Thư gởi luật sư Trương Tăng Thuần

Hôm trước Vương Tông Nhất cầm đến thư của các hạ và thư của ba anh em ông ta, biết các hạ đã sớm tu trì Tịnh Độ, nhưng sau đấy lại bỏ lửng. Nay lại phát tâm, đủ thấy đã có thiện căn từ đời trước. Nói “dè dặt kinh sợ đối với nghiệp” là vì “dễ tạo tội”. Nếu ước theo tri kiến thế tục thì quả thật là thật đúng như vậy. Nếu chẳng chú trọng tiền bạc, chỉ ôm lòng giải oan gỡ rối, khuyên dạy lẫn nhau, chỉ biết luận định theo lý, chẳng nhìn mặt “ông anh lỗ vuông”[1] thì so với những nghề nghiệp khác càng dễ tích công lũy đức hơn! Nhưng tiền bạc có thể làm cho con người bị mê muội, những kẻ vừa thấy “ông anh lỗ vuông” liền chôn vùi đức hạnh của tổ tiên chẳng tiếc nuối gì, chính mình bị tổn phước, con cháu bị diệt tuyệt, và chết đi đọa lạc trong ác đạo trong vạn người có đến mười ngàn kẻ! Vì thế, chẳng thể không luôn luôn đề phòng “ông anh lỗ vuông” dụ dỗ, mê hoặc!

Ông đã phát tâm quy y, nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Thuần. Nếu có thể thuần nương theo Phật huệ thì “ông anh lỗ vuông” chẳng làm gì được ta! Lấy công đức giải oan gỡ rối để làm Trợ Hạnh cho niệm Phật vãng sanh sẽ như ngồi thuyền to vào trong biển cả, căng chiếc buồm lớn, lại được thuận gió, hành trình ngàn dặm chỉ trong một buổi đã đến nơi, may mắn chi hơn? Theo như ông nói thì trong bốn mươi chín ngày niệm Phật trước kia đã có chút sở chứng, đấy chính là căn bản khiến cho đạo tâm bị lui sụt! Mới có đôi chút tương ứng và cảm ứng, há nên tưởng đấy là đã chứng ư? Được chút ít đã cho là đủ, rồi vì đó liền lười nhác, buông bỏ, kẻ sơ tâm thường hay như thế. Từ nay về sau, hãy nên thuần nhất cái tâm, càng có cảm ứng bèn càng cảm thấy thiếu sót thì sẽ tránh được căn bệnh ấy.

Quang già rồi, chẳng thể khai thị tường tận. Nay gởi cho ông một bộ Tịnh Độ Thập Yếu. Sách này chính là sách thiết yếu nhất trong pháp môn Tịnh Độ, hãy nên lắng lòng đọc tụng thì nguyên do của pháp môn, pháp tắc tu trì và tất cả những điều tự lợi, lợi tha, đạo “tự hành, dạy người” đều biết rõ ràng! Một bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, một bộ Phật Học Cứu Kiếp Biên, một cuốn Gia Ngôn Lục. Muốn biết những ý đại cương này thì tìm kiếm trong Gia Ngôn Lục là dễ thấy nhất. Có những sách này thì những ý chánh yếu của Tịnh Tông sẽ rõ ràng, rạng ngời. Ngoài ra còn kèm thêm Đạt Sanh Biên, Thọ Khang Bảo Giám để ngăn ngừa [những tai ương] cho con cháu khi sanh nở và [có những khuôn phép để] giữ thân lập phẩm đức. Một Lá Thư Trả Lời Khắp chính là những điều cấp thiết mà hết thảy mọi người đều phải nên chú trọng, hành theo đó thì không điều nào chẳng tốt lành.

Quang già rồi, từ nay về sau vĩnh viễn đừng gởi thư đến nữa, cũng đừng giới thiệu người khác quy y do tinh thần, mục lực, công phu đều chẳng đủ. Trong mùa Đông năm ngoái, tôi đã cự tuyệt hết thảy, phàm thư từ gởi đến đều dùng lời này để cự tuyệt cho họ khỏi gởi thư đến nữa ngõ hầu khỏi bị quá phiền rộn không thể chống chọi được, chắc sẽ đến nỗi mù mắt hay mất mạng! (Ngày Mười Chín tháng Giêng)

***

[1] Khổng phương huynh: Do đồng tiền thời cổ thường có đục lỗ vuông ở giữa cho tiện xỏ thành xâu xách đi, nên mới có tên gọi như thế!