Thư trả lời Niệm Tây đại sư

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

Nhận được thư, thấy một mực dùng những lời lẽ “đem phàm lạm thánh” để khen ngợi, khôn ngăn hổ thẹn, nên để đó không trả lời. Thêm vào đó, công việc bận bịu, tinh thần lẫn mục lực đều chẳng đủ, nên dùng biện pháp [làm lơ] ấy. Tiếp đó, nghĩ tọa hạ thiên tư thông minh, mẫn tiệp, chẳng học Giáo mà chăm tu Tịnh nghiệp, ắt tương lai có thể kế thừa được các tổ sư Khuông Lô[1] để lợi ích khắp các chúng sanh, vì thế, viết thư trả lời. Những câu hỏi trong thư nếu nói tường tận thì quá tốn bút mực. Do vậy, đối với lá thư gốc liền ghi vắn tắt vài chữ bên cạnh, nhưng mắt già lòa quáng, làm bẩn tờ hoa. Thứ nhất, Bảo Vương Luận[2] do pháp sư Phi Tích[3] đời Đường trước tác. Liên Tông Bảo Giám[4] ghi chép theo những lời ngoa truyền. Bảo Vương Luận chia thành ba quyển, trong nguyên bản mỗi quyển gồm bảy môn. Hiện thời quyển trung chỉ có sáu môn là vì người mắt sáng đời sau đã lược bỏ môn “niệm Phật ít được lợi ích như niệm Phật nhiều” (Đây là tên gọi dựa theo ý tưởng[5]). Trộm nghĩ pháp sư Phi Tích thông hiểu rộng rãi kinh tạng và các sách vở. Thời ấy, chắc có kẻ ngụy tạo ra sách có thuyết ấy, pháp sư vì lòng đại bi chưa xét tường tận nên trích dẫn. Người lưu truyền [Bảo Vương Luận] sau này sợ kẻ vô tri đâm ra hiểu lầm, nên đặc biệt lược bỏ đi, thật là thích đáng đến cùng cực! Liên Trì đại sư cũng bác thuyết ấy. Có ai niệm [câu ấy] thì vẫn có công đức, nhưng chẳng được ngờ nghệch cho rằng niệm một câu Phật hiệu ấy vượt trỗi công đức của người khác niệm [sáu chữ danh hiệu Phật] suốt cả đời, như thế là lầm lẫn lớn, làm người khác bị lầm chẳng cạn! Nếu một người mỗi ngày niệm mười vạn câu, niệm trọn một trăm năm, cũng chẳng bằng số lượng [các vị Phật] trong một câu ấy. Kẻ ngu tưởng đấy là nghĩa lý chân thật, đâm ra khơi gợi cái tâm mong ngóng, lười nhác, biếng trễ của họ. Bỏ đoạn văn ấy đi có công đức lớn lao! Những nghĩa khác chẳng cần phải nói tường tận.

Bảo Vương Luận nằm trong sách Tịnh Độ Thập Yếu. Nay tôi đem bản được in trong năm ngoái gởi đi, chắc là được đại lợi ích vậy. Bản khắc gỗ từ trước đến nay đều là bản trích lược do môn nhân của ngài Ngẫu Ích đại sư là Thành Thời biên soạn. Do văn quá nhiều khó lưu thông, nên đặc biệt trích lược. Nhưng đại sư Thành Thời thông minh hơn người, quá tùy tiện, đọc đến đâu trích lược đến đó, cũng chẳng duyệt lại, nên đến nỗi trong bản ấy sai sót tầng tầng lớp lớp. Có chỗ từ ngữ chẳng diễn tả được ý, có chỗ khẩu khí sai lầm, tán loạn, có chỗ văn từ và ý nghĩa hoàn toàn mâu thuẫn (trong Tây Phương Hiệp Luận, trang bốn mươi, dòng thứ sáu, bỏ mất hai chữ Dụng thì văn và nghĩa hoàn toàn trái nghịch. Trong kinh (tức kinh Bát Châu Tam Muội) này, hễ dùng với nghĩa là Dĩ thì đều viết thành Dụng. Sư Thành Thời không suy xét, bỏ chữ Dụng đi[6]). Nếu chịu đọc lại lần nữa, quyết chẳng đến nỗi để sai sót đáng tiếc như thế. Hơn nữa, lược bớt quá nhiều, chỉ còn được hơn hai phần năm [nguyên tác]. Vì thế, lúc đầu Quang bảo ông Từ Úy Như tìm kiếm để khắc in; sau này may mắn mười thứ[7] [kinh luận đã được chọn vào Tịnh Độ Thập Yếu] đều tìm được, nên đặc biệt đem in ra một vạn bộ. Xin hãy đọc lời Tựa của Quang sẽ tự biết.

Thứ hai, nguyên văn ghi: “Niệm lớn thấy Phật lớn, niệm nhỏ thấy Phật nhỏ”, cổ đức giải thích: “Niệm lớn tiếng thì thấy được thân đức Phật lớn; niệm nhỏ tiếng thì thấy được thân đức Phật nhỏ”, cũng có thể giải thích là: “Niệm với cái tâm lớn thì thấy được thân đức Phật lớn; dùng đại Bồ Đề tâm niệm Phật thì sẽ thấy được Ứng Thân thắng diệu của Phật, hoặc Báo Thân” (đây là thuyết của Quang). Lời này trích từ sách khác, chứ không sao lục trực tiếp từ kinh Đại Tập[8] ra. Quang sanh ra liền bị bệnh mắt, ngoài bốn mươi tuổi chẳng thể thường xem kinh. Vì thế, chưa thể đọc hết toàn bộ Đại Tạng. Kể từ năm Dân Quốc thứ bảy (1918) đến nay, suốt ngày bận bịu trả lời thư, đúng là không rảnh rỗi để xem kinh. Nay mục lực yếu đến tột cùng, có lúc còn phải thức đêm để lo tiếp chuyện bút mực ban ngày, khổ sở hết sức. Tính năm sau ẩn dật vĩnh viễn, chuyên trì Phật hiệu cho hết tuổi thừa!

Pháp Niệm Phật há nên chấp chặt vào lề lối nhất định, cổ nhân lập ra phương pháp giống như tiệm thuốc có đủ các loại thuốc. Cách dùng của chúng ta là phải phù hợp với tinh thần, khí lực và thiện căn xưa kia của chính mình. Niệm Phật lớn tiếng hoặc nhỏ tiếng, hoặc [niệm] Kim Cang, hoặc niệm thầm, không cách nào chẳng được. Hễ hôn trầm chẳng ngại gì niệm lớn tiếng để đẩy lùi cơn hôn trầm tán loạn thì cũng được. Nếu thường niệm lớn tiếng ắt sẽ đến nỗi bị bệnh. Đừng nói người thông thường chớ nên thường [niệm] như vậy, dẫu người hết sức khỏe mạnh cũng chớ nên thường như thế. Trong một ngày, hễ nóng thì bỏ bớt áo, lạnh thì mặc thêm áo, há nên đối với một pháp niệm Phật để liễu sanh tử lại chấp chết cứng [vào một pháp] nhất định, chẳng chọn lấy pháp thích nghi, há có còn được gọi là “biết pháp” hay chăng? Lại còn có người đề xướng lần chuỗi nhớ số, cách này vừa có lợi vừa có điều tệ. Lợi là mỗi một câu niệm, lần một hạt, chẳng dễ dãi lướt qua thì tâm dễ quy về một mối. Điều tệ là khi tịnh tọa mà lần chuỗi thì tâm ắt khó an định được, lâu ngày sẽ thành bệnh.

Hơn nữa, tinh thần con người mỗi người mỗi khác, há nên chấp vào một pháp, chẳng biết điều chỉnh theo mỗi việc ư? Phàm là mọi người cùng nhau tu trì nên căn cứ theo tinh thần của mọi người để liệu định riêng biệt. Cá nhân tu trì cũng phải chiếu theo tinh thần của chính mình mà định. Đâu có pháp chết cứng buộc mọi người đều phải tuân thủ ư? Sau khi dùng tinh thần đến tột cùng rồi, nếu không lui sụt, lười nhác, ắt sẽ đổ bệnh. Lượng theo sức mình mà làm sẽ có ích, không bị tổn hại.

Hoằng Hóa Xã ở tệ xứ mang tánh chất lo liệu thay cho người khác, những kinh sách đã in đều tính giá tiền theo giấy mực và công thợ in, những khoản chi phí ấn loát khác và các chi phí cần dùng đều chẳng tính vào [giá] sách, cũng có khi hoàn toàn biếu không hay tính tiền một nửa, nhưng chỉ là một số ít. Nay đem những sách quan trọng mới được in gần đây gởi cho tọa hạ mỗi thứ một phần. Sau này, nếu lại muốn thỉnh sẽ căn cứ theo danh mục mà tính toán giá cả để thỉnh từ Hoằng Hóa Xã, cũng đừng có thuận tay gởi thư cho Quang nữa! Từ mùa Đông năm ngoái, phàm với những thư gởi đến, Quang đều nói: “Từ rày đừng nên gởi thư đến nữa. Gởi đến nhất định không trả lời, cũng chẳng chấp thuận việc giới thiệu người khác [xin] quy y [với Quang] để khỏi nhọc nhằn quá mức đến nỗi mù mắt và hao tổn tánh mạng”. Xem những câu hỏi của tọa hạ, đa phần là do chẳng biết suy xét tường tận mà ra. Nếu suy xét kỹ càng hơn, ắt chẳng cần phải hỏi người khác! Những lời [tọa hạ] trước sau khen ngợi [Quang], đáng tiếc là văn chương tuy hay nhưng dùng lầm chỗ vậy!

***

[1] Khuông Lô, còn gọi là Khuông Sơn, hay Lô Sơn, ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây. Theo truyền thuyết, vào thời Châu có bảy anh em họ Khuông đến ẩn cư tại đây, rồi về sau cùng thành tiên bay đi. Chỗ ở của họ bèn biến thành ngọn núi cao, nên núi mang tên ấy. Núi dài đến 36 km, bề ngang gần 20 km, mặt Bắc nhìn xuống sông Dương Tử, mặt Nam nhìn xuống hồ Thẩm Dương, ngọn cao nhất là Hán Dương cao đến 1.417 m. Do chung quanh là nước nên núi lúc nào cũng mờ mờ ảo ảo trong sương mù nên Phật giáo Trung Hoa thường dùng từ ngữ “Lô Sơn chân diện mục” để ví cho bản lai diện mục của tự tâm. Sơ Tổ Huệ Viễn đã mở liên xã tu Tịnh Độ trên ngọn núi này.

[2] Bảo Vương Luận, gọi đủ là Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, do Phi Tích đại sư soạn vào năm Thiên Bảo nguyên niên (742). Sư coi Niệm Phật tam-muội là vua của các tam-muội cho nên gọi Niệm Phật tam-muội là Bảo Vương tam-muội. Nội dung bộ luận này đề xướng vạn thiện đồng quy, ba đời đều cùng tu Niệm Phật. Luận này dẫn chứng rất nhiều kinh sách Tịnh Độ, dung thông những tư tưởng của Pháp Hoa, Bát Nhã, Đại Bảo Tích, Đại Tập, Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận v.v… Sách này được ngài Ngẫu Ích đưa vào trong Tịnh Độ Thập Yếu vào năm Vạn Lịch 36 (1608) đời Minh Thần Tông.

[3] Phi Tích (không rõ năm sanh, năm mất, nguyên quán): Là một vị cao tăng đời Đường, học vấn cao trỗi, kiến thức siêu việt, thông hiểu các học thuyết Nho Gia, Mặc Tử, tinh thông văn chương. Sư thường nghiên cứu Luật tông, sau tu Mật giáo, chứng ngộ khá nhiều. Vĩnh Thái nguyên niên (765) đời Đường Đại Tông, Sư phụng chiếu cùng mười sáu vị như Lương Phần v.v… tham dự đạo tràng dịch kinh của đại hành giả Mật Tông Bất Không, dịch được các kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã, Mật Nghiêm Kinh… Tuy thế, Sư đặc biệt chú trọng đề xướng Tịnh Độ nên đã soạn luận Bảo Vương Tam Muội. Ngoài ra còn soạn Thệ Vãng Sanh Tịnh Độ Văn.

[4] Liên Tông Bảo Giám, tác phẩm của ngài Ưu Đàm Phổ Độ chùa Đông Lâm soạn vào đời Nguyên. Tác phẩm này còn có tên là Lô Sơn Liên Tông Bảo Giám, Lô Sơn Ưu Đàm Bảo Giám, Lô Sơn Bảo Giám Niệm Phật Chánh Nhân, hay Niệm Phật Bảo Giám. Ngài Phổ Độ tự xưng là đồ tôn chánh truyền của Sơ Tổ Huệ Viễn, kế thừa tư tưởng Bạch Liên Tông của ngài Từ Chiếu Tử Nguyên đời Nam Tống. Sư thâu thập những kinh điển, sử truyện liên quan đến Niệm Phật tam-muội. Sư cảm thán trước hiện tượng quá nhiều người xưng là Liên Tông, nhưng chẳng hiểu được ý tổ Huệ Viễn cũng như lãnh hội ý chỉ của tổ Tử Nguyên, hiểu biết tà vạy, diễn dịch sai lạc pháp môn Tịnh Độ. Vì thế, qua tác phẩm này, Sư muốn hoằng dương giáo nghĩa Tịnh Độ chân chánh, đả phá những tà thuyết, nhất là trong lúc ấy, tà giáo Bạch Liên cố ý lập lờ với Liên Tông nên pháp môn Tịnh Độ bị triều Nguyên cấm đoán. Sách chia ra nhiều chương, mỗi chương gồm lời nhận định chung, dẫn những kinh luận trọng yếu và hành trạng, ngôn giáo của các vị cổ đức. Tác phẩm này khi được dâng lên Nguyên Thành Tông, nhà vua đã đích thân duyệt xét và cho phép ấn hành.

[5] Đây là dị thuyết cho rằng nếu niệm danh hiệu ba mươi sáu vạn ức mười một vạn chín ngàn năm trăm đồng danh đồng hiệu A Di Đà Phật thì dẫu niệm ít vẫn có công đức lớn lao không thua gì niệm liên tục sáu chữ hồng danh Di Đà. Thậm chí không cần liên tục niệm Phật, mỗi ngày chỉ niệm vài câu này là đủ rồi! Chư Tổ Sư Tịnh Độ như các vị Liên Trì, Ngẫu Ích đều bác thuyết này vì nếu cứ nghĩ như vậy sẽ sanh tâm phân biệt Phật nhiều, Phật ít, không thể nhất tâm, cũng như sẽ lười nhác không chịu niệm Phật liên tục chẳng gián đoạn!

[6] Để dễ hiểu ý Tổ, xin trích nguyên văn Tây Phương Hiệp Luận của ông Viên Hoằng Đạo đời Minh: “Nhất Bát Châu Tam Muội kinh: Phật cáo Bạt Đà Hòa Bồ Tát: Nhược sa môn, bạch y, sở văn Tây Phương A Di Đà Phật sát, thường niệm bỉ phương Phật, bất đắc khuyết giới, nhất tâm niệm, nhược nhất nhật trú dạ, nhược thất nhật thất dạ, quá thất nhật dĩ hậu, kiến A Di Đà Phật, ư giác bất kiến, ư mộng trung kiến chi. Thí như mộng trung sở kiến, bất tri trú, bất tri dạ, diệc bất tri nội, diệc bất tri ngoại, bất dụng tại minh trung cố bất kiến, bất dụng hữu sở tế ngại cố bất kiến. Như thị Bạt Đà Hòa Bồ Tát, tâm đương tác thị niệm” (một là như trong kinh Bát Châu Tam Muội có nói: Phật bảo Bạt Đà Hòa Bồ Tát: ‘Nếu hàng sa môn hoặc kẻ bạch y nghe nói về cõi Tây Phương của Phật A Di Đà, thường niệm đến đức Phật ở phương ấy, giữ giới chẳng được thiếu sót, nhất tâm niệm, thì hoặc trong một ngày đêm hoặc trong bảy ngày bảy đêm, sau bảy ngày sẽ thấy Phật A Di Đà, nếu khi tỉnh không thấy thì sẽ được thấy trong mộng. Ví như những gì được thấy trong mộng chẳng biết là ngày, chẳng biết là đêm, cũng chẳng biết bên trong, cũng chẳng biết bên ngoài, chẳng vì ở trong tối tăm mà chẳng thấy, chẳng vì bị che lấp ngăn ngại mà chẳng thấy. Như thế đó Bạt Đà Hòa Bồ Tát, tâm nên niệm như thế’). Tổ Ấn Quang giải thích hai chữ “dụng” ở đây phải hiểu là chữ “dĩ”. Do không chú ý nên sư Thành Thời đã lược bỏ hai chữ Dụng này đi.

[7] Tịnh Độ Thập Yếu gồm mười tác phẩm gộp lại: A Di Đà Kinh Yếu Giải (của ngài Ngẫu Ích soạn), Vãng Sanh Tịnh Độ Sám Nguyện Nghi, Vãng Sanh Tịnh Độ Quyết Nghi Hạnh Nguyện Nhị Môn (hai cuốn này đều do ngài Tuân Thức đời Tống soạn), Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sơ Tâm Tam Muội Môn (do ngài Thành Thời soạn), Thọ Trì Phật Thuyết A Di Đà Kinh Hạnh Nguyện Nghi (cũng do ngài Thành Thời soạn), Tịnh Độ Thập Nghi Luận (do ngài Trí Khải soạn vào đời Tùy), Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận (của ngài Phi Tích đời Đường soạn), Tịnh Độ Hoặc Vấn (do ngài Thiện Ngộ đời Nguyên soạn), Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ (do ngài Diệu Hiệp soạn vào đời Minh), Tây Trai Tịnh Độ Thi (do ngài Phạm Kỳ đời Nguyên trước tác), Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận (do ngài Truyền Đăng soạn vào đời Minh) và Tây Phương Hiệp Luận (do cư sĩ Viên Hoằng Đạo soạn vào đời Minh).

[8] Kinh Đại Tập (Mahā-Samnipāta-Sūtra), có tên gọi đầy đủ là Đại Phương Đẳng Đại Tập Kinh, chính là tổng tập của các kinh thuộc hệ thống Đại Tập Bộ. Vào năm thứ 16 sau khi thành đạo, đức Phật tập hợp tất cả các Bồ Tát và long thiên quỷ thần trong mười phương cõi nước, giảng cho họ nghe pháp tạng thậm thâm về mười sáu thứ đại bi, ba mươi hai thứ nghiệp v.v… chủ yếu tuyên giảng về Lục Ba La Mật của Đại Thừa và tánh Không của pháp, cũng như các giáo nghĩa, đà-la-ni trong Mật giáo và những chuyện hộ pháp của các vị Phạm Thiên, long chúng v.v… Ngoài phương diện xiển dương tánh Không ra, kinh này mang đậm sắc thái Mật giáo. Toàn kinh chia làm mười bảy phẩm, gồm sáu mươi quyển. Từ phẩm thứ nhất đến phẩm 11 do ngài Đàm Vô Sấm dịch vào đời Bắc Lương, phẩm 12 do ngài Trí Nghiêm và Bảo Vân cùng dịch vào đời Lưu Tống (phẩm Bảo Kế Bồ Tát này còn có bản dịch khác mang tên Vô Tận Ý Bồ Tát Kinh), phẩm 13 do ngài Đàm Vô Sấm dịch, phẩm 14, 15, 16 do ngài Na Liên Đề Da Xá dịch. Ba phẩm này còn được dịch với các tên khác là Đại Thừa Đại Phương Đẳng Đại Tập Nhật Tạng Kinh, Đại Thừa Đại Phương Đẳng Đại Tập Nguyệt Tạng Kinh, Đại Thừa Tu Di Tạng Kinh. Phẩm 17 tập hợp những kinh về Lục Độ do ngài An Thế Cao dịch. Ngoài ra, kinh này còn có nhiều bản dịch khác tương đồng như: Phẩm 1 và phẩm 2 tương ứng với Đại Ai Kinh do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn. Phẩm 3 tương ứng với Bảo Nữ Sở Vấn Kinh cũng do ngài Trúc Pháp Hộ dịch. Phẩm 5 tương ứng với Hải Ý Bồ Tát Sở Vấn Tịnh Ấn Pháp Môn Kinh do ngài Duy Tịnh dịch vào đời Bắc Tống. Phẩm 6 tương ứng với Vô Ngôn Đồng Tử Kinh do ngài Trúc Pháp Hộ dịch. Phẩm 8 tương ứng với Đại Tập Hư Không Tạng Bồ Tát Sở Vấn Kinh do ngài Bất Không dịch vào đời Đường. Phẩm 9 tương ứng với Bảo Tinh Đà La Ni Kinh do ngài Ba La Phả Mật Đa dịch vào đời Đường. Phẩm 10 tương ứng với Bảo Kế Bồ Tát Sở Vấn Kinh do ngài Trúc Pháp Hộ dịch. Phẩm 11 tương ứng với A Sai Mạt Bồ Tát Kinh cũng do ngài Trúc Pháp Hộ dịch.