TRUYỆN TAM TẠNG PHÁP SƯ CHÙA ĐẠI TỪ ÂN ĐỜI ĐƯỜNG

Sa-môn Tuệ Lập biên soạn bổn văn, Thích Ngạn Tông chú thích biên chép lại.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 8

BẮT ĐẦU TỪ THÁNG NĂM MÙA HẠ, NIÊN HIỆU VĨNH HUY
NĂM THỨ VI DỊCH LUẬN LÝ MÔN, ĐẾN THÁNG BA MÙA
XUÂN NĂM HIỂN KHÁNH NĂM ĐẦU, TRĂM QUAN DÂNG
BIỂU TẠ, VUA SOẠN VĂN BIA CHÙA

Tháng năm mùa Hạ năm Canh ngọ, niên hiệu Vĩnh Huy năm thứ sáu, Pháp sư đang dịch các bộ khác, lại bắt đầu dịch luận Lý Môn. Trước kia trụ chùa Hoằng Phước đã dịch luận Nhân minh. Hai bộ này mỗi bộ một quyển. Đại minh lập ra để phá khuôn phép hiện có của Tỷ lượng môn. Các vị tăng đồng liêu lại đua nhau soạn văn sớ. Lúc dịch kinh thì tăng Thê Huyền truyền bộ luận đó cho quan Thượng dược phụng ngự là Lữ Tài. Tài bèn xem lại và chỉ ra những đoạn dài ngắn, viết chú giải cho luận Nhân Minh để lập phá nghĩa.

Lời tựa rằng: Bởi nghe một lần diệt mất thì một lần tăng lên, cũng nằm trong trời đất. Thật là cao lớn! Biến hiện thật vô cùng. Lý thì chưa vươn ra bên ngoài, sự thì còn ở trong cõi này. Làm vẫn đục tinh chất ban đầu mà không biết, cùng khắp cả âm dương mà không đo lường được.

Còn khai triển pháp môn tám chánh đạo. trước là nói về hình khí, lại nói rộng về giáo của hai trí.

Cho nên có thể vận từ “không, hữu” mà biến chiếu, soi chân tục mà chia hai, nhận chìm sáu cõi trong biển ái dục, ngồi ba xe vào nhà lửa. Cho nên pháp lực của Đấng Pháp vương vượt thoát khỏi chúng sanh mà được từ tại. Tự giác, giác tha, hàng phục các ma mà được giác ngộ. Nghiệp vận từ đây phát khởi, hóa duyên ở cõi này, mở mang pháp mầu. Cũng do lửa diệt mà củi hết, xem hết mọi kỳ tính từ trước đến nay. Xét rõ sự chân thường này, vốn không có sinh trụ. Nhưng Đạo pháp mở mang truyền bá khắp nơi, có duyên thì ứng hiện. Bậc tiên tổ Minh Đức, không xa cũng không đến, nhân duyên gieo từ đời trước, thần quang soi sáng đã bao đời, mới gặp được nơi chốn quay về hôm nay.

Cúi mong! Thiên đế của nhà Đường, Vận kim luân mà đến bốn cõi. Che chở muôn đời mà phủ dụ muôn dân. Mặt trời tuệ chiếu trong sáu tầng trời cõi Dục, che phủ mây pháp khắp Thập Địa. Tây Vực xa xôi, là cảnh diệu lạc vô cùng. trời đông soi dần về biển cả, khắp kinh thành đều vui mừng. Chấn thanh giáo khắp vô biên, thông kinh giáo ở trên Hữu Đảnh, khiến cho trăm ức Tu-di, đều cảm hóa mà quay về. Ở Tam thiên thế giới, cũng thấm nhuần ngọn Hoàng Phong vì vậy mà năm phương Ấn Độ, sửa đổi chốn hoang sơ thành nơi thông suốt. Mười tám Đức Vi-đà, dịch văn Phạm ở phủ thần, do đó mà có Pháp sư Tam tạng Huyền Trang, đó là bậc Năng Nhân thời nay. Ngài là bậc thông tuệ từ bao đời đã thành thục, là bậc hiểu rộng thấy xa, đức hạnh thuần khiết, giới luật tròn đầy. Thật là rường cột của Tam bảo, là giềng mối của bốn chúng. Bởi thấy thích giáo khai hóa ở Đông Độ này đã lâu, lại cũng sợ tà chánh lẫn lộn, nước sữa khó phân. Nếu không thấy được thật tướng ở đất Phật, nghiệm chân văn ở nước Ma-kiệt thì làm sao ba tạng được quyết định, đạt tông đạo đến chỗ rốt ráo, may mắn gặp được hai nghi giao hòa, bốn hải bất nhiễm, bèn phất y đến những nơi huyền đạo xa xôi, chống tích trượng đến nơi thống lãnh. Đến tận sông Hà ở Tây Vực, đến cuối dòng ở chốn đông duy, hái lá bối trên núi Linh Thứu. Thấy Kim Văn nơi rừng hạc. Trải qua các nước, cả trăm chốn kinh đô đem được kinh tạng gần bảy trăm bộ, về phiên dịch ở Thượng Kinh. Do đó mà thấy được thánh nhan đối mặt với tông cực.

Luận Nhân minh này, chính nằm trong phạn bổn của ba tạng, lý thì bao gồm trong ba thừa, sự thì chứa đựng cả trăm pháp, nghiên cứu hết mọi lẽ hữu không, phát huy các tông phái trong ngoài, tuy ngôn từ đại khái mà lý lại rộng sâu. Văn tuy sâu kín mà nghĩa lại rõ ràng cho người dễ đọc. Vì người đời nay không hiểu hết mọi yếu nghĩa. Người học đi du phương bao năm cũng chưa đủ so lường hết nguyên ủy. Nếu muốn rõ hết yếu môn mầu nhiệm thì trước phải phiên dịch. Gồm có các vị như: Pháp sư Thần Thái, Pháp sư Tĩnh Mại, Pháp sư Minh Giác, v.v… đều dùng thần cơ triết học của mình, chí nghiệp đều thông đạt. Thấu suốt cả ba tạng, phần nhiều thông ngộ. Thế là được sắc chỉ vua vời đến, đồng đến pháp diên, làm nhiều lợi ích. Các Pháp sư Tam tạng đã khéo nói pháp yếu, hiểu tận nguồn chân. Nên cùng sao lục lại văn tự, sớ lại nghĩa lý, chỉnh lại rõ ràng mới đem ra truyền bá.

Thế là các vị già trẻ đủ đức đủ tài cùng ở trên non xanh, thường qua lại chốn sơn môn, cùng với các quan ở kinh đô, các học sĩ ở khắp nơi. Tự mong tu nhiếp hơn ba mươi năm, lòng chí thành tha thiết, hai nạn cũng tiêu tan. Nhưng Pháp sư tiết tháo tinh khiết, giới hạnh tinh nghiêm, học hạnh thông suốt, đạt đến Nhất thừa, thân chẳng câu nệ ở nơi Thập tụng, tài đạt đến chỗ tinh cần.

Bấy giờ, mở đạo tràng phiên dịch, nhưng vì trong ngoài khác nhau, hạnh giải cũng khác. Trong lúc bàn luận, phải trái lại phát sinh. Pháp sư bèn mời các vị có tài đến nói:

Đàn-việt phải nghiên cứu hết sáu kinh, tham kiến trong trăm họ, điều khiển hàng phục cả âm dương, xét điệu hát mà hiểu được môn sự.

Lại nghe lúc bình sinh chưa thấy được Thái Huyền, bèn triệu đến thưa hỏi giây lát thì đều hiểu thông. Nếu người chưa thấy được chân lý, thử tạo trong vài tuần thì thành. Vì tâm người hữu hạn, gặp việc liền muốn xuyên tạc. Nhưng Phật pháp mầu nhiệm khôn cùng, vì chưa đồng tâm kia. Tuy người thích sưu tầm học hỏi, sợ rằng khó mà thi thố được. Cho nên nay còn phiên dịch nội luận, để mong cho người được thấy?

Sau đó, Pháp sư lại gặp Nhân Minh thấy nghĩa lý thật sâu xa, cho nên bèn viết lại, để khai thông cho người sau, bèn viết thư nói rằng: Luận này rất khó nghiên cứu đến chỗ cùng tận. Ví như người thông minh học rộng nghe nhiều cũng khó lý giải được. Nay nếu các sư đều thông suốt, thì được gọi là trong ngoài đều tỏ. Luận này trong mùa hạ sẽ xong nhưng vì tài năng chưa đủ, nên vẫn hổ thẹn chưa dám công bố ra. Nếu được các học giả duyệt lại, thì nghĩa lý càng thêm sâu sắc. Nếu so sánh mà cầu đạt được mọi lý lẽ mầu nhiệm, thấu suốt hết tông chỉ, sau lại nhờ các Pháp sư giải nghĩa thêm mới được tường tận rõ ràng. Nhưng tuy các vị Pháp sư văn lý hội thông, nhưng còn kiến chấp, cho nên tự mình mâu thuẫn, nghĩa đồng lãnh thọ ba tạng, mà sự nghiêng về một bên vẫn tạo ra bao sự khác nhau.

Nhưng Phật giảng nói pháp âm, là tùy theo căn cơ chúng sanh, đâu riêng chỉ người tại gia, không phân biệt chúng sanh. Tài của Pháp sư có dư, nên khi chú giải luận này, các vị Pháp sư đều cho là phải. Do đó mà được thành tựu. Nếu có ai nghi ngờ, thì nên lập luận mà phá, chia làm ba quyển thượng, trung, hạ, gọi là “lập phá chú giải”.

Các vị viết thành “Mặc Thư”, tức là văn này của luận. Còn chú giải “Chu Thư” (Sách đỏ) các vị sư gọi là Cựu thuyết, lời văn chú giải “Mặc Thư” về sau, chính là những lời soạn mới bây giờ, dùng các nghĩa trước kia mà các Pháp sư đã quyết trạch. Gồm có hơn bốn mươi điều. Từ khi sáng lập về sau vì chưa đủ duyên, nên văn lý ẩn mất khó thấy được.

Nhưng họa thành nghĩa lý, cùng nhau so sánh, chọn riêng ra một bản, đó là bản chú luận gần đây, ngoài ra không còn ai chú giải. Thật chẳng phải là chuyện đầu đường xó chợ, hoặc do lời nói mà biết, bởi chẳng phải do tài năng thật sự. Nhưng dùng sở học mà không cầu thỉnh, còn gọi là truyền đăng, nghe một biết mười mới gọi là người thông minh, huống chi lúc bình thường không thấy, lúc gặp việc lại chần chờ. Nay đã không nhờ vào thầy, mà sự chú giải lại không lầm lộn, thầm nghĩ ở trên đỉnh núi Tuyết, có Dạ-xoa nói pháp sinh diệt, ở nơi hang động loài dã thú nói kinh Vị Tằng Hữu. Một lời nói hợp lý, còn được Thiên tiên quy kính, người tài đức chú giải, thì có được mấy vị. Các Pháp sư có thể quên việc nhỏ nhặt của Hồ Quỷ, nghĩ tới pháp vị thì vẫn tôn trọng, thấy việc lành thì theo, không câu nệ là chân tục. Đó chính là đạo của Như Lai.

Nếu không đọa vào cõi này, mở mang Phật pháp sâu rộng cho mọi người thì làm sao có được lẽ chân thường, tức là tâm chưa quên đối với nhân ngả, nghĩa cũng không xét đối với phải trái. Tài cũng không thể ngăn ngại, là còn nghĩa đến việc dịch ra ba tạng.

* Tháng bảy mùa Thu năm Kỷ tỵ, khi Pháp sư đang dịch kinh thì Sa-môn Tuệ Lập nghe rất cảm mến, nhân đó viết thư cho quan Tả bộc xạ là Yên Quốc Vu công nói về các điều lợi hại rằng: Tuệ Lập nghe sự lập giáo của chư Phật, văn ngôn sâu xa, ý nghĩa lại rộng khắp, tròn đầy rộng lớn thật vô cùng, làm lợi ích cho muôn loại chúng sanh ở trong cõi trầm mê này, nói rõ tánh tướng của chân như, ở trong Thập Địa mà vẫn còn mê, nói nhân duyên các pháp vô sinh mà vẫn còn tối tăm, huống chi những kẻ còn lầm lạc trong tám tà, đắm chìm trong bốn đường, mà muốn luận giải nghiên tầm mọi lẽ đồng khác của tông môn, há chẳng phải là luống dối sao?

Thấy rằng chùa Đại Từ Ân có được Pháp sư phiên dịch để tạo nền móng cho đạo pháp. Trí lực đã sớm thành, hạnh giải đều cao siêu, trong sạch, nắm giữ giềng mối cùng qua lại trong cõi Thánh, vâng theo lời mầu nhiệm, giữ ba tạng ở trong lòng, ôm cả bốn sinh trong lòng bàn tay, giữ cờ xanh ở trong túi tuệ, tạo khuôn phép cho ngày nay, thật là thuyền từ cho thế gian, tạo gương mẫu cho rừng thiền. Ngài phiên dịch thánh giáo hơn ba trăm quyển. Trong đó có tiểu luận tên là Nhân Minh, đem yếu chỉ này ra để luận đối với tà thuyết. Tuy chưa đạt được yếu chỉ của Thiền môn, nhưng cũng dần đạt được chỗ hiểu biết.

Gần đây có nghe Quan Thượng Thư Dược Lữ, vì có bọn người thường, trộm ngôn luận của các sư, soạn ra Nhân minh đồ, giải thích nghĩa của tông Nhân minh, không thể đạt đến chỗ tinh ngộ, thích khởi khác mối, dối tìm tiếng tăm, nên càng xuyên tạc thanh đức. Tự mình ngã mạn, tự khoe mình trước hàng công khanh, dương dương tự đắc trước mọi người, không thẹn với nhan hậu, chẳng nhọc trước thần lao, trải qua thời gian sự tình càng mờ nhạt.

Nhưng phụng sự việc thế tục ít có lúc rảnh rỗi, làm sao gọi là chân tông rõ được, chẳng khác nào như loài chuột nhắt chui qua lỗ bếp mà cho là chẳng khó. Loại sâu nhện thấy cây gai mà cho là lưới. Đó cũng gọi là cái lưới của cây dâu, do không lường được bờ bến làm sao dứt ra được. Khi cái nghe bị ức chế thì âm thanh sẽ càng nhỏ. Lời biện luận nếu từ tốn thì ngài Tịnh Danh cũng không dùng lời nói, giới đức càng cao sâu.

Tháng mười mùa Đông năm Đinh dậu. Quan Thái thường bác sĩ là Liễu Tuyên nghe việc này, bèn làm bài kệ quy kính để khuyến khích chúng tăng dịch kinh.

Kính lễ chư Phật
Nguyện hộ thần uy
Lòng thành kính thỉnh
Mê hoặc bao đời
Đắm chìm chưa ngộ
Quy về viên giác
Ra khỏi biển ái
Thuyền chèo thưa thớt
Chấp khác càng sâu
Hòa hợp nương tựa
Xa lìa chấp hữu
Lý bặt lầm lỗi
Khinh mạn tám chánh
Nói suông trăm phi
Thủ xả cùng giải
Nhiễm tịnh chẳng phân
Vàng đá không tỏ
Ngọc đã soi sáng
Năng nhân xét khắp
Dứt bặt nghi lầm
Khế thành đại đạo
Ai dám hủy báng
Nêu đức ngay thẳng
Chớ để suy bại
Cúi mong lắng nghe
Ngày càng phát huy
Vọng cầu tha thiết
Dủ lòng thương xót.
 
Quy Kính nói: Xưa Đức Năng Nhân thị hiện ở cung vua, nhập diệt tại song thọ, nói pháp mầu nhiệm, đến chỗ sâu xa. Chúng sanh mong được ơn nhiếp thọ. Từ khi Phật nhập diệt, Đạo pháp truyền về Đông Độ, vua Hán Ngụy đều hết lòng kính tin. Vua Phù Diêu càng chấn hưng phát triển. Từ đó danh tăng xuất hiện, hiền sĩ nối truyền. Mặt trời tuệ sáng soi, bánh xe pháp thường xoay, bắt đầu từ ngài Ma-đằng, Pháp Hiển ra sức mở rộng, tiếp đến ngài La-thập, Đạo An cùng khai sáng ánh đạo. Ngài Phật-đồ-trừng vào đời Triệu, Ngụy dùng lời khuôn phép, cũng chưa thể nói rõ, đều dùng không hữu ở trong Nhất thừa, luận khổ tập trong bốn đế. Mượn lời nói nên chưa dứt hữu vi, dứt hết ngôn ngữ thì ánh đạo rõ ràng, mới khế chứng ở trong vắng lặng. Nếu còn chấp huyền để cầu huyền, thì chẳng phải là huyền lý. Nhân nơi huyền để quên nó, thì đó chính là huyền. Nghĩa tuy thầm hợp với u đồ, mà sự lý thì dính mắc ngôn ngữ. Nhưng nhiếp sinh trở về vắng lặng cuối cùng cũng mượn ngôn từ. Đã lập lời nói thì đúng sai liền khởi. Như người gây chiến tranh, gươm đao liền phát. Nếu thua là tinh khí, thắng là tiên minh. Cho nên mới hàng phục ma quân, ngự chế ngoại đạo. Nếu chẳng có biện tài, thì khó bề đối đáp. Nếu gặp cảnh sinh tình lại sinh tâm hổ thẹn. Cho nên chúng ta phải chuyên tâm giữ đạo, nhất ý tu trì, để xây dựng cờ pháp, suy nghĩ trống pháp, cờ trống đã chánh thì địch quân sẽ bại trận, bánh xe pháp đã xoay thì năng uy bất phục. Còn như cờ không gió vọng, gặp nạn càng khó gỡ, dù có mở mang Tam bảo cũng chẳng có chỗ thật có. Còn như Dược Lữ vâng lời vua nhập vào cửa không hữu, rong ruổi trên đường chánh kiến, nghe các bậc Hiền thánh xưa, hiểu được bậc sĩ đời trước. Nào là bậc luận biện, vị nghĩa minh, có vị chân đức, có vị hạnh giải. Đã ở trong dòng chảy tám chánh đạo, lại ngộ từng phần trong bảy giác, từ đó mà ảnh hưởng thành ra giáo hóa. Nếu đến am viên của ngài Tịnh Danh, nghe đạo thì sẽ cầu, cùng quy về không vô. Ý vẫn muốn mở mang truyền bá Phật pháp, lập sớ để phá Nhân Minh. Nếu muốn như vậy thì phải có sở trường. Nếu không được như vậy, thì là sở đoản. Nay thấy tăng chúng nhóm họp trên núi, các nơi đều nghe. Lữ Quân cầu thỉnh, ai ai cũng biết, khắp nơi trông đợi. Có Thái sử lịch là Lý Thuần Phong nghe liền tới hỏi rằng: Tâm này thường nhớ chánh đạo, hạnh muốn quy y. Lấy thật tuệ làm đại giác, trở về với pháp quy y, là điều ngự pháp thể. Nhưng nhật nguyệt soi tỏ, thật là giúp đỡ cho bậc Thượng huyền vận dụng, bậc Hiền tăng mở mang Phật pháp, thật cũng để cho bậc Thiên sứ diệu đạo, đó là chỗ tin nhận, là chỗ an tâm. Nhưng không dám lấy lá vàng để làm vòng, lấy loài gà mà cho là phượng.

Hoặc có lời bàn nghị khác, chẳng lẽ là tâm thành hay sao? Nhưng từ rừng Hạc về sau, đã gần hai ngàn năm, chánh pháp càng xa, Mạt pháp đang đến gần, huyền lý không còn soi sáng, pháp đạo cũng dần lạc mất. Cho nên Pháp sư Huyền Trang, theo hạnh đầu-đà đi khắp pháp giới, đến nơi đất Phật xa xôi. Tự tìm đến chỗ cây đạo, bên dòng sông Hằng thấy được bảy hội tám hội, nơi thành Ca-tỳ-la-vệ, núi Linh Thứu. Khi đến nước kia, nơi rừng Ta-la, mới nghiệm được điều hư thật. Còn như trải qua các nước tham bái thánh tích, học đạo Đại thừa Bát-nhã nên các nghĩa nghi đều được thông suốt. Tạng Tỳ-ni học với các sư nước kia đều vâng giữ không lìa bỏ. Minh nghĩa Tỳ-đàm cũng đồng phán xét. Đối với Tô-đố-lộ đã được pháp thinh minh. Nậu-đa-la cũng dứt được nghi tình. Pháp không có lớn nhỏ, không có chỗ nào mà không ẩn kín trong lòng. lý không có cạn sâu, thảy đều có thể suy nghiệm, cho nên gọi là ba tạng, ở Chấn Đán có thể thiền định gọi là Ma-ha. Nơi thành La-vệ cùng xưng, đó thật là đạo lý. Nhưng Lữ Quân học thức sâu xa, nghĩa lý đều tinh thông, ngôn hạnh đều chân chánh tùy nghi, kinh luật đạo pháp đều thông suốt, biên tài vô ngại, ai cũng kính phục. Nhưng nghĩa Nhân minh lại tiềm ẩn sâu kín, nói ra khác nhau. Khi gặp cảnh thì lại biến hiện muôn hình trạng, cùng một khí chất mà hình dạng thường khác nhau.

Lữ Quân đã theo đó mà chấp tình, các đạo tục đều trông đợi lời chỉ định, thu sương đã giáng, bên cạnh nghe tiếng chuông kêu, mây pháp đã trải, sấm chớp không còn phát. Nhưng rồng voi rảo bước, loài lừa chẳng thể kham được. Nhưng y phục bình bát, tại gia không giẫm được, giả như loài rồng có kháng cự nói vô cấu, giải thích các điều nghị luận thì Bí-sô luận bàn cũng có thể tường tận. Cho nên liền lập chí, thỉnh mới không thôi. Nếu còn điều nào nghi vấn thì thỉnh cầu ba tạng quyết nghi. Đem những điều thọ lãnh được truyền lại cho bốn chúng cùng lãnh hội, chánh đạo càng mở mang, ba chướng liền tiêu diệt, nối tiếp làm hưng thạnh Tam bảo chính tại ngay đây.

Đệ tử là Liễu Tuyên Bạch, dịch kinh năm Canh tý, Tăng Minh Tuấn đáp, Liễu bác sĩ tuyên nói, rồi thuật lại lời tụng rằng: Đại Thánh giác ngộ

Tròn sáng tỏ chiếu
Lặng lẽ vô cùng
Như âm đáp tiếng
Khắp chốn cùng nghe
Lời nói chí thành
Dẫn dắt chúng sanh
Khiến kẻ mê lầm
Trăm sông sóng tà
Một vị nuốt hết
Vật có lấy bỏ
Chánh trái đủ thiếu
Tám tà bén nhạy
Bốn câu nêu danh
Dùng tà soi chánh
Lấy trọng làm khinh
Nắng soi tan băng
Châu sáng nước trong
Hiển bày thượng đức
Thể đạo kiên trinh
Dù có khen chê
Thảy đều buông bỏ
Triết lý cao ngời
Hàm tình rực rỡ
Kẻ sĩ quán xét
Dùng định cân bằng
Tinh thần dứt bặt
Phân biệt rõ ràng.

Lại thuật rằng: Trong khoảnh khắc quay về, thấy được lời nói quy kính, văn chương soi sáng thật là hay đẹp. Đạt đến chỗ chí thành, há là không tỏ ngộ hay sao. vì thương phàm phu đắm chìm trong biển ái dục, núi tà che khuất mặt trời, càng tạo nên nhân ngã. Nơi chốn đọa lạc càng kết thêm kiêu mạn, đắm chìm mãi không cùng. Cho nên trong sáu mươi hai kiến tranh chấp mê lầm lẫn nhau, chín mươi lăm đường cùng đua chen mà quên mất lối về. Như Lai vì bổn nguyện Đại bi tạo duyên lành cứu độ. Bên trong thì đầy đủ bốn trí, ngoài thì hiện rõ sáu thông. Dùng mười lực để hàng phục thiên ma, đem bảy biện mà xô ngã ngoại đạo. Từ đây biển ái cạn dần, rõ được ba không, phá trừ núi tà, noi mình trong tám chánh. Nêu nhân để thấy quả, trở về cội nguồn, chính là bậc Đại sĩ? Bi trí diệu dụng, ngôn ngữ đều dứt bặt. Xưa Phật ngồi dưới cây Bồđề đạt đạo Chánh giác. Từ đó soi Thanh giáo ở trong muôn ức, thánh tích tìm đến muôn vàn, chấn hưng cả ba cõi. Từ hướng Tây Vực mặt trời Phật quay lần về Đông Độ. Vua nhà Chu ban đêm thấy được điềm lành, nhà Hán mộng được pháp mầu, ngài Ma-đằng, Trúc-pháp-lan soi đèn pháp trước tiên. Kế đến Phật-đồ-trừng, La-thập nối đèn kế theo. Nay đây Pháp sư lại dịch kinh hoằng pháp. Dùng thần dị để soi sáng cho đời, dùng cao luận mà hàng phục tà giáo, dùng thiền định để trang nghiêm mọi việc, giữ gìn cương lĩnh đạo pháp. Không để dòng nước u minh nhận chìm, hoa sen không ẩn mất, có thể lược giải rõ ràng. Nay có ba tạng, Pháp sư tú ẩn oai linh, rõ ràng muôn thể. Nhất vi mà vẫn thông suốt cả năm thừa, vì lòng từ bi đi tìm thánh tích nơi xa xôi để bổ khuyết cho giáo lý đạo nhà, suy nghĩ sâu xa mà ngộ được lý nghĩa, dùng đạo để tu thân. Tâm miệng đều phù hợp, hình ảnh đều tương ứng v.v…. Chấn y cầm tích trượng, kiếm gốc tìm nguồn, ra khỏi ngọc môn quan mà du hóa, đến sông Hằng tìm thánh tích. Học quyết nghi trong phạm bổn. Thấu triệt lý nghĩa sâu xa, khai hóa thần minh trong khắp nước. Mở mang chánh đạo, dứt hết mọi nghi lầm, cho nên từ đó kinh điển ngày một dồi dào, phương đẳng viên tông rộng bàn mọi thắng nghĩa. Ở trong chỗ diệu tuyệt, thấy rõ hết chân tánh chân không, truyền bá khắp trong ngoài. Khi không còn chấp giữ nữa thì chân lý xuất hiện. Từ chỗ vô cầu mà chứng thật nghĩa. Thánh tích chia làm hai bên, quên mất tướng Trung đạo, dù trải qua nhiều đời tu tập vẫn chẳng dễ gì đạt đến chỗ cực yếu. Thật là mầu nhiệm vô cùng. Tâm thanh tịnh hoàn toàn, đó chính là pháp. Tại tâm là pháp, mượn hình để thọ giáo. Pháp thì có tự tướng, cộng tướng, giáo thì có đốn tiệm. Yếu chỉ tinh túy của các tông, há là lười nhác mà đạt được sao? Pháp sư là bậc trí thần sâu xa, rõ hết việc trước sau, thâm nhập mọi huyền nghĩa. Từ đó Ngài khai sáng pháp mầu, mở các tông phái đại tiểu, mở rộng nghĩa lý đạo mầu. Tham học các vị Thạc đức cao tăng ở các phương, hết lòng học đạo giải quyết nghi tình. Khi bụng đã chứa hết pháp tạng nơi dòng sông Hằng thì hiểu hết mọi điều sâu cạn. Nghe danh biết các vị học đức xa xôi, Ngài đều tìm đến để học tiểu đạo Nhân minh. So lại các điều mầu nhiệm, Ngài biết đây chỉ dành cho người Sơ học. Ngài nêu sự lập luận rõ ràng, đến như mọi then chốt bí tạng đều thành công. Tất cả đều đầy đủ trong sách vở, chẳng phải chỉ nói ra đây mà thôi.

Lữ Phụng Ngự nói: Dùng gió thần soi sáng, khéo giỏi nhiều tài, thông cả vũ trụ. Sớm làu thông bác vật, rõ biết điển tích, cùng các môn số thuật chấn phong đều luận bàn trôi chảy Ngài là bậc anh tài ở chốn Hàn lâm.

Một lần người xem qua các sớ liền giải thích, mới tìm cầu lập thử mà được thành tựu. Thật là bậc đại tiên ở đời. Những lúc ngao du khắp nơi, khi rảnh rỗi có xem qua kinh Đại thừa, cũng hết lòng kính mến tin tưởng. Lúc cùng bạn vui chơi, bỗng nhiên thông suốt hết Nhân minh không nhờ thầy chỉ dẫn, tự mình thông suốt. Như soạn các văn sớ, ý tưởng cũng hạn hẹp. Khi nghị luận ở triều đình, dùng lời nói để khảo xét ý chí mình, thật là càng khó. Sự hiểu biết cũng không rõ ràng.

Luận này có một quyển mà dùng năm bộ giấy mới viết thành. Nghiên cứu qua một lần ba bộ sớ này thì tự thấy sai có bốn mươi điều, không có một điều đúng. Tự nó là không đúng, mà lại nói là đúng. Sớ văn vốn là không sai mà lại làm cho thành sai. Nói sai thì không sai, mà nói đúng cũng không đúng. Nói đúng không đúng, đúng đúng mà vẫn thường sai, nói sai, không sai, sai sai mà thường đúng, sai sai mà vẫn đúng đó, do chẳng đúng vì đúng mà tạo ra, đúng đúng mà vẫn sai, cũng không vì sai mà làm ra. Trái đây là do sự chê bai mê hoặc mà làm ra. Vả lại, y cứ vào sinh nhân, liễu nhân, chỉ chấp vào một thể mà quên mất hai nghĩa của năng lễ, sở lễ. Phong ở một tên mê hoặc cả hai thể. Lại đem các tông nương vào tông thể, rồi lại truyền bá các tông ấy để làm tông. Đem các việc dụ thể, dụ y, bỏ thể, lưu y mà làm dụ. Do đây mà chia ra sự vọng khởi đa nghi. Mê một lúc mà lầm sinh trong bảy kiếp. Nhưng do xét cùng các vị Luận sư đã nhất tâm, thì câu văn trên dưới đều bị ngưng trệ, mê lầm đối với văn chữ, lại dùng số luận để làm Thanh luận. Nêu sinh thành làm diệt thành. Đâu phải chỉ sai nơi chỗ tông nhân lý hợp, mà cũng trái với điều thuận nghịch trước sau. Lại xét sự sai lầm là do tiếng Phạm chuyển âm ra. Tuy có rộng nêu ra bảy thứ, mà chỉ lược qua một lần, nhưng chẳng phải bảy điều sở mục, mà là hô thanh thứ tám. Sự xuyên tạc thật là sai lầm, do đâu mà ra?

Lại xét trong Thắng Luận lập ra thường cực vi số mà không cùng, thể thì cực nhỏ, về sau hòa hợp lại mà sinh ra tử vi. Số thì bồi giảm ở trong thường vi. Thể thì tăng dần đến cùng cha mẹ sinh ra, cuối cùng thì thể cùng khắp cả Đại thiên, rốt ráo tột cùng thì số chẳng phải là một, Lữ Công lại dẫn Kinh Dịch nói rằng: “Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh ra muôn vật”. Nói đây cùng với kia, lời khác mà nghĩa đồng. Nay xét rằng: Thái cực là vô hình, khi sinh ra mới tượng hình. Nguyên thỉ vốn là khí, cuối cùng thành ra muôn vật, há là từ nhiều mà sinh ra một, từ một mà sinh ra nhiều hay sao? Dẫn các loại là muốn nói lên học rộng, nghĩa đã trái thì lấy gì thỉnh cầu. Lại dẫn trong Đại lệ, việc sinh nghĩa cũng tương đồng, nếu cố giải thích thì đồng với tà kiến. Mê lầm sâu như thế làm sao tránh được, đâu được một chút lại đem điều tà hòa với việc chánh, bởi thân làm các điều sai trái nên dẫn đến như thế.

Những lời phỉ bắng bên ngoài nếu có thắng được lời nói thì cũng đưa mình đến chỗ mê lầm. Cội gốc đã bất chánh, cành lá cũng ngả nghiêng, càng rơi vào nghi lầm đọa lạc, rồi tùy nghi vặn hỏi, hình cong bóng ngay lại có thể được hay sao? Thử nêu ra hai, ba ý thì cũng đủ rõ. Căn bệnh này lâu ngày lại lập luận khác nhau, mong Lữ Công xem xét lại, lẽ nào bậc đại thần mà như thế hay sao? Nêu rõ những điều chân tục, trình bày những điều khó dễ, thì mọi sự sẽ rõ ràng. Đạo Phật truyền bá đã rộng khắp, chánh pháp lại cao sâu. Chẳng khác nào thuyền mắc cạn làm sao vượt qua biển lớn.

Quan Thái sử lệnh là Lý Quân lý học sâu xa, thần minh tỏ ngộ.

Nên chuyên tinh vào chín số, chú trọng vào sáu hào. Lại vì khảo cứu rộng các phần điển thì sẽ thấy rõ sự thất truyền này. Ông thuộc hết các bộ luận của Lữ Công, liền can ngăn rằng: Dùng thật tế để tự tìm đến Đại giác, dùng vô vi mà chế ngự pháp thể. Đây chính là dùng lòng tin để huân tu mà đạt được phần chứng, còn bẩm thọ tự nhiên thì rốt cuộc sẽ không thành, chỉ sợ lời nói thì giống mà ý lại trái, ngôn từ gần mà yếu chỉ lại xa, đạo mầu của Thích Tôn, may mắn mà gặp được.

Vả lại bọn giặc Thiên sứ, cao lời đặc tiến, cũng theo những lỗi lầm đó thì làm sao mà nói. Tuy nói là không lẫn lộn chánh tà, cũng bởi tự lạm vào đó rồi. Đây là lỗi của Lữ Công khuếch trương sự học, muốn tạo nhân nghĩa cho thân mình thích ứng muôn vật để lập then chốt, muốn cho sâu rộng thanh cao. Nâng khí tiết đến tận trời mây, đem dòng nước tưới nhuần khắp mặt đất. Để tiếng nơi văn nghiệp, nổi tiếng nơi rừng Nho sĩ, nhặt góp nơi các tông, nghiên cứu trong hai năm. Đến như kinh lễ ba trăm, khúc lễ ba ngàn, sự lý đều nắm vững. Pháp độ sẽ cũng đạt thành. Vì thế mà làm cho lời thơ bặt ở nơi hoang vắng, khắp nơi đều ca vịnh, cho đến trong triều ngoài nội. Từ đó mà phô bày hết cái hay cái đẹp, mà sự kính thành càng tha thiết. Tâm hoằng pháp thật bao la. Đem đạo mầu ra luận nghi, lòng những hổ thẹn bấy lâu. Cho nên buông bỏ hết mọi ràng buộc chốn hàm tình thì đại nghĩa sẽ tỏ sáng. Khi tài đức gồm cả trong ngoài, tì đâu thể để kích dương trong đục, cứu tục giữ chân sao? Xưa môn hạ của Thiệp Công có đến ba ngàn vị. Nay trong đại hội này bậc Đại đức đông như rừng, còn bần đạo thì hẹp hòi dung lậu, hiểu biết chưa sâu. Tuy ở trong triều ngoài nội gặp được vua thánh mà sớm hôm càng hổ thẹn. Kinh sớ nêu đủ ba đức, quán chung cả năm thừa.

Đã vì Đạo pháp mà truyền bá thì mưa pháp sẽ thấm nhuần, Điện từ cũng sẽ phát, sợ không đủ duyên để nghe được mà thôi.

Người xưa nói rằng: Một cành có thể làm nơi tập bay, chớ đâu cần phải cả rừng mới có thể được. Ao nước đục cũng có thể làm cho cá chìm, đâu đợi phải là biển sâu. Cho nên không vì sự ngu si mà từ chối mọi việc, lời thô thì ngang ngạnh, dù văn không đủ lý, mà nghĩa cũng có thể tỏ qua.

Vài lời đơn giản tỏ bày, ý vẫn còn lo sợ, nên chỉ nói lại mấy điều dâng lên Thánh thượng, mong thấu suốt nguồn chân.

Năm Quý Mão, vua nhận được thư. Có người lại khích Lữ Phụng Ngự, nhân đó tâu lên các việc. Vua lại sắc chỉ khiến cho các quan học sĩ, đến chùa Từ Ân, thỉnh ba tạng, đối luận với Lữ Công. Sư viết lời từ chối. Tháng giêng, mùa Xuân niên hiệu Hiển Khách năm đầu. Hoàng Thái tử Lý Trung, vì không phải con vợ chánh nên không dám nối ngôi, bèn bắt chước theo Thái Bá, dâng biểu từ chối nhường lại. Hoàng đế liền theo lời xin đó, phong cho Trung làm Lương Vương, ban cho trấn giữ một vùng đất. Cũng trong tháng đó phong cho Lý Hoằng làm Thái tử. Vào năm Mậu tý chùa Đại Từ Ân vì Hoàng Thái tử thiết lễ cúng dường năm ngàn vị tăng, dâng ba đoạn lụa.

Vua ban sắc lệnh cho triều đình hành hương. Lúc này, Hoàng môn thì lang tiết nguyên triệu trung thư thị lang Lý Nghĩa Phủ, tham kiến Pháp sư, hỏi rằng: Dịch kinh là một việc làm tốt đẹp, chưa xét việc đó soi sáng cho Đạo pháp, chúng sanh như thế nào, laị không biết ngày xưa cách thức việc phiên dịch kinh điển như thế nào.

Pháp sư đáp: Pháp tạng sâu xa, nếu phiên dịch ra hết yếu nghĩa thật là khó. Nhưng hội trường phiên dịch thì bên trong là hàng Thích chủng, ngoại hộ xây dựng, thuộc về Đế vương, sở dĩ thuyền vượt qua đại dương cả ngàn dặm, nương vào dây cáp có thể đi nhanh, mượn các duyên tốt mới có thể truyền bá rộng được. Nay thì cách đời Hán Ngụy đã xa, chưa thể thông hiểu hết các bộ luận. Vả lại từ đời Trần Phù Diêu đến nay, phiên dịch kinh sách ngoài chư tăng ra còn có bậc quân thần giúp đỡ. Đời vua Phù Kiên có Đàm-ma-nan-đề dịch kinh, có quan Huỳnh môn thị lang là Triệu Chỉnh ghi chép. Thời Dao Hưng ngài Cưu-ma-la-thập dịch kinh có Dao chủ và An Thành Hầu Diêu Cao ghi chép. Đời Hậu Ngụy Bồ-đề-lưu-chi phiên dịch có quan Thị trung là Thôi Quang ghi chép, và viết lời tựa. Các đời nhà Tề Lương, Chu, Tùy cũng đều như thế. Đầu niên hiệu Trinh Quán có Ba-phả-la-na dịch kinh, vua sắc cho quan Tả bộc xạ là Phòng Huyền Linh, Triệu Quân Vương, Lý Hiếu Cung, và các vị Thái phủ Khanh Tiêu Hoàng, v.v… cùng xem lại. Nay thì không như thế. Lại ở chùa Từ Ân, Thánh thượng vì Thánh hoàng hậu Văn Đức xây dựng nên, rất rộng lớn tráng lệ, xưa nay không có người ở, chưa được khắc bia truyền lại về sau. Sự hiển dương linh diệu không gì hơn đây. Các vị nếu có thể vì đây mà cầu thỉnh, thì thật tốt đẹp. Hai vị công hầu đều hứa. Hôm sau nhân lúc lâm triều, vì Pháp sư mà trần tấu cho Hoàng đế. Vua liền chấp thuận.

Vào năm Nhâm thìn, có quan Lục đại phu trung thư lệnh, kiêm Kiểm giảo Thái tử Chiêm Sư Giám Tu Quốc Sử, Khai quốc công ở Huyện Cố An là Thôi Ân Lễ, tuyên sắc chỉ rằng: Tăng Huyền Trang ở chùa Đại Từ Ân, đang phiên dịch kinh luận. Các bộ mới dịch xong, văn nghĩa cần xem xét lại. Nên khiến cho Thái tử, Thái phó, Thượng thư, Tả bộc dạ, Yến quốc công Vu Chí Ninh, Trung thư lệnh kiêm Kiểm Giảo, Sử bộ thượng thư huyện Nam Dương, con của Khai quốc công Lai Tề. Lễ bộ thượng thư huyện Cao Dương là con của Khai quốc công Hứa Kính Tông.

Thủ Hoàng môn thị lang kiêm Kiểm Giảo Thái tử tả thứ tử, con của Khai quốc công Tiết Nguyên Siêu, Trung thư thị lang kiêm Kiểm giảo hữu thứ tử huyện Quảng Bình con của Lý Nghĩa Phù. Trung thư thị lang Đỗ Chánh Quân, v.v… cùng đến xem xét, có chỗ nào chưa ổn thì tùy theo việc mà nhuận sắc. Nếu cần học sĩ, thì được cho thêm hai ba vị.

Sau khi bãi triều, lại sắc cho Nội cấp sư Vương Quân Đức đến báo với Pháp sư rằng: Sư cần các vị quan giúp đỡ phiên dịch, đã phân ở các nơi, các vị Vu Chí Ninh đều sai đến, còn văn bia để trẫm tự làm. Không biết có hợp ý Pháp sư không? Sau đó các tướng về bẩm báo Pháp sư đã vâng chỉ.

Luận chỉ rằng: An ủi tâm xưa, đối với sứ nhân lòng bi hỷ, bất giác rơi lệ trên tay áo.

Hôm sau, Pháp sư tự dẫn đồ chúng vào triều, dâng biểu cảm tạ (biểu văn này đã mất). Tháng hai có ni Bảo Thừa, là con dâu của Cao Tổ Thái Vũ Hoàng Đế, là con gái của Tổng quan Tương Châu đời Tùy là Lâm Hà Công Tiết Đạo Hành. Bà là bậc nhi nữ hạnh đức song toàn, đáng ghi vào sử sách. Cha là người học nghiệp danh gia, con gái cũng vâng theo lời chỉ dạy không thua kém, thông suốt cả kinh sử đạo mầu, lại có khiếu văn chương. Khi vua còn nhỏ đã có học với Bà. Khi lên ngôi cho đến sau này vẫn xem Bà như Thái phó, thường nhớ ân xưa. Phong là Hà Đông Quân phu nhân, lễ kính rất hết lòng. Phu nhân siêng năng học đạo xin được xuất gia, vua cũng cho Bà được toại chí. Ở trong cung lập riêng chùa Hạc Lâm cho Bà ở, lại lập văn bia nêu hạnh đức của Bà, lại cho độ mười người nữ làm thị giả. Bốn thứ cần dùng đều cung cấp đầy đủ. Sau đó, Bà thọ giới Cụ túc, đến ngày mười tháng giêng sắc chỉ mời Pháp sư cùng chín vị Đại đức của các chùa cùng đến chùa Hạc Lâm làm thầy giáo giới cho Bà thọ giới. Lại sắc chỉ trang hoàng mười xe báu, cùng mười xe âm nhạc theo sau. Cùng đợi trong cửa Cảnh Diệu. Trước là đem ngựa đến chùa đón rước, khi vào đến cửa mới đưa xe lên. Các Đại đức đi trước còn xe âm nhạc theo sau. Lúc ấy là giữa mùa Xuân, cảnh vật rất tươi tắn xinh đẹp, thúy liễu hồng đào đều rực rỡ, thông xanh sương biếc, xe gấm lọng tím. Trong khoảng ánh sáng giao mùa ấy, đoàn ngựa xe nhịp nhàng đi vào vương thành. Khi đến nơi rồi thì các Đại đức được an trí nơi biệt quán. Thiết lập xe báu bằng cây đàn cho năm mươi vị thọ giới, chỉ có Pháp sư làm A-xà-lê, làm tôn chứng cho Đại đức mà thôi. Đến mùng 3mới xong. Khi thọ giới xong rồi, lại cho một người thợ vẽ khéo léo là Ngô Trí Mẫn họa hình của Thập sư, lưu lại để cúng dường v.v….

Bên cạnh chùa Hạc Lâm, trước kia đã có chùa Đức Nghiệp, ni chúng cả trăm vị. Chư ni ở đây xin Pháp sư đến chùa Đức Nghiệp cho chư ni thọ giới Bồ-tát. Khi xong rồi thì Pháp sư từ tạ ra về.

Vua sắc lệnh quan Cấp sự là Vương Quân Đức đem lực sĩ cầm lọng báu để đưa tiễn Pháp sư, lại cúng dường rất trọng hậu. Người xem ai cũng vui mừng. Về sau chùa Hạc Lâm được đổi thành chùa Giáng Quốc. Không bao lâu thì việc ngự chế văn bia được thành tựu. Sắc lệnh cho Thái úy công là Trương Tôn Vô Kỵ, để nói rõ công trạng. Bia nói rằng: Trẫm nghe, lúc trời đất mới được hình thành, khi muôn vật bắt đầu sanh khởi, không đâu không che chở. Nhưng ánh sáng của vầng nhật nguyệt, không thể nào dùng cảnh tượng hư vô mà đo lường được. Bốn biển mênh mông đâu phải cùng cực. Huống chi Pháp sư tâm ý rỗng không vắng lặng, trước đã hiện tướng sinh bất diệt, thánh giáo lại thường lao lung, nói rõ hữu vô nhân ngã. Cho nên Đạo pháp soi sáng bao năm vẫn hòa hợp với chúng phàm linh. Nay thì nơi cung vua phát tích, hoa sen đua nở, thần minh càng soi sáng. Dưới gốc cây thành đạo, diển đức âm ở vườn nai, hội quần sĩ ở Long cung, khai tội phước cho chúng sanh, hưng pháp diệt cho người đời. Có thể khiến cho kẻ hạ ngu hiểu đạo, bỏ xương cốt nơi Hàn lâm. Bậc thượng triết đều khâm phục kính tin, hồn sa vào núi Tuyết, Pháp sư chuyển luân. Vượt ra nhà lửa ba cõi tăm tối, đêm đã tan thì ánh sáng sẽ tỏa hiện. Trẫm thường xem kinh học sử, thấy rõ việc đạo thế phước lợi kính tin đến nhiều kiếp. Đâu phải chỉ có Thích giáo!

Hoàng Thái hậu Văn Đức là dòng trâm anh thế phiệt, đức soi cả núi non, đạo chiếu khắp sông nước, để tiếng cả đồng quang, ý sáng ở nơi tám hoành, thấu khắp cung tía. Chấn đạo cả đối với xưa nay, càng sáng đức trung trinh, xứng danh bậc mẫu nhi trong thiên hạ, xưa Trọng Do thường than thở ở chốn đỉnh cung. Ngu Khâu than thở tại tam thất. Trẫm giữ ngôi thiên hạ, cũng mong được trọn đời. Cho nên lòng vẫn thường gìn giữ cơ nghiệp. Điểm lại trang trại cả ngàn cây gấm, phía trước đến núi Chung Nhạc, núi cao cả trăm nhận, mặt trái có tám sông, y theo mặt nước mà chia ranh giới. Bên mặt có chín châu, đường chim bay thẳng cánh đến trời mây.

Vì lòng tin là chốn đất tốt của Thượng kinh, cho nên xe loan ngự đến soi sáng cả cung điện nhật nguyệt. Mặt trời đã lố dạng, thì trăng đâu còn chiếu nữa.

Nay có Pháp sư Huyền Trang thật là bậc chân tu đạo hạnh, hào khí chốn thiền môn, thổi gió mát cả rừng thiền, khắp nơi đều được thấm nhuần. Trí đức chung cả xưa nay, đỉnh ngộ phi phàm, lòng chứa đầy hoài bão thiết tha. Tuổi trẻ đã phát huy trí lực, một đời tầm đạo mà khai sáng người sau, vượt xa hơn cả bậc tiên đức. Đem đạo lý thuần phong của đời xưa, soi tỏ mỹ tục cho đời nay. Lòng thương xót nhân sinh mê lầm trong đêm dài tăm tối, nghĩ đạo mầu bị che khuất, thế nên Ngài quyết cầu học bên xứ Tây Vực để sưu tầm học hỏi chân lý tận nguồn gốc. Nương đạo cả bên ngoài đất Hán, chống tích trượng ở chốn trời Tây. Vượt biển đạp trời, trải bao sóng gió mới đến được đất Phật. Dấu tích lưu khắp cõi trời trí tuệ, chân tâm ngộ đạt được chân lý mầu nhịêm. Nghiên tầm mật thuật, thông suốt bậc tiên hiền, Ngộ được các kinh điển chưa từng nghe, từ đó mà được truyền đem về Đông Độ, kế tục Chân tông. Đem bảo pháp từ Tây Vực để bổ khuyết những gì còn thiếu sót. Mở rộng nghĩa sâu kín, dâng bối điệp ở chốn kỳ lâm. Mở mang Đạo pháp, nước lóng trong ở định thủy. Trẫm sở dĩ chí thành tu tám chánh, túc chí ở chốn song lâm, tô bồi phước nghiệp. Nhờ Phật lực che chở cho Hoàng Thái hậu sớm siêu Tịnh độ, thần du lạc cảnh Tây phương. Nêu bốn chữ Di-đà, vàng đá cũng khó lưu. Tri sáu từ trong khuya sớm chí chẳng đổi dời. Biển cả hóa thành ruộng dâu, nào phải thế đất tạo ra. Núi cao trở thành hang động, nào đâu phải phá đá dời non, có bài minh nói rằng:

Ba sáng chiếu tượng
Muôn phẩm lưu hình
Đời người vô thường
Thời thế luống dối
Gió mà ngưng động
Nước sẽ dâng lên
Sóng ái bao trùm
Nghiệp thức tối tăm
Lành thay Điều Ngự
Lưu dấu cho đời
Đạo mầu cao sâu
Nguồn chân vắng lặng
Ẩn tích Thứu sơn
Long cung truyền rộng
Mặt trời tuệ chiếu
Mây từ bủa khắp
Di ngôn thánh giáo
Nghĩ tưởng đức âm
Đức soi muôn kiếp
Đạo sáng nhiều đời
Thần dạo chín cõi
Chấn tích song lâm
Mộng Hán như còn
Sao rơi khắp chốn
Lòng từ tha thiết
Thương kẻ đắm chìm
Đạo cả mong cầu
Thấm nhuần người đời
Ngồi trên xe mây
Lưu cả muôn năm
Chí khởi vô cùng
Tuệ mạng càng cao
Anh khí linh thần
Cô thân muôn nẻo
Riêng bước ba không
Vị đạo năm xưa
Nơi vườn Cô Độc
Núi Tuyết gió buốt
Trí tuệ càng soi
Chân lý cao dày
Bốn vận truyền bá
Sáu rồng rong ruổi
Đêm dài tan mộng
Ánh sáng chan hòa
Công đức khuôn phép
Sáng cả hồng trần
Nêu cao văn ý
Vịnh mãi ngàn năm.

* Tháng ba năm Đinh hợi, các quan hội lại cùng đến triều đường dâng biểu từ tạ lên vua:

Hoa trời ban phát nơi nơi, thấy được vật báu kỳ lạ ở chốn Hà Tông. Vua tỏ lòng thành kính khai mật triện.

Nghe được lời lẽ đẹp đẽ, ghi lại làm khuôn phép, soi sáng cả ngàn năm sau. Rồi cùng nhau giải thích, không biết giới hạn.

Bởi lẻ, Mặt trời trí tuệ chiếu ở trời Tây, soi sáng đêm dài, xua tan bóng tối. pháp truyền đến Đông Độ, hợp thời cơ mà càng vượt trội, giáo hóa khắp muôn phương, muôn vật đều quy về.

Trải qua nhiều thời đại đến nay, đạo càng hưng khởi.

Kính mong Bệ hạ! Lấy đức soi cả biển Đông, truyền khắp trong ngoài, đạo mầu chánh pháp.

Khai Cấp viên ở nơi cảnh đẹp, mở chân lý ở chốn nhàn cư. Khắp nơi cùng chung hưởng, đời cho là bậc rồng voi.

Từ đó mà khởi sáng thêm yếu chỉ sâu xa, vua bèn viết ra lời phong bia, lời lẽ thật là mầu nhiệm. Nghĩa đã cao siêu, lý càng sâu sắc. Chúng thần cung kính chân tông, may mắn gặp được thiên nhan, ân đức của người không biết lấy gì mà đo lường được.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10