CHUYỆN MỘT PHỤ NỮ XINH ĐẸP
Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Tượng Quan Âm lộ thiên trước ngôi chùa ven đô này rất có duyên. Thiện nam tín nữ vào chùa vãn cảnh thường chiêm ngưỡng Ngài. Không chỉ thế, các cô các bà có điều phiền muộn khổ tâm, thường quỳ trước Ngài cả buổi, thậm chí suốt ngày… để kể lể, tâm sự, sám hối nỗi niềm riêng.

Tôi chú ý người phụ nữ ngày nào cũng quỳ trước tượng mắt nhoà lệ. Đã gần hết năm, tết sắp đến rồi mà xem bộ bà chẳng tha thiết gì, cứ lúc thúc lễ lạy đức Quan Âm.

Đó là một phụ nữ rất đẹp, tuổi khoảng 45. Nét héo hắt khổ đau hiện rõ trên mặt. Thấy tôi bước ra, bà lấy khăn lau nước mắt, theo tôi vào chùa và sụt sùi tâm sự:

“Thời thiếu nữ bà là hoa khôi trong xóm. Rất nhiều chàng theo đuổi cầu hôn. Nhà nghèo, bà xin vào làm cho một hãng sữa ngoại nọ, bà giữ chức thủ quỹ. Nhờ ngày ngày khéo xén bớt tiền hãng giấu làm của riêng, bà để dành được tới hai hai lon guigoz vàng lượng.

Từ đó cuộc đời bà phất lên, kinh tế khá giả, sau một hồi kén cá chọn canh, bà sánh duyên cùng với một bạch mã hoàng tử và sinh được ba trai, sống sung túc ở thành phố.

Bạn bè trang lứa nhìn vào phải phát ghen với hạnh phúc của bà – đã đẹp lại giàu, sinh con như ý, lấy chồng xứng đôi… trời cao dường như quá ưu đãi bà(?).

Nhưng hạnh phúc ấy cũng mong manh như sương. Chồng bà dần dần đổi tánh, không còn siêng năng làm ăn, tối ngày say xỉn. Đi nhậu xong khi về lại thẳng tay đánh đập bà. Bà phải bán nhà để cung cấp tiền cho chồng tiêu xài. Chưa hết, lại còn phải nuôi hai đứa con ghiền sì ke. Chẳng bao lâu thì chúng bị Sida chết.

Tài sản khánh tận, giờ bà đã trở thành nghèo cùng, song ông chồng vẫn nhậu nhẹt như xưa. Ngày ngày bà phải đi lượm ve chai bán để nuôi chồng và đứa con trai.

Gia đình suy sụp nhưng chồng bà vẫn chưa tỉnh ngộ, mỗi lần nhậu xong ông thường đánh đập bà tàn nhẫn, nhất là khi nào bà nộp tiền không đủ cho ông tiêu xài thì ông đánh không nương tay.

Sau đó ông bỏ đi ở riêng chỗ khác, nhưng mỗi ngày đều ghé qua hạch tiền, không có thì tiếp tục hành hạ bà.

Ông tác tệ đến mức cố tình lăng nhục bà, đại tiểu tiện gì cũng bắt bà vệ sinh, hầu hạ. Ông bắt bà rửa chân, quỳ lạy… ông mới tha. Ông lại có tính hay ghen nên đòn roi không ngừng trút xuống bà, bà sống trong chuỗi ngày cực cùng đau khổ, chỉ muốn quyên sinh”…

Thầy Kiến Châu (thân phụ tôi) ngồi bên lắng nghe bà tâm sự cũng mủi lòng lây. Thầy khuyên bà đừng chán nản và cũng không nên tự vận, bởi nghiệp báo trả chưa xong mà trốn, thì đời sau lại phải trả gấp đôi, khổ càng nhiều hơn.

Thầy làm lễ quy y cho bà, khuyên bà về nhà lạy Phật sám hối tất cả tội đã tạo từ trước đến nay và khẩn thiết phát nguyện dứt ác làm lành, dốc lòng sửa sai, cầu nghiệp ác được tiêu trừ. Thầy giải thích:

Tiểu sám hối là 80 ngày, trung sám hối 100 ngày, đại sám hối 120 ngày. Nhất định bà phải sám hối mới có thể bớt khổ.

Một ngày đẹp trời mùa xuân, bà lại tới. Lần này mặt rạng rỡ, mắt không còn nhòa lệ nữa mà sáng long lanh, lấp lánh niềm vui.

Bà vừa bày lễ vật lên bàn vừa kể:

-“Vâng lời Thầy khuyên, con về nhà lễ sám khẩn thiết phát lộ lỗi trộm cắp ngày xưa, niệm thánh hiệu đức Quan Am, thành tâm ăn năn, nguyện từ đây sống đời liêm khiết thẳng ngay, cầu cho chồng hồi tâm, sửa tính – con cái ngoan, gia đình bình an”…

Bà sám hối được trăm ngày thì nằm mơ, trong mơ cũng thấy mình là một nữ thư ký trẻ, cũng sống dối gian, tham lam bòn rút của chủ. Lạ thay, ông chủ trong mơ lại là chồng bà… Tỉnh dậy, lòng bà rất hoang mang, ngỗn ngang trăm mối. Lòng bà không còn oán chồng mà chỉ có nỗi ân hận day dứt không nguôi về những hành động xấu xa mình từng làm trong quá khứ đến hiện đời. Bà chỉ biết khóc và sám hối, cầu điều lành cho chồng, cầu cho những người từng bị bà xâm phạm tài sản tha thứ cho bà…

Sau đó không lâu, chồng bà kiếm được việc làm. Điều bất ngờ là ông hoàn toàn thay đổi, tử tế với bà ngoài sức tưởng, khiến bà cứ ngỡ mình đang mơ… Ông ân cần bảo bà từ rày cứ ở nhà nấu cơm, niệm Phật lễ sám, để ông đi làm mướn nuôi. Trong cái xiết tay của ông, bà cảm nhận được lòng yêu thương, cảm nhận được sự tha thứ vô hình.Từ đó bà không còn dám gian tham, ngược lại còn rộng tay bố thí, cúng dường… chân thành hồi hướng đến những người bà từng có lỗi với họ, mong chuộc lại tội xưa.

Hiện tại bà không còn lao tâm khổ trí vì gia đình nữa, đứa con trai út của bà giờ đã biết kính tin phật pháp, lúc nào bà cũng giảng về nhân quả cho nó nghe. Bà không muốn con bước vào vết xe đổ như bà. Còn đối với chồng, bà nghĩ ông hoàn toàn có quyền cư xử độc ác, nhưng ông lại thay đổi, biết tu tỉnh chí thú làm ăn, hiền lành tốt bụng đến không ngờ. Thấy bà tụng kinh lạy phật nhiều, ông không hề la lối bất bình, ngược lại còn rất vui.

Bà âm thầm tri ân Phật pháp nhiệm mầu, hối tiếc vì mình biết đạo muộn quá.

Nếu ngày xưa bà sinh trong nhà sùng mộ phật pháp, được giáo dục kỹ, được nghe giảng và hiểu về luật nhân quả cặn kẽ, nhất định bà sẽ không dám bòn rút biển lận của người. Do không hiểu đạo nên bà lầm cho rằng sống trên đời là phải tranh giành, gian manh, chứ không hề biết là chính tâm thiện, hạnh thiện mới bảo vệ, tạo cho mình cuộc sống an lạc, hạnh phúc. Bà đã tích góp của phi nghĩa nên phải chiêu lấy một cuộc sống đầy bão táp. Dù bà sinh toàn con trai song hai đứa đầu lại phá của, nghiện hút và chết vì sida. Cồn ông chồng thì không ngừng giáng đòn trừng phạt… cho đến khi bà hồi tâm sám hối, mọi việc mới thay đổi theo chiều hướng lành.

Bà đến với đạo cũng tình cờ, trong lúc buồn khổ tận cùng bà đi ngang qua ngôi chùa này và nhìn thấy tượng đức Quan Am lộ thiên, không hiểu sao khi nhìn Ngài bà lại thấy nỗi đau dịu đi, thế là ngày ngày, hễ rảnh bà đều bỏ thời gian để chiêm ngưỡng, lễ lạy Ngài…

Sau đó có thêm phúc duyên được nghe quý sư giải thích về nhân quả, bà bừng tỉnh, quyết tâm sám hối, làm lại từ đầu… Không ngờ kết quả thật kỳ diệu. Đối với Phật bà chỉ có niềm tri ân vô bờ. Đêm đêm bà luôn cầu nguyện mọi người đều biết đến phật pháp để không gieo nhân lầm lạc, để không phải khổ như bà. Bà ước mong bài học về cuộc đời mình sẽ giúp người tránh được lầm lỗi.

Người phụ nữ này đúng là đã từng làm điều xấu. Bà có tính gian tham, thụt két… song lại sỡ hưũ một đức tính quý hiếm không phải ai cũng có – Đó là sự thành thật! Người biết lỗi luôn đáng tán dương và đáng trân trọng. Bây giờ trông bà tươi tỉnh, dễ nhìn hơn xưa. Có lẽ nội tâm trong sáng khiến bà trở nên khả ái. Mặt không còn héo hắt, tối sầm, mắt long lanh hạnh phúc.

Tu là vậy đó, người phật tử cho dù không xuất gia, vẫn có thể áp dụng pháp phật vào đời sống: làm những điều tốt thay chỗ cho những điều xấu. Phật là bậc nhân cách đã hoàn hảo. Đệ tử phật cũng có thể học theo ngài, chỉnh sửa những gì còn khiếm khuyết để tự hoàn thiện mình. Điều này không hạn cuộc xuất gia hay tại gia, cũng không đợi đến cuối đời ta mới hưởng được ích lợi, bởi vì phút giây nào ta hành theo pháp phật, phút giây đó ta được an lạc, vì thân tâm đã được tịnh hóa.

Hạnh Đoan Viết xong 23/12/2001