Thư trả lời cư sĩ Thái Khế Thành

(thư thứ nhất)

Tiên Thiên lẫn Hậu Thiên đều suy nhược thì hãy nên chú trọng khéo bảo dưỡng. Nếu muốn dựa vào thức ăn để bồi bổ thì người ăn chay nên ăn nhiều lúa mạch. Sức [bồi bổ] của lúa mạch cao hơn sức bổ dưỡng của gạo không biết mấy lần. Quang ăn ròng mì thì tinh thần tráng kiện, khí lực sung túc, tiếng nói to rõ. Ăn gạo chỉ no bụng, chứ không có hiệu quả như thế. So với sâm, lúa mạch có sức bổ dưỡng còn cao hơn gấp mấy lần. Kẻ có tiền uống sâm là vì không biết dùng tiền nên làm chuyện hao phí ấy, chứ không phải là [nhân sâm] thật sự có thể bồi bổ con người.

Thêm nữa, dầu mè Đại Ma[1] cũng bổ dưỡng cho con người; dầu mè Tiểu Ma do bị chưng cho đặc sánh lại nên sức bổ dưỡng mất đi một nửa! Con người chỉ biết quý mùi hương, chứ thật ra đấy là mùi của dầu bị cháy! Hạt sen, Quế Viên, Hồng Táo, Khiếm Thực, Ý Mễ[2] đều có thể dùng để bồi bổ. Há cứ phải cần tới huyết nhục mới bồi bổ được ư? Nói chung, sức bổ dưỡng đều chẳng lớn bằng lúa mạch. Nếu chẳng ăn được thì hãy nên ăn kèm, lâu ngày sẽ tự biết, mà cũng cảm thấy ăn ngon miệng được. Bài kệ về chuyện ăn trứng gà do kẻ dối trá bịa ra, chớ nên tin theo!

Trong pháp bảo dưỡng [thân thể] thì thứ nhất là quả dục (ít ham muốn). Nếu chẳng biết tốt – xấu, mặc lòng phóng đãng, kỳ hạn chết sẽ đến, tiên đan cũng chẳng linh nghiệm! Dẫu không phóng đãng thì đối với vợ trong nhà, cũng phải nên nói rõ nguyên do bảo dưỡng thân thể, tạm ngưng ân ái một hai năm. Nếu không, hoặc nửa năm mới gần gũi một lần, hoặc một quý (ba tháng) mới gần gũi một lần. Nếu ngày ngày ăn nằm thì tinh tủy khô kiệt, làm sao không chết cho được? Người tiết dục sanh ra con cái thân thể mạnh mẽ, ít bệnh, dễ thành người. Kẻ đa dục hoặc chẳng thể sanh con do tinh lỏng, chẳng thể thụ thai. Dẫu có thể sanh ra con, chắc sẽ chết yểu. Dẫu cho chẳng chết yểu, cũng tàn tật, yếu đuối, không nên cơm cháo gì! Không biết ông đã cưới vợ hay chưa? Nếu chưa cưới, hãy nên thong thả rồi hãy cưới. Nếu đã cưới, quyết phải tạm thời đừng ở cùng một phòng để mong thân thể bình phục. Đấy lời thiết thực Quang nói với ông. Ông khéo hiểu được ý Quang thì sẽ tự được phước thọ miên trường, con cháu phát đạt (Ngày mồng Sáu tháng Giêng năm Dân Quốc 12 – 1923)

(thư thứ hai)

Nhận được thư, biết rõ hết thảy. Trong đời bây giờ chính là lúc ma vương ngoại đạo xuất thế. Nếu trong đời trước chưa gieo thiện căn chân thật, kẻ có tín tâm sẽ đều bị lọt lưới ma hết, do lũ ma ấy đều có những pháp hiếm lạ quái dị nhất để mê hoặc, lay động lòng người. Năng lực của Giang Thần Đồng là do quỷ thần dựa vào thân, chứ không phải thật sự là thần đồng sẵn trí hiểu biết từ lúc mới sanh ra. Trước kia, một người bạn là ông Trương Chi Minh đưa cho tôi đọc lá thư kêu gọi chấm dứt chiến tranh của Giang Thần Đồng[3]. Tôi đã phê những chỗ không hợp lý [trong lá thư ấy], sẽ chuyển đến cho ông. Đến khi Quang đã chỉ ra những khuyết điểm phi lý [trong lá thư ấy], người bạn ấy không nhắc tới nữa.

Cái gì là Tông Giáo Đại Đồng Hội, gì là Thích Ca hóa thân, người có trí thức nghe nói sẽ biết ngay là ma vương hiển hiện chuyện lạ để mê hoặc mọi người, cần phải đợi hỏi ai nữa! Những “lão sư” trong Đồng Thiện Xã cũng ở tại Tứ Xuyên. Phàm ai nhập hội đều phải bỏ tiền làm công đức. Đến khi bỏ tiền ra thì bảo gởi đến Tứ Xuyên, [tiền ấy] do lão sư phân phối. Bất luận Đường Hoán Chương, bất luận Đặng Thiệu Vân[4] đi nữa, đều là phường yêu ma quỷ quái, dẫn hết thảy thiện nam tín nữ cùng hãm vào hầm sâu tà kiến.

Phật pháp đâu có dạy người luyện Tinh – Khí – Thần! Bất luận loại ngoại đạo nào, hễ bỏ luyện đan vận khí đi thì chúng không còn đạo gì để nói nữa! Nếu người chân chánh tu [pháp ấy] thì cũng có thể kéo dài tuổi thọ; chứ liễu sanh tử thành Phật thì chính là nói mớ! Bọn họ trọn chẳng biết sanh tử là như thế nào, Phật là như thế nào, toàn rập khuôn nói nhăng nói càn để lừa nam nữ nhà người ta. Nếu là bọn tà dâm sẽ mượn những danh từ “Khảm Ly giao cấu, Anh Nhi Xá Nữ giao cấu” v.v… để dụ những phụ nữ trẻ tuổi làm chuyện dâm ô. Lại còn coi điều ấy là truyền đạo; kẻ vô trí tuy bị ô nhục vẫn chẳng xem đấy là phi pháp, cho đó là “được truyền đạo”, chẳng giống như vợ chồng những kẻ không theo đạo hành dâm! Buồn thay! Sao mà người đời mê muội đến thế?

Linh Học[5] cầu cơ cũng chính là tác dụng của linh quỷ. Cũng có khi chân tiên giáng đàn, nhưng trong trăm ngàn trường hợp chỉ được một hai, còn thường thì là linh quỷ mạo danh, trọn chớ nên tưởng đó là thật! Trong Văn Sao, Quang cũng đã nói đại lược rồi! Đạo đức của Giang Thần Đồng cũng là do cầu cơ mà có, cũng là cùng một kiểu thối tha như Linh Học Hội[6]. Người học Phật chớ nên dự vào loại hội ấy, nhưng người học Phật hiện nay có bao nhiêu kẻ nương theo Phật pháp mà biết Phật pháp? Do vậy, hễ nghe nói những chuyện quỷ quái, lạ lùng, đặc biệt của bọn chúng bèn như chim kiến xúm xít, ếch nhái góp giọng gây náo nhiệt mà thôi! Đáng than hết sức!

Lệnh hữu là ông Vương bị lậm ma đã sâu, ví như con chó ăn phân bảo là vô thượng mỹ vị! Ông ta trọn chẳng biết Phật cũng là vì thiếu chánh tri chánh kiến, một mực như con chó tìm phân, như nhặng bu theo hơi thối, như kiến tìm đến chỗ tanh tưởi, gọi đó là “học Phật”, thật ra là học ma! Những kẻ xuất gia hiện thời có bao nhiêu kẻ biết Phật pháp, cũng thường học luyện đan, vận khí, cầu cơ v.v… Cái thuyết “chỉ khiếu” (tức chỉ những huyệt quan trọng trên thân để luyện đan vận khí – chú thích của người dịch) chính là cái gốc để mê hoặc con người nhiều nhất. Nếu gặp phải phụ nữ trẻ tuổi, đa phần bị những kiểu cách ấy làm loạn, tội ác cực nặng! Tà – chánh, chẳng thể đứng chung; chánh pháp rạng ngời thì tà pháp tự bị tiêu diệt! Nay dòng giống ma trọn khắp thiên hạ, cũng là do đồng phận ác nghiệp của chúng sanh cảm nên!

Tịnh tọa nên đề khởi tinh thần, lắng lòng niệm Phật. Nếu chẳng đề khởi tinh thần, hễ tịnh liền ngủ gục. Đấy là căn bệnh chung của chúng sanh. Chuyện quyên góp tu bổ cây hương nơi đại điện của Tử Trúc Lâm chính là do kẻ ăn uống, nhậu nhẹt, chơi bời, cờ bạc không có vốn liếng nên làm chuyện ấy, mượn tiếng sửa sang Phật điện làm kế gạt tiền. Đấy là chủng tử A Tỳ địa ngục. Đại điện của Tử Trúc Lâm đã hoàn bị, cần gì phải sửa chữa? Ông hãy nên nhất tâm trì giới niệm Phật, mặc cho ma vương ngoại đạo hiển hiện bất cứ bản lãnh ma mãnh gì cũng đều chẳng quan tâm đến thì sẽ chẳng bị lũ ma lôi vào ma đảng!

Trước tháng Sáu gởi thư đến thì được, sau tháng Sáu chớ nên gởi thư tới vì ông Thí Tỉnh Chi phát tâm tu bổ chùa Phạm Thiên ở Hàng Châu (do Quang khuyên nhủ, phát khởi, nên Quang phải đến đó). Đấy chính đạo tràng của Tề đại sư (Tư Tề Thật Hiền Tỉnh Am), tức vị tổ thứ mười một trong Liên Tông. Họ cần Quang đến đấy để lo liệu bàn bạc. Chưa đầy mười hay hai mươi hôm sau, lại phải tới chùa Pháp Vân ở Nam Kinh. Do chùa Pháp Vân được thành lập, ông [Ngụy] Mai Tôn cần Quang tới đấy, cho nên có thể sớm hay muộn sẽ theo Quang qua Nam Kinh. [Ở đấy] cũng chưa đầy mười hay hai mươi hôm, sẽ từ Nam Kinh đến Dương Châu để sắp xếp chuyện [ấn tống] Văn Sao. Văn Sao đã khắc xong, hễ in ra sách lại sắp chữ riêng bản khác. Đã có mấy người bạn chịu trách nhiệm in một vạn bộ, ước chừng nửa sau tháng Chín sẽ có thể về đến Phổ Đà. Nếu không, đầu tháng Mười ắt về đến, do khí trời chớm lạnh, ở bên ngoài chẳng tiện! (Ngày Hai Mươi Mốt tháng Tư năm Dân Quốc 12 – 1923)

(thư thứ ba)

Giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận; dứt lòng tà, giữ lòng thành; đừng làm các điều ác; vâng giữ các điều lành”, nếu muốn học Phật đạo để thoát phàm tục mà chẳng chú trọng nơi bốn câu ấy sẽ như cây không rễ mà mong tươi tốt, như chim không cánh mà mong bay cao! “Thật vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật”. Phàm phu sát đất muốn liễu sanh tử ngay trong đời này nếu chẳng y theo bốn câu này sẽ thành “không nhân mà muốn có quả, chưa gieo đã mong gặt hái”, muôn vàn chẳng có lẽ ấy! Nếu toàn thân có thể gánh vác tám câu này, chắc chắn khi còn sống có thể dự vào bậc thánh hiền, mất lên cõi Cực Lạc. Xin ông hãy gắng lên!

(thư thứ tư)

Nhận được thư và bưu phiếu hai mươi đồng, chẳng thất lạc, xin ông hãy yên tâm. Tôi quả thật muốn cho mọi người xem bài sớ [kêu gọi tu bổ] ao phóng sanh rồi sẽ sanh lòng kiêng giết, phóng sanh, ăn chay, niệm Phật, chứ không phải chỉ [nhằm mục đích] quyên mộ mà thôi! Ông trên có mẹ già, dưới có quyến thuộc, hãy nên siêng năng dốc sức chăm lo cửa tiệm. Nói tới chuyện tu trì thì tùy theo thân phận của từng người. Nếu thân không rảnh rỗi, chỉ nên nhất tâm niệm Phật, đọc đôi chút kinh sách Tịnh Độ là được rồi! Vì thế chẳng cần phải đi sang nơi khác xa xôi để mong tịnh tu. Nhà ông có cửa tiệm, chủ tiệm chẳng ở tại nhà, chắc người hầu sẽ làm chuyện sai quấy (cờ bạc, ngủ lang v.v…) hoặc không chừng tiểu nhân sẽ thừa cơ trộm cắp. Ông đừng mang tâm cao xa, muốn làm vị cư sĩ đại thông gia! Chỉ nên nhất tâm niệm Phật và vào ban đêm ở trong nhà khuyên mẹ và quyến thuộc cùng niệm.

Ông biết sanh tử là chuyện lớn, vô thường mau chóng. Sao chẳng nghĩ mẹ ta đã già, dám không dùng nhiều cách khuyên nhủ để mẹ cùng niệm Phật với ta, cũng như quyến thuộc đều cùng niệm Phật? Một là để làm vui lòng mẹ, hai là nếu một người niệm thì người chưa sanh lòng tin liền cảm thấy chẳng có hứng thú gì, nhưng do nhiều người niệm liền cảm thấy hứng thú. Lúc rảnh rỗi, đem Tịnh Nghiệp Chỉ Nam, những điều hợp với kẻ sơ cơ trong bộ Văn Sao của Quang để giảng tường tận cho mẹ và các quyến thuộc. Nếu mẹ có thể sanh được lòng tin cầu sanh Tây Phương thì hiếu thuận chi hơn! Lại xin ông đừng đến chùa X… hãy ở trong tiệm, trong nhà, tùy phận tùy sức tu trì thì sẽ có ích lợi, không gây tổn hại cho chính mình, mà còn có thể khiến cho mẹ và các quyến thuộc cũng như những kẻ hầu được huân tập lâu ngày sẽ dần dần gieo thiện căn. Nếu chẳng y theo lời tôi thì đối với thế gian lẫn xuất thế gian đều phạm lỗi ngỗ nghịch, sợ rằng lâu ngày sẽ có chuyện lo nghĩ ngoài ý muốn. Ông nên biết tốt – xấu, đừng mặc tình theo ý mình, không sửa đổi!

Đối với hai mươi đồng ông đã gởi, đợi đến tháng Tám khi Quang sang Kim Lăng (Nam Kinh) sẽ cầm theo để giao. Ông nói đến bà cụ ăn chay; ông đã đọc Văn Sao của Quang rồi đó: Nếu cụ có thể đến [Phổ Đà] thì cũng được; không đến càng tốt, khỏi bị khổ sở và hao tốn tiền tài! Quán Âm Bồ Tát tùy theo lòng cảm mà ứng hiện trọn khắp pháp giới; cúng dường lễ bái Ngài trong nhà cũng giống hệt như [lễ bái cúng dường Ngài tại Phổ Đà]. Cần gì phải đi xa đến tận Phổ Đà mới là “triều lễ” ư? Hãy nên đưa Tịnh Nghiệp Chỉ Nam cho bà ta xem. Pháp tắc dụng công niệm Phật trong Văn Sao đã nói đầy đủ. Dẫu gặp mặt Quang thì cũng chẳng qua là vẫn nói những lời ấy mà thôi, há nào có một bí quyết truyền dạy riêng tư nào đâu? Có bí quyết truyền dạy riêng tư tức không phải là Phật pháp, mà chính là ma vương ngoại đạo!

Bọn ma vương ngoại đạo kia hễ động đến là cả ngàn cả vạn, đều do mánh lới “có bí quyết truyền dạy riêng tư” và ai muốn nhập môn thì trước hết phải phát lời thề độc địa. Dùng mánh lới ấy để mê hoặc ngu phu ngu phụ cùng hãm vào hầm tri kiến lầm lạc sâu vạn trượng, không thể thoát ra được. Buồn thay! Phàm những ai có lòng tin đều nên nương theo Văn Sao để niệm Phật, sẽ liền có thể tùy duyên độ sanh vậy!

 (thư thứ năm)

Tháng Mười năm ngoái, tôi đến Nam Kinh, gặp đúng lúc bạn bè là Ngụy Mai Tôn và Vương Ấu Nông v.v… mua đất làm đạo tràng phóng sanh. Họ bàn bạc vừa xong, Quang liền đưa một trăm đồng của ông Đặng Khế Nhất để giúp sức. Bọn họ lôi kéo Quang làm người phát khởi, bảo Quang viết lời sớ, một là để quyên mộ, hai là để khuyên khắp hết thảy mọi người kiêng giết, phóng sanh. Mai Tôn cho khắc in để phổ biến lưu truyền. Có ai chịu phát tâm trợ duyên thì cũng tốt. Chẳng trợ duyên mà chịu nghe theo lời sớ ấy để kiêng giết, phóng sanh, ăn chay, niệm Phật thì cũng tốt. Hiện nay đạo tràng ấy đã hoạt động, đặt tên là Pháp Vân Tự, do phỏng theo ngài Vân Thê niệm Phật phóng sanh mà đặt tên như vậy.

Ông Mai Tôn đã sáu mươi hai tuổi, làm quan Hàn Lâm đời Thanh trước kia, phẩm hạnh đoan chánh, ngay thẳng, từ thời Dân Quốc trở đi, không ra làm việc nữa. Từ năm trước sau khi quen biết với Quang rồi, liền ăn chay trường niệm Phật. Do ông ta thấy hiện thời nạn đao binh, nạn thổ phỉ, thiên tai liên tục giáng xuống đều do sát nghiệp cảm vời, nên cực lực đề xướng chuyện kiêng giết, phóng sanh để mong vãn hồi sát kiếp. Pháp Vân Tự hiện đã cất được năm gian liên xã và ba gian ở bên cạnh, lại còn đào một cái ao lớn, hai cái ao nhỏ và còn có một cái ao lớn nữa chưa vét. Hiện thời đã dùng tới một vạn hai ba ngàn đồng. Chuyện sửa chữa đại điện v.v… còn đợi bậc đại từ thiện có đại tài lực giúp cho thành tựu.

Nay gởi cho ông mười tờ sớ. Nếu ai chịu phát tâm trợ duyên thì tùy theo sức của từng người mà giúp. Khoản tiền đóng góp gởi về cư sĩ Ngụy Mai Tôn ở xóm Cao Cang thuộc cửa Nam thành Nam Kinh thâu nhận. Ông ta nhận được, sẽ gởi biên lai tới. Cơ sở của hội ấy đặt tại Quán Âm Am ở ngõ Dương Bì, Nam Kinh, vị Trụ Trì là sư Diệu Liên, vị Đương Gia là Tâm Tịnh. Pháp Vân Tự cũng thỉnh hai vị ấy làm Trụ Trì và Đương Gia. Cụ Phùng Mộng tuổi ngoài bảy mươi chính là Phùng Mộng Hoa, thầy của ông Mai Tôn, đỗ Thám Hoa, hiện nay ở nhà [không tham chánh], chuyên đề xướng sự nghiệp từ thiện. Vương Ấu Nông cùng quê với Quang, thời Dân Quốc làm Đạo Đài huyện Cao Lôi tỉnh Quảng Đông, sau thăng làm Đạo Đài huyện Mân Hải. Nghe Tôn Văn muốn độc lập nên vào mùa Hè năm Dân Quốc thứ sáu (1917) liền xin nghỉ. Bàng Tánh Tồn làm Tri Sự mấy nơi thuộc tỉnh Thiểm Tây, con người ăn ở khá có hậu, tánh từ thiện.

Pháp Vân Tự chỉ chú trọng niệm Phật, không thế độ, không phó pháp, không truyền giới, không làm kinh sám. Nếu thí chủ đến chùa niệm Phật, tham gia niệm Phật thất thì chấp nhận. Chương trình ấy đều do Quang lập ra. Mai Tôn hết sức muốn cho con người kiêng giết phóng sanh nên phàm những lời lẽ khuyên kiêng giết phóng sanh trong bộ Vân Thê Pháp Vựng đều tập hợp lại thành sách, đặt tên là Vân Thê Giới Sát Phóng Sanh Vựng Lục, đã cho khắc ván rồi! Bài sớ của Quang cũng được in kèm vào đó. Khi được in ra sẽ lưu thông rộng khắp. Phòng lưu thông kinh sách của ông cũng nên thỉnh sách ấy về để lưu thông. Phóng Sanh Sớ khắc in ra xong, có một người bạn ở Sơn Đông xin đăng trên tờ Sơn Đông Báo (Mai Tôn gởi thư cho biết chuyện này), một người bạn ở Bắc Kinh cho in lại ở Bắc Kinh. Bản khắc gỗ của Vân Thê Giới Sát Phóng Sanh Vựng Lục được cất giữ ở Quán Âm Am ngõ Dương Bì. Nơi ấy cũng là chỗ lưu thông kinh Phật.

(thư thứ sáu)

Lá thư gởi lần trước chắc ông đã nhận được rồi. Tháng Tám năm nay Quang đến Thượng Hải. Các vị Phùng Mộng Hoa v.v… muốn lập thêm một viện Mồ Côi trong đạo tràng niệm Phật phóng sanh đã tậu trong năm ngoái. Do trong năm ngoái lúc bọn họ tậu miếng đất ấy, nhằm đúng dịp Quang đến Nam Kinh, bọn họ liền lôi kéo Quang tham dự. Năm nay bọn họ tính lập viện Mồ Côi, cũng lôi Quang vào đấy. Hôm trước họ đã gởi năm cuốn sổ quyên góp tới [Phổ Đà], mong Quang đứng ra khuyên người trong núi quyên tặng. Quang là khách sống tại Pháp Vũ, chẳng thể nhắc đến chuyện quyên mộ. Do vậy, đem gởi cho bạn bè ngoài đời. Nay đem một cuốn gởi cho ông, xin ông cùng với Dương Chấn Nhân, Trần Đắc Lộc v.v… cùng tùy sức giúp quyên mộ và đối với những bạn bè có thể nói chuyện này thì cũng nên khuyên họ tùy duyên vui vẻ giúp đỡ.

Nếu có thể góp thành một khoản tiền lớn thì cũng hay. Nếu không, ắt cũng được trên trăm đồng. Khi đóng góp kha khá sẽ từ Hạ Môn gởi thẳng sang Quảng Nhân Thiện Đường ở ngõ số Một phường Quảng Nhân, đường Bắc Thành Đô, Thượng Hải (nơi này chính là một viện từ thiện do Thịnh Hạnh Tôn Cung Bảo một mình lập ra, cụ Phùng Mộng Hoa làm hội trưởng, ban trù tính kế hoạch lập viện Mồ Côi được lập nơi đấy. Dư Trĩ Liên chuyên lo giữ sổ sách kế toán. Người trong viện từ thiện nhiều, dẫu cho ông ta bận việc, những người khác sẽ đều có thể thay ông ta lo liệu, quyết chẳng đến nỗi thất lạc), giao cho tiên sinh Dư Trĩ Liên thâu nhận. Khi ông ta nhận được sẽ gởi biên lai. Sổ quyên góp cũng nên để trong một gói khác chung với thư gởi cho ông Dư Trĩ Liên. Lại nên gởi cho Quang một bức thư để Quang được biết rõ. Quang một mực chẳng muốn làm chuyện này, nay bị các cụ ấy lôi kéo cũng chẳng biết làm sao! Chỉ có thể tùy duyên tùy phận để giúp đề xướng.

Phùng Mộng Hoa tên là Hú, Thám Hoa xuất thân, từng làm Phủ Đài (Tuần Phủ) tỉnh An Huy, từ thời Dân Quốc nhất quyết không tham chánh, chuyên lo hoạt động từ thiện. Tuổi đã tám mươi mốt, nhưng rất mạnh khỏe. Ngụy Mai Tôn tên là Gia Hoa, [từng làm quan] Hàn Lâm [đời Thanh], từ thời Dân Quốc cũng không tham chánh, ăn chay trường niệm Phật. Chuyện Pháp Vân Tự hoàn toàn do ông ta lo liệu, tuổi đã sáu mươi hai. Diệp Nhĩ Khải tự là Bá Cao, cũng từng làm quan Hàn Lâm, cũng ẩn cư niệm Phật. Quan Quýnh, tự là Quýnh Chi, làm quan Hội Thẩm ở Thượng Hải, ăn chay trường niệm Phật. Diêu Dục, tự Văn Phu, làm quan giám đốc Hải Quan (sở quan thuế), cũng ăn chay trường niệm Phật. Hoàng Khánh Lan, tự Hàm Chi, làm Đạo Doãn ở Cối Kê, cũng ăn chay trường niệm Phật. Vương Chấn, tự Nhất Đình, cũng ăn chay trường niệm Phật, không chuyện từ thiện nào ở Thượng Hải ông ta chẳng góp sức. Những vị ấy đều muốn nhân tâm thế đạo được vãn hồi, nên miệt mài khăng khắng tiến hành, tận tâm nơi nghĩa cử vậy!

(thư thứ bảy)

Nhận được thư, biết cảnh ngộ và sự lưu thông [kinh sách] gần đây đều chẳng tốt đẹp. Trong lá thư trước, do ông [cho biết ông đứng ra] lưu thông nên tôi bảo ông thỉnh Văn Sao. Đã chẳng thể lưu thông thì không cần phải thỉnh, Quang há ép buộc ông làm ư? Gia Ngôn Lục được in lần trước sai ngoa thật nhiều, lần này sẽ đích xác, nhưng chưa được sắp chữ vì cần phải sắp chữ Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú cho hoàn tất. Bạch Thoại Chú trước đây vốn được sắp theo cỡ chữ lớn, do người muốn thỉnh quá nhiều, không có sức để lưu thông rộng khắp, nên sắp xếp riêng một bản theo cách thức ấn loát của bộ Văn Sao cho đỡ tốn kém. Tác phẩm này do một đệ tử là Hoàng Hàm Chi biên soạn, ông này chính là Hoàng Khánh Lan tác giả cuốn Sơ Cơ Tịnh Nghiệp Chỉ Nam.

Sách in lần trước đã không còn, in lần này còn chưa ra sách. Khi sách được in ra sẽ gởi tới cho ông, đừng lo! Hai loại sách này đều cho in trước một vạn cuốn, cho làm bốn bức Chỉ Bản để mong lợi ích khắp hết thảy. Ông chỉ cần đọc kỹ Văn Sao, gắng sức hành điều lành trong thế gian, kiêm tu Tịnh nghiệp, sẽ là đệ tử thật sự của đức Phật. Nếu chẳng giữ khuôn phép, ăn uống, nhậu nhẹt, phóng đãng, cờ bạc, và làm đủ thứ âm mưu này nọ giống như gã X… thì khi còn sống đã là tội nhân trong vòng trời đất, chết đi sẽ làm quỷ trong ngục vua Diêm La. Chẳng những cô phụ ân Phật, mà còn phụ ân cha mẹ dưỡng dục nữa. Đó gọi là “sống uổng chết phí, vô ích cho đời, tổn hại cho mình”, chẳng đáng buồn sao? Nếu có thể y giáo phụng hành thì sống dự vào bậc thánh hiền, mất về cõi Cực Lạc, niềm vui sướng ấy không có gì ví dụ được! Ông đã coi tôi là thầy, tôi chẳng thể không nói kỹ càng lẽ lợi – hại, được – mất để trọn hết thiên chức, bổn phận của tôi. Xin ông hãy sáng suốt suy xét thì may mắn thay!

(thư thứ tám)

Niệm kinh mà chẳng thể nhớ được thì hãy chí thành niệm Phật. Hễ rảnh rỗi bèn chí thành lễ bái, lâu ngày nghiệp chướng tiêu trừ, tâm thức sẽ sáng suốt. Chẳng những có thể ghi nhớ mà còn dễ lãnh hội nữa. Ông bận bịu nhiều việc, không rảnh rỗi để xem thì hãy đọc Văn Sao và kinh sách Tịnh Độ Tông, chứ không cần phải đọc khắp kinh sách của những tông khác. Chí thành khẩn thiết niệm Phật chính là đường tắt bậc nhất để liễu sanh tử, chớ nên không sốt sắng!

Bộ Văn Sao được khắc in lần này chẳng thể thỉnh để lưu thông trong năm nay được vì in ra sáu trăm bộ để biếu tặng thì trong một lúc chẳng thể in được! Tàng Kinh Viện còn chưa định giá. Thỉnh trong khoảng Xuân – Hạ năm sau thì được, nhưng Thương Vụ Ấn Thư Quán đã sắp chữ bản khác được một nửa rồi, năm nay chẳng in ra sách thì tháng Hai năm sau chắc chắn in được, hãy nên lưu thông sách ấy. So với bản khắc gỗ, sách in lần này nhiều hơn sáu bảy chục bài. Cỡ chữ và cách sắp xếp từng hàng thông thoáng giống như trong lần in trước, nhưng mỗi hàng tăng thêm năm chữ, mỗi trang dôi ra hai hàng, vẫn chia thành hai cuốn. Mỗi cuốn có một trăm năm mươi, sáu mươi trang, ước chừng một đồng sẽ thỉnh được hai bộ. Nếu muốn lưu thông, nên thỉnh nhiều sách in lần này sẽ đỡ tốn tiền mà dễ gởi đi.

Như gã họ X… kia chính là ma vương thừa nguyện tái lai, phá diệt Phật pháp. Hắn đã đả phá bài xích hết thảy các tông, các kinh, các luận, chẳng cần hỏi cũng biết hắn là ma vương ác tặc vào trong pháp của ta để phá hoại pháp ta, cần gì phải hoài nghi nữa! Ông đã nói hoài nghi thì biết là trong tâm ông vẫn cho rằng “những lời gã ác tặc ấy nói chắc cũng không sai, có thể nương theo đó để tu trì được!” Tri kiến của gã ấy hèn kém chẳng thể kham nổi. Ví như ác tặc tuốt đao dựng cờ, nói là “bảo vệ, che chở địa phương”, mà còn có kẻ đã cầu thỉnh khẩn thiết sẵn, xin được từ nay trở đi nương tựa vào hắn, chẳng biết hễ hắn vào nhà ta sẽ tấn công ta, sẽ bức đuổi ta phải bỏ nhà chạy đi. Nếu không, sẽ liền bị sát hại. Gã X… nọ chính là kẻ muốn làm cao nhân bậc nhất trong thiên hạ từ xưa đến nay, cho nên mới tự xưng như thế, khiến cho những kẻ chẳng trọng thực hành, chuyện gì cũng đều là nói xuông, liền xúm theo như kiến bu, ruồi đậu! Đủ thấy người học Phật hiện thời rất ít kẻ có chánh tri kiến! Nếu có chánh tri kiến thì gặp kẻ như vậy còn chẳng chịu ngó tới, huống là chịu học theo ư? Kẻ ấy tham – sân – si có thể nói là trong đời không có người thứ hai! Kẻ có chút tri kiến không ai chẳng thấy hắn là ác ma.

Học trò tôi là Y… ở nơi hắn ba năm, ông ta vẫn niệm Phật. Lúc mới tới, gã X… cực lực quở trách không chấp nhận, ông ta bèn cực lực phản đối vặn ngược lại, gã X… ấy chẳng làm sao được, để mặc cho ông ta niệm không hỏi tới nữa. Phật, Bồ Tát được thờ ở nơi hắn đều là những vị được tôn thờ trong tông nọ, nhưng suốt năm chẳng thắp một nén hương, suốt năm chẳng lễ một lần. Xem kinh cũng giống như đọc kịch bản, trọn chẳng cung kính. Những trước tác của cổ nhân hễ không hợp với mình liền bảo ngay là “thả rắm”! Đã thế, tâm tham không nhàm chán; do nhân duyên khắc toàn bộ Đại Tạng bèn quyên góp tiền tài của khắp những người có tín tâm nhưng mù quáng. Hạng người như thế sẽ bị sét đánh. Nếu sét không đánh, Phật pháp sẽ bị hắn diệt mất! Biết làm sao được?

(thư thứ chín)

Đã gọi là người học Phật, ắt phải đôn đốc luân thường, nghiêm túc trọn hết bổn phận của chính mình, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành. Lại còn dùng lòng tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương, kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, phổ độ hết thảy. Con người như thế tức là thiện nhân, là người khéo học Phật, chính là đệ tử chân thật của đức Phật. Như ông X… ngỗ nghịch bất hiếu, ôm lòng hiểm ác, bề ngoài tuy học Phật, nhưng trong tâm trái nghịch Phật, người ấy nếu lúc sống chẳng gặp phải tai ương ngang trái, chết đi cũng nhất định sẽ đọa lạc, cần gì phải nhắc tới? Những kinh nghiệm thực tế về niệm Phật há chẳng thể khuất phục được lời lẽ gièm siểm của kẻ sùng bái khoa học ư? Sao ông không đọc Tịnh Độ Thánh Hiền Lục? Những kinh nghiệm thực tế khi lâm chung của những vị [được nhắc đến trong bộ sách] ấy nào cấm ai bàn luận? Người bàn luận Phật pháp hiện thời do cớ gì phải bỏ những kinh nghiệm thực tế ấy để rồi than thở xuông “phải chịu bó tay?” Đúng là ôm giữ Dạ Minh Châu, uổng công tự hận tăm tối, chẳng đáng buồn sao?

Năm ngoái, Quán Âm Tụng đã quyên mộ được tám vạn bộ. Do đã lâu không nghe tin tức gì nơi ông, sợ ông đã thoái chí rồi nên cũng không bảo ông đứng ra chịu trách nhiệm. Tăng Quảng Văn Sao đã in ra, còn chưa đóng bìa xong (Tiền công sắp chữ ở Thượng Hải phải bỏ ra thêm sáu trăm đồng nữa, mỗi bộ giá phải đến tám cắc. Nếu dùng Chỉ Bản đã có sẵn để đúc bản kẽm thì mỗi bộ giá năm cắc. Thượng Hải đòi thêm một ngàn hai trăm đồng. Quang ước tính với một vạn hai ngàn bộ sách đều định giá [mỗi bộ] là sáu cắc thì người thỉnh lẫn Quang đều chẳng bị thiệt thòi. Công sắp chữ, tạo Chỉ Bản phải tốn thêm bảy mươi lăm đồng nữa, cứ mỗi cuốn phải tốn thêm một cắc một xu; ở Hàng Châu mỗi cuốn là tám xu, nên in ở Thượng Hải năm ngàn bộ, in ở Hàng Châu ba vạn bộ).

Trong tháng Tám, Thượng Hải in hai ngàn bộ đã giao xong; Hàng Châu in một vạn bộ, ngoài số sách đã giao cho người đứng in ra, còn được ba nghìn mấy bộ để kết duyên. Vì thế, bảo họ gởi cho ông Vương Chửng Bang ở Hạ Môn ba mươi gói, bảo phân phát bốn gói Thọ Khang Bảo Giám cho các ông, ước chừng trong tháng này hay tháng sau sẽ có thể gởi tới. Nếu ông muốn thỉnh để lưu thông thì mỗi bộ là sáu cắc, bưu phí tính riêng. Nếu muốn thỉnh bao nhiêu hãy gởi thư cho biết.

Lại còn có Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục, Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú (hai loại này đều [mỗi tựa sách] chỉ gồm một cuốn, ước chừng một cắc năm hay sáu xu [mỗi cuốn], do còn chưa sắp chữ xong nên chẳng biết số trang thật sự là bao nhiêu) đều có thể trong vòng năm nay hay năm sau in ra sách. Gia Ngôn Lục chính là những nghĩa trọng yếu được trích từ Văn Sao rồi chia môn phân loại, biên tập riêng thành sách để xem đọc những điều cần yếu một cách nhanh chóng. Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú do Hoàng Hàm Chi biên soạn, khá rõ ràng, có lợi cho sơ cơ. Hai thứ sách này mỗi cuốn tôi cho làm bốn bức Chỉ Bản để mong sách được phổ cập.

(thư thứ mười)

Ngày Hai Mươi Sáu tháng Tư, Quang từ Dương Châu trở về Thượng Hải, thấy Quế Viên (Long Nhãn) và hương được gởi đến, cám ơn lắm. Tuy bản thảo Quán Âm Đại Sĩ Tụng đã được gởi tới, nhưng vẫn cần phải giảo chánh tường tận thì mới cho in được. Sợ rằng năm nay chưa thể ra sách được! Sổ quyên mộ cho viện Mồ Côi cứ tùy duyên mà làm, quyên được nhiều cũng tốt, quyên ít cũng không sao. Nếu chẳng thể giúp được, cứ gởi sổ trả lại cũng không sao cả. Với hết thảy mọi chuyện, Quang đều tùy duyên, trọn chẳng dấy tâm phân biệt là nhiều – ít, có hay không. Thầy Chân Đạt bảo tôi gởi lời hỏi thăm ông. Cư sĩ Vưu Tích Âm còn chưa làm gì, chẳng bao lâu sẽ xuống miền Nam, vẫn chưa định được địa chỉ cư trú. Đợi khi nào ông ta tiến hành cho Quang rồi, sẽ gởi thơ đến ông. Đang trong lúc thiên tai nhân họa liên tiếp giáng xuống này, hãy nên phát lòng thành niệm Phật để mong được che chở, ngõ hầu chẳng phụ thời khắc tốt đẹp này. Nếu không, sẽ giống như vào trong biển cả, đã không có hoa tiêu, lại không có kim chỉ nam, muốn chẳng chìm đắm há có được chăng?

***

[1] Nguyên văn “ma du” tức là dầu mè, do cách chế biến khác biệt mà chia thành hai loại:

1) Đại Ma (dầu chưa tinh chế): Tức hạt mè đem ép lấy dầu bằng cối đá, loại bỏ xác mè. Loại dầu này có mùi thơm rất nhẹ, màu nhạt, gần như trong suốt, chủ yếu dùng để làm bánh.

2) Tiểu Ma (dầu mè tinh chế, còn gọi là Hương Du): Mè được xay bằng máy nên xác mè gần như vụn nát. Dầu ép ra có chứa nhiều tạp chất (nhất là xác mè), nên phải tinh luyện bằng cách chưng nước nóng: Dầu mè thô được đổ vào một nồi đựng nước nóng 80 độ C để váng dầu nổi lên mặt nước, tạp chất chìm xuống đáy. Gạn lấy váng dầu ấy rồi tiếp tục đun nhẹ cho nước bốc hơi, dầu đặc lại. Loại dầu này rất thơm, màu sắc gần từ vàng trong cho đến vàng sậm, thường dùng để xào nấu.

[2] Quế Viên (Dimocarpus Longan) còn gọi là Long Nhãn, Á Lệ Chi, hay Yến Noãn. Vị thuốc Nhãn Nhục chính là phần thịt của loại nhãn này.

Hồng Táo (Ziziphus Jujuba): Ta thường gọi là “táo Tàu”, để phân biệt với táo Tây (bôm, apple). Trái to nhất bằng ngón chân cái, khi chín ngả dần sang màu đỏ nâu. Thường được phơi khô để dùng trong các toa thuốc bổ của Đông Y với tên gọi là Đại Táo. Nhân của hạt táo này cũng được dùng để làm thuốc.

Khiếm Thực (Euryale Ferox Salisb), còn gọi là Kê Đầu, là một loại thực vật thuộc họ Súng (có sách giảng Khiếm Thực chính là củ Súng, nhưng căn cứ trên hình chụp và miêu tả, nó chỉ giống với hoa Súng bên ta, chứ không hoàn toàn tương đồng). Phần củ thường mập ngắn, có rễ trắng, lá có hình thuôn tròn, màu xanh đậm, mặt dưới màu tía, nổi gân rất rõ, gần như hình trái tim, nổi trên mặt nước chứ không vươn khỏi mặt nước như lá sen. Kích thước của lá khá to, có lá to đến 1m30. Hoa sắc tía, thường nở vào khoảng Hạ – Thu, chỉ nở vào ban đêm, mỗi búp hoa có bốn cánh đài, rất nhiều cánh hoa, trông từa tựa như hoa Súng, nhưng đẹp hơn. Phần làm thuốc chính là phần củ. Đông Y cho rằng Khiếm Thực có tác dụng bồi bổ thận tạng, khiến cho tinh dịch đậm đặc hơn, bổ tỳ, chống tiêu chảy. Vị thuốc này chủ yếu dùng chữa các chứng bịnh di tinh, hoạt tinh, bạch đái, tỳ hư, đi tiểu lắt nhắt v.v….

Ý Mễ chính là Ý Dĩ (Coix Lacryma-jobi) là một loại cỏ, lá như lá cỏ tranh, có nhiều hạt nhỏ, màu trắng. Hạt Ý Dĩ thường được tin là có tác dụng bồi bổ bao tử, lợi tiểu, trị bệnh phong thấp, nhức gân, giải nhiệt v.v… Nó thường được nấu chung với Long Nhãn, Phổ (Thổ) Tai, sương sa (rau câu) v.v… thành một món giải nhiệt thường được biết với tên gọi Sâm Bổ Lượng.

[3] Xin đọc “Thư trả lời cư sĩ Trương Bá Nham” (số 128) trong Ấn Quang Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2. Chi Minh là tên tự của Bá Nham.

[4] Đây là những chức sắc trong Đồng Thiện Xã hoạt động truyền giáo mạnh mẽ ở Hoa Nam thời ấy.

[5] Linh Học (Spiritualism) là một thứ phong trào thịnh hành ở châu Âu bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 tin vào sự cầu đồng (Séance), xoay bàn cơ (Ouji board) để giao tiếp với cõi Âm. Khi qua Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn, nó được pha trộn với tín ngưỡng cầu tiên giáng đàn (cơ tiên, thường được gọi là Thiện Đàn) để hỏi đạo, xướng họa thơ văn, tạo ra những giáo phái pha trộn lung tung những giáo thuyết của Tam Giáo và thường xưng là “tam giáo đại đồng, hòa đồng tôn giáo, Phật giáo chánh truyền, cơ phổ độ mới, phổ độ kỳ ba” v.v…

[6] Linh Học Hội nói ở đây chính là Thượng Hải Linh Học Hội, do các ông Dương Tuyền, Du Phúc, Lục Phí Quỳ, Đinh Phước Bảo, Nghiêm Phục v.v… sáng lập, xuất bản tờ Linh Học Tùng Chí để làm cơ quan tuyên truyền. Ngoài phương thức cầu cơ (phò loan) theo hình thức cổ truyền của Trung Hoa, họ còn áp dụng kỹ thuật cầu đồng bằng bàn xoay, lên đồng, và vận dụng tâm lý học, yêu quái học (demonology), thuật thôi miên, chụp ảnh bóng ma v.v… theo kiểu Tây Phương, nhằm nghiên cứu những hiện tượng tinh thần một cách “khoa học” để giải quyết những băn khoăn về thế giới bên kia.