Thư trả lời cư sĩ Kim Chấn Khanh

Mỗi người nhập đạo đều có thời tiết, nhân duyên. Ông đã do Văn Sao mà biết Phật pháp, theo đuổi tu trì, đấy chính là quy y, chẳng cần “phải làm lễ quy y thì mới là quy y”; [đừng nghĩ] không làm lễ quy y thì chẳng được gọi là quy y! Chỉ mong ông theo đuổi đến tận cùng, đừng thay đổi giữa chừng, đấy chính là “chân quy y”. Hơn nữa, cần gì phải mỗi ngày đảnh lễ Bất Huệ? Nếu thay vì lễ Bất Huệ, hãy lễ Phật thì đôi bên đều được lợi ích lớn lao!

Chuyện giấy vàng bạc tuy không phát xuất từ kinh Phật, nhưng nguồn gốc của nó đã quá lâu! Ông [Phạm] Cổ Nông tuy chẳng biết nguồn gốc, nhưng lời ông ta bàn [về chuyện đốt giấy vàng bạc] vốn thuận theo lẽ trời, tình người, há nên tự cậy thông minh, chẳng cho là đúng? Xưa kia, Quang đọc Pháp Uyển Châu Lâm, quên mất là trong quyển số mấy, có hai ba trang nói tới chuyện giấy vàng bạc (ở đây là kim ngân (giấy vàng, giấy bạc)) và đốt quần áo, vật dụng (ở đây chính là loại vải lụa [trong đồ mã]). Bài văn ấy do quan Trung Thư Lệnh[1] Sầm Văn Bổn đời Đường ghi lại cuộc vấn đáp giữa thầy ông ta và một viên quỷ quan (quan cõi âm). Hình như người ấy là Lục Nhân Thiến[2], thoạt đầu chẳng tin Phật và quỷ thần; sau này do làm bạn với viên quỷ quan ấy bèn tin tưởng, còn sai Sầm Văn Bổn bày tiệc để đãi đằng viên quan ấy và khắp những kẻ tùy tùng. Họ Lục hỏi: “Giữa cõi Âm và cõi Dương có thể dùng vật nào để trao đổi?” Viên quỷ quan nói: “Vàng, bạc, vải, lụa chúng tôi có thể dùng được; nhưng đồ thật chẳng bằng đồ giả! Nếu đem giấy trang kim dán trên giấy và dùng giấy làm the, đoạn v.v… thì sẽ có thể coi như là vàng và quần áo để sử dụng được”. Tôi đọc chuyện này vào mười mấy năm trước đây, nay chẳng nhớ ở quyển nào, thiên nào! Nếu ông đọc kỹ sẽ có thể thấy được. Lúc ấy nhằm đầu đời Tùy, vì lúc đó Sầm Văn Bổn vẫn còn đang đi học, đến đời Đường mới làm Trung Thư Lệnh.

Tánh tình ông quá tự thị. Tuy ông Cổ Nông chưa biết xuất xứ [của tập tục đốt vàng mã] nhưng lời ông ta nhận định khá phù hợp với thiên lý nhân tình, thế mà ông vẫn chẳng cho là đúng, cứ muốn người trong cả nước bỏ sạch chuyện ấy. Nếu ông thật sự đề xướng, chắc sẽ bị quỷ công kích. Trong cõi đời có kẻ ngu chẳng biết dùng vật để biểu lộ tấm lòng, chuyên đốt cho nhiều thì cũng không nên. Hãy nên dùng pháp lực, tâm lực để gia trì, khiến cho ít biến thành nhiều để thí khắp họ hàng, thân thuộc của chính mình và hết thảy cô hồn thì được, nhưng chớ nên [đem vàng mã] để cúng Phật, Bồ Tát! Há Phật, Bồ Tát thiếu thốn đồ dùng, vẫn cần được người đời cúng dường ư? Chỉ vì nếu người đời không dùng thức ăn, hương, hoa v.v… nhằm biểu lộ tấm lòng Thành, sẽ chẳng có gì để thể hiện tấm lòng Thành hòng cảm Phật, Bồ Tát. Kẻ ngu không hiểu biết, liền dùng những thứ đó để cúng Phật; nhưng luận trên phương diện nhất niệm thành tâm thì cũng có công đức. Ví như đứa trẻ cúng dường cát cho đức Phật (đây là chuyện tiền thân của vua A Dục) vẫn được hưởng báo Thiết Luân Vương[3].

Nếu kẻ ngu chẳng biết cầu sanh Tây Phương, dùng nhiều tiền tài, mua giấy vàng bạc đốt đi để gởi kho [dưới Âm Phủ] thì thật là si tâm vọng tưởng. Kẻ tục do cái tâm tự tư tự lợi muốn tính kế làm quỷ vĩnh viễn, gặp phải Tăng sĩ phàm tục chẳng cần biết đúng – sai, chỉ mong có [ai thỉnh làm] Phật sự để xoay tiền, bèn thuận theo ý của kẻ ấy mà làm! Vì thế, thật có lắm kẻ phá địa ngục, phá huyết hồ, trả tiền thọ sanh.[4] Nhưng quân tử suy nghĩ chẳng ra ngoài địa vị, chỉ nên tự giữ lý ấy và trình bày cùng người hiểu rõ lý. Nếu là kẻ cố chấp không giáo hóa được, cũng chẳng công kích đến nỗi chuốc lấy sự oán hận của người ta để rồi đối với chính mình, đối với người, đối với pháp đều không có lợi ích. Nếu ông thật sự muốn quy y, hãy nên lấy lời tôi làm chuẩn. Nếu không, dẫu đích thân đến quy y thì vẫn là hữu danh vô thực, làm sao có tình thầy trò và lợi ích quy y cho được! Xin hãy sáng suốt soi xét. Quang già rồi (nay đã bảy mươi mốt tuổi), tinh thần chẳng đủ, chớ nên thường gởi thư tới! (Ngày mồng Bốn tháng Sáu năm Dân Quốc 19 – 1930)

***

[1] Trung Thư Lệnh là một chức quan đã có từ thời Tây Hán. Thoạt đầu chức quan này chuyên đảm trách việc quản trị, sao chép, lưu giữ hồ sơ, văn kiện của hoàng đế trong cung cấm, nên chỉ do các hoạn quan (thái giám) đảm nhiệm. Đến đời Đường, Trung Thư Lệnh trở thành một chức quan rất quan trọng, ngoài trách nhiệm quản thủ công văn, chiếu chỉ của hoàng đế, còn chủ trì những cuộc thảo luận quyết định chánh sách, đồng thời đóng vai trò cố vấn về nội trị, đối ngoại cho nhà vua. Công việc của Trung Thư Lệnh do cơ quan Trung Thư Tỉnh đảm nhiệm, đứng đầu bởi Tể Tướng (chức danh Tể Tướng cũng được gọi là Trung Thư Lệnh, và để phân biệt, các quan trực thuộc Trung Thư Tỉnh dưới quyền Trung Thư Lệnh được gọi là Trung Thư Giám). Nói cách khác, Trung Thư Tỉnh giống như một hội đồng cố vấn kiêm nhiệm nội các cho Tể Tướng. Về sau, chức vụ Trung Thư Lệnh mất dần thực quyền, chỉ trở thành tước vị danh dự để gia phong cho các đại thần. Đến thời Minh – Thanh, vai trò của Trung Thư Lệnh hoàn toàn bị thay thế bởi chức vụ Nội Các Đại Học Sĩ.

Sầm Văn Bổn (595-645), tự Cảnh Nhân, người xứ Nam Dương, nổi tiếng thông minh học rộng. Năm 14 tuổi, khi cha ông ta là Sầm Chi Tượng bị vu cáo không thể biện bạch được, ông đích thân đến dinh quan Tư Lệ thân oan cho cha, biện bác lưu loát. Quan sai làm bài phú Hoa Sen, ông vung bút viết một mạch, khiến quan hết sức tán thưởng, hạ lệnh thả Sầm Chi Tượng. Cuối đời Tùy, khi Tiêu Tiễn chiếm cứ Giang Lăng, Kinh Châu, xưng vương, đã phong cho Sầm Văn Bổn giữ chức Trung Thư Thị Lang, chuyên đặc trách văn thư. Khi Lý Uyên tấn công Kinh Châu, Sầm Văn Bổn khuyên Tiêu Tiễn ra hàng. Đến khi nhà Đường thành lập, ông được phong làm Bí Thư Lang rồi thăng dần lên tới Trung Thư Lệnh (Tể Tướng). Cùng với Lệnh Hồ Đức Phân, ông soạn bộ sử Bắc Châu Thư, được coi là bộ sử rất giá trị về thời Ngũ Đại. Ông làm rất nhiều thơ. Theo phần Nghệ Văn Chí trong Tân Đường Thư, các trước tác của ông được chép thành 60 quyển, nhưng nay đã thất lạc gần hết, chỉ còn lại được hai mươi bài.

[2] Theo Thái Bình Quảng Ký và Minh Báo Ký (Pháp Uyển Châu Lâm chép truyện này theo Thái Bình Quảng Ký), Lục Nhân Thiến là người chuộng nghiên cứu Kinh học (chuyên nghiên cứu kinh điển Nho gia), không tin quỷ thần, thường muốn thử xem thật sự có quỷ thần hay không, liền theo học với một người khoe là có pháp thuật thấy được quỷ, nhưng suốt mười mấy năm vẫn chẳng thấy. Về sau, trên đường lên huyện, họ Lục gặp một vị đại quan, áo mũ rực rỡ, năm mươi mấy người tùy tùng, nhìn Nhân Thiến đăm đăm không nói năng gì. Gặp nhau mấy lần như thế trong suốt mười năm. Cuối cùng, viên quan ấy dừng ngựa hỏi thăm Lục Nhân Thiến, cho biết ông ta là quỷ, tên là Thành Cảnh, làm Trưởng Sứ cho nước Lâm Hồ thuộc phía Bắc sông Hoàng. Mỗi tháng viên quan ấy phải suất lãnh tùy tùng đi chầu nhà vua ở Thái Sơn nên mới gặp được họ Lục, nay muốn cùng nhau kết bạn. Do Lục Nhân Thiến và Sầm Chi Tượng (cha của Sầm Văn Bổn) rất thân nên ông Sầm nhờ ông Lục kèm cặp Sầm Văn Bổn. Khi ấy Sầm Văn Bổn mới mười mấy tuổi. Viên quỷ quan được Tổ Ấn Quang nhắc đến trong bức thư này chính là Thành Cảnh.

[3] Thiết Luân Vương là một trong bốn loại Luân Vương (Kim, Ngân, Đồng, Thiết). Theo Đại Tỳ Bà Sa Luận và Câu Xá Luận, Thiết Luân Vương xuất hiện khi con người thọ được hai vạn tuổi, chỉ thống trị cõi Nam Diêm Phù Đề. Trong bốn loại Luân Vương, Thiết Luân Vương công đức kém nhất, nhưng các vị Luân Vương đều chú trọng dùng Thập Thiện Nghiệp khuyến hóa nhân dân.

[4] Đây là một hình thức mê tín, xuất phát từ ngụy kinh Thọ Sanh. Theo đó, mỗi người đầu thai làm người đều nợ một món tiền nơi âm phủ. Nếu không đốt tiền, làm “pháp sự” cúng bái để trả nợ ấy sẽ suốt đời phải khốn khổ, lao đao, không ngóc đầu lên được!