Trả lời thư cư sĩ Vương Đức Châu ở Vân Nam (hai lá thư)

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

1) Thư tuyên ngôn của Cư Sĩ Lâm ngôn từ lẫn lý lẽ châu đáo, rất hay. Chương trình hoạt động đại lược cũng hết sức nghiêm chỉnh, châu đáo, trọn vẹn. Đủ thấy được tình trạng giáo hóa Phật pháp hưng thạnh ở Vân Nam vậy. Nhưng hãy nên tận lực vâng giữ bổn phận, đừng học theo thói ham cao chuộng xa. Ví như mặc áo, ăn cơm, đều phải căn cứ theo kích cỡ thân thể, sức ăn của mỗi người, mùa Hạ mặc áo mỏng, mùa Đông mặc áo cừu, khát uống, đói ăn thì dưỡng được thân tâm. Làm sái cách thì thân lẫn tâm đều bị thương tổn, chứ nào phải uống, ăn, áo vải mỏng, áo cừu là tốt hay chẳng tốt, mà là do người có khéo dùng hay không? Bất luận tư cách như thế nào, đều phải giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành. Lại phải nên chuyên chú nơi pháp môn Tịnh Độ vì cậy vào Phật từ lực so với ỷ vào tự lực khó – dễ thật cách biệt vời vợi như trời với đất! Gần đây có những hạng người luôn phô phang sự giải thoát đằng miệng, cho người niệm Phật là hủ bại đợi chết, xin chớ bị những tà thuyết ấy mê hoặc. Trong thời thế hiện nay, dẫu là bậc cổ Phật đã thành Chánh Giác thị hiện, chắc chắn cũng chẳng đề xướng gì khác ngoài chuyện giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận và chú trọng nơi pháp môn Tịnh Độ! Dẫu cho Đạt Ma đại sư thị hiện trong lúc này, cũng sẽ dùng pháp môn cậy vào Phật lực để dạy dỗ. Thời tiết, nhân duyên thật sự là căn bản. Trái nghịch thời tiết, nhân duyên cũng giống như mùa Đông mặc áo vải mỏng, mùa Hạ mặc áo cừu, đói uống, khát ăn, không chỉ vô ích mà lại còn thành hại!

Chánh nghĩa của Phật giáo hoàn toàn khế hợp luân thường đạo lý. Trong đời có kẻ ngoại đạo thường hay xén trộm những danh từ Phật giáo để thực hành đạo vận khí, luyện đan, rồi gọi hoa mỹ là Tam Giáo Đồng Nguyên (Nho, Thích, Đạo cùng nguồn). Nguồn cố nhiên là đồng, nhưng ngành nhánh thì khác! Nếu chấp nhận kiểu “đồng nguyên” ngoài miệng của bọn dị kiến là nguồn cội của Tam Giáo sẽ đắc tội lớn với thánh nhân Tam Giáo. Nay dốc sức nơi luân thường và pháp môn Tịnh Độ thì tương lai ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ gặp được nguồn. Nếu bỏ điều này, coi pháp bí mật truyền dạy cách luyện đan là nguồn cội, sẽ trở thành vĩnh viễn mê mất nguồn cội chân thật, đi mãi trong nẻo tà! Hãy nên đem điều này nói với những tín sĩ có túc căn nhưng chưa biết cội nguồn của Phật pháp thì lợi ích lớn lao lắm.

Cảnh Kỳ Xương pháp danh là Đức Xương, Hàn Thọ Sơn pháp danh là Đức Sùng. Phải biết: Vốn có tánh đức rất sáng suốt, lại cực cao quý, chỉ vì chẳng biết nên đâm ra tối tăm, hèn kém. Nếu chịu kiểm điểm hết thảy khởi tâm động niệm sẽ tự có thể khôi phục gốc, trở về nguồn, đích thân được thụ dụng, nhưng không thể không tận lực chuyên chú giữ vẹn luân thường và niệm Phật. Dùng cách này để tự hành, lại còn để dạy người, thì gọi là Phật Tử. Đối với tất cả các sách của Hoằng Hóa Xã hãy nên bảo họ gởi cho một hai phần để những lâm hữu (thành viên của Cư Sĩ Lâm) xem đọc, cũng như bảo họ gởi kèm theo thư mục để tiện việc muốn thỉnh sách nào có lợi cho người thì cứ theo danh sách đó mà thỉnh.

Hiện nay có bộ Tăng Tu Lịch Sử Thống Kỷ đã in xong, chẳng bao lâu giảo đính hoàn thành, tôi sẽ gởi một hai bộ để kết duyên. Phổ Đà Sơn Chí có thể xuất bản vào cuối Thu hoặc đầu Đông. Bộ Chánh Tín Lục của ông La Lưỡng Phong cũng có thể được xuất bản vào đầu Thu. Nguyên văn bộ Tịnh Độ Thập Yếu sẽ được xuất bản vào mùa Hạ hay mùa Thu năm sau. Bộ sách này rất hữu ích cho Tịnh nghiệp hành nhân. Do có những việc như vậy nên Quang chưa thể cự tuyệt hết thảy, tuy mang tiếng bế quan nhưng vẫn bận bịu đủ chuyện. Đợi đến khi những việc ấy xong xuôi, ắt sẽ cự tuyệt hết thảy để mong đến ngày Ba Mươi tháng Chạp không bị chướng ngại, theo Phật vãng sanh. Sau này, không có chuyện cần thiết thì chớ nên gởi thư đến, bởi tôi chẳng đủ tinh thần, không có sức đáp ứng.

2) Nói ngày Ba Mươi tháng Chạp nghĩa là nói chuẩn bị sẵn, chứ không phải là biết trước lúc mất sẽ nhằm ngày Ba Mươi tháng Chạp. Ba Mươi tháng Chạp là ngày năm cùng tháng tận cho nên cổ nhân thường mượn từ ngữ này để ví cho lúc chết. Nếu bình thường chẳng sớm chuẩn bị sẵn, đến lúc ấy chắc chắn tay chân cuống quít. Nhóm bảy người các ông Trần Chánh Am v.v… đã muốn quy y thì hãy nên dựa theo Văn Sao, Gia Ngôn Lục để tu trì thì mới chẳng phụ cái tâm ấy. Hiện nay các nơi ngoại đạo rất nhiều, bọn họ đều coi “luyện đan, vận khí, cầu thành tiên, sanh lên trời” là chuyện tột bậc. Đã quy y Phật pháp thì chớ nên kiêm tu những pháp ấy nữa! Tà – chánh xen tạp thì chánh cũng thành tà. Lại nữa, ai nấy đều nên giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, ắt phải lấy nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi làm nhiệm vụ trọng yếu để vun đắp quốc gia khiến cho ai nấy đều hành theo những điều này thì lẽ đâu thiên hạ chẳng tự được thái bình! Nay thiên hạ loạn lạc, cội nguồn đều do chẳng bàn đến sự giáo dục trong gia đình, chẳng nhắc đến nhân quả báo ứng, nên mới ươm thành [mối họa] vậy.

Nay tôi gởi bảy bộ Tăng Tu Lịch Sử Thống Kỷ mới được in, bốn bộ Chánh Tín Lục, nhận được xin hãy châm chước mà phân phối. Chánh Tín Lục phá được thiên kiến hẹp hòi, câu nệ bậc nhất. Thiện căn của người đọc sách bị những vị tiên sinh bên Lý Học đoạn dứt, nhưng các tiên sinh bên Lý Học đều trộm lấy những nghĩa lý của Phật pháp để tự xưng hùng, lại sợ người đời sau học [Phật] bèn ra sức bài xích hòng ngăn lấp hàng hậu học để họ chẳng biết đến Phật pháp; nhưng làm sao ngăn trở được người có chút túc căn! Chẳng qua là dùng mánh khóe ấy để người căn tánh trung hạ không cách nào đích thân được gội nhuần pháp trạch vậy!

Nay tôi đặt pháp danh cho mỗi người trong bọn họ, xin hãy chia thư ra giao cho họ, hoặc đem những ý chánh yếu trong thư này [viết lại gởi đi] để mỗi người tự sao lấy. Không có hình [gởi kèm theo], chỉ mong lễ Phật niệm Phật, dùng hình tôi nào có ích chi? Cõi đời hiện thời đã loạn đến cùng cực, thiên tai nhân họa không lúc nào nhiều hơn lúc này. Trong thời thế này, mọi người đều phải phát tâm cảm kích, ai nấy phải nỗ lực tu đạo làm người trong luân thường và ứng xử hằng ngày, kiêm tu pháp môn Tịnh Độ. Đấy gọi là “tu chân ngay trong cõi tục, sống trong cõi trần học đạo, Phật pháp lẫn thế pháp đều cùng hành”. Nếu trong những kiếp xưa chẳng gieo căn lành, danh hiệu Phật còn khó được nghe! Nếu chẳng tích cực tu trì sẽ trở thành lên núi báu trở về tay không, cô phụ ân Phật và tánh linh của chính mình quá lắm!