Tịnh Độ Tân Luận
淨土新論
 Đại sư Ấn Thuận giảng
Thích Quán Tạng tập chú
Thích Pháp Chánh dịch Đại sư


Tường Quang Tùng Thư
Phật lịch 2562 – TL 2018

 

A3. Tình huống tổng quát của tịnh độ.

Tịnh độ là thế giới lý tưởng, tùy vào sự khác biệt của căn tính chúng sinh, của xã hội văn hóa mà truyền ra các loại tịnh độ khác nhau. Tịnh độ là thế giới lý tưởng mà toàn thể nhân loại mong cầu, đây vốn là điều tự nhiên mà cũng rất phổ thông. Thế nhưng, tư tưởng Tịnh độ của Phật giáo là từ văn hóa Ấn Độ phát triển hình thành. Cảnh giới của Tịnh độ được trình bày, đương nhiên là kết hợp – thích ứng với hoàn cảnh văn hóa Ấn Độ cùng với tư tưởng đặc trưng của họ, đây là điểm mà chúng ta cần phải chú ý 1.

Bàn luận đến tình huống Tịnh độ mà Phật giáo đề cập đến, không phải chỉ là đại địa (y báo), cho nên phân làm hai phương diện để thảo luận: tịnh hóa tự nhiên giới (thế giới), và tịnh hóa chúng sinh giới.

B1. Tịnh hóa tự nhiên giới.

Có bốn điểm đặc trưng.

1) Bằng phẳng: Trong tất cả Tịnh độ của Phật giáo chưa từng nói có núi đồi hầm hố và biển lớn sông dài, thậm chí cũng không có gai góc sỏi đá. Hoàn cảnh phát triển của Phật giáo ở Ấn Độ — lưu vực sông Hằng là một đại bình nguyên. Trong tâm ý (Hán: ý cảnh 意境) của các bậc cổ thánh tiên hiền, núi sông là những cách trở, lại phát sinh nhiều tai nạn, nhân đây mà có ý niệm Tịnh độ là một đại bình nguyên. Giả như các ngài quen thuộc với cõi nước có núi non, hoặc các hải đảo vùng biển, đối với núi biển phát sinh hứng thú thì có lẽ đã miêu tả các cõi Tịnh độ như Bồng Lai Tiên Đảo (蓬萊仙島), hoặc Cô Xạ Tiên Sơn (姑射仙山).

2) Chỉnh tề: Đặc trưng của văn hóa Ấn Độ là cầu sự phát triển cân xứng (Hán: quân hành 均衡). Cho nên biểu hiện sự tương đồng ở bốn phía đông tây nam bắc, bốn góc và trên dưới, nêu rõ sự đặc biệt chỉnh tề. Như cây cối trong cõi Tịnh độ đều là nhánh nhánh đối xứng, lá lá tương đương. Mỗi hàng cây báu, cao thấp, khoảng cách phi thường tề chỉnh giống như một đồ án đầy đủ những nét đẹp cân xứng, đây là nét đẹp đặc trưng của Tịnh độ trong kinh điển Phật giáo. Quan niệm của người Trung Quốc về nét đẹp thiên nhiên không giống như người Ấn Độ, những biểu hiện của những bức tranh sơn thủy đều có sự biến hóa sai khác, ít có sự miêu tả cân xứng tề chỉnh.

3) Khiết tịnh: trong cõi Tịnh độ không có sự nhơ uế, nhất trần bất nhiễm, ngay cả đáy ao hồ cũng toàn là cát vàng, chứ không phải cát bùn.

4) Phú lệ (giàu có đẹp đẽ): chẳng hạn như cát vàng rải trên mặt đất, cây thất bảo thành hàng, cực kỳ phú lệ đường hoàng. Có người cho rằng văn hóa Ấn Độ, hoặc văn hóa Phật giáo có khuynh hướng duy tâm, nhưng nếu nhìn từ kinh điển Phật giáo, quyết chắc không phải như vậy. Sự biểu hiện của Tịnh độ, đối với vật chất thiên nhiên, rõ ràng là phong phú thiết thực biết bao.

Phật giáo Thanh văn chú trọng đến sự ít muốn biết đủ, nhưng Phật giáo Đại thừa, trái lại, từ tâm cảnh ít muốn biết đủ, tích cực phát biểu sự trang nghiêm phú lệ đường hoàng, hùng vĩ to lớn, hoàn toàn không có chút gì là cùng khổ bần hàn. Như khi nói đến cây cối, điện đường, lầu các, v.v…, đều là nói đến vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não, v.v…, các loại báu hợp thành. Chúng ta phải hiểu rõ, đây là sự miêu tả trung thực trong tâm cảnh của người học Phật.

Từ sự tướng khác biệt mà nói.

1) Tịnh độ đầy đủ sự đẹp của vườn rừng: Chẳng hạn như cây báu thành hàng, hoa báu nở rộ, trái cây đầy ắp, ao hồ khắp nơi (Hán: trì chiểu bi đường 池沼陂塘), v.v… Trong cõi Tịnh độ không có loài thú, mà chỉ có các loại chim báu, các loài chim vừa xinh đẹp, vừa khéo ca xướng, như bạch hạc, khổng tước, anh võ, xá lợi, v.v… Cảnh giới Tịnh độ sống động giống như một công viên vĩ đại.

2) Tịnh độ lại đầy đủ những kiến trúc mỹ lệ: Chẳng hạn như đường xá bằng phẳng, trơn láng, rộng rãi, thẳng tắp. Những người đã cư trú ở những đô thị đời nay có thể hiểu rõ ít nhiều. Bên lề đường có hàng cây rất giống như những đường lộ hiện đại hóa. Trong cõi Tịnh độ có lầu các, bốn phía có hàng rào, trang nghiêm phú lệ. Lại có ao tắm, điều này rất quan trọng đối với dân tộc ở miền nhiệt đới. Lại có những vật báu trang nghiêm lầu các, như linh báu, tràng, phan, bảo cái, màng lưới, v.v…

Từ những sự trang trí an bài vật chất mà nhìn, Tịnh độ quả thật là vô cùng đầy đủ những sự vui ngũ dục. Lại như, cây hoa vườn rừng, nơi nào cũng thơm ngát. Trong Tịnh độ chỉ có ánh sáng, mà không có sự đen tối, tất cả đều có màu sắc mỹ lệ. Tiếng chim, tiếng linh, tiếng gió, tiếng nước đều là những âm nhạc mỹ diệu. Tất cả đều là những nhạc khúc tiết tấu vi diệu. Lại nữa, trong cõi Tịnh độ, đường xá, trụ xứ đều giống như lụa đâu la miên, mềm mại, thích ý, cũng giống như giường nệm, ghế sô pha hiện đại. Những sự vật này đều thuộc về sự tịnh hóa thế giới. Còn như thế giới hiện nay của chúng ta, nếu chỉ nói riêng về mặt vật chất, nhờ sự tiến bộ của khoa học, cũng đã có khả năng thực hiện được một phần [của cõi Tịnh độ].

B2. Tịnh hóa chúng sinh.

Tịnh độ không phải chỉ là sự thanh tịnh mỹ lệ của tự nhiên giới mà cũng phải có sự tịnh hóa chúng sinh, tức là tịnh hóa xã hội. Điều này có thể bàn thảo từ ba phương diện.

C1. Tịnh hóa sinh hoạt kinh tế.

Nếu như không giải quyết vấn đề kinh tế thì dù thân ở ngay phồn hoa đô hội vẫn phải chịu rất nhiều thống khổ. Nhân đây trong Tịnh độ đặc biệt đề cập đến những sự việc liên quan đến vật chất, như y phục, thực phẩm, giải trí, v.v… Trong cõi Tịnh độ, “mỗi người đều được những gì mình cần, mỗi người đều có những gì mình muốn (Hán: các thủ sở nhu, các đắc sở thích 各取所需,各得所適).” Tài sản vật chất, không thuộc về bất cứ cá nhân nào, hoặc bất cứ phe phái nào, mà thuộc về tất cả mọi người, cùng sở hữu, cùng hưởng dụng. Thế gian cũng có lý tưởng của một chủ nghĩa xã hội là “mỗi người đều đóng góp hết khả năng, mỗi người đều được những gì mình cần (Hán: các tận khả năng, các thủ sở nhu 各盡所能,各取所需).”

Trong Tịnh độ, sự hưởng thụ vật chất đều là tùy tâm sở thích mà thọ dụng, không có hiện tượng trộm cắp, cưỡng đoạt, chiếm hữu, tư sản (của riêng). Liên quan đến kinh tế sinh hoạt vật chất, cần phải có hai phương diện: sản xuất và tiêu phí. Trong hai vấn đề này, tiêu phí so với sản xuất, hình như có vẻ khó khăn hơn, cho nên người xưa đã có nói: “Không lo ít, mà chỉ lo không không công bằng (Hán: bất hoạn quả nhi hoạn bất quân 不患寡而患不均). Trong xã hội thông thường, có một số người hưởng dụng, tích trữ nhiều hơn nhu cầu của họ; trong khi có một số người lại không có được những nhu cầu hợp lý; đây là căn nguyên cho sự động loạn của xã hội. Dù cho sản vật tràn đầy mặt đất, nếu như phân phối không hợp lý, vẫn không tránh khỏi sự tranh đấu, mà không chừng lại còn loạn lạc hơn [lúc không có vật chất]. Cho nên, trong các Tịnh độ của Phật giáo đặc biệt chú trọng đến sự tiêu phí cân xứng, đầy đủ. Khoa học tiến bộ, nếu như xã hội có thể canh tân hợp lý, mỗi người làm việc hai, ba tiếng đồng hồ, hoặc giả, không cần phải làm lâu như vậy, nhưng sinh hoạt của mỗi người đều có thể phong phú đầy đủ. Nếu có thể đạt đến cảnh giới của thế giới đại đồng thì cũng có thể nói là đã thực hiện được một phần Tịnh độ của Phật giáo. Cho nên Đại sư Thái Hư nói: “Trên mặt [tư tưởng] chính trị, chủ nghĩa xã hội không có chánh phủ cũng rất gần với tư tưởng Phật giáo.”

C2. Tịnh hóa sinh hoạt quần chúng.

1) Xa lìa gia đình nam nữ. Tịnh độ của Phật giáo, có hai loại: (a) Tịnh độ nhân gian (chung cho Ngũ thừa), như Tịnh độ Di Lặc trong tương lai, hoặc Bắc Cu Lô Châu, trong đây đều có nam nữ. (b) Tịnh độ chỉ riêng cho Đại thừa, không có nam nữ khác biệt (nghĩa là không có nam cũng không có nữ). Trong những Tịnh độ có cả nam lẫn nữ, ví dụ như Bắc Cu Lô Châu, cũng không có tập tục nam nữ chiếm hữu lẫn nhau. Theo như Phật pháp nói, tất cả của cải vật chất, như y phục, thực phẩm, v.v…, đều không được chiếm là của riêng. Gia đình lấy sự chiếm hữu lẫn nhau của vợ chồng làm cơ sở mà xúc tiến thành sự kết hợp kinh tế riêng tư. Có gia đình thì thế gian mới đưa đến những sự đấu tranh đầy dẫy thống khổ. Đương nhiên căn nguyên vẫn là do phiền não của nội tâm. Phật Pháp Khái Luận2 dẫn các kinh điển như Kinh Khởi Thế Nhân Quả, v.v…, lúc nói đến sự phát triển xã hội đã từng đàm luận đến vấn đề: có gia đình, bèn khuếch đại thành sự tương tranh không ngừng giữa chủng tộc, quốc gia, chánh trị, đây đều là bắt nguồn từ kinh tế tư hữu, cùng sự hổ tương chiếm đoạt nam nữ. Điều kiện tối thiểu của Tịnh độ là trừ bỏ [quan niệm] gia đình nam nữ chiếm hữu lẫn nhau, hoặc tuy có hình thức gia đình, nhưng không có nội dung chiếm hữu tư dục.

2) Tịnh độ không có giới hạn chủng tộc. Chẳng hạn như Úc Châu (Australia) có chánh sách hà khắc hạn chế sự nhập cảnh của dân da màu. Bởi vì có ưu việt cảm của chủng tộc, nên thường đưa đến sự đấu tranh chủng tộc. Đây là một căn nguyên cho tội ác trên thế gian. Tịnh độ không có sự sai biệt này. Những người sinh về Tịnh độ chỉ thuần một màu hoàng kim. Danh từ “chủng tộc”, tiếng Ấn Độ là varṇa, nguyên là chữ “sắc”, tức là từ sự khác biệt của màu da và hình sắc mà phân thành chủng tộc. Tịnh độ của Phật giáo không có sự phân biệt màu da, tức là không có giới hạn chủng tộc. Những chủ nghĩa hẹp hòi về quốc gia, chủng tộc là tội ác thế gian chứ không phải Tịnh độ.

3) Tịnh độ không có phân biệt mạnh yếu nên không có xâm lược, áp bức, khinh khi, v.v… Học đức cao siêu, thái độ thân thiện, giúp đỡ người khác, mà không so đo phân biệt. Cho nên trong Tịnh độ chắc chắn không có “ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ thế hiếp cô.”

4) Tịnh độ không có thù địch. Trong kinh thường nói: “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ.” Tất cả nhìn nhau thân ái, đối xử nhau như những người thân yêu.

Nói tóm lại, Tịnh độ thiên trọng đến việc quần chúng cư xử hòa hợp, siêu vượt chế độ gia đình chiếm hữu và chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi. Chỉ có sự thân ái mà không có thù địch, đây mới thật là đạt đến trình độ “thiên hạ một nhà, thế giới đại đồng.” Nếu không, dù là dùng sức mạnh cưỡng bách thế giới thành một nhà thì cũng chỉ là “ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ thế hiếp cô” mà thôi, và cũng chẳng hề giống như Tịnh độ.

Nói đến vua, Tịnh độ cũng có hai loại. Loại thứ nhất có vua thống trị, như nói trong tương lai, lúc ngài Di Lặc hạ sinh, có luân vương trị thế. Kim luân thánh vương không cần phải dùng đến võ lực mà vẫn có thể thống trị thiên hạ. Hoàn toàn do tư tưởng đạo đức cảm hóa khiến cho nhân loại, trong sinh hoạt lý tưởng, mỗi người đều có thể xử sự hài hòa. Loại Tịnh độ này vẫn còn có tổ chức chính trị3.

Loại thứ hai không có vua. Đây là Tịnh độ riêng cho Đại thừa. Đức Phật thường được gọi là Pháp vương. Đây không có nghĩa là đức Phật thống trị quần chúng ở Tịnh độ, mà chỉ là nhân dân tiếp thọ sự giáo hóa của đức Phật trên mặt tư tưởng, hành vi, v.v…, đều là để mong mỏi đạt đến quả vị cứu cánh viên mãn. Loại Tịnh độ này không có hình thái tổ chức chính trị, giống như mọi người hiện nay đề cập đến chủ nghĩa vô chính phủ.

C3. Tịnh hóa thân tâm.

Thọ sinh trong cõi Tịnh độ, dưới sự giáo đạo của chư vị thượng thiện nhân, mỗi người đều hướng tiền tiến bộ. Mọi người đều dùng lý tưởng Phật pháp (trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh), đi theo con đường mà đức Phật đã chỉ dẫn để tu học. Xa lìa tham sân si cho nên không có sự khổ đau của lão bệnh tử. Mọi người đều không thoái thất tâm Bồ đề, nhất tâm nhất ý tu học, vì lợi lạc chúng sinh mà phát tâm tiến nhập Đại thừa.

Tịnh độ có sự quan hệ đến tịnh hóa chúng sinh, cần phải đầy đủ những đặc chất: tự do và bình đẳng. Tuy nhiên, sự bình đẳng và tự do của Tịnh độ chú trọng đến sự giáo hóa tư tưởng. Tịnh hóa thân tâm của chúng sinh, đạt đến vô ngã, vô ngã sở, đây chắc chắn không phải do phát triển tự ngã mà là từ trong sự thống chế nghiêm mật mà đạt được. Nhìn từ lập trường Phật pháp, tư tưởng thông thường của thế gian đều xuất phát từ ngã, ngã sở . Cho nên khó mà đạt đến cảnh giới lý tưởng. Tư tưởng Tịnh độ của Phật giáo là do đáp ứng sự yêu cầu chung của nhân loại mà xuất hiện. Nhưng lý tưởng và phương pháp để đạt đến Tịnh độ so với tư tưởng thông thường của thế gian có một sự khác biệt lớn lao. Đó là Phật pháp đứng trên lập trường vô ngã vô ngã sở để thực hiện Tịnh độ tự do bình đẳng. Các học giả Tịnh độ cần phải lý giải chính xác cảnh giới của Tịnh độ.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10