Thư trả lời sư Hựu Chân và cư sĩ Giác Tam

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

Người niệm Phật hãy nên cung kính, chí thành, từng câu từng chữ trong tâm niệm cho rõ ràng, rành mạch, miệng niệm cho rõ ràng rành mạch. Nếu làm được như thế, dẫu chẳng thể hoàn toàn không có vọng niệm, nhưng cũng chẳng đến nỗi quá đáng. Có lắm kẻ chỉ mong lẹ, mong nhiều, thuận miệng niệm ào ào, cho nên không có hiệu quả! Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự. Đại Thế Chí Bồ Tát đã ví dụ “như con nhớ mẹ”, trong tâm con chỉ nghĩ đến mẹ, những cảnh khác đều chẳng phải là chuyện trong tâm chính mình. Vì thế có thể cảm ứng đạo giao. Lại nói: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, đắc Tam Ma Địa[1], tư vi đệ nhất” (nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa (tức tam-muội), ấy là bậc nhất). Nói “khiến cho tâm, miệng, tai đều được rõ ràng” chính là pháp tắc nhiếp trọn sáu căn vậy (Tâm là Ý Căn, miệng là Thiệt Căn). Tâm và miệng niệm hợp cùng tai nghe thì mắt, mũi quyết định chẳng đến nỗi rong ruổi theo bên ngoài, thân cũng chẳng đến nỗi láo xược, phóng túng. Người đời nay niệm Phật phần nhiều đều chẳng chịu nỗ lực nên không có hiệu quả gì.

Lại nữa, khi không niệm Phật, vọng tưởng tuy nhiều nhưng không cách nào biết được, chứ không phải là lúc không niệm thì không có vọng tưởng! Ví như đối với hư không trong nhà, dẫu mắt cực tốt cũng không thể thấy được bụi bặm. Nếu từ khe cửa sổ soi vào một tia nắng, sẽ thấy bụi bặm trong tia nắng chao lên đảo xuống không khi nào ngừng, khi ánh sáng chưa chiếu đến nơi, vẫn chẳng thấy có bụi bặm! Vì thế, biết rằng: Khi niệm Phật mà nhận biết có vọng tưởng thì đấy vẫn là cái hay của việc niệm Phật. Lúc không niệm Phật, hoàn toàn bị vùi lấp trong vọng tưởng cho nên không biết!

Lại nữa, pháp Niệm Phật khẩn yếu nhất là có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha. Hễ có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, dẫu chưa đạt đến nhất tâm bất loạn vẫn có thể cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Nếu không có tín – nguyện, dẫu tâm không có vọng niệm thì vẫn chỉ là phước báo nhân thiên vì chẳng tương ứng với Phật. Do vậy, đương nhiên phải chú trọng nơi tín – nguyện cầu sanh Tây Phương. Thật sự có tín – nguyện, vọng sẽ tự hết. Nếu lúc bình thường có vọng tưởng quá mức, muốn đắc thần thông, được danh dự, được duyên pháp, đắc đạo v.v… hoàn toàn lấy vọng tưởng làm bản tâm của chính mình như vậy thì càng tinh tấn, dũng mãnh, những thứ vọng tưởng ấy càng nhiều càng lớn! Nếu chẳng giác chiếu để dứt trừ vĩnh viễn những vọng tưởng ấy thì sau này vẫn bị ma dựa phát cuồng, há nào phải chỉ có vọng tưởng mà thôi ư? Vì thế, phải miệt mài đoạn dứt những thứ vọng tưởng quá mức ấy.

Thực hiện công khóa thì nên y theo chương trình của công khóa. Khi [đi kinh hành] niệm Phật xong trở về chỗ, niệm thêm [danh hiệu] hai vị Phật Thích Ca, Dược Sư cũng không ngại gì. Luận theo mặt lý thì lễ Phật trước khi chưa niệm chính là lễ Phật Thích Ca. Người đời phần nhiều xử sự theo tình cảm, không ai chẳng cầu tiêu tai, tăng tuổi thọ; vì thế, niệm thêm Phật Dược Sư. Thật ra, oai thần công đức của A Di Đà Phật bằng với oai thần công đức của mười phương ba đời hết thảy chư Phật, chứ không phải là niệm A Di Đà Phật chẳng thể tiêu tai, tăng tuổi thọ!

***

[1] Tam Ma Địa (Samādhi), còn dịch là Tam Muội, Tam Ma Đề, Tam Ma Đế. Dịch ý là Đẳng Trì, Chánh Định, Định Ý, Điều Trực Định, hay Chánh Tâm Hạnh Xứ, có nghĩa là xa lìa hôn trầm, lao chao, chuyên tâm trụ vào một cảnh. Do quá nhiều ý nghĩa, chữ này thường được dùng dưới dạng dịch âm, chứ không dịch nghĩa. Thông thường, Tam Ma Địa được hiểu là quán tưởng ngưng lặng cho trí huệ rạng ngời, để đoạn trừ được hết thảy phiền hoặc, hòng chứng đắc chân lý.