Thư trả lời cư sĩ Bàng Khế Thành

Toa thuốc cai á phiện gởi kèm theo thư cực hay. Trong hai bản khắc gỗ và đúc kẽm bộ An Sĩ Toàn Thư và Văn Sao, Quang đều có đính kèm [toa thuốc này]. Lại còn gởi khắp cho những bạn bè quen biết các nơi, mong [toa thuốc ấy] được lưu truyền. Y theo toa thuốc ấy để cai nghiện, trong mười người có đến tám chín người khỏi nghiện. Những kẻ không cai nghiện được quá nửa là do thân thể người ấy trước đó đã sẵn bệnh, hễ cai hút liền đổ ra bệnh khác. Đây chẳng phải là thuốc không linh nghiệm mà là do [cơ thể] người ấy thiếu căn bản (tức không đủ mạnh để có sức chịu đựng những vật vã khi cai nghiện – chú thích của người dịch). Ấy là tánh chất đặc biệt, chứ không phải là điều phổ cập tổng quát. Sợ có một hai kẻ thấy toa thuốc không linh nghiệm bèn nói toa thuốc ấy chẳng hay, nên tôi giãi bày nguyên do. Ôi! Người nước ta mê muội đến thế, coi chất Trầm độc[1] là bổ dưỡng, nào biết nó đã khiến cho nhà tan, nước nghèo, nhân dân suy đồi, tàn phế! Chao ôi, buồn thay!

***

[1] Trầm độc: Theo truyền thuyết Trầm (鴆, còn đọc là Trấm hoặc Trậm) là một giống chim rất độc, một cái lông của nó rớt xuống nước thì cả dòng nước liền hóa độc.