Tịnh Độ Tân Luận
淨土新論
 Đại sư Ấn Thuận giảng
Thích Quán Tạng tập chú
Thích Pháp Chánh dịch Đại sư


Tường Quang Tùng Thư
Phật lịch 2562 – TL 2018

 

A5. Tịnh độ quan lấy A Di Đà làm trung tâm.

B1. Phật A Di Đà. 

Người xưa nói: “Chư kinh sở tán, tận tại Di Đà”, điều này rất là chính xác. Kinh điển Đại thừa nói rộng về mười phương Tịnh độ, nhưng đặc biệt chú trọng đến Tịnh độ Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà. Có thể nói Tịnh độ của Phật A Di Đà là quy kết tư tưởng Tịnh độ của Đại thừa. Phật giáo Trung Quốc đặc biệt hoằng dương Tịnh độ Tây Phương, điều này không phải không có lý do. Y vào Phật pháp mà nói thì Phật pháp là bình đẳng. Tất cả chư Phật, trên phương diện chứng ngộ, phước đức, trí tuệ, đại bi, đại nguyện đều bình đẳng. Bởi vậy khi nói Phật A Di Đà lập thệ nguyện, hoặc nói Phật A Di Đà đặc biệt có duyên với cõi (Ta Bà) này, tất cả những điều này chẳng qua chỉ là một cách nói phương tiện1. Nếu vậy, tại sao trong vô biên các cõi Tịnh độ, vô biên chư Phật, các kinh điển Đại thừa, lại đặc biệt tán thán Tịnh độ Tây Phương? Điều này rất đáng cần phải nghiên cứu.

Chữ Phạn Amita, dịch là vô lượng. Hàm nghĩa của [Phật] A Di Đà là vô lượng Phật nên phải có thông có biệt. Thông là chỉ cho tất cả Phật, tức là vô lượng vô số Phật. Trong quá trình hoằng truyền Phật pháp, ý nghĩa của vô lượng Phật được đặc thù hóa, trở thành chỉ phương lập hướng, chuyên chỉ Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Hai nghĩa thông biệt này tuy không có kinh văn để chứng minh nhưng có thể thấy được rõ ràng. Hiện nay đem hai bộ kinh ra chứng minh.

1) Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Đây là bộ kinh chuyên thuyết minh pháp quán y báo trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Trong pháp quán thứ chín, quán sắc thân tướng hảo của đức Phật. Lúc pháp quán thành tựu, kinh nói: “Thấy sự việc này tức là thấy mười phương Phật.” Ý muốn nói là thấy được đức Phật A Di Đà tức là thấy mười phương tất cả chư Phật. Quán Phật A Di Đà tức là quán mười phương tất cả Phật.

2) Kinh Bát Chu Tam Muội: Quyển kinh này cũng chuyên thuyết minh pháp Niệm Phật Tam Muội về Phật A Di Đà. Kinh này còn có tên Kinh Thập Phương Hiện Tại Phật Tất Tại Tiền Lập. Lúc tu quán thành tựu, trong kinh nói: “Chư Phật hiện tại đều đứng trước mặt [hành giả].” Chuyên quán Phật A Di Đà mà lại thấy tất cả Phật hiện tại, điều này hoàn toàn nhất trí với Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói “thấy sự việc này, tức là thấy mười phương Phật.” Do đây có thể thấy rằng quán Phật A Di Đà – vô lượng Phật, tức là quán tất cả Phật. Tuy dùng danh hiệu Phật A Di Đà để chỉ riêng cho một vị Phật, nhưng đối với nghĩa chung “tất cả Phật” cũng vẫn bảo tồn không mất.

Trước tiên, trong tất cả Phật, A Di Đà đạt được ưu thế về danh xưng. Trong Phật pháp Đại thừa, từ sự kiện này có thể hiểu được dễ dàng ý nghĩa của “tất cả tức là một, một tức là tất cả.” Đây là lý do quan trọng mà Phật A Di Đà được mọi người đặc biệt tán thán, hoằng truyền.2.

Phía sau chữ Phạn Amita thêm Abha thì trở thành Amitābha, dịch nghĩa là vô lượng quang. Vô Lượng Quang là một tên của Phật A Di Đà. Nếu nghiên cứu tỉ mỉ, Phật A Di Đà và thái dương (mặt trời) có sự quan hệ. Đạo Bà La Môn ở Ấn Độ lấy thái dương làm đối tượng sùng bái. Phật giáo tuy không có truyền thuyết này, nhưng trong quá trình phổ ứng căn cơ chúng sinh, tư tưởng sùng bái thái dương cũng được phương tiện hàm nhiếp vào đức Phật A Di Đà. Điều này từ nơi nào mà biết?

1) Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, pháp quán thứ nhất là quán mặt trời, sau đó theo thứ tự quán nước, quán đất, quán vườn rừng, quán lầu các, quán Phật A Di Đà, Quán Âm, Đại Thế Chí, v.v… Đây tức là dùng mặt trời lặn làm mạn đà la căn bổn. Y chánh trang nghiêm của Phật A Di Đà y vào mặt trời mà hiển hiện. “Ánh mặt trời tuyệt diệu, chỉ vào lúc hoàng hôn3“, đây là lối nhìn của người Trung Quốc. Theo lối nhìn của người Ấn Độ, mặt trời lặn là nơi y chỉ của ánh sáng. Mặt trời lặn xuống [sau núi], không phải là không còn gì, mà là tất cả ánh sáng ẩn trú nơi đó. Ngày hôm sau, mặt trời mọc ở phương đông tức là y vào [nơi ẩn trú làm] gốc mà hiển hiện. Phật pháp nói Niết bàn là không tịch, là tịch diệt, là vốn không sinh. Nhưng trong sự không tịch, tịch tĩnh, vô sinh lại sinh khởi vô biên hóa dụng.4 Phật pháp dùng tịch diệt làm bổn tính, mặt trời lặn cũng vậy, là quang minh tạng, là nơi y chỉ cứu cánh của tất cả ánh sáng.

2) Kinh Vô Lượng Thọ Phật nói: “Lễ kính Phật A Di Đà, cần phải hướng về phía mặt trời lặn.” Cho nên, Phật A Di Đà, không chỉ là phương tây, mà đặc biệt xem trọng mặt trời lặn ở phương tây. Nói rõ ràng hơn, thật sự đây là sự tịnh hóa của [tín ngưỡng] sùng bái mặt trời, nhiếp thủ tư tưởng sùng bái mặt trời mà dẫn xuất tên Phật Vô Lượng Quang.5

Nếu phía sau chữ Phạn Amita thêm ayus thì trở thành Amitāyus, dịch nghĩa là vô lượng thọ, đây cũng là một tên của Phật A Di Đà. Trong kinh điển Đại thừa thường nói: “Đức Phật thường trụ Niết bàn.” Phật nhập Niết bàn không phải là hoàn toàn biến mất (Hán: hôi thân mẫn trí 灰身泯智). Đây cũng giống như ý nghĩa mặt trời lặn phương tây. Cho nên thọ mệnh của Phật là vô lượng vô biên. Phật là thường trụ, vô lượng thọ cũng là đặc tính chung của tất cả chư Phật.

Tóm lại, A Di Đà (vô lượng) là căn bổn, như trong Kinh Bát Chu Tam Muội. Nói “vô lượng quang”, giống như chữ amitābha (a di đa bà dạ) trong Kinh Cổ Âm Thanh Vương Đà La Ni. Nói “vô lượng thọ” như trong Kinh Vô Lượng Thọ. Quang là chiếu khắp mười phương, giống như trí tuệ của Phật, không có gì không biết. Trong kinh điển Đại thừa, mỗi khi đức Phật thuyết pháp, trước tiên phóng quang, tức là tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ chiếu sáng mọi nơi6. Ánh sáng, trong cái nhìn của người đời, là tượng trưng cho sự khoái lạc, hạnh phúc, tự do. Trí tuệ quang trong Phật pháp, cũng bao hàm phước đức trang nghiêm (tất cả tự tại, an lạc). Y theo thế gian mà nói, thế [mọi người trên] thế gian đều hy vọng tiền đồ được quang minh (sáng sủa), được vô hạn quang minh. Vô hạn quang minh — trong sự hy vọng hạnh phúc, an lạc, tự do, sung mãn vô hạn sự an ủi, đây là mong cầu chung của toàn thể nhân loại.

Vô lượng thọ — thọ là sự diên tục (kéo dài) của sinh mệnh. Chúng sinh đối với sinh mệnh, có nguyện vọng được [sinh mệnh] vĩnh cửu. Nhân đây, đạo Thiên Chúa mới dạy mọi người quy y Thượng đế để được vĩnh sinh. Đạo Lão dạy mọi người trường sinh bất lão. Mọi người đều có nguyện vọng sinh mệnh vĩnh hằng, đây là đặc sắc của giáo thuyết thần ngã của ngoại đạo. Trong ý thức nhân loại, sự mong cầu được tồn tại vĩnh hằng, bất luận là có đúng thật như vậy hay không, nhưng đây đích xác là sự mong cầu chung của chúng sinh. Điều này, trong Phật pháp Đại thừa, nhiếp thủ và biểu hiện thành tư tưởng “Phật không nhập Niết bàn.” Không nhập Niết bàn, tức là thường trụ, mà cũng là sự yêu cầu “sinh mệnh vô hạn” của chúng sinh.7

Ánh sáng của Phật chiếu khắp mười phương, thọ mệnh của Phật trải suốt ba đời. Trong quang minh vô lượng, thọ mệnh vô hạn này, đại biểu cho đức tính chung của tất cả chư Phật, mà lại còn có thể thích ứng với sự yêu cầu vô hạn quang minh, và vô hạn thọ mệnh của chúng sinh. Nhân đây, Phật A Di Đà, không những chỉ đồng với tất cả chư Phật, một là tất cả, tất cả là một, mà vô hạn quang minh, vô lượng thọ mệnh, đích thật trở thành sự sùng bái tối cao của tất cả mọi người.

Trong Đại thừa hậu kỳ, đức Đại Nhật Như Lai trong Mật tông cũng tức là quang minh biến chiếu của thái dương mà hình thành. Thái dương, trong quan niệm thế tục, tức là ánh sáng vĩnh hằng. Hiện tại, những người tu trì Tịnh độ, thường xem trọng những sự kiện như kim sa bố địa, thất bảo hợp thành, v.v…, của thế giới Cực Lạc. Trong tư tưởng của Tịnh độ A Di Đà, điều này quả thật là quá tầm thường.

Vô lượng, vô lượng quang, vô lượng thọ là ý nghĩa chủ yếu của Phật A Di Đà. Thế nhưng, trong sự lưu truyền của tư tưởng A Di Đà, lại dung hợp với “A di rị đô (amṛta)”, như trong chú Vãng Sinh

(Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Đắc Sinh Tịnh Độ Đà La Ni) có nói đến A di rị đô. A di rị đô, hoặc còn dịch âm là A mật lật đa, trong truyền thuyết Ấn Độ, là thuốc bất tử (người Trung Quốc gọi là tiên đơn), dịch là cam lộ. Trong Phật pháp dùng thuật ngữ này để chỉ cho Niết bàn thường trụ, cho nên có những thuật ngữ như cam lộ vị, cam lộ môn, cam lộ đạo, cam lộ giới, cam lộ vũ, v.v… Âm điệu “A di rị đô” gần giống như A Di Đà, nhưng ý nghĩa lại chuyên môn biểu thị sự vĩnh hằng của Niết bàn, tương hợp với ý nghĩa của A Di Đà, cho nên đến Mật tông thì được gọi là A di rị đô.

B2. Phật A Di Đà và Phật A Súc.

Muốn hiểu rõ sự vĩ đại của Phật A Di Đà nên từ sự so sánh mà giảng giải. Hiện nay, trước tiên từ sự quan hệ giữa Phật A Di Đà và Phật A Súc mà giảng nói. Trong mười phương Tịnh độ, có hai cõi Phật cổ điển nhưng quan trọng là: (1) Thế giới Diệu Hỷ, hoặc gọi là thế giới Diệu Lạc, ở phương đông, có Phật hiệu là A Súc (Bất Động). (2) Thế giới Cực Lạc ở phương tây, có Phật hiệu là A Di Đà.

Cõi Phật A Súc có quan hệ mật thiết với Kinh Đại Bát Nhã, Kinh Duy Ma Cật chú trọng sự tu hành rộng lớn, trí chứng như như của Bồ tát.

Cuối đời Hán thì có bản dịch của Kinh A Súc Phật Quốc. Kinh nói: “Đức Phật này dùng hạnh nguyện rộng lớn, thành tựu thế giới vô cùng trang nghiêm. Sau khi Phật A Súc nhập Niết bàn, có Bồ tát Hương Tượng ở ngôi vị Bổ xứ.” Kinh Bát Nhã, xem trọng đại trí tuệ của Bồ tát, khi nói đến cõi Phật phương khác thì dùng cõi Phật A Súc ở phương đông, Bồ tát Hương Tượng, v.v…, làm thí dụ.8 Kinh Duy Ma Cật phát dương đại hạnh của Bồ tát, trang nghiêm cõi Phật. Điều này, trong Kinh Duy Ma Cật, phẩm Thấy Cõi Phật A Súc nói đến việc ngài Duy Ma Cật từ cõi Phật A Súc vãng sinh đến cõi này. Lúc ấy, đại chúng trong pháp hội nương thần lực của Duy Ma Cật thấy cõi Phật A Súc ở phương đông. Đây là Tịnh độ cổ điển ở phương đông trong thời kỳ Đại thừa mới hưng khởi. Kinh điển bàn đến sự vãng sinh về cõi Phật A Súc vẫn còn nhiều, chẳng qua không được phổ biến như thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà.

Cầu vãng sinh về cõi Phật A Súc tuy cũng có đề cập đến việc niệm Phật nhưng chú trọng đến sự dùng trí tuệ thắng nghĩa chứng đắc tịch diệt – pháp thân. Như Kinh Duy Ma Cật lúc đề cập đến quán Phật nói: “Quán thân thực tướng, quán Phật cũng vậy.” Kinh A Súc Phật Quốc cũng nói: “Như ông nhìn lên thấy hư không, quán Phật A Súc và các đệ tử cũng giống như vậy (như hư không).” Tất cả pháp như hư không tức là tất cả là pháp tánh, điều này tương đồng với tư tưởng Bát Nhã. Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc xem trọng niệm Phật và Tịnh độ, nhưng đối với phương diện (Bát Nhã) này rất là thiếu sót.

Lại nữa, có thể nói rằng Phật A Di Đà có quan hệ với phẩm Nhập Pháp Giới trong Kinh Hoa Nghiêm. Mười Đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc của ngài Phổ Hiền ở cuối phẩm Nhập Pháp Giới tuy phiên dịch tương đối trễ nhưng tư tưởng chắc chắn là vốn có rất sớm. Ngài Phật Đà Bạt Đà La dịch Kinh Văn Thù Sư Lợi Phát Nguyện tức là phần kệ tụng của phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Ngoài ra, ý nghĩa của các bản kinh dịch đời Đông Tấn như Kinh Văn Thù Sư Lợi Hối Quá, Kinh Tam Mạn Đà Bạt Đà La (Phổ Hiền) Bồ Tát  cũng giống như phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nghĩa là vãng sinh thế giới Cực Lạc. Lại như trong Sám Hối Văn xưng niệm Phật A Di Đà là Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật, trong Kinh Vô Lượng Thọ Phật, khi liệt kê đức hạnh của hàng Bồ tát có nói “đầy đủ đức hạnh Phổ Hiền.” Đây đều có thể thấy Phật A Di Đà có quan hệ với phẩm Nhập Pháp Giới – phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trong Kinh Hoa Nghiêm.

Trong phẩm Nhập Pháp Giới của Kinh Hoa Nghiêm, Đồng tử Thiện Tài đi cầu học với năm mươi ba vị thiện tri thức, vị thứ nhất là dạy pháp môn Niệm Phật. Quán niệm quốc độ, danh hiệu, tướng hảo, giáng sinh, thuyết pháp, v.v.., của Phật là từ quán giả tướng mà hạ thủ. Điều này so với Kinh Bát NhãKinh Quán A Súc Phật Quốc chú trọng đến quán chân không, hai pháp môn này có ít nhiều sự khác biệt. Quan điểm “kiêm tồn hữu tướng thuyết” của Kinh Hoa Nghiêm cùng với sự phát triển sau này của Mật tông và tư tưởng Tịnh độ Cực Lạc có một sự quan hệ mật thiết. Sự kiện Kinh Duy Ma Cật (còn gọi là Kinh Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát) và phẩm Nhập Pháp Giới (còn gọi là Kinh Đại Bất Tư Nghị Giải Thoát) có cùng tên gọi có một ý nghĩa đặc biệt mà chúng ta cần phải chú ý.9

Nói tóm lại, có Kinh Minh Nguyệt Đồng Tử nói Bồ tát Minh Nguyệt thoạt tiên phát tâm tu hành cầu sinh cõi Phật A Súc, rồi từ cõi Phật A Súc tái sinh về cõi Phật A Di Đà. Lại có Kinh Quyết Định Tổng Trì, nói đến câu chuyện vua Nguyệt Thí cúng dường Bồ tát Biện Tích. Vị Bồ tát Biện Tích này tức là Phật A Súc ở thế giới Đông phương, còn vua Nguyệt Thí tức là Phật A Di Đà. Từ hai bộ kinh này mà nhìn thì Phật A Súc là trước Phật A Di Đà. Thế nhưng Kinh Hiền Kiếp nói: “Vua Vô Ưu Duyệt Âm cúng dường hộ trì pháp sư Vô Hạn Lượng Bảo Âm. Pháp sư tức là Phật A Di Đà, còn vua tức là Phật A Súc. Một ngàn người con của vua tức là một ngàn vị Phật ở Hiền kiếp. Đây là trước ngàn vị Phật ở Hiền kiếp kết hợp hai Phật lại mà nói để nêu rõ Phật A Di Đà là trước Phật A Súc. Hai cõi Tịnh độ ở đông và tây tuy biểu hiện khác nhau, nhưng từ toàn thể Phật pháp mà nói: A Súc, dịch là Bất Động, biểu thị từ bi không sân, thường trụ ở Bồ đề tâm, y vào Bát nhã trí, chứng chân như lý, đây là chú trọng đến sự phát tâm và trí chứng. A Di Đà, dịch là vô lượng, dùng vô lượng đại nguyện của Bồ tát, như mười Đại nguyện hạnh mà Kinh Hoa Nghiêm đã đề cập để trang nghiêm công đức Phật quả, tất cả đều là vô lượng, bất khả tư nghì. Vô lượng – vô lượng thọ, vô lượng quang chú trọng đến quả đức của Phật. Cho nên Tịnh độ của Phật A Di Đà là Phật quả cứu cánh viên mãn, còn Tịnh độ của Phật A Súc là từ Bồ tát phát tâm chứng đắc Vô sinh pháp nhẫn. Hai vị Phật, hai cõi Tịnh độ này, một tại phía đông, một tại phía tây giống như mặt trời từ phía đông quay về phía tây, mà sự tu hành của Bồ tát, đầu tiên là chứng ngộ Pháp tính – phát Bồ đề tâm chân thật, từ đó tu hành đến lúc thành Phật, giống như mặt trời từ đông sang tây. Cõi Phật A Súc chú trọng đến “như như kiến đạo” của sự chứng chân, còn cõi Phật A Di Đà thì chú trọng đến “quang thọ vô lượng” của quả đức. Điều này trong Mật tông, Phật A Súc phía đông là Kim cang bộ, kim cang có nghĩa là kiên cố bất động, Phật A Di Đà phía tây là Liên hoa bộ, có nghĩa là trang nghiêm Phật quả.

Cho nên Tịnh độ, một ở bên đông, một ở bên tây, là nêu rõ con đường Bồ đề hoàn chỉnh từ sơ phát tâm cho đến khi thành tựu quả Phật của một vị Bồ tát. Mà cũng có thể giải thích: Phật A Di Đà là bổn tính trí, sinh khởi thỉ giác là Phật A Súc (trước là Phật A Di Đà, sau là Phật A Súc). Thế nhưng những hành giả niệm Phật hiện nay bỏ quên Đông phương (Phật A Súc) mà chỉ chú trọng một bên Tây phương (Phật A Di Đà), không biết rằng vô lượng quả đức của Như Lai cần phải phát xuất từ trí chứng Bất động của Bồ tát. Chỉ có “dĩ vô sở đắc (dùng trí Bát nhã)”, thì mới có thể “đắc vô sở ngại (được sự tự tại – Phật quả).” Bỏ quên sự triệt ngộ lý tính tức là không thể thực hiện tất cả quả đức. Do đó nếu chỉ đặc biệt xem trọng Tịnh độ Tây Phương thì không thể không chú trọng đến việc y vào quả đức mà sinh khởi lòng tin. Nếu không hiểu rõ chân ý của Phật pháp sẽ không thể tránh khỏi vấn đề là sẽ giống như những tôn giáo thần quyền chuyên xem trọng tín ngưỡng. Trong sự phát triển kiện toàn của Phật giáo Đại thừa, trong học trình hoàn chỉnh của hành giả Đại thừa, đối với sự triệt ngộ của lý tính và sự viên mãn của sự tướng không thể thiếu một trong hai.

Phật giáo Ấn Độ dần dần có khuynh hướng thiên lệch (nghiêng về một phía), còn Phật giáo Trung Quốc thì thỉ chung vẫn là chạy về một bên, nếu không bỏ sót cái này, thì là bỏ sót cái kia. Chẳng hạn như người tu Thiền không chịu tiệm tu, Tam tạng giáo điển đều là phế vật (đồ bỏ); còn người tu Tịnh độ thì chỉ chuyên tán ngưỡng quả đức, ít cầu phước huệ song tu, không cầu “lợi mình lợi người”, chỉ mong rời khỏi cõi đời ô trược này để vãng sinh Tịnh độ. Phật A Di Đà và Tịnh độ thì hầu như đàn bà con nít đều biết, còn Phật A Súc phương đông thì gần như không người nghe thấy, mà dù có nghe thấy cũng chẳng biết đó là cái gì. Đây là một sự tổn thất lớn lao cho tư tưởng Tịnh độ!

B3. Phật A Di Đà và Bồ tát Di Lặc.

Phật A Di Đà có Tịnh độ, Bồ tát Di Lặc cũng có Tịnh độ. Hiện nay từ sự quan hệ của hai loại Tịnh độ này mà thảo luận. Như phần trên đã đề cập đến, Bồ tát Di Lặc và mặt trăng có sự quan hệ, Phật A Di Đà và mặt trời có sự quan hệ. Ánh sáng mặt trăng và ánh sáng mặt trời không giống nhau. Phật A Di Đà, như ánh sáng mặt trời, là quang minh tạng cứu cánh vĩnh hằng. Bồ tát Di Lặc, như ánh sáng mặt trăng, là mặt trăng ở trong hắc ám cứu tế chúng sinh. Tịnh độ Tây Phương đại biểu sự cứu cánh thanh tịnh trang nghiêm của Phật quả. Tịnh độ Di Lặc đại biểu sự thực hiện lý tưởng tịnh độ ở ngay trong cõi đời ác năm trược. Cũng có thể nói Tịnh độ Tây Phương là Tịnh độ ở phương khác nên dễ bị hiểu lầm là chạy trốn hiện thực. Còn Tịnh độ Di Lặc là ở ngay trong thế giới này mà thành lập Tịnh độ. Phật A Di Đà là sự đặc thù hóa của mười phương chư Phật, tương tự, Bồ tát Di Lặc tuy không phải là sự đặc thù hóa của tất cả Phật, nhưng lại là sự đặc thù hóa của tất cả Phật trong thế giới Ta Bà này. Thế giới Ta Bà này, hiện nay được gọi là Hiền kiếp, trong Hiền kiếp này có ngàn Phật ra đời. Kinh Chánh Pháp Hoa nói: “Vào lúc lâm chung nhìn thấy ngàn Phật, không đọa ác thú, sau khi mệnh chung sinh lên trời Đâu Suất.” Vào lúc mệnh chung thấy được ngàn Phật tức là thấy ngàn Phật của Hiền kiếp. Sinh lên trời Đâu Suất tức là vãng sinh Tịnh độ Di Lặc. Y vào Kinh Quán Vô Lượng Thọ, v.v…, tu pháp quán Phật A Di Đà có thể thấy mười phương hiện tại Phật, vãng sinh thế giới Tây Phương Cực Lạc; còn như ngàn Phật trong Hiền kiếp ở thế giới Ta Bà này thực hiện Tịnh độ cũng bằng với Tịnh độ Đâu Suất. Ngàn Phật trong Hiền kiếp cũng tức là Phật Phật bình đẳng. Nhìn thấy ngàn Phật, sinh lên trời Đâu Suất, nếu so sánh với nhìn thấy tất cả Phật, vãng sinh cõi nước Cực Lạc thì có thể hiểu rõ ý nghĩa một cách dễ dàng.

Nếu ước định công đức cứu cánh viên mãn của quả Phật thì Tịnh độ Di Lặc không bằng Tịnh độ A Di Đà, nhưng nếu ước định sự tha thiết đem thân ở tại thế gian này để thực hiện Tịnh độ mà nói, những chúng sinh trong Hiền kiếp hy vọng cái thế giới đau khổ này được sự cứu tế, thì trên phương diện này, Đồng tử Nguyệt Quang xuất thế, cùng với Tịnh độ Di Lặc lại càng thiết thực hơn so với sự vãng sinh Tịnh độ A Di Đà. Chúng ta học Phật cần phải cầu thành tựu sự viên mãn cứu cánh của Phật, thế nhưng đối với sự yêu cầu tịnh hóa của thời đại này, đất nước này, thế giới này cũng phải nên xem xét đó là nhu cầu chính xác. Và chỉ trên điểm này, sự tín thọ hành trì Tịnh độ Di Lặc mới có một ý nghĩa đặc biệt!10

B4. Phật A Di Đà và Phật Dược Sư.

Lại đem Phật A Di Đà và Phật Dược Sư hợp lại để thuyết minh. Sự kiện Phật Dược Sư có quan hệ với Mật bộ, thoạt tiên được thấy trong Kinh Quán Đảnh Thần Chú trong Mật bộ. Từ danh nghĩa của Phật Dược Sư mà nói, biểu thị đức Phật là Đại y vương, cứu tế sự thống khổ của thế gian. Bản Kinh Dược Sư được dịch sau này, giống như Phật A Di Đà có bốn mươi tám đại nguyện, Phật Dược Sư cũng có mười hai đại nguyện, lại có dược xoa la sát làm hộ pháp, đây là Tạp mật, còn gọi là Sự bộ ở thời kỳ đầu. Những kinh điển Đại thừa sơ kỳ không có nói đến địa vị của các hộ pháp này. Khi bản kinh này được truyền dịch đến Trung Quốc, người Trung Quốc đối với thế giới Đông phương của Phật Dược Sư có một nhận thức rất đặc thù, tức là Đông phương tượng trưng cho vùng đất sinh trưởng, là đại biểu cho động cơ sinh trưởng, cho nên diễn biến thành sự tiêu tai diên thọ trong nhân gian hiện thực. Phật A Di Đà ở phương tây, phương tây đại biểu cho mùa thu, thuộc về khí tiêu sát, là hiện tượng tử vong. Tịnh Độ An Lạc Tập của ngài Đạo Xước khi giải thích tại sao Tịnh độ A Di Đà ở phương tây đã nói như sau: “Chỗ mặt trời mọc gọi là sinh, chỗ mặt trời lặn gọi là tử. Nương vào vùng đất chết mà thần minh thú nhập. Vì muốn phương tiện giúp đỡ cho nên Bồ tát Pháp Tạng thành Phật ở phương Tây, dùng lòng thương xót tiếp dẫn chúng sinh.” Cho nên Tịnh độ Tây phương là chỗ sinh về sau khi chết. Như vậy, Phật Dược Sư phương Đông trở thành tiêu tai diên thọ trong hiện tại, Phật A Di Đà phương Tây trở thành vãng sinh sau khi chết. Điều này trong tâm khảm của người Trung Quốc, hữu ý hoặc vô ý, trở thành một sự phân chia rất rõ ràng. Cho nên sau khi Tịnh độ A Di Đà trở nên thịnh hành, Phật pháp bị hiểu lầm học Phật tức là học chết. Đến đây có thể nói tư tưởng Tịnh độ A Di Đà đã bị biến chất.

Tịnh độ Tây Phương vốn đại biểu cho sự viên mãn vĩnh hằng và phước lạc của vô lượng thọ và vô lượng quang, chứ đâu phải giống như sự tưởng tượng tầm thường của những người hiện nay! Người Trung Quốc đặc biệt xem trọng Tịnh độ Tây Phương tức là xem trọng Phật đức mà bỏ quên trí chứng cùng đại hạnh của Bồ tát (Tịnh Độ A Súc) và cũng bỏ quên sự tín hành tịnh độ nhân gian hiện thực (Tịnh độ Di Lặc), đây đã là một sự phát triển thiên lệch. Đợi đến khi đối luận với Tịnh độ Dược Sư thì Tịnh độ A Di Đà cũng sẽ bị hiểu lầm là “đợi sự chết, trốn sự sống.” Đây đâu phải là ý nghĩa chân thật của Tịnh độ của Phật A Di Đà! Những người tín hành pháp môn Tịnh Độ A Di Đà phải nên khôi phục lại tinh thần cố hữu của đức Phật A Di Đà.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10