Trả lời thư cư sĩ Châu Tụng Nghiêu

(đính kèm nguyên văn thư hỏi, năm Dân Quốc 20 – 1931)

Nay con có một nghi vấn, thỉnh cầu lão pháp sư từ bi khai thị. Đệ tử ăn chay niệm Phật đã nhiều năm. Nhân vì người tin Phật được mười phương tam thế chư Phật hộ niệm, thiên long bát bộ, đại lực thần vương thường theo ủng hộ, ác nghiệp những đời trước cũng dần dần được tiêu diệt, dù có oán đối cũng chẳng thể hại được. Đấy chính là điều kinh Phật đã nói, quyết chẳng phải là lời nói dối. Vậy mà trong tháng Ba, con nhận được tin từ mẹ con ở Thượng Hải gởi đến, cho biết có bà Trương hết sức tin Phật, ăn chay đã hơn hai mươi năm, thường đến Cư Sĩ Lâm nghe kinh, gặp ai cũng khuyên niệm Phật ăn chay, tâm hết sức từ bi làm lành. Nào ngờ một bữa kia, mang đồ chay đến cho một vị sư huynh nọ, đi đường bị xe hơi tông chết. Sau đó, sở cảnh sát giao thông đem xác về, đến ba bữa sau con cháu trong nhà mới biết chuyện, đến lãnh về tẫn liệm. Con nghe chuyện này xong, trong tâm hết sức kinh hãi, đến nay ngờ vực không giải quyết được! Hơn nữa, những người trong Phật hội nghe như vậy cũng đều bất an. Vì thế, con mới đặc biệt dâng thư này, khẩn cầu lão pháp sư chỉ bày nguyên do vì sao bà ta lâm chung lại khổ sở đến thế? Rốt cuộc bà ta có được vãng sanh Tây Phương hay chăng? Xin hãy giảng minh bạch điều này khiến cho mọi người an tâm niệm Phật, cảm tạ ân đức khôn cùng.

Nhận được thư, biết các hạ đối với đạo lý Phật pháp còn chưa thật sự hiểu rõ. Chúng ta từ vô thủy đến nay đã tạo ác nghiệp vô lượng vô biên. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Giả sử ác nghiệp hữu thể tướng giả, thập phương hư không bất năng dung thọ” (Giả sử ác nghiệp có thể tướng thì mười phương hư không cũng chẳng thể chứa đựng được). Phải biết: Người tu trì nếu chân thành, không dối trá thì có thể chuyển được nghiệp, chuyển quả báo nặng nề ở đời sau thành quả báo nhẹ trong đời này. Phàm phu mắt thịt chỉ thấy được những sự thực cát – hung hiện thời, chẳng thể biết nhân quả quá khứ và vị lai như thế nào! Như bà cụ ấy tu tập tinh ròng nhiều năm, một bữa kia chết thảm, có thể là do khổ báo ấy sẽ tiêu diệt được quả báo trong tam đồ ác đạo đã tạo, được sanh trong thiện đạo. Nếu lúc sống có tín nguyện chân thật thì cũng có thể vãng sanh Tây Phương. Nhưng chúng ta đã không có Tha Tâm đạo nhãn, chẳng dám ức đoán là quyết định vãng sanh hoặc quyết định chẳng vãng sanh. Chỉ có thể nói quyết định: “Làm lành ắt được báo lành, làm ác quyết mắc báo ác”.

Làm lành mà mắc ác báo thì chính là quả báo của ác nghiệp đời trước, chứ không phải là quả báo của thiện nghiệp trong đời hiện tại. Các ông trông thấy cụ già đó bị quả báo ấy, trong lòng chắc là có tà kiến “làm lành vô phước, điều thiện chẳng đáng làm”, cho nên mới kinh hoảng ngờ vực. Tri kiến như vậy thì có khác gì người chưa được nghe Phật pháp đâu? Nếu tin sâu lời Phật, quyết chẳng vì chuyện này mà có thái độ kinh hoảng ngờ vực ấy; bởi lẽ chuyện nhân quả trùng điệp vô tận. Nhân này chưa [kết thành] quả báo, quả kia đã chín trước. Giống như trồng lúa vậy, thứ lúa chín sớm thâu hoạch trước; giống như thiếu nợ, kẻ có sức mạnh lôi đi trước.

Thời xưa có kẻ suốt đời làm lành, khi lâm chung chết thảm để tiêu túc nghiệp, đời sau lại được phú quý tôn vinh. Như một vị Tăng ở chùa Dục Vương (chùa A Dục Vương) đời Tống, muốn tu bổ điện thờ xá-lợi, nghĩ Nghi Thân Vương có thế lực, bèn đến quyên mộ, quyên chẳng được mấy, phát phẫn quá mức, bèn dùng búa chặt tay trước điện thờ xá-lợi, chảy máu đến chết. Ngay khi đó, vương gia sanh được một đứa con cứ khóc mãi không ngừng. Vú em bồng đi chơi, đến bên chỗ có treo hình tháp xá-lợi liền nín, đi khỏi lại khóc, [bà vú] bèn lấy bức hình ấy xuống. Bà vú thường cầm bức hình ấy giơ ra trước mặt thì vĩnh viễn không khóc. Vương nghe vậy, lấy làm lạ, bèn sai người qua chùa Dục Vương hỏi tin vị Tăng ấy thì ngày sanh của đứa con đó đúng vào ngày [ông Sư ấy] chặt tay chảy máu đến chết. Vương bèn một mình tu bổ điện xá-lợi. Đến năm [đứa con ấy tròn] hai mươi tuổi, Ninh Tông băng, không có con, bèn cho chàng trai ấy nối ngôi, làm hoàng đế bốn mươi mốt năm, tức là Tống Lý Tông (1225-1265) vậy! Cái chết của ông Tăng ấy cũng là thảm tử. Nếu chẳng thường khóc không ngừng, thấy bức vẽ xá-lợi bèn nín, ai biết được đứa bé ấy chính là hậu thân của vị Tăng đã chặt tay chết thảm? Chuyện này chép trong A Dục Vương Sơn Chí. Năm Quang Tự 21 (1895), Quang đến lễ xá-lợi mấy chục ngày, đọc được [chuyện này].

Người hiểu lý gặp bất cứ hoàn cảnh như thế nào, quyết chẳng nghi nhân quả có sai lầm, hoặc lời Phật có dối! Người không rõ lý chấp chết cứng vào quy củ, chẳng biết nhân quả phức tạp đến nỗi lầm lạc nẩy sanh nghi ngờ, bàn bạc; nói chung là do tâm không có chánh kiến. Như nói người niệm Phật có Tam Bảo gia bị, long thiên che chở, đấy là lý nhất định, hoàn toàn chẳng hư vọng. Chỉ vì chưa hiểu rõ lý “chuyển báo nặng đời sau thành báo nhẹ đời này” nên chẳng khỏi bàn bạc nghi ngờ không hợp lẽ như thế. Xưa kia, Giới Hiền luận sư[1] ở Tây Vực, đức cao khắp đời, đạo lẫy lừng Tứ Trúc (bốn xứ Thiên Trúc[2]). Do túc nghiệp nên thân mắc ác bệnh, khổ sở cùng cực, chẳng thể chịu đựng nổi, muốn tự tử, chợt thấy ba vị Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm giáng xuống, bảo: “Ông trong kiếp xa xưa kia, nhiều lần làm quốc vương não hại chúng sanh, đáng lẽ đọa ác đạo từ lâu. Do ông hoằng dương Phật pháp nên phải chịu nỗi đau khổ nhỏ này trong cõi người để tiêu diệt nỗi khổ địa ngục cả kiếp dài lâu. Ông nên gắng chịu đựng, xứ Đại Đường có một vị Tăng tên là Huyền Trang, ba năm nữa sẽ đến đây học pháp”. Giới Hiền luận sư nghe xong, ráng chịu đau sám hối, lâu ngày lành bệnh. Đến ba năm sau, ngài Huyền Trang đến đó, ngài Giới Hiền bảo đệ tử thuật lại tình trạng đau khổ của căn bệnh. Người kể lại nỗi khổ nghẹn ngào, ứa lệ, đủ thấy sự khổ ấy rất lớn. Nếu chẳng hiểu rõ nhân trong đời trước, người ta sẽ nói Giới Hiền chẳng phải là vị cao tăng đắc đạo, hoặc sẽ nói bậc đại tu hành như vậy mà vẫn bị bệnh thảm như thế, Phật pháp linh cảm lợi ích ở chỗ nào? Những gì trong tâm các ông biết nhỏ nhoi quá, nên thấy chút tướng lạ liền sanh kinh nghi. Người không có thiện căn bèn thoái thất đạo tâm. Nếu [thấy] người tạo ác hiện tại được phước báo thì cũng sẽ khởi tâm tà kiến như thế; chẳng biết đều là tiền nhân hậu quả và chuyển quả báo nặng nề trong đời sau thành quả báo nhẹ nhàng trong hiện đời, cũng như chuyển quả báo nhẹ nhàng trong hiện đời thành quả báo nặng nề trong đời sau v.v… đủ mọi lẽ phức tạp khác nhau!

***

[1] Giới Hiền (Śīlabhadra) sống khoảng thế kỷ thứ 6, hay thứ 7, là một vị Luận Sư nổi tiếng của Đại Thừa Phật Giáo Du Già Hạnh (Duy Thức), trụ trì chùa Na Lan Đà ở tại nước Ma Kiệt Đà, Ấn Độ. Sư thuộc dòng dõi hoàng gia Samatata ở Đông Ấn, hiếu học từ thuở nhỏ, tham học với khắp các bậc minh triết. Khi đến Na Lan Đà, Sư gặp được Hộ Pháp Bồ Tát, nghe ngài giảng pháp, tin tưởng, giác ngộ, bèn theo xuất gia. Năm 30 tuổi, Sư từng viết luận khiến các sư trưởng ngoại đạo khắp cả một giải Nam Ấn Độ phải chịu thua. Sư trụ trì chùa Na Lan Đà rất lâu, chuyên hoằng truyền giáo nghĩa Duy Thức. Sư y cứ các bộ Giải Thâm Mật Kinh, Du Già Sư Địa Luận v.v… chia Phật giáo thành ba thời là Hữu, Không, Trung, lập ra thuyết Ngũ Chủng Tánh. Khi ngài Huyền Trang đến cầu học, Sư đã hơn trăm tuổi. Do đức độ và kiến thức của Sư, đại chúng không kêu trực tiếp pháp danh nữa mà gọi Sư bằng mỹ hiệu Chánh Pháp Tạng.

[2] Thiên Trúc chính là Ấn Độ. Do thời cổ, các âm Trúc, Độc đọc giống nhau. Vì vậy, cổ thư còn phiên Thiên Trúc là Thiên Độc, Thiên Đốc, Thân Độc. Theo các nhà nghiên cứu, đây đều là những âm đọc sai của chữ Hindustan. Trong Đại Đường Tây Vực Ký, quyển 85, pháp sư Huyền Trang ghi: “Danh xưng Thiên Trúc, nhiều ý kiến bàn bạc khác biệt. Thời cổ gọi là Thân Độc, hoặc gọi là Hiền Đậu. Nay theo chánh âm, nên đọc là Ấn Độ… Ấn Độ, Hán dịch là Nguyệt (mặt trăng). Mặt trăng có nhiều tên, đây là một tên!” Ấn Độ chia thành năm xứ (Ngũ Trúc), ngoại trừ phần Trung Ương, bốn khu Đông, Tây, Nam, Bắc, được gọi chung là Tứ Trúc.