Thư trả lời cư sĩ Dương Huệ Minh

Từ quý ấp có ông Tống và Trụ Trì chùa Cụ Giác là sư Nguyên Tràng đến núi thăm viếng, cho biết cư sĩ gảy đàn[1] trong ấp ấy, gió nhân dịu mát, cả vùng ca tụng. Quang nghe vậy khôn ngăn hoan hỷ, an ủi. Người học Phật đều phải nên dùng tâm Bồ Tát để làm chuyện thánh hiền. Huống chi ông thân làm Ấp Trưởng, làm cha mẹ của dân ư? Cư sĩ đã có thể dùng tâm Bồ Đề để cai trị bằng lòng nhân, thật đáng gọi là đệ tử chân thật của đức Phật, may mắn chi hơn? Sư Nguyên Tràng nói: “Xây cửa chùa mới, tính thỉnh cư sĩ đề một tấm biển ngạch hòng rạng rỡ pháp đạo, tăng lòng tín ngưỡng cho người khác”, cậy Quang báo cho ông biết, chắc là ông chẳng đến nỗi tiếc công múa bút vậy. Do vậy bèn kèm theo thư, trình lên ông kích thước vừa vặn nhất để khắc lên bia đá. Trên tấm biển ngạch, hoặc đề “Bất Nhị pháp môn” hoặc “đồng đăng giác lộ” (cùng lên đường giác), hoặc “nhất siêu trực nhập”, hoặc “tam giải thoát môn” (ngày mồng Một tháng Chín).

***

[1] Đây là một cách nói dựa theo điển tích “minh cầm nhi trị” (gảy đàn cai trị). Điển tích này xuất phát từ bộ Lã Thị Xuân Thu, phần Sát Hiền: “Mật Tử tiện trị Đơn Phụ, đản minh cầm, thân bất hạ đường, nhi Đơn Phụ trị” (Mật Tử bị đày về trông xứ Đơn Phụ, chỉ đánh đàn, chẳng phải ra công đường xét án mà Đơn Phụ được bình trị). Do vậy, đời sau thường dùng từ ngữ “minh cầm nhi trị” để chỉ người có đức độ, dùng lễ nhạc, đạo nghĩa cảm hóa dân. Về sau, từ ngữ này trở thành một lối nói khách sáo nhằm ca ngợi một ông quan có tài cai trị.