Thư trả lời cư sĩ Diệp Phước Bị

(thư thứ nhất)

Cha ông đã cho phép ông xuất gia, hãy nên phát tâm chí thành khẩn thiết, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Hết thảy chúng sanh từ vô thủy đến nay ở trong lục đạo không nghiệp nào chẳng tạo. Nếu không có tâm tu hành, sẽ đâm ra chẳng cảm thấy có những ác niệm cổ quái, hiếm lạ ấy. Nếu phát tâm tu hành [sẽ cảm thấy] những thứ ý niệm ấy càng nhiều hơn thêm (Đây chính là do chân – vọng soi lẫn nhau mà hiển hiện, chứ không phải là trước kia không có, chỉ là do chúng chẳng hiện rõ mà thôi). Lúc ấy, hãy nên tưởng A Di Đà Phật ở trước mặt ta, chẳng dám có một tạp niệm vọng tưởng, chí thành, khẩn thiết niệm thánh hiệu Phật (hoặc niệm nhỏ tiếng, hoặc niệm thầm), ắt phải sao cho từng câu từng chữ trong tâm niệm rõ ràng phân minh, miệng niệm rõ ràng phân minh, tai nghe rõ ràng phân minh. Thường niệm được như thế thì hết thảy tạp niệm tự nhiên tiêu diệt.

Khi tạp niệm khởi lên, hãy đặc biệt đề khởi toàn bộ tinh thần niệm Phật, chẳng để cho nó tác quái trong tâm ta. Nếu có thể thường niệm được như thế thì ý địa tự nhiên thanh tịnh; lúc tạp niệm vừa mới dấy sẽ giống như một người chống lại vạn người, tâm chẳng thể có chút [ý niệm] thong thả, dễ dãi nào. Nếu không, nó sẽ thành chủ của ta, ta sẽ bị nó hại. Nếu liều hết tánh mạng chống lại nó, nó sẽ bị ta xoay chuyển, đấy gọi là “chuyển phiền não thành Bồ Đề”. Hiện thời ông có thể thường đem vạn đức hồng danh của Như Lai để cực lực kháng cự thì lâu ngày chầy tháng tâm sẽ tự thanh tịnh. Tâm đã thanh tịnh rồi, vẫn cứ niệm y như cũ chẳng buông lung, thì nghiệp chướng tiêu, trí huệ mở mang.

Chớ nên sanh lòng gấp rút, vọng động, bất luận ở tại nhà hay ở nơi am đều phải kính trên, hòa dưới, nhẫn được những điều người khác chẳng thể nhẫn, làm được những chuyện người khác chẳng thể làm, chịu nhọc nhằn thay cho người khác, thành tựu sự tốt đẹp cho người ta. Khi tịnh tọa thường nghĩ đến lỗi mình, lúc chuyện gẫu chẳng bàn lỗi của kẻ khác, đi, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, ăn cơm, từ sáng tới tối, từ tối tới sáng, một câu Phật hiệu chẳng để gián đoạn, hoặc niệm nhỏ tiếng, hoặc niệm thầm, trừ niệm Phật ra, chẳng khởi lên niệm nào khác.

Nếu lỡ vọng niệm dấy lên, hãy lập tức làm cho nó tiêu diệt. Thường sanh lòng hổ thẹn và sanh lòng sám hối. Dẫu có tu trì, luôn cảm thấy mình công phu rất cạn, chẳng tự khoe khoang, kiêu căng, chỉ bận tâm đến chuyện trong nhà của chính mình, chẳng dính tới chuyện nhà người khác, chỉ thấy những gương tốt, chẳng thấy những gương xấu. Thấy hết thảy mọi người đều là Bồ Tát, chỉ có mình ta quả thật là phàm phu. Nếu ông có thể làm theo những điều tôi đã nói, chắc chắn sẽ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới.

Thế giới Cực Lạc không có nữ nhân. Nữ nhân, súc sanh hễ sanh về thế giới ấy đều mang tướng đồng nam (trẻ trai), liên hoa hóa sanh. Vừa từ trong hoa sen ra đều giống hệt như người trong thế giới Cực Lạc, chứ không phải là trước hết bé nhỏ rồi sau đấy mới dần dần khôn lớn. Người trong thế giới ấy không có phiền não, không có vọng tưởng, không có chuyện tạo nghiệp. Do cậy vào Phật từ lực nên hết sức dễ sanh, nhưng phải lấy niệm Phật làm nhân; đã vãng sanh rồi thấy Phật nghe pháp, nhất định viên thành Phật đạo. Mười phương thế giới chỉ có cõi này là thù thắng vượt trội nhất. Trong hết thảy pháp môn tu trì, chỉ có pháp này dễ tu nhất mà công đức lại lớn nhất. Ông đừng nghe lời người khác thì sẽ tự đạt được lợi ích tối thắng này!

(thư thứ hai)

Ngày hôm qua, thầy Đương Gia đưa thư của ông cho Quang. Quang đọc xong, biết tuy cường đạo đến cướp đồ vật mà ông chẳng bị mất vật nào, còn bà cụ ở phòng đối diện bị cướp mất một cái rương và các thứ quần áo. Đấy chính là chứng cớ rõ ràng Tam Bảo gia hộ [cho ông]. Chỉ nên gắng sức niệm Phật và niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, há nên lầm lạc sanh lòng sợ hãi, muốn dời đi chỗ khác! Ông xem có chỗ nào là nơi yên vui đâu? May mắn là chỗ ấy nghèo nàn nên vẫn còn chưa gặp họa lớn. Nếu ở nơi am giàu có, sợ sẽ càng nguy hiểm hơn!

Năm Dân Quốc 19 (1930), ông Quách Chấn Thanh, chủ tiệm giấy Hợp Phát ở đường Cảnh Đức, Tô Châu, theo một người già trong nhà ông ta đến quy y, Quang bảo ông ta: “Hiện thời là tình thế hoạn nạn, hãy nên chí thành niệm Phật và niệm thánh hiệu Quán Âm, liền có thể gặp dữ hóa lành, gặp nạn mà được hên”. Tháng Chạp năm sau, ông ta qua Thượng Hải. Chiến sự Thượng Hải nổ ra, chẳng thể trở về đất Tô được. Đến mùa Xuân năm Dân Quốc 21 (1932), chẳng thể không trở về, do đường xe lửa bị cắt đứt, liền ngồi tàu thủy nhỏ đi vòng theo ngã Gia Hưng trở về Tô Châu. Nhưng thuyền bè qua lại thường bị cường đạo cướp bóc; Chấn Thanh sợ bị cướp, trong tâm thầm niệm thánh hiệu Quán Âm. Không lâu sau cường đạo kéo đến, cả thuyền đều bị cướp sạch sành sanh. Chấn Thanh là một người mập mạp, mặc một cái áo da, nhưng giữa bao người, bọn cường đạo trọn chẳng thèm hỏi tới ông ta! Đủ biết niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát quyết định được Bồ Tát gia bị, chẳng đến nỗi gặp tai họa ngoài ý muốn.

Quang đọc qua thư ông, nay muốn phúc đáp, nhưng tìm khắp nơi không thấy [lá thư ấy]; do vậy nghĩ đấy là do Bồ Tát thị hiện cho ông một dấu hiệu để nhất tâm niệm Phật, niệm Bồ Tát hòng ngừa họa giữ thân. Nếu ông chí thành, cường đạo thấy ông mà như không thấy, hoặc thấy những đồ đạc của ông là thứ chúng chẳng cần, chẳng đến nỗi gây tổn thương cho ông. Hiện thời bất luận là ai, đều phải niệm A Di Đà Phật và niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để làm quả núi nương tựa. Chỉ nhất tâm thường niệm, chẳng cần phải sợ hãi!