Thư trả lời cư sĩ Trương Nhữ Chiêu

Ông Trúc Thụy Liên là người cực trung hậu, có chí hoằng pháp lợi người, sẽ nhận lời mời. Cách học ở nơi đây chớ nên dựa theo chương trình trong nhà trường, hãy nên dựa theo sự tu trì để truyền dạy. Thoạt đầu, hãy nên dạy học sinh đọc chánh văn của Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Phật Di Giáo Kinh, Bát Đại Nhân Giác Kinh. Lại còn dùng những bản chú giải của Ngẫu Ích đại sư để giảng diễn. Tiếp đó, dạy họ đọc Tịnh Độ Ngũ Kinh để hiểu cặn kẽ nguyên do của môn Tịnh Độ thì sẽ dám đối trước mọi người khuyên tu Tịnh nghiệp, chẳng bị dao động mê hoặc bởi những giáo lý cao sâu huyền diệu của các tông khác. Tiếp đấy là học Phạm Võng Kinh, rồi nghiên cứu Tịnh Độ Thập Yếu và đọc Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Kẻ thông minh thì chẳng ngại gì xem nhiều sách của Tịnh tông, mà cũng chẳng cần đặc biệt vì cái tiếng tăm mở mang Quốc Học[1] mà phải học văn chương.

Kinh Phật, chú giải và các trước thuật của cổ nhân đều là văn chương. Hãy nên dạy cho họ suy gẫm tường tận ý nghĩa của từng lời lẽ, từng lời hỏi – đáp giữa chủ và khách cũng như ý nghĩa cùng tột thì suốt ngày xem kinh sách chính là suốt ngày tập tành văn chương! Trước kia, pháp sư Nguyệt Hà giảng kinh Hoa Nghiêm, lại thỉnh một vị lão nho dạy Quốc Văn, lại thỉnh một vị chuyên giảng nói văn chương để giảng nghĩa chữ. Quang nghe chuyện, không nghĩ [pháp sư Nguyệt Hà] làm như vậy là đúng lắm, bởi lẽ kinh chẳng phải là văn chương hay sao? Chú giải chẳng phải là văn chương hay sao? Suốt ngày xem kinh đọc chú giải, chẳng đủ là phương pháp để tập luyện cách viết văn hay sao? Chưa đầy một năm sau, do chi phí quá tốn kém phải giải tán, bèn dời sang chùa Hải Triều ở Hàng Châu. Sư có gởi thư mời những người từng theo học [nơi học viện cũ] đến học [tại học viện mới]; do vậy Quang đem ý ấy nói với Sư.

Ông cho rằng hàng bạch y làm thầy của tỳ-kheo-ni và giảng giải giới luật chắc sẽ trái nghịch với cấm chế của đức Phật; chỉ cần [vị cư sĩ ấy] chẳng coi mình là thầy mà giữ địa vị đồng học, cùng nhau nghiên cứu thì trọn chẳng bị trở ngại gì! Nhưng cần phải chú trọng thực hành, đừng chỉ chú trọng học tập văn tự. Văn tự chỉ là thứ dùng kèm thêm cho cái thân, còn đức hạnh mới là cái gốc của con người. Huống chi bọn họ đều chẳng phải đang trong lứa tuổi thơ ấu; nếu lấy [đường lối học tập] Quốc Học, Quốc Văn như Trúc cư sĩ đã lập để làm tông chỉ chủ yếu thì sẽ thành chương trình của một trường học [dạy chữ] thông thường, chứ không phải là căn bản của một học viện nhằm huấn luyện tu trì. Ông ta không hiểu rõ chuyện này cho lắm, hãy nên đem lời Quang thưa rõ cùng ông ta, ắt ông ta sẽ chẳng đến nỗi không nghĩ như vậy là đúng!

Sau này, phàm hễ có ai cầu xin soạn truyện ký, sẽ lấy cớ có lời thề không viết tiểu truyện cho ai để từ chối. Nếu không, kẻ ham danh ghét thật sẽ hằng ngày cầu xin viết tiểu truyện để mong khi chết đi được coi là cao tăng, tức là đã biến giả thành thật, khiến cho người ta đối với chuyện thật cũng chê là giả tạo, Phật pháp sẽ bị suy bại sát đất cũng đều do hạng người thông minh ấy gây nên!

***

[1] Quốc Học là thuật ngữ của người Trung Hoa dùng để chỉ một môn học nghiên cứu về văn hóa, học thuật, tư tưởng, triết học của Trung Hoa như một tổng thể và chia ra nhiều chuyên ngành như nghiên cứu kinh học, huấn hỗ, lục nghệ (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số), kể cả những môn như bói toán, phong thủy, tướng số v.v…