Thư trả lời cư sĩ Lạc Quý Hòa

(thư thứ nhất)

Nhận được thư, khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn. Quang thuở bé thiếu học vấn, tuổi già chẳng biết gì; ai nấy đều đem sai ngoa lan truyền sai ngoa, lầm bảo Quang là tri thức. Lọt vào thế bất đắc dĩ, chỉ đành góp nhặt lời quê mùa cho xong trách nhiệm. Nào ngờ các hạ cũng vì thấy muôn người đồn đãi như thật mà tưởng là thật, chẳng suy xét [Quang được tiếng thiện tri thức như vậy] thật ra là do một người lan truyền hư giả. [Quang viết] lời tựa cho Tâm Kinh ông chẳng bắt tội thì là đã rộng dung rồi, huống chi lại còn khen ngợi quá đỗi! Xấu hổ há thể nào cùng cực! Tờ báo của quý vị đổi thành nguyệt san, rất hữu ích. Còn những bài viết hủ bại của Quang đâu đáng để chiếm chỗ tốt đẹp ấy! Huống chi tôi bận việc đa đoan, không có ai chịu nhọc nhằn giùm tôi, dẫu có một hai bài hơi đáng để mắt đến thì cũng đâu rảnh rang để sao ra gởi tới!

Còn như các hạ nói “xuất gia để chuyên tu”, Quang trọn chẳng nghĩ như thế là đúng; bởi các hạ tài trí đủ để hoằng pháp, suất lãnh người nhà cùng tu Tịnh nghiệp thì đôi bên đều được lợi ích. Nếu xuất gia thì người nhà khốn khổ, ắt sẽ dấy lòng báng pháp. Như vậy là chưa thể tự lợi mà đã hại người nhà trước, nỡ lòng làm chăng? Phật pháp không một ai chẳng kham tu, mà cũng không một ai chẳng thể tu được. Chỉ nên trong niệm niệm biết “chẳng tu tịnh nghiệp sanh về Tây Phương thì sẽ luân hồi cả kiếp dài lâu, chẳng thể thoát được!” Do vậy, xót mình, xót người, thương ta, thương người, lớn tiếng hô hào để gần là người nhà, xa là người đời đều cùng tu đạo này! So với việc chỉ cầu tự giải thoát cho chính mình, lợi ích há nào phải khác biệt vời vợi như trời với đất? Đang trong thời buổi hoại loạn đến tột cùng này, muốn vãn hồi thế đạo nhân tâm thì càng phải coi sự lý nhân quả báo ứng là chuyện quan tâm bậc nhất. Biết nhân quả báo ứng, sẽ tự gắng sức làm người lương thiện. Nếu chỉ bàn nói điều huyền lẽ diệu, chẳng chú trọng nhân quả, chắc sẽ trở thành phường “miệng miệng nói không, bước bước làm có!” Lợi ích [sẽ đạt được] cũng chẳng qua là gieo hạt giống trong tương lai mà thôi! Nếu chú trọng nhân quả sẽ giữ được tấm lòng “sửa lỗi, hướng lành”. Đấy chính là điều phải gấp rút bàn đến khi hoằng pháp trong thuở hiện tại này.

(thư thứ hai)

Nhận được thư hôm Hai Mươi Bốn, khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn. Văn của Quang hệt như gom lá mà các hạ và Lý Khế Nguyên lại phỏng theo lầm lạc, cho là “có thể làm cho người khác sanh lòng tin tưởng!” Quang cũng chỉ đành đem lầm đáp lạc. Hiềm rằng mấy hôm gần đây công chuyện quá nhiều, thật chẳng có buổi rảnh rỗi, vì thế lần khân đến nay, chịu lỗi khôn cùng! Tôi vốn muốn đọc cuốn Phật Pháp Yếu Luận hai lượt nhưng không có thời gian, sức lực, chỉ đọc đuợc một lần. Do trong bản giảo chánh gốc, những chữ được viết theo lối Phá Thể đều được liệt kê, nên tôi cũng bắt chước theo, trong [sách] ấy có mấy chữ đáng nên thương lượng, châm chước thì tôi cũng nêu ra. Xin hãy cân nhắc!

Soạn được lời tựa gồm sáu trăm mấy chục chữ, chi ly, dông dài, thật chẳng đáng xem; chẳng qua cậy vào đó cho xong trách nhiệm. Nếu ghép [bài tựa ấy] vào đầu cuốn sách thì cũng chỉ là thêm thắt râu ria, chứ trọn chẳng có chỗ nào nêu bật được những ý nghĩa trọng yếu của cuốn sách. Hôm Hai Mươi Sáu, do Phương Viễn Phàm thấy các hạ từ đầu đến cuối sẵn lòng muốn sao chép lại, liền gởi tới hai bản, cậy Quang giảo chánh một lượt. Do vậy liền đọc hai lần, ngày hôm sau liền gởi đi. Do lúc sắp xếp, giảo chánh còn có chỗ sai sót, sợ rằng ông ta sẽ phải in bản đính chánh, nên chẳng dám để lâu. Ngày Hai Mươi Tám, cư sĩ Liên Hàng cũng gởi đến một bản, chắc các hạ đã xem qua rồi. Những chữ bị sai chắc các hạ cũng đã biết hết rồi, nên không gởi đi. Chỉ có dòng mười bảy trong trang mười chín và dòng thứ hai trong trang hai mươi tựa hồ bị sót câu văn, xin hãy xem kỹ. Nếu thật sự bị sai sót, xin hãy gởi sang cho cư sĩ Phương Viễn Phàm ở số Bảy Mươi Bốn, ngõ Hằng Dũ, đường Thanh Vân, thuộc Áp Bắc, Thượng Hải. Ông ta ở nhà người em rể. Thư của Lý Khế Nguyên gởi trả lại theo thư này.

(thư thứ ba)

Nhận được thư và bài văn đã sửa đổi rất hay. Cuốn sách ấy (tức Phật Pháp Yếu Luận) văn lẫn nghĩa đều hay, chỉ có mình chỗ ấy dường như bị khiếm khuyết. Vì thế, Quang xin các hạ thêm vào [nguyên bản] để lúc tái bản sẽ in thêm vào. Ngoài ra đều không có gì khiếm khuyết cả. Tất cả hai mươi mấy chữ sai đều do kẻ sao chép vô ý gây ra. Quang đang tính cách tái bản, nên với những chữ sai, chữ viết theo lối Tục Thể và đa số là những chỗ thiếu dấu chấm câu, mỗi mỗi đều ghi ra, gởi cho ông Phương Viễn Phàm. Nay tôi đem bản liệt kê [những chỗ sai] ấy gởi cho ông, xin hãy xem qua. Đây là chuyện giảo chánh, đối chiếu nhỏ nhặt, nào dám gọi là “giám đính?”[1] Sách đã có lời tựa của ngài Đế Nhàn thì đã đủ để phát khởi lòng kính ngưỡng cho người ta rồi, đâu cần lời tựa của Quang!

Huống chi Quang lắm việc bận bịu, không lâu sau phải sang Thượng Hải để lo liệu chuyện [ấn tống] Quán Âm Bổn Tích Tụng. Lại còn phải sắp đặt một bản Văn Sao khác, tính sắp xếp sao cho mỗi trang tăng thêm hai hàng, mỗi hàng thêm hai ba chữ, [thành ra] thêm ba vạn chữ vào lời văn. Nếu chẳng thể mở rộng diện tích in chữ trong một trang thì cũng là một cách để giảm bớt chi phí.

Thêm nữa, do thanh niên không biết tiết dục cũng như [chẳng biết] những chuyện [cần phải] kiêng kỵ trong ăn nằm; do vậy mất mạng không biết là bao nhiêu, hoặc trở thành tàn tật cũng không đếm xuể. Bởi vậy, tôi phát tâm in cuốn Bất Khả Lục, tăng thêm một vạn chữ, đổi tên thành Thọ Khang Bảo Giám. Một vị cư sĩ bỏ ra một ngàn sáu trăm đồng để ấn tống, có thể in gần tới ba vạn bản. Lần này sang Thượng Hải để lo liệu sắp chữ. Cuối Thu, Văn Sao lẫn Thọ Khang đều có thể in ra sách; do vậy, bận túi bụi. Ước chừng giữa tháng Năm chắc sẽ quay về núi. Tâm Kinh Thiển Thuyết chưa thấy gởi đến, không cần phải lo chuyện này. Dẫu có một hai chữ bị sai cũng không ảnh hưởng lớn lao, người thông hiểu văn nghĩa sẽ đều nhận biết.

(thư thứ tư)

Thư hôm Mười Một chắc ông đã nhận được rồi. Hôm qua nhận được thư, khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn. Đôi bên tâm giao, há cần phải khiêm hư quá mức như vậy? Tâm Kinh Thiển Giải không bị sai ngoa nhiều lắm, do thấy có lúc các hạ dùng chữ theo kiểu Phá Thể nên Quang bèn căn cứ theo đó để nêu ra cặn kẽ; nếu có một hai chỗ thay đổi, xin hãy xem xét kỹ để chẳng đến nỗi “khoét thịt thành vết thương”. Do năm ngoái có chiến tranh nên chẳng dám phát hành bản đính chính cho cuốn Đại Sĩ Tụng (có hơn hai ngàn cuốn ở Trung Hoa [Thư Cục]). Sau đấy do nước cạn, chẳng thể ra khỏi núi được. Nay bản chánh vẫn chưa gởi đến; do vậy, tạm thời dùng giấy Mao Thái[2] in một vạn tờ cho mọi người xem. Nội trong tháng này sẽ phát ra.

Các hạ dùng chữ “có thể rộng lòng ban cho mấy bộ được chăng?” sao mà xem Quang hẹp lượng đến thế? Quang tính quyên góp in mấy chục vạn cuốn để lưu truyền khắp trong ngoài nước. Tuy chưa thể như nguyện, nhưng đã được sáu vạn bộ rồi. Tuy hoàn toàn giao cho người bỏ tiền ra in tự biếu tặng, nhưng cũng có hơn một vạn bộ cậy Quang biếu tặng. Các hạ đã hỏi xuất bản [hay chưa] thì được, chứ nói “có thể rộng lòng ban cho hay chăng?” thì quá khiêm hư, đâm ra coi nhẹ Ấn Quang! Quang bận bịu quá nhiều chuyện, không rảnh rang để soạn văn. Vào ngày Hai Mươi Mốt, Hai Mươi Hai sẽ sang Thượng Hải để lo liệu chuyện [ấn tống] Quán Âm Tụng và nhờ Trung Hoa [Thư Cục] sắp chữ để in một bản Văn Sao khác.

Lại còn cho sắp chữ bản tăng đính cuốn Bất Khả Lục, ước chừng trong năm nay đều có thể in ra sách. Bất Khả Lục là do một cư sĩ được Tam Bảo gia bị, chẳng dùng thuốc mà căn bệnh ngặt nghèo suốt mấy tháng được lành (do vợ ông ta cầu nguyện suốt đời ăn chay nên ngay hôm ấy liền có chuyển biến, chẳng thuốc men mà được lành); do bệnh đã lâu chưa được bình phục hoàn toàn mà đã phạm “phòng sự” (ăn nằm) liền đến nỗi mất mạng[3]. Quang nghĩ: Người đời chẳng biết kiêng kỵ đến nỗi người tử vong chẳng biết là bao nhiêu, liền phát tâm in sách này nhằm cứu giúp bọn thanh niên một cách vô hình, đạt đến bình trị khi chưa loạn, giữ yên đất nước khi còn chưa nguy. Nếu vị cư sĩ ấy biết được chuyện này sẽ trọn chẳng đến nỗi gặp phải kết quả ấy. Người ấy còn là người thành thật ưa thích điều nghĩa, chứ không phải là kẻ đớn hèn; tiếc là do chẳng biết kiêng kỵ đến nỗi mất mạng! Do vậy, người vợ hiền chí thành cầu đảo cho chồng được lành bệnh rốt cuộc trở thành ác phụ giết chồng, đều là do lúc thường ngày chẳng hiểu biết về đạo ăn nằm giữa vợ chồng nên mới đến nỗi như thế. Các hạ hành nghề Y, càng phải nên răn nhắc [bệnh nhân] về chuyện kỵ húy này để hết thảy mọi người chẳng đến nỗi lầm lạc mất mạng. Công đức ấy so với công dùng thuốc trị bệnh sẽ càng rộng lớn hơn nhiều.

Từ nay về sau, nếu không có chuyện gì khẩn yếu đừng gởi thư đến; bởi tôi ra khỏi cửa bận bịu lắm việc, không rảnh rỗi để phúc đáp được đâu! Ước chừng giữa tháng Năm tôi sẽ trở về núi, vì trong tháng Ba năm ngoái, vị Trụ Trì đã thoái ẩn của ngôi chùa tôi ở đã giao cho tôi giám đính Phổ Đà Sơn Chí (do một Nho sĩ tu chỉnh), đã cả năm rồi nhưng vẫn chưa rảnh rỗi để xem đến. Khi về núi, phải lo chuyện này trước để sách được lưu thông (Ngày Mười Bốn tháng Ba)

***

[1] Giám đính phức tạp hơn giám định. Giám đính bao gồm đính chánh những lỗi sai ngoa, kể cả ý tưởng, sửa đổi câu văn cho gãy gọn, gọt giũa, sắp xếp lại văn bản nếu cần thiết, lược bỏ những ý kiến vũ đoán, thiên chấp, tăng thêm những ý kiến, lý luận, chứng cứ để vấn đề trình bày mang tính cách thuyết phục hơn, cũng như đưa ra ý kiến quyết định nếu một vấn đề được nêu trong tác phẩm chưa rõ ràng, dứt khoát. Giám định phần nhiều là sửa sai, nhuận sắc câu văn cho gãy gọn nhưng phải đảm bảo không sai ý tác giả. Giám định thường áp dụng cho những tác phẩm của chính mình viết hoặc là do người khác sao chép lại những lời mình nói để nhằm bảo đảm người biên tập, ấn hành sao chép tuân thủ trung thành với ý tưởng của mình. Giám định đôi khi chỉ đơn giản là sửa cho đúng những chỗ sai ngoa trong những tác phẩm cổ do sao chép, khắc in để bảo đảm khôi phục đúng diện mục của các văn bản cổ. Ở đây, Tổ chỉ nêu ra những lỗi do thiếu chấm câu, chữ bị sai nét, không đúng quy cách, hoặc bị sót chữ cho cuốn Phật Pháp Yếu Luận nên chỉ gọi là “giảo đối”.

[2] Mao Thái là một loại giấy có màu ngà, hơi tối, không dày lắm, sản xuất chủ yếu tại hai tỉnh Giang Tây, Phước Kiến vào đầu thời Dân Quốc

[3] Vị cư sĩ này tên là La Tế Đồng, xin coi chi tiết trong bài “Lời tựa sách Thọ Khang Bảo Giám” (số 95) trong bộ Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 3.