Tịnh Độ Tân Luận
淨土新論
 Đại sư Ấn Thuận giảng
Thích Quán Tạng tập chú
Thích Pháp Chánh dịch Đại sư


Tường Quang Tùng Thư
Phật lịch 2562 – TL 2018

 

A4. Tịnh độ Di Lặc.

Bồ tát Di Lặc đương lai hạ sinh thành Phật là điều mà toàn thể Phật pháp công nhận. Di Lặc, tiếng Phạn là Maitreya, tiếng Hán dịch là “từ” (nhân từ). Lúc tu nhân, ngài dùng tâm từ lợi tha làm điểm xuất phát cho nên dùng chữ “Từ” làm họ. Những người học Phật đều biết rằng Bồ tát Di Lặc đang ở trời Đâu Suất, nhưng không biết rằng Tịnh độ Di Lặc thật sự là ở nhân gian. Ngài Di Lặc, trong vị lai thành Phật, hiện nay ở Nội viện trên cung trời Đâu Suất, đây là tịnh hóa cõi trời. Kinh Phật Thuyết Di Lặc Thượng Sinh Đâu Suất Đà Thiên, nói rõ về vấn đề (tịnh hóa cõi trời) này. Cầu sinh Tịnh độ Đâu Suất, mục đích là muốn thân cận ngài Di Lặc, trong tương lai sẽ cùng với ngài giáng sinh để tịnh hóa nhân gian, để đạt đến sự thành thục thiện căn và giải thoát chứ không phải vì trời Đâu Suất có sự khoái lạc nào đó. Tư tưởng Tịnh độ Di Lặc lúc ban sơ chú trọng đến việc thực hiện Tịnh độ ở nhân gian chứ không phải ở cõi trời. Kinh Di Lặc Hạ Sinh đã có nói về điều này.

Kinh Di Lặc Hạ Sinh ở Trung Quốc đã từng được phiên dịch năm lần. Nói rằng khi ngài Di Lặc hạ sinh có luân vương trị thế. Ngài Di Lặc ở dưới cây Long Hoa thành Phật, thuyết pháp ba hội giáo hóa chúng sinh. Thực hiện nhân gian tịnh độ, thực hiện tịnh hóa thân tâm, sự song trùng tịnh hóa (chơn tục, y chánh) đồng thời hoàn thành. Đệ tử Phật đều chúc nguyện Bồ tát Di Lặc sớm xuống nhân gian bởi vì lúc đó là thời đại thực hiện nhân gian tịnh độ.

Tư tưởng về nhân gian tịnh độ của ngài Di Lặc xuất phát từ Kinh A Hàm, lúc ban sơ bao hàm hai phương diện (tịnh hóa cõi trời và tịnh hóa nhân gian). Thế nhưng những đệ tử đời sau của Phật tựa hồ đặc biệt xem trọng sự sinh lên Tịnh độ Đâu Suất mà quên đi sự hiện thực Tịnh độ nhân gian khi ngài Di Lặc hạ sinh. Đặc chất Tịnh độ của Phật giáo ban sơ bị quên lãng cho nên mới nghiêng về sự phát triển Tịnh độ cõi trời, Tịnh độ tha phương. Phật Pháp Khái Luận nói: “Nói đến Tịnh độ tha phương, cõi trời, vẫn không hay bằng nói đến Tịnh độ ở cõi nhân gian này.” Nói tóm lại, nghĩa thứ nhất của Tịnh độ Di Lặc là cầu mong ngài Di Lặc sớm hạ sinh nhân gian, tức là yêu cầu Tịnh độ nhân gian sớm được thực hiện. Còn như phát nguyện cầu sinh Đâu Suất cũng vẫn chỉ là vì muốn cùng ngài Di Lặc hạ sinh nhân gian, trọng tâm vẫn là Tịnh độ ở nhân gian.

Tuy ý nghĩa chân chánh của Tịnh độ Di Lặc dần dần bị lãng quên, nhưng Tịnh độ nhân gian cũng vẫn là sự yêu cầu chung của nhân loại, và cũng vẫn còn sôi động trong tâm khảm của hàng Phật tử. Đối với sự phát triển này, trước tiên nên nói đến sự quan hệ giữa Di Lặc và minh nguyệt (ánh sáng mặt trăng). Minh nguyệt là ánh sáng trong bóng tối (Hán: hắc ám) so với ánh sáng mặt trời có sự khác biệt. Thanh lương (mát mẻ) và quang minh (ánh sáng) là lý tưởng của hàng Phật tử. Kinh Di Lặc Đại Thành Phật tán thán ngài Di Lặc: “Quang minh đại tam muội, vô tỉ công đức nhân.1.” Kế đến nói: “Nam mô Mãn Nguyệt …. Nhất thiết trí nhân.” Ở đây, dùng ánh sáng của Mãn Nguyệt (mặt trăng tròn) để hình dung sự chứng ngộ của ngài Di Lặc. Kinh Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn cũng nói: “Biến chiếu minh tam muội, Phổ quang tam muội, Phổ chiếu minh tam muội, Bảo minh tam muội, Nguyệt đăng tam muội.” Do những câu kinh này, có thể chứng minh sự quan hệ của ngài Di Lặc và Nguyệt Quang. Điều này tượng trưng thế giới này là “ác thế ngũ trược”, thống khổ đầy dẫy, chỉ có sự từ bi cứu tế của ngài Di Lặc thì mới là ánh sáng (quang minh) phá tan bóng tối. Cho nên cũng chẳng lấy làm lạ là hàng Phật tử khẩn cầu sự thực hiện Tịnh độ nhân gian của Bồ tát Di Lặc. Như vậy thì mới có thể nói đến Đồng tử Nguyệt Quang, hoặc Bồ tát Đồng tử Nguyệt Quang. Bản sớm nhất của Kinh Nguyệt Quang Đồng Tử là do ngài Trúc Pháp Hộ dịch. Theo truyền thuyết, Đồng tử Nguyệt Quang, hoặc Bồ tát Nguyệt Quang là con trai của trưởng giả Đức Hộ. Ngài đã từng là người dùng cơm độc và hầm lửa để hại Phật. Đồng tử Nguyệt Quang, hoặc Bồ tát Nguyệt Quang cùng với tư tưởng của Bồ tát Di Lặc dung hợp cho nên có truyền thuyết cho rằng Đồng tử Nguyệt Quang xuất thế thì thiên hạ được thái bình. Một bản dịch khác của Kinh Nguyệt Quang Đồng Tử có tên là Kinh Thân Nhật ( 申日經) (có thể đoán là được dịch vào thời Phù Tần, hoặc Dao Tần), nói: “Nguyệt Quang Đồng Tử sẽ xuất hiện ở nước Tần, làm Thánh quân, thọ nhận giáo pháp của ta (Phật), hưng long đạo hóa.” Kinh Pháp Diệt Tận, một bản dịch vào đời Lưu Tống, cũng có lời dự ký: “Nguyệt Quang xuất thế gặp được bạn đạo, cùng nhau hưng long giáo pháp của ta được năm mươi hai năm.2” Lời tiên đoán về Đồng tử Nguyệt Quang, đã được lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc.

Như Phần Nghi Ngụy trong Xuất Tam Bảo Tập của ngài Tăng Hựu có ghi nhận những bộ kinh sách, như Quán Nguyệt Quang Bồ Tát Ký, Phật Bát , Di Lặc Hạ Giáo, v.v… Đời Tùy, Chúng Kinh Mục Lục của ngài Pháp Kinh cũng ghi thêm những bộ kinh như Kinh Thủ La Tỳ Khưu Kiến Nguyệt Quang Bồ Tát, v.v… Những bộ kinh sách được ghi nhận ở đây đều nói đến Trung Quốc trải qua thời kỳ vô cùng hỗn loạn, lâm đại hỏa tai thì có Đồng tử Nguyệt Quang xuất hiện trên đời. Đến lúc đó, thiên hạ phụng hành Phật pháp, thế giới thái bình. Chúng ta có thể cho rằng đây là những bộ ngụy kinh khả nghi, thế nhưng nguồn gốc của những truyền thuyết này vẫn là đến từ những bản dịch chính gốc. Vả lại điều này có thể nói chính xác rằng tư tưởng Tịnh độ Di Lặc tại nhân gian làm thế nào trong Phật giáo nhân gian rộng lớn tại Trung Quốc đã sinh khởi lên một niềm hy vọng mãnh liệt như vậy!

Đến đời Tùy, ngài Na Liên Đề Lê Da Xá dịch Kinh Đức Hộ Trưởng Giả (một bản dịch khác của Kinh Nguyệt Quang Đồng Tử), có nói: “Đồng tử này ở nước Đại Tùy, cõi Diêm Phù Đề, làm Đại quốc vương.” Lúc đó, trong tâm tư của hàng Phật tử, Tùy Văn Đế có khả năng thực hiện (Tịnh độ nhân gian), nhưng đến tay Tùy Dương Đế thì bị thất bại. Đời Đường, ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch Kinh Bảo Vũ, cũng nói: “Nguyệt Quang …. khoảng bốn, năm trăm năm, lúc pháp sắp diệt, ở nước Ma Ha Chi Na, phương đông bắc của Nam Thiệm Bộ Châu này, …. làm Tự tại vương.” Đây có ý ám chỉ Võ Tắc Thiên, thế nhưng cũng không thể phát triển hoàn thành. Loại tư tưởng này vĩnh viễn tồn tại trong tâm khảm của người Phật tử Trung Quốc.

Từ đời Thịnh Đường về sau, [tư tưởng Tịnh độ nhân gian] kết hợp với ngoại đạo Ma Ni Giáo, thai nghén thành tư tưởng “Minh vương xuất thế, thiên hạ thái bình.” (Đương thời, bổn tôn của Mật giáo, cũng đều được gọi là Minh vương). Đến cuối đời Nguyên, phát triển thành tổ chức bí mật, đây là Bạch Liên Giáo nổi danh trong lịch sử. Minh vương, trong lý tưởng của họ, cùng với tư tưởng Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Nguyệt Quang xuất thế, vẫn là có một sự nối kết truyền thừa. Bởi vậy, Bạch Liên Giáo cũng dùng câu “Thiên hạ đại loạn, Di Lặc xuất thế” làm hiệu triệu. Còn như tên gọi Bạch Liên Giáo là vì vào đời Triệu Tống có phong trào kết Bạch Liên Xã niệm Phật mọi nơi, trên từ tể tướng, dưới đến bình dân, đều vô cùng phổ biến. Thế nhưng, mục đích của Bạch Liên Xã là niệm Phật A Di Đà, cầu sinh Tây Phương, còn Bạch Liên Giáo, tuy chọn lấy danh nghĩa Bạch Liên, nhưng lại hy vọng Di Lặc hạ sinh, Tịnh độ nhân gian xuất hiện. Chẳng qua tư tưởng Phật giáo của họ càng lúc càng suy đồi, dung hợp tư tưởng ngoại đạo, xuyên qua tổ chức bí mật cho nên càng lúc càng trở nên thần bí. Đến thời kháng chiến (Trung Nhật), ở Quý Châu vẫn còn có một người họ Cung (龔) tự cho rằng mình là Phật Di Lặc xuất thế.

Tịnh độ nhân gian của ngài Di Lặc đem đến cho người Trung Quốc một ảnh hưởng cực kỳ lớn lao, điều đáng tiếc là Trung Quốc là thế giới của Nho giáo cho nên Phật giáo không thể thực hiện sự tịnh hóa chính trị, không thể đem tư tưởng Tịnh độ để thực hiện tại nhân gian, đạt đến sự phát triển chánh thường. Đời Minh, Chu Nguyên Chương (vua đầu nhà Minh) đã từng xuất gia, lại cũng đã từng gia nhập Bạch Liên Giáo. Chu Nguyên Chương, vì không còn kế sinh nhai, tuy đã xuất gia làm hòa thượng nhưng lại thiếu sót nhận thức chân chánh về Phật giáo, cho nên (sau khi lên vua) trong khi phát triển thắng lợi chính trị, ông đã kết hợp tư tưởng Nho giáo, bội phản nguyện vọng tươi sáng của nhân dân, dần dần xa cách với tư tưởng Tịnh độ của Di Lặc. Chu Nguyên Chương kiến lập chính quyền, có thể nói rằng về phương diện độc tài thì ông càng độc tài hơn bất cứ vị vua nào, về phương diện phong kiến, thì ông lại càng phong kiến hơn bất cứ vị vua nào.

Tư tưởng Đồng tử Nguyệt Quang xuất thế và tư tưởng Di Lặc hạ sinh đã phát triển hơn ngàn năm qua, cổ võ sự yêu cầu và hiện thực Tịnh độ nhân gian, nhưng luôn luôn bị nền văn hóa (cổ hủ) của đất nước mình (Trung Quốc) làm chướng ngại nên chưa bao giờ thực hiện được. Do đó, khi nói đến Tịnh độ Di Lặc cần phải hiểu rõ cái đặc tính Tịnh độ nhân gian này. Có người đã quên đi Tịnh độ nhân gian mà chỉ còn sót lại phần tư tưởng cầu sinh Tịnh độ Đâu Suất. Lại còn cho rằng cầu sinh Đâu Suất dễ dàng hơn so với cầu sinh Tây phương Tịnh độ, đây là một giáo thuyết chẳng có ý nghĩa hay ho gì!3

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10