Thư trả lời cư sĩ Vương Vũ Tịch và Vương Tuyết Tịch

Trong Phật pháp, pháp môn vô lượng, không một pháp môn nào chẳng lấy Giới làm cơ sở, chẳng lấy Tịnh Độ là chỗ quy túc. Hai người các vị đã muốn quy y Tam Bảo thì hãy nên sốt sắng giữ tịnh giới của đức Phật. Người tại gia lấy Ngũ Giới làm căn bản. Bốn giới đầu trong Ngũ Giới, tức “giết, trộm, dâm, dối”, chính là Tánh Giới. Bất luận đã thọ giới hay không đều chớ nên phạm; nhưng kẻ chưa thọ giới mà phạm thì dựa theo sự để luận định tội lỗi. Kẻ thọ giới mà phạm thì ngoài việc dựa trên sự để luận tội ra, còn phạm thêm một tầng tội lỗi nữa, tức là phạm giới. Giới “không uống rượu” gọi là Giá Giới, nghĩa là đức Phật ngăn cấm, chẳng cho phép con người uống rượu! Kẻ chưa thọ giới mà uống sẽ không phạm lỗi, nhưng nếu uống rồi làm càn thì sẽ dựa theo chuyện kẻ ấy đã làm để luận tội. Vì thế, tuy chưa thọ giới cũng chớ nên uống. Nếu đã thọ giới mà uống thì chỉ mắc tội phạm giới.

Nhưng đã phát tâm quy y Tam Bảo, cố nhiên nên giữ trọn cả năm giới. Tuy Phật đại từ đại bi có lệ cho con người tùy ý thọ một, hai, ba, bốn giới, nhưng đấy là dành cho những người lâm vào tình thế có những chuyện chẳng thể giữ được, đừng nên viện cớ đó để rồi dễ duôi! Nói đến những chuyện khiến cho [người thọ giới] chẳng thể giữ được là như kẻ đồ tể chẳng thể giữ giới sát sanh, tửu bảo chẳng thể giữ giới không uống rượu v.v…

Người quy y Phật pháp tu trì Tịnh nghiệp ắt phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Dùng những điều ấy để tự hành, lại còn dạy người, sao cho trong là cha mẹ, anh em trai, vợ chồng, con cái, chị em gái, chị em dâu, tôi trai, tớ gái, ngoài là xóm giềng, làng nước, thân thích, bằng hữu cùng với hết thảy những người quen biết hữu duyên đều dùng những điều này để khuyên lơn họ. Phàm muốn khuyên ai, chính mình ắt phải thực hành chuyện ấy thì người ta sẽ tự làm theo. Chuyện thế gian hay xuất thế gian không gì chẳng lấy thân làm gốc. Đấy gọi là “dùng lời lẽ để dạy sẽ bị tranh cãi, dùng thân để dạy thì người ta sẽ thuận theo”.

Lại cần phải biết: Một pháp Niệm Phật chính là pháp môn đặc biệt trong hết thảy các pháp do đức Phật đã nói trong suốt cả một đời Ngài. Đạo lý ấy siêu việt hết thảy Thiền Giáo, Luật, Mật. Trong hết thảy pháp môn, muốn liễu sanh tử thì ắt phải đoạn sạch Phiền Hoặc mới có phần liễu sanh tử. Nếu phiền não Hoặc nghiệp chưa đoạn, mặc kệ anh kiến địa cao siêu, công phu sâu đậm, trí huệ to lớn, đều chẳng giúp được gì cả! Do các pháp môn ấy đều cậy vào tự lực cho nên khó khăn. Pháp môn Tịnh Độ hoàn toàn cậy vào Phật lực nên dễ dàng. Nếu là kẻ có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, chí thành niệm Phật thì lâm chung sẽ được Phật tiếp dẫn, vãng sanh Tây Phương. Đã vãng sanh Tây Phương thì phiền não chẳng mong đoạn mà tự đoạn. Do tất cả cảnh giới trong Tây Phương đều khiến cho con người tăng trưởng công đức, trí huệ, trọn không có gì khiến cho con người khởi tham – sân – si. Vì thế, Long Thọ Bồ Tát xưng tụng là “đạo dễ hành”, Mã Minh Bồ Tát xưng tụng là “phương tiện tối thắng”; nhưng pháp này chẳng phải chỉ để độ phàm phu mà thật ra còn phổ độ hết thảy phàm – thánh. Nay gởi cho các ông các thứ kinh sách, đọc rồi sẽ tự biết.

Quang già rồi, mục lực thật suy yếu, chẳng thể khai thị tường tận được! Những sách này là những khai thị phổ biến, tôi dùng hai mươi đồng [hương kính] của các ông [dâng cúng] để làm tiền thỉnh sách và bưu phí. Trừ những cuốn tự giữ ra, [những cuốn còn dư] đều đem tặng cho những ai thông văn lý, biết cung kính. Nếu là kẻ luông tuồng, không cung kính, đừng tặng cho họ để họ khỏi tạo tội khinh nhờn, đâm ra bị tổn hại, không có lợi ích. Do xưởng cơ giới chế tạo dụng cụ giết chóc, nếu như có thể từ chối không làm, hoặc sửa thành những đồ vật sử dụng cho việc khác thì là thượng sách.

Nay đặt pháp danh cho hai người các ông, Vũ Tịch pháp danh là Trí Trạch, Tuyết Tịch pháp danh là Trí Tịnh. Dùng pháp môn Tịnh Độ để nhuần thấm hết thảy, thanh tịnh hết thảy, ngõ hầu chẳng phụ cuộc sống này và dịp gặp gỡ này. Người niệm Phật gần đây phần nhiều chẳng biết tới tông chỉ của pháp môn Tịnh Độ, cho nên nếu không xen tạp Thiền Tông thì cũng tôn sùng, đề cao Mật Tông. Ở chỗ ông Thư Thứ Phạm xin hãy nói với ông ta [về lời nhắc nhở này], những nơi khác đừng nói (Ngày Hai Mươi Sáu tháng Sáu).