Thư trả lời cư sĩ Trần Kỳ Xương

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

Xem bài văn phát nguyện đã tu chỉnh, có thể nói là “đại nguyện”. Đối trước Phật phát nguyện hãy nên bày tỏ giản lược. Bài văn [phát nguyện] do các hạ đã soạn chính là lời phát biểu trước người khác và lời đề xướng, hướng dẫn, sao có thể gọi là bài văn sánh bằng bài văn [phát nguyện] của ngài Liên Trì, nào có hữu ích chi đâu? Hiện thời rõ ràng là một ông Tăng phàm phu đối trước Phật phát nguyện mà vẫn dùng hai chữ “thượng – hạ”[1] thì thật là thất lễ quá sức! Công khóa [do các hạ] đã lập ra nếu tuyệt đối không có chuyện gì thì còn có thể thực hiện được, chứ nếu có cha, mẹ, vợ, con, lại còn phải chữa trị khắp các chứng bệnh, không ai mời mà từ chối được; chỉ nội một chuyện này đã khó thể ứng phó được, huống gì là công khóa sớm, trưa, chiều ư? Các hạ và Quang hoàn toàn khác đường, Quang một bề giản lược, các hạ một mực phô trương, xin đừng lui tới tốt hơn!

Sách Long Thư [Tịnh Độ] Văn dạy niệm ba mươi sáu vạn ức mười một vạn chín ngàn năm trăm đồng danh đồng hiệu A Di Đà Phật, chuyện này nên luận trên phương diện dụng công, chớ nên luận theo phương diện nhiều hay ít! [Nếu đem so sánh] một câu này (tức câu niệm “ba mươi sáu vạn ức mười một vạn chín ngàn năm trăm đồng danh đồng hiệu A Di Đà Phật”) với chuyện chỉ niệm sáu chữ Phật hiệu thì tuy mỗi ngày niệm được mười vạn câu, niệm suốt trăm năm, vẫn chẳng bằng được số lượng [đức Phật trong] một câu này. [Tức là số lượng đức Phật được niệm bởi] kẻ niệm sáu chữ niệm suốt một đời chẳng bằng [số lượng đức Phật được] niệm [bởi] một câu này. Nhưng kẻ niệm một câu này dẫu có tín nguyện vẫn chưa chắc có thể được vãng sanh[2], còn kẻ niệm [sáu chữ] suốt đời nhưng có tín nguyện thì chắc chắn có thể vãng sanh! Nên y theo quy định do chư Tổ đã thành lập mà niệm sáu chữ danh hiệu, đừng tính toán nhiều hay ít! Phải biết: A Di Đà Phật là Pháp Giới Tạng Thân, tức là một danh hiệu [A Di Đà Phật] này gồm trọn danh hiệu của mười phương tam thế hết thảy chư Phật, nào phải chỉ có ba mươi sáu vạn ức mười một vạn chín ngàn năm trăm mà thôi ư? Ai nấy đều có tâm, có hạnh, có chí [khác biệt]. Đã hỏi đến bèn chẳng ngại gì nói thẳng. Đã khác đường lối, ắt chẳng nên gặp gỡ. Quang là kẻ vô tri vô thức, nào đáng gọi là bậc tông tượng[3] của Tịnh Độ! Há chẳng khiến cho người ta hổ thẹn không chốn dung thân ư?

***

[1] “Thượng – hạ” là cách tôn xưng danh hiệu một vị Tăng, chẳng hạn, thay vì nói sỗ sàng “kính bạch hòa thượng Trí Tịnh”, ta thường nói “kính bạch Hòa Thượng thượng Trí hạ Tịnh” để tỏ lòng tôn kính. Ở đây, ông Tăng tự xưng pháp danh của mình mà cũng thêm vào hai chữ “thượng – hạ” nên bị Tổ chê là thất lễ.

[2] Sở dĩ có tín nguyện mà vẫn chưa chắc được vãng sanh là vì tâm không chuyên nhất. Thêm nữa, ỷ vào số lượng đức Phật niệm trong mỗi câu rất nhiều sẽ rất dễ nẩy sanh giải đãi, không miên mật trì danh hiệu Phật nên vọng tưởng khó thể khuất phục được!

[3] Tông tượng: Tượng là người thợ. Bậc sư trưởng có thể đào tạo các đệ tử thành tựu Giới – Định – Huệ, phẩm đức kiêm ưu ví như người thợ khéo chế tạo vật dụng tinh vi nên được gọi là Sư Tượng. Vị thầy có thể hoằng dương mạnh mẽ một Tông cũng giống như vậy, nên được gọi là Tông Tượng.