Thư trả lời cư sĩ Dương Điển Thần

(thư thứ nhất)

[Nhận được] thư ông từ núi chuyển đến, do tôi phải sắp đặt in bộ Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ nên hằng ngày chẳng rảnh rỗi, tất cả thư từ đều nhất loạt chẳng thể trả lời được. Các hạ đã sanh lòng tin sâu xa nơi Phật pháp và pháp môn Tịnh Độ, lẽ ra phải nên bái bậc cao minh làm thầy; còn kẻ tầm thường, hèn kém như Quang chẳng được mấy ai coi trọng, nếu thờ làm thầy sẽ thành ra bị khuất lấp, nhục nhã vậy! Tuy nhiên, đã là hữu duyên, chẳng ngại gì đãi nhau bằng tình đạo. Nay đem những sách như Văn Sao… gởi tới, để làm căn cứ “tự hành, dạy người” trong mai sau.

Lệnh lang Ấu Điển muốn tiêu diệt tai chướng, tăng trưởng phước huệ, hãy nên hằng ngày lễ bái trì niệm thánh hiệu Quán Âm, đấy chính là “tự cầu nhiều phước, phải sửa đức mình”, há nên bắt chước lệ cũ của kẻ ngu tục, đem đãy đeo vào tay [của tượng] Bồ Tát để cầu Ngài ngầm che chở ư? Hãy đối trước Bồ Tát bẩm rõ rồi đem cái đãy ấy đốt đi để sau này khỏi phải vứt bỏ.

Nếu vợ chồng các hạ và lệnh lang thường niệm Quán Âm thì tâm buộc nơi đức Quán Âm. Tâm buộc nơi đức Quán Âm sẽ tự được đức Quán Âm che chở, gia hộ, do tâm Bồ Tát và tâm chúng sanh tương thông trong từng hơi thở. Chỉ vì chúng sanh mê trái, tự hình thành chướng ngại, nên chẳng được che chở, gia hộ. Lỗi nơi chính mình, nào phải Bồ Tát có lòng thiên vị, riêng tư! Quang sẽ diệt tung tích, ẩn dật lâu dài, tất cả những vật chẳng khẩn yếu đã gác bỏ hết. Ông nói đến ảnh chụp của ông, sợ bạn bè ở Phổ Đà biết ý này nên giữ lại cũng không biết chừng! Sau này đừng đến Phổ Đà nữa, cũng chẳng thể nói rõ Quang sẽ ẩn dật tung tích ở chỗ nào để khỏi phải bị phiền nhiễu thù tiếp thư từ.

Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ do thợ in chẳng cẩn thận, khi giảo đối để làm Chỉ Bản lần thứ hai, do những chữ đã được xếp khuôn phải được lèn thật chặt, hễ có chữ nào chênh vênh, hoặc trồi lên, họ đều thuận tay cắm bừa lại, đến nỗi sai ngoa quá nhiều. Mười mấy ngày sau nữa sẽ có bản đính chánh được in ra, ông sẽ biết chi tiết! Phổ Môn Phẩm Đồ Chứng đáng để làm phương tiện khơi gợi lòng ngưỡng cầu đức Quán Âm. Văn Sao, Gia Ngôn Lục, văn tuy chất phác, vụng về, nhưng [qua những sách ấy] những điều trọng yếu để giữ thân xử thế, trị gia, trị quốc, tu chân ngay trong cõi tục, sống trong cõi trần học đạo đều có thể biết rõ. Nếu có thể thực hành thì tốt lành chi hơn? Nếu chẳng thực hành, chỉ muốn bàn nói điều huyền lẽ diệu cho trơn mồm bóng miệng thì lợi ích đạt được cũng chỉ là ăn nói lưu loát mà thôi! (Mồng Tám tháng Chạp)

(thư thứ hai)

Nhận được thư, biết Từ tâm khá sâu; vì thế chẳng tiếc nhiều tiền, hễ thấy [con vật sắp bị giết] liền mua để thả, tôi cảm kích, bội phục cùng cực. Nếu nói niệm Đa Bảo Như Lai hoặc Thất Như Lai[1], hoặc Vãng Sanh Chú, hoặc Chuẩn Đề Chú, hoặc Đại Bi Chú thì đều được, há nên tụng chú do người đời soạn ra? Quang chẳng cho như vậy là đúng lắm! Các hạ đã hiểu sâu xa Phật lý, sao vẫn nghĩ những chú văn [do người đời soạn ra] ấy là hữu ích, còn những chú do đức Phật nói đâm ra chẳng có ích gì? Đấy cũng là tập khí trong đời trước tin đạo chẳng chuyên dốc mà ra. Khi tập khí hãy còn mà chính mình chẳng biết, [chẳng hạn] như tập khí của thói quan liêu, chỉ những ai không có thói ấy mới biết! Tự mình có thói tập khí ấy dẫu người khác có nói thì chính mình vẫn chẳng nhận biết những điều đã được chỉ ra.

Người học đạo cần phải trừ tập khí. Tập khí ngạo mạn quả thật là chướng ngại cho sự nhập đạo. Các hạ hãy xét kỹ, quan sát lời nói, hành vi chắc sẽ biết được! Hễ biết thì còn có được lợi ích thù thắng. Lời lẽ này không ai chịu nói, Quang một mực lòng dạ thẳng băng, ăn nói thẳng tuột, chẳng nề hà kiêng kỵ, muốn cho các hạ thật sự được lợi ích chân thật cho nên lược thuật nguyên do.

(thư thứ ba)

Nhận được thư, biết ông hằng ngày tụng niệm tinh ròng, siêng năng, tôi mừng rỡ, an ủi không chi bằng. Ông nói đến bóng đen thì đấy chẳng phải là ảnh của Phật, Bồ Tát, cũng chẳng phải là hình ảnh của oán thân đối đầu hiện ra. Do Phật, Bồ Tát đã hiện thì ắt phải có diện mục v.v… rõ ràng có thể thấy được, còn oán thân sẽ hiện ra tướng đáng sợ. Hình ảnh ấy chính là những cô hồn có duyên với ông trong đời trước, mong được nhờ vào sức niệm Phật tụng kinh để được siêu sanh vào đường lành. Sau khi hồi hướng cho họ trong khóa tụng, ông lại chuyên hồi hướng cho họ, khiến họ tiêu trừ ác nghiệp, tăng trưởng thiện căn, cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương thì sẽ hữu ích cho họ, ngõ hầu chẳng phụ một phen khổ tâm hiện bóng ấy.

Hơn nữa, phàm là người tu hành tâm phải có chủ ý, thấy cảnh giới tốt chẳng sanh hoan hỷ, thấy cảnh giới chẳng tốt đẹp không sanh lòng kinh sợ. Làm được như thế thì những cảnh giới đã thấy đều trở thành duyên trợ đạo. Nếu không, chúng đều trở thành duyên chướng đạo. Thêm nữa, phàm là người tu hành, hãy nên lấy chí thành, cung kính làm gốc, giữ lòng từ bi khiêm tốn. Tâm giữ được, thân hành được, tuy chẳng thể hoàn toàn tương ứng với Phật, nhưng phải nỗ lực cố gắng để mong chẳng trái tâm Phật, hạnh Phật, sẽ đáng gọi là người tu hành chân thật, là đệ tử thật sự của đức Phật vậy! (Ngày Mười Chín tháng Bảy năm Mậu Thìn – 1928)

 ***

[1] Đây là danh hiệu của bảy đức Như Lai thường được xướng tụng trong khi thí thực hoặc cúng dường. Danh hiệu của bảy vị này xuất phát từ Diệm Khẩu Du Già Đà La Ni Kinh, gồm: Bảo Thắng Như Lai, Đa Bảo Như Lai, Diệu Sắc Thân Như Lai, Quảng Bác Thân Như Lai, Ly Bố Úy Như Lai, Thế Gian Quảng Đại Oai Đức Tự Tại Quang Minh Như Lai và A Di Đà Như Lai. Nhưng theo nghi thức phổ biến hiện thời, danh hiệu của bảy vị Như Lai là Bảo Thắng Như Lai, Đa Bảo Như Lai, Diệu Sắc Thân Như Lai, Quảng Bác Thân Như Lai, Ly Bố Úy Như Lai, Cam Lộ Vương Như Lai và A Di Đà Như Lai.