TRUYỆN TAM TẠNG PHÁP SƯ CHÙA ĐẠI TỪ ÂN ĐỜI ĐƯỜNG
Sa-môn Tuệ Lập biên soạn bổn văn, Thích Ngạn Tông chú thích biên chép lại.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 2
BẮT ĐẦU TỪ NƯỚC A KỲ NI CHO ĐẾN NƯỚC YẾT-NHÃ-CÚC- XÀ
Từ đây đi về hướng Tây đến nước A-kỳ-ni, có dòng suối A-phụ-sư. Suối ở con đường phía Nam của một ngọn núi cát, núi cao mấy trượng. Nước từ lưng chừng núi chảy ra. Tương truyền, xưa có mấy trăm người buôn đi đến đây thì hết nước, vô cùng khốn khổ mà chẳng biết làm sao. Khi đó, trong số họ có một vị tăng, không có tài của gì mà chỉ khất thực để sống. Có người đề nghị rằng: Vị tăng này thời Phật, cho nên chúng tôi cúng dường, dù trải qua ngàn dặm vẫn không thiếu thốn, nay bỗng nhiên bọn tôi gặp cảnh này, xin bạch cho Ngài biết để. Vị tăng nói: Các vị muốn có nước thì nên lễ Phật thọ ba quy năm giới, ta sẽ lên núi tìm nước cho các vị.
Mọi người vì nguy khốn nên vâng theo lời dạy, khi họ thọ giới xong, vị tăng dạy rằng: Sau khi ta lên núi rồi các vị nên gọi A-phụ-sư xin cho con nước, phải dốc lòng cầu thỉnh mới được.
Vị tăng đi lên núi một lúc, thì mọi người vâng theo lời dạy mà cầu thỉnh, chốc lát nước từ trên núi chảy xuống tràn ngập, mọi người đều rất hớn hở, thấy vị Sư không xuống, mọi người bèn lên đó xem thì thấy Sư đã nhập diệt rồi.
Mọi người than khóc kêu gào, theo pháp bên Tây Vực mà làm lễ hỏa táng. Tại chỗ Pháp sư ngồi, họ chất đá lên xây thành tháp, ngôi tháp này hiện nay vẫn còn, dòng nước vẫn không mất, khách đi đường qua lại đây tùy nhiều ít mà nước chảy ra cũng nhiều ít. Nếu không có người thì chỉ là nước ngầm mà thôi. Lúc này, Pháp sư cùng mọi người dừng nghỉ qua đêm ở một bên suối. Sáng ra thì leo lên núi, thấy núi rất cao rộng, các nơi đều có mỏ bạc, các nước phương Tây lấy vàng bạc cũng từ đây mà ra. Đến phía Tây núi lại gặp bọn cưới, mọi người đem
vật báu đi xuống, đi đến thành Vương-xá nghỉ đêm bên bờ sông. Khi đó những thương buôn người Ấn Độ khoảng vài chục người, vì tham việc mua bán trước nên nửa đêm lén đi, đi được hơn mười dặm thì bị bọn cướp giết sạch không còn một người. Khi Pháp sư đến chỉ thấy thi hài mà chẳng còn tài sản thì thương xót than thở không thôi. Sau đó lại đi tiếp, từ xa đã trông thấy kinh thành, Vua A-xà-ni và các quan ra đón rước vào cung cúng dường. Nước này trước thường bị người nước Cao Xương sang cướp phá nên rất oán hận, không chịu chu cấp ngựa cho Pháp sư, Pháp sư chỉ dừng lại một đêm. Sáng hôm sau, phải vượt qua hai con sông lớn. Đi vài trăm dặm nữa thì đến nước Khuất-chi (cựu dịch Quy-tư là sai). Khi sắp đến kinh thành, vua, các quan với Đại đức tăng là Mộc-xoa-cúc-đa cùng tăng chúng… cả ngàn vị ra ngoài thành đón rước. Ngoài cửa phía Đông thành đều treo màn lọng, đặt hành tượng, trổi nhạc mà đi đến. Khi Pháp sư đến thì các Đại đức đứng dậy thăm hỏi, rồi mỗi vị trở về chỗ ngồi, sai một vị tăng đem một tràng hoa tươi đến cúng dường Pháp sư, Pháp sư nhận lấy rồi đem đến trước bàn Phật tán hoa lễ bái, sau đó đến chỗ Mộc-xoa-cúc-đa ngồi xuống. Đại chúng đem hoa và nước Bồ-đào đến. Lúc đầu, ở trong chùa này cũng thọ hoa và Bồ-đào, sau đó kế tiếp các chùa khác cũng như thế. Lần lượt cho đến sáng mới xong, tăng chúng mới giải tán. Có hơn mười người Cao Xương đến nước Khuất-chi này xuất gia, ở riêng một ngôi chùa. Chùa này ở phía Đông nam của thành. Khi biết Pháp sư từ quê nhà đến, Họ mời qua chùa nghỉ lại đêm đầu tiên. Vua cùng các Đại đức đều trở về, hôm sau vua mời Pháp sư vào cung rồi bày biện thức ăn cúng dường. Nhưng thức ăn lầtm tịnh nhục nên Pháp sư không dùng, vua rất lấy làm lạ, Pháp sư bảo ở đây chỉ khai đạo tiệm giáo mà Pháp sư Huyền Trang là học giả Đại thừa cho nên không thể dùng mặn, phải thọ thực riêng.
Khi thọ thực xong, Pháp sư đi đến phía Tây bắc thành có chùa A-xà-lý-nhi (đời Đường dịch là Kỳ Đặc). Đây là chùa của Đại đức Bổnxoa-cúc-đa. Ngài Cúc-đa là người hiểu biết, siêng năng học đạo, có du học Ấn Độ hơn hai mươi năm. Tuy làu thông kinh sử mà Ngài lòng vẫn trong sáng hiền thiện. Vua và nhân dân rất tôn trọng gọi là Độc Bộ. Khi thấy Pháp sư đến thì bảo đệ tử dẫn vào ngồi đợi. Vì không hiểu sâu pháp lý, không rõ việc cầu kinh nên nói với Pháp sư rằng: Ở xứ này chỉ chuyện tu tạp tâm Câu-xá, Tỳ-bà-sa v.v… tất cả đều có, sự thọ học đã đủ không phải sang phương Tây gian khổ hiểm nguy. Pháp sư hỏi: Đây có luận Du-già không? Cúc-đa nói: Vì sao lại hỏi loại sách tà kiến đó.
Người Phật tử chân chánh không học sách này.
Pháp sư ban đầu rất kính tin, nhưng khi nghe lời này, thì coi như đất nên bảo rằng: Bà-sa, Câu-xá bên nước tôi đã có, Chỉ tiếc là nghĩa lý và lời lẽ còn cạn cợt chưa đạt đến chỗ rốt ráo, cho nên mới đến đây để học luận Đại thừa Du-già. Lại vì luận Du-già đó, là do hậu thân của Bồ-tát Di-lặc nói, nay gọi là tà thư, há là không sợ bị đọa lạc sao?
Vị kia nói: “Các sách Bà-sa các ông còn chưa rõ, vì sao cho là không sâu được?”.
Pháp sư đáp: Nay thầy có hiểu không mà nói mình hiểu hết.
Pháp sư liền dẫn những lời văn đầu tiên của luận Câu-xá ra hỏi. vị ấy vừa nói đã sai, nhân đó mà đuối lý, liền lộ sắc giận nói:
Thầy hãy hỏi chỗ khác. Pháp sư lại dẫn một câu nữa cũng không thông, vị ấy nói: Trong luận không có câu này. Bấy giờ, em của vua là Trí Nguyệt xuất gia cũng hiểu kinh luận, bấy giờ ngồi bên cạnh liền nói:
“Luận có nói câu này”, bèn lấy bổn kinh đối chiếu đọc lại. Cúcđa rất hổ thẹn nói vì già cả nên quên.
Pháp sư lại hỏi các bộ luận khác và Cúc-đa cũng không giải thích được.
Sau đó, Pháp sư vượt qua núi Tuyết, vì đường sá chưa thông nên không thể tiến lên được, phải dừng lại hơn sáu mươi ngày.
Những cư dân qua lại nơi đây thấy vậy. Riêng nói với nhau rằng: Vị tăng Trung Quốc này, chẳng phải dễ đối đáp lại, nếu qua Ấn Độ thì những vị trẻ tuổi chưa chắc đã hơn. Họ khen ngợi như thế.
Qua hôm sau, vua cung cấp những con ngựa tốt. Rồi cùng đạo tục đến đưa tiễn Pháp sư đi. Từ đây đi về hướng Tây hai ngày thì gặp bọn cướp ở Đột-quyết hơn hai trăm tên, định cướp tài vật của mọi người. Có người bất bình chống cự mới dẹp tan được. Lại đi thêm sáu trăm dặm nữa, vượt qua một bãi sa mạc nhỏ thì đến nước Bạt-lục-già, dừng lại đó một đêm. Lại đi về hướng Tây bắc ba trăm dặm nữa, vượt qua một bãi sa mạc thì đến núi, tức là ngọn Thông lãnh ở phía Bắc, núi này rất to lớn, hiểm trở cao đến tận mây. Khi đến đây thì nước cũng đóng thành băng tuyết. Rồi tích tụ lại mà thành núi, dù xuân hạ cũng không tan.
Ngước lên thấy trời trắng phau, không có gì che khuất. Lên tới đỉnh núi thì có các đường ngang dọc, hoặc là cao một trăm thước, hoặc rộng vài trượng. Do đó nên các lối tắt ngoằn nghoèo khúc khuỷu rất hiểm trở. Lại thêm gió tuyết bay loạn xạ, tuy mặc y phục dày mà vẫn rét cóng, muốn nấu ăn cũng không thể nhúm lửa được, chỉ biết treo nồi lên mà thổi lửa, và trải chiếu trên băng mà nằm. Suốt bảy ngày đêm mới ra khỏi núi. Trong các đồ đệ, bạn lữ đi theo thì mười người chết cóng hết ba bốn, chỉ có ngựa lừa là chịu được. Ra khỏi núi thì đến một ao nước xanh (Thanh trì, cũng dịch là Nhiệt Hải, đối lại với ngọn Lăng Sơn không có nước đông lạnh, nên được gọi như vậy, chứ nước ở đây không hẳn là ấm). Suối này chu vi khoảng một ngàn bốn, năm trăm dặm, chiều Đông sang Tây dài còn chiều Nam Bắc thì hẹp. Nhìn thì nước mênh mông, không cần gió lớn mà sóng vẫn cao cả mấy trượng. Nương theo hướng Tây bắc của bờ biển đi khoảng năm trăm dặm thì đến thành Tố-diệp, gặp vua nước Đột-quyết là Kha Hãn. Ở đây việc săn bắn, chiến đấu rất thạnh. Vua Kha Hãn thân mặc lụa mỏng, áo bào choàng dài cả trượng. Nơi cổ lót lụa trắng rủ ra phía sau. Các quan khoảng hai trăm người, đều mặc lụa bào kết tóc đứng chung quanh vua. Còn binh lính đều mặc áo lông thú, đều cầm cờ, giáo mác cung tên và cỡi ngựa. Khi gặp Pháp sư, vua Kha Hãn vui mừng nói:
Ngài tạm ở chỗ này rồi hai, ba ngày nữa sẽ trở về.
Pháp sư còn phải đến nơi nha sở, nhờ Đạt Quan sắp đặt nơi ở. Đến nha sở ba ngày, Kha Hãn mới tiếp rước Pháp sư vào, Kha Hãn ở trong màn trướng lớn. Trong trướng có trang sức hoa vàng, sáng rực hoa cả mắt người. Các quan đứng phía trước tùy lớn nhỏ mà chia ra hai hàng, trang phục đầy đủ trang nghiêm chói lọi. Còn người hầu thì đứng ở phía sau. Tuy là xem chỗ của vua cao lớn, nhưng cũng trang nghiêm xinh đẹp. Pháp sư đi còn cách màn trướng hơn ba mươi bước thì vua Kha Hãn bước ra đón rước mời vào, rồi hỏi thăm lễ lạy, ở xứ Đột-quyết này vì thờ lửa nên không có giường, cây chỉ dùng để đốt lửa, nếu là người cung kính mà không có chỗ ở thì trải đệm dày nằm dưới đất mà thôi. Nhưng vì Pháp sư nên vua cho trải đệm trên giường sắt mời Ngài ngồi. Trong giây lát, đưa sứ người Hán và sứ Cao Xương đem đến, Thông Quốc thư và các tín vật. Vua Kha Hãn trông thấy các việc thì rất vui mừng, mời sứ ngồi và đem rượu thết đãi. Vua cùng các quan và sứ thần đều ăn uống, dọn riêng các thức chay và nước bồ-đào dâng cho Pháp sư. Việc thù tạc yến ẩm thật là vui nhộn. Một lát sau, lại đưa thức ăn đến, toàn là các món cao lương mỹ vị làm từ các loại cá, thịt dê, bò… Dọn riêng cho Pháp sư các món tịnh thực, gồm bánh cơm sữa, đường phèn, bồ-đào v.v…
Ăn xong thì thỉnh Pháp sư nói pháp. Pháp sư nhân đó mà dạy pháp mười điều lành, thương tiếc nuôi dưỡng sinh mạng loài vật, và tụng Bala-mật-đa giải thoát. Đại chúng đều chắp tay vui mừng tin nhận. Nhân đó mà Vua thỉnh Pháp sư ở lại vài ngày. Sau đó, Vua lại khuyên Pháp sư chớ đi sang nước Ấn-đặc-già (Ấn Độ). Vì thời tiết ở xứ này rất nóng từ tháng mười cho đến tháng năm. Xét dung mạo của Sư sang xứ kia sẽ chịu không nổi. Người bên đó thì đen đúa không có uy nghi đáng nhìn.
Pháp sư nói: Huyền Trang này đi sang xứ kia chỉ vì tìm thánh tích và mến cầu Phật pháp thôi.
Vua Kha Hãn bèn sai quân đi dò xét tìm người về giải Hán ngữ và các quốc âm, quân đi tìm được một thiếu niên đã từng đến Trường An học Hán ngữ mấy năm, vua liền phong là Ma-khuất Đạt Quan để viết các quốc thư, rồi sai Ma-khuất đưa Pháp sư đến nước Già-tất-thí. Lại cúng dường năm mươi tấm lụa là gấm vóc, vua cùng các quan đưa tiễn ra mười dặm, từ đây đi về hướng Tây hơn một trăm dặm nữa thì đến Bình Duật, đây gọi là Thiên Tuyền, xứ này chỉ khoảng vài trăm dặm, đã nhiều ao suối, lại đầy các loài cây lạ, cây cối rậm rạp xanh tốt. Đây chính là nơi tránh nắng của vua Kha Hãn, từ Bình Duật đi khoảng một trăm năm mươi dặm thì đến thành Đát-la-tư, lại đi về hướng Tây nam khoảng hai trăm dặm nữa thì đến thành Bạch Thủy, lại tiếp tục theo hướng Tây nam hai trăm dặm thì đến thành Cung Ngự, tiếp tục đi theo hướng Nam năm mươi dặm thì đến nước Nô-xích-kiến. Lại theo hướng Tây hai trăm dặm thì đến nước Giả-thì (đời Đường dịch là Thạch Quốc). Đi đến phía Tây của nước thì gặp sông Diệp-diệp, đi thêm một ngàn dặm về hướng Tây thì đến nước Tốt-đổ-lợi-sắt-na, phía Đông của nước có sông Diệp-diệp. Qua khỏi sông là đến phía Bắc ngọn Thông Lãnh, thượng nguồn con sông ở phía Tây bắc. Theo hướng Tây bắc này mà đi thì đến một sa mạc lớn, không có cây cối, nước uống, chỉ nhìn vào xương trắng mà đi. Hơn năm trăm dặm thì đến nước Táp-mạt-kiến (đời Đường dịch là Khang Quốc). Ở đây vua và dân chúng không tin Phật pháp, họ theo đạo thờ lửa. Có hai ngôi chùa nhưng không có tăng ở. Khi có khách tăng đến đây thì những người Ấn Độ dùng lửa đốt đuổi đi không cho ở lại. Khi Pháp sư mới đến thì vua đón rước còn tỏ vẻ kiêu mạn, sau một đêm Ngài nói về nhân quả của trời, người, công đức khen ngợi Phật, phước lợi của việc cung kính thì vua vui mừng xin thọ trai giới rất tha thiết. Khi ấy có hai vị tiểu Sa-di đến chùa lễ bái, những người Ấn Độ dùng lửa đốt rồi đuổi họ đi, xong trở về báo với vua. Vua nghe bèn sai bắt người đốt lửa, nhóm họp dân chúng lại rồi bắt chặt tay chân của người đó, Pháp sư vì muốn khuyến khích làm lành nên không nỡ để người khác bị hủy hoại thân thể, vua bèn sai dùng roi đánh và đuổi ra khỏi thành. Từ đó, trên dưới đều cung kính, đều mong cầu tín sự. Pháp sư bèn cho thiết đại hội để độ người đến ở chùa, đây là do Pháp sư hết lòng sửa đổi tâm tà, khai sáng cho người mê lầm, nên mơí được như vậy.
Sau đó, Pháp sư lại đi về hướng Tây hơn ba trăm dặm nữa thì đến nước Khuất-sương-di-ca, đi theo hướng Tây bốn trăm dặm nữa thì đến nước Bổ-yết (đời Đường dịch là Trung An Quốc)
Lại đi về hướng Tây hơn một trăm dặm thì đến nước Phạt-địa (đời Đường dịch là Tây An Quốc). Lại đi về hướng Tây năm trăm dặm đến nước Hóa-lợi-tập-di-già, đi về phía Đông đến sông Phược-sô, lại đi về phía Tây nam hai trăm dặm nữa đến nước Yết-sương-na, lại đi theo hướng Tây nam hai trăm dặm thì đến một ngọn núi, đường trên núi rất hiểm trở chỉ lọt vừa một người đi bộ, cũng không có cây cỏ, nước uống. Vượt qua núi hơn ba trăm dặm thì vào Thiết Môn, đỉnh núi cao chót vót mà tường lại hẹp, đá lại nhiều, nương đó làm cửa. Người ta đúc sắt làm chuông treo đầy ở trên cho nên mới gọi tên như thế. Đây chính là biên giới của nước Đột-quyết. Ra khỏi Thiết Môn thì đến nước Đổ-hóa-la (xưa dịch là Thổ-hỏa-la là lầm). Từ đây đi vài trăm dặm, vượt qua sông Phược-sô thì đến nước Hoạt, tức Diệp Hộ, là nơi ở của trưởng tử của Kha Hãn là Đát-độ-thiết (Thiết là tên quan), lại là em rể của vua nước Cao Xương, vua Cao Xương có viết thư gởi cho Pháp sư đem đến, báo tin rằng công chúa Kha-hạ-đôn đã chết, Đát-độ-thiết lại bệnh, nghe Pháp sư từ Cao Xương đến, lại nhận thư của anh vợ nên cùng con cái ra đón rước, nhân đó thỉnh Pháp sư rằng: “Đệ tử thấy Sư mắt sáng, xin dừng lại ít ngày, tôi sẽ sai người hộ tống thầy đến nước Bà-la-môn”.
Bấy giờ, lại có một vị phạm tăng đến, tụng chú cầu nguyện cho vua nên bệnh hoạn dần dần được tiêu trừ. Về sau, vua lấy vợ là Khahạ-đôn, được ít năm nàng nghe lời Tiền Nhi dùng thuốc giết chồng của người này, đã làm chết đứa con trai nhỏ công chúa Cao Xương, bèn lập Tiền Nhi Đặc Cần Toản lên làm vợ, nhưng sau cũng bị đọa thai mà chết.
Nước này có Sa-môn là Đạt-ma Tăng-già, có du học ở Ấn Độ. Là bậc tài giỏi ở miền Tây đỉnh Thông Lãnh, tăng Sớ-lặc ở Vu-điền không dám đối đáp lại, Pháp sư muốn biết sở học của người này sâu hay cạn nên cho người tới hỏi Sư mấy bộ kinh luận, các đệ tử nghe liền nổi giận, Đạt-ma cười nói rằng: Tùy ý các ông hỏi ta sẽ giải nghĩa hết. Pháp sư biết vị này không học Đại thừa, chỉ đem giáo lý Tiểu thừa Bà-sa ra hỏi vài điều, không phải là người thông suốt, nhân đó mà chịu cảm phục, các môn nhân đều hổ thẹn, từ đó gặp nhau đều vui mừng, các nơi đều khen ngợi, cho rằng mình không bằng.
Bấy giờ Quan Tân Thiết đã lập. Pháp sư cầu xin sứ giả đưa đến Ô-lạc, muốn tiến về phía Nam để đến nước Bà-la-môn, Quan Tân Thiết bảo: Trong sở bộ của đệ tử có nước Phược-hiệt, đi đến phiá Bắc gặp sông Phược-sô, chỗ này mọi người thường gọi là thành Vương-xá nhỏ, có rất nhiều thánh tích, xin thầy tạm đi chiêm ngưỡng đảnh lễ. Sau đó hãy lên đường đi tiếp về hướng Nam.
Bấy giờ, chư tăng ở Phược-hiết khoảng mấy mươi vị nghe Quan Cựu Thiết đã mất, con cũng được lập, cùng đến đón rước chúc thọ an ủi, Pháp sư cùng họ gặp nhau nói hết ý nguyện. Các vị kia nói: Nên đi ngay, ở kia có đường tốt, đường không quanh co như ở đây.
Pháp sư theo lời họ, liền vào từ tạ Quan Tân Thiết, để theo các vị kia đi. Khi đến đó thì đi chiêm ngưỡng các nơi thành quách thôn xóm, sông núi bao la rộng rãi, thật là thắng địa. Có cả trăm ngôi chùa, hơn ba ngàn vị tăng, đều tu theo Tiểu thừa. Ở ngoại thành phía Tây nam có ngôi chùa Nạp-phược (đời Đường dịch là Tân) rất trang nghiêm rực rỡ. Trong ngôi chùa này chính giữa là Phật đường, có chậu tắm của Phật, sức chứa hơn một đấu. Lại có răng Phật dài một tấc, rộng tám, chín phân, màu vàng trắng. Mỗi răng đều có ánh sáng tốt lành. Lại có chổi quét tinh xá Phật làm bằng cỏ già-xa, dài hơn ba thước, chu vi khoảng bảy tấc. Chuôi của chổi trang sức bằng các thứ báu. Ba thứ này đều bày ra để mỗi ngày người xuất gia, tại gia tới chiêm bái đảnh lễ, người có tâm chí thành đều phát ra ánh sáng thần diệu. Phía Bắc chùa có ngôi tháp cao hơn hai trăm thước, phía Tây nam chùa có một tinh xá, xây dựng đã nhiều năm để hành đạo, những bậc chứng đắc bốn quả đời đời không dứt bặt. Sau khi Phật Niết-bàn đều có Tháp Ký. Sự truyền thừa nối tiếp đã mấy trăm năm rồi. Ở phía Tây bắc cách đại thành năm mươi dặm là thành Đề-vị, ở phía Bắc thành bốn mươi dặm có thành Ba-lợi, trong thành có hai ngôi tháp cao ba trượng. Xưa lúc Phật mới thành đạo, thọ bát cháo mật của hai Trưởng giả, lần đầu tiên được nghe năm giới mười điều lành, đồng thời thỉnh cúng dường Như Lai và nhân tóc, móng tay của Phật rồi xây tháp, và nghi thức xây tháp. Khi hai vị Trưởng giả đó trở về nước xây dựng linh tháp tức là đây vậy. Cách phía Tây tháp hơn bảy mươi dặm có ngôi tháp cao gần hai trượng, ngôi tháp này được xây dựng vào thời Phật Ca-diếp ở quá khứ. Chùa Nạp-phược có vị tăng Tam tạng Tiểu thừa ở nước Trách-già tên là Bát-nhã-yết-la (đời Đường dịch là Tuệ Tánh) nghe nước Phược-hiệt có nhiều Thánh tích, cho nên đến đây lễ bái. Vị này là người thông minh, ưa chuộng sự học, còn nhỏ mà đã thấu đạt anh tài, nghiên cứu thông suốt chín bộ kinh, du học khắp bốn cõi, khắp xứ Ấn Độ đều biết tiếng. Các kinh sách Tiểu thừa như Atỳ-đạt-ma, Ca-diên Câu-xá, Lục túc A-tỳ-đàm, v.v… Không có bộ nào không thông đạt. Đã nghe việc Pháp sư từ xa đến cầu đạo, khi gặp mặt rất vui mừng. Pháp sư nhân đó đem những điều con nghi vấn trong các bộ luận Câu-xá Tỳ-bà-sa ra hỏi, vị này đối đáp đều thông suốt. Ngài bèn dừng lại ít tháng, để tụng học luận Tỳ-bà-sa. Trong chùa lại có hai vị Tam tạng Tiểu thừa là Đạt-ma-tất-lợi (đời Đường dịch là Pháp Ái) và Đạt-ma-yết-la (đời Đường dịch là Pháp Tánh) đều được mọi người tôn trọng, gặp Pháp sư thần thái minh tú thì rất kính ngưỡng. Bấy giờ, ở phía Tây nam Phược-hiệt có nước Nhuệ-mạt-đà-hồ-thật-kiểm, vua xứ này nghe Pháp sư từ xa đến, bèn sai đại thần tới lễ bái mời sang nước này lễ thọ cúng dường. Pháp sư từ chối không đến, sứ giả qua lại tới ba lần, bất đắc dĩ Ngài phải ghé qua, vua rất vui mừng, bèn bày biện các thứ thức ăn ngon quý để cúng dường. Pháp sư không thọ nhận mà quay trở về. Từ nước Phược-hiệt đi về phía Nam, cùng Pháp sư Tuệ Tánh đến nước Yết-chức. Rồi theo hướng Đông nam đến núi Đại Tuyết, đi hơn sáu trăm dặm nữa thì ra khỏi địa phận nước Đổ-hóa-la, đến nước Phạm-diễn-na. Cách nước này hơn hai ngàn dặm về phía Đông tây, là núi Tuyết Sơn, trong núi Tuyết Sơn đường sá gian nan nguy hiểm gấp bội cả vùng sa mạc, mây đọng lại thành tuyết mà không tan. Thỉnh thoảng mới gặp được con đường bằng phẳng chừng vài trượng. Cho nên Tống Vương mới gọi sự gian nan của Tây phương mây nước, tuyết bay cả ngàn dặm chính là đây vậy.
Than ôi! Nếu không vì chúng sanh cầu Chánh pháp Vô thượng thì ai lại đem di thể thọ bẩm của cha mẹ mà đến chốn này sao? Ngày trước, vua vượt qua bảy ngọn núi cao, tự nói ta là trung thần của nhà Hán, nay Pháp sư đến chốn Tuyết Lãnh để cầu kinh, cũng đáng gọi là Như Lai chân tử.
Cứ như thế dần dần Pháp sư đi đến đô thành Phạm-diễn-đô, có hơn mười ngôi chùa còn tăng đồ cũng vài ngàn vị, tu theo Xuất Thế Thuyết Bộ của Tiểu thừa. Vua nước này cung thỉnh Pháp sư vào cung cúng dường, nhiều ngày mới ra đi. Ở đây có các vị tăng tu theo Ma-ha Tăngkỳ Bộ như A-lệ-na-đà-bà (đời Đường dịch là Thánh Sử), A-lợi-da-tư-na (đời Đường dịch là Thánh Quân) đều hiểu sâu pháp tướng, gặp Pháp sư họ rất kinh ngạc khen ngợi. Ở nước Trung Quốc xa xôi mà có được vị tăng như vậy. Các vị dẫn Pháp sư đi các nơi để tham bái hết lòng không thôi. Ở trên ngọn núi ở phía Đông bắc Vương thành có lập tượng đá, cao một trăm năm mươi thước, phía ĐÔNG tượng có ngôi chùa, phía Đông chùa có tượng Phật Thích-ca đứng bằng đá, cao một trăm thước. Trong chùa có tượng Phật Niết-bàn, dài một ngàn thước, đều rất trang nghiêm nhiệm mầu. Từ đây đi về hướng Đông nam hơn hai trăm dặm vượt qua núi Đại Tuyết, đến một con sông nhỏ có ngôi chùa, trong chùa này có thờ răng Phật và răng của vị Độc Giác từ thời kiếp Sơ. Răng dài năm tấc rộng khoảng bốn tấc. Lại có răng của vua Kim Luân, dài ba tấc rộng hai tấc, lại thờ bát bằng sắt của Tôn giả Thương-nhã-già-phược-sa (cựu dịch là Thương-na-hoa-tu là sai) bát chứa khoảng tám, chín thăng, và chiếc y tăng-già-chi màu đỏ thẩm. Vị Tôn giả này trong năm trăm đời sinh ra đều thọ y này, thường mặc y này từ bào thai sinh ra cùng lượt, về sau biến thành ca sa. Nhân duyên này trong Biệt Truyện có nói rõ. Như thế trải qua mười lăm ngày mới ra khỏi Phạm-diễn, đi hai ngày thì gặp tuyết nên lạc đường. Đi đến một đồi cát nhỏ thì gặp được người săn bắn chỉ đường. Vượt qua ngọn núi đen thì đến nước Già-tất-thức-cảnh, chu vi hơn bốn ngàn dặm, ngọn núi Tuyết ở sau lưng phía Bắc, vua nước này là dòng Sát-đế-lợi, là người thông minh thao lược có uy đức thống lãnh hơn mười nước. Khi Pháp sư sắp đến kinh đô, vua cùng chư tăng ra ngoài thành đón rước. Ở đây có hơn một trăm ngôi chùa, chư tăng đều tranh nhau cố mời Ngài về. Ở đấy có một ngôi chùa Tiểu thừa tên Salạc-ca, tương truyền rằng chùa này do một vị Hoàng tử con vua nhà Hán qua làm con tin ở đây lập ra. Một vị tăng trong chùa nói:
Chùa tôi vốn do Hoàng tử con tin tạo nên. Nay Ngài từ nước Trung Quốc đến, vậy trước nên ghé qua chùa tôi.
Pháp sư thấy vị này ân cần mời thỉnh nên ưng thuận. Vả lại có bạn đồng lữ lá Pháp sư Tuệ Tánh vốn tu theo Tiểu thừa, ý của vị này không muốn ở chùa Đại thừa nên cùng đi về chùa này.
Vị Hoàng tử khi lập chùa này lại cất giấu vô lượng châu báu ở cửa Đông Phật viện, và phía Nam dưới chân Đại Thần Vương. Sau đó, khi sửa sang lại ngôi chùa này, chư tăng đều nhớ ân đức của người, nên mỗi bức tường ở trong phòng thất đều có họa hình Hoàng tử, mỗi năm kiết hạ an cư mỗi ngày đều có giảng kinh tụng kinh cầu phước. Đời đời cùng truyền nhau ở đây không dứt. Gần đây có vị vua ác rất tham bạo muốn đoạt lấy tăng bảo ở đây, mới sai người đào dưới chân thần, mặt đất liền rung chuyển, trên đỉnh vị thần có tượng chim anh vũ, chim thấy người đào đất thì vỗ cánh kêu lên kinh hãi. Vua và quân lính đều lo buồn, sợ hãi trở về. Trong chùa có ngôi tháp cũng bị đổ nát, có vị tăng muốn lấy vật báu ở đây để tu sửa, mặt đất lại rung chuyển, vị ấy không dám đến gần.
Khi Pháp sư đến đây, đại chúng cùng nhóm họp lại thỉnh Ngài và nói lại các việc trước kia, Pháp sư liền đi đến chỗ vị thần đốt hương mà nói rằng: Hoàng tử con tin ngày trước dấu vật báu ở đây là vì muốn tạo lập công đức, nay đem ra để cúng thí thật đúng lúc, nguyện xin Ngài chứng giám, đừng quên mất tâm thành mà dấu đi sự uy nghiêm. Vậy mong để cho Huyền Trang này tự đào lên, rồi giao số lượng bao nhiêu cho quan Sở ty coi sóc, đúng như pháp mà sửa chữa lại chớ để hoang phế, nếu thần có hiển linh nguyện xin soi xét. Pháp sư nói xong thì sai người đào, quả nhiên không có việc gì xảy ra. Đào được bảy, tám thước thì thấy một hộp bằng đồng lớn, trong đó có vàng ròng mấy trăm cân, minh châu mấy trăm hộp. Mọi người vui mừng, không ai không cảm phục. Pháp sư liền dừng lại nơi chùa này để nhập hạ.
Vua nước này cũng kính tin Đại thừa, ưa thích việc giảng tụng.
Thế là Tam tạng Tuệ Tánh vì khuất phục cảm kích Pháp sư mà theo quy tắc chùa Đại thừa để tu tập. Ở đây cũng có một vị Tam tạng Đại thừa là Mạt-nô-nhược-cù-sa (đời Đường dịch là Như Ý Thinh).
Vị tăng tu theo Tát-bà-đa Bộ là A-lê-da-phạt-ma (đời Đường dịch là Thánh Phục) vị tăng tu theo bộ phái Di-sa-tắc là Cầu-na-bạt-đà (đời Đường dịch là Đức Hiền). Các vị đều là bậc thượng thủ của các tông phái, nhưng việc học không kiêm thông, Đại Tiểu đều riêng biệt, tuy tinh tường hết các lý nhưng không có sở trường, các vị đều tham vấn Pháp sư để học hỏi thêm.
Pháp sư đều tùy theo mà giải nói đầy đủ theo bộ phái, các vị đều kính phục, cứ như thế năm ngày mới giải tán. Vua rất vui mừng bèn đem năm khúc lụa gấm để cúng dường riêng cho Pháp sư.
Khi ở Sa-lạc-già an cư xong, Pháp sư Tuệ Tánh lại thỉnh vua trở về, Pháp sư cũng xin từ biệt.
Từ đó lại đi về hướng Đông hơn sáu trăm dặm thì vượt qua ngọn Hắc Lĩnh, và địa phận Bắc Ấn Độ đến nước Lam-bà. Nước này chu vi hơn một ngàn dặm, có mười ngôi chùa, tăng chúng đều tu theo Đại thừa. Ngài dừng lại đây ba ngày, rồi lên đường đi về hướng Nam, vượt qua một ngọn núi nhỏ. Trên ngọn núi này có một ngôi tháp, ngày trước Phật từ hướng Nam đi bộ đến đây, người đời sau vì lưu luyến thương kính cho nên xây tháp này để ghi nhớ. Từ đây đi về hướng Bắc có một nơi gọi là Miệt-lệ-xa (đời Đường dịch là Biên Địa) Như Lai muốn giáo hóa nơi đây nên nương theo hư không mà qua lại chứ không đi trên đất, vì nếu đi bộ thì mặt đất sẽ rung chuyển.
Từ đây đi về hướng Nam hơn hai mươi dặm, xuống núi vượt qua một dòng sông thì đến nước Na-yết-la-hát (địa phận Bắc Ấn). Ở phía Đông nam cách đại thành hai dặm có ngôi tháp cao hơn ba trăm thước, do vua Vô Ưu xây dựng. Nơi đây khi Như Lai tu Bồ-tát hạnh ở tăng-kỳ thứ hai gặp Phật Nhiên Đăng, Bồ-tát trải y bằng da nai và và trải tóc trên sình lầy mà được thọ ký. Tuy trải qua kiếp hoại mà thánh tích này vẫn còn, trời thường rải hoa trời để cúng dường.
Pháp sư đến đây lễ bái và đi nhiễu quanh, có vị lão tăng trình bày cho Pháp sư nghe về nhân duyên xây dựng ngôi tháp này.
Pháp sư hỏi: Lúc Bồ-tát trải tóc là tăng-kỳ thứ hai, từ đó đến Atăng-kỳ thứ ba là trải qua đến vô lượng kiếp, trong mỗi kiếp đó có nhiều lần thành hoại. Như thời hỏa tai khởi lên mà núi Tô-mê-lô vẫn còn hóa thành tro bụi thì làm sao thánh tích này vẫn còn mà không bị hủy hoại.
Đáp: Lúc thế giới bị hủy hoại thì nơi đây cũng hủy hoại theo, Khi thế giới thành, thì thánh tích này vẫn trở lại như cũ, vả lại, núi Tô-mê-lô hoại rồi cũng trở lại, thì sao Thánh tích này không thể thành trở lại, lấy đây mà so sánh thì đâu có gì phải nghi ngờ.
Sau đó, Pháp sư lần đi tiếp về hướng Đông nam, vượt qua một ngọn núi cát hơn mười dặm thì đến thành Phật đảnh cốt, trong thành này có ngôi lầu các, trên tầng hai của ngôi lầu nay có ngôi tháp nhỏ làm bằng bảy chất báu, trong đó xương đảnh Như Lai, xương đầu Phật chu vi một thước hai tấc, ở trong mỗi lỗ chân tóc đều có màu vàng nhạt rất rõ ràng, đựgn trong cái hộp bằng báu.
Nếu muốn rõ biết tội phước thì mài mạt hương nhỏ như bùn, dùng lụa gói kín xương này lại đặt lên trên rồi tùy theo chỗ mà định được lành dữ.
Pháp sư ở tại đây được một tượng cây Bồ-đề. Còn hai vị Sa-di đi theo, vị lớn được một tượng Phật, vị nhỏ được một tượng hoa sen, vị Bà-la-môn giữ xương Phật ở đây rất vui mừng, hướng về Pháp sư búng ngón tay tán hoa cúng dường ngài và nói:
Thầy có được những vật này thật là ít có, đây là biểu tượng được quả Bồ-đề
Lại có ngôi tháp đựng xương đầu của Phật, xương giống như lá sen, lại có tròng mắt của Phật, con ngươi lớn như quả nại, ánh sáng phát ra đỏ rực chiếu cả bên ngoài hộp, lại có Tăng-già-chi của Phật, may bằng loại dạ tốt.
Lại có tích trượng của Phật, có vòng làm bằng sắt trắng, thân làm bằng gỗ chiên-đàn.
Khi đến lễ bái những nơi này, Pháp sư đều tỏ lòng thương cảm cung kính vô cùng.
Nhân đó Ngài cúng dường nơi đây hơn năm mươi đồng tiền vàng, một ngàn đồng tiền bạc, bốn tấm lụa, hai khúc gấm và hai bộ pháp phục.
Sau đó, Ngài đem các loại hương hoa đến cúng dường, rồi từ biệt đi tiếp.
Lại nghe ở phía Tây nam cách thành Đăng Quang hơn hai mươi dặm có Long Vương Cù-bà-la ở trong hang núi, Đức Phật ngày xưa đã hàng phục rồng này, nhân đó mà lưu lại hình ảnh tại đây, nên Pháp sư muốn đến để lễ bái. Đường đi hoang sơ cách trở lại có nhiều trộm cướp, đã hai, ba năm nay ít có người qua lại, cho nên càng vắng vẻ. Bấy giờ, người sứ hộ tống Sư đến nước Ca-tất thí vì tham nên trở về liền, không muốn lưu lại, khuyên cũng không chịu. Pháp sư bảo rằng: Chân thân của Như Lai còn lưu hình bóng cả ức kiếp cũng không gặp, đã đi qua đây sao lại không đến chiêm bái. Các ông hãy dần dần đi trước, để Huyền Trang tạm đến đó, sẽ trở lại ngay.
Thế là Pháp sư một mình đi đến thành Đăng Quang, vào trong một ngôi chùa hỏi thăm đường, tìm người hướng dẫn nhưng không ai chịu đi.
Sau đó, có một đứa bé nói:
Chùa ấy cũng ở gần đây, bây giờ con có thể đưa Sư đến đó.
Sau đó, Sư đi theo đứa bé đến chùa, gặp một lão ông biết rõ chỗ này, cùng dẫn Sư đi
Đi được vài dặm thì gặp năm tên cướp cầm dao đi tới, Pháp sư liền cởi bỏ mũ bày ra pháp phục. Bọn cướp nói: Thầy muốn đi đâu?
Đáp: Muốn lễ bái hình Phật.
Bọn cướp nói: Thầy không nghe ở đây có cướp sao?
Sư đáp: Cướp cũng là người, nay tôi chỉ muốn lễ Phật, dù là thú dữ đầy đường tôi còn không sợ, huống chi các vị là người.
Bọn giặc nghe vậy liền phát tâm đi theo lễ bái. Khi đến được hang, trong hang ở tường phía Đông có khe nước, cửa xoay mặt về hướng Tây. Mở cửa thì vừa sâu vừa tối không thấy được gì. Ông lão nói rằng:
Thầy đi thẳng vào, đụng vách tường phía Đông, rồi đi lùi lại năm mươi bước, nhìn thẳng vào hướng Đông sẽ thấy hình hiện ra.
Pháp sư thành tâm làm đúng theo lời nói, quả nhiên đụng vách tường phía Đông, rồi đứng lùi lại năm mươi bước, Ngài chí thành lễ một trăm lạy, nhưng vẫn không thấy được gì. Ngài tự trách mình nghiệp chướng sâu dày, lòng bi thương thật áo não. Ngài càng chí tâm lễ tụng các kinh như Thắng-man, v.v… tụng kệ tán Phật. Mỗi lời khen ngợi là một lạy, thì thấy ở phía Đông tường hiện lên vầng ánh sáng rực rỡ như cái bát. Bỗng chốc lại biến mất, Ngài vừa vui vừa buồn lại càng đảnh lễ, lại thấy vầng ánh sáng rực rỡ như cái bát hiện ra, hiện rồi lại mất. Pháp sư càng tăng thêm lòng kính mộ liền phát nguyện nếu không thấy Đức Thế Tôn hiện ra thì không rời khỏi chỗ này. Ngài nguyện như thế đến hơn hai trăm lạy thì thấy bên một góc hang ánh sáng rực rỡ, thấy hình Như Lai hiện ra rõ ràng trên vách, như vẹt tan đám mây mù, chợt thấy rõ núi vàng, có muôn dịu tướng sáng rực.
Pháp sư chiêm ngưỡng không chớp mắt, lòng vui mừng không thể nào tả hết. Thân Phật cùng cà sa đều tỏa màu vàng rực rỡ, từ đầu gối trở lên các tướng tốt đều sáng chói, từ tòa hoa trở xuống ánh sáng hơi tối một chút, bên tả hữu và sau lưng Phật, đều hiện hình Phật Bồ-tát và Thánh tăng, cũng đều đầy đủ. Sau đó, Pháp sư liền bảo sáu người ở ngoài cửa đem lửa vào đốt hương. Khi có ánh lửa nổi lên thì hình Phật tự nhiên biến mất. Ngài liền bảo tắt lửa đi và cầu thỉnh thì hình Phật hiện trở lại. Trong số sáu người đi theo thì năm người được thấy, còn một người thì không hề thấy gì cả. Như vậy chỉ trong khoảng thời gian nửa bữa ăn mọi việc đều thấy rõ ràng. Mọi người lễ lạy cúng dường, đem hương hoa lễ tán xong thì vầng ánh sáng liền biến mất, cả đoàn người từ tạ trở ra.
Mọi người đưa Ngài đến nước Bà-la-môn ai cũng tỏ vẻ vui mừng cho là điều chưa từng có. Họ nói: Nếu không phải do lòng chí thành và nguyện lực sâu dày của Pháp sư thì không thể được như thế.
Ở bên ngoài hang động còn có rất nhiều Thánh tích đã nói trong Biệt Truyện. Khi mọi người quay ra thì năm tên cướp đều vất bỏ đao kiếm, xin quy y Pháp sư rồi mới trở về. Từ đây, Ngài cùng bạn hợp lại mà đi. Đi theo hướng Đông nam hơn năm trăm dặm nữa thì đến nước Kiền-đà-la, đi về hướng Đông nước này thì lại vượt qua sông, tới một thành đô gọi là Lộ-xa-bố-la. Nước này có rất nhiều bậc Hiền thánh. Xưa nay thường có các bậc Đại sư soạn luận như Na-la-diên Thiên, Bồtát Vô Trước, Bồ-tát Thế Thân, ngài Pháp Cứu, Như Ý, Hiếp Tôn giả… Đều xuất xứ từ nước này. Ở phía Đông bắc của Vương thành có xây đài báu để đặt bát Phật, bát này về sau được dời đến các nước. Hiện nay đang ở tại nước Ba-thứ-noa-tư. Phía Đông nam ngoại thành hơn tám mươi dặm có cây Tất-bát-la, cao hơn một trăm thước, bốn Đức Phật đời quá khứ, đều ngồi dưới gốc cây này, hiện vẫn còn tượng bốn Đức Như Lai này.
Đời vị lại chín trăm chín mươi sáu vị Phật cũng ngồi dưới gốc cây này, bên cạnh đó có ngôi tháp do vua Ca-nị-sắc-ca xây dựng, cao bốn trăm thước, nền bao chung quanh đến nửa dặm, cao một trăm năm mươi thước. Trên đó xây tướng luân bằng đồng mạ vàng cao hai mươi lăm tầng. Trong đó có một hộp Xá-lợi của Phật. Cách Đại tháp về hướng Tây nam hơn một trăm bước có bức tượng bằng đá trắng cao một trượng tám thước, đứng xoay mặt về hướng Bắc. Tượng này có rất nhiều điềm linh ứng. Những người qua lại vào ban đêm đều thấy tượng đi kinh hành nhiễu quanh tháp. Lại đi một trăm dặm về hướng Đông bắc có ngôi chùa Ca-nị-sắc-ca, rồi vượt qua một dòng sông lớn thì đến thành Bốsắc-yết-la-đại-để. Ở hướng Đông thành cũng có một ngôi tháp do vua Vô Ưu xây dựng, bốn Đức Phật trong thời quá khứ cùng nói pháp tại đây. Ở phía Bắc thành cách bốn mươi lăm dặm, trong chùa có ngôi tháp cao hơn hai trăm thước, cũng do vua Vô Ưu xây dựng. Đức Phật Thíchca ngày trước khi còn thực hành đạo Bồ-tát, thích tu hạnh bố thí, ở tại nước này, một ngàn đời sinh ra làm vua, thì một ngàn lần xả bỏ mắt ở tại chỗ này. Thánh tích ở đây thật là vô lượng, các nơi Pháp sư đều đến tham quan lễ bái. Tất cả vàng bạc, lụa là, y phục được cúng dường từ nước Cao Xương cho đến những chỗ tháp lớn chùa lớn, Pháp sư đều chia ra cúng dường các nơi rồi đi. Từ đây, lại đi đến thành Ô-dịch-ca-hánđồ. Đi đến phía Bắc thành thì vượt qua sông núi, đi thêm sáu trăm dặm thì đến nước Ô-trượng-na (đời Đường dịch là Uyển, ngày trước là khu vườn của vua A-luân-ca, xưa dịch Ô-trường là sai). Sau đó, Ngài vượt qua sông Giáp-tô-bà-tát-đổ. Ngày xưa ở đây có một ngàn bốn trăm ngôi chùa, tăng chúng một muôn tám ngàn vị. Nay thì hoang sơ vắng vẻ đi nhiều. Các vị tăng ở đây giảng dạy truyền pháp năm bộ luật nghi là: một là Pháp Mật Bộ; hai là Hóa Địa Bộ; ba là Ẩm Quang Bộ; bốn là Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ; năm là Đại Chúng Bộ. Nhà vua nước này phần nhiều ở tại thành Mạn-yết-lý. Nơi đây, dân chúng sống sung túc giàu có. Ở phía Đông thành cách bốn mươi lăm dặm có ngôi tháp lớn, có rất nhiều điều kỳ diệu. Đây là nơi trước kia Phật là vị tiên tu hạnh nhẫn nhục bị vua Yết-lợi (đời Đường dịhc là Đấu Tránh, xưa dịch Ca-lợi là lầm), cắt chặt các phần trên thân thể. Từ đây đi về hướng Đông bắc hai trăm năm mươi dặm thì vượt qua một ngọn núi lớn, đến suối rồng Abà-la-la, tức là thượng nguồn của sông Tô-bà. Vùng đất ở phía Tây nam ở dòng sông này rất lạnh buốt, xuân hạ thường đóng băng, đến tối thì có tuyết rơi, tuyết có năm màu lất phất bay bay tựa như muôn sắc hoa. Ở phiá Tây nam cách suối rồng này hơn hai mươi dặm, nơi bờ phía Bắc trên một hốc đá còn lưu dấu tích bàn chân Phật, tùy theo nguyện lực và phước đức của mỗi người mà có dài ngắn. Đây là chỗ ngày trước Đức Như Lai hàng phục rồng đầu đàn A-bà-la-la. Pháp sư đến đây chiêm bái xong rồi lại đi, xuôi theo dòng nước đi hơn ba mươi dặm thì có cục đá giặt y Phật. Các màu sắc điều diệp của y vẫn còn rõ ràng, đi theo phía Nam thành hơn bốn trăm dặm thì đến núi Ê-la, đây là nơi khi xưa Đức Như Lai nghe nửa bài kệ. Vì trả ân cho Dược-xoa mà xả bỏ thân ở nơi này.
Qua khỏi thành Tào-yết-lý đi thao hướng Tây năm mươi dặm vượt qua sông Đại Hà, thì đến chỗ tháp Lô-ê-đán-ca (đời Đường dịch là Xích) cao hơn mười trượng. Tháp này do vua Vô Ưu xây dựng, bởi ngày trước Đức Như Lai khi còn là vua Từ Lực lấy dao cắt thân trả ân cho Dược-xoa (xưa dịch Dạ-xoa là sai). Đi về phía Đông bắc của thành hơn ba mươi dặm thì gặp tháp Yết-bộ-đa (đời Đường dịch là Kỳ-đặc) bằng đá cao ba mươi thước, tại đây ngày trước Phật nói pháp cho trời, người nghe. Sau khi Phật nhập diệt tự nhiên nổi lên ngôi tháp này.
Từ tháp đi về hướng Tây, vượt qua dòng lớn đi chừng ba, bốn dặm thì đến một tinh xá, nơi đây có tượng Bồ-tát A-phược-lô-chỉ-đa-y-hiểnđại-la (đời Đường dịch là Quán Tự Tại, xưa dịch là Quan Thế Âm hoặc Quán Thế Âm, hoặc Quán Thế Âm Tự Tại đều là lầm) tượng này rất uy linh, ở phía Đông bắc thành nghe nói có người vượt qua hang núi, đi ngược lên dòng sông, giữa đường gặp nguy ách trượt chân mà bay lên được tới cầu, có thể gọi là đi ngàn dặm đến sông Đạt-lê-la, tức là thành cũ Ô-trượng-na.
Ở bên dòng sông này có một ngôi chùa lớn, có tượng Bồ-tát Từ Thị khắc bằng gồ, màu vàng trang nghiêm, cao hơn một trăm thước, do A-la-hán Mạt-điền-để-gia tạo nên. Bồ-tát dùng thần lực đem tượng này lên cõi trời Đổ-sử-đa (xưa dịch Đâu-xuất-đà là lầm) tự thân Bồ-tát quán diệu tướng, qua lại cõi này ba lần công đức mới viên mãn. Từ thành Ôdịch-ca-hán-trà đi về hướng Nam vượt qua sông Tín-độ. Sông rộng đến ba, bốn dặm, nước trong và chảy xiết. Các loài rồng dữ, ác thú ở trong hang rất nhiều. Thuyền bè đi đây đều bị chìm hết. Qua khỏi dòng sông này thì đến nước Đát-xoa-thỉ-la (biên giới Bắc Ấn Độ). Cách thành này khoảng mười hai, mười ba dặm có một ngôi tháp do vua Vô Ưu xây dựng. Ngôi tháp này thường phát ra ánh sáng kỳ lạ. Đây là nơi Đức Như Lai thuở xưa làm vị Đại quốc vương thực hành đạo Bồ-tát, hiệu là Chiên-đạt-la-bát-thứ-bà (đời Đường dịch là Nguyệt Quang) vua chí cầu đạo Bồ-đề, xả một ngàn thân ở tại chỗ này. Bên cạnh tháp có ngôi chùa, ngày xưa có vị sư kinh bộ tên Câu-ma-la-đa (đời Đường dịch là Đồng Thọ) vị Sư này soạn ra các bộ luận ở đây. Từ đây, Pháp sư đi về hướng Đông nam hơn bảy trăm dặm thì đến nước Tăng-ha-bổ-la (biên giới Bắc Ấn Độ). Lại từ phía Bắc biên giới Đát-xoa-thỉ-la vượt qua sông Tín-độ, di về hướng Đông Nam hơn hai trăm chín mươi dặm thì đến Đại thạch môn, là nơi ngày xưa Vương tử Ma-ha-tát-đỏa, xả thân cho chim Ô-trạch đang bị đói ăn, là nơi mà máu của Vương tử đã đổ ra, nay vẫn còn màu đỏ, cây cỏ cũng như thế.
Từ đây, Pháp sư đi về hướng Đông nam vượt qua núi hơn năm trăm dặm thì đến nước Ca-thấp-di-la, đi từ kinh đô nước này đến phía Tây thì có dòng sông lớn. Nơi đây có cả trăm ngôi chùa, hơn năm ngàn vị tăng, có bốn ngôi tháp, rất cao lớn nguy nga. Tháp này do vua Vô Ưu xây dựng, mỗi tháp đều có thờ xá-lợi Như Lai. Lúc đầu Pháp sư đi đến Thạch Môn, tức là cửa Tây nước này. Vua cho người cậu đem ngựa xe ra tiếp rước đưa vào Thạch Môn, sau đó, Pháp sư đi lễ bái các chùa, đến một ngôi chùa ngủ lại đêm, tên là chùa Hộ-sắc-ca-la. Tăng chúng trong chùa trong đêm đó đều nằm mộng thấy có vị thần đến bảo rằng: Vị tăng này từ nước Trung Quốc đến, muốn học kinh ở xứ Ấn Độ này và chiêm bái các thánh tích. Vị Sư này vì pháp mà đến đây, có vô lượng thiên thần theo che chở, giúp đỡ hiện đang có mặt tại đây. Có phước duyên đời trước mới gặp được Pháp sư từ phương xa đến viếng. Vậy nên siêng năng tu tập để cho người khen ngợi kính ngưỡng, cớ sao lại biếng nhác, mờ mệt ngủ nghỉ như thế.
Chư tăng nghe vậy ai cũng kinh hãi thức giấc, rồi lo tụng niệm đi kinh hành cho đến sáng. Mọi người đều đến chỗ Pháp sư nói lại nhân duyên ấy và lễ bái càng cung kính hơn.
Pháp sư ở lại mấy ngày rồi mới đi đến Vương thành. Cách đó một do-tuần thì đến Đạt-ma-xá-la (đời Đường dịch là Phước Xá). Vua cùng các quan và chư tăng ở kinh đô cả ngàn vị đón rước Ngài rất trọng thể. Cờ lọng và tràng hoa cung nghinh đầy đường. Khi gặp Ngài thì vua lễ bái rất cung kính hết lòng, tự tay tán rải vô lượng hoa cúng dường, sau đó, mời Ngài lên voi lớn để về kinh đô. Ngài ở lại chùa Xà-da-nhânđà-la (chùa này do cậu của vua xây dựng). Hôm sau, vua lại thỉnh vào cung cúng dường. Các vị Đại đức tăng cả ngàn vị cùng đến thọ trai. Sau đó, vua thỉnh Ngài khai giảng, giải thích những điều còn chưa rõ. Người nghe ai nấy đều rất vui mừng.
Nhà vua biết Pháp sư đến tìm học nghiên cứu kinh bổn, cho nên cung cấp hai mươi người viết tay để biên chép kinh luận, lại cấp riêng cho năm người để sai làm các việc khác, các vật dụng thọ thực đều cung cấp đầy đủ.
Các vị Pháp sư ở nước đó cũng là bậc đức hạnh cao xa. Giới pháp thuần khiết, lý đạo sâu sa. Quý ngài học rộng tổng trì, tài năng như thần, mà tánh lại kính trọng bậc hiền sĩ, xem Pháp sư như bậc thượng khách.
Pháp sư cũng tham cầu học hỏi các Ngài ngày đêm không mỏi mệt.
Pháp sư ở lại đây hai năm để học kinh luận và thỉnh các vị Luận sư giảng lại các bộ luận. Các vị sư ở đây có vị đã bảy mươi tuổi, sức khỏe đã suy yếu, gặp được Pháp sư tâm rất vui mừng nên cố gắng truyền đạt lại. Mỗi ngày trước giờ ngọ thì giảng luận Câu-xá, sau giờ ngọ thì giảng luận Thuận chánh lý, từ đầu hôm trở đi thì giảng luận Nhân minh, Thanh minh. Do đây mà các người học trong xứ đều cùng đến học tập. Pháp sư tùy theo mỗi bộ kinh được nghe giảng dạy mà lãnh ngộ không thiếu sót. Ngài nghiên cứu sâu sa, lãnh hội hết mọi đều thần bí. Các vị Luận sư đều rất vui mừng khen ngợi Ngài không thôi, và nói với mọi người rằng:
Vị tăng Trung Quốc này trí lực sâu rộng, học chúng ở đây thật chẳng ai bằng. Đây là bậc trí sáng, có đủ năng lực nối tiếp đạo phong của ngài Thế Thân, chỉ tiếc là sinh ở quá xa bổn quốc, không sớm tiếp cận được những lời dạy để lại của Thánh hiền. Ở trong chúng lúc này có chư tăng học Đại thừa như Tỳ-mậu-đà-tăng-ha (đời Đường dịch là Tịnh Sư Tử) Chấn-na-phạn-trà (đời Đường dịch là Tối Thắng Thân). Học tăng của Tát-bà-la là Tô-già-mật-đa-la (đời Đường dịch là Như Lai Hữu), Bà-tô-mật-đa-la (đời Đường dịch là Thế Hữu), học tăng của Tăng-kỳ Bộ là Tô-lợi-na-đề-bà (đời Đường dịch là nhật Thiên), Chấn-na-đát-la-đa (đời Đường dịch là Tối Thắng Cứu).
Các vị này đến đây thọ học từ trước, đều là các bậc có ý chí vững bền, tài năng lỗi lạc, nhưng so với Pháp sư vẫn không bằng, nhưng với mọi người đều là bậc cao đức. Thấy Pháp sư là bậc tài giỏi, mở mang Phật pháp, nên cùng đến hỏi han, bắt bẻ, Pháp sư đều đối đáp trôi chảy, do đó mà các vị đều thần phục.
Nước này trước kia là cái ao rồng, sau khi Phật Niết-bàn năm mươi năm, đệ tử của A-nan là La-hán Mạt-điền-địa đến đây giáo hóa được rồng đầu đàn, mới lấp được ao nước này, xây được năm trăm ngôi chùa, và mời các vị Thánh tăng đến trụ ở đây, lại được rồng đầu đàn cúng dường. Sau đó Vua Ca-nị-sắc-ca (vua A-dục) của nước Kiền-đàla. Sau khi Phật diệt độ bốn trăm năm, nhân ngài Hiếp Tôn giả thỉnh các Thánh tăng được bốn trăm chín mươi chín vị, đều là bậc lão thông ba tạng thấu đạt năm minh, cùng với ngài Thế Hữu hợp lại được năm trăm vị Hiền thánh, cùng kết tập kinh tạng ở đây.
Trước tiên soạn được mười muôn bài kệ tụng, luận Ô-bà-đệ-thước (xưa dịch Ưu-ba-đề-xá là sai) để giải thích bộ: Tố-đạt-lãm tạng. Kế đến soạn mười ngàn bài tụng Tỳ-nại-da, luận Tỳ-bà-sa, giải thích tạng Tỳ-nại-da (xưa dịch Tỳ-da là sai). Kế tiếp soạn mười vạn bài tụng Atỳ-đạt-ma Tỳ-bà-sa luận, để giải thích A-tỳ-đạt-ma tạng (có chỗ phiên âm A-tỳ-đàm là sai). Tổng cộng là ba mươi muôn bài tụng, chín mươi sáu muôn câu. Vua sai dùng đồng đỏ làm những lá mỏng, khắc những bài kệ tụng này trên đó để lưu giữ, xây tháp cất giữ trong đó, sai thần Dược-xoa giữ gìn, đủ biết năng lực của các bộ sách này nghĩa lý thật sâu sa nhiệm mầu. Như thế Pháp sư ở lại đây tổng cộng hai năm học tập các kinh luận và lễ lạy Thánh tích xong rồi mới từ tạ ra đi.
Pháp sư tiếp tục đi về hướng Tây nam vượt qua sông núi hơn bảy trăm dặm thì đến nước Bá-noa-xoa.
Từ đây đi về hướng Đông nam hơn bốn trăm dặm thì đến nước Yết-la-xà-bổ-la (phía Bắc Ấn Độ)
Từ đây đi về hướng Đông nam leo núi vượt sông hơn bảy trăm dặm thì đến nước Thược-ca (Bắc Ấn Độ). Từ Lam-ba đến đất này, ở đây phong tục rất hoang sơ, cách ăn mặc và tiếng nói hơi khác với Ấn Độ.
Từ nước Hạt-la-xà-bổ-la, trải qua ba ngày, vượt qua sông Chiênđạt-la-bà-già (Hán dịch là Nguyệt Phân) đến thành Xà-na-bổ-la, nghỉ qua đêm tại chùa ngoại đạo, chùa ở phía ngoài cửa Tây thành. Bấy giờ có hơn hai mươi vị tăng. Ngày hôm sau thì đến thành Xa-yết-la, trong thành này có ngôi chùa, tăng chúng hơn trăm vị. Nơi đây ngày trước Bồ-tát Thế Thân soạn luận Thắng Nghĩa Đế, cạnh chùa có ngôi tháp cao hai trăm thước. Đây là nơi bốn vị Phật đời quá khứ từng nói pháp, thấy có dấu vết kinh hành. Từ đây ra khỏi thành Na-la-tăng-ha, đi theo hướng Đông đến nước Ba-la-xa, trong khu rừng lớn gặp năm mươi tên cướp, Pháp sư và mọi người đều bị tước mất hết quần áo và tất cả mọi thứ. Chúng giơ đao đẩy mọi người xuống một cái ao khô ở phía Nam đường muốn giết hại hết. Pháp sư cùng một Sa-di trốn thoát được vào rừng, thấy ở phía Nam con sông có một cái hang có thể chui qua lọt, hai người liền vượt qua đó, chạy nhanh đến hướng Đông nam chừng hai, ba dặm thì gặp làng của Bà-la-môn mới báo tin cho mọi người biết. Ai nghe cũng đều kinh ngạc, liền cỡi trâu cùng Pháp sư đi đến khu rừng, hơn tám mươi người cùng khua chiên đánh trống, khí thế hùng hậu khiến cho bọn cướp hoảng sợ bỏ chạy hết. Pháp sư bèn đến chỗ ao cởi trói cho mọi người. Mọi người dắt nhau vào xóm tá túc và được người cung cấp y phục vật dụng, ai cũng rơi lệ khóc lóc, còn Pháp sư chỉ mỉm cười không hề lo lắng. Đồng bạn hỏi: Vì sao Ngài có thể mỉm cười được, khi đồ đạc y phục đã bị bọn cướp lột sạch, sự nguy khốn thật cùng cực, may mà tánh mạng vẫn còn, Pháp sư thật là vô tư.
Ngài đáp: Mạng sống là quý hơn cả, nay đã được an toàn thì cớ gì lại khóc? Nước chúng tôi có câu: “Vật báu lớn nhất của trời đất là sự sống”, sự sống là vật báu lớn nhất mà chúng ta đã không mất. Còn y phục vật phẩm chỉ là chuyện nhỏ thì đâu đáng để lo buồn như thế.
Do đây mà các bạn đều tỉnh ngộ và cảm phục tiết lượng và sự trầm tỉnh của Ngài.
Hôm sau cả đoàn người đi đến nước Thược-ca, ở phía Đông có một tòa thành lớn, khu rừng Đại Am-la ở phía Tây thành. Ở đây có vị Bà-la-môn đã bảy trăm tuổi, nhưng nhìn qua chỉ khoảng độ ba mươi tuổi, thần khí vẫn mạnh khỏe, thân thể vẫn còn tươi trẻ, vị này thông suốt hết các kinh luận, thuộc hết các kinh điển Phệ-đà, có hai vị thị giả đều đã trên một trăm tuổi. Khi gặp Pháp sư thì tỏ vẻ rất vui mừng. Lại nghe gặp cướp mất hết đồ đạc vị Bà-la-môn bèn sai một vị thị giả đưa vào trong thành, đến những nhà tin Phật pháp để Pháp sư khất thực. Thành này có cả ngàn hộ, nhưng người tin Phật pháp rất ít, các tông phái ngoại đạo thì nhiều. Lúc Pháp sư đi đến xứ Ca-thấp-di-la này, thì tiếng tăm Ngài các nước xa gần đều biết, do đó các người sứ đi khắp làng xóm loan báo rằng: Vị tăng người Trung Quốc đến, gần đây bị bọn cướp lấy hết y phục, mọi người nên biết là phước lực sẽ cảm hóa được mọi tà tâm, vậy chúng ta nên cúng dường Ngài.
Khi đó, có những nhà giàu có hơn ba mươi người, nghe nói liền đem y phục, mùng mền, vật dụng đến cung kính cúng dường, lễ bái thăm hỏi. Pháp sư chú nguyện cho họ, lại giảng về nhân quả báo ứng, khiến cho mọi người đều phát tâm đạo, bỏ tà về chánh. Ai nấy đếu vui vẻ hớn hở trở về, khen ngợi là việc chưa từng có từ nhiều năm nay. Mọi người được vật dụng cúng dường thật nhiều, Ngài đem ra cúng dường bố thí lại.
Pháp sư dừng lại ở đây hơn một tháng học Bách luận và Quảng bách luận. Ngài có vị đệ tử là Long Mãnh, được đắc pháp nơi thầy, giảng nói kinh luận đều thông suốt rõ ràng. Lại từ đấy đi đến nước Na-bộc-để, ghé vào chùa Đột-xá-tát-na, có vị Đại đức là Tỳ-nị-đa-bátlạp-bà, là bậc đạo phong làu thông cả ba tạng, tự soạn ra Ngũ Uẩn Luận Thích, Duy Thức Tam Thập Luận Thích. Pháp sư ở lại chùa này mười bốn tháng, học các bộ luận Đối pháp, luận Hiển Tông, luận Lý Môn v.v… Sau đó, Ngài đi về hướng Đông nam hơn năm mươi dặm thì đến chùa Đáp-mạt-tô-phạt-na (đời Đường dịch là Ám Lâm) tăng chúng hơn ba trăm vị, đều tu theo Nhất thiết hữu bộ. Một ngàn Đức Phật của kiếp Hiền sẽ nhóm trời trời ở tại đây để nói pháp. Sau khi Đức Thíchca Như Lai Niết-bàn khoảng ba trăm năm có Luận sư là Ca-đa-diễ-na (xưa dịch Ca-chiên-diên là sai) ở tại đây soạn luận Phát Trí. Từ đây đi hơn một trăm năm mươi dặm về hướng Đông bắc thì đến nước Xà-lanđạt-na (phía Bắc Ấn Độ), nước này có chùa Na-già-la-đà-na, có Đại đức Chiên-đạt-la-phạt-ma (Hán dịch là Nguyệt Mạo), rất làu thông ba tạng, Pháp sư bèn dừng lại bốn tháng để học luận Tỳ-bà-sa. Rồi từ đây đi về hướng Đông bắc hơn bảy trăm dặm, đường đi rất gian nan nguy hiểm mới đến nước Khuất-lộ-đa (phạm vi Bắc Ấn Độ). Từ nước này đi về hướng Nam hơn bảy trăm dặm. Vượt núi qua sông đến nước Thiếtđa-đồ-lư (phạm vi Bắc Ấn Độ). Từ đây đi về hướng Tây nam hơn tám trăm dặm thì đến nước Ba-lý-dạ-đán-la (phạm vi Trung Ấn Độ). Từ đây đi về hướng Đông hơn năm trăm dặm thì đến nước Mạt-thố-la (phạm vi Trung Ấn Độ). Nơi đây có tháp thờ các đại đệ tử Phật như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên v.v… Những ngôi tháp này ngày nay vẫn còn. Và tháp các vị Mãn-từ-tử, Ưu-ba-ly, A-nan-đà, La-hầu-la, và Mạn-thù-thất-lợi (Văn-thù-sư-lợi). Mỗi năm tới ngày tu phước, tăng đồ các nơi đều kéo đến cúng dường. Tăng chúng của phái A-tỳ-đạt-ma thì cúng dường tháp ngài Xá-lợi-phất. Đồ chúng tu tập thiền định thì cúng dường tháp ngài Một-đặc-già-la-tử (Mục-kiền-liên) Chúng tụng đọc kinh bộ thì cúng dường tháp ngài Mạn-từ-tử. Chúng học Tỳ-nại-da thì cúng dường tháp ngài Ưu-ba-ly. Chúng Tỳ-kheo ni thì cúng dường tháp ngài A-nan, chúng chưa thọ giới cụ túc thì cúng dường tháp ngài La-hầu-la.
Chúng học Đại thừa thì cúng dường tháp các vị Bồ-tát v.v…
Từ phía Đông thành này đi chừng năm, sáu trăm dặm thì đến một ngôi chùa trên núi, do Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa (đời Đường dịch là Cận Hộ) xây dựng. Trong chùa này có thờ tóc, móng tay, và xá-lợi Phật. Ở sườn núi phía Bắc chùa có một ngôi thạch thất, cao hơn hai mươi thước, rộng ba mươi thước bốn tấc, là nơi chứa thẻ tre ghi chứng đạo ngày trước. Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa nói pháp cả vợ chồng đều ngộ đạo chứng quả A-la-hán, nhưng không ghi tên vào thẻ tre này.
Từ đây đi về hướng Đông bắc hơn năm trăm dặm thì đến nước Tát-tha-nê-thấp-phạt-la (thuộc Trung Ấn Độ). Lại đi về hướng Đông hơn bốn trăm dặm thì đến nước Lục-lặc-na (thuộc Trung Ấn Độ), vượt qua sông Căng-già, đi về phía Đông thì gặp ngọn núi lớn ở phía Bắc sông Hằng, lại qua sông Diêm-mâu-na, ở Trung Ấn Độ chảy qua. Lại đi về hướng Đông hơn tám trăm dặm thì đến đầu nguồn của sông Hằng. rộng ba, bốn dặm. Đi về hướng Đông nam, lại vượt qua biển rộng hơn mười dặm, biển lại có mùi vị ngọt dịu, cát lại mịn màng. Ở trong Tục Thư Ký gọi là biển phước. Nếu tắm ở biển này thì tội nghiệp đều tiêu trừ. Còn súc miệng thì tai nạn cũng dứt mất. Người bị chìm chết ở đây cũng được sinh lên trời hưởng phước, người dân nam nữ thường nhóm họp ở dòng sông Hằng này để tắm rửa, cầu nguyện. Đó đều là thực hành theo tà ngôn của ngoại đạo. Sau Bồ-tát Đề-bà nói rõ những việc chánh lý, thì việc này dân chúng mới dần bỏ. Trong nước có một vị Đại đức tên là Xà-da-cúc-đa, thông suốt ba tạng. Pháp sư ở lại đó trọn mùa Xuân và nửa mùa Đông để học bộ Luận Tỳ-bà-sa.
Sau khi qua sông lên bờ phía Đông, Ngài đến nước Mạt-để-bổ-la, ở đây có hơn mười ngôi chùa, tăng chúng hơn tám trăm vị, đều tu học Nhất thiết hữu bộ của Tiểu thừa.
Ở phía Nam của đại thành cách chừng bốn, năm dặm có một ngôi chùa nhỏ có hơn năm mươi vị tăng, ngày trước Luận sư Cù-noa-bátthích-bà, soạn các bộ luận biện chân ở tại đây, gồm hơn một trăm bộ. Luận sư là người nước Bát-phạt-đa, vốn tu theo Đại thừa, sau sang qua tu theo Tiểu thừa. Bấy giờ, có vị La-hán tên Đề-bà-tê-na (đời Đường dịch là Thiên Quân) thường qua lại cung trời Đổ-sử-đa, Đức Quang mong được thấy Bồ-tát Từ Thị để giải hết nghi vấn, nên mới xin Thiên Quân dùng năng lực thần thông đưa mình lên cõi trời. Khi gặp ngài Di-lặc thì chỉ vái chào chứ không làm lễ, mà nói rằng: Tôi đã xuất gia thọ giới cụ túc, cõi trời của ngài Từ Thị cũng là cõi phàm nếu lễ lạy thì không nên. Như thế qua lại đến ba lần mà không làm lễ, vì ngã mạn tự cao, nên tâm nghi không dứt bỏ được.
Cách chùa Đức Quang khoảng ba, bốn dặm về phía Nam có một ngôi chùa, hơn hai trăm vị tăng, đều tu học theo Tiểu thừa. Đây là nơi Luận sư Chúng Hiền thị tịch. Luận sư vốn là người nước Ca-thấp-di-la, là bậc bác học đa tài rõ thông luận Tỳ-bà-sa của Nhất thiết hữu bộ. Bấy giờ, ngài Bồ-tát Thế Thân cũng là bậc thông minh học rộng, trước đã soạn ra các bộ luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận, phá những điều chấp trước của các Luận sư Tỳ-bà-sa. Lý lẽ thật là văn hoa uyên áo, học đồ ở Tây Vực đều rất kính trọng khen ngợi, cho đến quỷ thần cũng theo học tập. Ngài Chúng Hiền tuy học rộng nghe nhiều nhưng tâm vẫn còn nóng giận, nên vào năm hai mươi tuổi soạn luận Câu-xá-bạc, hơn hai muôn năm ngàn bài tụng, gồm tám mươi muôn lời. Soạn xong thì muốn cùng Thế Thân đối mặt để phân phải trái, nhưng chưa được thì đã mất, ngài Thế Thân sau thấy bộ luận này thì khen là có tri giải và nói: thật không kém với các bộ luận Tỳ-bà-sa, tuy nhiên nếu theo ý ta thì nên đặt tên là luận Thuận chánh lý. Thế là Ngài liền gọi bằng tên đó. Ngài Chúng Hiền sau khi mất, được xây tháp thờ trong rừng Am-một-la, đến nay vẫn còn, bên cạnh đó lại có tháp di thân của Luận sư Tỳ-mạt-la-mật-đa-la (đời Đường dịch là Vô Cấu Xưng). Luận sư là người nước Ca-thấp-di-la, xuất gia theo thuyết Nhất thiết hữu bộ, đi khắp cõi ngũ Ấn, học hết cả ba tạng, rồi quay trở về bổn quốc, giữa đường thấy tháp thờ ngài Chúng Hiền lòng thương cảm vị này soạn thuật kinh luận chưa được truyền bá thì đã mất, do đó mà thệ nguyện rằng sẽ soạn luận để phá nghĩa Đại thừa, làm mất danh tiếng của Thế Thân, giúp cho pháp yếu của Luận sư được truyền đến môn đời. Nói xong lời này thì tâm trí trở nên cuồng loạn, khắp thân đều ra máu. Tự biết đây là do tâm ác kiến mà ra bèn viết thư tỏ lòng sám hối, khuyên các bạn đồng tu chớ hủy báng Đại thừa. Nói xong thì qua đời, nơi vị này mất đất sụt xuống thành hố.
Nước này có một vị Đại đức tên là Mật-đa-tư-na, từ năm lên chín, lên mười đã theo làm đệ tử Luận sư Đức Quang, khéo thông cả ba tạng. Pháp sư lại ở đây mùa Hạ và nửa mùa Xuân để học luận Đát-đỏa Tamđệ-thước, luận Tùy phát trí v.v… thuộc Tát-bà-đa-bộ.
Sau đó, Pháp sư lại đi về hướng Bắc hơn ba trăm dặm thì đến nước Bà-la-hấp-ma-bổ-la (thuộc Trung Ấn Độ). Rồi từ đây đi về hướng Đông nam hơn bốn trăm dặm thì đến nước Ê-chế-đán-la (thuộc Trung Ấn Độ). Lại đi về hướng Nam hơn hai trăm dặm thì đến sông Căng-già. Đi về hướng Tây nam nước Tỳ-la-na-noa (thuộc Trung Ấn Độ). Lại đi về hướng Đông hơn hai trăm dặm thì đến nước Kiếp-tỉ-tha (thuộc Trung Ấn Độ). Ở phía Đông thành cách hai trăm dặm có một ngôi chùa lớn. Trong nội viện có Thềm Tam bảo, mặt trước xoay về hướng Nam bắc, mặt dưới là Đông tây.
Đây là nơi ngày trước Phật lên cung trời Đao-lợi nói pháp độ Mada phu nhân xong trở xuống đây. Ở bên trong toàn là vàng ròng, bên trái là thủy tinh, bên phải bạc trắng. Như Lai lập ra Thiện pháp đường ở đây, dẫn các vị trời bước lên thềm này mà đi xuống. Vua Đại phạm Thiên cầm phất trần trắng đi vào thềm bạc bên phải, trời Đế Thích cầm lọng báu đi vào thềm thủy tinh bên trái, sau đó cả ngàn vị trời và Bồ-tát đều bước theo sau, từ vài trăm năm trước còn có thềm cấp, nay đã bị chìm mất. Sau vua vì lòng luyến mộ mới xây thềm bằng đá lại y như cũ, trang sức bằng các thứ châu báu, cao hơn bảy mươi thước, trên thì lập tinh xá, trong có tượng Phật bằng đá, hai bên tả hữu là tượng Phạm thiên, cũng mô phỏng y theo hiện trạng như trước kia, Bên cạnh có một cột đá cao bảy trượng, tất cả đều do vua Vô Ưu xây dựng. Bên cạnh đó còn có nền đá dài hơn năm mươi bước, cao bảy thước, đây là nơi trước kia Phật thường đi kinh hành. Từ đây đi về hướng Tây bắc hơn hai trăm dặm thì đến nước Yết-nhược-cúc-xà, chu vi nước này khoảng bốn ngàn dặm, ở phía Tây đô thành là sông Căng-già, dài hơn hai mươi dặm, rộng năm, sáu dặm, có cả trăm ngôi chùa, cả vạn vị tăng, tu học theo Đại thừa lẫn Tiểu thừa, vua thuộc dòng Phệ-đà, tên là Hạt-lợi-saphạt-đàn-na (đời Đường dịch là ??), cha tên là Ba-la-yết-la-phạt-đàn-na (đời Đường dịch là Quang), tiên huynh tên là Át-la-xà-phạt-đàn-na (đời Đường dịch là Tăng).
Vua này khi tại vị trị nước rất nhân từ, ai cũng khen ngợi xưng tụng. Lúc này, ở phía Đông Ấn Độ có nước Yết-la-noa-tô-phạt-thích-na (đời Đường dịch là Kim Nhĩ), vua là Thiết-thưởng-ca (đời Đường dịch là Đồng Thượng), vị vua này rất tàn ác nên bị nước láng giềng dụ đến mà giết đi. Quan đại thần là Bà-ni (đời Đường dịch là Minh Liễu) và các bạn đồng liêu vì thương trăm họ vô chủ mới lập người em vua là La-adật-đa (đời Đường dịch là Giới Nhật) lên nối ngôi để giữ gìn tông miếu. Vị vua này rất anh hùng tài giỏi, mưu lược sâu xa, đức độ soi cả trời đất, ân nghĩa cảm cả lòng người. Từ đó vua nuôi chí báo thù cho anh, làm lao lung khắp xứ Ấn Độ, uy phong rất lẫm liệt, lễ giáo thấm nhuần, đâu đâu cũng quy phục. Khắp trong nước đều được ổn định, dân chúng đều được an lành. Vua lại lấy việc thao tập binh mã làm sự nghiệp, nhưng ban sắc lệnh khắp cả nước không được sát sinh. Nhân dân cũng theo vua không hề ăn thịt.
Tùy theo các nơi có thánh tích mà xây dựng các chùa. Mỗi năm có hai mươi mốt ngày làm lễ cúng dường chúng tăng, năm năm lại lập đại hội Vô giá một lần. Đem hết tài vật chứa trong kho ra cúng dường bố thí. Chẳng khác gì Tu-đạt-noa ngày trước. Phía Tây bắc thành có một ngôi tháp cao hơn hai trăm thước, cũng do vua Vô Ưu xây dựng, cũng là chỗ ngày trước Phật nói pháp.
Khi vào nước này Pháp sư ở lại chùa Bạt-đạt-la-tỳ-ha ba tháng, nương theo Tam tạng Tỳ-li-da-tê-na học “Phật Sử Tỳ-bà-sa” và “Nhật Trụ Tỳ-bà-sa”.
A Di Đà Phật, xin quý thầy BQT website cho con bản doc để tiện đọc nghiên cứu ạ.