Thư trả lời cư sĩ Du Hữu Duy

(năm Dân Quốc 26 – 1937)

Đọc thư ông gởi đến, văn từ lẫn ý nghĩa đều hay, không thể thay đổi được, nên chẳng ghi lời phê. Ông hai mươi mốt tuổi, biết làm văn làm thơ, chính là đời trước có thiện căn, nhưng hãy nên khiêm tốn náu mình, đừng cậy thông minh khinh người, học vấn càng rộng rãi, càng cảm thấy không đủ thì sự thành tựu sau này sẽ khó thể suy lường được! Mười năm trước, pháp sư Đế Nhàn có một đồ đệ tên Hiển Ấm là người cực thông minh, xuất gia năm mười bảy, mười tám tuổi, nhưng khí lượng quá nhỏ, không chịu thua kém một chút nào! Lần đầu tiên giảng Tiểu Tòa[1] xong, lễ sư phụ, sư phụ trọn chẳng chê ông ta giảng không hay, chỉ nói âm thanh quá nhỏ. Do một câu nói ấy liền ngã bệnh, mà ngài Đế Nhàn là người một mực làm cho ông ta thường sanh tâm hoan hỷ. Vì thế, [Hiển Ấm] tánh kiêu ngạo tăng trưởng hằng ngày, hằng tháng. Sau này, qua Nhật Bản học Mật Tông, những bài viết nhằm hoằng dương Mật Tông của ông đều gởi đăng trên tờ lâm san của Thượng Hải Cư Sĩ Lâm. Ông tự đặt mình vào vị trí cao cả, cho rằng chỉ có ta là cao. Sau đó về nước, đến chùa Quán Tông[2] thăm thầy. Ngài Đế Nhàn nói: “Ông thanh danh rất lớn, tiếc là chưa thật sự dụng công, hãy nên bế quan ba năm để dụng công thì mới nên”. Ông ta vừa nghe câu nói ấy như dao cứa tim, ngay bữa ấy liền sanh bệnh. Ngày hôm sau ôm cơn bệnh đi qua Thượng Hải Cư Sĩ Lâm, được hơn một năm liền mất.

Ông ta mất không lâu, Quang đến chùa Thái Bình ở Thượng Hải, một thành viên của Cư Sĩ Lâm là Châu Thạch Tăng đến thăm, hỏi tình hình lúc Hiển Ấm mất, [ông Châu] nói: “Hồ đồ! Phật chẳng niệm được, mà chú cũng chẳng niệm được”. Đấy chính là hạng đại pháp sư hiển mật viên thông, tự cảm thấy trong đời không có ai sánh bằng, do không tự lượng, cậy vào huệ căn đời trước, thành ra mới hai mươi hai, hai mươi ba tuổi đã đoản mạng, chết thành con quỷ hồ đồ, chẳng đáng buồn quá đỗi ư? Nếu như Hiển Ấm chẳng tự cao, khiêm tốn náu mình thì những học giả Trung Quốc chưa chắc trỗi hơn ông ta được! Quang thương Hiển Ấm do đó mà chết nên lấy chuyện xe trước [bị đổ] để làm gương cho ông.

Hiện thời, Quang đã khổ không thể nói nổi, mục lực lẫn tinh thần đều không đủ, hằng ngày đã có người đến [hỏi han], lại còn thư tín bốn phương, đừng nói chi chuyện trả lời, chỉ đọc [không thôi] cũng phải mất nhiều công sức. Quang ở Phổ Đà từ năm Quang Tự 19 (1893) cho đến năm Dân Quốc thứ năm (1916), hơn hai mươi năm khá yên vui, suốt năm không ai đến thăm, không một lá thư nào gởi đến. Từ năm Dân Quốc thứ sáu (1917), ông Vương Ấu Nông đem một lá thư in ra mấy ngàn bản, ông Từ Úy Như đem ba lá thư in ra mấy ngàn bản, rồi năm sau lại in Văn Sao. Từ đấy, một người truyền hư, vạn người truyền thật. Lại do chẳng tự lượng, khắc in các sách để mong lợi người. Hai mươi năm qua, đúng là chuyên bận bịu vì người khác, nay đã già rồi, mong bế quan làm kế lánh phiền. Đối với công khóa sớm tối, ngoài việc theo cả chùa thực hiện công khóa ra, mỗi tối niệm thêm chú Đại Bi năm mươi lượt, hoặc hai mươi lăm lượt. Ngoài ra, hễ lúc nào rảnh thì niệm Phật, chẳng nhớ số, bởi nhớ số tốn sức.

Ông có thời gian rộng rãi, sức lực mạnh mẽ, hãy nên nỗ lực nghiên cứu, tu trì pháp Tịnh Độ. Đây chính là đại pháp để phàm phu liễu sanh tử ngay trong đời này. Pháp này nếu không có túc căn thì đừng nói là người tầm thường không thể thấu hiểu triệt để, ngay cả bậc cao nhân lỗi lạc triệt ngộ tự tâm thâm nhập kinh tạng cũng quá nửa là không thể thấu hiểu triệt để được! Do họ chẳng biết đây là pháp môn đặc biệt trong Phật pháp, đều cứ chiếu theo nghĩa lý của các pháp môn thông thường nên chẳng chịu tin. Hoặc là có người tin, nhưng sợ chuyên hoằng dương Tịnh Độ, người ta sẽ coi thường mình, vì thế chẳng chịu đề xướng. Phải biết: Tu bất luận pháp môn nào, nếu Phiền Hoặc chưa đoạn, chắc chắn không liễu được sanh tử. Chỉ có một pháp này, chỉ cần đầy đủ tín nguyện liền có thể cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Ông chớ nên coi qua loa, mà phải đọc kỹ nghĩ chín mới biết lời Quang không lầm!

Hiện nay, người giảng kinh cũng không ít, nhưng mỗi người tùy theo ý mình, ông nên tự tu trì ở chỗ [cư sĩ Giang] Dịch Viên, đến khi đã có chủ ý rồi, chẳng ngại gì tùy hỷ [tham dự] giảng tòa của các pháp sư. Ông phải tự thương mình, Quang mến ông, nên chỉ có lần này là viết hai trang, sau này cũng không rảnh rỗi để răn dạy nhiều lần được nữa đâu!

***

[1] Giảng Tiểu Tòa là một hình thức tập giảng. Trong một buổi giảng Tiểu Tòa chỉ có thầy và các đồng học tham dự hầu rút kinh nghiệm diễn giảng.

[2] Chùa Quán Tông thuộc thành phố Ninh Ba, vốn có tên là Thập Lục Quán Đường, được xây dựng vào thời Nguyên Phong (1078-1085) đời Bắc Tống, vốn là nơi tỳ-kheo Giới Nhiên tu quán tưởng Niệm Phật, quyên mộ dựng ra chùa này, gồm hơn mười sáu gian. Ngài Đế Nhàn trụ trì chùa này từ năm 1912, đổi tên chùa thành Quán Tông, biến thành một đạo tràng chuyên hoằng dương Thiên Thai Tông.