Tiểu Phẩm Bốn
Xé Lưới Nghi
[20b4] Trong phẩm IV chúng ta giải thích Chỉ và Quán nên được thuyết ra như thế nào nhằm mục đích xé tan lưới nghi [có từ vô số] kinh và luận (1). Nếu có người biết dùng Chỉ và Quán để quán tâm, trí tuệ tự bên trong sẽ trở nên minh bạch, và người ấy sẽ hiểu thấu đáo tất cả giáo lý, tiệm cũng như đốn. Giống như có người phá vỡ một hạt bụi làm lộ bày hàng tỉ cuộn kinh, giáo pháp của chư Phật nhiều như cát sông Hằng sẽ được chứng ngộ trong nhất niệm (1).
[20b7] Bất cứ những ai muốn làm lợi ích cho người, muốn đưa ra những đường lối hài hòa với cơ cảm của chúng sinh, phải [cố công] hòa hợp căn cơ của chúng sinh vớí giáo pháp (3). Dù cho một hành giả sau cùng chứng quả Phật, và [có năng lực] giáo hóa chúng sinh [bằng cách hiển thị những điều tương tự], có khi vị ấy hiển thị dưới hình tướng Pháp Vương để thuyết ra đốn giáo và tiệm giáo, hoặc là lấy hình tướng Bồ Tát, Thanh Văn, chư thiên, ma vương, người, ngạ quỷ, hoặc những loài chúng sinh khác trong mười cõi [pháp giới]. [Dù như vậy], vị ấy luôn luôn đưa ra những phương thức giáo và hóa khế hợp [với nhu cầu chúng sinh].
[20b11] Người ấy có thể [dùng những phương tiện] đã được chư Phật dùng, dựa vào [những giải thích về] đốn hoặc tiệm. Hoặc người ấy có thể dùng trí tuệ của mình thưa thỉnh những câu hỏi quan trọng, nhân đó Phật chuyển pháp đốn hoặc tiệm. Những điều nầy sẽ được nói chi tiết khi chúng ta học đến đại phẩm IX [Giáo Hóa Chúng Sinh]. Đại phẩm IV [Nhiếp Pháp] cũng có phần nói qua về những điều nầy (4).
Tham Khảo
1 Hình ảnh lưới nghi và xé lấy từ kinh Pháp Hoa: Vì bị trói buộc vào các phương tiện [Phật dùng] truớc kia, chư Thanh văn và những người khác trong chúng hội bị ném vào sự hoài nghi về bản hoài thuyết pháp nhất thừa của Phật. Được [Phật] hiển lộ rằng tất cả những giáo lý trong ba thừa đều là phương tiện, và chỉ có một Phật thừa là chân [pháp] (tức phẩm Phương Tiện, kinh Pháp Hoa), lưới nghi của thính chúng bị xé tan, chư A la hán và Thanh văn chứng ngộ Phật thừa. Đọc T9.10c16-17; Hurvitz, p.50.
Chan-jan (T46.215a6b1) nói: {Xé lưới lớn có nghĩa rằng xé cái lưới nghi ngờ do sự trói buộc [thiên kiến] vào giáo pháp giả lập. Phần thứ nhất của đoạn văn nói về sự phá mối nghi của chính mình cũng như của người. Vì vậy nên [bản văn] nói là phá khắp. Hơn nữa, hành giả phải hiểu, bằng cách nào tất cả giáo pháp- đốn cũng như tiệm- có từ nhất niệm. Nếu hành giả không dụng được phương tiện trong việc áp dụng pháp quán bất tư nghị để có thể thấy được cảnh giới bất tư nghị trong nhất niệm, thì làm thế nào xé được lưới nghi lớn từ sự [tự mình] ràng buộc vào giáo lý?}.
2 Từ kinh Hoa Nghiêm, T9.624a. Đọc Ratnagotravibhaga, T31.827b.
3 Theo Murannaka, p.191.
4 Đại phẩm IV (T46.29c-32a), cùng với đại phẩm II, là một trong hai phẩm ngắn nhất trong Maha Chỉ Quán. Phẩm nầy đưa ra những luận đề về một hạnh Chỉ và Quán bao gồm muôn pháp Phật trong chính nó. Luận đề chia ra sáu mục: (1) Toàn thể lý gồm thu trong Chỉ và Quán, (2) Tất cả phiền não gồm thu, (3) Tất cả trí tuệ gồm thu, (4) Tất cả các hình tướng tu tập gồm thu, (5) tất cả những quả vị chứng đắc gồm thu, và (6) Tất cả giáo pháp gồm thu trong Chỉ và Quán. Như chúng tôi đã nói trong phần giới thiệu, Trí Khải đã dừng việc thuyết giảng trước khi thuyết đến đại phẩm IX [Giáo hóa chúng sinh].