Thư trả lời cư sĩ Vương Tử Lập

(thư thứ nhất)

Con người quý ở chỗ tự biết, chớ nên nói năng lớn lối quá phận bừa bãi. Đọc những lời bàn luận nghi ngờ của ông, thấy rõ [ông cho rằng] dịch kinh trọn chẳng phải là việc khó khăn, chỉ cần biết tiếng ngoại quốc là có thể trở thành một dịch giả giỏi rồi! Nếu [chỉ là một] dịch giả [thông thường, thiếu căn bản Phật học vững chắc], bảo người ấy dịch kinh thì anh ta vẫn giống như kẻ không hiểu tiếng ngoại quốc! Ông cần phải dựa theo Phạn bản, Phạn bản chẳng phải là bất di bất dịch, cần phải có con mắt trí huệ để phân biệt văn nghĩa trong Phạn bản là đích xác, hoặc là do truyền thừa lâu đời bị sai ngoa thì mới có thể dịch kinh được![1] Do một người không thể làm được, nên trong một đạo tràng dịch kinh có nhiều vị thông gia (người hiểu biết sâu rộng). Có vị dịch kinh văn, có vị chứng nghĩa. Những vị tham dự dịch trường đều chẳng phải toàn là những người không thông hiểu Phật pháp.

Ông hoàn toàn tưởng rằng [dịch kinh] giống như dịch lời nói của người ngoại quốc, [như vậy] thì giống hệt như kẻ đọc sách chỉ nhận biết mặt chữ, chứ trọn chẳng hiểu ý nghĩa những lời văn sâu xa, uyên áo của thánh nhân ra sao! Chớ nên thốt lời xằng bậy ấy nữa! Cứ nói thì sẽ khiến cho kẻ chẳng hiểu biết gì bèn lầm lẫn bội phục ông, chứ khó khỏi bị người có chánh kiến đau tiếc sâu xa! Quang một mực chẳng vì muốn làm sướng tai khoái mắt kẻ khác mà gây lầm lẫn cho người ta. Nếu chẳng coi lời Quang là sai thì hãy giữ phận tu trì. Nếu không, đường ai nấy đi, chẳng sao cả! Mai kia đi đường gặp nhau sẽ vòng tay chào rồi đi, chẳng cần phải hỏi ông là ai, tôi là ai nữa!

(thư thứ hai)

Một kinh Vô Lượng Thọ có năm bản dịch. Bản dịch đầu tiên là do ngài Chi Lâu Ca Sấm[2] người xứ Nhục Chi dịch vào đời Hậu Hán, gồm ba quyển, văn từ rườm rà, với tựa đề là Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh. Bản dịch kế tiếp do ngài Chi Khiêm[3] người xứ Nhục Chi dịch vào đời Ngô gồm hai quyển, với tựa đề Phật Thuyết A Di Đà Kinh. Do trong kinh nhật tụng cũng có bản kinh tên Phật Thuyết A Di Đà Kinh, nên phía ngoài thêm vào một chữ Đại để phân biệt.

Lại vào đời Triệu Tống[4] có cư sĩ Vương Long Thư sao lục những chỗ trọng yếu trong bốn bộ, tức hai bản dịch đầu tiên (tức bản của ngài Chi Lâu Ca Sấm và Chi Khiêm dịch) và bản dịch thứ ba (tức bản dịch của ngài Khang Tăng Khải) cũng như bản dịch thứ năm vào đời Triệu Tống (tức bản dịch của ngài Pháp Hiền) [thành một bản hội tập] đặt tên là Đại A Di Đà Kinh. Thuở ấy, bản này được lưu truyền mạnh mẽ, sau vì Liên Trì đại sư chỉ ra khuyết điểm “[khi hội tập, ông Vương] chẳng y theo kinh văn [của các bản dịch]”[5] nên từ đấy không có ai thọ trì nữa. Trong Đại Tạng có bản kinh này. Các chỗ lưu thông đều chẳng lưu thông. Có người bảo [kinh Vô Lượng Thọ, ngoài năm bản dịch] còn có một loại nữa, tức là bản kinh [hội tập] này vậy.

Bản dịch thứ ba chính là Phật Thuyết Vô Lượng Thọ kinh, gồm hai quyển, hiện thời ai nấy đều thọ trì bản kinh này, tức là bản do ngài Khang (tên nước) Tăng Khải[6] dịch vào đời Tào Ngụy[7]. Bản thứ tư chính là hội thứ mười bảy của kinh Đại Bảo Tích, tức Vô Lượng Thọ Như Lai Hội. Bản kinh này ông Vương Long Thư chưa từng thấy, do ngài Bồ Đề Lưu Chí[8] dịch. Trước đó, vào thời Nguyên Ngụy có ngài Bồ Đề Lưu Chi[9], không phải người đời Đường; người đời thường viết sai tên [ngài Lưu Chí] thành Lưu Chi.

Bản dịch thứ năm tên là Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, do ngài Pháp Hiền[10] dịch vào đời Triệu Tống. Nguyên bản gồm hai quyển, do người đời Tống lấy số lượng kinh dịch được nhiều làm điều vinh dự nên chia thành hai quyển. Ở chỗ trọn chẳng nên chia ra lại chia, [do vậy] bản khắc hiện thời chỉ gồm một quyển. Trong những bản dịch ấy, Vô Lượng Thọ Như Lai Hội văn lẫn lý đều hay, nhưng phần kinh văn khuyên đời ở cuối kinh lại chẳng sao lục. Vì thế, người đời đều lấy bản Vô Lượng Thọ Kinh của ngài Khang Tăng Khải làm chuẩn vậy.

(thư thứ ba)

Trong kinh Vô Lượng Thọ, có ba bậc (tam bối), Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh có chín phẩm. Ba phẩm Hạ đều là kẻ tạo ác nghiệp, lâm chung gặp thiện tri thức khai thị niệm Phật liền được vãng sanh. Vương Long Thư chấp chết cứng “ba bậc chính là chín phẩm”. Đấy chính là lầm lẫn căn bản cho nên coi bậc Hạ [trong kinh Vô Lượng Thọ] chính là ba phẩm Hạ [trong Quán Kinh], sai lầm quá đỗi!

Do vậy [trong bản hội tập Đại A Di Đà Kinh của ông Vương Long Thư] bậc Thượng chẳng nói có phát Bồ Đề tâm, bậc Trung có phát Bồ Đề tâm, bậc Hạ thì nói “chẳng phát Bồ Đề tâm”. [Thật ra, theo bản Ngụy dịch], ba bậc trong kinh Vô Lượng Thọ đều có phát Bồ Đề tâm. Ý Vương cư sĩ cho rằng bậc Hạ tội nghiệp sâu nặng, làm sao có thể phát Bồ Đề tâm cho được? Ông ta chẳng nghĩ [trong phần kinh văn giảng về] bậc Hạ [của kinh Vô Lượng Thọ] trọn chẳng có một chữ nào nói họ tạo nghiệp, họ vẫn là thiện nhân, nên [bậc Hạ trong kinh Vô Lượng Thọ] chỉ có thể thuộc vào ba phẩm Trung trong chín phẩm [của Quán kinh]. [Ông Vương] ương ngạnh gán ghép bậc Hạ [của kinh Vô Lượng Thọ] vào ba phẩm Hạ [của Quán Kinh], nghịch kinh, trái lý, rốt cuộc trở thành tùy tiện sửa kinh, mắc lỗi lớn lắm!

Ý ông ta cho rằng “Phật nhất định thâu nhiếp trọn hết thảy chúng sanh”, nhưng không biết Phật chỉ [có thể] thâu nhiếp người lành, chứ không thể thâu nhiếp kẻ ác[11]. Ông ta đã coi người lành là kẻ ác, cho nên mới nói “chẳng phát Bồ Đề tâm”; chấp chết cứng bậc Hạ là ba phẩm Hạ, nên tưởng người lành là kẻ ác! Chẳng biết ba phẩm Hạ trong chín phẩm lúc lâm chung khổ sở cùng cực, vừa nghe được danh hiệu Phật liền quy mạng gieo lòng Thành, tâm cầu Phật rủ lòng Từ cứu vớt, dũng mãnh cảm kích, so với cái tâm lúc sắp bị hành hình mong được tha còn sâu đậm hơn gấp ngàn vạn lần! Tuy [Quán Kinh] chưa nói là họ phát Bồ Đề tâm, nhưng tâm niệm ấy thiết tha, thành kính, quả thật đã đầy đủ Bồ Đề tâm!

Tiếc cho họ Vương chẳng dựa theo văn nghĩa của bản kinh gốc mà cứ dựa theo [cách hiểu] Quán Kinh [qua lăng kính thiên kiến, ức đoán của ông ta] để rồi ương ngạnh vu báng, miệt thị người hiền là kẻ ác, rốt cuộc phán đoán họ như kẻ ác! Họ Vương còn mắc phải khuyết điểm ấy, huống là người đời sau dối xưng là bậc thông gia ư? Đã có Vô Lượng Thọ Kinh rồi thì cần gì phải vô sự lại sanh sự. Họ Vương phạm lầm lẫn, Liên Trì đại sư đã chỉ ra, nhưng Ngài vẫn chưa nói vì sao lại như vậy. Nay tôi nói rõ nguyên do, ấy là vì [ông Vương] chấp chết cứng ba bậc chính là chín phẩm. Viết ra điều này để thấy hội tập khó khăn, nhằm ngăn ngừa người đời sau làm càn. Ngụy Mặc Thâm[12] lại càng chẳng đáng nói tới! Gan to, tâm thô, chẳng đáng để noi theo (Ngày Hai Mươi tháng Tám năm Dân Quốc 29 – 1940)

***

[1] Cũng xin nói thêm: Để dịch kinh, tối thiểu người dịch phải thông hiểu những thuật ngữ trong Phật pháp mới không hiểu sai. Theo một bài viết đăng trên nguyệt báo Lắng Nghe của trường Gia Giáo chùa Viên Giác, ngay cả những vị mang tiếng là học giả Hán – Nôm nhưng không chú tâm nghiên cứu Phật giáo vẫn mắc phải những sai lầm ấu trĩ, khó thể chấp nhận khi dịch những văn bản Phật giáo từ tiếng Hán sang tiếng Việt. Chẳng hạn, họ không biết Nê Hoàn là cách phiên âm khác của chữ Niết Bàn, Điều Đạt là cách gọi rút gọn tên Đề Bà Đạt Đa, không biết Thiện Thệ là một trong mười hiệu của đức Phật nên dịch thành “khéo đi” v.v…

[2] Chi Lâu Ca Sấm (Lokasema) sanh năm 147, không rõ năm mất, đôi khi còn được gọi tắt là Chi Sấm, người xứ Đại Nhục Chi (Kusana), tới kinh đô Lạc Dương vào thời Hán Hoàn Đế. Ngài dịch được các bộ kinh Đạo Hành Bát Nhã, Ban Châu Tam Muội, A Xà Thế Vương Kinh, Tạp Thí Dụ Kinh, Thủ Lăng Nghiêm Kinh, Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh và hơn hai mươi hội thuộc kinh Bảo Tích. Ngài là vị dịch kinh Bát Nhã sớm nhất tại Trung Hoa, gây nên hứng thú nghiên cứu kinh Bát Nhã suốt thời Ngụy – Tấn. Sơ Tổ Huệ Viễn của tông Tịnh Độ đã căn cứ vào kinh Ban Châu Tam Muội mà lập ra pháp Ban Châu Niệm Phật, lập Liên Xã, và khởi xướng truyền thống niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.

[3] Chi Khiêm, cũng là người xứ Đại Nhục Chi, sống vào cuối thế kỷ thứ ba. Ngài vốn là một vị cư sĩ tên Cung Minh theo mọi người trong bộ tộc di cư sang Đông, sống tại Hà Nam. Ngài thông hiểu ngôn ngữ của sáu nước Thiên Trúc, theo học với một đệ tử ngài Chi Lâu Ca Sấm là Chi Lượng, do thông hiểu các kinh điển nên được người đời tặng mỹ hiệu Trí Nang (cái túi trí huệ). Về sau, do tỵ loạn, Ngài dời sang sống tại Đông Ngô, được Ngô Vương Tôn Quyền rất tôn trọng, phong chức quan Bác Sĩ để dạy Thái Tử Tôn Lượng học. Suốt thời gian 31 năm từ 222 đến 253 năm, Ngài dốc sức dịch các bộ Duy Ma Cật Kinh, Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi Kinh, Đại Minh Độ Kinh v.v… tổng cộng hơn 129 bộ kinh. Ngoài ra, Ngài còn soạn Tán Bồ Tát Liên Cú, Phạm Bái Tam Khế, chú giải Liễu Bản Sanh Tử Kinh. Khi Thái Tử lên ngôi, Ngài ẩn cư tại núi Khung Ải, thọ giới với ngài Trúc Pháp Lan, trở thành Tăng sĩ, lắng lòng tu niệm, viên tịch năm sáu mươi tuổi.

[4] Triệu Tống là nhà Tống (927-1279) được sáng lập bởi Triệu Khuông Dẫn, gọi như vậy để phân biệt với nhà Lưu Tống (420-479) do Lưu Dụ sáng lập.

[5] Xin xem thêm chi tiết về lời phê của tổ Liên Trì trong cuốn Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ.

[6] Khang Tăng Khải (Samghavarman), còn được phiên là Tăng Già Bạt Ma, sống vào thời Tam Quốc, người xứ Khang Cư (Sogdian), đến Lạc Dương vào năm Gia Bình thứ tư (252) nhà Tào Ngụy (nhằm đời vua Tào Phương, tức Ngụy Phế Đế), trụ tại chùa Bạch Mã, dịch các bộ Úc Già Trưởng Giả Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh, Tứ Phần Tạp Yết Ma v.v… Ngoài ra, trong Vạn Tục Tạng còn có một bản kinh khác cũng đề tên Ngài dịch là Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi Ích Đại Sự Nhân Duyên Kinh.

[7] Ngoại trừ nước Ngụy thời Xuân Thu Chiến Quốc ra, trong lịch sử Trung Hoa có rất nhiều vương triều lấy quốc hiệu là Ngụy như:

1) Tào Ngụy (222-260) là nước Ngụy đời Tam Quốc do Tào Phi, con trai Tào Tháo, sáng lập. Tuy Tào Phi xưng đế, nhưng chỉ là người thừa hưởng thành quả từ những thủ đoạn mưu bá đồ vương của Tào Tháo nên Tào Tháo mới là người sáng lập triều đại Tào Ngụy thật sự. Khi lên ngôi, Tào Phi đã truy phong thụy hiệu cho Tào Tháo là Ngụy Thái Tổ Vũ Hoàng Đế.

2) Nhiễm Ngụy (350-352) do Nhiễm Mẫn (con nuôi của Thạch Hổ nhà Hậu Triệu) thừa dịp các con của Thạch Hổ tranh giành ngôi báu đã soán đoạt chánh quyền nhà Hậu Triệu, xưng đế, đổi tên nước thành Ngụy, nhưng chỉ hai năm sau lại bị nhà Tiền Yên diệt quốc.

3) Địch Ngụy (330-392) do Địch Liêu thuộc tộc người Đinh Linh chiếm cứ phía nam tỉnh Hà Nam sáng lập. Do lãnh thổ bị vây hãm giữa các nước Đông Tấn, Hậu Yên, Tây Yên nên suốt đời Địch Liêu phải luôn giao tranh. Cuối cùng phải bỏ kinh đô Hoạt Đài vượt sông trốn về Bắc, nhưng rốt cuộc vẫn bị Mộ Dung Thùy nhà Hậu Yên diệt quốc vào năm 392.

4) Bắc Ngụy (386-534), còn gọi là Hậu Ngụy hoặc Thác Bạt Ngụy, hoặc Nguyên Ngụy, do Thác Bạt Khuê thuộc sắc tộc Tiên Ty sáng lập. Năm 493, Thác Bạt Hoằng dời đô từ Bình Thành sang Lạc Dương, đổi họ thành Nguyên, nên sử thường gọi triều đại này là Nguyên Ngụy.

5) Tây Ngụy (535-557): Sau khi Hiếu Vũ Đế nhà Bắc Ngụy bị Cao Hoan đánh bại phải chạy vào Quan Trung nương nhờ Vũ Văn Thái. Vũ Văn Thái bèn lập mưu giết chết Hiếu Vũ Đế, đưa cháu nội của Ngụy Hiếu Văn Đế (Thác Bạt Hoằng) là Nguyên Bảo Cự lên ngôi, đóng đô tại Trường An. Nhưng đến năm 557, Vũ Văn Giác (con trai Vũ Văn Thái) bức vua Cung Đế nhà Tây Ngụy thoái vị, tự mình xưng đế, lập ra nhà Bắc Châu.

6) Đông Ngụy (534-550): Khi Cao Hoan đánh bại Bắc Ngụy Hiếu Vũ Đế, vua phải chạy vào Quan Trung nhờ cậy thế lực của Vũ Văn Thái, Cao Hoan bèn lập đứa chắt mới mười một tuổi của Ngụy Hiếu Văn Đế (Thác Bạt Hoằng) là Nguyên Thiện Kiến lên ngôi, lấy hiệu là Ngụy Hiếu Tịnh Đế, rồi tự mình làm Phụ Chánh Đại Thần, đóng đô tại Nghiệp Thành, nhằm đối kháng với nhà Tây Ngụy. Do Cao Hoan chỉ rắp tâm soán đoạt nên nước Đông Ngụy yếu thế hơn Tây Ngụy, nhiều lần bị Tây Ngụy đánh bại. Rốt cuộc, Cao Tường (con trai thứ của Cao Hoan) soán ngôi, lập ra nhà Bắc Tề (Sử thường gọi là nhà Cao Tề).

[8] Bồ Đề Lưu Chí (Bodhiruci 562-727), dịch nghĩa là Giác Ái, vốn có tên là Đàm Ma Lưu Chi (Dharmaruci) người Nam Thiên Trúc, xuất thân từ dòng Bà La Môn, thiên tư thông duệ, xuất gia năm 12 tuổi, theo học với ngoại đạo Bà La Xà La, thông hiểu Thanh Minh, Số Luận, lịch số, địa lý, thiên văn, chú thuật, y phương v.v… Mãi tới năm sáu mươi tuổi mới ngộ được chỗ cao sâu của Phật pháp bèn ẩn cư trong rừng núi tu hạnh Đầu Đà. Sau đó, theo học Tam Tạng với ngài Da Xá Cù Sa, chưa đầy năm năm đã thông đạt tất cả, danh tiếng còn trỗi hơn thầy. Vua Đường Cao Tông nghe tiếng, sai sứ sang thỉnh. Năm Trường Thọ thứ hai (693), Sư chống tích trượng đến Trường An, được Vũ Tắc Thiên cực kỳ tôn trọng, thỉnh Sư trụ tích tại chùa Phật Thọ Ký, đồng thời dâng mỹ hiệu Bồ Đề Lưu Chí. Chỉ trong năm ấy, Sư đã dịch được mười một bộ kinh như Phật Cảnh Giới, Vũ Bảo v.v… Tới năm Thần Long thứ hai (706) Sư dịch thêm được các bộ Bất Không Quyến Sách Thần Biến Chân Ngôn Kinh, Nhất Tự Phật Đảnh Luân Vương Kinh. Công trình lớn nhất của Sư là dịch bộ Bảo Tích kinh ròng rã tám năm, dịch hai mươi sáu hội mới, tu chỉnh hai mươi ba hội của các vị dịch kinh đời trước, tạo thành bộ kinh Đại Tích gồm 49 hội, tổng cộng 120 quyển. Dịch xong, Sư chuyên tu Thiền Quán. Tới năm Khai Nguyên thứ 15 (727), Sư tuyệt thực nhưng thần sắc vẫn tươi đẹp như cũ. Tới ngày mồng Năm tháng Mười Một năm ấy bèn thị tịch, thọ 166 tuổi. Vua thương tiếc, truy tặng quan chức Hồng Lô Đại Khanh, thụy hiệu Khai Nguyên Nhất Thiết Biến Tri Tam Tạng. Điểm lại, Sư đã dịch tổng cộng 53 bộ kinh, là vị dịch giả nổi tiếng ngang ngửa với ngài Huyền Trang.

[9] Bồ Đề Lưu Chi, dịch nghĩa là Đạo Hy, người xứ Bắc Ấn Độ, cao tăng học giả thuộc học phái Du Già (Duy Thức), là đệ tử thuộc đời thứ tư của ngài Thiên Thân Bồ Tát. Ngài cũng rất tinh thông Mật Giáo, đến Lạc Dương vào năm Vĩnh Bình nguyên niên (508) nhà Nguyên Ngụy, được Ngụy Tuyên Vũ Đế rất trọng vọng. Cùng với các vị cao tăng học giả thời ấy như Lặc Na Ma Đề (Bảo Ý), Phật Đà Phiến Đa (Giác Định) v.v… cùng dịch kinh điển. Các bộ luận nổi tiếng được các Ngài dịch gồm Cứu Cánh Nhất Thừa Bảo Tánh Luận, Bảo Tích Kinh Luận, Pháp Hoa Kinh Luận, Thập Địa Kinh Luận. Khi nhà Nguyên Ngụy bị tách thành Đông Ngụy và Tây Ngụy, dời đô về Nghiệp Thành, Ngài ở lại Lạc Dương, đơn độc dịch kinh đến năm Thiên Bình thứ hai (535) mới thôi, không rõ mất năm nào. Căn cứ theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, Ngài dịch được ba mươi bộ kinh, quan trọng nhất là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn Kinh, Thắng Tư Duy Phạm Thiên Sở Vấn Kinh, Thâm Mật Giải Thoát Kinh, Nhập Lăng Già Kinh, Đại Tát Độ Ni Càn Tử Sở Thuyết Kinh, Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn Kinh Luận, Văn Thù Vấn Bồ Đề Kinh Luận, Vô Lượng Thọ Kinh Luận, Bách Tự Luận, Duy Thức Luận…

[10] Pháp Hiền (không rõ năm sanh, mất năm 1001), là danh tăng xuất thân từ học viện Na Lan Đà ở Thiên Trúc. Thoạt đầu Sư có tên là Pháp Thiên, đến Trung Quốc vào năm Khai Bảo thứ sáu (973). Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ năm (980), nhận lời thỉnh của sư Pháp Tấn chùa Khai Nguyên cùng dịch kinh. Năm sau được ban tặng mỹ hiệu Truyền Giáo Đại Sư. Khi mất Sư được ban thụy hiệu là Huyền Giác đại sư. Sư dịch được 120 bộ kinh, những bộ nổi tiếng nhất là Thánh Vô Lượng Thọ Kinh Thất Phật Tán, Vô Lượng Quyết Định Quang Minh Vương Kinh, Cát Tường Trì Thế Kinh v.v…

[11] Không phải là đức Phật thiếu lòng Từ mà là Ngài không thể độ kẻ vô duyên. Kẻ ác nếu có thể cải hối, thống thiết phát nguyện cầu sanh vẫn được vãng sanh vì do tâm niệm ấy đã có duyên với Phật nên Phật độ được.

[12] Ngụy Nguyên (1794-1857), còn có tên là Nguyên Đạt, tự là Mặc Thâm, hiệu Lương Đồ, đến già đổi tên là Thừa Quán, người làng Kim Đàm, huyện Thiệu Dương, đỗ thứ hai trong kỳ thi Hương vào năm Đạo Quang thứ hai (1822). Năm Đạo Quang thứ năm (1825), vâng lệnh Bố Chánh Sứ tỉnh Giang Tô biên tập bộ sách Hoàng Triều Kinh Thế Văn Biên gồm 120 quyển, rất được tán thưởng. Năm Đạo Quang thứ sáu (1826) lên kinh thi Hội, nhưng không đậu. Khi Lưu Phùng Lộc đọc quyển thi bị loại ra, đã than thở quốc gia bỏ mất tài năng. Năm sau lại đi thi Hội nữa, vẫn không đậu, Ngụy Nguyên bèn bỏ tiền mua chức quan Trung Thư Xá Nhân. Ông từng theo Lâm Tắc Từ làm công tác phiên dịch khi cuộc chiến Nha Phiến nổ ra. Về sau, do thấy các đại thần trong triều khiếp nhược, chủ bại, hôn ám, ông bèn từ quan về nhà, chuyên soạn sách, dạy học, chủ trương “dùng người ngoại quốc để chế ngự ngoại quốc, lợi dụng kỹ thuật Tây Dương, đem quyền lợi nhử các nước Tây Phương đánh lẫn nhau”. Ông để lại rất nhiều trước tác; tuy vậy, những trước tác về Phật giáo của ông không được đánh giá cao vì ông nghiên cứu kinh điển theo kiểu một học giả nghiên cứu văn bản thay vì là một hành giả Phật giáo nên có rất nhiều ý kiến vũ đoán, cực đoan, chấp trước văn tự, tùy ý diễn dịch, phê phán theo thiên kiến và sự ức đoán của chính mình.