Tịnh Độ Tân Luận
淨土新論
 Đại sư Ấn Thuận giảng
Thích Quán Tạng tập chú
Thích Pháp Chánh dịch Đại sư


Tường Quang Tùng Thư
Phật lịch 2562 – TL 2018

 

A9. Dị hành đạo và nan hành đạo.

Xưng danh niệm Phật và dị hành đạo (pháp dễ tu), đi tắt qua ba cõi (Hán: hoành siêu tam giới 橫 超 三 界), mười niệm vãng sinh là nhờ vào nguyện lực từ bi của Phật A Di Đà, tha lực dễ tu. Phần lớn các bậc đại đức Tịnh Độ Tông đều kết luận như vậy. Nhưng nếu khảo cứu các kinh luận nói về nan hành đạo và dị hành đạo thì ngược lại có một ý nghĩa khác1.

Chư tăng hoặc cư sĩ hoằng dương Tịnh Độ đều lấy Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa của ngài Long Thọ làm chỗ y cứ, thuyết minh Niệm Phật là dị hành đạo. Nhưng ngài Long Thọ lại y cứ vào Kinh Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn, mà đáng tiếc mọi người lại không biết đến kinh này. Kinh này do ngài Bồ Đề Lưu Chí biên vào quyển một trăm mười một của Kinh Đại Bảo Tích. Đời Tây Tấn, ngài Trúc Pháp Hộ cũng đã từng phiên dịch. Trong kinh nói: “Bồ tát Di Lặc trong đời quá khứ tu Bồ tát hạnh thường ưa thích nhiếp thủ cõi Phật, trang nghiêm cõi Phật. Ta (Thích Ca) trong quá khứ tu Bồ tát hạnh thường ưa thích nhiếp thủ chúng sinh.” Có thể thấy đức Thích Ca dùng “hạ hóa chúng sinh” làm công hạnh, còn ngài Di Lặc dùng “nhiếp thủ Tịnh độ” làm công hạnh. Đây là sự khác biệt giữa nan hành đạo và dị hành đạo. Cho nên nói: “Bồ tát Di Lặc trong quá khứ lúc tu Bồ tát hạnh không thể bố thí tay chân đầu mắt, mà lại tu tập phương tiện thiện xảo an lạc, tích tập Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.” Tu tập phương tiện thiện xảo an lạc nghĩa là Bồ tát Di Lặc “ngày đêm sáu thời, y phục chỉnh tề, thân tướng đoan nghiêm, đầu mặt lạy sát đất, hướng mười phương (chư Phật) mà nói kệ như sau: Con xin sám hối tất cả lỗi lầm, khuyến trợ những việc đạo đức, quy mệnh lễ chư Phật, khiến được tuệ vô thượng.” (Bản dịch đời Tấn). Còn Kinh Bảo Tích nói rộng hơn, tức là lễ kính chư Phật, sám hối, phát nguyện, tùy hỷ, thỉnh Phật thuyết pháp, thỉnh Phật trụ thế, tùy thuận Phật Bồ tát học tập, cũng gần giống với Thập đại nguyện vương của ngài Phổ Hiền. Đây là dị hành đạo. Ý nghĩa của dị hành, tức là an lạc hạnh, lấy sự nhiếp thủ Phật độ làm chủ yếu. Nhưng pháp mà Phật Thích Ca tu là nan hành đạo cho nên nói: “Ta khi xưa cầu đạo, thọ khổ vô lượng mới có thể tích tập A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề.” Trong kinh đưa ra dẫn chứng đức Thích Ca trong đời quá khứ, làm vua Nguyệt Quang đã tự móc mắt, dùng tâm bi cứu độ chúng sinh đau khổ, đây là nan hành đạo. Nan hành có nghĩa là những khổ hạnh khó làm mà có thể làm, khó nhẫn mà có thể nhẫn. Nhân đây, đức Thích Ca phát tâm “nguyện ở đời ác ngũ trược, những chúng sinh tham sân sâu nặng, bất hiếu cha mẹ, không kính sư trưởng, nhẫn đến quyến thuộc không hòa thuận nhau” mà thành Phật. Còn ngài Di Lặc phát tâm “ở trong cõi thanh tịnh, chúng sinh ít dâm nộ si, thành tựu mười điều thiện” mà thành Chánh giác. Tuy rằng pháp Đại thừa là tương thông, nguyện hạnh của chư Phật Bồ tát là bình đẳng, nhưng những hành giả mới học Đại thừa chắc chắn không ngần ngại trong việc dùng các loại pháp môn [phương tiện] để tiến nhập Phật đạo (như phẩm Vãng Sinh, trong Luận Đại Trí Độ có nói), cho nên nói có hai dòng lớn: nan hành đạo và dị hành đạo này.

Luận Đại Trí Độ của ngài Long Thọ nói: “Bồ tát có hai loại: (1) có tâm từ bi, phần lớn vì chúng sinh; (2) phần lớn tu tập công đức của chư Phật.” Những hành giả tu tập công đức của chư Phật, đến thế giới thanh tịnh của vô lượng chư Phật. Đây có thể thấy, pháp môn Tịnh Độ mà ngài Di Lặc làm đại biểu là phương tiện tu tập thiện xảo tích tập công đức của chư Phật. Bồ tát mới tu tập Phật đạo có thể thiên trọng một môn, hoặc là trước tiên thành tựu chúng sinh, hoặc là trước tiên trang nghiêm Phật độ. Nếu hiểu rõ chân nghĩa của Phật pháp thì biết rằng đây chẳng qua là sự thiên trọng của các vị Bồ tát mới tu tập cho nên mới có trí tăng thượng và bi tăng thượng, hoặc tùy tín hành và tùy pháp hành, v.v… Nhưng viên mãn cứu cánh Bồ đề thì không thể khiếm khuyết sự trang nghiêm Phật độ và sự cứu độ chúng sinh. Như vậy, lúc bắt đầu học Phật có hai phương tiện tu tập: (1) hoặc là từ niệm Phật, lễ Phật mà hạ thủ, (2) hoặc là từ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, v.v… mà hạ thủ. Phần (2) là nan hành đạo là vì đại bi lợi ích chúng sinh mà tu khổ hạnh; phần (1) là dị hành đạo là phương tiện thiện xảo an lạc hạnh. Thật ra đây là sự khác biệt căn cơ của chúng sinh, thế nhưng, trong quá trình tu học có thể thống nhất [hai pháp môn tu tập này thành một]2.

Dị hành đạo tức là công hạnh Tịnh độ, tích tập công đức của chư Phật. Y vào lời dạy của Kinh Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn thì những công hạnh này cũng giống như Thập đại nguyện vương của ngài Phổ Hiền. Thế nhưng, trong kinh luận không nhất định phải là mười hạnh. Quan trọng nhất là: sám hối, tùy hỷ, và khuyến thỉnh.

(1) Kinh Phật Thuyết Văn Thù Hối Quá nói: (a) sám hối tội chướng, (b) khuyến trợ, trong đây có tùy thuận Phật học, khuyến thỉnh thuyết pháp, khuyến thỉnh trụ thế, cúng dường. Tu hành những pháp này, lấy sám hối làm chủ yếu. Tư Duy Yếu Lược Pháp, do ngài Cưu Ma La Thập dịch, cũng nói: “Nếu do vì nhân duyên tội chướng đời trước, niệm Phật mà không thấy Phật, phải nên một ngày một đêm, sáu thời sám hối, tùy hỷ, khuyến thỉnh, dần dần sẽ được thấy Phật.” Các nhà Thiên Thai Tông, nhân đây, thành lập Ngũ Hối Pháp.

(2) Kinh Mạn Đà Bạt Đà La Bồ Tát do ngài Niếp Đạo Chân phiên dịch, nói: (a) sám hối, (b) nhẫn (tức là Xưng tán Như Lai), (c) lễ bái, (d) nguyện nhạo (tức là tùy hỷ), (e) khuyến thỉnh (thuyết pháp, trụ thế), trì thí (tức là hồi hướng). Phần trên – Kinh Văn ThùKinh Phổ Hiền, phần lớn giống như Phẩm Hạnh Nguyện.

(3) Kinh Ly Cấu Tuệ Bồ Tát Sở Vấn Lễ Phật Pháp do ngài Na Đề đời Đường phiên dịch nói: (a) lễ bái, (b) sám hối, (c) khuyến thỉnh, (d) hồi hướng, (e) phát nguyện. Ở đây lấy lễ Phật làm chủ yếu.

Trong luận điển của ngài Long Thọ đề cập đến công hạnh này, như Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa nói: “Niệm Phật (bao hàm lễ Phật, sám hối, khuyến thỉnh [thuyết pháp, trụ thế], tùy hỷ, hồi hướng.” Các hành giả tu Đại thừa Bồ tát hạnh ở Ấn Độ, thường tu tập phương tiện hành này. Luận Đại Trí Độ (quyển bảy) nói: “Pháp Bồ tát, ngày ba thời, đêm ba thời, thường tu tập ba việc, tức là sám hối, tùy hỷ, khuyến thỉnh thuyết pháp và trụ thế.” Lại nữa, quyển sáu mươi mốt nói: “Bồ tát lễ Phật có ba phẩm: (a) phẩm Hối quá, (b) phẩm Tùy hỷ hồi hướng, (c) phẩm Khuyến thỉnh chư Phật.” Đây đều là những sự hành trì trong lúc lễ Phật, nội dung giống như Sám Hối Văn (tám mươi tám Phật) của Trung Quốc. Nói đơn giản, tức là mười nguyện của Quán văn (?)

Kinh Văn Thù Sư Lợi Phát Nguyện, do ngài Giác Hiền phiên dịch, tức là phần kệ tụng của phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trong Kinh Hoa Nghiêm bốn mươi quyển (Tứ Thập Hoa Nghiêm). Pháp môn Đại thừa này đặc biệt có quan hệ đến ngài Văn Thù và Phổ Hiền. Bài kệ phát nguyện của ngài Long Thọ (?) cũng hơi giống ở đây. Điều này có thể thấy, phương tiện thiện xảo dị hành đạo, tức là Tịnh độ hành – ưa thích tích tập công đức của Phật, vốn không hạn định là mười điều. Mười điều là tùy thuận vào thể tài của Kinh Hoa Nghiêm3. Trong Phẩm Hạnh Nguyện, ba phần: lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai, quảng tu cúng dường thì cũng giống như niệm Phật (quán tưởng, hoặc xưng danh). Đây là nghi thức tôn giáo đặc thù, bởi vì đây là phương tiện tu tập công đức của Phật, phương tiện sám hối. Pháp tu của Bồ tát ở Ấn Độ, hành đạo mỗi ngày sáu thời, tu nhiều lần nhưng thời gian ngắn. Còn hai khóa công phu sáng tối ở Trung Quốc, tuy ý nghĩa tương đồng, nhưng tu ít lần mà thời gian lại dài, thường khiến cho người tu cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Thật là không hay bằng tu nhiều lần nhưng thời gian ngắn. Ở Trung Quốc, tụ tập nhiều người cùng tu, cho nên phải tu ít lần nhưng thời gian lại dài, điều này không khỏi mất đi diệu dụng của dị hành đạo. Dị hành đạo (không chỉ là niệm Phật) quả nhiên có sự liên quan đến pháp môn Tịnh Độ. Còn như cho rằng tu như vầy là có thể thành Phật4 thì đây quả là “chấp văn hại nghĩa”, không thông đạt ý thú của Phật pháp!

Ở đây, chúng ta y vào luận điển của ngài Long Thọ để có được một cái nhìn chánh đáng. Bình thường, mọi người nói đến dị hành đạo đều căn cứ vào luận điển của ngài Long Thọ. Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa của ngài Long Thọ nói đến việc Bồ tát muốn tích tập tư lương phước đức cần phải có pháp tu tập công đức thế nào thì mới có thể đạt đến A duy việt trí (bất thoái chuyển). Hoặc giả, có người cảm giác rằng Bồ tát đạo khó tu cho nên hỏi: “Người tu tập mong đạt đến giai vị A duy việt trí, phải làm những việc khó làm, trong một thời gian lâu dài mới có thể thành tựu, hoặc giả, có khi đọa vào hàng ngũ Thanh văn, Bích chi phật…. Nếu chư Phật có nói đến pháp môn dị hành có thể mau đến địa vị Bất thoái chuyển thì mong ngài giảng nói.” Đây là thỉnh vấn phương pháp dị hành đạo. Ngài Long Thọ trả lời: “Những điều ông vừa nói quả là yếu đuối khiếp nhược, không có đạo tâm, không phải là lời của một bậc đại trượng phu có chí hướng.” Nói một cách đơn giản, nếu như có tâm ý yếu hèn như vậy, trên căn bổn, không có phong cách của một vị Bồ tát. Ngài Long Thọ đối với kẻ đang mong cầu một pháp tu dễ dàng, một kẻ khiếp nhược hạ liệt, đúng là đánh một gậy vào đầu! Thế nhưng, chư Phật Bồ tát lấy từ bi làm gốc, vì muốn tiếp dẫn những loại người như vậy tu Bồ tát hạnh nên nói đến dị hành đạo. Ngài Long Thọ nói tiếp: “Nếu ông nhất định muốn nghe pháp môn phương tiện này thì tôi sẽ giảng nói. Phật pháp có vô lượng pháp môn, như con đường thế gian có khó có dễ. Lội bộ trên cạn thì khổ (nan hành đạo), đường thủy ngồi thuyền thì sướng (dị hành đạo). Bồ tát cũng giống như vậy, hoặc là tu hành tinh tiến (nan hành đạo), hoặc là dùng lòng tin làm phương tiện (dị hành đạo).” Nan hành tức là khổ hành, dị hành tức là lạc hành, ý nghĩa của luận rất rõ ràng, điều này không quan hệ đến việc thành Phật mau hay chậm5. Nói đến dị hành đạo tức là niệm mười phương chư Phật, xưng danh hiệu Phật, lại còn có chư Phật, như A Di Đà, …, cũng nên cung kính lễ bái, xưng danh hiệu các ngài, ức niệm, dùng kệ xưng tán.” Hành giả đang cầu phương pháp dị hành đạo cho rằng nhất tâm niệm Phật là tất cả đều xong xuôi, cho nên ngài Long Thọ lại nhắc nhở họ: “Người cầu A bệ bạt trí, không chỉ ức niệm Phật, xưng danh, lễ bái mà thôi, mà còn phải ở trước chư Phật, sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, hồi hướng.” Có thể thấy dị hành đạo không phải chỉ đơn thuần là niệm Phật mà phải tu mười đại hạnh của Phẩm Phổ Hiền. Nếu có thể tu tập pháp dị hành đạo như vậy thì “phước đức tăng trưởng, tâm ý nhu nhuyễn, …” Sau khi tin sự thanh tịnh thậm thâm, công đức đệ nhất của chư Phật Bồ tát bèn khởi lòng thương xót đối với chúng sinh thống khổ”, tiếp đến tu Bồ tát hạnh – lục độ vạn hạnh. Như vậy, dị hành đạo tuy nói phát nguyện để sinh Tịnh độ, về Tịnh độ tu hành nhưng cũng là tiền phương tiện cho nan hành đạo6. Kinh luận đều nói một cách nhất trí: “Niệm Phật có thể sám trừ nghiệp chướng, tích tập công đức, là phương tiện vi diệu để trừ chướng tu phước, nhưng không thể dùng đây làm pháp môn cứu cánh (thành Phật).” Nhưng từ xưa đến nay, hành giả ở Trung Quốc, một người nói sai, vạn người cho là thật, cho rằng ngài Long Thọ nói dị hành đạo (pháp môn niệm Phật) không có gì là không giải quyết. Điều này đã không tránh khỏi phụ lòng từ bi của ngài Long Thọ rồi!

Lễ Phật, niệm Phật, tán Phật, tùy hỷ, hồi hướng, khuyến thỉnh, đặc biệt là dùng miệng xưng danh hiệu, điều này thật quá dễ dàng so với các công hạnh Bồ tát, như vì người, vì pháp mà phải xả thân, xả tâm, nhẫn khổ, nhẫn nạn. Đây là bổn nghĩa của dị hành đạo. Thông thường, mọi người cho rằng do từ bi nguyện lực của đức Phật A Di Đà cho nên có thể niệm Phật vãng sinh, đi tắt ra khỏi ba cõi gọi là dị hành đạo, nhưng đây không phải là bổn ý của kinh luận. Tu pháp môn dị hành đạo này, sinh vào cõi Tịnh độ, tu hành dễ dàng, không có chướng ngại, đây mới đúng với những điều mà kinh luận đã nói. Thế nhưng, tu dị hành đạo lâu thành Phật, ngược lại, tu nan hành đạo lại mau thành Phật. Điều này, như Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn Hội trong Kinh Bảo Tích, nói: “Trong quá khứ, đức Thích Ca tu tập nan hành khổ hành đạo, Bồ tát Di Lặc tu tập dị hành lạc hành đạo. Bồ tát Di Lặc phát tâm sớm hơn đức Thích Ca bốn mươi kiếp, đã chứng được Vô sinh pháp nhẫn từ lâu”, nhưng rốt cuộc đức Thích Ca thành Phật trước, còn ngài Di Lặc phải đợi đến sau này mới hạ sinh thành Phật. Đây không phải là sự chứng minh sắt thép rằng dị hành đạo lâu thành Phật, nan hành đạo mau thành Phật hay sao?

Ngài Di Lặc tu dị hành đạo cho nên chậm thành Phật, đức Thích Ca tu nan hành đạo cho nên mau thành Phật. Thế nhưng, theo truyền thuyết nói: “Đức Thích Ca trong bảy ngày bảy đêm dùng kệ tán Phật, vượt quá chín kiếp mà thành Phật.” Nói kệ tán Phật là dị hành đạo. Đây không phải là dị hành đạo mau thành Phật hay sao? Đây là điều mà mọi người đều dễ dàng nghi ngờ, cần phải giải thích sơ lược. Dị hành đạo và nan hành đạo chẳng qua là nói từ lúc bắt đầu tu học Phật pháp. Đối với hành giả bắt đầu tu tập mà phân biệt có hai loại như vậy, nhưng đến lúc thành Phật, công đức nhiếp thủ chúng sinh và nhiếp thủ Phật độ đều cần phải viên mãn. Truyền thuyết vừa nêu trên không thể chứng minh dị hành đạo mau thành Phật, mà ngược lại, lại là sự kiện chứng minh nan hành đạo dễ thành Phật. Căn cứ truyền thuyết, lúc đó Bồ tát Thích Ca tâm chưa thuần thục, nhưng các đệ tử của ngài, tâm đã thuần thục, còn Bồ tát Di Lặc, tâm đã thuần thục, nhưng các đệ tử của ngài, tâm chưa thuần thục. Đây là vì Bồ tát Thích Ca, phần lớn lợi ích chúng sinh, ít lo cho mình; còn Bồ tát Di Lặc, phần nhiều lo cho mình, ít lo cho chúng sinh (Luận Đại Trí Độ, quyển bốn). Điều này cho biết rõ ràng đức Thích Ca tu nan hành đạo, phần nhiều lo giáo hóa chúng sinh. Tâm của đệ tử đã thuần thục, tức là công đức lợi tha của đức Thích Ca đã viên mãn, nhưng công đức tự lợi chưa đầy đủ. Còn ngài Di Lặc, phần lớn tu Tịnh độ hạnh, tự tâm đã thành thục, nhưng ít hướng đến chúng sinh, ít tu đạo nan hành, tâm của đệ tử chưa thuần thục, tức là công đức lợi tha của ngài Di Lặc chưa viên mãn. Cho nên đức Thích Ca tinh tiến tán thán Phật mà mau thành, đúng là điều chứng minh tu nan hành đạo mau thành Phật. Điều này giống như “họa long, điểm nhãn”, hai điều kiện đều không thể thiếu. Như nhiếp thủ chúng sinh và nhiếp thủ Tịnh độ là hai điều cần phải viên mãn để thành Phật. Đức Thích Ca tu nan hành đạo, giống như trước tiên họa long (vẻ thân rồng), đợi đến khi thân rồng vẻ xong, sự tinh tiến tán thán Phật như điểm nhãn (chấm con mắt), một điểm là liền thành rồng. Còn ngài Di Lặc, lúc bắt đầu tu dị hành đạo, giống như trước tiên điểm nhãn. Tuy điểm một điểm là thành (mắt rồng điểm xong), nhưng thân rồng lại không thể vẽ nhanh được, giống như công đức lợi tha không thể mau thành. Như vậy, đức Thích Ca vượt qua chín kiếp mà thành Phật trước, sự thật là do ngài đã từ lâu tu tập nan hành đạo “tâm phần nhiều lo lợi ích kẻ khác.” Sự thật, tất cả những điều này là vì người mới học mà nói, còn học Bồ tát đạo để thành Phật thì phải tu tập viên mãn tất cả. Dị hành đạo lâu thành Phật, nan hành đạo mau thành Phật, đây quả đúng là điều dạy chính xác của kinh luận của các bậc cổ thánh.

Chúng sinh ở uế độ tu hành, tuy dễ thoái thất, sinh vào cõi Tịnh độ, hoàn cảnh tốt đẹp, không còn thoái chuyển, thế nhưng, nếu luận sự tu hành mau chậm, tu hành ở uế độ mau chóng thành tựu, so với tu hành ở Tịnh độ. Như Kinh Đại A Di Đà, quyển hạ, nói: “Thế tôn, …. (trong cõi Ta Bà uế trược này), làm công đức, tu tập việc lành, từ tâm chánh ý, trai giới thanh tịnh, như vậy một ngày một đêm, thù thắng hơn sự tu tập trăm năm ở cõi Phật A Di Đà.” Kinh Duy Ma Cật cũng nói: “Bồ tát ở cõi này, đối với chúng sinh khởi lòng đại bi kiên cố, đúng như lời đã nói. Một đời tu hành lợi ích chúng sinh của họ nhiều hơn ở cõi kia (Tịnh độ) tu hành trăm ngàn kiếp. Tại sao như vậy? Ở thế giới Ta Bà này có mười pháp thiện, mà các cõi Tịnh độ khác không có.” Mười pháp thiện, tức là sáu ba la mật, v.v… Tịnh độ là do bảy báu hợp thành, tất cả mọi việc ăn uống, y phục đều không có vấn đề, tức là không có công đức bố thí. Ở cõi uế độ, có nhiều người ác, cho nên phải tu nhẫn nhục. Tịnh độ toàn là các bậc thượng thiện nhân, cho nên không cần tu nhẫn nhục. Cõi này có những việc như sát (giết hại), đạo (trộm cướp), dâm (tà dâm), vọng (nói dối), cho nên cần phải trì giới. Ở cõi Tịnh độ không có người nữ, hoặc không có sự chiếm hữu giữa nam và nữ, tức là không cần phải giữ giới dâm; những nhu cầu sinh hoạt, tất cả đều đầy đủ, tức là không có giới trộm cướp. Tất cả công đức này, sinh vào cõi Tịnh độ đều khó mà tiến tu. Điều này giống như ở đời thái bình thịnh vượng, “anh hùng không có đất dụng võ”, không có cơ hội để biểu hiện tài năng, cũng không có cơ hội để lập đại chiến công. Uế độ thì khó tu hành, bởi vì khó tu hành cho nên mới vĩ đại. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở cõi uế trược tu hành thành Phật cho nên được mười phương chư Phật xưng dương tán thán. Như Kinh A Di Đà nói: “Các vị Phật đó cũng xưng dương tán thán công đức bất khả tư nghị của ta mà nói như vầy: Phật Thích Ca Mâu Ni, có thể làm những sự việc khó làm, ở trong đời ác năm trược của cõi Ta Bà … đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.”

Kinh Trừ Cái Chướng Bồ Tát Sở Vấn (quyển hai), Kinh Bảo Vân, Kinh Bảo Vũ, Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã, v.v…, đều nói ở uế độ tu hành cao siêu hơn ở Tịnh độ rất nhiều. Luận Đại Trí Độ (quyển mười) của ngài Long Thọ nói rõ ràng nhất: “Trong thế giới Ta Bà, ít nhân duyên khoái lạc (vui sướng), có ba đường ác, lão bệnh tử, … tâm sinh cực kỳ nhàm chán, vì lý do đó nên trí tuệ lợi căn. Còn các Bồ tát ở cõi đó (Tịnh độ), thế giới bảy báu, các loại cây báu, tâm nghĩ đến ẩm thực, tùy ý liền được. Như vậy, khó sinh tâm nhàm chán (bất mãn hiện thực), cho nên trí tuệ không thể thông lợi. Ví như dao bén để vào trong thức ăn, dao trở nên dơ bẩn, nếu dùng đá mài trừ diệt cáu bẩn, dao liền sắc bén. Bồ tát đó cũng như vậy, sinh vào thế gian tạp uế, lợi căn khó sánh (Hán: lợi căn nan cận 利根難近), như người lúc nhỏ cần khổ thì lại có nhiều tài năng.” Uế độ là thống khổ, nhưng phát tâm hành Bồ tát đạo lại là điều thù thắng nhất, cho nên không lạ gì khi đức Thế Tôn phát tâm trễ mà lại thành Phật sớm. Dị hành đạo dễ được bất thoái, nhưng một khi sinh về Tịnh độ thì sự tu hành lại trở nên chậm chạp. Ở cõi uế độ tu hành khó được bất thoái chuyển, nhưng nếu đã phá được cửa ải khó (Hán: nan quan 難關) thì sẽ một mực thẳng tiến đến khi thành Phật. Dị hành và nan hành, Tịnh độ và uế độ, mỗi bên đều có ưu điểm.

Phần trên, một bên từ kinh luận để chứng minh, một bên từ sự thực để chứng minh. Hiểu rõ ý thú của kinh luận thì mới đạt được diệu dụng của Phật pháp. Dị hành đạo và nan hành đạo đều là phương tiện hiếm có. “Cảnh sở duyên của Bồ tát là những chúng sinh đau khổ (Hán: Bồ tát sở duyên, duyên khổ chúng sinh).” Vì chúng sinh khổ, vì chánh pháp suy vi mà phát tâm Bồ đề, đây là con đường chánh thường của Đại thừa. Phương tiện thiện xảo an lạc đạo cũng là một pháp môn vi diệu, y vào đây mà hành trì có thể tích tập công đức, sám trừ nghiệp chướng, lập định tín tâm, tu hành an ổn, không sợ đọa lạc! Tuy vậy, nếu muốn Phật pháp trụ thế lâu dài vẫn cần phải có người vì pháp vì chúng sinh mà cống hiến thân mệnh, tinh tiến khổ hành mới được!

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10