TRUYỆN TAM TẠNG PHÁP SƯ CHÙA ĐẠI TỪ ÂN ĐỜI ĐƯỜNG

Sa-môn Tuệ Lập biên soạn bổn văn, Thích Ngạn Tông chú thích biên chép lại.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 10


BẮT ĐẦU TỪ THÁNG GIÊNG NIÊN HIỆU HIỂN KHÁNH NĂM THỨ III,
PHÁP SƯ THEO XA GIÁ TỪ LẠC DƯƠNG TRỞ VỀ TÂY KINH,
ĐẾN THÁNG HAI NIÊN HIỆU LÂN ĐỨC NĂM ĐẦU, XẢ BÁO THÂN TẠI CUNG NGỌC HOA

Tháng giêng, niên hiệu Hiển Khánh năm thứ ba, xa giá từ Đông Đô trở về Tây Kinh, Pháp sư cũng theo về.

Đến tháng bảy lại có chiếu chỉ mời Pháp sư về chùa Tây Minh.

Chùa này xây dựng ngày mười chín tháng tám năm Mậu tý, niên hiệu Hiển Khánh năm đầu.

Trước đã có chiếu chỉ sắc rằng:

Ở phường Diên Khang là nhà cũ của vua trước. Nay Hoàng Thái tử muốn chia thành Quán và Chùa. Nên khiến Pháp sư coi sóc các nơi ấy.

Khi Ngài trở về tâu lại là nơi ấy đất hẹp, không thể làm được cả hai. Thế là cho sử dụng hết để xây chùa, nhà Quán đổi lại thành phường Phổ Ninh. Nhưng trước phải xây chùa. Tháng sáu năm đó chùa xây dựng xong, mặt chùa hơn ba trăm bộ, chu vi khoảng mấy dặm. Hai bên thông với đường xe chạy, sau lưng là chợ, có hàng hòe xanh trồng bên ngoài, có khe nước ở giữa. Cảnh cũng đáng vui, một nơi thờ tự ở chốn đô thành, đây là bậc nhất. Mà hàng hiên nơi cung điện lầu đài vượt hơn cả đời Hán. Phô bày các loại cây cẩn vàng hoa mắt rực rỡ. Có mười viện, hơn bốn ngàn gian. Thật vĩ đại trang nghiêm, dù cho cung điện đời Lương, đời Ngụy cũng không thể sánh bằng.

Vua lại sắc chỉ cho các quan Sở ty, chọn năm mươi vị Đại đức, mỗi vị một người thị giả, lại tổ chức cho thi khảo nghiệp hạnh của một trăm năm mươi đồng tử để thế độ. Đến ngày mười ba tháng đó, tại chùa có mở lễ thiết trai độ tăng, mời Pháp sư làm thầy thế độ xuất gia cho các 936 vị này.

Đến ngày mười bốn tháng bảy, đón rước chư tăng vào chùa, có đầy đủ nghi thức cờ phướn, lọng báu, âm nhạc. Khi các Đại đức đã vào chùa Từ Ân thì cũng đón rước bia lập khuôn phép cho chùa. Sắc chiếu bảo chùa Tây Minh cấp cho Pháp sư một ngôi thượng phòng. Các vị tân Sa-di thì cấp cho mười vị để làm đệ tử Ngài.

Vua trước kia vốn đã xem trọng Pháp sư, sau khi lên ngôi càng hết lòng tôn kính. Thường sai các vị đại thần trong triều đến thăm hỏi không dứt. Lại cùng dường Ngài pháp y tăng phục trước sau cả muôn thước, cùng cả trăm vật dụng khác. Pháp sư thọ dung cũng đều vì nước mà xây tháp và in kinh tạc tượng, cấp thí cho người nghèo và cúng dường các vị Bà-la-môn ở nước ngoài. Tùy theo sự thọ dụng mà cúng thí hết chứ không giữ lại. Ngài phát nguyện lập ra mười pho tượng Câuchi Phật. Cả trăm muôn đồng một tượng câu-chi, tất cả đều được thành tựu. Ở Đông Quốc này thường chú trọng kinh Bát-nhã. Đời trước tuy có phiên dịch nhưng chưa đầy đủ. Đại chúng thỉnh Ngài phiên dịch lại. Nhưng Bát-nhã là bộ kinh lớn, ở kinh đô lại nhiều việc, mạng sống thì vô thường, sợ rằng khó xong kịp. Pháp sư tâu vua xin dời về cung Ngọc Hoa để phiên dịch. Vua bằng lòng, đó là vào khoảng tháng mười mùa Đông năm thứ tư. Pháp sư từ kinh đô dời về cung Ngọc Hoa để phiên dịch. Các Đại đức và đại chúng cũng đồng đi theo. Mọi việc đều được cung cấp như cũ. Khi Pháp sư đến thì được an trí ở viện Tiêu Thành. Đến ngày mùng một tháng giêng năm thứ năm bắt đầu phiên dịch bộ kinh Đại Bát-nhã. Kinh này bằng Phạm bổn có hai mươi muôn bài tụng. Văn đã rộng lớn, học chúng xin Ngài san lược lại. Pháp sư đều thuận theo ý đại chúng, dịch lại các phần mà ngài La-thập đã dịch, lược bỏ hết các phần quan trọng. Như thế nghĩ đã xong. Vào một đêm nằm mộng thấy các việc rất đỗi lo sợ như muốn răn nhắc cảnh tỉnh Ngài. Hoặc thấy xe sa vào chỗ nguy hiểm, hoặc thấy hổ dữ bắt người. Ngài kinh hãi bỏ chạy toát mồ hôi mới thoát được. Khi tỉnh dậy lại càng lo sợ. Ngài nói lại cho đại chúng nghe, rồi dịch rộng y như kinh bổn. Trong đêm đó, lại nằm thấy chư Phật và Bồ-tát phát ra ánh sáng giữa hai đầu chân mày, xúc chạm vào thân và tâm thì ưa thích. Pháp sư lại thấy mình chắp tay cầm đèn hoa đến cúng dường chư Phật. Hoặc bay lên tòa cao nói pháp cho đại chúng nghe. Có rất nhiều người vây quanh cung kính khen ngợi. Hoặc mộng thấy có người cúng cho mình loại hoa quả quý hiếm. Khi tỉnh dậy, Ngài thật vui mừng nên không dám lược bỏ, cứ y theo Phạm bổn mà dịch. Phật nói kinh này, ở bốn chỗ: Một là ở núi Linh Thứu nơi thành Vương-xá, hai là ở vườn Cấp cô độc, ba là ở cung Thiên Vương Tha Hóa Tự Tại, bốn là ở tịnh xá Trúc Lâm trong thành Vương-xá. Tổng cộng có mười sáu hội, hợp thành một bộ kinh. Nhưng Pháp sư đem về từ Tây Vực chỉ được ba bổn, đến khi phiên dịch, nếu có chỗ nào còn nghi ngờ, thì so lại với ba bổn kia mà quyết định. Ngài cẩn thận xem xét lại rồi mới chép thành văn. Sự cẩn thận này xưa nay ít có, có khi văn trái mà ý sâu xa, nếu có lần lựa thì biết là đã khác, nếu có người thọ nhận để rồi quyết định sáng suốt, thì lý lẽ sẽ rõ ràng. Như vạch mây trắng được mặt trời, tự nói rằng: Nếu chỗ này mà ngộ được sẽ tất có sự tỏ thông. Đó chính là nhờ chư Phật, Bồ-tát che chở. Ở hội nói kinh đầu tiên có phẩm “Nghiêm Tịnh Phật Độ” trong phẩm này nói chúng Bồ-tát Ma-ha-tát vì tu hạnh Bát-nhã ba-la-mật, dùng thần thông đại lực, cùng với trăm ngàn châu báu thượng diệu, các hương hoa mầu nhiệm, trăm thứ mùi vị uống ăn, y phục âm nhạc, tùy ý theo các cảnh giới năm trần mà cúng dường trang nghiêm pháp giới. Bấy giờ, trụ trì chùa Ngọc Hoa là sư Tuệ Đức và tăng chúng phiên dịch đều nằm mộng thấy chùa Ngọc Hoa rất rộng lớn trang nghiêm thanh tịnh, các thứ trang sức cờ phướn, lọng báu thật rực rỡ trang nghiêm. Lại có các xe báu chở đầy hương hoa âm nhạc đi vào chùa. Lại thấy có vô lượng tăng chúng tay cầm lọng hoa như đã cúng dường ở trước đem đến cúng dường kinh Đại Bát-nhã. Các con đường, tường vách trong chùa đều trang hoàng gấm lụa. Dưới đất mọc lên các loại hoa thơm, đỡ chân của đại chúng, cho đến viện Dịch Kinh. Ở trong viện lại càng đẹp đẽ muôn phần. Như những nơi để kinh dưới đất trải đầy hoa báu trang nghiêm, lại nghe ở nội viên, trong ngôi giảng đường đều có giảng sư đang nói pháp trong đó. Khi thấy vậy ai nấy đều vui mừng và tỉnh giấc dậy. Rồi tìm đến Pháp sư kể lại giấc mộng kia.

Pháp sư nói: Nay đang phiên dịch phẩm này, các Bồ-tát chắc chắn có cúng dường, các thầy nên tin việc này?

Bấy giờ, ở bên cạnh điện có cây song nại, đang lúc trái mùa và ra hoa vô số. Mỗi hoa đều có sáu cánh, tươi đẹp hồng trắng rất đáng yêu. Khi ấy, đại chúng nói với nhau rằng: Đây là chứng cớ kinh Bát-nhã lại được mở rộng. Lại sáu cánh là biểu thị cho sáu đến bờ kia. Nhưng Pháp sư dịch kinh này rất miệt mài nhưng vẫn lo sợ vô thường, mới nói với chúng tăng rằng: Huyền Trang năm nay đã sáu mươi lăm tuổi, sẽ qua đời tại già-lam này. Bộ kinh này quá lớn, e rằng khó dịch xong, cho nên mọi người phải cố gắng, chớ ngại gian khổ.

Đến ngày mười ba tháng mười. niên hiệu Long Sóc thứ ba, công việc mới xong, gồm có sáu trăm quyển, gọi là “Đại Bát-nhã kinh”.

Ngài vui vẻ chắp tay nói với đại chúng rằng: Kinh này thật có duyên với đất Hán. Huyền Trang đến cung Ngọc Hoa cũng là do nguyện lực dịch kinh này. Còn đối với kinh công việc bận rộn, các duyên làm chướng ngại thì khó mà xong được. Nay dịch đã xong, đều nhờ chư Phật che chở, trời rồng giúp đỡ. Đây là bộ kinh giữ nước, là vật báu của trời, người, vậy tăng chúng nên vui mừng. Lúc này, chúng ở chùa Ngọc Hoa đều tung hoa vắng lặng rực rỡ, để chúc mừng công việc hoàn thành, lại thiết trai cúng dường. Ngày đó lại thỉnh kinh từ điện Tiêu Thành đến điện Gia Thọ để giảng đọc. Lúc đón rước kinh thì Bát-nhã phát ra ánh sáng, các vị trời rải hoa như mưa.

Lại nghe thoang thoảng trên hư không có tiếng âm nhạc, mùi thơm vô cùng.

Ngài thấy được điềm linh này, lại càng tin tưởng vui mừng, bảo các môn nhân rằng: Kinh có nói cõi này sẽ có người ưa thích Đại thừa, nhà vua các quan cho đến bốn chúng đều nên ghi chép, thọ trì, đọc tụng rồi đem truyền bá rộng ra, sẽ được sinh lên cõi trời, cuối cùng sẽ được giải thoát, khi đã có văn kinh thì không được im lặng.

Đến ngày hai mươi tháng mười một, Ngài bảo Đệ tử là Khuy Cơ viết biểu tâu vua, thỉnh vua viết lời tựa. Đến ngày bảy tháng mười hai, quan Thông sự xá nhân là Phùng Mậu Tuyên đem sắc chỉ vua đã cho phép. Pháp sư sau khi dịch kinh Bát-nhã, tự biết sức lực đã suy, biết vô thường sẽ đến, bèn bảo các môn nhân rằng:

Ta đến chùa Ngọc Hoa vốn có duyên với kinh Bát-nhã. Nay đã dịch xong, sức lực ta cũng hết, sau khi ta mất, các ông nên nhớ lời ta dạy phải nên tiết kiệm, chỉ dùng chiếu cỏ đơn sơ để tống táng. Phải chọn chốn núi non sông nước tĩnh lặng để làm nơi an táng, chớ để gần chùa cung đình, thân bất tịnh này phải tìm nơi yên tịnh xa xôi.

Mọi người nghe Pháp sư nói đều buồn thương khóc lóc, và thưa rằng:

Hòa thượng sức lực còn mạnh khỏe, tôn nhan không hề thay đổi, sao lại nói như thế.

Pháp sư nói: Ta tự biết điều đó, các thầy làm sao biết được.

Ngày mùng một tháng giêng niên hiệu Lân Đức năm đầu, các Đại đức dịch kinh và đại chúng chùa Ngọc Hoa, đều hết lòng thỉnh Pháp sư phiên dịch kinh Đại Bảo Tích. Pháp sư thấy đại chúng cần cầu tha thiết nên bắt đầu dịch bộ kinh này. Khi dịch được vài hàng, Ngài liền dừng lại, xem qua Phạm bổn rồi bảo tăng chúng: Bộ kinh này và kinh Bátnhã thật vĩ đại vô cùng, Huyền Trang tự lượng sức khỏe nên khó thể làm xong. Việc sinh tử đã đến, chẳng còn bao lâu. Nay muốn đến chỗ phong cảnh hang núi lễ lạy Phật tượng Câu-chi.

Nói đoạn Ngài cùng các môn nhân ra đi, tăng chúng cố thỉnh đều không được. Khi lễ lạy xong thì trở về chùa, chuyên tinh hành đạo, không còn nghĩ đến việc phiên dịch. Đến ngày mùng tám có vị đệ tử từ Cao Xương đến là sư Huyền Giác, nằm mộng thấy có một ngôi tháp trang nghiêm cao lớn đột nhiên bị nghiêng đổ. Vị này thấy vậy kinh sợ giật mình thức dậy liền thưa lại với Pháp sư.

Pháp sư nói: Đây chẳng phải việc của ông, mà là nói lên việc ta sắp nhập diệt.

Đến ngày mùng chín, vào lúc trời tối, Ngài đào một con kênh, chẳng may bị ngã, bị thương ở chân. Do đó mà bị bệnh, hơi thở dần suy yếu. Đến ngày người sáu, Ngài như từ cõi mộng trở về, nói rằng: Ta thấy phía trước có hoa sen trắng lớn như cái mâm, rất xinh đẹp đáng yêu.

Sang ngày mười bảy, lại mộng thấy có hàng trăm nghìn người, hình dung cao lớn, đều mặc y lụa. Mọi người đem đến lụa là và các thứ châu báu, hoa đẹp đến để trang nghiêm chỗ Pháp sư nằm. Rồi lần lượt trang nghiêm khắp cả phòng ốc, cả trong ngoài viện dịch kinh, sau đó ra đằng sau viện đến núi Thông Lãnh nơi rừng cây, dựng cờ xí phướn lọng. Trong các tia sáng ấy có xen lẫn tiếng âm nhạc. Phía ngoài cửa lại thấy có vô số xe báu, trong xe có đầy các thức ăn thơm ngon và hoa quả tươi đẹp đủ loại màu sắc. Đây chẳng phải là vật phẩm của người dùng. Các vị đều đem các thứ này đến cúng dường Pháp sư, Pháp sư từ chối rằng: Đây là các món vị ngon quý giá dành cho bậc tu chứng thần thông mới được thọ nhận, Huyền Trang chưa đạt đến quả vị này, làm sao dám nhận.

Tuy Ngài từ chối nhưng các vật thực đều đưa đến không dứt, vị thị giả trông thấy nhìn không chán mắt nhân đó nói lại với sư Tuệ Đức trụ trì chùa Ngọc Hoa này đầy đủ mọi việc. Pháp sư lại bảo: . Một đời Huyền Trang chỉ tu phước tuệ, y theo đó thì giống như có công mà không hề dứt, tin hiểu nhân quả Phật giáo đều không mất. Nhờ phước duyên này mà Pháp sư phiên dịch kinh điển, tổng cộng gồm có bảy mươi bốn bộ, một ngàn ba trăm ba mươi tám quyển lại đắp họa tượng Phật Di-lặc, tượng vẽ Câu-chi, mỗi tượng cả ngàn đồng, lại đắp mười tượng Câu-chi, lại sao chép các kinh Bát-nhã, Dược sư, Lục Môn Đà-lani, v.v… mỗi kinh mười bộ. Lại thiết lễ cúng dường cả ngàn vị tăng, đốt 90 trăm ngàn ngọn đèn để cứu chuộc mấy vạn chúng sanh.

Khi sao chép kinh điển xong thì truyền bá cho mọi người cùng đọc. Ai nghe đến cũng chắp tay vui mừng. Lại bảo với các môn nhân rằng: Ta vô thường đã đến, ý muốn xả thân, nay hãy kêu gọi người hữu duyên nhóm họp lại.

Thế là Ngài bỏ hết y vật tài của, để tạc tượng, và thỉnh tăng hành đạo. Đến ngày hai mươi ba lại thiết trại cúng dường, ngày hôm đó lại bảo thợ là Tống Pháp Trí lập tượng Bồ-đề đứng bằng xương ở trong điện Gia Thọ, rồi sau đó nhân các Đại đức và đại chúng môn ở chùa nhóm họp, Ngài hoan hỷ từ biệt tất cả rồi nói: Huyền Trang này đã nhàm chán thân năm uẩn này, việc đã xong rồi không nên ở lại lâu dài. Nguyện các phước tuệ đã tu hồi thí cho hữu tình, cùng các hữu tình đồng sinh về cõi trời Đâu-suất làm quyến thuộc với Phật Di-lặc, thờ phụng Đức Từ Tôn. Sau khi Phật Di-lặc hạ sinh, cũng nguyện theo xuống để làm nhiều Phật sự, cho đến đạt quả Vô thượng Bồ-đề.

Từ biệt xong, Ngài im lặng chánh niệm, lúc này trong miệng lại đọc tụng: Sắc uẩn cũng không thật có, thọ tưởng hành thức cũng không thật có. Nhãn giới không thật có, cho đến ý giới cũng không thật có. Nhãn thức giới cũng không thật có, cho đến ý thức giới cũng không thật có, vô minh đã không thật có thì sinh già bệnh chết cũng không thật có, cho đến Bồ-đề cũng không thật có, không thật có cũng không thật có. Ngài lại nói kệ dạy những người ở bên cạnh rằng: Nam-mô Di-lặc Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Nguyện cùng các hàm thức mau được tạn mặt trông thấy Từ nhan.

Nam-mô Di-lặc Như Lai ở trên cõi trời Đâu-suất, nguyện xả thân này được sinh về nơi đó.

Lúc này, sư Tuệ Đức chủ chùa lại mộng thấy có ngàn người thân vàng, từ phía Đông đi đến rồi đi vào nhà phiên dịch, hương hoa đầy khắp cả hư không. Đến nửa đêm mùng bốn tháng hai, vị tăng săn sóc bệnh là Thiền sư Minh Tạng thấy có hai người cao hơn trượng, mỗi vị cầm một hoa sen trắng, giống như bánh xe nhỏ, hoa này có ba thứ, lá dài hơn thước, sáng đẹp rất đáng yêu. Hai vị đem hoa đến trước Pháp sư, dâng hoa lên rồi nói: Thầy từ vô thỉ đến nay, vì có làm tổn não hữu tình, do nghiệp ác này mà bị bệnh nhẹ, nhưng nay cũng sẽ được tiêu trừ, vậy nên vui mừng.

Pháp sư nhìn thấy thì chắp tay hồi lâu, rồi tay mặt tự kê lên đầu. Kế đến thì tay trái duỗi thẳng đặt trên đùi chân trái, hai chân duỗi thẳng, nằm nghiêng về bên phải, cho đến khi qua đời vẫn không dời đổi. Không uống không ăn cho đến nửa đêm ngày mùng năm, đệ tử là Quang Đẳng hỏi:

Hòa Thượng có chắc chắn được sinh về nội viện của Đức Di-lặc hay không?

Pháp sư đáp: Chắc chắn sinh về đó, nói xong hơi thở dần dần suy yếu. một lúc sau thì ra đi, mà thị giả vẫn không biết. Một lúc sau mọi người mới rõ. Bắt đầu lạnh từ chân rồi lên tới đầu, chỉ có đỉnh đầu vẫn còn ấm, nhan sắc vẫn hồng hào, tươi vui như thường. Qua bốn mươi chín ngày vẫn không thay đổi, cũng không có mùi gì khác, đây chẳng phải do định tuệ trang nghiêm, đầy đủ giới hương đức hạnh, thì ai được như thế?

Ở chùa Từ Ân có vị tăng tên Minh Tuệ, hạnh nghiệp siêng năng khổ hạnh, từ đầu hôm đến gầ nsáng thường niệm tụng, kinh hành không hề biếng nhác, trong đêm Pháp sư mất cho đến nửa đêm hôm sau, Sư đi nhiễu quanh Phật đường hành đạo, bỗng thấy ở phương Bắc có bốn đường cầu vồng màu trắng, từ hướng Bắc xuyên qua hướng Nam, soi sáng cả mặt giếng, rồi đi thẳng đến tháp viện chùa Từ Ân. Sáng tỏ thật rõ ràng, tâm Ngài rất lấy làm lạ, lại nghĩ đến xưa Đức Như Lai diệt độ có hai lằn ánh sáng, từ hướng Tây chiếu thẳng đến, sáng rực mầu nhiệm. Đó chính là do bậc Đại thánh biến hóa, cho nên nay có tướng này, có phải là Pháp sư ở chùa Ngọc Hoa đã tới lúc vô thường rồi chăng?

Sáng hôm sau, sư nói lại với đại chung điều mình nhìn thấy, đại chúng cũng lấy làm lạ. Đến sáng ngày mùng chín, chuyện Pháp sư tịch đã về tới kinh đô, phù hợp với hiện tượng cầu vồng xuất hiện. Người nghe biết ai cũng cho là kỳ lạ. Pháp sư thân cao bảy thước, màu trắng hồng, mày mắt đều sáng tỏ. Thân trang nghiêm như tượng, lại xinh đẹp như hoa, âm thanh thì thanh thoát vang xa, lời nói thì nhã nhặn trong sáng, người nghe mãi không chán. Hoặc đối với tăng chúng, hoặc với khách, Ngài ngồi nói chuyện đến nửa ngày mà thân vẫn không giao động. Phục sức vẫn như Càn-đà, cắt từng miếng nhỏ ráp lại, rộng dài vừa chừng. Dáng đi thì ung dung, nhìn thẳng không hề liếc ngó hai bên, như nước từ dòng sông lớn mênh mông che chở cả mặt đất, sáng rỡ như hoa sen trên mặt nước. Lại thêm giới hạnh trang nghiêm trước sau như một. Chí khí cao ngời, trì giới vững chắc. Không phạm đến cả loài cây cỏ. Tánh tình vui vẻ hòa đồng, không thích giao du. Khi vào đạo tràng rồi thì chẳng phải chiếu chỉ triều đình gọi thì không hề bước ra. Sau khi Pháp sư mất, Luật sư Đạo Tuyên ở chùa Tây Minh có cảm được thần đức. Đến niên hiệu Càn Phong thấy một vị thần hiện đến nói rằng: đệ tử là con của thiên tướng Vi-đà, chủ lãnh cả loài quỷ thần, lúc Như Lai sắp nhập diệt, sai đệ tử hộ trì Phật pháp ở Châu Thiệm bộ ở phương Bắc. Thấy thầy giới hạnh trang nghiêm, chuyên tâm về luật bộ. người trong bốn biển có nghi vấn đều đến thăm. Nhưng thầy giảng luật cho đại chúng vẫn còn một vài điều khinh trọng và có sự sai lầm, thầy nay tuổi đã cao, văn nghĩa không rõ ràng sẽ làm lầm lạc cho người sau. Cho nên đệ tử đến đây nêu rõ ý Phật cho thầy nghe, những chỗ còn sai lầm đều được sửa lại. Ngài Đạo Tuyên nghe xong thì vừa lo sợ vừa vui mừng, do đó hỏi về kinh, luật, luận, và các điều nghi ngờ, vị thần đều giải thích rõ. Đạo Tuyên lại hỏi: Các vị tăng đức truyền pháp xưa nay cao thấp thế nào?

Thần đáp: Từ xưa các Đại đức giải hạnh đều có chênh lệch lẫn nhau. Vả lại, như Pháp sư Huyền Trang, từ lúc chín tuổi đã tu đầy đủ phước tuệ. Các việc trong ngoài đều thông suốt, có đủ biện tài thông minh. Ngài đang ở nước Trung Quốc thuộc Châu Thiệm bộ, là Pháp sư bậc nhất, trí tuệ cũng giống như thế, văn chất đều không trái với Phạm bổn. Do nguyện lực nghiệp lành sâu dày, nay đã thấy sinh về cõi trời Đâu-suất, ở trong chúng của ngài Từ Thị. Hiện đang nghe pháp được liễu ngộ, không bao giờ trở lại cõi nhân gian.

Vị thần nói cho ngài Đạo Tuyên nghe rồi thì liền từ giã trở về.

Sau đó, ngài Đạo Tuyên tìm đọc lại các kinh sách, thấy tạng kinh ở tại chùa Tây Minh, y cứ vào đây mà nói. Nếu chẳng phải bậc Pháp sư tài cao đức trọng, thì làm sao được thần ứng hiện cho biết, chẳng lẽ phàm tình mà hiểu được sao?

Lúc Pháp sư bị bệnh, coi lại các kinh sách đã phiên dịch.

Có sứ nhân là Hứa Huyền, ngày mùng ba tháng hai năm đó tâu trình lại mọi việc đầy đủ. Lúc Pháp sư bị thương ở chân, đến ngày mùng bảy vua sắc lệnh cho Trung ngự phủ, đưa thầy thuốc đến xem bệnh bốc thuốc cho Ngài.

Quan Sở ty liền sai các vị ngự y là Trương Đức Chí, Trình Đào Bổng đến chữa trị cho Ngài. Nhưng khi đến nơi thì Pháp sư đã viên tịch, thuốc men cũng không còn hiệu lực. Lúc này, quan Thứ sử phường châu là Đậu Sư Luân viết sớ tâu lên vua là Pháp sư đã mất.

Vua nghe tin đau đớn thương xót, truyền bãi triều và nói rằng:

Trẫm đã mất quốc bảo rồi.

Lúc này bá quan văn võ, đều thương tiếc rơi lệ.

Vua nói xong thì than khóc rất buồn thương. Qua ngày sau vua lại bảo các quan rằng: Tiếc thay! Trẫm đã mất một người như Pháp sư Huyền Trang, có thể gọi đây là rường cột của mọi người. Bây giờ thì bốn chúng không còn người dẫn dắt. Ở trong biển khổ mênh mông mà thuyền từ đã chìm mất, trong nhà tối mà ngọn đèn đã tắt. Vua nói rồi lại càng thương khóc không thôi. Đến ngày mùng sáu tháng mười hai, vua lại hạ chiếu: Theo lời Đậu Sư Luân tấu thì tăng Huyền Trang ở chùa Ngọc Hoa đã viên tịch. Việc tang thì nhờ các quan chu cấp. Đến ngày sáu tháng ba lại có chiếu chỉ: Tăng Huyền Trang ở chùa Ngọc Hoa đã mất. Công việc phiên dịch bị dừng lại. Các kinh đã dịch xong, thì y theo bổn cũ đưa cho các quan sao chép lại. Còn những kinh chưa dịch, thì đem đến để tại chùa Từ Ân để gìn giữ, chớ để lạc mất. Các vị đệ tử ngài Huyền Trang và chư tăng phiên dịch, trước đây chẳng phải tăng chúng chùa Ngọc Hoa, nay nên trở về bổn tự của mình.

Đến ngày mười lăm tháng ba lại có chiếu chỉ: Cố Pháp sư Huyền Trang chùa Ngọc Hoa. Đến ngày an táng, tăng ni khắp kinh thành phải cầm cờ phướn lọng báu đưa tiễn đến mộ phần. Pháp sư là bậc đạo cao đức trọng, lúc còn sống rất được kính yêu quý trọng, thì sau khi mất càng được gia ân tôn kính, người xưa không ai so sánh được.

Thế rồi môn đồ đều vâng theo lời chỉ dạy của Ngài, dùng chiếu trúc để làm áo quan, rồi chở về kinh an trí tại chùa Tư Ân, trong nhà phiên dịch kinh điển. Đệ tử hàng trăm vị đều than khóc, hàng tăng tục ở kinh thành cũng đến đưa tiễn thương xót rơi lệ, có cả trăm ngàn người. Đến ngày mười bốn tháng tư thì an táng ở phía Đông. Tăng ni ở trong thành và các sĩ thứ dân chúng, cùng đến đưa tiễn linh cữu, có hơn năm trăm việc như: khắp nơi treo cờ lọng, màn phướn màu trắng, trang hoàng xe chở quan tài bằng vàng, quách bằng bạc, các cây sa-la v.v…. Tất cả đều được trưng bày dọc đường lớn để dự đám lễ. Nhạc tang được cử hành và không gian đầy những tiếng khóc buồn thảm. Dân chúng các nơi kéo đến cách hơn năm trăm dặm có cả trăm ngàn người. Mặc dù lễ an táng được chuẩn bị rất hoàn chỉnh, mà quan tài Pháp sư vẫn đặt trong áo quan bằng tre theo lời ước nguyện cuối cùng của Ngài.

Những người bán lụa ở phía Đông đã làm một cái áo quan Niếtbàn bằng ba ngàn thước lụa và kết hoa rất đẹp để đặt quan tài Pháp sư. Những đồ đệ lại sợ trái với di chúc của thầy nên không cho dùng. Mọi người chỉ đặt ba bộ tăng phục của Pháp sư, và một bộ khác đáng giá trăm đồng tiền vàng do triều đình cúng dường để trên áo quan lộng lẫy kia đi trước, còn xe chở quan tài Pháp sư thì theo sau và được đặt trên áo quan bằng tre, mọi người chứng kiến đều không cầm được nước mắt.

Đêm ấy hàng tăng tục lưu lại bên quan cữu có hơn ba ngàn vị.

Đến sáng ngày mười lăm, sau khi an táng xong. Một buổi lễ thiết trai cũng được cử hành ngay tại nghĩa địa trước khi mọi người ra về. Lúc ấy, trời đất bỗng đổi màu, chim thú kêu thương buồn thảm. Muôn thú còn bi cảm, huống chi là người sao chẳng đau thương!

Bởi ai nấy đều nghĩ rằng sông ái còn tràn ngập, mà thuyền từ đã chìm mất. Bóng đêm còn kéo dài vô tận mà đèn tuệ đã sớm lịm tắt. Mọi người đau đớn lưu luyến như mất đi đôi mắt sáng của mình. Thật chẳng khác nào như núi sụp cây đổ, thật đáng thương tiếc làm sao?

Đến ngày mùng tám tháng tư niên hiệu Tổng Chương năm thứ hai có chiếu chỉ vua khiến cho đồ đệ an táng Pháp sư phía Bắc sông Phiền, và xây tháp ở đó. Bởi vì chỗ cữu ở gần bên kinh thành, nơi cung cấm nhiều người qua lại vì kính tiếc bậc Thánh cho nên cải táng. Môn nhân cũng thương khóc buồn bã làm cảm động những người đi đường.

Thích Tuệ lập luận rằng:

Xem sao đêm trăng tỏ, tiếp theo ánh sáng mặt trời xoay về hướng Tây, ba sông chín sông giúp cho biển Đông rộng lớn. Tư lương về đạo pháp muôn vật cũng giống như thế, theo gió mà huân tập. Đối với người thì có khác gì. Sau khi Đấng Pháp vương nhập diệt, ngài A-nan kết tập kinh điển đến nay, đã trải qua ngàn năm.

Trong hơn mười đời bậc Thánh xuất hiện, người tài giỏi lần lượt sinh ra ở đời, xây dựng cơ nghiệp khắp nơi. Cũng đều là bậc thượng trí, đảm trách việc truyền thừa Phật pháp, chế ngự cả trời, người. Đạo ngăn cả gió cuồng, thần khí làm nghiêng ngả sông núi. Hoặc duỗi tay mà lưu cả cao dịch, hoặc ở trong dị thất mà soi sáng cho đời. Hoặc nối thi thể để hàng phục thiên ma, hoặc một lần đối đáp mà hồi bổn chủ, hoặc nguyện truyền bá giáo pháp ở nơi đường hiểm, hoặc quên mình để lợi ích muôn vật, cầu tư lương mà thực hành đạo pháp. Cuối cùng khiến cho chân lý truyền bá khắp nơi. Đã kế tục truyền đăng, thật cũng phù hợp với lời phó chúc, xem xét lại các kinh sách kia thì thật rõ ràng. Cho nên nguồn đạo lý không cùng tận, nay mong người được bậc truyền đèn nối đuốc, chỉ có Pháp sư đây mới chính là bậc rồng voi giáng trần, khí vượt cả Đông Tiễn, danh tiếng cả Nam kim, bậc nhã tháo thì không có nhiều. Ngài vì chúng sanh mà quên mình, dùng chánh pháp làm Phật sự, lồng lộng như trời cao, sáng rỡ như giếng ngọc soi cả biển hồ. Trí lại thông minh lanh lợi phát khởi tự nhiên, vì đạo mà xem thường vinh hiển, đều do thiên tánh. Cho đến đa thức hợp văn, vượt xa mọi dung tình mà giữ gìn chí đạo.

Thất là cao cả vô cùng, đây chính là thần khí nối tiếp làm hưng thạnh. Vì muốn đem đạo soi sáng trong đời Tượng pháp này, cho nên bậc minh đức mới ra đời độ thế.

Pháp sư nhận thấy các bậc Đại đức mở mang kinh luận từ trước đến nay. Tuy là y theo Thánh giáo mà sự dẫn giải y cứ lại khác nhau. Việc tranh luận chia rẽ đã xảy ra từ lâu. Đến như lệ-da là báo hay phi báo, hóa nhân có tâm hay vô tâm đều hòa hợp nhau. Dịch kinh hơn một trăm phẩm loại đều là căn bản của ba tạng bốn A-hàm, là chìa khóa của hai tông Đại, Tiểu. Nhưng vì bậc tiền hiền có nhiều chỗ chưa quyết trạch được, nên còn có chỗ nghi lầm. Pháp sư cũng lần lựa trong văn nghĩa, chưa rõ được ý chỉ. Rồi bỗng nhiên than rằng: Kinh luận ở đất này, bởi không rõ nguồn gốc, chưa thấy được nguồn chân. Các Tổ sư tuy mỗi vị đều có luận bàn khác nhau, mà nghi tình vẫn không hết. cuối cùng cần phải xem lại đại bổn, nên quyết định tìm đến kỳ tham. Do đó mà Huyền Trang nuôi chí hướng đi xa. Đến tháng tám mùa Thu niên hiệu Trinh Quán năm thứ ba, thì lập thệ ra đi. Khi qua xứ Thiên Trúc, đến chùa Na-lan-đà gặp một vị Đại Pháp sư tên là Thi-la-bạt-đà, Hán dịch là Giới Hiền, vị này thông cả hai tông, rõ suốt cả ba tạng, khéo hiểu bốn bộ Vi-đà, đối với mười bảy bộ địa luận đều tinh thông. Vì luận này bao gồm hết kinh luận nên Ngài thường đem ra để giảng nói. Bộ này vốn do ngài Di-Lăc nói ra. Tức là thuộc về hệ thống Đại thừa. Vì thế nên Pháp sư phát tâm cầu học hỏi. Trong mười sáu nước đều quy về tông này, học chúng theo học có cả muôn người. Pháp sư đã đi nhiều nơi tu tạo, một mặt hết lòng du hóa ở nơi xa, tìm cầu thỉnh thọ, vì thưa hỏi những điều còn quyết nghi. Một mặt những gì học được đều không che giấu mà thệ nguyện được nạp thọ quần lưu, như mộng thú dữ nuốt mây. Vị thầy khen là chưa từng có. Nói rằng:

Như người nay nghe danh còn khó, há là bàn luận huyền môn.

Pháp sư từ đó tiếng tăng vang cả miền Thông Lãnh, danh lưu cả tám nước, khắp nơi các bậc Tiên đạt tài giỏi đều nghe biết. Các bậc tôn túc trọng vọng cũng khó hỏi han. Khi các vị biện luận, Pháp sư đều từ tốn giải đáp, lý lẽ đều như vào nhà cầm mâu mà đâm vào thuẫn. Mọi người đều khen ngợi cho đây là bậc tài giỏi khó đối đáp.

Vua Giới nhật nhìn thấy Pháp sư thì rất vui mừng, hết lòng mới thỉnh cúng dường. Sau đó, Pháp sư cùng chuyên tâm học Phạm thư và các kính luận mà một đời Đức Như Lai đã nói. Lập giáo phương Đông ở núi Kỳ Sơn, văn bán tự ở vườn nai, cho đến các bậc Thánh về sau như Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân soạn các kinh luận. Cùng với mười tám tông phái dị chấp, năm bộ khác đường, v.v… Ngài đều nghiên cứu học hỏi đạt hết mọi yếu chỉ. Ngài cũng đi thăm các nơi thánh tích của Phật như rừng Nê-hoàn vững chắc. Cây Bồ-đề hàng phục các ma, tháp Ca-lộ cao lớn uy nghi, núi Na-yết còn để lại hình bóng. Ngài đều hết lòng cung kính như thấy được linh thánh mà không bỏ sót chỗ nào!

Pháp sư tâm ý đã mãn, học đạo cũng đầy đủ, liền muốn trở về nước mình. Từ đó phiên dịch kinh điển cả Tiểu lẫn Đại thừa hơn sáu trăm bộ, thỉnh bảy tượng Phật, xá-lợi hơn một trăm viên.

Đến ngày hai mươi lăm tháng giêng, niên hiệu Trinh Quán năm thứ mười chín đời Đường, trở về đến Trường An. Hàng tăng ni, đạo tục khắp cả kinh thành đều ra đón rước. Lúc ấy, các nơi khói quyện sương tan, phong cảnh hữu tình thanh thoát, cờ xí đầy đường. Mây tỏa màu sắc khắp bầu trời rực rỡ bao la, dân chúng hết lời khen ngợi Ngài. Gió tà đều ẩn kín, mặt trời tuệ lại sáng soi. Tuy không gặp Đức Thế Tôn từ cung trời Đao-lợi hạ sinh xuống cõi Diêm-phù-đề. Nhưng đây cũng là việc tốt đẹp ngàn năm mới có. Pháp sư tìm cầu kinh điển nơi xa xôi trải qua biết bao gian nan nguy hiểm.

Vượt qua dãy núi tuyết cực kỳ hiểm trở, nào biển cát sông hồ, rồi khí độc thú hoang, cọp dữ sói lang. Cũng như ngài Pháp Hiển xa lìa quê hương, ngài Trí Nghiêm dời bạn đến những chỗ Ban Siêu chưa hề giẫm qua. Nơi Chương Hợi chưa đến. Pháp sư chỉ một mình đơn chiếc ra đi. Ngài vẫn thản nhiên vượt qua. Thổi ngọn gió Đại Đường ra ngoài tám cõi. Chấn Quốc Hoa nơi nưm xứ Thiên Trúc. Khiến cho các cõi xa. Các vương hầu đều quy phục. Các Tù trưởng đều kính ngưỡng. Tuy Pháp sư không có công đối với thế gian. Nhưng thánh triều vẫn cảm phục đón rước. Hoàng đế nắm long đồ mà tính toán, Ứng Xích phục để quang lâm. Giết kình ngư để giúp dân lành. Quét sạch mây mờ để soi nhật nguyệt. Chấn suy nghĩ để làm rường cột, dứt Thương Hải mà rộng truyền bá. Trùng lập lại trời đất, tái thiết lại khuôn phép. Giữ cửu công hơn cả Ngu Hạ. Soi bảy đức hơn cả Tào Lưu, biển lặng sông yên, thời tiết hòa dịu. Kẻ xa thuận thảo, người gần an ổn, trời yên đất bình. Người vui vẻ, thần hài hòa. Lại thêm xem trọng những điều hay đẹp, khắc giữ ba điều lành. Bậc tể phụ trung thần đáng để khen ngợi. Đã ban công dức sâu dày, cảm ứng cả Thiên hoàng. Cỏ chi làm đẹp nơi thềm ngọc. Hoa quả kết trái ở lầu son. Lại như ngọc đá Tây Châu treo ở Côn Phù, nối nghiệp ngàn năm của Thánh chủ, kế nghiệp ân sư, trải qua ngàn đời vẫn chưa khai mở. Đến đời Hoàng đế của ta mới bắt đầu xuất hiện. Há chẳng phải do ân đức mà trời ban phước lành cho đó hay sao? Lại đem tâm du hóa nơi xa xôi tìm học năm thừa, truy tìm đao màu trên núi Linh Thứu. Cho nên khiến cho đạo pháp được sáng, thánh điển của tăng càng được lưu truyền. Đạo từ bi ban bố khắp sáu cõi, trống pháp được đánh vang trong Tam thiên. Hoa trời theo gió bay xa. Mây thúy đưa khói hương bay khắp. Để rồi kẻ đắm chìm trong biển khổ, tìm bờ giác mà được khế ngộ, đến nơi đạo mầu thanh thoát.

Pháp sư đạo cao đức trọng, nên gặp thời như thế, há là lắng lòng nơi Đạo cả. Gặp sư giả trá của Phù Diêu mà so sánh sự hơn kém, tức là làm ngập cả sông hồ mới rõ điều sáng tối. Ánh sáng của mặt trời cùng với ánh sáng của đom đóm thật khác xa nhau.

Xưa, khi Chung Quyết đến, Ngụy văn làm thơ phú để khen ngợi, khi Thần Tước bay đến. Cổ lăng hiến tụng mà nói điều khác lạ. Loài cầm thú là thấp kém mà người xưa còn ca vịnh khen ngợi, huống chi Pháp sư là thần minh bất hủ, rường cột của Đạo pháp. Lẽ nào giữ kín bậc minh sư, mà không trình bày ra. Lập chí học thì hổ thẹn với bậc vãng hiền, đức thì thua xa với bậc Tiên đạt. Trong đời tượng hóa muốn soi sáng đạo mầu, lòng vui mừng với muôn phẩm. Cho dù lực yếu dung ngu, vẫn hết lòng tỏ bày, đem thanh huy để mong cầu cái đẹp, dứt hậu quang để tiến về phía trước. Đan ngòi bút mà phiên dịch kinh điển, chẳng thể nào nói cho hết được. Mong được lời soi xét của vua, ý không vui sao?

Lời khen rằng:

Muôn loài cảm tuyệt
Đại thánh ra đời
Truyền đèn nối đuốc
Chỉ có triết nhân
Mã Minh đầu tiên
Đề-bà kế tiếp
Như mặt trời lặn
Trăng sáng vừa soi
Rồi đến Pháp sư
Là bậc trinh sĩ
Hơn cả trời, người
Chẳng dính trần lao
Sâu kín cùng huyền
Rỏ lý nhà Nho
Sạch như ngọc quý
Thơm như hoa huệ
Thấy kinh thiếu sót
Xét nghĩa còn lầm
Vâng cầu gửi gắm
Vượt bao nguy nan
Tỏ bao chí khí
Bày cả lòng thành
Chấn động Tây châu
Quy về lầu Đông
Gặp được chí đạo
Nơi vùng trời xa.
Lúc này Hoàng đế
Càng treo gương ngọc
Đem lý túi châu
Ba thừa mở rộng
Thập địa cùng soi
Mặt trời tuệ sáng
U huyền rực rỡ
Cho mình hèn ngu
May gặp đạo mầu
Thấy được cửa huyền
Không thể bao gồm
Núi cao kính mến
Thanh lưu khát ngưỡng
Nguyện được nương về
Dựa nương sắn bìm.

Thích Ngạn Tông kể lại rằng: Tôi xem Phật giáo từ khi truyền đến Đông Độ đến nay, có biết bao nhiêu bậc hiền triết tài giỏi giữa chốn thiền môn. Nhưng ít ai toàn vẹn, chỉ một vài vị là nổi bật, còn các việc thấy nghe, nói năng đều hợp với kiến thức, khinh tài trọng đạo, hóa đạo khắp nơi. Đều là bậc trinh tháo như tùng trúc, chí khí vượt hơn cả vàng đá. Quần hùng lo nghĩ, Thánh chủ hồi quang, thế là có đủ cả ba tạng. Từ đó hưng thạnh, truyền bá khắp nơi. Nếu chẳng phải bậc Hiền thánh ra đời thì lấy ai khai sáng.

Lại, lúc Bắc cung bị bệnh, vui ít buồn nhiều, cái chết đã tới, sắc mặt vẫn như thường, khó ai đạt được. Rồi sau khi qua đời có người mang mạt hương chiên-đàn đến, xin y theo pháp bên Tây Vực, thiêu thân Tam Tạng, nhưng đại chúng đều không bằng lòng. Xin y theo lời Tôn sư dạy, mọi người đều vâng giữ. Đến ngày khi lễ an táng, mọi người đều ngửi thấy các mùi hương hóa khí chất lạ kỳ, đều kinh ngạc thưa hỏi. Nói rằng: Người được như thế này là bậc đắc đạo.

Thế là đưa linh cữu Ngài an táng chỉ để lại bộ pháp phục. Đại chúng thấy Pháp sư, vẫn y như khi còn sống. Bá tánh càng kêu thương than khóc rồi cùng thấy các thứ y phục an táng và quan quách, bỗng nhiên đều biến mất, đại chúng cho là bậc trời, người đắc đạo.

Tôi có xem qua ba tạng, nên tâm khế hợp với Thánh tích gần đây. Nếu chẳng phải đây là Đại Bồ-tát thì làm sao được như thế. Chúng ta thật may mắn được gặp Người, lại không quy ngưỡng hay sao?

Truyện Tam tạng Pháp sư chùa Đại Từ Ân, đời Đại Đường

(HẾT)

 

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10