XUÂN HOÀI NIỆM
Hoằng Dự

 

Mùa xuân chính là dịp thuận lợi để ta dừng nghỉ, để kiểm điểm lại mọi công việc trong năm đã qua, đồng thời phát thảo những dự định mới cho năm tới.

Nhưng có lẽ ở góc nào đó trong tâm hồn (đón xuân này ta nhớ xuân xưa), đặc biệt là người mới vừa từ bỏ vĩnh viễn mùa xuân họp mặt với người kính trọng mà ta đã gắn bó với biết bao kỷ niệm trong quá khứ, mà ta luôn mong những kỷ niệm ký ức đó là hiện thực khi mùa xuân đó lại về… Đấy chỉ là những ước mơ buồn nhưng rất đẹp. Bằng những hành động khi mùa xuân đã về dù đạo hay đời cũng tảo mộ ông bà tổ tiên, thầy tổ, trong ba ngày xuân thì dâng cúng cơm để tưởng niệm, đấy cũng là những âm hưởng mùa xuân nuôi dưỡng những nét đẹp tâm linh cao quý tạo sức sống cho cuộc đời. Hoài niệm mùa xuân là những ký ức hiện về của những mùa xuân đã qua cùng thầy và huynh đệ đón mừng xuân đến.

Những kỷ niệm đã qua, những tháng ngày sống bên thầy là những câu chuyện hiện về trong quá khứ, nay xin kể trong mùa xuân.

Khi còn nhỏ, cha mẹ chính là điểm tựa vững chắc cho đời con. Tôi hiểu được điều này nhưng cảm nhận rất lờ mờ vì cha tôi mất khi tôi mới chào đời, lên 5 tuổi mẹ tôi cũng ra đi ở nơi vùng quê trong chiến tranh khói lửa. Tôi hữu duyên được hướng dẫn đến chùa, mùa xuân và tuổi thơ của tôi gắn liền với chủa Vạn Đức, nó đã trải qua bao thăng trầm, đã dạy tôi nên người trong tình thương của thầy và huynh đệ. Bốn mươi lăm năm đã trôi qua kể từ khi mẹ tôi qua đời (27 tháng Giêng năm 1969), nỗi đau năm nào nay đã hằn sâu trong tâm trí khi kỷ niệm hai năm thầy viên tịch (28 tháng 2 Giáp Ngọ). Ngày giỗ của mẹ gần kề ngày giáp năm của thầy. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nếu ngày xưa (19/6 Kỷ Dậu năm 1969), thầy không cho phép con xuất gia vì tuổi đời quá nhỏ thì không biết ngày nay con sẽ ra sao?

Hôm nay mùa xuân lại về, hình ảnh của thầy bằng thân hành đã dạy cho chúng con rất nhiều. Con xin kể vài kỷ niệm nhân dịp tiết xuân sang. Xin thầy hoan hỉ.

– Thị giả: Hầu như huynh đệ chúng con ai cũng là thị giả của thầy, đều có thời gian gần gủi để giữa thầy và trò cảm thông nhau và học ở thầy bằng thân hành để tự chỉnh sửa bản thân mình.

– Tự lực: Bằng hành động cụ thể khi đi dự các lễ lớn như Phật đản,…thầy không cho thị giả xếp y mà thầy tự xếp; khi tắm xong, thầy tự giặt quần áo dù tuổi đã trên 90.

Thầy nói: “Ai không thể giúp được chính mình thì chẳng thể giúp được người khác”. Cũng vậy, “Không tự giải thoát lấy mình thì không thể giải thoát cho người khác”. Những việc nhỏ không tự lực thì việc lớn khó thành.

– Đúng lúc, thầy dạy: “Có những việc gấp rút thì không nên nệ hà về hình thức”.

Tháng 6 trời mưa, mùa hạ vào buổi chiều gió to tấm sáo nơi thiền thất của thầy sắp rớt, tôi đang chuẩn bị đi tắm, nghe tiếng reng từ chuông điện liên hồi, tôi liền chạy ra. thầy chỉ tấm sáo sau khi buộc lại xong, tôi xá thầy đi xuống. Lúc này, 2 huynh chạy lên gặp tôi và nói: ở trần ra, Sư ông làm gì? Thầy bảo: “2 huynh đệ chỉnh tề, việc đã xong rồi ra đây làm gì?”. Lúc này, tôi mới biết minh đang ở trần.

– Huân tập: Thật sự mà nói, lúc làm điệu sợ nhất là sám hối vì lạy quá nhiều. Hiểu được tâm lý này, thầy dạy: “Thấy chúng sinh làm ác mà được giàu sang, thấy người làm lành mà nghèo hèn; thấy người ra công sức nhiều mà không có của cải, có người từ tâm chẳng sát sanh mà chết yểu; thấy kẻ ưa sát sanh mà sống lâu; thấy người trì giới phạm hạnh thanh tịnh hoặc được giải thoát hoặc chẳng được giải thoát. Do đó, Phật dạy rằng: Tất cả chúng sanh thọ báo khổ vui đều do nghiệp nhân ngày trước, nên làm gì cũng phải sám hối nghiệp chướng mỗi ngày, đừng nói chi nửa tháng một lần mà không cố gắng thì làm sao nghiệp chướng được tiêu trừ? Lúc này, tôi chẳng hiểu hết lời dạy của thầy, nhưng đấy là lời động viên thực tế trong tu tập. Và bây giờ, tôi mới cảm nhận sâu sắc lời dạy của thầy, không phải thầy chỉ nói mà bản thân thầy cũng đã thực hành. Trong lời ghi nhận sau khi dịch xong kinh Đại Bửu Tích, chính thầy đã viết:

“Chư pháp hữu thân mến, cho phép tôi được dùng từ này để gọi tất cả các giới Phật tử xuất gia cũng như tại gia, tôi có ý nguyện nhỏ dù nhỏ nhưng là từ đáy lòng tôi thiết tha muốn cùng các pháp hữu, những ai có đọc, có tụng, có nghe những quyển kinh sách do tôi dịch soạn, sẽ là người bạn thân thiết của tôi đời này và mãi mãi những đời sau, cùng nhau kết pháp duyên, cùng nhau dự pháp hội, cùng dìu dắt nhau, dìu dắt tôi để được vững bước mãi trên con đường đạo dài xa, con đường đạo nhiều trở ngại chông gai lồng giữa cõi đời thế tục mà lớp vỏ cứng của nó là tứ lưu bát nạn, cạm bẫy của nó là lợi danh ngũ dục, sức mạnh của nó là cơn lốc bát phong. Tôi chân thành nói lên câu CẦN DÌU DẮT NHAU, VÌ VÀO GIÂY PHÚT MÀ TÔI ĐANG NGUỆCH NGOẠC GHI LẠI VÀI DÒNG NÀY, CHÍNH TÔI PHẢI LÀ CHÍNH TÔI, KHÔNG DÁM NGƯỠNG MẶT TỰ XƯNG LÀ TỲ KHEO CHÂN CHÍNH, CHỈ BIẾT NHƯ THẢO PHÚ ĐỊA, NHẤT TÂM SÁM HỐI MƯỜI PHƯƠNG PHÁP GIỚI”.

 Lời dạy của thầy thật là sâu sắc, chân tình, mộc mạc.

Mùa xuân lại về với biết bao ước mơ, vạn vật vượt đoạn đường dài khó nhọc đầy thử thách để dự lễ đăng quang của mùa xuân. Năm Giáp Ngọ 2014, sáng mùng 1 Tết, con chúc Tết Thầy (chỉ xá vì thầy không cho lễ), con dâng lên thầy chữ BÁCH THỌ. Thầy xem rồi đếm ngang xem mấy chữ THỌ? xuống mấy chữ THỌ? Đấy là những giây phút con tràn ngập niềm vui, vì thầy rất còn minh mẫn và vui vẻ.

Con xúc động lắm. Mùa xuân năm nay, thầy tròn 100 tuổi, dù thầy ở đâu, trong con lời dạy và hình ảnh thầy luôn hiện hữu và âm vang của thầy vẫn nhắc nhở chúng con khi mùa xuân trở về:

 “Xuân về! Nguyện Tam bảo gia hộ cho hết thảy huynh đệ giữ vững đạo tâm, tinh tấn tu hành”.