Thư trả lời Thiếu Niên Phật Học Xã thuộc Phật Học Hội Vô Tích

(năm Dân Quốc 23 – 1934)

Hôm qua nhận được thư và phương án nghiên cứu của quý xã, khôn ngăn hổ thẹn. Quang là một ông Tăng tầm thường, chẳng có mảy may tri thức gì, chỉ biết học đòi ngu phu ngu phụ lễ bái, trì tụng để cầu đới nghiệp vãng sanh, sao có thể làm vị thầy chỉ đạo cho quý xã được? Còn về chương trình đơn giản, duyên khởi đã gởi lần trước, quả thật không biết đến chuyện ấy, chắc là do người trong chùa thấy Quang cự tuyệt hết thảy, hơn nữa cũng chẳng phải là chuyện khẩn yếu nên đã giao cho Bính Đinh Đồng Tử[1] thâu nhận rồi cũng không chừng! Quang tuổi đã bảy mươi, tâm như trẻ nít vô tri, chỉ đợi kỳ hạn chết; ngoại trừ niệm Phật ra, không làm chi khác, huống là dám nhận lãnh chức vị cao cả trong quý xã để điều trần ý nghĩa, tông chỉ kinh sách nghiên cứu hòng [mọi người] nương theo tu trì ư?

Tuy nhiên, [quý xã] đã tưởng lầm gởi thư tới, tôi cũng chẳng thể không thưa trình sự hiểu biết của chính mình. Thiếu niên học Phật thì phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận (tức là thật hành hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ v.v…), dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, tin sâu nhân quả và luân hồi, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Dùng những điều này để tự hành, lại dạy cho người khác. Hễ hành rồi mà vẫn còn thừa sức, sẽ nghiên cứu hết thảy kinh luận Đại Thừa và những trước thuật của các bậc cổ đức Nho – Thích xưa nay. Lại phải hiểu biết, nắm được cương tông, dùng điều đó để hoằng dương sự giáo hóa của đức Phật, tiếp nối đạo của Phật, Tổ, thánh hiền. Đấy gọi là “do thực hành nên học rộng, do học rộng nên hiểu được điều cốt lõi”. Như thế thì chắc chắn sẽ được dự vào bậc thánh hiền trong đời này, lâm chung liền sanh vào cõi Cực Lạc.

Nếu chẳng chú trọng tận lực thực hành, chỉ mong biết nhiều, thấy lắm, ắt sẽ đến nỗi kiêu căng, khinh thường mọi thứ, bài bác nhân quả. Người như thế thiên tư quả thật đủ để kế thừa người trước, mở đường cho người sau học theo, nhưng do bước đầu tiên chưa từng kiểm điểm thân tâm của chính mình, từ đấy càng đi càng xa, sai chỉ hào ly, lạc đi ngàn dặm, rốt cuộc thành kẻ phá hoại đạo của Phật, Tổ, thánh hiền! Đấy chính là chuyện đáng thương xót nhất của những kẻ thông minh xưa nay! Chuyện này trong trăm người hết tám chín mươi kẻ mắc phải, khiến cho người khác phải đau lòng tuôn lệ! Quang học vấn quẩn quanh, nhưng nếu chẳng đem sự từng trải bảy mươi năm dâng lên quý xã, một mai chết đi sẽ giống như sống uổng chết phí. Dùng một mảnh giấy này giãi tỏ tấm lòng thành, may ra có thể giúp cho quý xã trong chuyện “kế thừa người xưa, mở mang đường lối cho người sau”. Cũng nhờ vào công mọn này, Quang được sanh về Tây Phương thì cũng là được thành tựu bởi quý xã, cảm kích biết dường nào? Trân trọng trao lại lời phó thác, nếu gởi thư đến nữa, quyết chẳng trả lời.

***

[1] Theo Dịch Học, hai can Bính Đinh trong Thiên Can thuộc về hành Hỏa. Do vậy, người ta thường gọi thần lửa là thần Bính Đinh hay Bính Đinh Đồng Tử.