Thư trả lời ba vị cư sĩ Tống Lục Trạm, Trữ Liên Tịnh, và Trương Tử Tịnh

(năm Dân Quốc 17 – 1928)

Đời loạn tột bậc chẳng kham nói nổi! Xét đến nguồn cội, nguyên nhân gần là trong vòng một trăm mười năm gần đây, hết thảy những kẻ đọc sách làm quan chỉ biết tập luyện cử nghiệp[1], cầu công danh, chẳng biết đề xướng nhân quả báo ứng và giáo dục gia đình. Nếu luận đến cái nhân xa thì quả thật là do họ Trình, họ Châu đả phá, bài xích nhân quả báo ứng và sanh tử luân hồi mà ra! Do trọn chẳng được gia đình khéo dạy, lại chẳng biết con người vì sao làm người, lại quen nghe nói “chết là diệt mất, trọn chẳng có đời trước, đời sau!” nên vừa gặp gió Âu thổi tới, cảm thấy thuyết “phế bỏ lòng hiếu, phế trừ luân thường, không hổ thẹn” ấy tự tại vô ngại lắm, bèn nhất trí tiến hành. [Tạo ra] căn bản gây lầm lạc cho con người không thể không quy tội về các vị bên Lý Học. Quang nói lời này đích xác tột bậc, biện định tột cùng, chứ chẳng phải nói bừa đâu!

Phương kế lúc này là phải sốt sắng đề xướng nhân quả báo ứng, sanh tử, luân hồi và giáo dục trong gia đình, nhưng giáo dục trong gia đình lại càng cần phải chú trọng đến nhân quả báo ứng! Hai pháp này duy trì lẫn nhau, mới có thể làm cho con cháu sau này chẳng đến nỗi mấy chốc sống như loài thú! Nếu không, dù có giáo dục cũng khó thể giữ cho chúng nó chẳng bị xoay chuyển bởi thói tà! Nói đến các phương pháp tu trì niệm Phật thì trong Văn Sao đã có nêu đủ. Nếu nói rõ sẽ rất tốn bút mực. Dù [trong thư này] có giảng cặn kẽ thì cũng vẫn là những điều như trong Văn Sao đã nói.

Nay tôi gởi cho các ông Văn Sao, An Sĩ Toàn Thư, Gia Ngôn Lục, Di Đà Bạch Thoại Giải, Quán Âm Bổn Tích Tụng, Cảm Ứng Thiên Trực Giảng, Thọ Khang Bảo Giám, Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, Khuê Phạm[2] v.v… mỗi thứ một phần. Nếu tôi có nhiều sách sẽ kết duyên, nhưng vì Văn Sao, An Sĩ Toàn Thư đã gởi đi hết, còn chưa in ra [sách mới]. Gia Ngôn Lục một vạn cuốn đã gởi đi hết rồi, hai ba vạn cuốn đều chưa in thành sách, chẳng thể gởi nhiều. Do trong Gia Ngôn Lục đã chia thành từng đề tài khác biệt, [nên đọc] khá đỡ tốn tâm lực. Mong dùng đây để tự hành, dùng đây để dạy người thì chắc chắn sẽ đích thân được siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử!

Nếu muốn tu trì Tịnh nghiệp, phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, kiêng giết, ăn chay, bảo vệ, quý tiếc sanh mạng loài vật, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Trong là cha mẹ, anh em trai, chị em gái, ngoài là thân thích, bằng hữu, xóm giềng, làng nước đều dùng điều này để kính khuyên. Bất luận họ có tin nhận hay không, chớ nên chẳng làm cho họ được một phen nghe biết!

Các ông đã muốn quy y thì nay đặt pháp danh cho mỗi người các ông: Tống Lục Trạm pháp danh là Huệ Trạm, Trữ Liên Tịnh pháp danh Huệ Tịnh, Trương Tử Tịnh pháp danh là Huệ Trừng. Nếu có thể đoạn trừ vọng tưởng, nhất tâm chánh niệm thì gọi là Trạm (trong lặng), là Tịnh, là Trừng (lắng trong), đấy đều là những đức sẵn có trong tâm, chứ không phải từ bên ngoài mà có. Nếu tâm niệm trần lao thì những đức Trạm, Tịnh, Trừng sẵn có sẽ bị vọng tưởng khuấy động, biến thành những tướng đục ngầu, bẩn thỉu, ô uế. Đầu tháng Ba năm sau, Quang sẽ lại sang Thượng Hải để hoàn tất chuyện in sách. Sau mùa Thu năm tới sẽ rời khỏi Phổ Đà, đi khắp Đông, Tây, Nam, Bắc để trốn nỗi cực nhọc thù tiếp thư từ! Ngàn phần xin đừng tới Phổ Đà, chỉ đọc kỹ Văn Sao, Gia Ngôn Lục còn hơn đích thân đến gặp mặt Quang nhiều lắm!

***

[1] Cử nghiệp là lối học chỉ nhằm mục đích thi đậu ra làm quan, chú trọng luyện tập văn chương sao cho phù hợp với yêu cầu làm bài thi như văn sách, chiếu, biểu, thơ, phú v.v…, chứ không chú trọng hiểu ý nghĩa giáo dục của thánh hiền để tu dưỡng bản thân.

[2] Khuê Phạm là một tác phẩm do Lã Khôn biên soạn dưới thời Vạn Lịch nhà Minh, có nội dung hướng dẫn giáo dục phụ nữ bồi dưỡng đức hạnh, nêu gương hiền hiếu, giúp chồng dạy con, trọn hết bổn phận.