Thư trả lời cư sĩ Phương Thánh Chiếu
(thư thứ nhất)
Nhận được thư, biết lệnh kế từ[1] niệm Phật sanh Tây, khôn ngăn vui vẻ, an ủi. Con người có sống ắt phải có chết; chết mà chẳng được vãng sanh thì nỗi khổ trong vị lai làm sao có thể diễn tả được! Nay cụ đã được sanh về Tịnh Độ, đáng bảo là “người cực phú quý trong thế gian cũng khó thể sánh bằng trong muôn một, chẳng sống uổng chết phí” vậy! Tôi sửa đổi tiểu truyện của cụ đôi chút. Quang là một ông Tăng chỉ biết cơm cháo, kính cẩn vâng giữ quy củ đã thành lập của Phật, của Tổ, khuyên người khác niệm Phật cầu sanh Tây Phương, sao lại gọi Quang là Thái Sơn, Bắc Đẩu của Tịnh Tông đương thời? Chỉ nên thuật rõ sự việc [vãng sanh của lệnh kế từ] là được rồi, chớ nên khen ngợi sáo rỗng quá lố! Mấy hôm trước, khoản tiền in sách do cư sĩ quyên cúng là năm mươi đồng và khoản tiền hương kính của lệnh muội Thang Huệ Chánh là hai mươi bốn đồng đã được lệnh tỷ trượng[2] Địch Am đưa cho, tôi đều nhận được cả rồi, đừng lo. Tôi quên mất địa chỉ của Bạch Vân Am ở chỗ nào, vì thế nhờ Địch Am chuyển thay.
(thư thứ hai)
Người già nên lấy niệm Phật làm Chánh Hạnh. Chép kinh phải chí thành, cung kính, chẳng cẩu thả một nét bút nào. Lại cần phải giảo chánh, đối chiếu tường tận, chẳng để cho sai sót. Nếu có sai sót, hãy nên chép chữ khác, chớ nên bôi sửa, viết thêm vào, để lâu ngày khỏi bị kẻ tánh tình cẩu thả bỏ sót mất. Chép một câu liền đối chiếu một câu; chép một hàng, đối chiếu một hàng. Chép xong một trang thì lại đối chiếu tường tận [cả trang] hai ba lượt thì mới có thể không bị sai sót. Nếu bị sai sót mà chẳng muốn chép lại cả trang thì đánh dấu chữ sai, viết chữ đúng vào bên cạnh; ngàn vạn phần chớ nên xóa sửa, giậm thêm nét. Chữ ông không đẹp lắm, không cần phải chép Hoa Nghiêm nữa. Do chữ không đẹp lắm, người đời sau sẽ chẳng rất chú trọng, nhất tâm niệm Phật còn hay hơn!
Nếu niệm Phật có vọng tưởng thì nên vận tâm lắng nghe. Từng câu, từng chữ đều phải nghe cho rõ ràng, bất luận niệm lớn tiếng hay nhỏ tiếng hoặc niệm thầm trong tâm đều phải nghe cho rõ ràng. Lâu ngày chầy tháng, tâm tự quy nhất. Chương Đại Thế Chí Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm có câu: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa, ấy là bậc nhất”, đấy chính là pháp lắng tai nghe kỹ vậy. Hãy nên y theo đó mà niệm sẽ chẳng đến nỗi vọng tưởng tơi bời y như cũ! (Ngày Hai Mươi Chín tháng Giêng)
(thư thứ ba)
Thư nhận được đầy đủ, trước đây do đất Hỗ (Thượng Hải) chưa yên ổn chẳng tiện gởi ngay; về sau lại ngờ rằng bệnh viện có thể đã chuyển đi nơi khác, cho nên mới chần chừ đến hôm nay. Nay gởi tổng cộng sáu gói sách: Bốn gói sách cư sĩ tự giữ, một gói chuyển giùm cho Phương Huệ Uyên, một gói giao thẳng cho cư sĩ Địch Am. Mùa Hè năm nay có thể nói là nóng nực hiếm thấy, hiện thời lại bị hạn hán, cuộc sống của người dân thật đáng xót thương! Chẳng phải là thiên tai thì cũng là nhân họa, hai thứ ấy thường hay giáng xuống cùng một lúc! Đang trong thời thế này, tốt nhất chỉ nên sốt sắng niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Ngoài ra, không lập được cách nào khác nữa đâu! May là cả nhà cư sĩ vẫn yên vui, càng phải nên niệm Phật để mong thoát lìa.
Trước đây, tôi đã nghe người ta nói ngài Đế Nhàn bị bệnh, đã nhờ Mã Khế Tây hỏi thăm, ông ta nói: “Sau [khi nhận được thư thầy] không lâu, con sang thăm, vẫn thấy [ngài Đế Nhàn] yên vui”. Nay nhận được thư của cư sĩ mới biết Ngài đã bị bệnh hơn tháng, như vậy là sau khi Khế Tây đến thăm xong Ngài mới ngã bệnh. Ngài Đế Nhàn quả thật là cột trụ trong pháp môn, nếu có chuyện gì bất trắc thì Phật pháp sẽ không có người chống đỡ. Quang ở đất Tô cũng khá bận bịu, đợi in xong dăm ba bộ sách sẽ rời Ngô Môn rồi chỉ niệm Phật đợi chết mà thôi! (Ngày Hai Mươi Bảy tháng Sáu)
(thư thứ tư)
Nhận được thư, biết ông thân tâm yên vui, tâm lợi người ngày càng tăng tấn, khôn ngăn mừng rỡ, an ủi. Quang tính hôm Hai Mươi Ba sẽ xuống núi, trưa hôm Hai Mươi Bốn sẽ đến Công Đức Lâm, nhờ ông báo tin cho bọn họ: Trước Ngọ ngày Hai Mươi Bốn tôi sẽ đến Công Đức Lâm, trở về ngay trong bữa ấy, họ cũng chẳng cần phải đến đấy từ hôm trước. Bởi lẽ mấy người đến từ hôm trước, nghỉ tại Ninh Ba chẳng những tốn nhiều tiền mà cũng bất tiện! Hiện thời là tình thế hoạn nạn, xin hãy bảo lệnh lang Chí Cần và cô con dâu hằng ngày phải niệm thánh hiệu Quán Thế Âm bao nhiêu đó câu để phòng ngừa tai họa. Năm ngoái, lệnh tức[3] đã miễn cưỡng quy y ở Cư Sĩ Lâm, chẳng biết vẫn còn có thể miễn cưỡng tu trì hay chăng? Đầu mùa Thu năm nay, khi chuyện in sách đã kết thúc xong xuôi, trong khoảng tháng Tám, tháng Chín, Quang sẽ diệt tung tích, ẩn náu lâu dài để khỏi phải quanh năm suốt tháng bận bịu vì kẻ khác, đâm ra lỡ làng đại sự sanh Tây của chính mình. Trong tháng Sáu vẫn trở về núi ở cho hết Hè, tháng Bảy xuống núi, không trở về nữa. Tháng Tám, tháng Chín liền ở ẩn để vĩnh viễn không qua lại giao thiệp với hết thảy mọi người!
(thư thứ năm)
Thư trước chắc ông đã nhận được rồi. Ông nói vọng niệm quá nhiều là vì ông cứ một mực ứng phó ngoại duyên, đến nỗi trong lòng tạp niệm tưng bừng diễn ra. Hãy nên nghĩ mình sắp chết, tưởng sắp đọa địa ngục, nhất tâm niệm Phật thì vọng niệm sẽ liền tiêu diệt, chứ không phải vì thông thuộc kinh hay không!
Ông nói đến Phổ Lợi Phật Thất (Phật Thất Lợi Ích Rộng Khắp), đem kinh biếu tặng, ấy chính là dùng kinh Phật để siêu độ cô hồn, há nên nói “mắc tội khinh mạn”? Chuyện ấy đem so với chuyện hồi hướng công đức cho chính mình càng lớn hơn nữa. Nếu không có chuyện gì, người ta chẳng cầu xin mà chính mình cứ cưỡng tặng cho người ta, người ta vẫn chẳng để ý thì quả thật mắc tội khinh mạn Phật pháp. Lệnh muội biết chữ, thông hiểu văn lý, có thể làm cho chồng và con cô ta đều cùng sanh lòng tin thì công đức ấy chẳng thể nghĩ bàn. Há nên lầm lẫn muốn trở về Nam để mong gặp mặt Quang? Bởi lẽ, gặp mặt Quang có ích chi đâu? Nếu cô ta có thể y theo Gia Ngôn Lục để tự hành, dạy người, sẽ hơn gặp mặt Quang nhiều lắm!
Người tu hành phải tu cả “nội công” lẫn “ngoại công”. Ông một mực dùng nhiều phương cách giúp sức cho những hành động tốt lành, ấy là “ngoại công”. Nhất tâm niệm Phật chính là “nội công”. Ngoại công là Trợ Hạnh, nội công là Chánh Hạnh. Chánh – Trợ cùng hành, lợi ích thật lớn! Nhưng người đã tới tuổi năm mươi, tháng ngày chẳng còn mấy, cố nhiên nên đặc biệt chú trọng nội công, bớt làm ngoại công, ngõ hầu chẳng đến nỗi bị những hành động tốt lành xoay chuyển, rốt cuộc vẫn ở trong Sa Bà!
(thư thứ sáu)
Chúng sanh tập khí quá sâu, muốn làm cho họ thay đổi thật chẳng dễ dàng. Cơ duyên niệm Phật của vợ chồng Tử Cần vẫn chưa chín muồi, chớ nên miễn cưỡng! Cư sĩ đã lập cách huân tập, chắc dần dần họ sẽ sanh lòng tin. Một phụ nữ ở Tào Hành Trấn thuộc vùng phụ cận Thượng Hải mỗi khi niệm Phật liền bị mẹ chồng chửi mắng, ngăn cấm, cô ấy vẫn chẳng thay đổi. Lâu ngày mẹ chồng cũng niệm Phật, cũng quy y. Nay thì bà cụ còn tinh tấn hơn con dâu nữa! Xin ông hãy từ từ, đừng sanh ưu phiền.
Lý tức là Lý Tánh, tức là Phật Tánh mà Phật và chúng sanh đều sẵn có. Tánh ấy có đủ hết thảy công đức. Sự chính là tu trì và đoạn Hoặc chứng Chân v.v… Do trong tự tánh sẵn đủ những công đức ấy nên tu đến mức cùng cực sẽ xứng tánh hiển hiện. Do vậy, gọi là “lý sự viên dung”. Nếu chỉ biết bản tánh sẵn đủ, chẳng tu trì thêm thì đến tột cùng đời vị lai cũng chẳng thể đích thân chứng được lý “tánh sẵn đủ” ấy. Đó gọi là “chấp Lý phế Sự, Lý cũng chẳng viên”. Vì thế, người tu hành hễ đã ngộ được lý “tánh sẵn đủ”, ắt phải thiết thực tu trì.
Phương pháp tu trì chỉ có trì danh niệm Phật thật là bậc nhất. Vì thế, hãy nên chuyên chú nơi tín nguyện trì danh. Lại còn lấy “đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành” làm Trợ Hạnh, lợi ích sẽ lớn lao. “Hồ đến, Hồ hiện” nghĩa là tâm như gương sáng, gương vốn rỗng lặng, trọn chẳng có một vật gì, nhưng lại tùy theo cảm mà ứng. Người Hồ đến thì trong gương liền hiện bóng người Hồ, người Hán đến [gương cũng hiện bóng người Hán] giống như thế. Ngồi ngay ngắn niệm Thật Tướng chính là nhất tâm chuyên chú nơi Chân Như Phật Tánh bất sanh bất diệt để mong triệt ngộ, thật chứng. Loại công phu này thật chẳng dễ dàng đạt được; nếu chẳng hiểu rõ lý, chắc sẽ khởi ma sự, bất tất phải dùng loại công phu này! (Viết dưới đèn hôm Mười Bốn tháng Ba)
(thư thứ bảy)
Cổ nhân nói: “Đại nhân bất xướng du ngôn” (Người lớn chẳng nói chơi). Cư sĩ do thấy pháp sư Tịnh Ải xả thân mà khởi lòng cảm mộ, nhưng nhất tâm niệm Phật thì được; chứ nếu hơi nẩy sanh ý tưởng muốn bắt chước Tịnh Ải thì không được. Do bậc đại sĩ ấy vốn là Pháp Thân đại sĩ, trọn chẳng có Thân Kiến và các Phiền Hoặc, chẳng qua thị hiện sanh trong thế gian nhằm hóa độ chúng sanh, hiện cái thân do cha mẹ sanh ra này để thực hiện sự giáo hóa, bọn nghiệp lực phàm phu chúng ta chẳng thể bắt chước được đâu! Điều chúng ta nên dốc sức chính là sanh lòng tin chân thật, phát nguyện thiết tha, dùng lòng chí thành khẩn thiết để trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương.
Kỳ hạn vãng sanh mặc cho duyên trễ hay sớm, chớ nên khởi tâm mong ngóng được vãng sanh ngay! [Bởi lẽ], sợ rằng do tâm [mong ngóng] ấy cố kết nhưng tâm [hành nhân] chưa thật sự tương ứng với Phật, các ma sự ắt sẽ dấy lên. Viễn Phàm chỉ sợ cư sĩ đã quyết định mang cái tâm ấy, hãy nên cực lực khuyên giải, cũng là thiên chức đáng nên trọn hết của kẻ làm con. Xin từ nay về sau tâm đừng nghĩ tưởng tới những thứ ngôn luận ấy cũng như bảo với con cái [điều mong ngóng ấy] để lòng họ khỏi phải lo âu!
(thư thứ tám)
Hôm qua nhận được thư ông kèm theo thư của Chí Phạm, biết sở học vẫn tiến bộ, đạo tâm càng thêm kiên cố, an ủi lắm! Tử Cần chữa bệnh thì đối với những căn bệnh do oán nghiệp khó lành, hãy nên dạy bệnh nhân xưng niệm thánh hiệu Quán Thế Âm và khuyên họ kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, yêu tiếc sanh mạng loài vật. Chẳng những bệnh nhân được hưởng sự tốt lành “tiêu nghiệp, khỏi bệnh”, mà y đạo của Tử Cần cũng sẽ nhờ đấy ngày càng phát đạt. Gần đây Tây Y hễ thấy bệnh nhân ăn chay bị bệnh liền thường khuyên họ nên ngã mặn, bảo ăn thịt giàu chất bổ, chẳng biết gây trở ngại cho phép dinh dưỡng, lại còn kết oán nghiệp nữa! Thư của Chí Phạm kính gởi trả lại theo thư này, xin hãy thâu nhận.
(thư thứ chín)
Thư nhận được đầy đủ, ngài Đế Nhàn qua đời đích xác là vãng sanh. Cảnh tượng lúc Ngài mất vẫn chưa đến mức kinh thiên động địa, vì [Ngài dành] thời gian giảng thuyết nhiều, thời gian chuyên dụng công tu Tịnh nghiệp ít ỏi. Nếu là thường nhân thì rất chẳng dễ được như vậy; chứ với ngài Đế Nhàn thì [cảnh tượng lúc vãng sanh] như thế vẫn chưa xứng với thân phận. Ngài Đế Nhàn đã mất rồi, dưới tòa của Ngài pháp tướng đông đảo như rừng. Đối với các vị pháp tử biết mạng [của sư Đế Nhàn], Quang đều chẳng dám mong theo kịp. Trong thư ông nói hai cây trụ lớn của Phật giáo đã gãy một, chỉ còn mình Quang đảm đương, [nói như vậy] chính là chẳng biết Quang chỉ là một ông Tăng tầm thường nuốt cơm húp cháo mà thôi! Do được ngài Đế Nhàn chẳng chê bỏ Quang là phường vô tích sự nên mới giao du ba mươi mấy năm.
Đối với chuyện thù tiếp theo thói thường, Quang nhất loạt chẳng làm theo, chỉ hồi hướng cho Sư suốt một thất trong khóa tụng sáng tối để trọn hết tấm lòng tôi mà thôi! Ông nói lệnh thân hữu muốn quy y, sao không đến quy y với bậc dựng cao tràng pháp gần đấy, mà lại bỏ gần tìm xa, chọn một ông Tăng chỉ biết cơm cháo để quy y vậy? Dẫu nói ông ta cố ý phát nguyện muốn quy y với Quang, nhưng nếu thuận tiện sẽ đến đất Tô thì tốt lắm; chứ còn đặc biệt đến đất Tô để quy y thì cố nhiên chẳng bằng gởi thư cầu xin [quy y] sẽ thuận tiện cho cả đôi bên. Còn như nói cư sĩ đích thân đi cùng ông ta đến đây, tôi nào dám đảm đương? Phàm mọi chuyện đều phải nên càng giản lược, càng ít việc càng hay.
[Tịnh Độ] Thập Yếu đã sắp chữ xong, chẳng bao lâu nữa sẽ in ra. Ước chừng cuối tháng Tám sẽ có thể in thành sách. Hiện thời đang sắp chữ cuốn Phật Học Cứu Kiếp Biên. Sách này do cư sĩ Phan Đối Phù thỉnh cư sĩ Hứa Chỉ Tịnh biên tập. Sắp chữ cuốn này xong sẽ sắp chữ bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Thanh Lương, Cửu Hoa, Nga Mi Chí sẽ được sắp chữ sau. Năm trước tới đất Tô là vì Phổ Đà Chí chưa xong; do vậy lại sắp chữ mấy loại sách, nay vẫn còn năm bộ sách này. Đến khi cả năm bộ hoàn tất rồi, tôi sẽ ở ẩn, niệm Phật hiệu cho nhiều để mong lâm chung chẳng đến nỗi tay chân cuống quýt, bị người khác chê cười!
***
[1] Lệnh kế từ: Tiếng gọi tỏ vẻ tôn kính mẹ kế của người khác.
[2] Lệnh tỷ trượng: Tiếng gọi tỏ vẻ tôn kính anh rể người khác.
[3] Tiếng gọi tỏ vẻ kính trọng con dâu người khác.