi chăn bò, bò bứt dây chạy vào vườn người. Thế là tiếng một ông lão cất lên:

– Cái thằng kia! Chăn có con bò mà cũng không nên thân…

… còn đứng đó cười nữa hả? Tao “quánh” cho một cái là sặc máu mũi liền bây giờ!…

Mùa mưa đến, chúng tôi nếm đủ dư âm của mái nhà ngang. Mưa tuôn xối xả và nước chảy xuống nền nhà như qua một cái rổ. Chúng tôi thường giăng áo mưa ngủ. Cuộc sống chật vật, cơ cực nhưng đầy tình thân.

Giờ đây, Viên Chiếu đã quang đãng hơn xưa, lối đi xe Honda, xe ba bánh đều vào được. Quanh vùng cũng đã có rải rác nhà dân đến lập nghiệp và danh sách ni chúng cũng tăng dần lên. Tôi đã nhích đến tuổi hai mươi và không thể không ghi lại những diễn tiến ban đầu của Viên Chiếu, gởi chút niềm tri ân vào vùng đất đã cưu mang và nuôi dưỡng mình đến trưởng thành.

VIẾT XONG – 1979 – Hạnh Đoan
(Trích từ tuyển tập thơ & truyện CHÚT HƯƠNG NGÀY CŨ)