Thư trả lời cư sĩ Kim Ích Bình (hai lá thư)

1) Muốn quy y Phật pháp, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, cần phải nên gắng sức trọn hết đạo luân thường. Nếu chẳng thể giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành thì căn bản đã khiếm khuyết, chẳng tương ứng với Phật, làm sao có thể được Phật rủ lòng từ tiếp dẫn hòng đới nghiệp vãng sanh? Vì vậy, phải nên hiếu với cha mẹ, kính bậc tôn trưởng, đối với anh em trai, chị em gái, vợ chồng, chủ tớ mỗi mỗi đều phải trọn hết chức trách, bổn phận của chính mình. Đối với những điều đã được đề cao đều trọn hết chức trách, bổn phận thì chính là hiền nhân, thiện nhân trong thế gian. Người hiền thiện niệm Phật sẽ dễ cảm được Phật. Muốn liễu sanh tử, chẳng thể không chú ý đến luân thường!

Lại phải nên dựa theo những gì kinh điển Tịnh Độ đã dạy để sanh lòng tin, phát nguyện, chuyên tâm niệm Phật, quyết định sanh về Tây Phương ngay trong đời này, trọn chẳng khởi tâm cầu phước báo nhân thiên trong đời sau. Phật xem hết thảy chúng sanh như con một, hãy nên kiêng giết, ăn chay, yêu tiếc sanh mạng loài vật, dùng điều này để tự hành, lại còn dạy người. Phàm trong gia đình, cha mẹ, anh em trai, chị em gái, thê thiếp, con cái, ngoài là xóm giềng, làng nước, thân thích, bằng hữu đều nên nói cho họ biết về lợi ích niệm Phật: Đời này tiêu trừ tai chướng, tăng trưởng phước thọ, mạng chung sẽ được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Gần đây thế đạo loạn đến tột cùng, phàm những ai tin Phật, niệm Phật, thường gặp dữ hóa lành. Họa hoạn hiện thời có tránh cũng không thể tránh được, có ngừa cũng không thể ngừa! Nếu có thể chí thành niệm Phật, sẽ âm thầm chẳng gặp phải tai họa! Có lợi ích to lớn như vậy, nỡ nào chẳng cho cha mẹ, anh em v.v… của ta và hàng xóm, láng giềng v.v… biết đến ư? Nhưng muốn cảm hóa người khác thì chính mình phải thật hành mới được! Nếu chính mình tuy niệm Phật, nhưng đối với chuyện giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận, suy nghĩ, xử sự phần nhiều chẳng đến nơi đến chốn, sẽ khó thể cảm thông!

Nay đặt pháp danh cho ông là Tông Thành. Tông là chủ, Thành là chân thật. Nếu đối với mỗi chuyện ông đều có thể lấy chân thành làm chủ thì lâu ngày chầy tháng ai nấy đều nhìn theo [bắt chước] nhau làm lành, đấy gọi là “thành chi sở chí, kim thạch vị khai” (lòng thành đến cùng cực, đá vàng cũng nứt), huống gì là người đồng loại ư? Hãy nên thường xem Di Đà Kinh Bạch Thoại Giải[1], Gia Ngôn Lục, Cảm Ứng Thiên Trực Giảng. Từ nhỏ đã dạy cho con cái thường đọc Cảm Ứng Thiên. Bài văn ấy mỗi ngày đọc dăm ba lượt, tối thiểu phải đọc một lần. Đọc suốt cả một đời này, lại đọc sách Trực Giảng, hành theo đó sẽ tự có thể dự vào bậc chánh nhân quân tử.

Quang già rồi, chẳng nên thường gởi thư đến nữa. Muốn xem những sách nào, hãy thỉnh từ Hoằng Hóa Xã, đừng thuận tiện gởi thư cho tôi. Ông chịu hành theo Gia Ngôn Lục, Văn Sao v.v… thì cần gì một hai bức thư nữa? Mùa Đông năm ngoái đã in ba toa thuốc cai thuốc phiện, cực linh nghiệm, còn toa thuốc trị bệnh sốt rét chẳng tốn một phân tiền mà không ai chẳng trị được lành, nay gởi kèm ba trang theo thư, xin hãy bảo với hết thảy mọi người ngõ hầu con quỷ gây bệnh sốt rét chẳng làm khó người ta nữa thì lợi ích lớn lao thay!

2) Đã biết hổ thẹn sám hối, cớ sao vẫn hành động y như cũ, ác chẳng thấy giảm, thiện chẳng thấy tăng vậy? Không có chi khác cả! Vì tâm chẳng chí thành vậy! Nếu tâm lấy chí thành làm chủ, lẽ nào biết rồi mà vẫn cố phạm? Biết mà tâm vẫn cố phạm là vì tâm thật ra chẳng có lòng thành khẩn, quyết định đổi lỗi hướng thiện mà ra! Chính ông đã muốn làm hiền nhân, thiện nhân thì tự có thể xa lìa tập khí ác. Kẻ chẳng thể xa lìa là vì tâm chẳng quyết định; nếu hời hợt, chơi vơi, chần chừ, khinh mạn sẽ khó tránh khỏi quay về đường cũ!

Từ rày, đừng gởi thư đến nữa, ông chẳng chịu chân thật khắc phục, trừ khử lòng riêng tư của chính mình, dù tôi khai thị, rốt cuộc có ích lợi chi đâu? Nếu ông chịu sốt sắng tự suy xét tội lỗi của chính mình, cần chi tôi phải nói nhiều? Nội hai chữ Tông Thành đã bao quát sạch cả rồi! Con người nếu tâm không hư ngụy, chắc chắn chẳng đến nỗi không chịu sửa lỗi hướng lành. Ví như ta thật sự biết kẻ nào muốn hại ta, dù hắn có lắm lời ngon lẽ ngọt dụ dỗ, chắc chắn chẳng để hắn gạt rồi giao phó tánh mạng của ta. Chịu bị lừa chính là kẻ chẳng biết tốt – xấu! Đã có kẻ đối đầu lớn lao liên quan đến tánh mạng, sao còn chịu để cho hắn lừa? Đấy gọi là “cầu người khác nói ra phương cách mầu nhiệm để bảo vệ thân mạng cho ông” nào có ích gì đâu? Vì thế, chẳng muốn nhiều lượt nói dông dài với ông!

***

[1] A Di Đà Kinh Bạch Thoại Giải Thích là tác phẩm của ông Hoàng Hàm Chi (tự Khánh Lan, pháp danh Trí Hải), nhằm chú thích những chữ khó trong kinh và dùng lối văn Bạch Thoại “diễn tả” ý nghĩa của những câu kinh vốn được viết bằng cổ văn để người ít thông hiểu cổ văn vẫn có thể hiểu được ý nghĩa của kinh văn. Cụ Hoàng Trí Hải viết rất nhiều cuốn Bạch Thoại Giải Thích cho các kinh Tịnh Độ.