TRẢI RỘNG TẤM LÒNG

Thích Thiện Phước

 

Lời Nói Đầu

Đối với mọi thứ tình thương, thì tình thương trong nhà Phật là vô tận mênh mông, không phân chia nhân ngã thân sơ, cũng không giới hạn bởi  không gian và thời gian.

Cuc sống vn dĩ có nhiều đau khổ: Khổ vì thiên tai nhơn họa, khổ vì nghèo đói, người già không có mái ấm nương thân, trẻ thơ phải sống đời tha hương cơ cực… Thế nên rất cần sự quan tâm giúp đỡ, chở che đùm bọc của những bàn tay nhân ái.

Trong đời thường, cũng có nhiều cảnh tượng để giúp ta khơi mở tình thương yêu. Lòng thương yêu nầy như cái kho vô tận, hễ ta cho đi bao nhiêu thì nó sẽ tràn ngập lại bấy nhiêu.

Mong sao mãnh đất tâm hồn được rộng mở, như dòng suối cam lộ trong mát yêu thương tuôn chảy mãi, để tưới tẩm những gốc rễ đau thương đang khô cằn trở nên xanh tươi nở hoa thơm ngát.

Tịch dương còn chút tia hồng
Trời thu lá đổ cửa không nhuộm vàng
Đôi bờ sông nước mênh mang
Lặng nghe chuông điểm canh tàn mù sương.
Nha Mân cuối thu 2013.

 

TÌNH THƯƠNG VÔ TẬN

Đạo Phật đến thế gian này như một dòng sông tươi mát âm thầm nuôi sống muôn vật chứ không ào ạt như những cơn giông bão làm nghiệt ngã biết bao chồi non cổ thụ. Nơi nào có giáo pháp của đức Phật thì nơi ấy có một tình thương yêu vô tận “Từ hay cho vui, bi hay cứu khổ”. Hành trang ấy Phật giáo luôn luôn mang theo bên mình và được xem như là một trọng trách để phục vụ cho tất cả chúng sanh.

Tình thương vô tận của đạo Phật không hạn cuộc bởi đồng loại, bà con, bè bạn mà vượt lên trên tất cả mọi sự ngã chấp, phân biệt về chủng tộc, màu da. Thênh thang như hư khơng bao trùm muôn vật, rạng ngời như ánh mặt trời lồng lồng ở trên cao.

Trong Phật Gio, Bồ tát Quán Thế Âm là hiện thân của từ bi, lòng thương yêu vô tận của Ngài thường được biểu trưng bằng: “một ngàn con mắt để nhìn thấy mọi chân trời gốc bể, một ngàn cánh tay để cứu vớt và xoa dịu cho những chúng sanh đang đắm chìm trong biển lửa hận thù”. Nơi nào có đau khổ, nơi ấy Ngài hiện thân.

Bồ tát Địa Tạng thệ nguyện không thành Phật khi địa ngục chưa trống, Bồ tát Phổ Hiền “nguyện độ hết tất cả chúng sanh”, Tôn giả A Nan “thệ nguyện không chứng  diệu quả Niết Bàn nếu như có một chúng sanh chưa thành Phật”… Những lời thệ nguyện rộng lớn ấy, nếu không xuất phát từ một tình thương yêu vô tận đối với chúng sanh, thì là gì?.

Thuở xưa đức Phật chính vì thương chúng sanh đang đắm đuối trong bể khổ sanh tử nên Ngài từ bỏ mọi sự hưởng thụ riêng tư của đời mình để thực hành hạnh nguyện lợi tha. Trong lịch sử của nhân loại, chỉ có Ngài là người phá tan mọi xiềng xích giai cấp, chủng tộc, màu da, “không có giai cấp khi dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”. Lấy nỗi đau của chúng sanh làm nỗi đau của riêng mình, từ ái đối với tất cả mọi loài. Tình thương yêu trong đạo Phật không có ngăn cách giữa nhân và ngã, không có sở hữu riêng tư.

Lòng từ bi có năng lực cảm hóa rất mãnh liệt. Nó được xem là chất xúc tác có công năng đánh thức và làm bừng cháy bản thể giác ngộ của ta vốn đã bị dòng ái dục, vô minh che mờ, ngăn cách. Một tình yêu hay giúp cho kẻ khác quy phục mà không cần phải dùng một quyền năng thế lực nào. Chính vì lòng bi mẫn sâu xa ấy mà đức Phật cảm hóa được kẻ sát nhân Angulima (Vô Não), voi dữ Nalagin … và có lần đức Phật cũng nói rằng “ta sống trên một ngọn núi giữa đám sài lang hổ báo và để bảo vệ không có gì khác hơn tâm từ của ta. Chung quanh ta là sư tử, cọp, beo, nai, hươu các thứ, ngoài ra là rừng rậm, cỏ hoang không có con vật nào sợ ta và ta cũng không sợ con vật nào, chính oai lực của tâm từ nâng đỡ, bảo vệ ta và giúp ta sống yên ổn”.

Trong cuộc sống, nếu có sự hiện diện của “ngã chấp, ngã ái” thì cuộc sống ấy chính là mầm mống của mọi đau khổ. Con người vì cứ mải mê lo bảo thủ cho tự ngã nên sẵn sàng làm tất cả mọi chuyện gây tổn thương  cho nhau.

Cuộc sống đời thường có rất nhiều cơ hội để ta thực tập quán chiếu về lòng từ bi. Bước đầu tiên để thực tập là bạn có thể đem lòng thương yêu với bất kỳ một người nào trong gia đình: Cha, mẹ, chị, em… hay một người nào được bạn thương yêu nhất trong cuộc sống. Bạn hãy để cho giọt nước thương yêu này ngấm ngầm chảy mãi, rồi dần dần đượm thấm  đến mọi người ở chung quanh mình, những người trong một nước, cho đến tất cả chúng sanh.

Khi thấy một người già cả đang dò dẫm đi từng bước, kẻ ăn mày đang chìa tay tha thiết mong cầu sự giúp đỡ, một người bị xe đụng đang nằm giẫy chết, người đang hấp hối trên giường bệnh, anh lao công quét rác bên vệ đường, một con vật đang bị đau…

Ví như có người nào đó cho dù thân thích hay xa lạ đến than thở, kê khai với bạn về những căn bệnh hiểm nghèo của họ thì bạn nên kiên nhẫn mở tâm từ ra để lắng nghe và chia sẻ nỗi đau đớn bất hạnh của họ giống như nghe lại căn bệnh của chính mình vậy. Thiết thực nhất là bạn có thể đến bên cạnh một con chó, con mèo… ôm nó vào lòng, vuốt ve, âu yếm, nói chuyện với nó, nhìn nó bằng một cặp mắt đầy thiện cảm, thương yêu chân thật. Khi ấy, dường như nó đang vui vì đã cảm nhận được tình thương yêu cao cả của bạn. Và chính bản thân bạn cũng đang cảm nhận được nguồn hạnh phúc ấy. Ngược lại, nếu bạn nạt nộ, đánh nó thì nó cảm thấy rất đau khổ, sợ sệt vì nó chỉ biết nương tựa vào ta để sống thậm chí nó còn sanh lòng oán hận, căm thù bạn và khi ấy ngay trong tâm thức bạn cũng đang phực cháy ngọn lửa sân si. Ngọn lửa ấy đang thiêu cháy ruộng tâm từ bi của bạn, dần dần biến bạn thành sỏi đá vô tri.

Quả thật, trong cuộc sống có rất nhiều cảnh tượng để khơi mở lòng thương yêu của ta nhưng ta lại quá thờ ơ. Lòng thương yêu của đạo Phật như cái kho vô tận, hễ ta đem ban rải cho mọi loài bao nhiêu thì nó sẽ tràn ngập trong ta bấy nhiêu.

Chúng ta sống trong cõi Ta Bà này đã lãnh chịu rất nhiều đau khổ rồi, thế nên phải ban tặng tình thương cho nhau, đùm bọc lẫn nhau, đừng hận thù giày xéo lên nhau. Khổ vì thiên tai nhơn họa, khổ vì nghèo đói, làm cho người già không có mái ấm nương thân, trẻ thơ phải sống đời cơ cực. Người đệ tử Phật chúng ta phải đem tình thương yêu vô tận ban rải cho khắp tất cả chúng sanh. Bởi lẽ trái tim khi không còn rung động trước nỗi đau của kẻ khác nữa thì trái tim ấy sẽ hóa thành sỏi đá; con người mà không có lòng thương yêu thì người ấy đã mất hết đi một phần của sự sống rồi!.

 

KHÔNG NÊN TỰ TY

Có nhiều người nói rằng chân lý của đạo Phật cao siêu quá, gồm 12 bộ kinh, ba tạng giáo điển. Riêng tôi phận nghèo hèn, dốt nát, nhớ trước quên sau thì tu học làm thế nào thành tựu được.

Đạo Phật là đạo từ bi, bình đẳng, không phân biệt giàu ngho, kẻ trí, người ngu… tất cả đều tu học được. Bởi lẽ “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật”. “Kia là trượng phu thì ta cũng là trượng phu, không nên khinh mình mà lui sụt”. Người trí tu học Phật pháp được thì ta tuy chậm lụt cũng tu học được. Người khác giàu sang đi chùa được, thì ta tuy nghèo nhưng cũng đi chùa được, không có gì phải tự ty, đến cửa Phật là từ bi bình đẳng không có chia rẽ, phân biệt, kỳ thị sang hèn.

 

Kitagaki là một thống đốc bang Kyoto đến viếng chùa Tofuku để thăm Keichu – tức vị sư trụ trì chùa. Vị đệ tử chạy vào báo Keichu là có thống đốc Kyoto muốn đến diện kiến thầy.

Sư trụ trì đáp:

– Ta không biết thống đốc nào cả!

Vị đệ tử bèn trở ra trả lời rằng:

– Thầy tôi yêu cầu ông lui gót vì không hề quen một thống đốc nào cả!.

Kitagaki liền nói:

– Nếu vậy, hãy vào báo với sư trụ trì rằng: “Có Kitagaki muốn được gặp”.

Vị đệ tử nói:

– Được để tôi thưa lần nữa xem thế nào!.

Sư trụ trì bèn ra cửa tiếp:

– Ô, Kitagaki đấy à. Mời vào nhà!.

Qua câu chuyện nầy cho ta thấy: Hễ chấp nhận đi đến chùa thì phải gạt bỏ những danh vọng địa vị. Bởi vì nó chính là mầm mống để tăng trưởng cái bản ngã của con người. Chính cái ngã ấy sẽ làm cho ta lạc lối, giống như kẻ lạc đường không thể nào về đến ngôi nhà (giác ngộ) được.

Một hôm có vài vị cư sĩ đến thăm thiền sư Zhau Zhou (Triệu Châu). Khi họ vừa vào đến cửa chùa thì thiền sư Zhau Zhou hỏi:

Người thứ nhất:

– Đạo hữu đã đến đây lần nào chưa?

– Dạ đã.

– Hãy vào trong dùng trà.

– Dạ rồi.

Sư Zhau Zhou hỏi người thứ hai:

– Đạo hữu đã đến đây lần nào chưa?.

– Dạ đây là lần đầu.

– Hãy vào trong dùng trà.

– Vâng ạ.

Vị khác bèn thắc mắc:

– Người đã từng đến đây thì được mời dùng trà, người mới đến lần đầu cũng được mời dùng trà. Điều này có ý nghĩa gì chứ?

Sư Zhau Zhou bảo:

– Này đạo hữu kia chớ nói lôi thôi nữa, hãy vào trong dùng trà đi.

Cho dù là người đã từng đến chùa hay kẻ mới đến lần đầu thì Thiền sư Zhau Zhou đều mời họ vào dùng trà tiếp đãi như nhau. Việc này tuy bình thường nhưng nói lên cái cốt tủy của thiền. Đạo Phật không phân biệt kẻ thân người sơ, hễ đến cửa Phật rồi thì ai ai cũng bình đẳng như nhau.

Thực tại có những người tuy nghèo nhưng họ âm thầm thường xuyên đến chùa tu học. Dường như họ đã và đang cảm nhận được đời người cuối cùng chỉ là vơ thường đau khổ, không bền bỉ. Chỉ có ngôi Tam Bảo là nơi về nương vững chắc, là nơi có một tình thương chân thật, vĩnh cửu, bất diệt tiếp nối  đến vô số kiếp về sau.

Phật nói: “Tánh người có chia ra lợi căn và độn căn”. Lợi căn chính là người thông minh, còn độn căn là người có tính chậm lụt. Chính vì vậy mà Ngài tùy căn cơ thuyết pháp khiến cho họ đều được giác ngộ.

Thuở xưa đức Phật có một người đệ tử tên là Châu Lợi Bàn Đà Già tánh tình chậm lụt, tất cả các kinh điển đều không thông hiểu. Ngài mới dạy cho ông hai chữ “chổi quét” nhưng khổ nỗi nhớ được chữ “chổi” thì quên đi chữ “quét”, nhớ chữ “quét” thì quên chữ “chổi”. Thế mà sau này thầy chứng quả A La Hán.

Người có tánh chậm lụt thì cĩ thể tu theo  pháp môn Tịnh Độ, vì người tu Tịnh Độ chỉ cần niệm một câu A Di Đà Phật, niệm đến khi nào nhất tâm bất loạn thì liền được vãng sanh, thế thì nào cần phải làu thông các kinh điển khác ư.?

 

TÌM  LẠI CHÍNH MÌNH

Buổi sáng nọ, tôi đang ngồi ở trai đường thì bỗng dưng thấy một con mèo đi qua cái tủ kiếng. Khi nó nhìn vào trong thì cũng thấy một con mèo tương tự đang đi và nhìn lại. Thế là nó bèn ngồi xuống lặng nhìn một hồi lâu rồi bỏ đi, nhưng lạ chưa con mèo bên trong cũng bắt chước đi theo. Nó lập tức dừng lại vểnh râu,  nhe răng ra và con mèo bên trong cũng thế. Nó bèn lùi ra xa bắt trớn,  chúng tới chưa kịp đến can, thì nó đã nhảy vào cắn con mèo kia, rốt cuộc tủ kiếng bể, đầu nó tuôn máu và kịp khi nó ngước nhìn lên thì thấy con mèo bên trong cũng vậy. Nó bèn bỏ đi

Cuộc sống hằng ngày chúng ta vì đánh mất chính mình nên bị phiền não tham, sân, si nối nhau không dứt, rốt cuộc phải lãnh lấy tai họa khó lường

Yangpu đang trên đường về tỉnh Sichuan để nhập định với ý nguyện là tìm gặp một vị Bồ tát, nhưng đi được một đoạn thì gặp vị sư, hỏi:

– Cậu đi đâu đấy?.

– Thưa ngài tôi đi tìm Bồ tát.

– Bồ tát thì ở xa lắm, chi bằng tìm Phật có hơn không.

– Nhưng tôi biết Phật ở đâu mà tìm?.

– Này, khi cậu về đến nhà, nếu thấy có người nào ra đón cậu mà trên mình khoác cái mền, chân xỏ dép trái thì đó là Phật đấy.

-Xin vâng ạ!

Theo lời vị sư dạy, kịp khi Yangpu về đến nhà thì trời đã vào khuya.

Yangpu gọi:

– Mẹ ơi mẹ, mở cửa đi! Con về đây!

Bà mẹ nghe tiếng con mình gọi mở cửa thì trong lòng vô cùng mừng rỡ, bà ta vội vàng khoác chiếc mền lên người, chân xỏ dép trái, bà chạy mau ra mở cửa. Còn phần Yangpu thì thật sững sờ khi thấy mẹ mình đúng y như lời vị sư bảo  – là Phật.

Người ta có thể dành suốt cuộc đời mình để đi xa vạn dặm tìm cầu chân lý ở khắp tất cả mọi nơi, nhưng chưa từng “một niệm hồi quang” thì vẫn còn thiếu. Điều trọng yếu hơn hết là phải nhận chân được thực tại, bản tánh giác ngộ đã sẵn có ngay trong mình mà từ xưa đến nay chưa từng hay biết. Chúng ta không thể xa rời thực tế, trốn tránh nhiệm vụ hay chối bỏ đạo lý thế gian mà thành tựu trên bước đường tìm chân lý. Nếu tách rời thế gian mà tìm cầu Phật đạo thì khác chi bỏ gốc mà tìm ngọn, thật không thể được!.

CHÂN LÝ HIỆN THỰC

Chân lý của đạo Phật rất thực tiễn, tri và hành phải hợp nhất. Những lời dạy của đức Phật trong 49 năm đều đem lại sự lợi ích cho chúng sanh trong mọi sinh hoạt hằng ngày, bỏ ác làm lành, cải thiện từ đời sống cho đến nội tâm. Hơn thế nữa người học giáo pháp đức Phật không phải để nghiên cứu suông, chỉ biết khua môi múa lưỡi mà không có liên quan gì đến đời sống hiện thực.

Có một số người hiểu rất rành mạch về giáo nghĩa của đức Phật nhưng không đặt nặng về vấn đề dụng công tu hành. Thật chẳng khác nào người đang lâm vào cơn trọng bệnh mà chỉ lo đọc thuộc làu toa thuốc, nhưng không chịu uống thuốc thì làm sao hết bệnh? Luận về người niệm Phật thì cũng giống như uống thuốc để trị bệnh vậy. Chúng sanh từ bấy lâu nay vì mắc phải căn bệnh tham, sân, si mà bị chìm đắm mãi trong luân hồi, sanh tử. Thế cho nên ta phải niệm Phật mong nhờ tha lực của Ngài để được tiếp dẫn về thế giới Cực Lạc Tây Phương. Ở trong bốn oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm phải đem lòng chí thành niệm danh hiệu A Di Đà Phật. Khi nhàn nhã cũng A Di Đà Phật, khi bận rộn cũng A Di Đà Phật, thuận cảnh cũng A Di Đà Phật, nghịch cảnh cũng A Di Đà Phật. Khi được người khen cũng A Di Đà Phật, khi bị người chửi bới, đánh đập càng phải A Di Đà Phật. Ngày đêm niệm niệm nối nhau lòng không thối chuyển thì dần dần “nhất tâm bất loạn”,  đến giờ lâm chung nhất định sẽ được vãng sanh.

Kinh chép: “Nếu có chúng sanh nào chí thành niệm một câu Phật thì có thể tiêu trừ được 80 ức kiếp tội nặng sanh tử”. Thật là một câu niệm Phật có công đức vô lượng vô biên.

Đại sư Ấn Quang nói: “Phương pháp niệm Phật tùy theo hoàn cảnh của mỗi người mà tu tập; không nên định chấp vào một cách nào cả. Nếu là người, không có việc gì bận rộn thì vẫn có thể từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng đi, đứng, nằm, ngồi, nói, im, động, tịnh, mặc áo, ăn cơm, đại tiện, tiểu tiện; nói chung thì trong tất cả thời khắc không để cho tâm với miệng rời câu Phật hiệu. Hoặc là súc miệng, rửa tay sạch sẽ, y hậu chỉnh tề đến chỗ nào thanh khiết mà niệm thầm hay niệm ra tiếng đều đặng cả. Còn lúc sắp ngủ nghỉ, khi tắm rửa, đại tiện hoặc đến những chỗ ô uế chỉ nên niệm thầm. Công đức niệm thầm và niệm ra tiếng cũng như nhau. Tuy nhiên nếu ở nơi ô uế mà niệm ra tiếng thì e có vẻ thất kính.”.

Hơn thế nữa, là người Phật tử chúng ta phải có bổn phận Phật hóa gia đình, đem sự hiểu biết của mình hướng dẫn khuyên cha, mẹ, anh, chị, em… đồng niệm Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm để cầu nguyện cho tiêu tai giải nạn. Vì việc niệm Phật có công đức lớn lao như thế lẽ nào thân bằng quyến thuộc của mình không cần đến ư?

NIỆM PHẬT CẢM ỨNG

Không luận là kẻ sang, người nghèo hễ dốc lòng đem ba tâm chí thành hồi hướng, phát nguyện niệm Phật thì sẽ có sự cảm ứng không lường

Sách Tịnh Độ Thánh Hiền Lục chép: “Bà Vương ở tỉnh Giang Tô, gia cảnh rất nghèo khổ, thường ngày bán dây gai để sinh sống. Bà dốc lòng tin niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Ngoài câu Phật hiệu ra bà không nghĩ điều gì khác. Một hôm bà chợt nói với người thân rằng: “Tôi vừa thấy có người cầm tràng phan đến rước, thế nên nay xin từ biệt các vị”.

Ai nấy đều không tin vì thấy bà không hề có bệnh tật. Quả nhiên vài tiếng đồng hồ sau bà an tường mà qua đời”.

Cho dù là người thân của mình lúc sanh tiền làm việc thiện hay ác, nhưng sau khi chết đi đều nên phải niệm Phật để siêu độ linh hồn họ.

Trương Nguyên Thọ là người quê quán ở Tịnh Châu. Cả gia đình của Trương đều sống bằng nghề sát sanh nhưng sau khi cha mẹ qua đời thì ông phát tâm giữ gìn giới sát, dốc lòng niệm Phật để hồi hướng công đức cứu vớt song thân. Ông đúc một tượng Phật Di Đà cao ba thước để cúng dường, lễ bái. Một hôm trong giấc mộng thấy cả nhà đều có ánh sáng lạ, trong ánh sáng ấy hiện ra một đài sen và trên đài sen ấy có hơn 20 người trong đó, bỗng dưng có hai người gọi Nguyên Thọ bảo rằng: “Ta vốn là cha mẹ ngươi. Vì thuở bình sanh gây ra nghiệp sát quá nặng nên khi chết liền đọa vào địa ngục. Nhưng do nhờ công đức niệm Phật của ngươi mà sắt nóng, đồng sôi khi hành hình thì đều cảm thấy như nước lạnh vậy. Hôm qua có một sa môn thân cao ba thước đến thuyết pháp, trong đó có hơn 20 người sau khi nghe pháp đều thoát khỏi địa ngục, sắp sửa sẽ được vãng sanh về Tịnh Độ ra mắt Phật Di Đà. Do nhân duyên đó nên ta đến báo cho ngươi biết”. Nói xong xoay mặt về hướng Tây mà đi.

TÌNH THƯƠNG CHO NGƯỜI MẤT

Ngày nay đa phần người bệnh vừa tắt hơi, nhịp tim ngưng đập thì thân quyến lập tức lo thay đổi y phục, tắm rửa, di chuyển từ nơi này đến nơi khác, lại khóc lóc thở than hay chích thuốc chống thối rửa. Những viêc làm như vậy thật là tội nghiệp cho người mất, không có chi lợi ích, điều đáng nói hơn hết là làm thương hại đến con đường vãng sanh của họ.

Phật dạy: “Khi người vừa qua đời thì thần thức chưa rời khỏi xác liền. Trong 10 đến 12 giờ đồng hồ, vong hồn vẫn còn có giác tánh, lúc này họ có cảm giác khổ đau không thể nói, thật giống như con rùa sống mà đem đi lột xác vậy”.

Thế nên người sau khi tắt hơi phải đợi từ 10 đến 12 giờ đồng hồ mới được di dời, tắm rửa để cho họ khỏi phải phiền lụy mà bị đọa ác đạo, đó là việc trọng yếu. Hơn nữa trước và sau khi lâm chung cả gia đình nên chí thành niệm danh hiệu Phật A Di Đà để siêu độ trợ niệm cho vong hồn được thác sanh về cõi Cực Lạc Tây Phương. Lại không nên sát sanh, tốt nhất là dùng đồ chay để cúng. Cho dù người chết thuở bình sanh có tu tạo công đức, sắp được vãng sanh, nhưng vì gia đình tạo nghiệp sát sanh, nên phải bị đọa vào trong ác đạo, chịu vô lượng khổ, thật đáng thương!.

BUÔNG BỎ MUÔN DUYÊN

Người đang lâm vào cơn trọng bệnh phải biết rằng vạn pháp trong đời đều do nhơn duyên hòa hợp mà sanh, khi nhơn duyên ly tán thì tan rã. Và đời người cũng thế, chúng ta đang hiện hữu đây tức là đang đứng giữa đôi bờ sống và chết. Đời người chỉ là một điểm xuất hiện trong dòng sanh tử vô cùng tận, là một lữ khách được khởi đầu bằng “cái sống” và nhất định cũng có ngày tới đích đó là “cái chết”, sớm hay muộn tùy theo biệt nghiệp của từng người.

Lâm chung là thời điểm vô cùng hệ trọng, có thể quyết định số phận và tương lai của người mất. Vì giây phút ấy tất cả những nghiệp lực mà ta đã gây tạo, tàng trữ trong khi còn sống nó bắt đầu khơi động lại và được diễn tiến một cách mạch lạc như một cuộn phim. Đến lúc ấy, nếu người chết không có chánh niệm, thì sẽ hoảng sợ, lo âu thật khủng khiếp lắm, ngay khi chúng ta bị cảm mạo sơ sơ thôi mà đã khó chịu rồi, huống chi là cái chết. Chính vì thế mà ta phải trợ niệm, đừng làm cho họ xúc động và đừng khơi dậy những ý niệm quyến luyến, giận hờn, thương ghét.

Còn phần người sắp lâm chung đừng nên quyến luyến nào là nhà tôi, vợ con, tiền bạc của tôi… Tôi thật không muốn chết vì hạnh nguyện chưa tròn… Chúng ta nên buông xả tất cả, bởi vì trong giây phút này không thể đem theo bất cứ cái gì ngoài nghiệp lực.

Thế nên phải nhất tâm niệm Phật để sớm được vãng sanh. Và người thân bên cạnh giường bệnh nên đem lòng thương yêu vô tận ban rải cho họ, khuyên họ phải niệm Phật, phải biết buông xả mọi thứ, giảng cho họ nghe ở cõi đời này là vô thường, con người sinh ra rồi phải chết, đó là định luật tự nhiên, không chi phải luống cuống sợ hãi.

Tốt hơn hết ta nên thỉnh một bậc đạo sư có phẩm hạnh đạo đức đến để khai thị cho họ. Chắc có lẽ mỗi người chúng ta không khỏi đau xót kinh hoàng khi chứng kiến cảnh người thân mình đang lâm vào cảnh sống dở chết dở, miệng luôn khóc than rên rỉ, tay chân co giật, giãy giụa… Ta nên đem lòng bi mẫn vô biên  trợ niệm cho họ trong giờ phút chia ly quan trọng này và xem đó như một bài thực tập mà đời người sớm muộn gì rồi ai cũng phải trãi qua. Và bạn hãy tự hỏi nếu như là mình thì đến lúc đó sẽ ra sao? Vâng, mọi chuyện sẽ được diễn tiến, cái gì đến thì nó sẽ đến, nhưng riêng ta ngay bây giờ phải nhất tâm niệm Phật để sớm được vãng sanh.

M CHUNG NHẤT NIỆM

Trừ các bậc hiện thân chứng quả ra, người tu hành thời nay rất khó thành tựu, thế nên điều rất quan trọng là ngay trong giây phút lâm chung phải nhất tâm chánh niệm. Giải thoát hay đọa lạc cũng do khoảnh khắc này, chỉ cần nhất tâm bất loạn thì liền được vãng sanh về Tây phương. Cho đến sanh lên cõi trời, cõi người, đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cũng tùy thuộc vào một niệm này. Có người nói: Nếu vậy thì thường ngày hà tất phải tu hành chi cho nhọc? Chi bằng ta cứ tạo ác nghiệp đợi đến khi lâm chung chỉ cần nhiếp niệm thì cũng được vãng sanh.

Thật ra thì chẳng phải dễ dàng như thế đâu. Khi sắp chết mà được chánh niệm, thì toàn nhờ vào công đức tích lũy tu trì lúc bình sinh và đây cũng chính là kết quả suốt một quá trình công phu khổ nhọc của một đời người.

Đây là chưa nói đến những người thường ngày, tuy tu hành nhiếp niệm thuần thục, nhưng đến giây phút cuối tạp niệm bỗng dưng khởi lên, nào là bị bệnh tật hôn mê, nào là quyến luyến vợ con, gió đao xẻ thân… trăm ngàn thứ khổ cứ đến bức bách. Đó là nói những người cả đời dốc hết tâm lực thành khẩn tu hành mà phải bị như thế, huống hồ người lúc bình sinh gây tạo những nghiệp ác ư?

Trên đời này có nhiều cái để làm cho ta kinh hoàng sợ sệt, nhưng đáng sợ hơn hết là cái chết. Còn người tu hành chúng ta, đáng sợ nhất là khi lâm chung không làm chủ được chính mình.

Kinh A Di Đà chép: “Nếu có người thiện nam, thiện nữ nào nghe danh hiệu của Phật A Di Đà, chấp trì danh hiệu từ một ngày cho đến bảy ngày, được nhất tâm bất loạn, thì người ấy sau khi mạng chung Phật A Di Đà và các Thánh chúng hiện ra trước mặt tiếp dẫn người ấy được vãng sanh về cõi nước Cực lạc”.

Ở đây nếu không phải là một thực nghiệm lúc thường ngày nhất tâm niệm Phật thì là gì?

BA ĐIỀU QUAN TRỌNG

Ngày tháng qua mau, mạng người như huyễn, vô thường không hẹn. Nếu như ta không dốc lòng tu tập ngay bây giờ thì e rằng không kịp rồi!.

Điều đáng thương nhất ở thế gian là chẳng gì hơn cái chết, hơn nữa cả đời người không một ai có thể may mắn tránh khỏi. Nếu như ai có cha mẹ anh em và các quyến thuộc, nếu bị bệnh nặng ở trong trạng thái khó mà thuyên giảm nên phát lòng thương xót hiếu thuận, khuyên họ niệm Phật cầu sanh Tây phương, giúp đỡ trợ niệm khiến cho người bệnh sau khi mất được sanh về thế giới tịnh độ. Sự lợi ích đó nào có thể nghĩ bàn  được ư ? Nay kể ra ba điều quan trọng để làm chứng cứ thành tựu cho người vãng sanh. Lời lẽ tuy quê mùa nhưng ý vốn là kinh Phật, gặp nhân duyên nầy thảy đem ra để thực hành:

1. Khéo dẫn dắt an ủi, khiến họ sanh lòng chánh tín.

2. Mọi người thay phiên nhau niệm Phật để trợ giúp tịnh niệm.

3. Tuyệt đối không được động đậy hay khóc lóc để ngăn ngừa sự nhầm lẫn.

CĂN BẢN PHÁP XUẤT THẾ GIAN

Sở dĩ gọi pháp xuất thế gian là vì pháp này vượt ra ngoài ba cõi, xa lìa sanh tử. Nhưng nguồn gốc của nó vẫn chính là pháp thế gian. Vậy pháp thế gian là nói về những vấn đề luân thường đạo lý, là trách nhiệm của con người phải làm cho trọn. Lại nói Phật pháp ở thế gian vẫn không lìa pháp thế gian, nếu lìa thế gian mà đi tìm giác ngộ ví như đi tìm “lông rùa, sừng thỏ” không thể nào có được vậy.

Nói về pháp thế gian có tám thứ tức là hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Nếu một người tu hành theo Phật giáo mà được chứng quả thì mỗi mỗi pháp đều được trọn đủ. Thế thường người ta nói: “Một người thành đạo thì chín đời bà con cũng nương nhờ đó mà siêu thoát”.

Nếu như cha mẹ, ông bà nhờ phước đức của mình mà được siêu thăng đó không là “hiếu” ư?.

Lòng từ ái luôn luôn giúp đỡ chúng sanh không phải là “để” ư?.

Cầu nguyện cho quốc gia được hòa bình không phải là “trung” ư?

Giữ gìn giới cấm, ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh không phải là “lễ” ư?

Ơn cha mẹ, ơn chúng sanh, ơn quốc gia, ân Phật (bốn ơn) đều đáp không phải là “nghĩa” ư?

Cơm ăn một bữa giữa ngày, sống đời đạm bạc, mặc y phục thô sơ, luôn mến tiếc trân trọng những tài vật, đó không phải là “liêm” ư?

Bạo dạn nhận những tội lỗi, hổ thẹn sám trừ các điều xấu, đó không phải là “sỉ” ư?

Lục tổ Đàn Kinh chép: “Ân thì hiếu dưỡng cha mẹ, nghĩa thì trên dưới thương nhau, nhượng thì tôn ti hòa mục, nhẫn thì không tranh cãi nhau”.

Thế nên người muốn tu trì Phật pháp trước hết phải làm tròn bổn phận của mình vì làm người mà ta chưa tròn bổn phận thì học làm Phật thế nào cho được.? Nếu không thì trái ý chỉ của Phật, Tổ vậy.

VIỆC LỚN SANH TỬ

Trong kiếp nhân sinh nếu nói về thân xác thì “sanh” được xem là khởi nguyên của sự sống, “già, bệnh” là tiến trình sự sống và được kết thúc bởi cái “chết”.

Cái chết sẽ đến với tất cả chúng ta dù sớm hay muộn, và nó không trừ bất cứ ai trên thế gian này. Trong bước ngoặc thăng trầm từ vô thỉ cho đến ngày nay, chúng ta vì tạo quá nhiều tội ác, nên phải trôi lăn trong ba nẻo sáu đường, chịu vô lượng thứ khổ đau. Thật đáng sợ thay!.

Luận về người chết thì cũng giống như dời nhà vậy. Thân chúng ta tuy mất đi, nhưng thần hồn vẫn thường hằng bất tử. Tùy lúc bình sinh bạn gây ra những nghiệp thiện hay ác, thì chính nó lôi bạn vào ba nẻo sáu đường chịu vô lượng khổ. Giả dụ như phòng ốc đã bị hư mục rồi, thì bạn phải dọn đến ở trong một gian phòng khác, người tạo nghiệp ác thì nhất định sẽ dọn đến ở trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, mãi mãi lãnh chịu những quả báo khổ đau, đợi đến khi nghiệp báo của bạn hết thì mới được sanh làm người, thật khổ không thể nói.

Nói về sáu đường cũng giống như sáu gian phòng vậy. Xác thân của ta đây chẳng khác nào căn nhà không có bảo hiểm, cho dù bạn có rất nhiều tiền của, vật báu cũng không bảo toàn được nó. Ai dám chắc rằng: “Tôi mãi mãi không bị bệnh hoạn khổ đau, tôi không già nua, bệnh chết”, chính vì thế  chúng ta cần phải mau mau tỉnh ngộ.

Hằng ngày đôi khi vì cứ mải mê lo cho cái ăn, cái mặc, trang hoàng nhà cửa mà quên cả thân mình, một đời bận rộn trong ham muốn. Nói như thế không phải bảo chúng ta cứ ăn rồi ngồi, trong khi sống mình phải biết sắm sửa phương tiện đã đành, nhưng lại phải chuẩn bị hành trang cho ngày cuối, và hãy làm chủ được chính mình. Xã hội ngày nay có vài người quan niệm rằng: “Tôi ráng kiếm tiền cho nhiều để được thảnh thơi hưởng thụ, có tiền là có tất cả, “có tiền mua tiên cũng được”. Vì tôi có tiền nên mọi người phải khúm núm, quỳ mọp, nói gì ai cũng nghe, ai cũng nể trọng và có thể diện giữa đám đông” ta là một mạnh thường quân. Thế sao bạn không tự hỏi thần chết có nể trọng mình không? Và mình có thể diện gì trước điện Diêm Vương? Thân xác này tuy có nhưng lại không, chỉ có nghiệp báo mới thủy chung đeo đuổi theo ta từ kiếp này sang kiếp khác. Ta nên quán chiếu rằng: Con người có sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, cầu không được khổ, oán thù ở chung nhau khổ, thương yêu xa lìa khổ, năm ấm hưng thạnh khổ. Có ba thứ khổ và tám thứ khổ, lại khổ vì thiên tai, nhơn họa. Thật là có vô lượng thứ khổ luôn luôn nung nấu, bức bách chúng ta. Thế nên chúng ta phải niệm Phật A Di Đà để thoát ly những nỗi khổ này.

Có người bảo rằng: “Niệm Phật hả? Bây giờ tôi còn trẻ đẹp, yêu đời, để cho tôi nếm mùi mật ngọt thế gian, đợi đến lúc già niệm Phật cũng không muộn”.

Ôi! Vô thường chóng vánh, sát na đã biến thành đời khác, cho dù bạn có sống đến già đi nữa,  thì lúc ấy coi chừng toàn thân đầy bệnh tật, nhớ trước quên sau, mỗi ngày phải lo uống thuốc, luôn bị ngoại duyên bức ngặt thế thì làm sao có thể niệm được chứ. Vậy không phải là chuyện đáng sợ ư?

Khi tắt hơi, nhắm mắt rồi, thì nào là con hiền, cháu thảo, tiền của, vật báu… tất cả đều không mang theo được, chỉ có nghiệp báo thiện ác chi phối lôi dắt bạn đi thọ khổ thôi. Thật là:

“Khi tôi sanh ra đôi bàn tay trắng
Lúc tôi trở về lại phủi trắng đôi tay”.

CON ĐƯỜNG THOÁT KHỔ

Trên 2500 năm về trước, có một thánh giả hiện thân xuống cõi nhơn gian này và thành tựu được Phật đạo, đó chính là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài đã giới thiệu cho chúng ta một thế giới Tây Phương Cực Lạc, cõi nước ấy do Phật A Di Đà làm giáo chủ, toàn được thành tựu và trang nghiêm bằng đồ thất bảo.

Kinh chép: “Nếu người sanh về thế giới Cực Lạc thì sẽ được mạng sống vô lượng, ánh sáng vô lượng, trí tuệ vô lượng, nghĩ đến áo thì được áo mặc, nghĩ đến cơm thì có cơm ăn. Lại nữa, ở thế giới Cực Lạc dùng vàng, ngọc làm nhà, châu báu làm lan can, bạc, pha lê làm tường, lưu ly làm đất, xa cừ, mã não làm cửa, tất cả đều do bảy thứ báu làm thành”.

Đức Thế Tôn sau khi thành chánh giác, Ngài đem chân lý giác ngộ ra chỉ bày cho chúng ta làm người và thành Phật. Giáo pháp đức Phật giảng dạy là nói rõ về ý nghĩa chân lý của vũ trụ nhân sinh và khuôn phép đạo đức.

      Đức Phật dạy chúng ta phải làm thế nào để bỏ ác làm lành, lìa khổ được vui, xả huyễn được chơn, quên mình để làm lợi lạc cho người. Thực tại Phật pháp là một chân lý rất viên mãn. Tuy nhiên muốn học Phật pháp thì trước hết phải học đạo lý làm người, gieo nhân lành được quả tốt, gieo nhân ác gặp quả xấu. Phật giáo là chánh tín, trí tín chứ không phải tà tín, mê tín. Thế nên Ngài dạy chúng ta phải có nhận thức sáng suốt về tôn giáo thì sự tu hành không bị lầm loạn, để sau khỏi phải chìm đắm trong ba nẻo sáu đường.

Ngoài ra, người học Phật cần phải giữ gìn giới luật, vì giới như chiếc bè giúp nguời vượt qua biển khổ sanh tử. Giới giống như chiếc áo giáp ngăn chặn những mũi tên độc bắn vào pháp thân huệ mạng của mình. Trong quá trình tu tập, nếu ta không giữ giới, chẳng những không được lợi ích mà còn phải bị đọa lạc.

Đừng làm các điều ác, siêng làm các việc lành, giữ gìn năm giới và mười điều thiện cho thanh tịnh. Đấy là nền tảng, là cấp bậc đầu tiên để ta thành tựu diệu quả giác ngộ sau này.

Năm giới chính là:

Không sát sanh
Không trộm cướp
Không tà dâm
Không nói dối
Không uống rượu.

Mười điều thiện là:

1. Không sát sanh: Là không được sát hại sanh mạng loài người cùng loài vật, hoặc tự giết hại hoặc xúi giục người giết hại hay thấy người sát hại mà sanh lòng vui theo đều phạm tội. Phật cấm sát sanh là vì lòng từ bi phải tôn trọng mạng sống của mọi loài. Kinh Phạm Võng chép: “Tất cả người nam  là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác sanh vào nơi đó vì thế  nên chúng sanh trong lục đạo đều là cha mẹ ta. Nếu giết chúng để ăn thịt thời chính là giết cha mẹ ta và cũng giết thân cũ của ta”.

2. Không trộm cắp: Tài vật của người nếu người ta không cho thì không được lén lấy. Phật cấm trộm cắp là vì tôn trọng tài sản của kẻ khác. Người không gian tham trộm cắp thì đời sống sẽ được tự do, khỏi phải thấp thỏm lo âu vì tù tội.

3. Không tà dâm: Ngoài vợ chồng chính thức ra nếu hành dâm với người khác thì đều mắc tội. Vì dâm dục là cội nguồn  của sanh tử và đau khổ. Người xuất gia cốt để xa lìa bể khổ sanh tử nên phải đoạn trừ dâm dục. Còn người tại gia được có vợ chồng nhưng không tà hạnh bất chánh với kẻ khác.

4. Không nói dối: Tức nói trái sự thật. Người học Phật cần phải nói lời chơn chánh, nghĩ thấy thế nào nói thế ấy. Nếu nói dối mình đã chứng Thánh hay đắc đạo để cho người khác cung kính thì mắc tội đại vọng ngữ, sẽ đọa vào ba đường ác. Nếu nói dối để cứu người và vật vượt qua cơn nguy ách thì không tội.

5. Không nói thêu dệt: Tức không trau chuốt lời nói cho hay để lung lạc lòng người, quyến rũ người làm điều sai quấy. Người không nói thêu dệt sẽ được mọi người yêu mến

6. Không nói lưỡi đôi chiều: Tức không xoi bới chuyện thị phi của hai bên làm ly gián tình cảm của người khác.

7. Không nói lời hung ác: Tức nói lời thô tục, cộc cằn, chửi rủa, mắng nhiếc người. Nếu ta không nói lời hung ác mà thường thốt ra lời nói dịu dàng, hiền hậu thì ai nghe cũng hoan hỉ mến thương.

8. Không tham lam: Tham là nguồn gốc của mọi tội ác vì nếu tham tiền thì bị đày đọa tấm thân, tham sắc đẹp thì vừa tốn tiền vừa phí sức, tham danh thì phải vào lòn ra cúi, nịnh nọt, dối trá, tham ăn thì bệnh hoạn khó trị, tham ngủ thì ngu dốt tối tăm.

9. Không sân hận: Tức là không giân bực, cau có. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Một niệm sân nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng mở”. Người không sân hận sẽ được quả báo thân tướng trang nghiêm, được mọi người tôn kính, ai thấy cũng sanh lòng hoan hỉ.

10. Không si mê: Không có lý trí để phán đoán cho rành rẽ, gặp việc gì cũng mê muội, ù ù cạc cạc. Người không si mê tức là người có trí tuệ, biết tin có nhân quả luân hồi, chẳng những không tạo tội mà còn làm việc phước lành.

Đức Phật dạy: “Người nếu hay giữ gìn năm giới cấm và mười điều thiện thì được sanh làm người hoặc sanh lên cõi trời, hưởng thọ vô lượng quả vui”.

TƯ LƯƠNG NGƯỜI NIỆM PHẬT

Người niệm Phật phải có đầy đủ “tín, nguyện, hành”.

Tín” là tin có thế giới Tây Phương Cực Lạc hay giúp chúng sanh lìa khổ được vui. Tin sâu lời Phật nói là chơn thật, vì “tin là nguồn gốc của mọi công đức, Phật pháp rộng lớn như biển, chỉ người có lòng tin mới vào được”.

Nguyện” là động lực để sanh sang thế giới Cực Lạc Tây Phương, trong lòng luôn mong mỏi lìa bỏ cõi đời này để sanh về Tịnh Độ. Nếu như ta niệm Phật cho nhiều mà không phát nguyện cũng khó mà được vãng sanh. Vì sao vậy, vì điều căn bổn để mong mỏi được vãng sanh không có thì làm sao thành tựu được?.

“Hành” là chấp trì danh hiệu Phật: Trong mọi thời khắc phải niệm danh hiệu Phật A Di Đà, niệm đến khi thuần thục “nhất tâm bất loạn” thì nhất định sẽ được vãng sanh.

Thế nên, người học Phật phải dốc lòng chí thành niệm Phật, nương nơi lòng tin mà phát nguyện và căn cứ theo nguyện lực ấy mà thực hành. Đó chẳng phải là đại công đức trí huệ ư? Suy cho cùng thì pháp môn nào cũng được lợi lạc, nhưng đòi hỏi hành giả phải vững lòng tin, quyết tâm tuân theo và hành trì cho đúng, đó mới là chuyện khó.

Trong đạo Phật không có giáo điều, nhưng người Phật tử phải chọn cho mình một pháp môn tu thích hợp với căn cơ, hoàn cảnh. Điều tối quan trọng là phải chuyên nhất, thành ý, chứ đừng “mai Tần chiều Sở”, ngồi thiền chưa nóng thì đổi sang trì chú, trì chú chưa làu mà đổi sang niệm Phật, hay một ngày thì tu gắt củ kiệu còn mười ngày thì phóng túng buông lung, đây chẳng khác nào nấu cơm chưa sôi mà lại dụi lửa thì biết bao giờ mới chín được.

Hay trong lúc có đông người thì ta “lim dim tu rị” để làm gương, đến khi mở mắt nhìn dáo dác không có ai, thì nằm phè ra ngủ nghĩ. Ta không cần phải làm như vậy, mình cứ thành thật dốc lòng công phu công quả tu hành, thì một ngày nào đó “kết quả tự nhiên thành”, định lực, phước đức, dáng vẻ điềm tĩnh từ trong đượm ra không cần phải gượng ép.

Người tu theo pháp môn niệm Phật có đủ “tín, nguyện, hành” như thuyền có lái, ngựa có dây cương, như chiếc la bàn định hướng cho hành giả vượt khỏi biển khổ sanh tử luân hồi.

CẢM ỨNG ĐẠO GIAO

Bấy giờ ngài Đại Thế Chí cùng với năm mươi hai vị đại Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật bạch rằng: “Con nhớ lại hồi thuở xa xưa cách đây hằng hà sa kiếp từng có đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Quang. Trước sau có đến mười hai vị Như Lai nối nhau trong một kiếp, vị cuối cùng là đức Phật Siêu Nhật Nguyệt Quang, Ngài đã dạy con pháp môn niệm Phật tam muội.

Ngài bảo:

– Tỷ như có hai người, một đằng thì nhớ, một đằng lại hay quên. Hai bên như thế dù có gặp nhau, cũng như không gặp, hoặc có thấy nhau cũng thành không thấy. Nếu hai người tha thiết nhớ nhau, và mãi mãi như thế thì đời đời quyết được gần nhau như hình với bóng.

Mười phương các đức Như Lai thương nhớ chúng sanh như cha mẹ nhớ con. Nếu đứa con cứ trốn tránh, dầu mẹ có nhớ cũng chẳng biết làm sao. Chứ con mà nhớ mẹ bằng khi mẹ nhớ con, thì mẹ với con đời đời không bao giờ xa cách.

Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tiền và tương lai nhất định sẽ thấy Phật, sẽ gần được Phật và không cần tu phương tiện nào khác nữa cũng tự được khai ngộ. Như có người ướp hương thì thân có mùi thơm, đây gọi là “Hương Quang Trang Nghiêm.”

Ngày trước, lúc còn tu nhơn là do niệm Phật mà chứng nhập được vô sanh nhẫn; hôm nay, ở thế giới này nhiếp độ người niệm Phật về nơi cõi Tịnh”.

Quả thật, đức Phật thương chúng sanh như mẹ hiền thương con dại. Ngài luôn luôn duỗi tay tiếp đón nhưng vì chúng sanh mê mờ say đắm vào dục lạc mà quên mất lối về, không chịu hướng về nẻo chánh, không chịu dụng công tu trì thì làm sao có sự cảm ứng được?

TRỢ NIỆM

An ủi người sắp chết để họ khỏi phải lo lắng và chấp trước.

Trong 8 đến 12 giờ đồng hồ không động đậy đến thân người mất. Không nên lúc nào cũng sờ mó vào thân của người mất để dò xét lạnh nóng, e rằng sẽ chướng ngại đến việc vãng sanh.

Không nên cho kẻ có sự oan trái đối với người bệnh xuất hiện trước mặt họ vì e rằng khi lâm chung họ khởi sân tâm mà bị đọa ác đạo.

Người bệnh nếu hết phương cứu chữa,  lúc xuất viện đem họ về nhà rồi, thì phải chuẩn bị lo trợ niệm.

Không nên gấp thay y phục cho người mất, hoặc lập tức đưa họ vào kho ướp lạnh.

Lúc trợ niệm không nên dùng mõ, chỉ dùng khánh mà thôi

Không nên tán hoặc ngâm nga câu Phật hiệu, trợ niệm không quá chậm cũng không quá nhanh.

Pháp trợ niệm đặc thù là nếu thấy người sắp lâm chung đang trong tình trạng quá rối loạn, ý thức điên đảo đến tột độ thì không nên trợ niệm nữa, mà phải dùng mõ tụng chú vãng sanh 108 biến thì có thể xoa dịu được cơn rối rắm của họ.

Lúc trợ niệm không nên khóc, nước mắt nếu để rơi trên thân người mất thì họ liền sanh khởi tình chấp. Bởi lẽ thần thức chưa rời khỏi xác mà sanh tình cảm luyến ái chấp trước thì sẽ không nhắm mắt được.

(Theo Ấn quang Đại sư)

PHƯƠNG PHÁP DÙNG BỊ VÃNG SANH

* Hỏa táng:

Khi chưa thay y phục thì nên đem mền vãng sanh đắp ở trên, lúc thay y phục thì tạm lấy ra. Sau khi thay xong thì đắp lại. Sau khi đậy nắp quan tài xong thì đem mền vãng sanh đậy lên trên áo quan.

Khi đi thiêu thì lấy ra, lúc thiêu xong thì trải ra, bao tro cốt lại rồi để vào trong hủ. Nếu hủ quá nhỏ thì dùng bị vãng sanh xếp lại đậy bên ngoài.

* Mai táng:

Gặp lúc nguy cấp chưa thay y phục được, thì nên đem mền vãng sanh đắp lên trên. Sau này nếu có dính dơ  cũng không hề chi. Lúc thay y phục phải tạm lấy xuống. Sau khi thay xong lại đem đắp lên trên và đến lúc an táng thì không lấy lại.

LÀM THẾ NÀO GIÚP CHO NGƯỜI MẤT ĐƯỢC LỢI ÍCH

Ngày đem đi chôn (thiêu) hoặc trong suốt những ngày tang lễ nhất định phải dùng đồ chay, không được sát sanh. Nếu sát sanh thì tất cả những tội nghiệp ấy đều do người mất lãnh thọ.

Cho dù có Pháp sư tụng kinh trợ niệm hay không đều phải dùng đồ chay làm chính yếu.

Cả gia đình nên ăn chay 49 ngày. Bởi vì người ăn chay chẳng những tiêu trừ được nghiệp sát mà thọ mạng còn được lâu dài, ít bệnh tật, thay đổi được tính xấu.

Vợ chồng phải thanh tịnh trong 49 ngày để cầu nguyện cho thần hồn người mất sớm được siêu thoát.

Tốt nhất là thỉnh pháp sư tụng kinh.

Phải lập đàn Thủy Lục, Phật thất, Lương Hoàng Sám, Tam Muội Thủy Sám hoặc ba đàn đại giới… để bạt độ cho người mất

Làm tuần thất, mỗi thất nên thỉnh pháp sư tụng kinh Địa Tạng, A Di Đà, chú vãng sanh… Bảy ngày là một thất. Trong 49 ngày nếu vong hồn không có tu hành chuyển nghiệp được thì sẽ bị trầm luân không lúc nào ra khỏi. Cho nên phải vì người mất mà tu tạo phước lành, làm việc công đức.

Những người trong gia quyến nên đem lòng bi mẫn đối với họ, vì họ mà trợ tiến để giúp cho họ khỏi phải đọa lạc trong ba đường. Các vị nỡ lòng nào không thương xót người thân mình sao? Rất mong thay!.

NGƯỜI NIỆM PHẬT ĐƯỢC MƯỜI CÔNG ĐỨC THÙ THẮNG

Ngày đêm luôn được các thiên thần gia hộ.

Thường được Quan Âm và tất cả các vị đại Bồ tát theo hộ trì.

Thường được chư Phật ngày đêm hộ niệm, Phật A Di Đà phóng quang tiếp thọ.

Tất cả các ác quỷ, dạ xoa, la sát, rắn độc, thuốc độc… không thể hại được.

Nước, lửa, oán tặc, đao binh, ngục tù, hoạnh tử, uổng tử thảy đều tiêu sạch.

Những tội nghiệp trước đã tạo đều tiêu diệt, cho dù bị chết oan cũng đều được giải thoát

Đêm mộng điềm lành, lại thấy Phật A Di Đà thân vàng vi diệu

Tâm thường vui vẻ, nhan sắc sáng sủa, khí lực đầy đủ.

Thường được tất cả nhơn dân thế gian cúng dường, lễ bái, cung kính giống như Phật.

Khi mạng chung thân không bệnh khổ, tâm không sợ hãi, được chánh niệm hiện tiền. Phật A Di Đà và các Thánh chúng đến tiếp dẫn về cõi Tây Phương Cực Lạc.

NIỆM CÂU “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” ĐƯỢC NHIỀU LỢI ÍCH

Vì cầu cho quốc thới, dân an, xã hội hòa bình nên niệm Phật A Di Đà.

Vì cầu cho gia đình được tiêu tai giải nạn nên niệm Phật A Di Đà.

Vì cầu cho cha mẹ, thân thuộc được mạnh khỏe nên niệm Phật A Di Đà.

Vì cầu cho con cái học hành tiến bộ nên niệm Phật A Di Đà.

Vì cầu nghiệp chướng sâu dày sớm được tiêu trừ nên niệm Phật A Di Đà.

Vì cầu học Phật chóng được thành tựu, không có chướng nạn nên niệm Phật A Di Đà.

Vì cầu lìa khổ được vui thành tựu Phật đạo nên niệm Phật A Di Đà.

Một câu A Di Đà là cây gươm báu trừ diệt bầy ma.

Một câu A Di Đà là một mãnh tướng phá tan địa ngục.

Một câu A Di Đà là ngọn đèn sáng phá tan đêm tối vô minh.

Một câu A Di Đà là thuyền từ vượt qua bể khổ.

Một câu A Di Đà là vị thuốc hay trị hết được căn bệnh sanh tử.

Một câu A Di Đà là con đường thoát ra nẻo luân hồi.

Một câu A Di Đà hay thành tựu được quả Phật.

BUÔNG BỎ THA THỨ

Trăm năm kiếp số con người
Phải chăng nở mãi nụ cười trên môi.

Dù cho bạn có gặp phải những nghịch cảnh nào đi nữa, chúng ta đừng thất vọng mà hãy buông bỏ cam chịu tất cả, để rồi những thứ bất hạnh đó sẽ lãng quên theo thời gian. Đức tính quí báu nhất của con người là sự hy sinh thầm lặng, biết chấp nhận những bất hạnh thực tại mà mình lâm phải. Chúng ta nên trân trọng tiếp nhận những thứ ấy như tiếp nhận những món quà mà mình đã từng yêu thích.

Cười cho kiếp số lênh đênh
Cười cho số phận bồng bềnh mây trôi
Cười cho đỏ thắm bờ môi
Cười cho đau khổ chuyển thành an vui.

SỐNG VỚI CHÍNH MÌNH

Đôi khi ta quên lãng chính mình chỉ lo rong rủi theo ngoại cảnh, bị trần lao ràng buộc. Cuộc đời quá ư là ngắn ngủi chúng ta nên cảm nhận  từng  phút giây thực tại mà thiên nhiên con người đã ban tặng. Bạn đừng quá hy vọng ở tương lai hay hoài niệm về quá khứ, vì quá khứ đã chết rồi, tương lai là những gì chưa thấy đến, chỉ có thực tại mới là mầu nhiệm cao  quí hơn cả.  Nếu hiện tại bạn không có mặt thì bạn sống mà như đã chết, chết trong từng giây phút từng ý niệm, sát na. Hãy trở về  đón nhận hết những niềm vui nỗi buồn trong thực tại để biến chúng thành sự sống, định hướng một lối sống cao đẹp cho chính  mình.

THAM SÂN VÀ SI

Con người không chấm dứt được đau khổ là do tham sân si còn ngự trị trong ta, nó được xuất phát từ cái bản ngã hẹp hòi, với trạng thái sợ hãi lo toan. Ta sợ cái gì? Sợ cái ta không còn tồn tại, thế nên có một triết gia đã từng nói: “Con người ta đôi khi không sợ chết mà lại sợ bị lãng quên”. Vì cái ngã nó ám ảnh chúng ta  suốt đời, thât ra thì thân là sự kết hợp giữa tâm lý và vật lý, nó vốn sanh diệt tương tục chứ đâu có thật ngã, vì thế chúng ta hãy nhìn thẳng vào nó, chúng ta phải thương yêu và quí trọng nó. Con người ta sở dĩ đau khổ triền miên là vì không chấp nhận chính mình, biến mình thành đối tượng khác, không an trú nơi thực tại. Và đó cũng là nguồn cội của ba độc tham sân si.

TỰ TẠI NHƯ NHIÊN

Có niềm vui tức có nỗi buồn
Niềm vui vừa đến nỗi buồn chợt theo
Buồn vui hai lẽ trên đời
Dù cho đi đến đến đi mặc tình.

Ta sống trong trần lao tuy đầy những  nghịch cảnh, nhưng đó chính là những bài pháp có tính cách giáo huấn thiết thực đắc dụng đi vào lòng người, dù thế nào đi nữa ta vẫn tự tại như nhiên:

Trâu đi vết lại
Thăm thẳm in trời
Ngàn cánh sao rơi
Một đời tang hải.
(Thạch Trung Giả)

Và đó không phải là cái vui sao? khi ta nhìn dòng đời như một dòng sông, cứ cuộn trào trôi đi mãi mãi, dòng đời mêng mông bao la như thế ấy, nhưng nẻo đạo lại càng  hơn.

Dòng đời ôi xa quá
Như cánh nhạn lưng trời
Biết quay về nhìn lại
Nẻo đạo ngời trong ta.

LÁ VÀNG NĂM NAY

Cũng như bao lần khác khi tôi nhìn thấy chiếc lá vàng rơi, lòng tôi có cảm giác như đã mất mát đi một cái gì đó thật quí báu mà không bao giờ tìm lại được, đó là thời gian.

Mau thật! Mới đây mà đã sáu năm rồi kể từ khi tôi lãnh trách nhiệm lau quét Bảo tháp. Cứ mỗi độ tháng ba về là cây Thị bắt đầu thay lá, ngày ngày tôi luôn gắn liền với nó và xem đó như là một công việc tầm thường phải làm khi còn là một học Tăng trong chúng.

Không biết nguyên do nào gợi lại cho tôi một cảm xúc mạnh mẽ như thế, để rồi chiều nay trong tiết tháng ba và cây thị lại bắt đầu thay lá, những chiếc lá vàng rơi theo chiều gió trong ánh tà nhợt nhạt. Từng chiếc lá vàng rơi rơi trên vai tôi, giây phút ấy không phải là cảm xúc của một trạng thái vọng thức loạn cuồng, mà được khơi dậy từ một niềm hạnh phúc vô biên khi tôi quán chiếu sâu sắc nó.

Chiếc lá vàng rơi, khác nào sự thành công thất bại, vui buồn hợp tan, vinh nhục, sanh diệt… tất cả đều sẽ bị cuốn trôi theo dòng chảy của thời gian. Cám ơn những chiếc lá, làm cho tôi trở về với thực tại của đời mình. Và đôi khi cũng cám ơn một cuộc đời đầy bất trắc, để tăng thêm nỗ lực nhẫn nại vượt qua. Xin cám ơn chiếc lá đã cho tôi bài học hay.

TINH CẦN TƯ NGHĨA

Đức Khổng Tử nói: “Học mà thường luyện tập đó là điều không vui sao”. Học thuộc được là điều đã khó, nhưng giữ cho cái sở học của mình đừng bị vơi đi lại  càng khó hơn. Hôm nay Bố tát tôi tụng giới còn lấp dấp do học mà không thường xuyên luyện tập, thì sự học ấy thật uổng phí, học thuộc mà hành trì nữa thì sự học đó càng quí hơn. Trong Phật giáo hành giải tương ưng là điều không thể thiếu, hãy thực tập những điều mà mình đã học, áp  dụng thực tiễn trong đời sống hằng ngày, đó chẳng là niềm vui sao?. Thời gian rồi sẽ qua đi tất cả chúng ta rồi sẽ già nua, vô thường già bệnh không từ một ai đâu, mỗi một ngày trôi qua là ta mất hết một ngày, không nên chần chừ trễ nãi.

GỖ CHIÊN ĐÀN HƯƠNG

Người xuất gia như khúc gỗ chiên đàn quí giá, nhưng ta làm thế nào để giữ được nguyên chất của gỗ trầm hương là điều rất khó! Ngoài việc học ra mỗi hành giả phải nghiêm trì giới luật, tu tập thiền quán, khử trừ dục vọng, làm cho vô minh phiền não ngự trị trong ta tự bấy lâu nay tiêu tan hết. Đó mới thật là loại gỗ chiên đàn hương quí giá.

Sương rơi lạnh ngắt sớm mùa đông
Mỗi bước chân đi tịnh cõi lòng
Ai người đôn đáo tìm danh lợi
Phút chốc hơi tàn một kiếp không
Thân nầy năm uẩn có chi bền
Quăng gánh trần duyên bước nhẹ tênh
Phù thế nào hay cơn mộng ảo
Nửa đời hư thực nửa lênh đênh

CHÂN LÝ HIỆN THỰC

“Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế mích bồ đề
Như tợ tầm thố giác”

Nghĩa là Phật pháp không thể là bỏ cõi đời nầy mà có thể giác ngộ được. Nếu lìa bỏ cõi đời mà tìm giác ngộ ví như đi tìm lông rùa sừng thỏ là một điều không thể nào có được. Ta phải tìm được sự an lạc hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại nầy, không thể tách rời thế gian mà có thể tìm giải thoát cho riêng mình.

Trong cuộc sống ít có ai vui khi thấy người đồng nghiệp hơn mình, chỉ người có tâm rộng lượng bao dung mới thể hiện được, họ luôn luôn tìm cách để mưu hại  nhau, thấy người khác thất bại hay vấp ngã thì vui mừng hớn hở đó là chuyện hiển nhiên xảy ra trong cuộc sống đời thường. Ta hãy thực tập  thương yêu: Nhìn thấy người khác thất bại thì sanh lòng đau xót như chính mình đang lâm vào trình trạng đó. Ban đừng thờ ơ trước sự thất bại của kẻ khác, nếu bạn đang lâm vào cảnh ấy thì mình nghĩ thế nào?. Thực tập  ban vui cho nhau đó là tinh thần lợi tha của Bồ tát.

KHÉO ĐIỀU PHỤC MÌNH

Mỗi con người chúng ta chắc chắn ai cũng có những kỷ niệm đau buồn trong cuộc đời, nó luôn hằn lên trong tâm thức mình một nỗi thương đau, có lúc như hụt hẫng, có lúc dường như mình đang bị một thứ ngoại lực nào đó chi phối hoàn toàn tâm thức. Ta bắt đầu trở nên thụ động, rồi mặc kệ để cho dòng đời trôi qua mau như nước chảy qua cầu. Lắm lúc ta bị vấp ngã thất bại trên đừng đời, bạn đừng nản lòng mà phải cố gắng để vượt qua những thử thách đó.

Tục ngữ Việt Nam ta có câu: “Cái khó ló cái khôn” hay Lafontaine nói: “Con đường trải đầy nhung lụa không bao giờ dẫn đến vinh quang”.

Trên đời nầy nếu ta càng khó khăn thì càng có nhiều trãi nghiệm để vượt qua những cơn hoạn nạn về sau. Chuyện này cũng giống như một người thợ lành nghề, khi đã đứng vững trên lập trường của mình thì họ phải vượt qua không biết bao nhiêu thử thách, không phải chuyện hiển nhiên mà có được. Cũng vậy, ta muốn giải thoát an vui, điều hẳn thiên là không thể dửng dưng mà thành tựu, suốt quá trình tu tập   phải khắc phục biết bao khó khăn như: hoàn cảnh ngoại tại,  nội kết riêng tư, tự ái, cạm bẩy lợi danh… Như thế mới đáng gọi là tự khéo điều phục mình và ngoại duyên.

HAI CHỮ VÔ THƯỜNG

Tất cả sự vật hiện tượng luôn luôn thay đổi theo chu kỳ sanh sanh diệt diệt, con người sanh ra rồi mất đi, cảnh vật tươi tốt rồi lại héo tàn,  đó là định luật muôn thuở của vũ trụ nhân sinh. Cuộc đời như áng mây trôi lênh đênh trên nền trời, chuyện thành trụ hoại không, sanh già bệnh chết khác nào như màn kịch trên sân khấu, cứ thay đổi mãi. Như vậy ta có chắc gì mạng sống của mình tồn tại trăm năm. Cuộc vui nào cũng tàn, đường  hoa nào cũng tận, sự tham luyến khác nào như nai thấy nước giữa sa mạc mênh mông. Song tất cả đều là những bài pháp để chúng ta thực tập quán niệm về vô thường, khi bạn nhìn thấy những chiếc lá úa vàng trên vòm cây xanh biếc, một tiếng chuông chùa ngân vọng trong màn đêm, dường như đang đánh thức để tìm lại chính mình trong giây phút thực tại. Hãy sống vì mọi người và chân thật với mình trong từng ý niệm. Nỗi khổ đau lớn nhất của đời người  là đánh mất chánh niệm, người mà mất chánh niệm thì mất đi một phần sự sống. Bởi vì chánh niệm là một chất liệu giúp ta  làm tươi mát mảnh đất khô cằn của vọng thức. Thắm thoát tóc đã nhuốm màu sương, thời gian quả là vô thường làm cho cuộc đời ta tàn tạ già nua.

CẢNH VẬT QUANH TA

Hiện tại, những cảnh vật quanh ta đều là những bài pháp để quán chiếu lại nơi tự thân. Khi nhìn thấy cánh hoa héo tàn hay một chiếc lá vàng rơi rụng, bạn hãy nhặt lấy cánh hoa, chiếc lá vàng úa ấy lên để lặng nhìn. Lúc này dường như bạn đang thực sự cảm nhận được dòng chảy vô tận của thời gian, nó biến đổi từng sát na. Những bông hoa, chiếc lá ấy cũng có một thời sinh trưởng, được người ta nâng niu ngắm nghía. Thế rồi đến lúc nó cũng phải trở về với định luật sanh trụ dị diệt. Khi nhìn thấy chiếc áo rách tả tơi máng ở xó cửa, thật ra chiếc áo ấy cũng có thời vàng son của nó. Khi còn mới thì ta bảo vệ, giặt giủ. Người ta cũng hãnh diện vì họ đã có một chiếc áo đẹp trong những buổi dạ hội, tiệc tùng, giờ đây khi không còn sử dụng được nữa thì người ta bỏ nó và họ đã sắm được một chiếc áo khác mới hơn, có giá trị hơn nó. Qui luật đào thải là một nguyên tắc tự nhiên đối với vạn pháp. Ngay cả con người cũng thế, đời người ai cũng có một thời oanh liệt tuyệt đỉnh trên bước đường công danh nào đó. Lúc ấy ta như những bông hoa đang xoè nở, như chiếc lá xanh mơn, như chiếc áo còn lành lặn đẹp đẽ. Rồi cũng phải có lúc thất bại tàn phai. Nghĩ đến đấy thì ta không quá buồn khi bị người ruồng bỏ, ta cũng không quá vui khi được người trưng dụng mến yêu.

Khi bước lên bậc thang cũng là một bài pháp để ta thực tập chánh niệm. Khi bước lên ta tâm niệm ý thức rằng mình đang bước lên từng bậc thang cũng giống như tinh tấn bước lên từng cấp bậc giác ngộ giải thoát. Khi xuống ta cũng ý niệm rằng những bước chân này cũng chính là những bước chân du hóa, cứu độ tất cả chúng sanh, là nhiệm vụ mục đích của một hành giả đang mang hành trang của Phật vào đời.

Khi nhìn một ngọn đèn ta quán chiếu rằng, ngọn đèn nầy thắp lên từ dòng điện để soi sáng cho mọi người. Xét lại tự thân mình là người tu phải lấy dòng điện từ bi giới đức để nuôi dưỡng thắp sáng pháp thân huệ mạng nầy, ngõ hầu soi suốt nơi tối tăm cứu vớt muôn loài vượt qua bể khổ.

Những đám mây đang trôi lênh đênh trên bầu trời lúc họp lúc tan, ta cũng cảm nhận được cuộc đời nầy là huyễn mộng, là giả tạm vô thường, cảnh vật quanh ta luôn thay đổi như đám mây kia. Hôm nay ta còn đây rồi ngày mai ta sẽ ra sao? Việc gì sẽ xảy ra – họa hay phước? Ai nào biết được khi tất cả vẫn còn ở phía trước. Vậy  ta phải trân qúi phút giây hiện tại, soi xét lỗi mình, gắng dụng công tu tập, sống tốt với mọi người mọi loài chung quanh.

Khi thấy dòng nước ta phải học tính mềm mỏng, dung hòa của nó “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Chính vì lẽ mềm mỏng nên chúng có thể luồn lách đượm thấm vào mọi nẽo.

Còn rất nhiều điều xung quanh ta để thực  tập quán chiếu. Sự vật quanh ta quả là những bài học, những pháp thoại không lời. Nếu thấy được như vậy thì cho dù ở trong hoàn cảnh nào ta cũng không thấy mình lạc lõng, bơ vơ hay đau khổ bởi vì ta có pháp để an trú, để nương tựa. Bạn hãy tự  làm chủ chính mình, tự làm hải đảo cho mình trong từng giây phút.