TRỜI VÀ THƯỢNG ĐẾ PHẢI CHĂNG CHỈ LÀ MỘT?
PHẢI CHĂNG PHẬT GIÁO LÀ MỘT TÍN NGƯỠNG VÔ THẦN?
Hoang Phong
Sự khác biệt giữa “Trời” và “Thượng đế” dường như là một điều thắc mắc trong tâm trí của nhiều người. Sự khác biệt ấy nếu có thì phải chăng cũng chỉ là tên gọi mà thôi? Thế nhưng nếu là tên gọi thì lại liên hệ đến ngôn ngữ, truyền thống, văn hóa, v.v. Hơn nữa, từ cổ chí kim chưa có ai từng trông thấy Trời hay Thượng đế cả, chẳng qua cũng vì đấy chỉ là một ý niệm trừu tượng, hiện ra trong tâm trí con người. Nếu là ý niệm thì tất nhiên nó là kết quả phát sinh qua ảnh hưởng của gia đình, giáo dục, tập quán, tín ngưỡng, v.v. Nếu tìm hiểu sự khác biệt về “Trời” và “Thượng đế” xuyên qua tất cả các yếu tố đó thì vấn đề sẽ trở nên vô cùng rắc rối. Trong bài viết này chúng ta sẽ giới hạn việc tìm hiểu về các Đấng thiêng liêng đó theo hai xu hướng và quan điểm chủ yếu nhất: một thuộc sự tin tưởng trong thế giới Tây phương và một theo các truyền thống trong các xã hội Đông phương.
Điều thắc mắc thứ hai là Phật giáo có phải là một tín ngưỡng vô thần hay không? Dường như Phật giáo đứng ra ngoài ý niệm về Trời và cả Thượng đế, nhất thiết chỉ hướng vào việc tìm hiểu bản chất của sự sống và nhìn vào sự vận hành của thế giới để vạch ra một hướng đi cho con người. Vì lý do đó người ta thường cho rằng Phật giáo là “vô thần”. Như vậy thì có đúng là như thế hay không? Vị trí và vai trò của Phật giáo trong thế giới là gì?
Trời và Thượng đế
Ý niệm về các Đấng thiêng liêng trên trời đã ăn sâu vào tư tưởng và chen vào sự sinh hoạt của xã hội từ những thời kỳ lịch sử thật xa xưa. Thần quyền và vương quyền luôn cấu kết với nhau trong suốt lịch sử nhân loại để chi phối và quản lý con người và đã nhào năn ra bộ mặt của thế giới ngày nay. Vì thế khi nói đến các Đấng thiêng liêng trên trời thì tất phải nghĩ đến các vị lãnh đạo dưới đất. Trời và Thượng đế là hiện thân của một sức mạnh thiêng liêng trên trời, vua chúa và các vị lãnh đạo chánh trị biểu trưng cho quyền năng thống trị và quản lý con người trên địa cầu. Hai thế lực đó luôn dựa vào nhau, tương tác với nhau để viết lên lịch sử của nhân loại. Vấn đề thật rộng lớn và phức tạp, dưới đây chúng ta chỉ nêu lên hai khuynh hướng chủ yếu tạo nhiều tác động sâu rộng nhất đối với hầu hết các lãnh vực sinh hoạt của con người: khuynh hướng thứ nhất thuộc thế giới Tây phương, gọi Đấng thiêng liêng là “Trời”; khuynh hướng thứ hai thuộc thế giới Đông phương tiêu biểu cho nền văn minh lâu đời của một đế quốc rộng lớn là Trung quốc, khuynh hướng này gọi Đấng thiêng liêng là “Thượng đế” (上帝).
“Trời” trong thế giới Tây phương tiếng La-tinh là Deus, tiếng Pháp là Dieu và tiếng Anh là God, là một ý niệm bắt nguồn từ nền văn minh cổ đại Hy-lạp. Nếu nhìn xa hơn nữa thì ý niệm này cũng đã được phát sinh trước đó khá lâu, trong nền văn minh lâu đời nhất của nhân loại, đó là nền văn minh Lưỡng-hà (Mesopotamia) hình thành tại Trung đông trong một vùng lãnh thổ nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates, ngày nay thuộc các nước Iran va Syria. Tất cả các tín ngưỡng nguyên thủy của cả hai nền văn minh này đều là đa thần. Mỗi vị thần linh hàm chứa một khả năng “sáng tạo” có thể làm phát sinh ra các hiện tượng thiên nhiên, chẳng hạn như bão tố, sấm sét, động đất, lụt lội, v.v. Các khả năng sáng tạo “đa dạng” và “phân quyền” trên đây dần dần gộp chung vào quyền năng tối thượng của một Đấng thiêng liêng duy nhất trong các tín ngưỡng “độc thần”, hình thành muộn hơn về sau này. Tùy theo mỗi tín ngưỡng, Đấng thiêng liêng duy nhất đó được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau: Abraham, Deus, Allah, v.v.
Trên dòng tiến hóa của nhân loại quả có nhiều điều khá lạ lùng. Việc quản lý xã hội khởi đầu bằng thể chế quân chủ, sau đó mới chuyển dần sang thể chế dân chủ cởi mở hơn, trái lại tín ngưỡng bắt đầu với các tôn giáo đa thần dân chủ hơn trước khi trở thành các tín ngưỡng độc thần với một Đấng thiêng liêng duy nhất, toàn quyền và độc đoán. Các xu hướng diễn tiến này tiêu biểu cho các nước Tây phương. Xa hơn, dưới một vòm trời khác tại phương Đông, nơi một đế quốc đông dân nhất trên hành tinh từ thời tiền sử cho đến nay là Trung quốc, người ta cũng thấy xuất hiện một Đấng thiêng liêng trên trời, nhưng không gọi là “Trời” mà gọi là Thiên (神) hay Thượng-đế (上帝), Thiên-vương (天王), Ngọc hoàng Đại đế (玉皇大帝), Ngọc hoàng Thượng đế (玉皇上帝), v,v. Chữ “Thiên”của người Trung quốc mang ý nghĩa khá tổng quát tương tự như chữ “Trời” trong tiếng Việt, không phản ảnh một khái niệm tín ngưỡng, văn hóa, tư tưởng hay triết học rõ rệt nào cả. Các chữ “Thượng đế” hay “Thiên vương” mang ý nghĩa và chủ đích rõ rệt hơn. Nếu tìm hiểu từ nguyên của các thuật ngữ này thì tất chúng ta sẽ nhận thấy ý niệm về “Thượng đế” hay “Thiên vương” của dân tộc Hán khác hẳn với ý niệm về “Trời” (God/Deus) của người Tây phương.
Chữ Thiên (天) trong chữ Thiên vương gồm hai phần: trên cùng là một vạch ngang biểu trưng cho “Trời”, bên dưới là chữ đại (大), gộp chung hai phần sẽ trở thành chữ Thiên, nói lên một cái gì đó thật to lớn trên trời. Chữ Vương (王) tuy khá đơn giản chỉ gồm bốn nét: ba nét ngang và một nét dọc, thế nhưng ý nghĩa rất sâu sắc, ăn sâu vào tư tưởng, văn hóa và xã hội của dân tộc Hán từ những thời kỳ xa xưa. Đối với ba nét ngang thì nét trên cùng biểu trưng cho “Trời” hay “Thượng đế”, nét giữa là “Hoàng đế”, nét ngang nằm bẹp bên dưới là tầng lớp dân dã; nét dọc từ trên xuống dưới nói lên trật tự muôn đời của xã hội Trung quốc. Qua góc nhìn đó thì Thượng đế là vị Quản lý tối thượng ở trên trời, Hoàng đế thay mặt và thừa lệnh Thượng đế cai trị thần dân dưới đất, tức là các tầng lớp lao động và ngoan ngoãn trong xã hội.
Qua góc nhìn trên đây, vị Thượng đế của Đế quốc Trung tâm và các nước lân bang chịu ảnh hưởng của nền văn minh của đế quốc này, như Việt Nam, Triều tiên và Nhật bản, không nắm giữ một quyền năng cụ thể nào cả, không đảm đang việc sáng tạo, cũng không trực tiếp cai trị, chỉ “ngôi chơi xơi nước”, mỗi năm được Hoàng đế làm lễ “tế Trời” một lần để cầu xin “quốc thái dân an”. Trái lại vị Trời của người Tây phương rất tích cực, sáng tạo ra con người, muôn thú, núi non, sông ngòi, đất đai, núi rừng, thiên hà, vũ trụ, kể cả trí thông minh, sự suy nghĩ và “linh hồn” con người. Sự hiện diện của Trời luôn bàng bạc trong tâm hồn và sự sinh hoạt của người dân trong các nước Tây phương. Vậy, nếu Thượng đế của người Trung quốc không biết sáng tạo thì theo họ thế gìới này do đâu mà có?
Âm dương sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh vạn vật
Nền triết học và tư tưởng Trung quốc nói chung mang tính cách rất thiết thực và cụ thể: từ chữ viết tượng hình cho đến các phát minh đủ loại. Người Trung quốc nhìn vào thế giới và hình dung ra một sự đối nghịch khá đơn giản giữa hai sắc thái hay thể dạng của các hiện tượng, và gọi đó là “Âm”/Ying (陰) và “Dương”/Yang (陽): ban đêm ban ngày, mặt trăng mặt trời, nước lửa, nóng lạnh, nhu cương, nam nữ, yên tĩnh náo động, nhu mì nóng nảy, hiền lành hung dữ…, cặp bài trùng mang tính cách đối nghịch này cũng xảy ra bên trong thân thể con người: nếu “hàn” và “nhiệt” cân bằng và điều hòa thì thân thể khỏe mạnh, nếu “âm thịnh dương suy” hoặc ngược lại thì bệnh tật phát sinh, v.v. Qua một góc nhìn mở rộng hơn thì nguyên lý Âm và Dương làm phát sinh ra vạn vật. Theo Kinh dịch (易經/Yi King) thì “âm dương sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh ngũ hành, ngũ hành sinh vạn vật”. Tóm lại Thượng đế không màng đến việc sáng tạo, mà chỉ quan tâm đến việc cai trị dân tộc Hán qua trung gian của các vị Hoàng đế qua các triều đại tiếp nối nhau.
Nền văn minh Trung quốc là một trong số các nền văn minh lâu đời nhất của nhân loại, Dân tộc Hán biết chăn nuôi, trồng trọt và sống thành làng mạc dọc theo hai bờ sông Hoàng-hà từ các thế kỷ thứ VI và thứ V trước Tây lịch, chỉ thua nền văn minh Lưỡng-hà được hình thành trước đó khoảng thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ VII trước Tây lịch. Thế nhưng nếu các tín ngưỡng đa thần của nền văn minh Lưỡng-hà đưa dần đến sự hình thành của các tín ngưỡng độc thần với một vị Sáng tạo duy nhất, thì các tín ngưỡng đa thần của Trung quốc của các thời kỳ bán khai lại dần dần biến thành một “tín ngưỡng” tôn thờ một vị Thượng đế quản lý tối thượng trong các thời kỳ quân chủ.
Tính cách thiết thực và cụ thể của nền văn minh Trung quốc ngoài việc hình dung ra một vị Thượng đế quản lý tối thượng, còn tạo được nhiều phát minh thực dụng và lợi ích. Nhiều dụng cụ nông nghiệp tiện lợi và tinh xảo được sáng chế, nhiều loại cây hữu ích được gây giống, khiến người Tây phương ngày nay phải thán phục. Thiết nghĩ điều đó không phải là quá khó hiểu, các sáng kiến và phát minh đó thật cần thiết để nuôi một dân tộc đông người nhất trên hành tinh này. Ngoài các phát minh thực dụng trong lãnh vực nông nghiệp nền văn minh Trung quốc còn có nhiều sáng kiến khác đưa đến nhiều phát minh khác vô cùng thiết thực, nhưng cũng hết sức bất ngờ, trong số này có bốn phát minh quan trọng hơn cả, được gọi chung là “Tứ đại phát minh” (四大發明).
Cách nay không lâu, nếu các sách giáo khoa cấp tiểu học của trẻ em Việt Nam vẫn còn nêu lên nguồn gốc “con rồng cháu tiên” và sự tích “bà Âu Cơ sinh ra một trăm quả trứng”, thì ngày nay “Tứ đại phát minh” vẫn còn tiếp tục được nêu lên trong các sách giáo khoa của học sinh Trung quốc, như là một sự hãnh diện của toàn thể dân tộc Hán. Quả cũng lạ, dưới một vòm trời khác, tại Tây phương vào thế kỷ XVII, Francis Bacon (1561-1626) triết gia nổi tiếng người Anh, lúc đó tuy hoàn toàn không được biết về nguồn gốc của “tứ đại phát minh”, thế nhưng đã cho biết là ba trong số bốn phát minh này đã làm thay đổi bộ mặt của cả Âu châu. Vậy bốn phát minh ấy là gì?
Tứ đại phát minh
Bốn phát minh lớn của dân tộc Hán là chiếc địa bàn, ngành in ấn, giấy và thuốc súng. Kim loại từ tính còn gọi là “nam châm” – công dụng đầu tiên của chiếc kim từ tính thả nổi trên mặt nước là để chỉ hướng Nam – được người Hán khám phá trong thiên nhiên từ thế kỷ thứ IV trước Tây lịch, nhưng chỉ bắt đầu được sử dụng để định hướng dưới triều đại nhà Tiền Hán (-206 trước Tây lịch và 220 sau Tây lịch). Thế nhưng việc định hướng đó cũng chỉ để tìm “long mạch” và phát hiện các luồng “khí lực” (氣/Qi) trong việc tìm nơi xây cất lăng mộ cho vua chúa. Sau đó dưới triều đại nhà Đường (618-907), phát minh này mới bắt đầu được sử dụng để xác định phương hướng, giúp dân tộc Hán vạch ra bản đồ của đế quốc “Trung tâm thế giới” và các nước “chư hầu” chung quanh.
Sau đó, từ thế kỷ XI các nhà hàng hải Trung quốc và Á-rập bắt đầu biết dùng địa bàn để đi biển. Mãi đến thế kỷ XIV, người Âu châu mới biết đến chiếc địa bàn qua trung gian của người Á-rập. thế nhưng họ cũng chỉ bắt đầu sử dụng rộng rãi phương tiện định hướng này kể từ thế kỷ thứ XV, khi họ đóng được các thuyền bè to lớn để ra khơi và đi xa. Nhờ chiếc địa bàn mà Christopher Colombus đã khám phá ra Mỹ châu, và tiếp theo đó các dân tộc Âu châu đổ xô nhau lùa bắt nô lệ dọc theo bờ biển phía Tây của lục địa Phi châu. Song song với việc buôn bán nô lệ, một phong trào mới nổi lên, chiếc địa bàn lại tiếp tục giúp người Âu châu tranh nhau xâm chiếm thuộc địa, chia nhau phần còn lại của thế giới.
Qua phong trào tranh dành thuộc địa và bành trướng ảnh hưởng, người Tây phương đã áp đặt và phổ biến khắp nơi cách ăn mặc, xã giao, tập tục, tư tưởng và ngôn ngữ của họ, nhất là các tiếng Anh, Pháp, Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha, và cả tín ngưỡng tôn thờ vị “Trời Sáng tạo” của họ. Từ thành thị đến thôn quê, từ những khu đông đúc đến những vùng hẻo lánh, từ nơi quyền quý cao sang đến chốn nghèo hèn, chỗ nào cũng có mặt các nhà truyền giáo hăng say và tích cực. Chiếc địa bàn là một phát minh từ ngàn xưa của dân tộc Hán, thế nhưng qua tay của người Âu châu đã làm biến đổi bộ mặt của cả thế giới.
Phát minh thứ hai là ngành in ấn. Người Hán biết in ấn bằng các bảng gỗ khắc chữ từ thế kỷ thứ VI. Người Tây phương lại cho rằng việc in ấn là do Johannes Gutenberg gốc người Đức phát minh vào thế kỷ XV. Sau khi biết được dân tộc Hán đã biết in ấn từ lâu đời thì họ nghĩ rằng ít nhất phương pháp của Gutenberg cũng tân tiến hơn, đó là cách ráp các chữ rời đúc bằng chì. Thế nhưng người Hán cũng đã biết cách in bằng các chữ rời khắc trên gỗ từ thế kỷ thứ IX, tuy nhiên sau đó họ vẫn thích dùng các bảng gỗ khắc toàn bộ một văn bản hay một trang sách, vừa tiện lợi lại vừa nhanh chóng hơn.
Các di tích in ấn trên giấy xưa nhất tại Trung quốc là các trang kinh Phật giáo được thực hiện vào thế kỷ thứ VIII, dưới triều đại nhà Đường (618-907), và cũng là thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật giáo tại Trung quốc. Tại Âu châu quyển sách đầu tiên được in trên giấy bằng phương pháp Gutenberg là vào năm 1455, đó là quyển Thánh kinh của Ki-tô giáo. Quyển Thánh kinh được phổ biến rộng rãi đã mở ra một kỷ nguyên mới trong việc truyền giáo.
Phát minh thứ ba là giấy. Theo các tư liệu ghi chép thì giấy được người Hán phát minh từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch, thế nhưng di tích cụ thể và xưa nhất được khám phá là một mảnh giấy trên đó có chữ viết, được xác định là vào năm thứ 8 trước Tây lịch, dưới triều đại nhà Tây Hán,. Giấy được sử dụng rộng rãi trong nhiều lãnh vực sinh hoạt xã hội, kể cả việc vệ sinh cá nhân, từ các thời kỳ cổ đại. Phương pháp làm giấy dường như không hề được giấu kín như nghề nuôi tằm, dệt lụa, trái lại còn được phổ biến rộng rãi và được truyền sang các nước Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam và cả các vùng Tây vực. Giấy được dùng để ghi chép và quản lý hành chánh, Tiền giấy và nhiều chứng từ thương mại, vay mượn được tìm thấy dưới triều đại nhà Đường. Vào thời bấy giờ đồng là kim loại hiếm hoi, thường phải dùng để đúc chuông, tượng, trục bánh xe và làm khí giới. Bắt đằu từ năm 1024 hoàng triều trung ương nắm độc quyền việc phát hành tiền giấy, sau đó dưới triều đại nhà Nguyên (1271-1368) tiền giấy bắt đầu hoàn toàn thay thế tiền đồng. Ngoài các việc hành chánh góp phần quản lý một đế quốc mênh mông, giấy còn là phương tiện phát triển văn hóa, tín ngưỡng và nghệ thuật.
Người Á-rập học được cách làm giấy của người Hán vào thế kỷ thứ VIII nhờ bắt được một số tù binh Trung quốc. Giấy giúp người Á-rập chép kinh Koran, phát triển thương mại, thiết kế các sơ đồ xây dựng và trang trí cầu kỳ. Sau đó giấy lại tiếp tục được đưa vào Âu châu qua trung gian của người Á-rập. Thư viện Hồi giáo tại vùng Cordopa trên lãnh thổ Tây-ban-nha dưới sự chiếm đóng của người Á-rập thời bấy giờ, thật đồ sộ , gồm nhiều sách, tư liệu và các quyển kinh Koran chép tay. Sau một giai đoạn tối tăm và biến động triền miên của thời kỳ Trung cổ kéo dài từ thế kỷ thứ V, các tu sĩ Ki-tô giáo học được phương tiện quảng bá giáo lý này của người Á-rập bắt đầu từ thế kỷ thứ XII, đánh dấu một giai đoạn bành trướng mới của Ki-tô giáo tại Âu châu. Xin nhắc lại quyển Kinh thánh của Ki-tô giáo đầu tiên được in trên giấy theo phương pháp Gutenberg là vào thế kỷ XV.
Phát minh thứ tư trong số “tứ đại phát minh” là thuốc súng! Không như các phát minh khác, thuộc súng đã mang lại thật nhiều đau thương cho nhân loại. Thuốc súng chính thức được phát minh năm 830, tuy nhiên cũng có giả thuyết cho rằng cũng có thể là trước đó, bởi vì phát minh này là một sự tình cờ, nhờ phép luyện đan đã có từ lâu đời. Các giáo sĩ Lão giáo trong lúc pha trộn các chất liệu tìm thấy trong thiên nhiên để làm thuốc trường sinh, không ngờ đã tạo ra một hợp chất gây ra sự nổ bùng. Thuốc súng là một hợp chất gồm lưu hùynh trộn với muối diêm (nitrat) và bột than. Quả trớ trêu, công dụng của hợp chất này thay vì giúp kéo dài sự sống thì lại làm cho sự sống chấm dứt nhanh chóng hơn.
Vào thế kỷ thứ IX, “tên lửa” được sáng chế, đó là các ống tre chứa thuốc súng để phóng vào quân địch. Vào thế kỷ thứ X, các quả bom mảnh (fragment bomb) được sáng chế, đó các quả pháo chứa các mảnh kim khí gây thương tích và hỏa hoạn. Vào thế kỷ thứ XI, bom “vi trùng” được phát minh, đó là các quả pháo chứa phẩn cùng các thứ hôi thối và dơ bẩn khác. Giàn phóng các ống tre nhồi thuốc súng cùng các bẫy mìn trên mặt đất, trong sông ngòi và trên mặt biển được sáng chế vào thế kỷ thứ XIII, dưới triều đại nhà Tống (960-1279), một triều đại thường xuyên lâm vào cảnh chiến tranh với đế quốc Mông cổ của Hốt Tất Liệt (Genghis Khan). Thuốc súng được đưa vào Âu châu khoảng giữa thế kỷ XIII qua trung gian của người Á-rập, tuy nhiên cũng có giả thuyết cho rằng người Mông cổ đã mang vào Âu châu, bởi vì đế quốc Mông cổ của Hốt-tất-liệt thời bấy giờ trải rộng từ Trung quốc đến nước Hungary ngày nay.
Thực trạng của thế giới ngày nay
Sáng kiến và phát minh không bao giờ dừng lại trên dòng diễn tiến của lịch sử nhân loại, ngành in ấn bị lỗi thời trước màn hình của máy vi tính, tiền giấy được thay thế bởi thể tín dụng, chiếc địa bàn không còn sánh kịp với hệ thống định vị bằng vệ tinh GPS (Geographic Positioning System), thuốc súng bị lỗi thời trước sức tàn phá của bom hạt nhân. Sáng kiến và phát minh dồn dập và xô đẩy nhau, tạo ra một thế giới ngày càng phức tạp, xung đột ngày càng nhiều, chiến tranh quy mô hơn và chưa bao giờ chấm dứt. Thật vậy, không có một sáng kiến hay phát minh nào mang lại một giải pháp hữu hiệu và dứt khoát cả. Sự xuất hiện của một con siêu vi khuẩn bé xíu cũng đủ để làm cho nhân loại phải chao đảo và làm suy sụp những gì mà con người xây dựng bằng tiền giấy, chiếc địa bàn và thuốc súng.
Thế nhưng người ta cũng có thể bảo rằng đấy chỉ là các phát minh thuộc lãnh vực vật chất, trên dòng diễn tiến của lịch sử nhân loại còn có vô số các khám phá khác trong các lãnh vực tâm linh, chính trị, xã hội, tư tưởng, mang lại thật nhiều cải thiện trong cuộc sống con người và sự sinh hoạt xã hội, chẳng hạn như tín ngưỡng đa thần dị đoan trở thành độc thần hợp lý hơn; thể chế quân chủ độc đoán trở thành dân chủ thích nghi hơn với sự đa dạng của con người trong xã hội; độc tài trở thành pháp trị bảo đảm sự tự do và nhân quyền, phản ảnh được sự kính trọng con người và phẩm giá của họ. Thế nhưng nếu nhìn thẳng vào thế giới thì chúng ta sẽ thấy chiến tranh pha lẫn ít nhiều màu sắc tôn giáo vẫn kín đáo tiếp diễn; hiềm khích, kỳ thị, xung đột vẫn tiếp tục lan tràn; lường gạt, tham nhũng trong mọi lãnh vực, ở mọi cấp bậc vẫn tiếp diễn, âm thầm hay lộ liễu mà thôi. Tóm lại, các cải thiện và tiến bộ trong các lãnh vực tâm linh, chính trị, xã hội và tư tưởng cũng không mang lại được một giải pháp dứt khoát nào cả.
Cách mạng là gì
Chữ “cách mạng” (革命) trong tiếng Hán thường được xem là đồng nghĩa với chữ “revolution” trong các ngôn ngữ Tây phương. Vậy điều đó có đúng trên phương diện từ nguyên và phù hợp với với thực tế hay không? Nếu “Trời” và “Thượng đế” mang hai ý nghĩa khác nhau biểu trưng cho hai nền văn hóa và văn minh khác nhau, thì hai thuật ngữ “revolution” trong các ngôn ngữ Tây phương và “cách mạng” trong tiếng Hán cũng vậy, cũng mang hai ý nghĩa hoàn toàn khác biệt nhau.
Nếu tra từ điển thì sẽ thấy chữ “revolution” được định nghĩa là một “biến cố lịch sử thường mang tầm cỡ quốc gia, nhằm chiếm quyền lãnh đạo một xứ sở, với chủ đích mang lại những sự đổi thay sâu rộng trong xã hội”. Vậy chữ này xuất hiện từ lúc nào trong nền văn minh Tây phương? Nếu tra cứu sâu rộng hơn thì sẽ thấy chữ này đã có từ lâu đời trong tiếng Pháp, nguyên nghĩa của nó là sự “xoay vần”. Chữ “revolution” mang ý nghĩa “lật đổ chính quyền đương thời và mang lại một sự biến đổi sâu rộng trong xã hội” chỉ xuất hiện và được nói đến nhiều từ cuối thế kỷ XVII trước khi xảy ra cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Trong cuộc cách mạng đó hàng ngàn người, từ vua chúa, quý tộc, quan lại cho đến các vị lãnh đạo tín ngưỡng đã bị xử trảm. Thay cho chế độ quân chủ trước đó là một thể chế dân chủ công bằng và nhân bản hơn. “Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” (Déclaration des droits de l’Homme et du Citoyen) được công bố vào cùng một năm xảy ra cuộc cách mạng này. Tóm lại cuộc cách mạng Pháp trên đây tiêu biểu nhất và cũng đúng nhất với ý nghĩa của chữ “revolution”.
Dưới một vòm trời khác tại phương Đông, trong các thời kỳ cận đại cũng đã từng xảy ra nhiều cuộc cách mạng, thế nhưng các cuộc cách mạng này có mang cùng một ý nghĩa với chữ revolution trong ngôn ngữ Tây phương hay không? Nếu “Trời” và “Thượng đế” là hai Đấng thiêng liêng khác nhau biểu trưng cho hai nền văn minh và văn hóa khác nhau, thì hai chữ “revolution” và “cách mạng” cũng vậy, không mang cùng một ý nghĩa. Chữ “cách mạng” (革命) trong tiếng Hán bắt nguồn từ những thời kỳ quân chủ thật xa xưa trong lịch sử Trung quốc, trước khi nước Pháp được gọi là xứ Gaule, và dân tộc Pháp cũng chỉ là một số bộ tộc hỗn tạp sinh sống trong lãnh thổ đó và được gọi chung là dân Gaulois. Tóm lại chữ “cách mạng” và chữ “révolution” bắt nguồn từ hai nền văn minh khác nhau, hai thời điểm lịch sử khác nhau và hai phương trời khác nhau. Vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu xem chữ “cách mạng” trong tiếng Hán có nghĩa là gì?
Chữ cách có nghĩa là lấy đi hay bãi bỏ, chẳng hạn như cách chức, cất chức hay bãi chức, Chữ mạng hay mệnh có nghĩa là sứ mạng, sứ mệnh hay mệnh lệnh. Tóm lại nguyên nghĩa của chữ “cách mạng” là “lấy lại sứ mạng” đã giao phó từ trước, nói một cách nôm na và dễ hiểu là “cách chức”. Thượng đế “lấy lại sứ mạng” hay “cách chức” vị Hoàng đế cuối cùng của một triều đại sụp đổ để “giao phó” cho vị Hoàng đế mới thuộc một dòng họ khác lên thay. Chẳng có gì gọi “cách mạng” theo ý nghĩa của chữ “revolution” của người Tây phương. Thượng đế “cách chức” vị Hoàng đế sau cùng của triều đại sụp đổ, “trao lại” sứ mang cho vị Hoàng đế mới, khởi đầu một triều đại mới. Quân chủ vẫn hoàn quân chủ.
“Trời” của người Tây phương đảm đang việc sáng tạo, “Thượng đế” của dân tộc Hán lo việc giữ vững chế độ quân chủ và độc tài. Nếu nhìn lại các cuộc cách mạng cận đại, chẳng hạn như “Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ” do đảng Cộng sản Trung quốc chủ xướng năm 1949, thì cuộc cách mạng này chẳng có gì là “cách mạng” cả, chế độc tài và độc đoán từ nghìn xưa vẫn tiếp tục: “cách mạng đảng” (革命党) trở thành “chánh phủ đảng” (政府党), chẳng có gì là đổi mới, tự do hay dân chủ, vị “lãnh đạo cách mạng” tiếp tục trị vì và quản lý xứ sở cho đến khi nào bị Thượng đế “cất chức”, và đấy cũng là tình trạng chung của các nước làm cách mạng tại phương Đông.
Nếu vị Trời Sáng tạo là một khám phá “tuyệt vời” trong lãnh vực tín ngưỡng, và Thượng đế là sáng kiến “hữu hiệu” trong lãnh vực chính trị, thì Phật giáo giữ vị trí nào trong thế giới?
Vị trí và vai trò của Phật giáo trong thế giới hiện tượng
Nếu vị Trời Sáng tạo và Thượng đế cả hai đều ở trên trời thì Đức Phật là một con người dưới đất, sinh ra trên địa cầu này và lưu lại vói nhân loại trên hành tinh này. Ngài tự xưng mình là Tathagata, chữ này là tiếng Phạn và tiếng Pali có nghĩa là một người “chẳng đi về đâu cả” và cũng “chẳng từ đâu đến đây”, Ngài cũng “chỉ là như thế” (suchness/ainsité). Chẳng khác gì với tất cả mọi người, Ngài được sinh ra từ một người mẹ, thế nhưng mẹ Ngài sau khi sinh được bảy ngày thì qua đời, điều bất hạnh đó cũng có thể xảy ra với bất kỳ một người mẹ nào khác. Ngài từng là một hài nhi mồ côi mẹ, chẳng khác gì như những đứa hài nhi khác, mồ côi mẹ.
Khi lớn lên, một hôm bước ra khỏi khung cảnh tiện nghi của vua cha thì bất chợt Ngài trông thấy một ông lão khập khễnh, trên người đầy ung nhọt lở loét, cách đó không xa là một đám người khênh một xác chết đến nơi hỏa táng, sau đó Ngài lại trông thấy một người tu hành Bà-la-môn ôm bình bát khất thực. Kinh sách cho rằng các điều trông thấy đó đã giúp Ngài ý thức được bản chất của sự sống và đánh thức lòng từ bi bên trong chính Ngài. Thế nhưng từ thuở bé Ngài đã là một đứa trẻ mồ côi, không hề được biết người mẹ sinh ra mình là ai. Vô thường và khổ đau của sự sống đã hiện ra trong con tim nhỏ bé của Ngài từ thuở ấu thơ. Niềm đau đó và sự ý thức đó đã khiến Ngài cắt tóc, vứt dép, ôm bình bát và nhìn xuống đôi chân mình. Một vị hoàng tử ra đi, một kẻ hành khất lang thang, đã trở thành một vị Phật.
Phật giáo không nhìn thế giới như là một “tác phẩm”, cũng không nhìn thế giới như là một “mô hình quản lý”, mà nhìn thế giới qua một sự “biến động” thường xuyên. Theo quan điểm Phật giáo toàn thể thế giới chỉ là hiện tượng, gồm toàn hiện tượng. Các hiện tượng liên kết và tương tác với nhau để cùng nhau biến dạng, tạo ra một thế giới thường xuyên chuyển động, phù du, vô thường và ảo giác, tạo ra cho con người các sự lo buồn, khổ đau, già nua, bệnh tật và cái chết.
Trong thế giới đó, mọi hiện tượng, dù là vô hình hay hữu hình, thuộc môi trường bên ngoài hay hiện ra trong tâm thức, tất cả đều níu kéo nhau để cùng nhau chuyển động. Hiện tượng này làm nguyên nhân tạo ra hiện tượng kia, hiện tượng kia lại trở thành nguyên nhân khác làm phát sinh ra hiện tượng khác, tạo ra một thế giới gồm trùng trùng điệp điệp hiện tượng ở thể dạng biến động không ngừng. Một con siêu vi khuẩn bé xíu cũng đủ để tạo ra sự sợ hãi trong tâm thức con người và khiến cả nhân loại phải đeo khẩu trang. Một tư duy trong tâm thức, một ngôn từ hay một cử chỉ trên thân xác đều liên hệ với các nguyên nhân từ “phía sau” chúng để tạo ra các tác động “phía trước” chúng, tác động đến trùng trùng điệp điệp các hiện tượng khác trong vũ trụ.
Vậy vị hoàng tử trước đây, nay đã trở thành một người tu hành khất thực hai tay ôm bình bát, đã khám phá ra điều gì giữa sự lôi kéo và biến động mênh mông đó của thế giới?
Các khám phá của Đức Phật
Trong một đêm rằm, tréo chân ngồi im dưới một cội cây trong một khu rừng thanh vắng, vị tu hành đơn độc đó đã khám phá ra quy luật vận hành của thế giới và cả vũ trụ. Sự khám phá đó, sự hiểu biết siêu việt đó thật sâu sắc và vô biên, khó thấu triệt cho phần lớn những con người chất phác thời bấy giờ. Vị tu hành không thể giải thích hết được những gì mình đã khám phá ra, nhưng cũng không thể làm ngơ trước cảnh khổ đau cấp bách và kiếp người ngắn ngủi của họ. Ngài suy nghĩ rất nhiều và sau cùng đã đưa ra bốn sự thật rút tỉa từ sự khám phá mênh mông đó của mình.
Sự thật thứ nhất là tình trạng khổ đau thật hiển nhiên của con người trong thế giới hiện tượng; sự thật thứ hai là tình trạng khổ đau đó có một nguyên nhân tạo ra nó; sự thật thứ ba là nguyên nhân tạo ra tình trạng khổ đau đó có thể làm cho nó chấm dứt được; sự thật thứ tư là có một phương pháp làm cho nguyên nhân tạo ra tình trạng khổ đau đó phải chấm dứt. Ba sự thật đầu tiên là khám phá của vị tu hành lang thang. Giải pháp nêu lên trong sự thật thứ tư mà người ta thường gọi một cách cụ thể là Con Đường, là phát minh của vị ấy. Con Đường đó mở ra một hướng đi giúp con người không những loại bỏ được các nỗi khổ đau của mình mà còn giúp mình thoát ra khỏi sự biến động của thế giới hiện tượng.
Trong suốt bốn mươi lăm năm thuyết giảng vị tu hành lang thang đó cũng chỉ tự nhận mình “là như thế”, thế nhưng những người bước theo vết chân của vị tu hành đó, sau khi bừng tỉnh trước bốn sự thật và Con Đường, thì gọi vị tu hành lang thang đó là “Đức Phật” (Bodhi) và biến bốn sự thật và Con Đường trở thành Phật giáo..
Nếu tiền giấy tạo ra tham lam và lường gạt, chiếc địa bàn làm phương tiện lùa bắt nô lệ và xâm chiếm thuộc địa, thuốc súng giúp con người giết nhau, quyển sách đưa ra những lời hứa hẹn và đe dọa, thì Con Đường mở ra cho chúng ta một hướng đi theo chiều ngược lại, có nghĩa là quay lưng lại với sự biến động của thế giới, với sự sợ hãi và cả những lời hứa hẹn. Con Đường hướng thẳng chúng ta vào bên trong tâm thức và con tim mình, đưa mình trở về với con người đích thật của mình.
Dù hướng vào bên trong chính mình thế nhưng Con Đường không hề là một sự khép kín, một ngõ cụt, bởi vì tâm thức và con tim mình là cả một thế giới vô biên, một bầu không gian vô tận. Thế giới đó, bầu không gian đó nằm thật sâu bên trong tâm thức mình, thế nhưng nó thường xuyên bị bao phủ và che lấp bởi các thứ xúc cảm bấn loạn và tàn phá cùng các thúc dục bản năng, khiến chúng ta không trông thấy được nó. Mỗi khi hướng vào bên trong chính mình, nhìn vào tâm thức mình và con tim mình, thì dường như chúng ta chỉ trông thấy toàn là các thứ thèm muốn, đam mê, ước ao, lo buồn, hy vọng, đớn đau, sợ hãi, là những thứ mà Phật giáo gọi là “bất toại nguyện”.
Thế nhưng giữa sự bùng lên của các thứ xúc cảm bấn loạn và tàn phá đó, đôi khi chúng ta cũng cảm thấy thoáng thoáng một chút thương yêu và rung động thanh thoát trong tâm hồn. Đấy chính là các dấu hiệu hé mở cho chúng ta trông thấy từ một nơi sâu kín bên trong tâm thức và con tim mình, dường như cũng thoáng hiện bóng dáng mờ ảo của một con đường, và ở cuối con đường đó cũng thoáng hiện ra một vùng không gian bàng bạc tình thương yêu và một niềm an vui thanh thoát.
Mục đích của Con Đường trước hết giúp chúng ta hé thấy được khoảng không gian hạnh phúc đó bên trong chính mình. Nếu tiếp tục tập trung sự chú tâm hướng vào con đường đó thì chúng ta sẽ dần dần trông thấy nó rõ nét hơn, khoảng không gian do nó mở ra cũng tỏa rộng hơn, tình thương yêu trở thành lòng từ bi sâu xa, sự thanh thoát trở thành một sự cảm nhận thật sâu. Nếu tiếp tục sự cảm nhận đó sâu hơn nữa thì chúng ta sẽ khám phá ra một dòng luân lưu thật phẳng lặng và trong sáng, không còn bất cứ một sự chuyển động nào dấy lên, dù đó là hạnh phúc, an vui hay thanh thoát. Dòng luân lưu đó chính là tri thức nguyên sinh của chính mình.
Dòng tri thức nguyên sinh đó mang bản chất không gian và thời gian không khởi thủy cũng không chấm dứt, nó sẽ mở ra “bên trong của bên trong tâm thức” mình một bầu không gian hoàn toàn trống không và vô tận. Cảm nhận và thường trú trong bầu không gian vô tận đó là sự Giải thoát tối thượng. Qua góc nhìn đó Phật giáo hiển nhiên là một tín ngưỡng “vô thần”, thế nhưng có đúng là như vậy hay không?
Phật giáo vô thần hay hữu thần
Kinh sách thuật lại câu chuyện về hoàng hậu Maya, mẹ của Đức Phật, lúc mang thai Ngài đã trở về quê nhà thăm cha mẹ mình, cả hai cũng là vua và hoàng hậu của một bộ tộc khác. Trên đường về, khi đoàn người đi ngang một khu rừng, thì bà chuyển bụng – nơi này sau đó đã trở thành một công viên và một nơi hành hương dưới triều đại của vua Azoka vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Theo thói tục thời bấy giờ, hoàng hậu Maya sinh đứng, tay vin chặt vào một cành cây sala. Hôm đó là một ngày rằm.
Hoàng hậu Maya hạ sinh Đức Phật tương tự như tất cả những người mẹ khác sinh con mình, thế nhưng kinh sách cũng cho biết trước đó trong một đêm rằm, sau bảy ngày trường chay và một buổi lễ tại hoàng thành, bà nằm mơ thấy có một con voi trắng, vòi quấn một cành sen trắng chui vào bên hông mình và sau đó thì bà mang thai và hạ sinh Đức Phật.
Sau khi đạt được Giác ngộ trong một đêm rằm và sau bốn mươi lăm năm thuyết giảng Đức Phật già yếu. Một hôm khi đang đi trên một con đường mòn trong một khu rừng thì Đức Phật kiệt lực, không còn đi được nữa, phải nằm xuống một đống lá khô giữa một khóm cây sala. Ngài thuyết giảng những lời sau cùng cho đoàn đệ tử tháp tùng và tịch diệt. Hôm đó cũng lại là một ngày rằm.
Trong tám mươi năm hiện hữu trong thế giới hiện tượng, phải chăng Đức Phật cũng “chỉ là như thế”, một cành hoa sen trắng, một nhánh cây sala hay chỉ là ánh trăng vằng vặc của một đêm rằm? Thế nhưng quả hết sức lạ lùng, trong đống tro hỏa táng Ngài hiện ra vô số những viên ngọc xá-lợi long lanh. Nằm xuống bên cạnh một con đường mòn, thế nhưng Đức Phật đã để lại cho chúng ta một Con Đường thênh thang của sự Hiểu Biết không cùng.
Câu chuyện trên đây chỉ là một trong số thật nhiều các câu chuyện mầu nhiệm và thiêng liêng khác. Trong hơn mười ngàn bài thuyết giảng của Đức Phật lưu lại đến nay, người ta khám phá ra thật nhiều sự kiện phi thường, và hơn thế nữa trên dòng phát triển của Phật giáo vô số các vị Bồ-tát đã xuất hiện, một số là huyền thoại, một số khác là những con người rất thật. Vị Bồ-tát Quán-thế-âm có một nghìn mắt để trông thấy khổ đau của chúng sinh và một nghìn tay để giúp đỡ họ chỉ là huyền thoại, thế nhưng Đức Đạt-lai Lạt-ma, hóa thân của vị Bồ-tát đó lại là một con người rất thật.
Phật giáo tin rằng ngoài Đức Phật Thích-ca Mâu-ni còn có rất nhiều vị Phật khác trong quá khứ, hiện tại và cả tưong lai. Những gì mà Đức Phật không giảng, hoặc không thể giảng cho những người vào thời đại Ngài, thì người sau tiếp tục khám phá ra, tìm hiểu và giải thích thêm. Các tông phái và học phái được hình thành, đáp ứng với nhu cầu, trình độ và xu hướng của hầu hết mọi người trong xã hội, đồng thời cũng thích ứng với các nền văn minh và truyền thống khác nhau trên toàn thế giới. Bắt nguồn từ luồng tư tưởng siêu việt và lòng từ bi vô biên của một con người duy nhất, một tín ngưỡng “mở rộng” và “đa thần” đã được hình thành, tiêu biểu cho một đường hướng tâm linh tôn trọng sự tự do và dân chủ, phản ảnh sâu xa tình thương yêu và sự kính trọng con người.
Kết luận
Các phát minh vật chất có thể cải thiện cuộc sống và sự sinh hoạt trong xã hội, thế nhưng cũng đã gây ra vô số tác hại. Tiền giấy, chiếc địa bàn và thuốc súng mang lại sự tiến bộ, thế nhưng cũng đã tạo ra không biết bao nhiêu đau thương cho con người. Cũng vậy, các khám phá tâm linh có thể xoa dịu các lo âu và sự sợ hãi, thế nhưng cũng biến con người trở nên ngoan ngoãn và thuần phục, tước đoạt sự tự do suy nghĩ và phẩm giá của họ. Con Đường của Phật giáo không mang mục đích xoa dịu và hứa hẹn, cũng không đe dọa bất cứ một chúng sinh nào, mà chỉ giúp con người trở về với chính mình, ý thức được các nỗi khổ đau nội tại và sâu kín của mình và cả các nguyên nhân tạo ra chúng hầu loại bỏ chúng, và sau đó là khám phá ra dòng luân lưu phẳng lặng và êm ả của tri thức nguyên sinh của chính mình để thường trú trong bầu không gian vô tận phi hiện tượng do dòng tri thức đó tạo ra từ “bên trong của bên trong” chính nó.
Bures-Sur-Yvette, 07.09.20
Hoang Phong