TRUYỆN ĐỀ-BÀ BỒ-TÁT

Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Bồ-tát Đề-bà là người Nam Thiên trúc, là đệ tử của Long Thọ Bồ-tát. Ngài thuộc dòng Bà-la-môn, là người học thức sâu xa, có tài hùng biện tuyệt luân, nổi danh ở xứ Thiên trúc, các nước đều nghe biết. Nhưng Ngài vẫn tìm tòi học tập không ngừng. Như có điều gì chưa rõ, chưa đủ để làm tin thì tìm người hỏi cho tường tận. Ở trong nước đó có thờ một vị Đại thiên thần bằng tượng, đúc bằng huỳnh kim dài hai trượng, hiệu là Đại Tự tại thiên. Nếu ai có cầu nguyện gì đều được như ý. Đề-bà liền đi đến miếu xin được bái kiến, chủ miếu mới nói rằng:

Thiên tượng đến thần nhân nếu ngươi có thấy thì cũng không dám nhìn thẳng, nếu có nhìn thì lại cho người trở về bị thất thủ sau một trăm ngày, ông chỉ nên đến cầu nguyện, cớ sao lại cần phải thấy.

Đề-bà nói: Nếu là thần như lời ông đã nói thì phải khiến cho tôi được thấy. Nếu không thì làm sao biết được điều ước muốn của tôi mà mong cầu.

Lúc này mọi người đều cho đây là kỳ nhân, lại quy phục vì sự minh chánh, bèn kéo nhau đến miếu xem, số có đến mấy ngàn người.

Khi Đề-bà vào miếu thì Thiên tượng dao động, đôi mắt trừng lên nhìn người.

Đề-bà mới nói rằng:

Thần của trời vì sao lại nhỏ vậy? Sao không dùng uy lực để cho người trí đức cảm phục, mà lại mượn vàng tô phết lên, lấy sự tráng lệ để huyễn hoặc người.

Thế là bèn bước lên thềm đục mắt của tượng. Bấy giờ những người đến xem đều có ý nghi ngờ, bậc Đại sư tại vì sao bị vị thiếu niên Bà-la-môn này làm xúc não, chịu khuất phục qua những lý lẽ bắt lỗi đó.

Đề-bà hiểu được tâm mọi người nên nói: Bậc Thần minh biết được các việc xa xôi rộng lớn, cho nên đem việc để mà thử ta. Ta được tâm đắc của thần cho nên trong tượng vàng xuất ra hạt pha lê này. Để cho mọi người biết thần đây chẳng phải do mượn các tính chất để tạo thành hình, chớ chẳng phải tôi khinh mạn hay là hủy nhục thần đâu. Nói rồi thì liền bước trở ra, trong đêm đó cầu các việc đều như ý, sáng sớm hôm sau cung kính đem đến cúng Thiên thần.

Đề-bà trước đã nổi danh, nay lại dùng trí để khế hợp với thần. Từ chỗ đó mà khi nói lời gì cũng đều được hưởng ứng. Trong một đêm thì việc cung cấp thực phẩm cúng cho thần đều đầy đủ. Đại Tự tại thiên cầm một xâu hình thịt cao bốn trượng, mắt trái bị khoét đi đến ngồi xuống. Nhìn thấy mâm cỗ cúng thì khen ngợi chưa từng có. Cũng nhờ công đức cao đẹp của người nên mới được như thế, mà bảo rằng:

Ông hiểu được tâm ta, vì muốn mọi người thấy hình ta mà ông có tâm cùng người đem cúng các vật thực đầy trí tuệ, để cho mọi người cảm phục, ông cung kính ta, không hủy báng nên ta mới dâng các món ăn rất ngon vật lạ. Duy còn điều ta mong muốn, nếu được thì mới thật là chân thượng thí.

Đề-bà nói:

– Thần đã hiểu thấu được tâm tôi, nếu có điều gì dạy bảo thì xin nghe theo.

Thần nói:

– Ta bị thiếu mắt trái, có thể đem cúng thí cho ta được không?

Đề-bà nói:

– Xin theo lời của thần.

Liền đưa tay trái lấy mắt đưa cho thần. Thiên thần dùng năng lực nhận lấy mắt của Đề-bà, ánh sáng của mắt đó soi sáng khắp nơi.

Thần khen ngợi rằng:

– Lành thay! Việc cúng dường tối thượng, nay ông có sở nguyện gì tất sẽ được như ý.

Đề-bà nói:

– Tôi tự lòng tỏ sáng không nhờ bên ngoài, duy chỉ còn mờ mịt mông lung nên khiến người không tin lời tôi nói, xin thần ban cho, những gì nói ra đều không hư dối, có thể theo người mong cầu mà tùy thuận.

Thần nói:

– Ông sẽ được như sở nguyện. Sau đó, Đề-bà đi đến chỗ ngài Long Thọ cầu xin xuất gia, mặc pháp phục đi hoằng hóa khắp nơi. Lúc này Vua xứ Nam Thiên Trúc thống lãnh các nước lại với nhau nên tin dùng tà đạo. Còn hàng Sa-môn Thích tử lại không muốn nhìn thấy, người trong nước xa gần đều theo đạo này.

Đề-bà nghĩ rằng:

Cây không chặt gốc thì cành lá không đổ. Bậc nhân chủ không được khai hóa thì đạo pháp không được thực hành. Các bậc vương gia trị nước đều bỏ tiền ra để mời người làm túc vệ. Đề-bà liền tìm đến xin làm quân tướng, cầm kích đứng trước đầu xe, điều khiển đoàn xe ngựa đi thẳng hàng lối chỉnh tề. Dù uy không nghiêm mà vẫn được thực hành. Đức không sáng mà muốn vật đều tùy theo ưa thích. Vua thấy vậy rất vui mà hỏi đây là người nào?

Người hầu cận thưa:

– Đây là người vừa được mời vào, đã không đòi vật phẩm mà cũng không cần tiền. Những việc làm đều đốc hết lòng như thế, không biết là ý mong cầu những gì?

Vua cho gọi tới mà hỏi rằng:

– Ông là người ở đâu đến?

Đáp:

– Tôi là bậc Nhất thiết trí.

Vua nghe thì rất đổi kinh ngạc hỏi rằng:

Bậc Nhất thiết trí trên đời ít có. Người tự nói như thế thì có chứng cớ gì?

Đáp rằng:

Muốn biết trí ở trên lời nói, vua phải lắng nghe mà suy nghĩ: Ta là bậc thầy trí chủ Đại luận nghị. Nếu chịu khuất nhục tham vấn thì đâu còn uy danh, nhưng đây chẳng phải là việc nhỏ, nếu không hỏi thì cũng như chịu khuất phục vậy.

Suy nghĩ giây lâu mới bất đắc dĩ hỏi rằng:

Trên trời nay đang làm gì?

Đề-bà nói:

– Chư Thiên cùng A-tu-la đang đánh nhau.

Vua nghe lời này, thì như người bị mắc nghẹn, đã không nhã ra được ma cũng không thể nuốt được. Muốn phản bác mà lại không có lý lẽ chứng cớ. Muốn bảo đó là việc không có mà lại không rõ ràng. Lúc còn đang nghĩ ngợi chưa nói thì Đề-bà đã nói:

Đây chẳng phải là lời hư vọng mà chính là sự thật. Vua đợi giây lát sẽ có chứng nghiệm.

Vừa nói xong thì trên không trung liền có đao kiếm rơi xuống, có cả kích dài ngắn. Vua nói:

Đây tuy là đồ binh khí để chiến đấu, nhưng sao ông lại biết chư Thiên cùng A-tu-la đang đánh nhau.

Đề-bà nói:

Lời nói cho là hư dối, chẳng bằng thấy được sự thật.

Nói xong thì tay chân, tai mũi A-tu-la lần lượt rơi xuống đất. Vua thấy vậy thì cúi đầu thần phục pháp hóa của người.

Trên điện lúc đó có cả vạn Bà-la-môn, đều xin theo xuất gia, cầu thọ giới pháp. Thế là Đề-bà ở nơi cung vua thiết lập tòa cao giảng về Tam luận. Nói về các bậc Thánh tối thượng của Đức Phật. Tất cả các pháp tối thắng của Đức Phật. Tất cả các việc làm cứu thế của chư Tăng đều là Tối thắng đệ nhất. Lại tuyên nói các Luận sĩ ở tám phương nếu có thể hoại pháp này, thì ta sẽ chém đầu chịu khuất phục. Vì sao? Vì lập lý không rõ ràng thì là ngu si. Cái đầu của kẻ ngu si thì ta không cần, thì có chém đi cũng chẳng làm tiếc. Luận sư trong tám phương nghe lời này cũng đều cùng nhau kéo đến mà lập thệ rằng:

Nếu chúng ta không bằng thì cũng nên chém đầu, cái đầu của kẻ ngu si thì chẳng nên tiếc làm gì?

Đề-bà nói:

– Ta tu pháp từ bi để cứu giúp người cùng vạn vật. Nếu các ông không bằng ta thì nên cạo tóc làm đệ tử, không cần phải chém đầu.

Giao kết xong rồi thì mỗi bên tuyển chọn ra các bậc danh sư luận lý vô phương, rồi cùng đối đáp qua lại. Những bậc trí cạn tình sơ thì một lời nói liền khuất phục. Những bậc trí sâu tình dày thì cùng nhau đối đáp đến hai ngày. Rốt cuộc đều bị đuối lý cũng chịu theo ngài Đề-bà cạo tóc xuất gia.

Như thế hằng ngày trong vương cung đều đem tới mười vạn y bát mà vẫn hết. Trong ba tháng độ hơn một vạn người. Có một vị đệ tử tà đạo ương ngạnh vô trí. Tuy chịu khuất phục tùy chúng mà tâm lấy làm xấu hỗ bất thuận. Vì vậy mà lòng cứ oán giận không nguôi rồi tự thề rằng:

Ông đã dùng lời nói mà khuất phục tôi, tôi sẽ dùng đao kiếm mà thắng lại ông, ông đem đao kiếm từ không trung xuống để làm tôi nguy khốn, thì tôi cũng đem đao kiếm thật để vây khốn ông. Nói rồi thì liền cầm đao đi tìm. Lúc này các phương luận sĩ anh tài kiệt xuất đã hết. Đề-bà trở về chốn rừng núi yên tĩnh sống một cuộc sống nhàn cư, sáng tác ra bộ sách luận hai mươi phẩm, lại tạo ra bốn trăm bài luận để phá tà kiến. Khi ấy các vị đệ tử đều tản ra các gốc cây để tọa thiền tư duy. Đề-bà xuất thiền ra liền đi đến cung thành. Vị đệ tử Bà-la-môn đi đến một bên cầm đao đưa lên nói:

Ông dùng lời nói để thắng thầy tôi, thế thì vì sao tôi không dùng dao để mổ bụng ông.

Nói xong lấy dao chém vào ngũ tạng khiến ngài ngã quỵ xuống đất, nhưng vẫn chưa chết. Vì lòng từ mẫn thương kẻ ngu tặc này nên bảo rằng:

Ta có ba y bình bát để ở chỗ ta, ngươi có thể lấy mang đi, phải đi mau lên trên núi, cẩn thận chớ đi vào nơi đồng bằng. Các đệ tử chưa đắc pháp nhẫn của ta của ta tất sẽ tìm bắt ngươi hoặc là đưa ngươi đến chỗ quan. Vua sẽ theo phép mà trị ngươi. Ngươi vì chưa được pháp lợi, nên còn tiếc thân, tình ái còn nặng lại tiếc danh vị. Đó là cái họa trói buộc để cho muốn sinh tàn sát nhau. Thân danh đó cũng chính là căn bản gây là đại hoạn. Người ngu vì không biết nên vọng chấp xâm phạm nhau, yêu tiếc những thứ không đáng tiếc, nhưng lại không tiếc những điều đáng tiếc. Thật là đáng thương, ta mong cầu pháp Phật không vì thế mà thương tiếc, nhưng nghĩ các ngươi vì cuồng tâm không biết nên than thở ít lời.

Nọc độc của lòng phẫn hận thiêu đốt tội báo chưa được thì kêu gào than khóc mà thọ nhận, người thọ nhận thật là tự vô chủ. Người cho thì thật là không có người. Vô nhân vô chủ lấy ai để mong cầu. Thật đáng tiếc! Người chưa ngộ, vì cuồng tâm nên mê hoặc, vì điên đảo mà tâm trở lại chấp trước. Do đó mà thấy có ta có người, có khổ có vui. Khổ vui mà đến là do xúc trước. Nếu bỏ chấp trước thì không có chỗ cho khổ vui nương tựa. Không có chỗ nương về thì không có khổ, không có khổ thì cũng chẳng có vui, khổ vui là không, thì lấy gì ra vào vào trong sinh tử.

Khi nói xong lời này rồi thì các đệ tử mới đến trước thất thanh la lớn lên. Các môn nhân khắp các vườn cây đều kéo đến. Vì chưa được pháp nhẫn nên ai nấy kêu gào than khóc đập đầu xuống đất kêu la:

Oan tai! Khốc tai! Ai đã làm thầy tôi như thế này?

Cũng có người cuồng loạn lên rồi truy tìm các ngõ đường. Cùng nhau phân bổ các con đường hang hốc la lớn quát tháo đi tìm. Đề-bà lại nói với mọi người về thật pháp Chân đế. Ai oán thù, ai tàn khốc, ai giết, ai hại. Cái thật của chân pháp là không có người nhận lãnh cũng không có người hãm hại; cũng không có người thân kẻ oán tặc, không ai bị hại. Người vì si độc lừa dối, người vì vọng sinh chấp kiến rồi kêu gào than khóc cũng đều là bất thiện nghiệp. Người làm hại đó là hại nghiệp báo chứ chẳng phải hại ta các ngươi cẩn thận suy tư, chớ có cuồng loạn khóc lóc truy đuổi bi ai quá lắm. Khi nói vừa xong thì an nhiên thoát hóa ra đi. Người này trước kia vì đã cho mắt thiên thần rồi nên chỉ còn một mắt. Vì thế người đời gọi là Già-nê-đề-bà.