Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh
Chư Tôn Bộ 4
Quyển 47 – Số 1975
Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận
Tuyển: Sa Môn Truyền Đăng
Việt dịch: Sa môn Thích Hồng Nhơn

Lời tựa

Pháp môn Tịnh độ lớn không gì ngoài, tất cả pháp môn đều từ pháp giới này mà lưu xuất, tất cả hành môn đều trở về với pháp giới này. Thật ra, Đạo để chư Phật viên mãn Bồ đề thành trước thành sau và cũng là pháp để chúng sanh nương nhờ sức từ của Phật mà liễu sanh thoát tử. Lý của nó thì rất sâu xa, mà sự của nó lại rất dễ dàng, nên có rất nhiều người chưa có thể biết chỗ triệt để của nó. Hoặc có người cầu phước báo trời người, không dám đưa vai gánh vác, hoặc có người bỏ tin nguyện cầu sanh, chuyên khán niệm Phật là ai, bèn đem pháp đức Như Lai, khắp vì tất cả hàng thượng thánh hạ phàm, đặc biệt lập pháp môn, nương theo từ lực của Phật, liền dự vào Liên trì hải hội, biến thành phương pháp tự lực, đã không tin nguyện, dù thân thấy là ai đi nữa, cũng chỉ là đại triệt đại ngộ mà thôi. Nếu như phiền não hoặc nghiệp chưa hết, thì theo con đường cũ mà chịu cảnh luân hồi. Cảnh duyên trược ác người mê mất chánh niệm rất nhiều, muốn khỏi sanh tử, không biết bao giờ ra khỏi, thật đáng thương thay.

Đại sư Truyền Đăng nương theo đại nguyện, chỉ bảo chúng sanh, mở giáo pháp giải tôn thú, ngộ tự tâm, chuyên tu tịnh nghiệp, khắp lợi trời người, thương xót người đời mê muội, không biết thế giới Cực lạc ở phương Tây, nguyên là duy tâm tịnh độ. Đạo sư A Di Đà Phật nguyên là Tự Tánh Di Đà, bỏ sự thật, chấp lý không, dạy mọi người niệm tự tánh Di Đà, sanh duy tâm tịnh độ. Muốn đem đạo phổ lợi phàm thánh của Như Lai, nhận làm pháp tiêu biểu cho ngụ ngôn, chỉ mong đốn ngộ, ngoài ra không kể đến cõi Tịnh độ có thật. Đó mới là việc làm của người cao siêu. Trái lại, không bằng người quê mùa, nhờ niệm Phật có thể lần hiểu trí Phật, thầm hợp diệu đạo, cảm ứng hợp nhau, nhờ Phật tiếp dẫn, liền được vãng sanh.

Cái bệnh này là do những người thích làm cao, ưa việc đặc biệt, thật sự, họ chưa hiểu rõ cao minh và thù thắng là đem lại cho người nhiều lợi ích, rồi cứ tự đại tự cao, cuối cùng, tưởng mình hay, trở thành dỡ, mong tiến lên, mà bị rơi xuống, thật đáng thương.

Đại sư vì lòng thương xót vô hạn, đặc biệt viết Luận Tịnh Độ Sanh Vô Sanh, chỉ bày tâm Phật, chúng sanh là đều không có sai khác. Tâm tánh này đủ vô lượng đức, chẳng biến mà theo duyên, theo duyên mà không biến đổi, ở phàm không giảm, ở thánh không thêm, do mê ngộ chẳng đồng, nên có mười cõi sai khác. Chính mười cõi này, mỗi cõi đều từ tâm có đủ, tâm tạo ra, tâm làm, tâm là, cầu sanh về Tây phương là chơn vô sanh. Vì khi sanh thì tâm có đủ, tâm tạo ra, tâm làm, tâm là Tây phương, chẳng phải như những người chấp lý bỏ sự. Họ chấp không, nên nói có tên, thật không có cảnh Tây phương, bèn quyết định sanh mà không có tướng sanh, quyết định vô sanh mà không có tướng của vô sanh, đó là sanh mà vô sanh. Theo Đại sư thì tin, nguyện, niệm Phật cầu sanh, ở nơi chính mình, Tây phương do tâm có đủ tâm tạo ra, tâm làm Phật, tâm là Phật. Nên tuy sanh mà không có tướng sanh, tuy vô sanh mà không trụ tướng vô sanh. Đây chính là đại chỉ của Luận sanh vô sanh vậy. Hiểu được chỗ này, thì đâu có ai bằng lòng ngược theo tánh mà làm, từ nhơn quả tam đồ lục đạo sẽ thành nhơn quả xuất thế gian Tam thừa, lần đến nhơn quả Vô thượng bồ đề.

Mười chương trong luận này, mỗi chương đều dùng tâm cụ chỉ thẳng vào tự tánh vốn tự đầy đủ, tâm thể chỉ thẳng tự tánh vốn thanh tịnh, không dao động, không sanh diệt và tâm lượng chỉ thẳng tự tánh hay sanh muôn pháp, tâm quán Phật, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật, chính là yếu chỉ của Ba quán và Ba đế. Đồng thời phát huy được thâm ý của cùng tư, thân gặp minh châu trong túi áo, và lữ hành cô khách nhận được đường trở lại cố hương. Trên hợp với tâm Phật, dưới hợp với thời cơ, nên khi luận đã thành, Ngài đem ra diễn giảng, thiên nhạc trổi trên không, toàn chúng đồng nghe, điều đó chứng minh giá trị của bộ luận này rồi.

Mùa hạ năm nay, nhơn đọc Tịnh Độ Tùng Thư, xem đến luận này, lời lời châu ngọc, hiển bày lý thể chơn như, hàng hàng gấm thêu, thâm phò thật tướng, lời mầu nhiệm sánh như thiên hoa, ý thâm trầm tợ như thiên nhạc. Dám mong mọi người đọc đến, đồng hiểu rõ nghĩa tâm cụ, tâm tạo, tâm tác, tâm thị, dùng tin sâu, nguyện thiết, chí thành niệm Phật, cầu sanh Tây phương, mới không phụ lòng của Đại sư tạo luận.

Quý Hạ Nhâm Ngọ
Hồng Nhơn kỉnh tự

Tịnh Độ Sanh Vô Sanh

Cúi lạy Năng Nhơn trí viên mãn,
Cực lạc giáo chủ Đại đạo sư.
Kinh Vô lượng thọ chỉ An dưỡng,
Đại thừa liễu nghĩa thật viên đốn.
Diệu Đức, Phổ Hiển, Quán tự Tại,
Thế Chí, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng.
Mã Minh, Long Thọ và Thiên Thân,
Cõi này Lô sơn Tổ Liên Xã.
Thiên Thai Trí Giả và Pháp Trí,
Pháp sư hoằng pháp tự xưa nay.
Con nay nương về lễ Tam bảo,
Mong được âm thầm giúp đở cho.
Con nhặt mật chỉ các kinh luận,
Diễn bày Tịnh độ sanh vô sanh,
Mong cho đời sau gặp luận này,
Dứt nghi tin nhận không lui sụt.

Luận chủ tạo luận này lập thành mười môn:

  1. Nhất chơn pháp giới
  2. Thân cõi duyên khởi
  3. Tâm cõi liên hệ nhau
  4. Chúng sanh và Phật không hai
  5. Pháp giới là một niệm
  6. Cảnh quán hòa nhau
  7. Ba  quán như vậy
  8. Cảm ứng tương quan
  9. Kia đây luôn là một
  10. Hiện tại và vị lai hòa hợp nhau

1/. Nhất Chơn Pháp Giới

Khải đề:

Trong một chơn pháp tánh
Mười pháp giới đủ đầy
Bao gồm hết y chánh
Phật ta không khác gì?

Luận rằng: Nhất chơn pháp giới là tâm tánh sẳn có của chúng sanh, tâm tánh này đủ vô lượng đức, nhận vô lượng tên. Vì sao gọi là đủ vô lượng đức? Nói một cách đơn giản là tánh thể, tánh lượng và tánh cụ.

Vì sao gọi là tánh thể? Tâm tánh này lìa tứ cú, dứt bách phi, thể tánh rắn chắc, trong sạch không nhiễm, chẳng sanh chẳng diệt, thường còn không hư hoại.

Vì sao gọi là tánh lượng? Tâm tánh này dọc cùng ba đời, ngang khắp mười phương, thế giới có bờ mé, hư không không bờ mé, hư không có bờ mé, tâm tánh không bờ mé, hiện tại có bờ mé, quá khứ vị lai không bờ mé, quá khứ vị lai có bờ mé, tâm tánh không bờ mé, không cùng không cùng, không lượng không lượng.

Vì sao gọi tánh cụ? Tâm tánh này có đủ mười pháp giới là pháp giới Phật, pháp giới Bồ tát, pháp giới Duyên giác, pháp giới Thanh văn, pháp giới Trời, pháp giới Tu la, pháp giới người, pháp giới súc sanh, pháp giới ngạ quỷ, pháp giới địa ngục, đây là tên giả.

Lại có chánh báo gọi là ngũ ấm Phật, ngũ ấm Bồ tát cho đến ngũ ấm địa ngục, đây là pháp thật. Lại có y báo là quốc độ Phật, quốc độ Bồ tát cho đến quốc độ địa ngục.

Hôm nay, giải cho dễ hiểu, nên có ba thứ phân biệt: Đắc ý mà nói, chính tánh cụ là tánh thể, tánh lượng. Tánh thể lìa lỗi dứt phi. Chính tánh cụ mười pháp giới lìa lỗi dứt phi. Tánh thể thể tánh rắn chắc, thanh tịnh không nhiễm, không sanh không diệt, thường còn không hoại. Tánh cụ mười pháp giới cũng như vậy. Tánh lượng dọc cùng, ngang khắp vô tận vô tận, vô lượng vô lượng. Tánh cụ mười pháp giới cũng vậy. Ngũ ấm chánh báo đồng với tánh thể, tánh lượng, thanh tịnh, cùng khắp quốc độ, y báo cũng vậy. Ba pháp này cũng gọi là ba đế. Tánh thể tức trung đế, tánh lượng là chơn đế, tánh cụ là tục đế. Nên kinh Lăng nghiêm nói: Như Lai tạng, tâm bổn diệu viên, chẳng phải tâm, chẳng phải không, chẳng phải đất nước gió lửa, chẳng phải mắt tai mũi lưỡi thân ý, chẳng phải sắc thanh hương vị xúc pháp, chẳng phải nhãn giới, cho đến chẳng phải ý thức giới, chẳng phải vô minh, cho đến chẳng phải lão tử, chẳng phải hết vô minh cho đến chẳng phải hết lão tử, chẳng phải khổ tặp diệt đạo, chẳng phải trí, chẳng phải đắc, chẳng phải đàn na (bố thí) cho đến chẳng phải Bát lặt nhã (trí huệ), chẳng phải Đát thát A kiệt (Như Lai), chẳng phải A la Ha (ứng cúng), chẳng phải Tam da Tam bố (chánh biến tri), chẳng phải thường lạc ngã tịnh. Đây tức là vô tướng của tánh lượng, cũng là chơn đế. Nhưng Như lai tạng và Nguyên minh diệu tâm là tâm, là không, là đất nước gió lửa, là lục phàm, là nhị thừa, cho đến là Như Lai thường lạc ngã tịnh. Đây là tánh cụ mười giới, cũng là tục đế.

Như Lai tạng và Nguyên minh diệu tâm lìa tức (là) lìa chẳng phải, là tức là phi (chẳng phải) tức. Đây là tánh thể, bao gồm hết, gọi là trung đế. Lại nói: Như lai tạng là tánh sắc chơn không, tánh không chơn sắc, thanh tịnh bản nhiên, trùm khắp pháp giới, đất nước gió lửa không kiến thức đều cũng như vậy. Đất nước gió lửa không kiến thức là tánh cụ, thanh tịnh bản nhiên là tánh thể, trùm khắp pháp giới là tánh lượng. Lại nữa, đất nước gió lửa không thanh tịnh bản nhiên trùm khắp pháp giới là tánh thể, tánh lượng của quốc độ y báo. kiến thức thanh tịnh bản nhiên trùm khắp pháp giới là ngũ ấm chánh báo tánh thể tánh lượng.

Vì sao có vô lượng tên? Nói tóm lại, tâm tánh này hoặc gọi là Không Như lai tàng, hoặc gọi Chơn như, Phật tánh, hoặc gọi Yêm ma la thức, hoặc gọi Đại viên cảnh trí, hoặc gọi Bồ đề, Niết bàn.

Tánh thể tánh lượng gọi Không như lai tàng. Chính là tánh có đủ mười giới, năm ấm, quốc độ gọi Như Lai tàng. Tánh thể, tánh lượng gọi Chơn như Phật tánh, chính là tánh có đủ các thứ, gọi Chơn như Phật Tánh. Tánh thể, tánh lượng gọi Yêm ma la thức, chính là tánh này có đủ các thức gọi Yêm ma la thức. Tánh thể, tánh lượng gọi Đại viên cảnh trí là tánh này có đủ các thứ, gọi Đại viên cảnh trí. Tánh thể, tánh lượng gọi Bồ đề Niết bàn, là tánh ấy có đầy đủ các thứ gọi Bồ đề Niết bàn.

Nên có bài kệ:

Trong một chơn pháp tánh,
Mười pháp giới đủ đầy,
Bao gồm hết y chánh,
Phật ta không khác gì?

Hỏi: Nhất chơn pháp giới này, sơ tâm là đúng hay hậu tâm là đúng? Nếu sơ tâm là đúng, lẽ ra không có bảy tên, nếu hậu tâm là đúng, lẽ ra không có chín cõi, nếu sơ tâm và hậu tâm đều bỏ thì việc lập nghĩa không thành.

Đáp: Đây chính là hiển bày sơ tâm, vì sơ tâm đúng mới có hậu tâm đúng, vì hậu tâm đúng nên mới hiển bày sơ tâm đúng.

Vì sao dùng sơ tâm đúng mới có hậu tâm đúng? Như quả địa y chánh dung thông, sắc và tâm chẳng hai, mang hình chín cõi, dùng phương tiện độ chúng sanh, đều do chứng được cái gốc tâm này có đủ. Nên nói: quả địa của chư Phật dung thông, chỉ chứng lý căn bản của chúng sanh, nên mới hợp với tánh để làm ra, không cần toan tính mà có ứng nghiệm. Nếu không phải như vậy, nào khác với ngoại đạo hoặc tiểu thừa muốn có được thần thông. Nên Pháp Trí Đại sư nói: “Nghĩa của lục tức Phật, không chuyên nhất ở nơi Phật, tất cả giả thật, ba thừa người, trời, dưới đến sắc tâm, bọ hung, địa ngục đều từ lục tức Phật phân chia có trước sau. Nói về lý bọ hung từ danh tự cho đến cứu kính. Vì luận mười cõi đều thuộc lý tánh, không phải pháp giới, không được sửa đổi một điều gì, nên gọi bỏ văn tự, thì không phải chỉ hiển bày Phật, mà chín cõi cùng đồng hiển bày, đều đạt được thành quả, thì thập giới đều cứu kính. Vì sao hậu tâm đúng mới hiển bày sơ tâm đúng? Chính do quả địa của sơ tâm toàn chứng lý căn bản của chúng sanh, nên bảy thứ danh mục ở địa vị chứng quả là danh xưng đẹp đẻ của tánh đức chúng sanh. Chỉ vì chúng sanh ở mê, tánh đức không hiển bày, nên không có tên này. Nếu khi đã luận đến tánh đức, đâu thể nói chúng sanh không có, vì thế sơ tâm và hậu tâm đều thiện nên lập nghĩa thành tựu.

2/. Thân và cõi duyên khởi

Khởi đề:

Trong tánh chơn pháp giới,
Không đổi, thường tùy duyên,
Ba thân và bốn cõi,
Do tâm tạo ra liền.

Luận rằng: Tánh Nhất chơn Pháp giới, văn trước đã giải rõ tánh thể, tánh lượng, tánh cụ rồi, trong giáo lý có nói: “Chơn như không đổi mà tùy duyên, tuy tùy duyên mà không thay đổi, chính là do tánh thể, tánh lượng tức tánh cụ. Như người quân tử không phải là một món đồ nhất định, đều có thể thành thứ tốt xấu. Nên bản dịch đời Tấn,  kinh Hoa Nghiêm nói: “Hay theo duyên nhiễm tịnh, tạo đủ mười pháp giới.” Nói trong tánh chơn như có đủ chín pháp giới, có thể tùy theo nhiễm duyên tạo thành chín pháp giới. Tánh chơn như có đủ Phật pháp giới, có thể tùy theo tịnh duyên mà tạo ra Phật pháp giới. Sở dĩ có thể sanh ra, là do bản tánh có đủ, nếu tánh không có đủ, làm sao có thể tạo ra. Thiên Thai tông nói:”Tất cả do lý có đủ, nên mới có sự dùng.” Đó chính là ý này.

Nên biết rằng trong sự có mười pháp giới, ba thân, bốn cõi, đều do chơn như tùy duyên mà biến tạo ra. Đã nói chơn như chẳng biến đổi mà theo duyên, theo duyên mà không biến đổi, thì thân và độ nhiễm tịnh trong sự, đương thể nó là chơn, không thể có sự thêm hay bớt nào chừng bằng sợi tơ ở trong ấy. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Kiến phần và tướng phần đều là tướng bị tưởng như hoa đốm giữa hư không, vốn không chỗ có. Kiến phần và tướng phần này nguyên là Bồ đề Diệu tịnh minh thể. Nếu như vậy thì Ta bà Cực lạc, chúng sanh đời này sẽ sanh về chín phẩm. Phật Di Đà đã thành, tâm ta đang chứng quả, tất cả đều do tâm tánh kiến tạo ra, trong tâm có đủ mà tạo, đâu chia cái nào năng cái nào sở, chính tâm là Phật, chính Phật là tâm. Chính tâm là cõi, chính cõi là tâm. Chính tâm là quả, chính quả là tâm, năng tạo ra nhơn duyên và sở tạo ra pháp, nơi ấy đều là tâm tánh. Vì thế, người hiểu tôn chỉ này mà cầu sanh về Cực lạc, thì sanh và vô sanh đều là chỗ chí đạo vậy.

3/. Tâm và cõi liên hệ nhau:

Khải đề:

Cõi an lạc phương tây,
Mười muôn ức cách đây,
Phàm phu tâm hạ liệt,
Tâm là tịnh độ này.

Luận rằng: Kinh A Di Đà Phật dạy: “Từ đây hướng về phương tây, qua mười muôn ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực lạc”. Một trăm ức mặt trời mặt trăng, trăm ức núi Tu di, trăm ức biển lớn, trăm ức núi Thiết vi gọi một cõi Phật. Mười ngàn là một muôn, mười muôn là một ức. Một quốc độ Phật đã tự rộng lớn, huống là một ức quốc độ Phật, huống mười muôn ức. Như thế, quốc độ Cực lạc cảnh đây rất xa. Hàng phàm phu niệm Phật cầu sanh, chỉ cần khảy móng tay liền đến, là vì trong tâm chúng ta có đủ các cõi Phật. Nói tâm hạ liệt là tâm của người phàm phu niệm Phật, gọi là tâm sát na, nó rất nhỏ rất yếu, nên gọi là hạ liệt. Nói mười muôn ức Phật độ cách đây, là đứng về tâm hạ liệt của phàm phu mà nói, tức tâm là độ, chính độ là tâm, nên nói không có kia và đây.

Hỏi: Tâm hạ liệt ở trong một tấc vuông, làm sao bao gồm hết các cõi Phật xa kia?

Đáp: Tâm hạ liệt này, người mê muội thì nhỏ, người đạt đạo chứng quán tưởng lớn, thì chơn và vọng không hai. Bởi vì, tâm vọng này từ toàn tánh mà khởi, tánh đã không có bờ mé, tâm cũng không có giới hạn, tánh như bể cả, tâm như hòn bọt nổi, toàn bể là bọt, bọt lại về bể. Bởi vì, chơn như không thay đổi mà tùy theo duyên, tùy theo duyên mà không thay đổi. Đã nói tùy theo duyên mà không biến đổi, đâu có thể dùng chơn vọng mà hạn cuộc bởi lớn nhỏ được.

4/. Chúng sanh và Phật không hai

Khải đề:

Di Đà và phàm phu,
Mê ngộ có sai khác,
Tâm chúng sanh và Phật,
Rốt ráo thật không hai.

Luận rằng: Phật A Di Đà là người đã chứng quả, thành tựu các thứ công đức như ba thân, bốn trí, mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng. Còn phàm phu là người tạo nhơn, có đủ vô lượng hằng sa phiền não, tạo tác vô lượng hằng sa nghiệp trói buộc, đang chịu vô lượng hằng sa tướng sanh tử mê ngộ, ví như viên ngọc vùi sâu vào đám bùn nhơ. Nói rốt ráo không hai, là căn cứ vào tướng mà nói, thì không hai mà có hai; ước về tánh mà luận, thì hai mà không hai, vì chư Phật là người ngộ chư Phật trong tâm chúng sanh; còn chúng sanh là  mê chư Phật trong tâm chúng sanh. Sở dĩ nói ngộ là vì ngộ tánh cụ, tánh thể, tánh lượng sẳn có của chúng sanh; sở dĩ nói mê là vì mê tánh thể, tánh lượng, tánh cụ đã chứng của chư Phật. Chỗ mầu nhiệm của tâm tánh không phải chỉ nhận lấy có cái mê, vì nó mê mà không mê, điều này có chứng cớ rõ ràng: vì chúng sanh vốn có tánh thể, là pháp thân đã chứng của chư Phật. Tánh lượng là báo thân, tánh cụ là ứng thân. Các công đức mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, đều từ ba thân này mà ra. Cổ Đức dạy: “Tâm chư Phật ở trong chúng sanh, mỗi hạt bụi đều là Cực lạc; tâm chúng sanh ở trong chư Phật, mỗi niệm đều chứng chơn. Nên Di Đà là tâm ta, tâm ta là Di Đà, khi chưa khởi niệm, sớm đã thành Phật, vừa khởi tâm niệm, công đức viên thành. Cảm và ứng hợp nhau là từ lý ấy mà ra, nên người niệm Phật công không luống uổng.

5/. Pháp giới là một niệm

Khải đề:

Thể pháp giới viên dung,
Là một niệm tâm ta,
Nên tâm ta niệm Phật,
Thể pháp giới hiện ra.

Luận rằng: Khi hành giả niệm danh hiệu Phật, khi quán tưởng Phật, khi quán các thứ y, chánh, chủ, bạn, khi tu ba thứ tịnh nghiệp, khi một lòng không loạn, khi tán tâm xưng niệm danh hiệu, dù kiến tư hoặc trùng trùng lớp lớp, hằng sa phiền não vây quanh, phàm có lòng thực hành, đều do chơn như chẳng thay đổi mà ra, toàn thể chính là pháp giới. Nên Pháp Trí Đại sư nói: “Thể pháp giới tròn đầy không thể nghĩ bàn, thực hành một niệm của tâm ta, cũng là cùng bản thể, làm chúng sanh, hoặc làm Phật, làm y báo, làm chánh báo. Nếu được như vậy thì các tâm còn được, huống gì tâm niệm Phật.” Cho nên hành giả, khi niệm Phật, tâm này là viên dung, thanh tịnh, bảo giác, dùng diệu tâm này để niệm đức Phật A Di Đà kia, thì ba thân của Phật kia có thân nào là không niệm, cầu về bốn cõi kia, thì cõi nào mà chẳng được sanh, chỉ tùy theo công hạnh có cạn có sâu, phẩm vị có cao có thấp mà thôi.

6/. Cảnh quán hòa nhau

Khải đề:

Có mười sáu cảnh quán,
Sự và lý hiện bày,
Cùng giao thoa không ngại,
Y chánh rõ không hai.

Luận rằng: Cảnh quán hòa nhau, chính là do mọi việc đều vô ngại. Sở dĩ mọi việc đều không ngại, là vì chúng cùng một bản thể gốc như nhau. Vì pháp giới tròn đủ các thể không thể nghĩ bàn, tâm quán một niệm, cũng lại phát khởi bản thể, làm chúng sanh hoặc làm Phật, làm y báo, làm chánh báo, đều từ toàn thể mà làm ra, đâu có pháp nào không phải là pháp giới. Nên người nói: “Pháp giới một hạt bụi không nhỏ, pháp giới của một đại hải không lớn, nhiều cũng pháp giới, ít cũng pháp giới”. Vì thế, mười sáu cảnh quán của Tây phương, cùng với hai pháp giới sự và lý trong tâm ta, mỗi thứ toàn thể đều là pháp giới, như đà la võng trong cung trời Đế Thích, tuy chỗ này chỗ kia đều là một hạt châu, mà bóng nó vào trong khối các châu, tuy ảnh nó vào khối các châu, mà chiếu dùng đông và tây có sai khác. Cảnh quán cũng vậy, lấy cảnh làm sự, thì quán là lý. Lý có thể bao gồm sự, đây gọi là dùng quán lìa với cảnh; dùng quán làm sự, thì cảnh làm lý, lý có thể bao gồm sự, nên gọi là lấy cảnh hòa với quán. Hoặc quán, hoặc cảnh, cứ một cái là sự thì cái kia là lý. Hoặc một là lý, thì cái kia là sự, kia và đây cùng hòa hợp lấy nhau,  như lưới châu đà la võng, nếu đã như vậy, thì khi ta quán tưởng, y báo và chánh báo đã ở trong quán của ta rồi. Ta nay thân tâm ở trong y báo và chánh báo, hiểu rõ điều này mà cầu sanh về An dưỡng. Có thể nói: Nhạn bay qua hư không, bóng chìm trong nước lạnh, nhạn tuyệt không ý để lại dấu vết, và nước không có lòng giữ bóng lại làm chi.

7/. Ba quán như vậy

Khải đề:

Năng quán là ba quán,
Sở quán là ba đế,
Từ tánh để khởi tu,
Pháp vẫn là như thế.

Luận rằng: Ba đế là chơn đế, tục đế và trung đạo đế. Ba quán là không quán, giả quán và trung đạo quán. Quên tình, dứt chỗ lý giải, không có gì bằng chơn. Tùy theo duyên ứng dụng, không có gì bằng tục, dung thông có và không, không gì bằng trung. Tánh hư linh bất muội, tâm ta ở đây tự nó không.Vật đến đây liễu ứng, tâm ta đây tự nó có. Không và có hợp nhau, thì tâm ta ở đây tự nó trung. Tánh này không phải tu mà được. Tam đế chẳng phải là tam quán. Người tu phải hợp với tánh chiếu rõ ràng, nên thể đạt tâm này rỗng suốt, không có một vật gọi là không. Chiếu rõ tánh này đầy đủ muôn pháp gọi là giả. Dung thông hai bên, không phải một, không phải khác, gọi là không. Như thế thời chính chỗ hư linh mà ứng vật, chính ứng vật mà hư linh, thì không tức là giả và trung, giả tức là không và trung, trung tức là không và giả. Đây chính là hợp tánh mà tu, tuyệt đối đải mà chiếu, ba quán này thật không thể nghĩ bàn, là kim chỉ nam cho đại định Thủ Lăng Nghiêm vậy. Đó là luận riêng thì như thế, nếu luận chung thì, hoặc dùng tâm hư linh của ta làm không, dùng quán muôn vật làm giả, lấy tâm và cảnh không hai làm trung. Vật là vật của tâm ta, làm sao giả mà chẳng không; tâm là tâm của vạn vật, thì làm sao không mà chẳng giả. Chính tâm là vật, chính vật là tâm, thì làm sao trung mà chẳng có không và giả. Vì thế, quán y chánh cõi Cực lạc là ba quán của nhất tâm ra, chiếu một cảnh của Ba đế kia đều chính xác. Dùng cái nhất tâm của Ba quán ta, chiếu một cảnh của ba đế dều chính xác, nên Đại sư Hổ Khê nói: “Cảnh là diệu giả, quán là không. Cảnh quán đều quên, chính thật trung. Quên chiếu chưa từng có sau trước. Nhất tâm dung tuyệt rõ vô cùng.” Như vậy còn ai nói Tam Quán pháp vẫn là như thế.

8/. Cảm ứng tương quan.

Khải đề:

Tâm ta cảm chư Phật,
Di Đà ứng rõ ràng,
Cả hai đều tương quan,
Như nam châm gặp sắt.

Luận rằng: Chư Phật và chúng sanh đồng một nguồn giác, mê ngộ tuy có khác, mà lý thường bình đẳng. Nên Cổ Đức nói: “Chư Phật là Phật trong tâm chúng sanh, chúng sanh là chúng sanh trong tâm chư Phật.” Căn cứ vào ý trên mà nói, thì chư Phật và chúng sanh, trong tâm không lúc nào mà không thông cảm. Chỉ khác nhau là chư Phật bất cứ lúc nào cũng muốn độ chúng sanh, mà chúng sanh cứ chạy theo mê, không hề nhớ đến Phật. Nên Bồ tát Đại Thế Chí nói: “Một người chuyên nhớ, một người chuyên quên, thì dù gặp cũng như không gặp, dù thấy cũng như không thấy; nếu con nhớ mẹ, như mẹ nhớ con, thì dù trải qua nhiều đời cũng đều gặp mặt; nếu chúng sanh, tâm nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền và tương lai, chắc được gặp Phật, cảnh Phật chẳng xa.”

Chính do lý bình đẳng này, làm cho tánh tự nhiên có liên quan khai phát,  nên có thể nhỗ hết khổ và cho điều vui, huống là Phật Vô Lượng Thọ, trong khi tu nhơn, đã phát 48 đại nguyện, thề trang nghiêm Cực lạc, nhiếp thọ hữu tình, nay đạo quả đã thành, công hạnh đã viên mãn, nên chúng sanh không lo gì Phật không đến đúng cảm ứng để tiếp dẫn. Chỉ cần chúng sanh có lòng tin sâu, nhớ niệm, từ từ phát nguyện, nguyện sanh về Tây phương, như nam châm gặp sắt, mặc tình hấp thụ. Tuy nam châm có thể hút sắt, mà không hút được các loại cây gổ, đồng thao, cũng không thể hút được châu ngọc. Cũng như Phật có thể độ người có duyên, mà không độ được người vô duyên. Chúng sanh có thắng duyên, dễ cảm Phật A di Đà, mà không dễ dàng cảm các đức Phật khác, đây đâu chẳng phải do thệ nguyện mà Phật A Di Đà và chúng sanh có nhiều điểm quan hệ nhau. Vì thế, người cầu sanh tịnh độ Phật A Di Đà, không thể thiếu tin, nguyện và hạnh.

9/. Kia đây luôn là một.

Khải đề:

Có người khi lâm chung,
Không cho mất chánh niệm,
Hoặc thấy sáng hay hoa
Đã sanh về ao báu.

Luận rằng: Trong Vãng sanh luận có câu chuyện: Thương hàn sĩ là Hàn lâm học sĩ phát nguyện tụng chú Đại Bi mười muôn biến, nguyện sanh về Tây phương. Một ngày nọ có bệnh, chỉ niệm hiệu Phật. Bỗng ông gọi người nhà đến nói rằng: Tây phương Tịnh độ chỉ ở bên nhà phía tây, Phật A Di Đà ngồi trên tòa sen, ta thấy trong ao sen, trên đất vàng, có công nhi là đứa cháu đã mất nhiều năm trước, đang lễ bái và vui cười. Nói xong, giây sau, ông niệm Phật mà qua đời.

Câu chuyện trên cho thấy thế giới Cực lạc là một cõi ở trong tâm ta, thế giới Ta bà cũng một cõi ở trong tâm ta. Ước về cõi mà nói, từ đây đến kia có mười muôn ức cõi khác nhau, ước về tâm mà quán, thì gốc chẳng có xa gần. Chỉ vì chúng sanh, từ khi thọ sanh đến nay, bị ngũ ấm thu hẹp chơn tánh, không hợp nguồn tâm. Người niệm Phật, quả báo đã thành thục, sắp bỏ ấm thân hiện tại, sanh về hoa sen ở Tịnh độ, bỗng nhiên, ở trước mắt, cảnh giới duy tâm không có tướng kia đây lui tới. Nên kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Mạng sắp lâm chung, khi chưa bỏ noản xúc, một đời làm thiện ác, đồng thời hiện ra. Nếu thuần tưởng thì bay lên, liền sanh về cõi trời, nếu khi tâm bay lên, có tu phước huệ và Tịnh nguyện, tự nhiên tâm mở tỏ, thấy cõi Phật trong mười phương, tất cả Tịnh độ, tùy theo bản nguyện mà được vãng sanh.” Đại sư Pháp Trí nói: “Cần biết rằng, khi sắp lâm chung, tự thấy thân mình ngồi trên đài sen vàng, đã là sanh ấm ở nước Cực lạc rồi.” Đó chính là ý này.

10/. Hiện tại và vị lai hòa hợp nhau.

Khải đề:

Nay hành giả niệm Phật,
Công đức luôn đủ đầy,
Trong nhơn đã có quả,
Như hoa nở nhụy bày.

Luận rằng: Người thuộc bậc viên đốn, đốn ngộ tâm tánh, không tu mà tu, tu về cõi lạc bang kia, trong tánh đã có đủ Cực lạc, nhờ tu mà được hiển phát, mà tâm tánh này dọc suốt ba đời, ngang trùm mười cõi, pháp Phật và pháp chúng sanh, pháp chánh báo, pháp y báo, pháp nhơn, pháp quả, chỉ một niệm viên thành. Vì thế, người niệm Phật gọi là toàn tánh khởi tu, toàn tu tại tánh. Toàn tánh khởi tu, tuy gọi là nhơn, toàn tu tại tánh là trong nhơn có quả, dùng chỗ đủ pháp nhơn, cùng chỗ đủ pháp quả, đồng ở một tánh, tâm tánh dung thông, không có pháp nào chẳng đủ, như hoa sen vừa nở, trong hoa đã có quả. Huống chi tâm này hằng trụ, không sanh diệt tới lui. Hôm nay, dùng tâm niệm Phật là lúc thọ sanh trong ao sen ở tương lai, nên nói, người mới phát tâm trong ao thất bảo ở Cực lạc, đã gieo một mầm sen. Nếu tinh tấn không lui sụt, thì hoa mỗi ngày sanh trưởng, hoa lần lần nở ra, tùy theo công đức người tu, mà hoa có lớn hoặc nhỏ, sáng chói nhiều ít. Trường hợp nếu việc tu bị lui sụt, hoa mỗi ngày lần lần tiều tụy. Nếu biết lỗi giải đãi, cố gắng tiến tu, hoa lại trở nên tươi đẹp như cũ. Nếu giải đãi không bỏ, không biết ăn năn cố gắng tu hành lại thì mầm tiêu, giống mục. Người gieo trồng hột giống hoa sen, thì hiện tại và vị lai hằng tồn tại, đây là nói người có chỗ trở về.

Tịnh Độ Pháp Ngữ

Các pháp môn tu hành là thuốc hay trị bệnh của đức Như Lai, thuốc tùy theo bệnh của chúng sanh mà điều trị, nên số lượng hằng sa, tìm phương pháp rất thẳng tắt, rất đơn giản, không có pháp môn nào bằng pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Có thể nói, đây là cổng mầu nhiệm, mau ra khỏi sanh tử, là bí quyết để viên thành Phật đạo.  Vì phàm người tu hành, muốn giải thoát sanh tử, phải nương nhờ vào ba thứ năng lực là tự lực, tha lực và năng lực công đức sẳn có.

I-. Tự lực:

Là người dùng năng lực mình tự tu, giác ngộ tâm địa, phá lưới vô minh, khỏi sông ái dục, làm Phật, thành Tổ gọi là tự lực. Đây là người có năng lực dũng mãnh, dứt một phần vô minh, chứng một phần pháp thân, là một trang hão hán kỳ tài, là một bậc đại trượng phu dũng mãnh, như đức Phật lúc còn tại thế đã thực hành, hoăc các Đại Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, các Đại Tổ Sư.

II-. Tha lực:

Ở trong thời tượng pháp hoặc mạt pháp, cách Phật đã xa, căn khí yếu kém, tuy có tu mà không ngộ, ngộ mà không tinh, ở trong chiếu soi giống như giải thoát, mà khi gặp cảnh liền mê, cũng như đồ đất chưa nung, gặp mưa liền rã. Bồ tát còn bị tối tăm khi cách ấm, Tu Đà Hoàn còn bị mê muội khi vào thai, huống chi hàng bát địa phàm phu, đâu khỏi theo dòng luân chuyển. Ở trong giai đoạn này tự lực không thành công, việc ra khỏi trần lao tự mình không có hiệu lực, một lần lầm lẫn là trăm lần lầm lẫn tiếp theo, thật đáng lo sợ. Chính vì thế, chư Phật, Bồ tát vạch ra phương tiện, dùng pháp môn nhờ vào tha lực hộ trì. Pháp môn này, kinh luận phát minh rất nhiều, các luận trình bày không ít, các ngài căn dặn hết lời, dốc lòng khen ngợi. Các vị Tổ sư hoằng truyền, lòng người kính phụng, lấy pháp môn niệm Phật cầu sanh về Cực lạc làm cứu kính. Có thể nói, mỗi lời đều hoằng dương Tâm tôn Duy tâm tịnh độ, mỗi câu đều diễn nói diệu pháp Tự tánh Di Đà. Người ngộ pháp này hiểu rõ tâm chúng sanh và tâm Phật bình đẳng, cõi tâm và cõi Phật không sai khác. Người tu theo pháp này được diệu quán và diệu cảnh hợp nhau, tự lực và tha lực đều đủ.

III-. Năng lực công đức sẳn có:

Năng lực này là tánh sẳn đủ của chúng sanh từ vô thỉ, nhờ đó mà toàn thể hiển bày, người nhiều kiếp tích công lủy đức, nhờ đó mà mau phát, nên được khi báo thân cõi Ta bà đã mãn, thì  cõi Tịnh độ hiện ra trước mắt, từ hoa sen sanh ra, không mê thọ thai vào cách ấm, một khi đã vào cõi Cực lạc rồi là vĩnh viễn tinh tấn, đến khi thành Phật, không bao giờ lui sụt. Nên trong kinh nói: “Chúng sanh sanh về cõi kia, đều là bậc không lui sụt, số ấy rất nhiều”. So sánh với những người cõi Ta bà vào đạo, trãi qua cảnh trần lao thô bạo, nạn hiểm ác đạo, không chỗ nào chẳng có, nên không thể trốn thoát. Tuy nói không khó mà làm  mới khó, làm chẳng phải khó, mà hiểu được chỗ tâm yếu mới khó. Lời người xưa đã răn dạy, bắt buộc chúng ta phải tuân theo. Nếu nói về chỗ tha thiết dạy bảo, không lời nào thiết yếu bằng Dương Thứ Công: “Tình ái không năng không sanh vào cõi Ta bà, niệm không được nhất, không thể sanh về Cực lạc.” Người niệm Phật phải dùng tâm nhất ấy khẩn thiết trì danh, chuyên chú chẳng loạn, chỗ này chúng ta phải hết lòng. Hoặc có người quên mà không thể niệm, hoặc niệm mà không có thể được nhất, không có gì khác, chính là bị tình ái lôi đi.

Hành giả nếu nhẹ được tình ái, là dứt được vọng tưởng, cắt đứt gốc tình, xa lìa lưới ái, vì vậy người tu phải hết lòng cố tránh. Tuy hoặc có người gắng niệm Phật mà không thể quên, quên mà không dứt hết, điều này không có thủ phạm nào khác ngoài tình ái, vì nó mà niệm không được nhất. Nên người niệm Phật cầu sanh Tịnh độ,  nếu bình thường ở cõi Ta bà này không làm nhẹ được cái ái, thì khi mạng chung, cái ái ấy sẽ dẫn ta đi vào luân hồi, không được vãng sanh, hầu hết đều do ái dục mà ra. Người muốn về Cực lạc, chỉ cần nhất niệm, mà một niệm không được nhất, khi lâm chung bị niệm ấy chuyển, nên không được vãng sanh, làm sao được nhiều niệm Phật. Bởi vì tình ái làm cho hành giả sanh lòng yêu mến, nên đối với mọi việc có nhẹ có nặng, có ân cần có nhạt nhẽo, có y báo, có chánh báo. Các việc vừa trải qua trước mắt là luyến nhớ không quên, tình rất sâu đậm, mắt thấy cha, mẹ, vơ, con, em, cháu, bằng hữu, công danh, giàu sang, văn chương, thi phú, kỷ nghệ, âm nhạc, y phục, ăn uống, phòng ốc, ruộng vườn, rừng suối, cỏ hoa, đồ châu báu, đồ cổ ngoạn, các thứ tốt đẹp, không thể kể hết. Vật lớn mà nặng như núi Thái Sơn, vật nhỏ mà nhẹ như lông chim hồng, có một vật nhớ không quên, đều gọi là tình ái, có một niệm dời đổi đều gọi là tình ái.

Nếu còn một niệm tình ái nằm ỡ trong lòng, thì niệm không được nhất, có một niệm tình ái, không thể trở về nhất, thì không được vãng sanh. Than ôi! Tình ái không nặng thì không sanh cõi Ta bà, niệm không được nhất thì không sanh về Cực lạc. Hai câu này, có thể nói như cây kim vàng lể mắt, thuốc thánh trị bệnh mù. Phàm người có chí cầu sanh về Cực lạc, nên chép hai câu này dán lên trên vách trước mặt, gắn ở bàn ngồi, mỗi giờ cần phải đọc tụng, mỗi niệm đề cao cảnh giác cái ái dục ở cõi Ta bà, mỗi ngày phải làm cho tình ái nhẹ đi. Nhớ cõi Cực lạc hằng ngày, mong được nhất tâm, làm ái nhẹ bớt, nhẹ bớt lần, đến không còn. Tâm chưa được nhất, lần lần được nhất, đến chỗ cao tột. Nếu được như vậy thì người ấy, tuy chưa thoát khỏi Ta bà, cũng không còn làm khách lâu ở đây, tuy chưa sanh về Cực lạc, cũng đã là người về quê cũ, lâm chung chánh niệm hiện tiền, chắc được sanh về cõi Cực lạc.

Hỏi: Làm cho tình ái nhẹ để làm gì?

Đáp: Làm nhẹ tình ái, cốt yếu để được nhất niệm.

Hỏi: Muốn được nhất niệm phải làm sao?

Đáp: Muốn được nhất niệm, cốt yếu phải làm nhẹ tình ái.

Hỏi: Nếu nói có hai mối như vậy, học giả phải làm sao?

Đáp: Không phải nói có hai mối, ở đây chỉ muốn làm rõ nhất niệm. Bởi vì niệm không thể nhất là do tâm tán loạn và các duyên trần sai sử, cũng có thể nói là do đuổi theo cảnh, chạy lung tung, mà bị sai sử. Vì Ta bà có một cảnh, thì chúng sanh có một tâm, chúng sanh có một tâm, thì Ta bà có một cảnh. Nên Cổ Đức nói: Tâm sanh  thì các pháp sanh. Pháp sanh thì các thứ tâm sanh. Khi gặp duyên thì trong tâm lay động, chạy đuổi theo ngoại trần, tâm và cảnh gặp nhau, thì nhiều như hằng sa cũng không hết. Tình ái đã không quên, thì niệm làm sao được nhất. Vì thế, muốn niệm được nhất, phải nhẹ tình ái, muốn nhẹ tình ái, không chi bằng tâm được nhất, muốn tâm được nhất, không chi bằng lập bỏ cảnh, các cảnh đều không, thì muôn duyên đều lặng lẽ, muôn duyên đều lặng lẽ, thì nhất niệm tự thành, nhất niệm nếu được thành, thì duyên tình ái đều dứt hết.

Cổ Đức dạy: “Muốn nhất được niệm, không gì bằng nhẹ tình ái, muốn nhẹ tình ái, không chi bằng nhất niệm, ái và niệm, thế không thể đứng chung, như ngày đêm phân chia, thì tối sáng ngược nhau. Có người hỏi: Bỏ cảnh không thấy có đúng không? Đáp: Nói bỏ cảnh, không phải trừ hết vạn hữu, cũng không phải nhắm mắt không nhìn, mà ở cảnh đó, ta hiểu rõ chỗ hư dối không thật của nó, xét đến tột cùng để thấy nó vốn là không. Chính thực, muôn pháp vốn tự nó không có, có ra  đó là do tình chấp. Nên tình có thì vật có, tình không thì vật không. Nếu vật đã không, thì bản tánh thanh tịnh hiện, bản tánh hiện thì muôn pháp đều không, vạn pháp không thì tình niệm dứt, tự nhiên như vậy, không cần gắng sức. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Cái năng thấy và cái bị thấy (duyên) đều là tướng sở duyên, như hoa đốm giữa hư không, vốn không chỗ có. Cái thấy và duyên này nguyên là Bồ đề diệu tịnh minh thể, vì sao ở trong ấy có cái phải và chẳng phải. Vì thế, muốn bỏ cảnh chi bằng hiểu biết thể của vật vốn không, thể của vật vốn không thì tình tự dứt, tình tự dứt thì tâm ái không sanh. Chừng đó thì chỉ có chơn tâm hiện, nhất niệm liền thành”.

Kinh Viên giác cũng nói: “Biết huyển thì lìa, không cần phương tiện. Lìa huyển là giác, cũng không phải lần lượt, một đi một ở, không thể so lường, công hiệu rất mau, như đánh trống, người học đạo, đối với việc tu hành này, cần phải hết lòng.

Hỏi: Nhẹ tình ái và nhất niệm là đồng hay khác?

Đáp: Cần phải nhẹ tình ái ở cõi Ta bà, cũng chưa chắc có một niệm Cực lạc, có một niệm Tịnh độ, chắc có thể làm nhẹ tình ái ở cõi Ta bà. Ở đây cần căn cứ chỗ có ý chí và không chí mà nói: Nếu bỏ không chí, chỉ nói một thứ có ý chí, thì tình ái chẳng phải nhất niệm mà không quên, niệm chẳng phải quên ái mà không nhất, hai thứ công phu này, từ ban đầu đã không đồng.

Hỏi: Nhẹ tình ái đã nghe dạy rồi, còn nhất niệm thì thế nào?

Đáp: Phương pháp làm cho được nhất niệm có ba thứ: Tin, hành, nguyện.

1- Thế nào là tin? Phàm không nghi thì gọi là tin. Nếu có nghi thì tâm không được nhất. Vì thế người cầu sanh Cực lạc trước cần phải có lòng tin thật sâu. Muốn có tin sâu, hành giả trước tiên phải học rộng lời dạy chư Tổ, đọc nhiều kinh điển Đại thừa. Phàm nơi nào có sách Tịnh độ đều phải mỗi mỗi tham cầu. Hiểu rõ Cực lạc nguyên là Tịnh độ trong tâm ta, không phải cõi (độ) nào khác, hiểu rõ Di Đà nguyên là Di Đà của bản tánh ta, chẳng phải ông Phật nào khác. Hành giả cần phải giác ngộ tánh diệu hữu bao trùm khắp đủ, lấy đó làm căn bản để ưa về cõi Tịnh độ, giác ngộ tánh chơn không, xa lìa tất cả,  giải thoát tất cả, lấy đó làm cội gốc để bỏ cõi uế.

2- Thế nào là tu hành? Hành giả đã có lòng tin sâu rồi như người có mắt, nay tu hành như người có chân. Tu mà không hành, như người có mắt mà không chân, người có hành mà không tu như có chân mà không có mắt. Cho nên tin hiểu đã đủ, cần phải niệm Phật tu hành, như người có mắt và chân đầy đủ, rồi sau mới có thể thẳng đến ao Thanh lương, nên nói tin xong, phải nói hành kế tiếp.

Về hành môn gồm có hai thứ là chánh hạnh và trợ hạnh. Thế nào là chánh hạnh? Chánh hạnh gồm có trì danh và quán tưởng.

a- Trì danh là người gìn giữ danh hiệu Phật A Di Đà. Kinh Tiểu Bổn nói: “Bảy ngày trì danh được nhất tâm bất loạn”. Nhất tâm có sự có lý: Nếu miệng xưng danh hiệu Phật, buộc tâm nơi câu hiệu Phật, mỗi tiếng tiếp nối, mỗi tâm chẳng loạn, dù tâm có chạy theo ngoại cảnh, cũng nhiếp thu trở về. Hành giả ở đây phải sanh lòng quyết định, dứt hẳn niệm tham luyến, bỏ hết việc đời, buông bỏ không cho tâm duyên theo cảnh trần, làm cho tâm niệm Phật lần lần tăng trưởng chánh định, từ ít đến nhiều, từ tạm thời đến dài lâu, hoặc một ngày, hai ngày, cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn cần phải thành tựu. Đây là sự nhất tâm. Nếu được nhất tâm này rồi thì tịnh nhơn của Cực lạc thành tựu, dĩ nhiên lúc lâm chung, giữ được chánh niệm, thân không bịnh khổ, không bị nghiệp ác trói buộc, biết giờ biết khắc lâm chung, thân tâm hoan hỉ, kiết tường mà tịch, hoặc ngồi thoát, hoặc đứng mất, thân thấy Phật A Di Đà phóng quang tiếp dẫn.

Thế nào là lý nhất tâm? Lý nhất tâm này không có pháp nào khác, chỉ ở trong sự nhất tâm, mỗi niệm liễu đạt tâm năng niệm và Phật sở niệm, ba phía bình đẳng, mười phương dung hội, chẳng phải không, chẳng phải có, chẳng phải mình, chẳng phải người, không tới không lui, chẳng sanh chẳng diệt. Tâm hiện tiền một niệm là bờ mé của Tịnh độ vị lai. Niệm mà không niệm, không niệm mà niệm, không sanh mà sanh, sanh mà không sanh, ở trong chỗ không thể niệm kia mà chiếu diệu toàn niệm, ở trong chỗ vô sanh kia mà tha thiết cầu sanh. Đây là trong sự nhất tâm, làm sáng tỏ lý nhất tâm.

b- Quán tưởng là pháp dùng cảnh quán để trụ tâm. Cảnh quán có mười sáu pháp trong kinh Quán Phật Vô Lượng Thọ có nói đủ, lấy quán Phật làm chính yếu. Hành giả nên quán Phật A Di Đà, thân cao một trượng sáu, tượng màu vàng tía, đứng trên bờ ao thất bảo, xuôi tay theo dáng tiếp dẫn. Thân có ba mươi hai thứ tướng của bậc Đại Nhơn, tướng có tám mươi thứ vẻ đẹp tùy hình. Làm pháp tưởng này cũng có sự có lý:

1- Về sự thì dùng tâm liên hệ với Phật, dùng Phật liên hệ với tâm. Trước quán dưới chân an bình cũng như đáy hộp, kế quán đủ ngàn tướng xoáy như bánh xe, cứ theo thứ lớp như thế, quán dần từng phần, lên đến nhục kế ở đỉnh, lại từ nhục kế thuận quán tưởng xuống đến chân, mỗi mỗi rõ ràng, không có ý phân tán.

2- Về lý, như trong Quán Kinh nói: Chư Phật Như lai là thân pháp giới, vào tất cả trong tâm tưởng của chúng sanh, vì thế, khi tâm các ông tưởng Phật, tâm ấy có đủ 32 tướng, 80 cách đẹp, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Biển chánh biến tri của chư Phật Như Lai từ tâm tưởng mà sanh ra. Vì thế, các ông cần phải hộ niệm đức vô thượng chánh đẳng chánh giác kia. Nghĩa này nói đủ chỗ vi diệu của Ba quán, đủ như trong Quán Kinh sớ, Diệu Tông sao nói rõ.

Hai thứ chánh hạnh này cần phải cùng nhau thực hành, phàm khi đi, đứng, nằm, ngồi, thì nhất tâm xưng danh hiệu. Phàm khi ngồi trên bồ đoàn thì tâm quán tưởng. Đi mõi thì ngồi quán tưởng Phật, ngồi mõi đi kinh hành, thì xưng niệm hiệu Phật. Nếu ở trong bốn oai nghi, tu như thế không gián đoạn, thì chắc chắn được sanh về Tây phương Cực lạc.

a- Thế nào là trợ hạnh? Trợ hạnh là việc làm giúp cho chánh hạnh tăng tiến thuận lợi, người thực hành niệm Phật cầu sanh Tịnh độ có hai thứ trợ đạo: a- Thế gian hạnh là hạnh làm lành ở đời như hiếu dưỡng cha mẹ, ở đời nhơn từ, lòng lành không giết hại, giữ đủ các giới luật, phàm làm tất cả những việc lợi ích cho đời, rồi đem hồi hướng vãng sanh Tây phương, đều là hạnh trợ đạo.

b- Xuất thế gian hạnh là việc tạo phước đức vô lậu, ra khỏi thế gian, như tu lục độ vạn hạnh, các thứ công đức xuất thế, đọc tụng kinh điển đại thừa, tu các sám pháp, cũng đem các hạnh, chí tâm hồi hướng về Tây phương, đều thuộc tịnh độ trợ hạnh. Lại có một thứ trợ hạnh rất vi diệu là tịch duyên đối cảnh hồi hướng, mỗi chỗ khi gặp đều có dụng tâm. Như thấy quyến thuộc phải tưởng đến pháp quyến ở Tây phương, lấy pháp môn Tịnh độ để dẫn dắt đó, làm cho họ nhẹ tình ái, để niệm được nhất, vĩnh viễn làm vô sanh quyến thuộc ở tương lai. Nếu khi sanh tưởng ân ái, phải nhớ quyến thuộc ở Tịnh độ không có tình ái, phải làm sao được sanh về Tịnh độ, xa lìa khổ này. Nếu khi sanh lòng giận hờn, phải nhớ quyến thuộc ở Tịnh độ không có ai chọc giận, phải làm sao sanh về Tịnh độ, lìa được khổ này. Nếu khi chịu khổ, phải nhớ Tịnh độ không có các khổ, chỉ nhận thuần các điều vui. Nếu khi nhận điều vui, nên nhớ cái vui ở cõi Tịnh độ, cái vui tuyệt vời. Phàm gặp duyên đối cảnh, đều dùng ý như trên để suy rộng ra, thì ở tất cả thời gian, tất cả nơi chốn đều là trợ hạnh Tịnh độ.

3- Thế nào là nguyện. Nguyện là mong muốn quyết tâm, con thuyền Bát nhã muốn đi về Tịnh độ, trước phải dùng tín là đường đi nước bước (bản đồ), hành làm chèo buồm, nguyện làm bánh lái thuyền. Không có bản đồ chỉ đường đi nước bước, thì không biết chỗ cạn sâu, thông hay lấp; không có chèo buồm thì không thể đến đích, không bánh lái không thể điều khiển thuyền như ý muốn, nên sau hành phải nói rõ về nguyện.

Phàm phát nguyện có chung riêng, rộng hẹp, khắp hạn cuộc. Chung như nhiều người tu sám khóa tụng, Cổ Đức lập văn hồi hướng phát nguyện chung. Riêng thì mỗi người đều tùy theo ý mình mà lập nguyện. Rộng như Tứ Hoằng :trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sanh. Hẹp như tự tu tự độ, quyết chí vãng sanh. Khắp thời, mỗi giờ phát nguyện, mỗi chỗ ghi tâm. Hạn cuộc như khóa tụng có giờ, theo chúng phát nguyện. Cốt yếu của bài phát nguyện, về thể phải hợp với “Tứ Hoằng”, không nên theo ý mình tự lập. Đại khái, chỗ phát nguyện, nên theo riêng mà không nên theo chung, nếu theo chung, e phải theo lời người mà chuyển đổi, mà không theo tiêu chuẩn. Riêng thì tự mình nêu tâm, khắc chí tiến thủ, nếu có thể theo văn chung mà sanh quyết chí, thời tuy chung mà riêng, nếu ở văn riêng mà lâu dần sanh rộng lớn, đây là riêng cũng thành chung. Phát nguyện nên rộng mà không nên hẹp, rộng thì phát tâm lớn nên được quả cao, hẹp thời phát tâm nhỏ, mà được quả kém. Phát nguyện nên khắp, mà không nên hạn cuộc, hạn cuộc thời phát tâm có giới hạn và thường thường gián đoạn theo thời gian. Khắp thời, mỗi niệm liên kết nơi tự tâm, mỗi khắc viên thành quả về Cực lạc. Ba pháp như trên có thể nói là điểm then chốt sanh về Tịnh độ, là bè báu gặp Phật A Di Đà. Tất cả pháp môn tu về Tây phương Tịnh độ không pháp nào ngoài ba phương pháp này.

Lời Bạt

Bộ luận này dùng tâm nhất niệm hiện tại, không pháp nào chẳng đủ làm gốc, đã đầy đủ các pháp, nên tạo ra cõi Phật, thân Phật đều chính là tâm ta. Nay đem căn bản một niệm không thể nghĩ bàn này để niệm Phật, thì  y báo, chánh báo ở cõi Tây phương, viên dung ba quán, chúng sanh và Phật cảm ứng hợp nhau, nhiều kiếp do nhân duyên thệ nguyện, hoàn toàn không ra ngoài nhất niệm hiện tiền niệm Phật của ta. Như thế thì mười phương các cõi Tịnh độ kia và đây, ba đời nhơn quả, hàng phàm phu, thinh văn, tất cả các nghi đều nhờ đây mà dứt hẳn. Với lời pháp ngữ dạy bảo rạch ròi, chắc chắn người tu Tịnh độ nhờ nơi đây mà có chỗ y cứ.

Đại sư Truyền Đăng là Tôn tượng Thiên Thai, chấn hưng giáo quán, lấy viên lý của tánh sẳn có, hoằng dương pháp môn Tịnh độ. Khi ngài trước tác xong bộ luận này, lúc khai giảng ở Tân Xương, chùa Thạnh Thành, mổi khi thăng tòa, thiên nhạc trổi trên hư không, toàn thể đại chúng đồng nghe, việc này không phải dối trá. Có thể nói bộ luận này là đại tư tưởng, để lìa cõi ngũ trược, là thắng phương tiện, để lên chín phẩm hoa sen vàng giải thoát.

Phục nguyện:

Người thấy nghe đều tùy hỉ
Dứt hẳn các hồ nghi
Mau thành Tam muội bảo vương
Đốn ngộ vô sanh pháp nhẫn
Thân gặp Di Đà, mong nhờ thọ ký.

Phụ lục tiểu sử tác giả
Đại Sư Truyền Đăng

Đại sư họ Diệp, quê ở Hoành Châu, lúc nhỏ theo Thiền sư Ánh Am cạo tóc xuất gia, sau đó theo học với Pháp sư Bách Tòng, nghe giảng kinh Pháp Hoa, liền được thầm hội. Có một ngày, Sư hỏi về ý chỉ Lăng Nghiêm Đại Định, Pháp sư Bách Tòng trừng mắt nhìn quanh, không nói một lời, Sư liền khế hội đại chỉ. Pháp sư Bách Tòng thầm hứa khả,  lấy Kim Vân Tử Ca Sa trao cho.

Đại Sư trọn đời tu các sám pháp như: Pháp Hoa sám pháp, Đại bi sám pháp, Quang Minh sám pháp, Di Đà sám pháp, Lăng Nghiêm sám pháp, không để trống một ngày. Trước khi ngài đến làm Trụ trì Chùa Cao Minh ở U khê, có người ở gần chùa tên là Diệp Kỳ đã đem hài cốt thân nhân chôn ở sau chùa, mộng thấy có vị thần đến nói: “Đây là thánh địa đạo tràng, sắp có một vị nhục thân Bồ tát đến đây làm Phật sự lớn, Ông phải mau mau di hài cốt đi nơi khác. Diệp Kỳ không tin, nhưng sau đó cả nhà đều bị bệnh nặng và có nhiều điềm chẳng lành, nên ông phải dời mộ ra khỏi đất chùa.

Đại sư về chùa, kiến lập Thiên Thai Tổ đình, tăng lữ các nơi tụ hội về tham học rất đông. Ngài thường ở trước đại Phật đường giảng pháp. Khi thăng pháp tòa, chúng đều nghe có thiên nhạc trổi trên không, giảng xong tiếng nhạc mới dứt. Ngài có trước tác Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận và Tịnh Độ Pháp ngữ hoằng dương tịnh độ rất thiết yếu.

Đại sư, thông thường mỗi năm, có tổ chức tu bốn lần niệm Phật tam muội, tự thân dẫn chúng hành trì, tinh tấn dũng mãnh. Ngoài ra ngài còn chú giải kinh Lăng Nghiêm, kinh Duy Ma và nhiều kinh khác. Suốt đời ngài giới hạnh tinh nghiêm, mổi năm tu ba tháng hành hạnh đầu đà. Ngài giảng có hơn bảy mươi hội. Năm 75 tuổi, ngài biết giờ khắc vãng sanh, cho tập họp đệ tử vân tập về chùa, đến giờ viên tịch, ngài lên pháp tòa, cầm bút viết năm chữ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, rồi cao tiếng niệm tên kinh, lặng lẽ an tọa mà thị tịch.

Trích Pháp Hoa Trì nghiệm
Tịnh Độ Pháp Ngữ