Tịnh Độ Tân Luận
淨土新論
 Đại sư Ấn Thuận giảng
Thích Quán Tạng tập chú
Thích Pháp Chánh dịch Đại sư


Tường Quang Tùng Thư
Phật lịch 2562 – TL 2018

 

A6. Phật độ và chúng sinh độ.

Độ (cõi) tức là thế giới, hoặc địa phương, có nghĩa là nơi cùng nhau nương tựa. Như nói: báo thân do nghiệp cảm cá nhân là riêng biệt (bất cộng), còn núi sông mặt đất là chung (cộng), tức là có thể cùng thấy được, cùng nhau cư trú, cùng nhau thọ dụng. Cho nên y vào chúng sinh cõi này có thể hỗ tương tăng thượng, làm tổn ích cho nhau. Phật pháp là tự lực, như Tân Hữu Thư của ngài Long Thọ nói: “Sinh thiện và giải thoát đều là tự lực, chứ không phải do kẻ khác.” Lại như người đời nói: “Ai ăn nấy no, mọi người phải tự lo vấn đề sống chết của mình.” Do đây có thể thấy rằng Phật pháp là tự lực luận triệt để. Thế nhưng, nếu nhìn kỹ sinh tử báo thể (căn thân) sinh ra bởi nghiệp cảm của hữu tình mà nói, nếu y vào phù trần căn của chúng sinh, và khí thế gian tạo thành bởi nghiệp tăng thượng lực của hữu tình thì không thể nói như vậy[note] Nghĩa là không thể nói “mặc ai nấy lo.” [/note]. Chúng sinh và chúng sinh, trong sự nương tựa thọ dụng trong cõi nước, hỗ tương tăng thượng, hỗ tương tổn ích, Phật và chúng sinh, trong cùng cõi nước, cũng có tác dụng tăng thượng, nhiếp thọ, lợi ích. Như vậy, Phật có Tịnh độ, nhiếp hóa chúng sinh, chúng sinh ngưỡng thừa Phật lực mà vãng sinh Tịnh độ, điều này không phải không hợp lý[note](1) Ngài Ấn Thuận trong Ngã Chi Tôn Giáo Quan, tr. 17, nói:

Phật giáo là tôn giáo vô thần, là tôn giáo chánh giác, là tôn giáo tự lực, không thể đem quan niệm của thần giáo để hiểu rõ (Hán: liễu giải) Phật giáo.

(2) Ngài Ấn Thuận trong Tịnh Độ Dữ Thiền, tr. 87-88, nói:

Tôi (Ấn Thuận) thường nói Phật pháp xem trọng tự lực, nhưng không có nghĩa là hễ bàn đến tự lực thì phải hoàn toàn phủ định tha lực. Bởi vì tha lực xác thật có tồn tại…. Bình thường, tôi nói tổng quát rằng Phật pháp chuyên trọng tự lực, nghĩa là “mỗi người phải tự lo lấy việc sinh tử của mình.” Điều này vốn là tuyệt đối chính xác. Ngay những người, như con của đức Phật, hoặc anh em của đức Phật, nếu như họ không chịu tự mình nỗ lực tu học, thì đức Phật cũng không thể thay thế cho họ giải quyết vấn đề sinh tử. Thế nhưng, đây cũng không phải là không có tha lực, chẳng qua muốn thành tựu một sự việc gì, tất cả tha lực đều phải xuyên qua sự quan hệ hợp lý với tự lực. Chư Phật, Bồ tát, La hán, cho đến các bậc sư trưởng, đạo hữu đều có thể trợ lực cho chúng ta, thế nhưng những loại trợ lực này vẫn phải thông qua sự tiếp thọ và vận dụng của tự lực của chúng ta thì mới có hiển xuất công năng của nó. Cho nên những năng lực từ bên ngoài không phải là vô dụng, nhưng cần phải quán xét chúng ta có hay không có năng lực tiếp thọ, vận dụng tha lực đó. Giả như chúng ta hoàn toàn không chịu nỗ lực, tất cả đều nương nhờ vào tha lực, thì đây là điều tuyệt đối không thể được.

Ví như bị bệnh thiếu máu, có thể truyền máu để cứu, thế nhưng nếu thân thể người bệnh đã bị tổn hoại đến cực điểm rồi, thì máu của người khác cũng không thể cứu được. Nói cách khác, thân thể của người bệnh cần phải có năng lực sinh tồn, sau đó mới có thể hấp thu máu của người khác để tăng cường sinh mệnh của chính mình.

(3) Ngài Ấn Thuận trong Tịnh Độ Dữ Thiền, tr. 90, nói:

Tự lực và tha lực cần phải hổ tương triển chuyển tăng thượng. Nếu chuyên ỷ lại vào tha lực mà xem thường tự lực, thì chẳng khác gì thần giáo. Y như Phật pháp mà nói, thì điều này không hợp nhân quả. Bất luận là pháp thế gian, hoặc pháp xuất thế gian, nếu có thể xem trọng tự lực, tự mình nỗ lực hướng thượng, tự nhiên sẽ có tha lực đến trợ thành. Như cổ nhân có nói: “Người tự trợ thì sẽ có người đến trợ giúp mình.” Nếu không, chỉ chuyên có tha lực thì cũng không giúp được, cho nên Phật giáo là tôn giáo xem trọng tự lực.

[/note].

Thế gian cũng đã có nhiều trường hợp chứng minh, như lúc ngài Mạnh Tử còn nhỏ, bà mẹ của ngài đã từng dọn nhà ba lần, tức có thể biết là hoàn cảnh tốt, hoặc xấu sẽ ảnh hưởng thân tâm. Lại như có một số người, trong một hoàn cảnh nào đó, có thể hoạt động, nhưng nếu thay đổi đến một hoàn cảnh khác thì lại không thể hoạt động. Thông thường nói “hoàn cảnh có thể quyết định ý chí” cũng có một phần nào sự thật. Cho nên giáo thuyết về Tịnh độ, Phật và chúng sinh triển chuyển làm tăng thượng duyên quả thật là hợp lý.

Kinh Nhân Vương Bát Nhã nói: “Tam hiền thập thánh trụ quả báo, duy Phật nhất nhân cư Tịnh độ.” Đây là ước định Thường tịch quang tịnh độ mà nói. Ngay cả các vị Tối hậu thân Bồ tát vẫn còn một phần nghiệp cảm dị thục tồn tại cho nên không thể tương ưng với Tịnh độ của Phật. Luận Đại Trí Độ, quyển mười, nói “Bồ tát Phổ Hiền bất khả lượng, bất khả thuyết, trụ xứ bất khả tư nghì.” Đây cũng là ước định Pháp tính biến nhất thiết độ mà nói. Nếu như chỉ ước định cõi Tịnh độ đó (Thường tịch quang độ, Pháp tính độ) mà nói thì sẽ không sản sinh tư tưởng cầu sinh Tịnh độ. Thế nhưng, Phật không chỉ an trụ trong Pháp giới tối thanh tịnh cứu cánh viên mãn mà trong lúc tu nhân, hành Bồ tát đạo cũng đã quyết chắc dùng sự nhiếp thủ Tịnh độ và sự nhiếp hóa chúng sinh làm hai đại nhiệm vụ. Đây là điều minh chứng rằng hành giả Đại thừa đối với sự kiện hoàn cảnh có thể ảnh hưởng ý thức cũng có một sự hiểu rõ sâu sắc. Bồ tát trang nghiêm tịnh độ vì hai lý do: (1) công đức thù thắng được chiêu cảm bởi phước đức trí tuệ, (2) vì muốn nhiếp hóa chúng sinh, khiến cho chúng sinh sống trong một hoàn cảnh tốt đẹp, tu hành có hiệu quả hơn. Bởi vậy, trong một pháp giới vốn không có Phật, không có Tịnh độ nào để nói, nhưng vì thích ứng chúng sinh cơ cảm mà hiển hiện có Phật, có Tịnh độ.

Đây là nghĩa chung của Đại thừa.

Cõi Thường tịch quang tịnh độ không nhiếp hóa chúng sinh, ở đây chúng ta không bàn đến. Trước tiên nói Tịnh độ thọ dụng của Phật. Phật dùng phước trí trang nghiêm, y vào thế tục mà nói thắng nghĩa, Phật cũng chiêu cảm được cõi thanh tịnh cứu cánh viên mãn – thập bát viên mãn độ[note]Thập bát viên mãn độ: (1) Hiển sắc viên mãn (顯色圓滿): Cõi Thọ dụng của chư Phật phóng ra ánh sáng chiếu soi khắp tất cả thế giới. (2) Hình sắc viên mãn (形色圓滿): Những nơi chư Phật du hóa và an trụ đều có đầy đủ các thứ trang nghiêm vi diệu. (3) Phần lượng viên mãn (分量圓滿): Tịnh độ của chư Phật rộng lớn vô biên, không thể nào đo lường được. (4) Phương sở viên mãn (方所圓滿): Tịnh độ là nơi chốn vượt ngoài ba cõi, không có Khổ đế và tập đế. (5) Nhân viên mãn (因圓滿): Tịnh độ là do công năng thiện pháp xuất thế gian sinh khởi, chứ chẳng phải lấy Tập đế của thế gian làm nhân. (6) Quả viên mãn (果圓滿): Tịnh độ lấy “thanh tịnh tự tại duy thức” của Như lai và Bồ tát làm thể tính, chư không phải lấy Khổ đế làm thể tính. (7) Chủ viên mãn (主圓 滿): Tịnh độ được Như lai hộ trì, Như lai thường an trụ chính giữa Tịnh độ. (8) Tùy tùng viên mãn (輔翼圓滿): Tịnh độ là trụ xứ an lạc của các Đại bồ tát, trong đó các Bồ tát thường giúp ích Phật đạo, thường tu hành chính pháp, và dạy người khác tu hành hành chính pháp. (9) Quyến thuộc viên mãn ( 眷屬圓滿): Tịnh độ là nơi có vô lượng bát bộ chúng tuân hành. (10) Trụ trì viên mãn (住持圓滿): Trong Tịnh độ, các Bồ tát và quyến thuộc giữ gìn pháp vị hỷ lạc rộng lớn để nuôi lớn pháp thân. (11) Sự nghiệp viên mãn (事業圓滿): Các Bồ tát làm tất cả việc lợi ích cho hàng Nhị thừa và phàm phu. (12) Nhiếp ích viên mãn (攝益圓滿): Tịnh độ xa lìa tất cả phiền não, tai nạn và sự trói buộc của ba cõi. (13) Vô úy viên mãn (無畏圓滿): Tịnh độ xa lìa sự xâm nhập quấy nhiễu của các loại ma, như thiên ma, tử ma, nên không có sự sợ hãi. (14) Trụ xứ viên mãn: (住處圓滿): Tịnh độ là nơi an trụ của Như lai, và cũng an trụ của có đầy đủ tất cả sự trang nghiêm thù thắng. (15) Lộ viên mãn (路圓滿): Tịnh độ dùng ba tuệ văn, tư, tu trong chính pháp Đại thừa làm con đường qua lại thông suốt. (16) Thừa viên mãn (乘圓滿): Tịnh độ lấy pháp sa ma tha (chỉ) và tỳ bát xá na (quán) làm đạo pháp để tu tập (Hán: đạo pháp sở thừa) (17) Môn viên mãn (門圓滿): Tịnh độ lấy ba môn giải thoát: Không, vô tướng và vô nguyện để làm cửa đi vào. (18) Y trì viên mãn (依持圓滿): Tịnh độ lấy Đại liên hoa vương có vô lượng công đức làm y chỉ. (Phật Quang Đại Từ Điển, tr. 5392-5393. Thích Quảng Độ dịch) [/note]. Các Bồ tát đăng địa chứng một phần chân như sinh vào cõi Tịnh độ này. Nếu ước định Phật mà nói thì đây là cõi tự thọ dụng, nếu ước định Bồ tát mà nói thì đây là cõi tha thọ dụng. Cõi tự tha thọ dụng, trong kinh điển, vốn ít khi phân biệt. Trong loại Tịnh độ này chỉ có pháp Nhất thừa. Ước định loại Tịnh độ này mà nói thì cũng không có ý nghĩa cầu sinh Tịnh độ. Bởi vì Bồ tát chứng một phần chân như đương nhiên cũng có Tịnh độ, tuy không được viên mãn như của Phật nhưng cũng không có sự khác biệt, không đây không kia. Như nếu muốn phân biệt thì trong kinh điển có nói: “Mười phương Tịnh độ, tùy nguyện vãng sinh.” Mà đây cũng không phải là Tịnh độ mà những người tu tập thông thường có thể cầu được vãng sinh.

Trong kinh điển nói chúng sinh phát nguyện cầu sinh Tịnh độ, không phải là thọ dụng độ, mà là ứng hóa độ của Phật. Ứng hóa độ thích ứng cơ cảm của chúng sinh mà ứng hiện khác nhau: có Tịnh độ chỉ có Nhất thừa mà không có Tam thừa, như Tịnh độ của Phật A Di Đà; có Tịnh độ có Tam thừa, có Bồ tát, có Thanh văn, có Duyên giác, như Tịnh độ của Phật A Súc; có Tịnh độ có cả Ngũ thừa, không những có Nhị thừa, Bồ tát, mà có cả nhân thừa, thiên thừa, như Tịnh độ của ngài Di Lặc. Đây đều là Tịnh độ. Thế nhưng, ứng hóa độ không nhất định phải ứng hiện Tịnh độ mà cũng có thể ứng hiện uế độ, nói pháp Tam thừa, như đức Thích Ca thị hiện ở cõi Ta Bà.

Ứng hóa độ có đủ loại, đủ cách, có sự quan hệ đặc biệt đối với chúng sinh. Thế nhưng, ứng hóa độ, rốt ráo là Phật độ? Hay là chúng sinh độ? Thế giới không phải riêng cho cá nhân mà là chung cho tất cả chúng sinh. Kinh điển nói Phật độ, đức Phật ứng hóa vào thế giới nhiếp hóa chúng sinh cho nên nói là Phật độ gì gì đó. Nếu ước định thế giới mà nói, đây không phải chỉ là của Phật mà cũng là của chúng sinh, tức là do nghiệp cảm tăng thượng của chúng sinh mà có báo độ, nhưng đức Phật ứng hóa trong cõi đó nên gọi là ứng hóa độ của Phật. Như đức Thích Ca thị hiện vào thế gian Ngũ thừa uế độ, còn khi đức Di Lặc thành Phật thì thế gian là Ngũ thừa Tịnh độ. Nhân tố “nghiệp cảm của chúng sinh” vô cùng quan trọng. Thế nhưng, Tịnh độ giáo hóa Ngũ thừa, hoặc Tịnh độ chỉ giáo hóa Nhất thừa cũng có ít nhiều sự khác biệt.

Kinh điển Đại thừa nói đức Phật vì nhiếp thọ chúng sinh nên thị hiện cõi Phật thanh tịnh, đương nhiên đây là Tịnh độ của Phật. Thế nhưng, những Bồ tát trong cõi Phật này, ngoài việc theo Phật học tập, cũng muốn nhiếp hóa một phần chúng sinh đồng sinh Tịnh độ. Như thế giới Cực Lạc không phải chỉ có Phật A Di Đà mà còn có chư Đại bồ tát như Đại Thế Chí, v.v… Chư Đại bồ tát đều là do trí tuệ thiện căn của chính mình cùng góp sức với đức Phật thực hiện Tịnh độ. Loại Tịnh độ này có đức Phật là chủ đạo, các vị Bồ tát làm trợ bạn cùng chung nhau thực hiện hoàn thành Tịnh độ. Uy lực bi nguyện phước đức của Phật và chư Bồ tát rất là quan trọng. Còn những chúng sinh khác chưa chứng chân thật cũng vãng sinh về Tịnh độ. Nếu như ước định tự thân của chúng sinh thì không đủ điều kiện để vãng sinh, điều này phải cần: (1) Nguyện lực của Phật gia trì, (2) tam muội lực của chúng sinh, và (3) thiện căn lực của chúng sinh. Nếu được như vậy, chúng sinh cũng được sinh Tịnh độ. Đây là những điều được nói trong Kinh A Súc Phật Quốc.

Sau khi Phật Bồ tát thành thục Tịnh độ nhiếp dẫn một phần chúng sinh về đó tu hành, đây là ước định Phật và chúng sinh triển chuyển tăng thượng tương nhiếp mà nói. Cho nên, Phật độ cứu cánh là của Phật chứ không phải của chúng sinh. Như cõi nước của Phật Thích Ca, cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà, tuy cũng dùng thiện căn lực, nguyện lực để sinh nhưng chủ yếu vẫn là cõi nước do nghiệp cảm của chúng sinh. Đức Phật ứng hóa vào cõi này, chẳng qua là để nhiếp thọ một phần chúng sinh có duyên mà thôi. Tịnh độ do Phật và chúng sinh triển chuyển tăng thượng nhiếp là vì lúc Bồ tát tu nhân, nhiếp hóa một phần chúng sinh đồng hạnh đồng nguyện để cùng sáng tạo, y vào đây mà nhiếp thọ một phần chúng sinh khiến cho họ cũng tham gia đến cõi Tịnh độ. Đây là ý nghĩa chân chánh của sự thí giáo của Tịnh độ (淨土施教), mà cũng là điểm đặc sắc của

Tịnh độ, như Tịnh độ A Di Đà, Tịnh độ A Súc, v.v…

Trong Phật độ và chúng sinh độ còn có Bồ tát độ. Tịnh độ của các Bồ tát chứng chân như (Sơ địa) trở lên, các nhà Duy Thức gọi là tha thọ dụng độ của Phật. Nếu ước định Bồ tát mà nói thì đó là tự thọ dụng của Bồ tát. Thiên Thai Tông gọi đó là Thực báo trang nghiêm độ, có một phần giống với Thanh tịnh pháp giới độ của Phật, chẳng qua chưa được cứu cánh mà thôi! Cho nên, do phước huệ của Bồ tát cùng với Phật thọ dụng pháp lạc Đại thừa, có thể nói đó là Phật thọ dụng độ mà cũng có thể nói là Bồ tát thọ dụng độ. Như vậy, nói rốt ráo, Tịnh độ của Phật, tuyệt đối không phải chỉ riêng một mình Phật mà còn có nhiều Bồ tát. Trong kinh điển nói đến thọ dụng tịnh độ, vẫn thường nói có vô lượng đại chúng vi nhiễu (vây quanh Phật). Những vị Bồ tát này do tự lực mà đến Tịnh độ (ứng hóa độ), như cõi Phật A Di Đà, cõi Phật A Súc có vô lượng Bồ tát, cũng không nhất định là những người phát nguyện vãng sinh. Trong Tịnh độ có Phật tức là có Bồ tát. Ứng hóa độ của Phật cũng là ứng hóa độ của một phần chư Đại bồ tát[note] Ngài Ấn Thuận trong Bát Nhã Kinh Giảng Ký, tr. 67-68, nói:

Sự nghiệp của một vị Bồ tát đã chứng đắc vô sinh pháp nhẫn có hai phần: (1) trang nghiêm Phật độ, và (2) thành tựu chúng sinh. Căn cơ của hữu tình có nhiều loại: có người chỉ có thể tu tập công đức nhân thiên, thì Bồ tát đem pháp tự lợi lợi tha của nhân thiên thừa để thành tựu cho họ. Thế gian đầy dẫy sự bất công, xấu ác, thống khổ, làm thế nào để có thể chuyển hóa thế giới trược ác thành thanh tịnh, chuyển hóa sự thống khổ thành giải thoát, đây là sự nghiệp duy nhất của Bồ tát. Tịnh hóa thế giới trược ác tức là trang nghiêm Phật độ, đây là dùng nguyện lực làm căn bổn. Bồ tát lập đại nguyện, tập hợp các bạn đạo đồng nguyện đồng hạnh, thực tiển các thiện hạnh, như lục độ, tứ nhiếp để trang nghiêm cõi Phật.

Có người cho rằng một người thành Phật thì thế giới liền trở thành thanh tịnh, điều này có nhiều sự hiểu lầm (đối với ý nghĩa Phật pháp). Bồ tát đang lúc tu nhân, giáo hóa chúng sinh, dùng Phật pháp để nhiếp tập những người đồng hạnh đồng nguyện, kết quả, Phật và các chúng sinh đã được nhiếp hóa, …, công đức của chủ (Phật) và bạn (Bồ tát) hổ tương trợ giúp hoàn thành quốc độ viên mãn trang nghiêm. Các Bồ tát đồng hành đồng nghiệp cùng vãng sinh về quốc độ trang nghiêm. Trong sự đồng có sự không đồng là chỉ có Phật mới có thể cứu cánh thanh tịnh viên mãn tự tại. Nếu như cho rằng tịnh độ chỉ có Phật mà không có chúng hội trang nghiêm (nghĩa là chủ trương một người thành Phật thì liền có tịnh độ) thì đây quả là một sự hý luận méo mó. [/note].

Tóm lại, nói đến Tịnh độ, tức là chư Phật, Bồ tát và chúng sinh triển chuyển hỗ tương tăng thượng tương trợ mà hoàn thành. Giữa Phật độ và chúng sinh độ, không thể bỏ sót ý nghĩa Bồ tát và Phật cùng nhau sáng tạo Tịnh độ, tương trợ nhiếp hóa chúng sinh.

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10