Thư trả lời hai vị nữ cư sĩ Huệ Thục và Huệ Khánh

Con người sống trong thế gian ắt phải trọn hết chức phận của chính mình. Có trọn được hết chức phận của chính mình thì mới chẳng phụ ân “trời che đất chở, mặt trời, mặt trăng chiếu soi, cha mẹ sanh thành, sư trưởng giáo huấn”. Nếu không, tuy mang tiếng là người, nhưng thật sự chẳng khác gì cầm thú cho lắm, sẽ thành phường sống uổng chết phí, tương lai trầm luân trong ác đạo, trọn chẳng có thuở thoát ra, chẳng đáng buồn sao?

Nói tới chuyện trọn hết chức phận thì đối với thân phận nữ nhân, quả thật [chuyện ấy] có quan hệ lớn lao nhất nhưng trọn chẳng tỏ lộ dấu vết. Cõi đời bình trị hay loạn lạc, gia đình hưng thịnh hay suy sụp đều do nữ nhân có trọn hết chức phận hay không?

Chức phận của nữ nhân như vừa mới nói đó chính là “hiếu thảo đối với bố mẹ chồng, hòa thuận với chị em dâu, giúp chồng dạy con” v.v… Bởi lẽ, [nữ nhân] có thể hiếu thảo, hòa thuận, ôn nhu, cung kính, đấy chính là “nghi gia”; có thể giúp đỡ chồng khiến cho đức hạnh lẫn nghề nghiệp của ông ta ngày càng tiến triển, lỗi lầm ngày một ít, đấy chính là “nghi thất”[1]. Hễ nghi thất nghi gia thì con cái nhìn vào sẽ được cảm hóa, đều thành hiền thiện. Con cái đã thành hiền thiện thì từ đấy trở đi, con cháu đời đời đều thành hiền thiện.

Vì thế, Quang thường nói: “Quyền trị quốc bình thiên hạ, bọn nữ nhân nắm quá nửa”. Lại nói: “Dạy con là cái gốc để trị quốc bình thiên hạ, nhưng dạy con gái lại càng quan trọng hơn”. Nếu không, chẳng những [nữ nhân] không thể giúp chồng dạy con thành người lành được, mà ngược lại sẽ giúp chồng dạy con thành kẻ ác đến nỗi trở thành tình thế vô pháp vô thiên như trong ngày nay!

Các bà đều có thiện căn từ đời trước, được làm vợ chồng với Huệ Dung. Tuy sanh nhằm thời Phật pháp tàn diệt, nhưng may mắn được nghe pháp môn Tịnh Độ là pháp môn phổ độ chúng sanh của đức Như Lai! Chỉ cần chịu sanh lòng chân thật, phát nguyện thiết tha, xưng niệm vạn đức hồng danh của A Di Đà Phật, chắc chắn sẽ tiêu trừ Hoặc nghiệp, tăng trưởng thiện căn trong đời này. Khi lâm chung, nương theo Phật từ lực vãng sanh Tây Phương, quả thật là vô thượng đại pháp chẳng dễ gì gặp được trong ngàn đời vạn kiếp!

Các bà đã là chị em với nhau qua tình vợ chồng, ắt phải yêu thương, kính trọng lẫn nhau, khuyên răn, khích lệ lẫn nhau. Chớ nên giống bọn nữ nhân vô tri chưa nghe biết đạo: Hằng ngày cứ chuyên tranh cãi, ghen ghét, báng bổ, hạ nhục lẫn nhau. Như thế thì tâm địa ngày một tối tăm, phước – thọ ngày một thu hẹp, khi một hơi thở ra không hít vào được nữa sẽ khó khỏi đọa lạc trong ba ác đạo. Nỗi khổ ấy chẳng thể nào diễn tả được đâu!

Các bà đã cùng quy y, tức là đồng môn, đồng tu Tịnh nghiệp, tương lai cùng sanh Tịnh Độ, cùng thấy A Di Đà Phật, cùng nghe Phật pháp, cùng chứng vô thượng đạo. Trong lúc này mọi người đều cùng đồng tâm tận lực tu trì, há chẳng gắng công ư? Do Huệ Dung muốn cho hai người quý vị cùng được thấm nhuần sự giáo hóa của Phật nên mới xin Quang đặt pháp danh cho hai bà và khai thị. Vì vậy, tôi mới nói dài dòng như thế, thật sợ các bà tự nghĩ mình kém hèn, nhỏ nhoi, chẳng biết một niệm tâm tánh của chúng sanh và Phật trọn chẳng khác gì, nhưng do mê – ngộ khác nhau đến nỗi khác biệt vời vợi một trời một vực. Nay giảng đại lược nguyên do, những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao, Gia Ngôn Lục, hãy xin Huệ Dung giảng cho các bà thì sẽ đều biết rõ vậy.

***

[1] “Nghi thất nghi gia” là một thành ngữ chỉ gia đình êm ấm, vợ chồng hòa thuận. Từ ngữ này xuất phát từ câu thơ Đào Yêu trong phần Châu Nam của kinh Thi: “Đào chi yêu yêu, chước chước kỳ hoa. Chi tử vu quy, nghi kỳ thất gia” (Cây đào mơn mởn, chi chít những hoa. Cô về nhà chồng, yên cửa, vui nhà).