HAI TRÁI CHUỐI
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thấy anh Tư cắm đầu chạy sang nhà dì Hai hàng xóm, tôi đuổi theo bén gót. Bên kia rào, bọn trẻ đang chen lấn dành nhau những trái chuối dì Hai chia. Tôi và anh Tư tấp vào rống lên:

– Con nữa dì Hai ! Con nữa!….

Anh Tư hí hửng cầm hai trái chuối chưa kịp chia cho tôi, thì đã nghe tiếng chị Ba vang lên:

– Thằng Tư, bé Loan! Về nhà mau!

Mặt chị Ba thật lạnh, đó là một báo điềm không may. Vào đến nhà chị Ba sai anh Tư mang chiếc bàn nhỏ ra hiên. Chị đặt hai trái chuối lên bàn và ra lịnh:

– Thằng Tư! Vào lấy chuông, chị đánh cho hai đứa lạy…

– Lạy cái gì chị Ba?

– Lạy hai trái chuối! Nhờ nó mà tụi bây biến thành đồ ăn mày. Lạy để nhớ vì miếng ăn mà hai đứa thành những đứa mất nhân cách.

Tôi nhìn anh Tư, cảm thấy rụng rời. Nhà tôi ở trước bờ sông, mấy ngày đầu xuân này, khách vãng cảnh qua lại dập dìu. Và trời ơi! Mới sáng sớm mà thượng bàn thờ… chuối lên rồi diễn trò lạy cho kẻ qua người lại xem thì quả là nhục hình khủng khiếp. Lúc ấy tôi còn bé lắm, nhưng tôi đã biết mắc cỡ. Còn anh Tư chắc phải khổ hơn tôi nhiều. Tôi nghĩ con trai tánh cứng rắn ít khóc, nhìn thấy mắt anh đỏ hoe, tôi xót xa không chịu được.

Tiếng chuông “boong boong” không dìu hồn anh em tôi lìa cõi tục mà càng làm chúng tôi thắm thía nỗi nhục xin đồ. Đám con nít và khách đi ngang cứ trố mắt nhìn. Hai trái chuối nằm chỏng chơ trên bàn như một lời nhạo báng, tôi nghe cổ họng mình khô đắng…

Vào năm 1967, có lần tan trường về, anh Tư chở tôi đến ngã tư đầu làng thì gặp đám con nít đang bu đen chiếc xe Jeep Mỹ xin quà. Chúng tranh giành hỗn loạn, đạp cả lên thân thể nhau.

Thấy anh em tôi, hai ông Mỹ giơ cao phong kẹo sô-cô-la, ngỏ ý mời chúng tôi ghé lấy. Chúng tôi đồng khoát tay “no, no!….”.

Lần đầu tiên qua câu từ chối của anh Tư, tôi cảm thấy hãnh diện và tự hào. Dường như anh Tư cũng vậy, anh đạp xe có vẻ hăng hái hơn, đầu ngẩng cao. Lòng chúng tôi dạt dào niềm vui.

Nhưng… nhớ lại hình ảnh các bạn đồng trang lứa đang hò hét, đeo quanh xe cố bập bẹ những từ tiếng Anh để xin quà, tôi cảm thấy buồn. Giá như các bạn tôi không đeo bám chen nhau xin đồ thì chắc niềm tự hào của tôi sẽ được trọn vẹn hơn, tôi sung sướng biết bao vì chứng tỏ được với khách nước ngoài hiểu rằng: Bọn nhỏ chúng tôi dù nghèo khó rách rưới nhưng vẫn có lòng tự trọng.

Ôi! Chẳng qua vì các bạn không được nếm “hai trái chuối” giống như tôi. Hai trái chuối ngày nhỏ, tôi với anh Tư thèm ăn mà không được, đã mang đến hương vị đậm đà khó quên, làm tim tôi biết nhức nhối khi ngắm nhìn quang cảnh chen xin nhục nhằn trước mặt, giúp tôi hiểu rằng: “Chẳng nên hạ mình xin ai bất cứ thứ gì!”

Khi anh Tư rời nhà đi học xa, Anh đã viết cho tôi lá thư mà đến giờ tôi còn nhớ mãi:

“Bé Loan ơi,

Tuần qua, anh ốm nặng phải nghỉ mất mấy tiết học quan trọng, nên kỳ thi này anh đâu có làm bài kịp! Các bạn anh đã nhiệt tình giúp đỡ, đưa bài cho anh chép, làm đúp giùm anh. Nhưng anh không nhận và chịu nộp giấy trắng. Anh muốn tiến bước bằng chính sức lực của anh. Anh nhớ mãi lời thầy:

“Đất nước mình còn nghèo. Điều đó không có nghĩa là chúng ta có quyền nghèo nhân cách, mỗi người cần góp sức xây dựng đất nước bằng nhân cách tốt tự bản thân. Nhiều cái tốt của từng cá nhân gộp lại sẽ giúp nước mình tươi đẹp, tiến triển”… anh tin điều đó. Kỳ này anh không có giấy ban khen để tặng bé, nhưng anh đã sống rất thành thực. Bé đừng buồn vì anh bị sụt hạng. Sau kỳ thi, anh sẽ bỏ thì giờ tìm hiểu những bài chưa nắm vững để có kết quả tốt hơn.

Chủ nhật tới, anh sẽ về và sửa lại con diều cho bé, bé chờ nhé! Chúc bé luôn được điểm mười.”

Viết xong tháng 7/1994