Thư trả lời cư sĩ Tần Minh Quang

Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn bình thường nhất nhưng cao sâu nhất trong Phật pháp. Nếu không phải là người đã có huệ căn từ đời trước, quả thật khó thể sanh lòng chánh tín sâu xa. Đừng nói Nho sĩ chẳng dễ sanh lòng tin, ngay cả những vị tri thức thông Tông thông Giáo cũng thường đem những nghĩa thuộc bên Tông bên Giáo để luận định, phán đoán, đến nỗi chẳng những không chịu tu pháp “khiến cho kẻ phàm phu sát đất chưa đoạn Phiền Hoặc liền có thể liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh ngay trong đời hiện tại” chẳng thể nghĩ bàn này mà còn chẳng chịu dạy cho người khác. Ấy là vì họ chẳng biết pháp này chính là pháp môn đặc biệt trong Phật pháp. Bọn họ lấy những nghĩa bên Tông bên Giáo làm chuẩn nên mới phạm phải sai lầm ấy! Nếu ngay từ đầu bọn họ đã biết được nghĩa này thì sẽ được lợi ích lớn lao.

Người thông minh phần nhiều lấy “hiểu lý, ngộ tâm” làm chí hướng, sự nghiệp, nhưng chẳng biết niệm Phật chính là đường tắt để “hiểu lý, ngộ tâm”. Nếu niệm niệm có thể tương ứng thì sẽ tự “hiểu lý, ngộ tâm”. Dẫu chưa làm được, nhưng cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương; so với những kẻ “hiểu lý, ngộ tâm”, nhưng chưa đoạn Phiền Hoặc, vẫn bị luân hồi trong sanh tử trọn chẳng có lúc thoát ra, thì [sự cách biệt] giữa trời và đất đã chẳng đủ để ví dụ cho sự bế tắc và hanh thông [giữa hai đường lối tu tập] vậy! Huống hồ sau khi vãng sanh sẽ thân cận đức Di Đà và thánh chúng, sẽ liền đích thân chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn, há nào phải chỉ có “hiểu lý, ngộ tâm” mà thôi ư?

Pháp môn Tịnh Độ chỉ có bậc thượng thượng căn và ngu phu ngu phụ mới được hưởng lợi ích thật sự, còn kẻ thông minh thông Tông thông Giáo đa phần vì chí hướng to tát, lời lẽ lớn lối, chẳng chịu cậy vào Phật từ lực, cứ lấy “cậy vào đạo lực của chính mình” làm chí hướng sự nghiệp, cam phận nhường cho ngu phu ngu phụ sớm dự vào dòng thánh. Chắc ở quý ấp cũng có những người mang thứ kiến giải ấy, cho nên tôi mới nói đại lược nguyên do.

Đã muốn quy y thì nay tôi đặt pháp danh cho ông là Khế Quang. Tiếng Phạn “A Di Đà”, ở đây (Trung Hoa) dịch là Vô Lượng Thọ, cũng dịch là Vô Lượng Quang. Nếu có thể nhất tâm niệm Phật thì chính là lấy Quả Địa giác làm Nhân Địa tâm. Nếu tâm tâm tương ứng thì nhân trùm biển quả, quả tột nguồn nhân, cực bình thường mà cực huyền diệu. Nếu có thể tin nhận được thì sẽ đáng gọi là bậc đại trượng phu lỗi lạc.

Do túc nghiệp, Quang vừa sanh ra liền bị bệnh mắt, may là còn được thấy bầu trời bảy mươi mấy năm. Nay thì mắt đã cực quáng lòa, cự tuyệt hết thảy những chuyện bút mực thù tiếp. Sợ ông sẽ bị những người xướng suất, hướng dẫn những tông khác lay động, đoạt mất chí hướng, nên mới đặc biệt nói đại lược hai nghĩa thông thường và đặc biệt, ngõ hầu ông chẳng đến nỗi biến khéo thành vụng, cầu thăng lên đâm ra bị đọa xuống.

Hãy nên thường đọc Tịnh Độ Ngũ Kinh thì sẽ biết pháp môn Tịnh Độ là pháp môn tổng trì để mười phương tam thế hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo dưới hóa độ chúng sanh. Đối với những điều tôi chưa nói, hãy đọc Tịnh Độ Thập Yếu thì mọi mối nghi sẽ tan tác, được cởi gỡ, vầng trăng nhất tâm rạng ngời. Tuy Văn Sao lời lẽ vụng về, chất phác, nhưng đã giảng rõ được đại lược nguyên do giữa Thiền và Tịnh, cũng như dùng luân thường xử thế hằng ngày để hỗ trợ [Tịnh nghiệp], cho nên cũng có thể giúp cho tự lợi, lợi tha được.