CÁI MÁY MAY
(Thương tặng chị Ba chị Năm)
(Đã đăng trong LÁ THƯ TÂY DU để tưởng nhớ chị Ba)
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Không hiểu sao ở cái tuổi “xế xế chiều”, các chị tôi bỗng phát tiết “anh hoa”, thích trau dồi nữ công, nữ hạnh; hết chế biến nấu nướng thì lại tập tành may vá. Dường như cái nghề gõ đầu trẻ chẳng thú vị bằng may? Do đó mà có chuyện để tôi viết dông dài.

Bắt được “mạch” cô giáo mình, cô học trò “bình dân học vụ” vừa được chị Phượng (là chị Năm tôi) dạy võ vẽ mấy vần, một hôm Quế thủ thỉ: “Cô à, em có cái máy may dư, để em đem lên  cho cô tập may!”

Quế tự động chở máy đến. Hai tháng sau, cô bé lại mang máy về. Bẵng đi một năm, chị tôi không gặp Quế.

Thấy chị còn ưa may quá, tôi gởi cho chị mượn cái máy may Đài Loan mới toanh của mình.

Cái máy tôi sang nhà chị Phượng chưa yên chỗ thì gia đình Quế bất ngờ kéo đến, đủ mặt ba mẹ, anh chị em; chỉ vắng bóng Quế. Không phải họ đi… chúc thọ đâu, vì họ đang hùng hổ trách chị tôi.

– Nè cô giáo! Cô gian manh chưa từng thấy! Cái máy của tụi tui hiệu Con bướm của Trung Quốc đàng hoàng, cô tháo hết trơn đồ, trả cái máy cũ mèm. Con tôi khờ bị gạt, chứ gặp tôi thì đừng hòng!!!…. Nếu khôn hồn thì đền bồi ngay! Bằng không, tụi tui thưa công an cho biết tay!

Khi không bị mang tiếng xấu, chị Năm tôi muốn nổi khùng, chị gân cổ lên cãi: – Thánh thần ơi! Cái máy tui trả một năm rồi, giờ tự dưng xúm nhau vu cho tôi tráo đồ! Thiệt kỳ cục vô lý hết sức!

Hai bên mạnh ai nấy cãi, chẳng ngã ngũ ra làm sao. Hàng xóm hiếu kỳ đổ ra xem, phân vân không biết tin ai? Nhìn vẻ mặt sát khí đằng đằng của nhà Quế thì rõ là họ đang giận dữ vì bị tráo đồ thật sự. Một mình chị Năm tôi không cãi nổi với sáu nhân khẩu đang cơn lôi đình. Uất ức, chị bật khóc. Thời may, chị Thủy (chị Ba tôi) về đến, thấy chuyện lùm xùm chị liền phân xử:

– Nếu hai bác nóng giận vì đồ bị đổi thì chắc là có tráo thiệt! Nhưng dĩ nhiên là không phải tụi này làm! Giờ hai bác muốn thì tôi đền cho! Bao nhiêu?

Gia đình Quế bất ngờ vì thái độ của chị Ba. Họ lúng túng hồi lâu rồi ấp úng nói:

– Cô để tụi tui về suy nghĩ kỹ rồi sẽ trả lời sau!

Khách về, chị Ba tôi đóng cổng, rờ tim mình rồi thở ra:

– Phật ơi! Tao sợ… họ nhào vô nhìn cái máy của Heo Ú (biệt danh chị thường gọi tôi) là của họ thì khốn! Ứ hự!… Đúng là xui xẻo, giữa đàng mắc oan! Thôi, đền phứt cho rồi. “Một điều nhịn, chín điều lành”!…

Một tuần trôi qua, vẫn chưa thấy nhà Quế đến. Hai chị tôi hớn hở nhìn nhau bình luận:

– Chắc là… (chị Ba tôi chậm rãi nói) con nhỏ Quế cần tiền nên lén gia đình đánh tráo máy. Khi người nhà nó lấy máy ra may thấy lạ, mới nghi mình! Cho nên lúc bắt đền, con Quế không dám tới…

– Ừa! Phải đa! (chị Năm tôi khoái chí bồi thêm) – Em đoán là con Quế đã bị… cắn rứt, hối hận… “giày xéo” lương tâm. Nó đã ra “thú tội” với gia đình, và cả nhà họ xấu hổ, mắc cỡ… nên không dám đến kiếm chuyện với mình nữa!

Chị Năm chưa dứt lời thì đã nghe tiếng xe nổ lạch bạch vang rền. Tín hiệu “giáng lâm” của gia đình Quế. Lần này mẹ Quế nhu mì hết mực, họ lịch sự chào chị Ba tôi rồi nhỏ nhẹ nói:

– Thưa cô, cả nhà tôi bàn với nhau: Bây giờ bắt cô đền hết cũng kỳ! Cái máy hồi nẩm… tôi mua giá triệu mốt, giờ nếu cô chịu, tụi tui sẽ chở cái máy đến cho cô. Phần cô chỉ đưa tụi tui bốn trăm ngàn thôi… Ý cô ra sao?

– Hai bác muốn sao cũng được! Chị Ba dễ dãi nói.

Khi cái máy được chở tới, chị Năm tôi hết sức ngạc nhiên. Khách về, chị mới dám than:

– Trời đất ơi! Lúc mượn , em đâu có mượn cái máy “xi-cà-que” như thế nầy?! Cả cái hiệu đành rành cũng khác. Máy Quế trước kia mang hiệu Singer, còn máy này thì hiệu Deamind. Hoàn toàn không giống nhau chút nào! Đúng là có tráo đổi! Thôi rồi!… chắc họ chở đồ phế thải ve chai đến cho mình! Xem nè: Kim cong quẹo, bánh xe thì cứng ngắc, làm sao mà may?…

Chị Ba tôi thở dài đánh sượt:

– Thôi! Lần sau đừng có dại dột mượn đồ của người ta nữa. Cái máy này giờ chỉ có nước làm… bàn để đồ!

Và chị ngắm thật lâu cái máy rồi chép miệng:

– Giá mà có ai chịu mua nó một trăm ngàn, chị cũng bán. Chị đang để dành tiền định mua một cái máy tốt, giờ đền cho người rồi, còn tiền đâu mà mua? Xui thiệt!…

Bạn bè lối xóm qua thăm, biểu lộ sự phẫn nộ bất bình lây… Thương hại hai chị, họ nhiệt tình kiếm dùm ông thợ sửa máy. Ông thợ săm xoi, lau chùi và chỉnh máy… hơn mười lăm phút sau thì xong. Ông khoan khoái ngồi xuống ghế rút thuốc hút, bảo hai chị tôi:

– Nói thiệt với mấy cô nghen, sửa đồ tôi ngán nhất là gặp máy Việt Nam, gặp đồ lô! Mà gặp cái máy này tôi… khoái liền! Coi cũ vậy chứ máy xịn đó nghe! – Máy Nhật chính tông mà! – Thấy hôn?… Sửa một chút là chạy ro ro, êm ru, đạp nhẹ hều!

– Hả???… Hai chị tôi nhìn nhau, kêu lên thảng thốt như sợ mình nghe lầm:

– Máy… tốt thiệt hả chú?

– Trời đất! Máy mình mua mà không biết?! Bộ mấy cô mới mua hả? Máy xịn đó!… Ừm! Chùi sạch sẽ, tính đầu máy và cái chân cũng đáng triệu hai.  Nhưng nếu tui mua, tui mua sáu trăm thôi!

– Máy người ta bắt đền đó chú ơi! Hai chị tôi kể lại toàn bộ sự việc.

Ông thợ trố mắt, đập tay vào đầu:

– Cha mẹ ơi! Thuở giờ mới thấy chuyện lạ!…. Người ta đền vậy mà cũng chịu đền?! Mà cái đám người kia cũng ngộ chớ, ai lại chở máy tốt đi bắt đền người?…. Hai cô nè, hai cô có muốn bán hôn? Tui mua sáu trăm, hai cô cũng còn lời mà?

– Thôi! Máy tốt để dành xài! – Hai chị tôi đáp – Tụi tui cũng đang cần máy. Cái máy kia là mượn của nhỏ em Út đó. Tiền sửa máy bao nhiêu vậy chú?

– Sáu chục! Đưa tui sáu chục ngàn!

Ông thợ vui vẻ ra về, miệng không ngớt lẩm bẩm: “Thiệt ngộ! Lạ ơi là lạ!…”.

Riêng hai chị tôi thì nhìn nhau hớn hở:

– Lè lẹ lên, khiêng cái máy vào trong cất kỹ… kẻo người ta đòi!

Ngày xưa, khi đọc truyện “Tái Ông Thất Mã” kể về ông lão bị mất ngựa, hàng xóm sang chia buồn, ông tỉnh bơ nói: “Trong rủi có may”. Ít lâu sau, con ngựa về dẫn theo con ngựa bạn đẹp và quí hơn cả nó… Câu chuyện khá dài, được sắp xếp mạch lạc, ly kỳ, khiến tôi khó mà tin – vì cõi tưởng tượng bao giờ cũng có thể – Bây giờ chị Năm ra thăm, kể tôi nghe chuyện cái máy may, tôi đã bật cười, chợt nhớ đến câu: “Đôi khi những điều thật trong cuộc sống được viết lên, lại thú vị hơn cả những điều mà trí óc chúng ta tưởng tượng ra”.

Tôi không biết mình sẽ ứng xử ra sao khi gặp tình huống giống các chị? Nhưng có lẽ, “được” và “mất”, luôn làm chúng ta điên đảo và giữ được cái tâm bình an trước chuyện đắc, thất… quả không đơn giản chút nào!