Thư trả lời cư sĩ Thiệu Huệ Viên

(thư thứ nhất)

Thư nhận được đầy đủ. Ngày hôm qua, thầy Minh Đạo sang đất Thân (Thượng Hải), tôi bảo gởi cho ông một trăm sáu mươi đồng để cho xong chuyện của ông. Tuy ông quen biết Quang nhiều năm, rốt cuộc vẫn chẳng biết Quang làm người như thế nào! Vì thế, nay không thể nói đại lược cùng ông. Quang vốn là kẻ khổ não phạm hai thứ Tuyệt. “Hai thứ Tuyệt” là khi còn tại gia làm phận con tuyệt chẳng có người nối dõi, khi xuất gia làm đệ tử của người khác cũng tuyệt chẳng có người nối pháp. Đấy là hai thứ Tuyệt. Nói “khổ não” là vì những kẻ đọc sách ở quê Quang cả đời chẳng nghe đến tên Phật, chỉ biết đua nhau mù quáng vâng giữ những thuyết báng Phật của Hàn – Âu – Châu – Trình như khuôn thước; Quang càng cuồng vọng hơn họ cả trăm lần. May là năm mười mấy tuổi chán ngán vì lắm bệnh, nên sau đấy mới biết những lời người xưa nói chẳng đáng coi là khuôn phép (Quang chưa theo thầy học, từ đầu đến cuối là do anh dạy). Mấy năm trước đấy, do anh tôi ở Trường An nên chẳng có dịp thuận tiện [bỏ nhà đi tu].

Năm Quang Tự thứ bảy (1881), anh tôi [đang] ở quê nhà, Quang sống ở Trường An (nhà cách Trường An bốn trăm hai mươi dặm), bèn xuất gia tại núi Nam Ngũ Đài. Tiên sư cho rằng Quang vốn có của ăn của để, bèn nói: “Xuất gia thì được, nhưng quần áo phải tự lo”, chỉ cho Quang một cái áo tràng, một đôi giày, bất quá chỗ ở, cơm ăn chẳng cần phải trả tiền mà thôi! (Xứ ấy lạnh buốt, những thứ nấu nướng đều tự mình phải lo). Chưa đầy ba tháng, anh tôi đến tìm, muốn bắt tôi phải trở về nhà từ biệt mẹ rồi sẽ trở lại đi tu thì được. Quang biết là lừa gạt, nhưng theo nghĩa chẳng thể không về. Toàn bộ lời anh tôi nói đều là giả vờ, bởi lẽ mẹ tôi trọn chẳng bảo là được hay không được xuất gia. Ngày hôm sau, anh tôi bảo Quang: “Ai cho mày xuất gia? Mày có thể tự xuất gia được sao? Từ nay trở đi hãy buông bỏ [ý định xuất gia] đi! Nếu không, tao nhất định sẽ quở phạt nặng nề”.

Quang chỉ đành gạt anh mình, trở về nhà ở hơn tám mươi ngày chẳng tìm được cơ hội. Một ngày nọ anh cả tôi sang thăm mẹ, người anh thứ hai của tôi phải trông nom lúa đang phơi ngoài sân vì sợ gà bươi. Biết cơ hội đã đến, ở trong thư phòng, Quang xin một quẻ Quán Âm, có câu: “Cao minh cư lộc vị, lung điểu đắc đào sanh” (Cao minh giữ ngôi cả, chim lồng được thoát thân), bèn lén lấy Tăng bào (Trước kia, anh tôi muốn sửa lại cái áo ấy, Quang nói: “Muôn phần chớ nên sửa. Nếu nhà chùa phái người đến, đem nguyên vật hoàn trả thì không có chuyện gì. Nếu không, sợ bị thưa kiện, sẽ bị phiền phức chẳng nhỏ”. Vì thế, còn giữ được) và hai trăm đồng trốn đi, đến chỗ thầy tôi, vẫn sợ anh tôi lại tìm đến, chẳng dám ở lại, ngủ một đêm liền đi. Thầy tôi chỉ cho một đồng tiền ngoại quốc; khi ấy người ở Thiểm Tây còn chưa từng được thấy. Tiệm đổi tiền không nhận, tiệm nữ trang đổi cho tám trăm đồng, đấy là món tiền Quang có được từ nơi thầy.

Đến chùa Liên Hoa ở Hồ Bắc, xin nhập chúng với một nhiệm vụ khổ sở nhất (Lo than củi để đun nước sôi cho hơn bốn mươi người, ngày đêm không ngớt. Nước phải tự đi gánh, than củi cũng phải tự gánh lấy. Còn chưa thọ giới mà đã được ở [trong chùa], kể ra họ cũng từ bi lắm). Tháng Tư năm sau, thầy Phó Trụ Trì trở về [quê], Khố Đầu (vị sư coi nhà kho) bị bệnh, Hòa Thượng thấy Quang thành thật, sai trông nom nhà kho, còn tiền bạc, sổ sách, Hòa Thượng tự lo. Lúc Quang mới xuất gia, thấy câu đối: “Dương Kỳ đăng trản minh thiên cổ, Bảo Thọ sanh khương lạt vạn niên” (Ngọn đèn Dương Kỳ muôn đời sáng, gừng sống Bảo Thọ cay vạn năm) và Sa Di Luật Nghi nói về quả báo do lén dùng của cải Thường Trụ[1], lòng rất kinh sợ. Phàm mỗi khi phải sắp xếp những món có đường, tay dính nhằm hương vị của những món ấy đều chẳng dám dùng lưỡi để nếm ăn, chỉ dùng giấy lau đi mà thôi. “Ngọn đèn Dương Kỳ”: Thiền sư Dương Kỳ Phương Hội[2] làm Giám Viện trong hội của ngài Thạch Sương [Sở] Viên, ban đêm xem kinh, tự mình mua dầu riêng, chẳng dám dùng dầu của Thường Trụ một cách riêng tư. “Gừng sống Bảo Thọ”: Động Sơn Tự Bảo thiền sư (Bảo Thọ là biệt hiệu của Ngài) làm Giám Viện trong hội của ngài Ngũ Tổ Sư Giới thiền sư. Ngũ Tổ Giới bị bệnh hàn, hay dùng gừng tươi và đường đỏ nấu thành cao để thường uống. Thị giả xuống nhà kho xin hai món này, Giám Viện nói: “Vật chung của Thường Trụ há nên dùng riêng! Hãy đem tiền ra mua”. Giới thiền sư liền sai đem tiền xuống mua, rất mến mộ vị ấy. Về sau, Động Sơn thiếu người Trụ Trì, có đến xin Giới thiền sư tiến cử người Sư nhận biết, Sư Giới nói: “Gã bán gừng tươi làm được đấy”.

Trong hai trang năm mươi bốn, năm mươi lăm của quyển Trung sách Thiền Lâm Bảo Huấn có chuyện thiền sư Tuyết Phong Đông Sơn Huệ Không đáp lời Dư Tài Mậu [khi ông này tính] lên kinh đô thi Hội, đến chùa xin tiền thuê phu khiêng sách, đại ý như sau: “Ta tuy làm Trụ Trì, nhưng vẫn là một Hòa Thượng nghèo khổ. [Tiền thuê] phu khiêng vác ấy sẽ do Thường Trụ bỏ ra, hay do Huệ Không bỏ ra? Nếu do Thường Trụ bỏ ra, tức là ăn trộm của Thường Trụ. Nếu do Huệ Không bỏ ra thì Huệ Không chẳng có một vật gì. Huống chi các hạ lên kinh đô cầu công danh, chớ nên cầu nơi Tam Bảo để đến nỗi đôi bên đều mắc tội. Dẫu chùa khác có lấy đem cho thì cũng lập tức cảm ơn không nhận, ấy mới là tạo phước cho tương lai vậy!”

Trong đời gần đây, những Tăng sĩ phàm tục phần nhiều dùng tiền tài để kết giao với đồ chúng tục gia. Quang cả đời chẳng muốn kết giao, chẳng thâu đồ đệ, chẳng trụ trì chùa miếu. Từ năm Quang Tự 19 (1893) đến Phổ Đà, làm một ông Tăng nhàn nhã chỉ ăn cơm nuốt cháo (hơn ba mươi năm chưa từng giữ một chức vụ nào, chỉ theo chúng ăn một bữa cơm). Hai chữ Ấn Quang trọn chẳng dùng trong những giấy tờ viết thay cho người khác. Vì thế, được yên vui suốt hai mươi mấy năm. Về sau, do Cao Hạc Niên đem mấy bài viết vặt vãnh đăng trên Phật Học Tùng Báo, vẫn chưa dùng cái tên Ấn Quang. Đến năm Dân Quốc thứ ba, thứ năm (1914, 1916) trở đi, bị Từ Úy Như, Châu Mạnh Do hỏi dò rồi lén thu thập [những bài viết, thư từ của Quang] cho in thành Văn Sao ở kinh đô (vào năm Dân Quốc thứ bảy – 1918). Từ đấy hằng ngày đọc thư từ, đúng là chuyên bận bịu vì người khác, đến nỗi có người lầm nghe lời [kẻ khác đồn đại] xin được quy y, [Quang chấp thuận cho người ấy quy y] cũng chẳng qua là thuận theo tín tâm của người ấy mà thôi! Với kẻ giàu, Quang cũng chẳng cầu người ta bỏ tiền làm công đức thì với kẻ nghèo làm sao Quang có thể giúp đỡ lớn lao cho được?

Năm Quang Tự 12 (1886) lên kinh đô, thầy tôi cũng không cho một đồng nào. Về sau, do đạo nghiệp chẳng tiến nên chẳng dám dâng thư lên thầy. Đến năm Dân Quốc 17 (1928) thầy tôi viên tịch, nhưng các sư huynh, sư đệ mỗi người theo chí hướng riêng nên bốn mươi mấy năm qua, đối với những đồng môn xuất gia không gởi cho nhau một chữ nào, cũng như chẳng gởi cho nhau vật nào dù chỉ đáng giá một đồng! Đối với gia đình tôi thì trong năm Quang Tự 18 (1892), có một đồng hương từ kinh đô trở về quê, nhờ người ấy đích thân kính dâng lên [gia đình tôi] một bức thư. Nếu không, chẳng có cách gì gởi được! Lúc ấy chưa có bưu cục. Hơn nữa [nhà tôi] không ở nơi đường lớn (Hiện thời tuy có bưu cục, nhưng nếu không ai chuyển giùm thì cũng không cách nào gởi được). Năm sau xuống phương Nam, hoàn toàn chẳng biết tin gì nữa!

Đến năm Dân Quốc 13 (1924), một đứa cháu bên ngoại nghe người ta nói bèn đến núi thăm, mới biết gia đình đã không còn ai, [nhà cửa] do đứa cháu trong dòng họ kế thừa (Chuyện này Quang cho là may mắn, bởi lẽ mai sau không có kẻ nào vùi lấp đức hạnh của người đời trước. Dẫu có người thừa kế thì cũng chẳng phải là con cháu [trực tiếp] của cha mẹ tôi). Vì vậy, cũng không gởi thư cho họ. Kể từ thời Dân Quốc đến nay, đất Thiểm Tây bị tai nạn nặng nhất. Nếu gởi thư cho họ, lỡ họ xuống miền Nam sẽ ở vào đâu? Không sắp xếp cho họ ở đâu được! Bảo họ quay về thì phải tốn mấy chục đồng. Họ tới lui trọn chẳng có ích gì; há chẳng phải đâm ra có hại cho họ? Vì thế, năm trước để cứu trợ tai nạn cho huyện Cáp Dương, tôi chỉ gởi tiền về giao cho huyện, chẳng dám nói đến quê tôi (Thôn tôi cách huyện hơn bốn mươi dặm). Nếu nhắc tới sẽ hại chết nhiều người lắm!

Mùa Xuân năm nay, do ông Châu Tử Kiều (trong hai ba năm gần đây, ông này chuyên lo cứu trợ tại Thiểm Tây) đến đất Thân (Thượng Hải), sư Chân Đạt và ba bốn vị cư sĩ đóng góp một ngàn đồng, cậy Tử Kiều đặc biệt phái người đến cứu trợ thôn tôi. Tây thôn cũng chẳng thuộc trong đó, nhưng đối với mấy trăm nhà thì một ngàn đồng cũng chẳng có ích lớn lao cho lắm! Do vậy liền có người muốn xuống phương Nam. Một thương nhân vốn là cháu họ bên ngoại của tôi gởi thư cho Quang nói: “Có ông X… muốn xuống phương Nam thăm viếng, con nên trả lời như thế nào?” Quang nói: “Nếu ông có thể chăm sóc cho kẻ ấy khiến cho chuyện của người ta được thành tựu tốt đẹp thì hay lắm. Nếu không, hãy cực lực nói cho ông ta biết nỗi khổ của việc đi về, cũng như cái hại ‘vô ích, bị hao tổn’ ngõ hầu chẳng đến nỗi gây hại chết người cho người ta”. Chuyện ấy là do một phen hảo ý của thầy Chân Đạt nhưng chưa xét kỹ nguyên do, cũng như chẳng nói với Quang. Đến khi Quang biết thì đã xong chuyện rồi, không thể vãn hồi được!

Nghe nói mấy chục năm trước, một đại phong ông[3] ở Hồ Nam làm lễ mừng thọ, tuyên bố trước: “Sẽ cho mỗi người bốn trăm đồng”. Lúc ấy đang nhằm mùa Đông rét buốt, dân quê từ mấy chục dặm kéo đến lãnh món tiền ấy. Viên quản lý của ông ta chẳng khéo lập cách, người tụ tập đông đến mấy vạn mà cứ tà tà phát cho từng người. Những kẻ đứng đằng sau do đói quá mức liền liều mạng chen lên trước. Do vậy, có hơn hai trăm người bị đè chết do chen lấn, còn những kẻ bị thương chẳng biết là bao nhiêu! Phủ huyện phải đích thân trấn áp cho họ khỏi bạo động: [Gia đình của] mỗi người bị chết được cấp hai mươi bốn đồng, một cỗ quan tài, lãnh xác đem đi. Lão phong ông thấy mọi người đều kinh hoàng, run rẩy, hỏi ra biết chuyện, liền thở dài một hơi rồi chết luôn. Mấy bữa sau, con ông ta làm quan ở kinh đô cũng chết tại kinh thành. Do vậy, bất luận chuyện gì cũng phải đề phòng trước những điều tệ hại có thể xảy ra, chứ nào phải Quang không có lòng nghĩ tưởng tới nhà tôi, thôn tôi ư? Do sức không thể lo nổi nên chẳng thể mở ra đầu mối “chỉ có ích, không tổn hại” vậy!

Linh Nham trước kia chỉ có trên mười người, mọi người do thấy ông Diêu X… bị bệnh nên phương tiện cho ông ta sống tại đó. Chuyện ấy há nên lấy làm lệ? Chùa ấy năm nào được mùa thì hoa lợi thâu được trên dưới một ngàn đồng. Năm nào mùa màng thất thu, [hoa lợi] sẽ kém hơn. Ngoài ra, không còn một khoản thâu nhập nào khác nữa! Ba năm gần đây, do có những đồ đệ quy y biết Linh Nham là đạo tràng tu tập chân thật, thường cậy họ tổ chức Niệm Phật Thất nên đỡ hơn một chút, do vậy ở được hai ba chục người, nhưng Quang trọn chẳng cầu mong gì nơi Linh Nham. Các sư ở Linh Nham thường có thờ bài vị cha mẹ trong Niệm Phật Đường, thầy Đức Sâm là người giảo chánh sách thay cho Quang tại chùa Báo Quốc và bạn thầy ấy là sư Liễu Nhiên (hiện cũng ở chùa Báo Quốc) đều do lòng hiếu mà thờ bài vị cha mẹ họ tại Linh Nham. Quang trọn chẳng nói đến chuyện ấy. Nếu Quang nói đến (tức bảo họ thờ bài vị cha mẹ của Tổ Ấn Quang tại Niệm Phật Đường chùa Linh Nham – chú thích của người dịch) thì cố nhiên bọn họ sẽ hoan hỷ đến cùng cực. Nếu Quang có hành động như vậy tức là đã vướng vào hành vi cướp công và mang lòng riêng tư rồi[4]. Huống chi [ông và Quang] trọn chưa từng gặp mặt, chỉ vì một lá thư quy y mà ông liền có thể dưỡng lão tại đó ư? Như vậy thì những người khổ sở đã quy y với Quang đều xin Quang cho dưỡng lão [tại Linh Nham] hết! Nếu Quang có thể tự tay bỏ ra tiền bạc, thóc gạo thì cũng không phải là chẳng muốn [tạo dịp cho những người quy y dưỡng lão]. Tiếc là chẳng có đạo lực ấy nên làm sao có thể làm chuyện đại từ bi ấy cho được?

Xưa kia, ông Hoàng Huệ Phong ở Phước Kiến thường đem thơ gởi cho tôi, hơi có lòng tin mỏng manh. Quang gởi cho ông ta các thứ sách, ông ta lại xin quy y (ông này tuổi xấp xỉ tuổi Quang), về sau muốn xuất gia. Quang cực lực trình bày lợi ích do tu hành tại gia. Ông ta tự phụ là đã phát Bồ Đề tâm, chứ thật ra là cầu thanh nhàn, nhằm giảm tiền dưỡng lão cho con cháu. Quang bèn nói lời quyết liệt đến cùng cực, bảo: “Tôi ở trong chùa của người ta ba mươi năm, một thân đã cảm thấy là nhiều quá rồi. Huống chi ông lại tới nương theo tôi xuất gia! Nếu ông quyết định muốn đến thì khi ông tới tôi sẽ xuống núi ngay! Vì sao vậy? Tôi tự lo cho tôi còn không xuể, làm sao có thể lo cho ông được?” Từ đấy, ông ta vĩnh viễn không gởi thư đến nữa! Đủ biết cái “đạo tâm” trước đó chính là cái tâm cầu lợi cho con cháu, chứ không phải là thật sự có đạo tâm vậy! Ông là người khá thông minh, nhưng cũng có khuyết điểm “chẳng đem tâm mình để thấu hiểu cho tâm người khác”. Nơi phần mình thì biết là khó khăn, chứ với phần người khác lại bảo là dễ dàng!

Ông chẳng biết: So với ông, Quang còn khổ não hơn! Từ nay về sau, xin ông hãy tự lượng sức mình để làm việc. Nếu vẫn muốn Quang thay ông bỏ tiền ra thì sẽ khó khăn muôn phần như đòi mạng vậy. Vì sao thế? Quang chẳng phải chỉ quen biết một mình ông, cũng như không phải chỉ có một mình ông cầu xin Quang. Nếu chỉ có một mình ông thì phải bỏ ra dăm ba trăm đồng trong mấy năm thì cũng không ngặt nghèo cho lắm. Lại có chỗ này bị tai nạn phải cứu trợ, chỗ kia có những thiện cử (những hành động mang tính cách tốt lành), làm sao đáp ứng được? Ngay như chuyện in sách cũng chẳng thể tùy tiện bảo [Hoằng Hóa Xã] gởi đi được! Điều ấy vốn có chương trình, chắc ông đã xem qua rồi. Nếu như hễ người ta muốn liền gởi sách ngay, dẫu trong nhà sẵn có của cải mấy chục vạn cũng lo không xuể, huống là tiền do mọi người đóng góp để duy trì ư? Nếu cần, xin hãy chiếu theo giá vốn để xin thỉnh; như vậy thì sẽ được mãn nguyện. Nếu bảo: “[Hễ sách] có ích cho người mà nếu tôi cần thì phải gởi ngay”, chắc Hoằng Hóa Xã đã đóng cửa mất rồi!

Phổ Đà Chí trước kia do [chùa Pháp Vũ] thỉnh một người chẳng biết Phật pháp, chẳng tin Phật tu chỉnh; ông ta lại còn viết tiểu truyện về Quang ghép vào đó, Quang cực lực quở trách thói sai trái ấy. Về sau, do ông ta một hai chuyện đều chẳng nghe lời Quang, Quang liền hoàn toàn bỏ mặc, không hỏi tới nữa! Đến khi ông ta tu chỉnh xong, giao cho vị Trụ Trì đã nghỉ hưu của chùa Pháp Vũ, bỏ xó hơn nửa năm rồi mới cậy Quang giám định. Do Quang không rảnh rỗi, nên chậm trễ mấy năm. Vì thế, sách ấy trọn chẳng có tên tuổi của Quang vì những phần ông ta sao lục thư từ và tên của Quang đều bỏ đi chẳng giữ lại. Thỉnh người chép lại, khắc ván ấn hành, chẳng tốn của Phổ Đà một đồng nào. Người trong núi hễ thỉnh sách thì đều chiếu theo tiền giấy và công thợ in mỗi bộ là sáu cắc, tổng cộng in được ba ngàn bộ. Trừ hơn một ngàn bộ giao cho người đứng bỏ tiền in ra, chỉ còn được hơn một ngàn bộ. Quang vẫn muốn gởi tặng cho người khác.

Ông bảo Quang gởi cho ông mấy gói [Phổ Đà Chí] để tặng lại cho người khác, tâm ấy rất tốt, nhưng cũng là chưa biết tới nỗi khó khăn. Chỉ xin ông từ nay về sau luôn giữ tấm lòng “điều gì ta chẳng muốn [người khác] làm cho mình thì cũng đừng làm cho người khác”, phàm chuyện gì cũng đều đem lòng tính cho mình để nghĩ cho người khác, thì nhất định sau này ông đạt đến địa vị quang minh rạng rỡ, người lẫn thần đều vui thích vậy. Chẳng biết ông có coi loại thuốc đắng miệng này là đúng hay không? Xin hãy sáng suốt suy xét.

Hơn nữa, cuốn Giáo Hối Thiển Thuyết, vàn muôn phần chớ nên để tại Hoằng Hóa Xã, bởi chuyện này không chừng một hai năm nữa sẽ phải ngưng hoạt động. Không có quỹ bảo trợ, không có khoản tiền nhất định, thời cuộc không tốt, không ai giúp đỡ, làm sao có thể duy trì được mãi? Phật Học Thư Cục lưu hành kinh sách rộng rãi, mang tánh chất doanh nghiệp, có thể duy trì lâu dài được. Giao cho họ thì ông lẫn họ đều có lợi ích vậy!

 (thư thứ hai)

Đọc sơ qua Giáo Hối Thiển Thuyết thấy văn lý, ý nghĩa đều rất hay, chỉ có điều ở cuối sách có bốn chữ “hữu trước tác quyền” (giữ bản quyền trước tác), Quang chẳng hiểu ý nghĩa. Cũng như giá bán của mỗi bộ là một đồng hai cắc, Quang cũng không hiểu rõ lắm. Trộm nghĩ: Học trò tôi mang cái tâm “tự lập, lập người” của thánh hiền, làm chuyện tự lợi, lợi tha của Phật, Bồ Tát, soạn ra sách này chỉ mong lay tỉnh kẻ ngu muội, mê mờ, lại được bộ Tư Pháp chấp thuận cho lưu thông, nhà tù các tỉnh đều thỉnh về sử dụng, mà chẳng cho phép người khác khắc in lưu thông thì chẳng những khiến người lo toan việc công sanh lòng đau bực, hết muốn sử dụng, mà còn thật sợ rằng những phạm nhân trông thấy cũng sẽ cho rằng ông ăn nói kiểu “rao toa thật, bán thuốc giả”!

Vì sao vậy? Do dùng chuyện lợi người để làm căn cứ tự lợi! Như vậy thì tuy là [làm chuyện vì] đạo mà lại lui sụt thành chuyện kinh doanh. Quang thường nói: “Những kẻ chế ra bột ngọt và chế xà-phòng từ dầu thực vật tuy là kinh doanh nhưng đã tăng tấn nơi đạo[5]. Chẳng ngờ học trò tôi mang đại chí như vậy mà đâm ra lại kém hơn hai hạng người [chế bột ngọt và chế xà-phòng bằng dầu thực vật] ấy. Đấy là thánh hiền, Phật, Bồ Tát phụ bạc con người, hay là con người phụ rẫy thánh hiền, Phật, Bồ Tát vậy? Nếu chẳng coi lời Quang là sai, xin hãy mau sửa đổi! Lại còn soạn bài văn phát biểu để tự trách. Nếu chẳng coi là đúng, xin từ nay về sau, nếu có bàn bạc, trình bày điều gì, đừng dùng kiểu cách thầy trò giả danh nữa! Cố nhiên Quang chẳng muốn can thiệp nhiều vào chuyện của người khác! (Ngày Hai Mươi Ba tháng Mười)

(thư thứ ba)

Sách Tiểu Học Vận Ngữ[6] chính là dựa theo sách Tiểu Học mà soạn ra. Trẻ nhỏ đọc đến có thể biết được những điều đại cương chánh yếu trong Nho lễ. Lợi ích đạt được bởi sách ấy cố nhiên chẳng rộng rãi sâu xa bằng Cảm Ứng Thiên Trực Giảng. Năm Dân Quốc 18 (1929), tôi đã giảo chánh từng câu từng chữ sách [Tiểu Học Vận Ngữ] ấy, nêu ra những tiết, những đoạn mang tánh chất hủy báng Phật, nhưng vẫn chưa sửa; do bị bệnh nên bỏ đó. Năm sau đến đất Tô, liền lo sắp chữ [Lịch Sử Cảm Ứng] Thống Kỷ Tăng Tu Bản, Phổ Đà Sơn Chí và các sách nên quên khuấy luôn chuyện ấy.

Xin hãy dùng Cảm Ứng Thiên để dạy con cháu, [bảo chúng] suốt đời đọc tụng sẽ [lợi lạc] hơn đọc sách Tiểu Học Vận Ngữ nhiều lắm. Khéo sao chiều hôm qua [sách Cảm Ứng Thiên] mới gởi đến. Đối với thế đạo, nhân tâm, [sách Giáo Hối Thiển Thuyết] khá hữu ích, nhưng Quang in các sách cần khoản tiền rất lớn (Quang một mực chẳng quyên mộ, ai có tín tâm biếu tặng thì nhận, ngoài ra toàn là tiền hương kính của Quang), không sức đâu lo thêm [chuyện in Giáo Hối Thiển Thuyết]. Sách ấy (tức Cảm Ứng Thiên Trực Giảng) kẻ tục người nhã đều xem được, chỉ buồn không ai giúp đỡ in ra. Hiện thời tôi bận bịu cùng cực, đúng là vô thường sắp xảy đến, cấp bách không đợi được! Viết lời tựa [cho sách Giáo Hối Thiển Thuyết] thì đợi khi hơi rảnh rỗi sẽ gắng sức viết. Từ nay về sau bất luận là ai, bất luận chuyện gì, đều nhất loạt đừng nên giới thiệu họ nhờ vả Quang viết lách vì Quang bị ba bộ Sơn Chí bức bách chẳng thể chờ đợi được!

(thư thứ tư)

Thư nhận được đầy đủ. Pháp danh của ba người Tăng, Đinh, Bành gởi kèm theo thư này. [Pháp danh của] Âu Dương Như Tam thì đã gởi trong thư viết cho Viên Phước Cầu rồi. Quang thật khó thể giúp đỡ cho khoản tiền in cuốn Giáo Hối Thiển Thuyết được! Báo Quốc không làm ra một đồng nào, mà nhu cầu mỗi năm là một ngàn năm sáu trăm đồng! Quang một mực chẳng hướng về ai quyên mộ, cũng rất khó khăn! [Ông than] các nhà tù thôi thúc muốn có được sách [Giáo Hối Thiển Thuyết] gấp như lửa xẹt, há có phải họ đều muốn ông tặng sách cho họ đọc? Muốn được người khác tặng sách miễn phí, lẽ đâu lại thôi thúc gấp như lửa xẹt? Xin hãy hướng về các nhà từ thiện ở Thượng Hải để thương lượng. Trong những năm trước, nội chuyện quyên góp cứu trợ tai nạn cho các xứ và Thiểm Tây, Quang đã không còn đủ sức để duy trì. Do vậy, ẩn cư. Nếu có cơ nghiệp thì sẽ tìm cách, chứ Quang chỉ là một ông Tăng lẻ loi, lại còn ôm ý nguyện một mực chẳng hướng về người khác quyên mộ, cho nên không thể do đâu mà lập ra cách thức được!

(thư thứ năm)

Thư nhận được đầy đủ. Ông Tôn bị bệnh hãy bảo ông ta niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, xin gạo Đại Bi từ nơi pháp sư Đức Sâm chùa Thái Bình để nấu lấy nước uống. Nếu chí thành, ắt sẽ được lành bệnh. Mẹ ông Ngô Trạch Nam sắp mất, [người nhà] sang chùa Thái Bình thỉnh Tăng trợ niệm, được thầy Đức Sâm tặng gạo Đại Bi. Về đến nhà, mẹ đã cứng lưỡi, chẳng thể nói năng được nữa, liền cấp tốc đem nấu lấy nước, chấm vào lưỡi, mẹ liền nói được, theo đại chúng niệm Phật, lúc lâm chung lớn tiếng niệm được ba câu rồi mới qua đời. Gạo ấy dùng chú Đại Bi gia trì hơn một vạn biến. Hai pháp danh được viết trong một tờ giấy khác, lấy Một Lá Thư Trả Lời Khắp làm khai thị (Đây là khai thị châu đáo nhất).

Hai sách Tiểu Học và Nhân Phổ chính là thiện thư khuyên đời, nhưng Tiểu Học có mấy chỗ báng Phật. Những lời hay hạnh đẹp trong thế gian con người thường chẳng chú ý, chứ lời lẽ báng Phật thì mỗi một kẻ muốn làm công thần cho Danh Giáo đều toàn thân vâng nhận. Quyển Thượng sách Nhân Phổ vay mượn Phật pháp để giải thích Thái Cực Đồ[7]; những lời văn báng Phật trong quyển Thượng lẫn quyển Hạ đều có, nhưng quyển Thượng báng bổ dữ dội nhất. Trong lời tựa, trước hết dẫn chuyện Viên Liễu Phàm học Phật được cảm ứng lớn lao, tiếp đó báng bổ rằng: “Liễu Phàm là chánh nhân quân tử, há lẽ nào bị dị đoan mê hoặc? Đủ biết chuyện ấy do học trò ông ta bịa đặt ra!” Lời lẽ ấy do kẻ giảng giải chuyện chánh tâm thành ý thốt ra, thề muốn khiến cho người trong khắp cõi đời đều hiểu rằng không có sự lý nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo thì tâm mới sung sướng, ươm thành tình thế trước mắt ai nấy đều nguy ngập không chỗ nào để tránh né, đều là do thứ tri kiến ấy phát khởi vậy. Quang từng chia sách Tiểu Học Vận Ngữ, thành khoa, thành đoạn, kế đó nghĩ: “Sách này vốn giống như trong món ăn ngon quý ngầm bỏ chất Tỳ Sương, chẳng thể để cho người khác thưởng thức được! Nếm vào ắt sẽ trúng độc!” Chúng ta chẳng thể tạo lợi ích cho người khác, quyết chẳng dám do muốn lợi người mà đâm ra hại người được!

***

[1] Trong Sa Di Luật Nghi Yếu Lược do tổ Vân Thê Liên Trì biên soạn, có đoạn văn như sau: “Kinh chép: Một Sa Di ăn trộm bảy trái cây của Thường Trụ; một Sa Di khác ăn trộm mấy tấm bánh của Thường Trụ; một Sa Di khác ăn trộm một chút thạch mật của Thường Trụ đều đọa địa ngục. Vì thế kinh nói: Thà chặt tay, chẳng lấy của cải một cách sai trái!”

[2] Dương Kỳ Phương Hội (996-1049) là khai tổ phái Dương Kỳ thuộc tông Lâm Tế. Ngài vốn là pháp tự (người nối dòng pháp, xin đừng lầm với chữ pháp tử) của ngài Thạch Sương Sở Viên, thuộc đời thứ 18 tính từ tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền. Sư là người huyện Nghi Xuân, Viên Châu (Giang Tây), pháp danh là Phương Hội. Thoạt đầu làm Giám Viện cho ngài Sở Viên. Sau này đến Trụ Trì Phổ Thông Thiền Viện trên núi Dương Kỳ, chấn hưng tông phong. Sư chỉ để lại một cuốn Ngữ Lục, đệ tử nối pháp có Bạch Vân Thủ Đoan, Bảo Ninh Nhân Dũng v.v… gồm 13 người, về sau tạo thành một phái đông đảo, được gọi là phái Dương Kỳ. Phái này cùng với phái Hoàng Long và năm tông Lâm Tế, Tào Động, Quy Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn, được xưng tụng là “ngũ gia thất tông”.

[3] Đại phong ông: Người giàu có, được triều đình phong tước hiệu cao quý.

[4] Sở dĩ Tổ nói là “cướp công” vì Ngài không ở Linh Nham, không đích thân niệm Phật trong Niệm Phật Đường Linh Nham, mà cũng không cúng dường gì cho Linh Nham. Nếu đem thờ cha mẹ của mình tại đó, tức là đã khiến cho cha mẹ mình được hưởng xuông công đức của các sư tu hành niệm Phật tại đó.

[5] Tức là tuy kinh doanh nhưng lại giúp cho con người ăn chay, kiêng sát sanh nên việc kinh doanh của họ lại giúp ích rất nhiều cho đạo pháp nên được coi như là đang hành đạo.

[6] Tiểu Học Vận Ngữ là sách dành cho trẻ học vỡ lòng do La Trạch Nam (1808-1856) soạn vào đời Thanh. La Trạch Nam từng làm thầy đồ gõ đầu trẻ, cho rằng sách Tiểu Học rất có giá trị, nhưng câu chữ dài ngắn không đều, trẻ khó nhớ, nên đã trích lấy những điểm đại cương, quan trọng, soạn theo lối văn vần, mỗi câu gồm bốn chữ. Tổng cộng là 2.944 chữ, hoàn tất vào năm Hàm Phong thứ sáu (1856). Tiểu Học vốn có nghĩa là những loại học vấn không thuộc về Kinh Học (nghiên cứu ý nghĩa kinh điển Nho gia) và phạm vi rất rộng bao gồm ngôn ngữ, văn chương, cú pháp, đặc biệt là âm vận. Về sau này mới có thêm ý nghĩa là những học vấn dành cho trẻ nhỏ. Dưới đời Ung Chánh, Lưu Tử Trừng đã tập hợp những câu nói dạy về lễ nghĩa Nho Giáo của Châu Tử để soạn thành thiên sách đặt tên là Tiểu Học, với ngụ ý những điều phải học tập từ nhỏ để trở thành con người tốt đẹp.

[7] Thái Cực Đồ là một đồ hình có hình tròn (☯), được chia thành hai phần đen và trắng (tượng trưng cho Âm Dương), trong phần đen có một chấm tròn trắng, trong phần trắng có một chấm tròn đen, tượng trưng trong Âm ngầm chứa Dương, trong Dương ngầm chứa Âm. Thái Cực Đồ theo truyền thuyết được Trần Đoàn (tổ sư môn Tử Vi) vẽ theo cách diễn giải khái niệm Thái Cực trong phần Hệ Từ Truyện của kinh Dịch, được coi như cách diễn giải vũ trụ từ lúc hỗn mang (khi Âm Dương còn chưa phân ra). Thoạt đầu Thái Cực Đồ có tên là Vô Cực Đồ, sau này Châu Đôn Di đổi tên thành Thái Cực Đồ và vay mượn giáo nghĩa tánh – tướng của nhà Phật, để đặt ra cái gọi là Lý và Khí, coi đó là hai biểu hiện quan trọng của Âm và Dương.