Thư trả lời cư sĩ Viên Đức Thường

(thư thứ nhất)

Muốn nêu rõ sự linh thiêng, tốt lành của xá-lợi, hãy nên gởi thư đến hòa thượng phương trượng chùa A Dục Vương ở huyện Cẩn, Ninh Ba, xin ban cho một bộ A Dục Vương Sơn Chí. Đọc sách ấy sẽ tự biết đầu mối.

Mùa Xuân năm Quang Tự 21 (1895), Quang đến chùa Dục Vương lễ bái xá-lợi gần ba tháng. Từ đấy về sau, hằng ngày thường theo người đến chiêm bái tới nhìn xá-lợi, thấy màu sắc giống như hạt Bồ Đề ở Thiên Thai pha sắc hồng, mấy chục ngày không đổi. Nhưng lớn – nhỏ khác nhau, tùy theo từng lúc nhìn mà biến đổi, chợt lớn, chợt nhỏ. Lớn thì bằng hạt đậu xanh, nhỏ thì kích thước giảm bớt một phần ba.

Đến năm Quang Tự 31 (1905), do có việc đến chùa A Dục, lại nhìn lần nữa thì xá-lợi lớn bằng hạt đậu đen, có màu sắc giống như hạt đậu đen nổi mốc trắng, dính chặt vào đáy chuông[1] không lay động. Quang nghĩ [mình thấy xá-lợi] có sắc đen nổi mốc trắng, chắc là năm ấy mình sẽ phải chết, nhưng [rốt cuộc] cũng không có chuyện lành hay chuyện dữ gì. Đấy đều là những tướng thông thường do người bình phàm thường thấy được, chứ trọn chẳng phải là chuyện cảm ứng lạ lùng, đặc biệt gì! Có sao lục ra để in thì cũng chẳng có ích lợi gì đâu! Đừng nên lầm lạc bịa chuyện, biến chuyện không cảm ứng thành có cảm ứng thì tội lỗi chẳng cạn đấy!

 (thư thứ hai)

Hôm trước nhận được thư ông hỏi: “Làm thế nào để phân biệt được Tam Tôn Phật?” Thích Ca Phật kết Hàng Ma ấn, tức là tay trái đặt trong lòng, lưng bàn tay hướng xuống dưới, lòng bàn tay ngửa lên trên, tay phải úp trên gối, lưng bàn tay hướng lên trên. Dược Sư Phật kết Đại Tam Muội ấn, tức bàn tay phải đặt trên lòng bàn tay trái, [hai tay] đặt ở trong lòng. Di Đà Phật kết Di Đà ấn, tức lòng bàn tay trái đặt trên lòng bàn tay phải, [hai tay] đặt ở trong lòng. Nay gởi cho ông năm mươi đồng, xin ông lại mua hai tờ giấy Tuyên sáu thước để vẽ hai tượng Quán Âm và Thế Chí ngồi theo thế kiết già[2] trên hoa sen (“song già phu[3] ), Bạch Hào vẽ thành hình tròn. Quang vốn muốn tự bỏ tiền ra, ông phát tâm quyên tặng để kết duyên, nay vẽ bức khác thì Quang cũng được mãn nguyện. Hai đồng còn dư dùng để chi phí mua giấy, đi tàu xe và gởi tượng. Xin hãy sáng suốt soi xét.

(thư thứ ba)

Dương Ấm Hồng phát tâm hộ quốc, vãn hồi kiếp vận, nhưng chỉ dạy người khác kiêng giết, ăn chay, chẳng đề xướng niệm Phật hay niệm danh hiệu Bồ Tát một câu nào; đủ biết đối với Phật pháp, ông ta vẫn chưa có đủ lòng chánh tín! Nếu thật sự biết Phật lực, pháp lực chẳng thể nghĩ bàn, đang trong lúc đại kiếp đối đầu này mà chỉ muốn dùng cái nguyện kiêng giết, ăn chay để tiêu trừ thì sở kiến sẽ giống như chỉ thấy được đầu mảy lông mùa Thu mà chẳng thấy được hòn Thái Sơn (quyết chẳng thể có lẽ ấy).

Trong tờ thông cáo gởi xã viên, vàn muôn phần chớ nên sử dụng bốn chữ “Bồ Tát thị hiện”! Hễ sử dụng thì tội lỗi vô lượng, lại còn khiến cho người có đầy đủ con mắt sẽ bảo Ấn Quang và ông đều là phường cuồng vọng, dám xằng bậy xưng tụng gã phàm phu sát đất là Bồ Tát! Nếu điều này không mắc lỗi khơi gợi người khác tạo tội thì cũng còn có thể tiêu trừ được tội nghiệp cho ông và tôi. Nhưng kẻ vô tri trông thấy sẽ lấy đó làm lệ và hết thảy tăng – tục đều xưng là “Bồ Tát thị hiện” thì thứ tội lỗi lớn lao ấy sẽ do ông và tôi khởi xướng, sẽ gây ra thói tệ không cùng tận. Hãy nên dùng mực bôi bốn chữ ấy đi, viết bên cạnh là “xét rõ thời cơ”, ngõ hầu đối với Sự lẫn Lý, đối với mình lẫn người đều chẳng gây trở ngại gì! Xin hãy sáng suốt soi xét. Từ nay về sau, hễ có ai nhắc đến văn tự của Quang thì chỉ nên chú trọng trích lục thẳng thừng, đừng đội xằng thêm cái mũ cao cho Quang. Trong ý ông, tưởng đó là vinh dự, chẳng biết: “Nếu chẳng phải là cái mũ của chính mình mà cứ đội bừa thì người khác sẽ cho là giả mạo, là mù quáng mạo danh”, nhục nhã lắm!

Năm Dân Quốc thứ chín (1920), ông Trang Uẩn Khoan ở Thường Châu đến chùa Pháp Vũ núi Phổ Đà có làm một bài thơ. Quang đến phòng ông ta, ông ta liền đưa cho Quang, Quang đọc xong, cười khan, đặt xuống bàn, chẳng cầm đi. Vì sao vậy? Cái mũ quá cao, muôn phần chẳng dám đội! Nhưng kẻ ham danh trong cõi đời vẫn cầu người khác chế mũ cao cho mình. Tâm tướng của Quang khác với bọn họ! Bọn họ cho là vinh, Quang thấy là nhục. Xin hãy đem lời này nói với khắp các đồng môn, hãy nhớ kỹ nhé!

(thư thứ tư)

Ngày hôm qua, thầy Diệu Chân giao cho tôi sáu đồng hương kính nói do ông gởi. Pháp danh của năm người xin quy y được viết trong một tờ giấy khác. Xin hãy nói với họ: Quy y Phật pháp thì chẳng thể lại quy y tà ma, ngoại đạo nữa! Ai nấy hãy nên trọn hết chức phận của chính mình, phải hiếu thuận với cha mẹ ruột và bố mẹ chồng, phải giúp chồng thành tựu đức hạnh, phải dạy dỗ con cái khiến chúng đều trở thành hiền nhân, thiện nhân. Phải ăn chay, phải niệm Phật cầu sanh Tây Phương, chớ nên cầu sanh lên trời hay sanh vào nhà phú quý. Chớ nên niệm Huyết Bồn Kinh, phá huyết hồ, trả tiền thọ sanh, gởi kho. Đấy là những chuyện ngụy tạo. Chớ nên học theo ngoại đạo luyện đan, vận khí. Nếu vẫn chiếu theo kẻ vô tri vô thức để làm như thế thì sẽ chẳng vãng sanh Tây Phương được đâu! Bởi lẽ đã nhất tâm làm một con quỷ giàu có, hoặc muốn thành tiên, sanh lên trời, làm sao hưởng lợi ích vãng sanh Tây Phương lớn lao cho được? Xin hãy nói với bọn họ thì sẽ có lợi ích lớn lao.

Sách Đồng Mông Tu Tri tôi chưa đọc qua, sợ rằng sẽ giống như Tiểu Nhi Ngữ, Tiểu Học Vận Ngữ có những lời lẽ báng Phật trong ấy nên tôi chẳng dám viết lời tựa. Nhưng bài nêu bày ý nghĩa ẩn kín “giáo dục trong gia đình chính là căn bản để thiên hạ thái bình” chắc cũng có thể giúp nêu rõ ý nghĩa của sách Đồng Mông Tu Tri. Xin hãy cẩn thận trình bày, giảo duyệt, cũng nên thêm dấu chấm câu. Trong gói sách đã gởi lần trước, tôi có viết bài “Nêu tỏ ý nghĩa ẩn kín của chữ Người”. Phía sau đính kèm đôi câu đối ghi trước bàn thờ Phật của Liên Trì đại sư. [Hai câu đối ấy] hay tuyệt, không chi hơn được nữa! Sao lại còn cậy tôi soạn câu đối làm gì? Tôi viết lại ở đây:

Chủ Cực Lạc lục bát đại nguyện chi từ tôn, tuyệt hạn lượng thọ mạng quang minh, bất ly đương xứ.

Quá Sa Bà vạn triệu Phật bang chi tịnh độ, diệu trang nghiêm lâu đài trì chiểu, nguyên thị ngô hương.

(Đức Từ Tôn chủ cõi Cực Lạc bốn mươi tám đại nguyện, thọ mạng, quang minh không hạn lượng, chẳng rời chỗ này,

Cõi Tịnh Độ vượt khỏi Sa Bà vạn triệu cõi nước Phật, lâu đài, ao chuôm đẹp trang nghiêm, đích thị quê ta).

Sợ thư [trước] bị thất lạc, nên chép thêm vào đây!

***

[1] Hạt xá-lợi này được thờ trong một cái chuông bằng pha lê hàn kín. Xin xem chi tiết trong bài “Ghi chép sự thật về tháp thờ xá-lợi đức Phật tại chùa A Dục Vương” (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 3).

[2] Nói cho đủ là “kiết già phu tọa” (結跏趺坐: Nyasīdat-paryavkam Ābhujya). Trong “Thư trả lời cư sĩ Thôi Đức Chấn” (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển 1), Tổ Ấn Quang đã giảng rõ: “Thứ năm, “kết già phu tọa” (ngồi kiết già): Trước hết dùng chân phải đè lên đùi trái, dùng chân trái đè lên đùi phải, gọi là “già phu”. Chữ Già (跏) vốn viết là chữ Gia (加), có nghĩa là hai mu bàn chân đâu vào nhau. Phu (趺) là mu bàn chân. Nhưng ngồi lâu thì có thể thay đổi trái và phải cho nhau, đừng chấp chặt phải luôn luôn như vậy. Nếu chẳng thể xếp cả hai chân thì chỉ cần dùng chân trái đè lên chân phải là được rồi. Cách này còn gọi là “bán gia” (thường đọc trại thành “bán già”)”. Như vậy, gọi là “ngồi kiết già” thì không chánh xác lắm, nhưng do thói quen của người Việt từ trước đến nay vẫn gọi thế ngồi như vậy là “ngồi kiết già” (đúng ra phải đọc là “kết già”, chữ Kết (結) đã bị đọc trại thành Kiết), nên chúng tôi vẫn dùng chữ “kiết già”. Cách ngồi này được coi là viên mãn nhất, cát tường nhất. Tùy theo cách đặt chân nào lên trên mà chia thành hai loại:

1) Chân phải đè lên chân đùi trái, rồi dùng chân trái đè lên đùi phải (tức là chân trái ở bên trên), tay trái đè lên tay phải, cùng ngửa lên, thì gọi là Hàng Ma Tọa. Thiên Thai, Thiền Tông v.v… thường sử dụng cách ngồi này.

2) Nếu theo thứ tự ngược lại thì gọi là Cát Tường Tọa. Mật Tông đa phần sử dụng cách này, gọi là Liên Hoa Tọa; còn cách thứ nhất thì gọi là Kim Cang Tọa.

[3] Tức hai chân đan vào nhau, lật ngửa bàn chân trên như trong lời giảng của tổ Ấn Quang vừa được trích dẫn trên đây, gọi là “song già phu” để phân biệt với “bán già”.