Thư trả lời cư sĩ Đường Đại Viên

(thư thứ nhất)

Nhận được thư, biết ông đại nguyện vô lượng, lại còn có thể tùy duyên, rất hợp thời, hợp thế. Muốn kiến lập pháp hóa trong lúc đất nước khốn đốn, nhân dân nghèo cùng mà trước hết bèn xây dựng phô trương thì sẽ tốn sức chẳng ít, sẽ khiến cho bọn tiểu nhân bắt chước thủ lợi, kẻ giàu có kiềng mặt tránh xa.

Nếu gặp hết thảy mọi người, chỉ nên dạy họ ai nấy trọn hết luân thường, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, kiêng giết, phóng sanh, ăn chay, niệm Phật thì [các tai nạn] sẽ biến mất không còn dấu vết. Do đôi bên chẳng bị trở ngại chức trách, công việc, chẳng hao tốn tiền tài, có lẽ người ta sẽ dễ tiếp nhận sự giáo hóa mà mình cũng nhẹ phần gánh vác, Phật pháp càng dễ lưu hành phổ biến hơn!

Ông phát nguyện lập trường học nơi đất trống, lập liên xã nơi đất trống, cố nhiên là đỡ tốn công, nhưng vẫn là chẳng biết tùy địa phương, tùy duyên để tạo phương tiện cho dễ thực hiện. Trên là nơi thanh miếu, minh đường[1], dưới là bến nước, bên cội cây, hễ gặp được ai có thể trò chuyện liền dùng những chuyện này để khuyên nhủ. Văn Lộ Công[2] phát nguyện “sẽ khiến cho mười vạn người niệm Phật cầu sanh Tây Phương” bèn kết Liên Xã. Tôi cho rằng: “Từ một người cho đến vô lượng người đều nên làm cho họ vãng sanh Tây Phương trong đời này, há nên lấy mười vạn người làm hạn định?”

 (thư thứ hai)

Hôm trước, nhận được thư, ông cho biết muốn trở về đất Tương (Hồ Nam), nhưng chưa biết dự định trở về vào lúc nào. Hiện thời, thế đạo nhân tâm chìm đắm đến cùng cực, nhưng bưu điện thông tin thuận tiện, một ngày đi được ngàn dặm. Thường có những gã vô lại tiểu nhân, nếu có hiềm khích với ai liền bịa đặt rêu rao, gởi truyền đơn khắp nơi và đăng trên báo chí, chỉ muốn hủy hoại danh dự của người khác, chẳng bận tâm chính mình bị tổn phước, giảm thọ, và tương lai sẽ đọa lạc trong tam đồ, hứng chịu các nỗi khổ cùng cực! Đáng thương xót quá!

Bọn chúng đã thỏa lòng ham muốn, còn những vị chánh nhân quân tử nhận phải những tờ truyền đơn hay đọc những tờ báo ấy cố nhiên hiểu rõ mười mươi gan ruột bọn chúng; nhưng đối với những kẻ phàm tục sẽ do một người lan truyền dối trá, qua tay một vạn người lan truyền thì lời đồn đãi sẽ được coi như sự thật! Chẳng riêng gì những người chân chánh trong thế gian bị coi như kẻ hết sức tầm thường, kém hèn, ngay cả những vị thánh hiền lỗi lạc thời cổ cũng bị coi như những kẻ hết sức tầm thường, kém cỏi. Do vậy mới có thuyết đề xướng Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Khởi Tín Luận v.v… là ngụy tạo. Nếu chẳng xét đúng – sai, chỉ nghĩ những gì mình được nghe đều là đúng thì kinh điển của thánh hiền trong Tam Giáo sẽ đều phải giao cho ngọn lửa hết!

Quang sanh ra vốn là kẻ ngu ngốc, vụng về, nhất loạt chẳng dự vào những chuyện kết xã lập hội. Do vì không phụ họa nên bèn oan uổng bị bọn họ vu báng, gán cho cái danh hiệu đẹp đẽ là “đệ nhất ma vương”, còn ngài Đế Nhàn là đệ nhị, Phạm Cổ Nông là đệ tam. [Những lời vu báng ấy] do Mã Nhất Phù[3] là gã tội phạm đầu sỏ phá hoại Phật pháp đệ nhất, truyền đơn của hắn dài đến ba ngàn mấy chữ, chắc là ông đã sớm từng đọc qua rồi! Quang một là không có môn đình, hai là không quyến thuộc, ba là không làm một chuyện gì. Dẫu bị gieo lời vu báng lệch trời, cũng chẳng được – mất gì, mà còn nhờ vào đó sẽ tiêu được tội nghiệp, tăng trưởng thiện căn. Chẳng những không bị phá hoại mà còn được hưởng lợi ích. Nhưng những vị như Đế Nhàn, Cổ Nông là các bậc hoằng pháp hiện thời, kẻ chẳng biết đạo lý vừa trông thấy những thứ ngôn luận ấy, sẽ tưởng là chân thật rồi lui sụt lòng tin, tăng các khẩu nghiệp thì đúng là đáng thương đến cùng cực! Do vậy, hễ trông thấy truyền đơn, bài viết trên báo chí, chớ nên vừa đọc liền tưởng là thật rồi viết vào sách đến nỗi xoay vần truyền bá khiến cho cả mình lẫn người đều bị tổn hại.

(thư thứ ba)

Hôm trước, tôi đến chỗ một người bạn, thấy lá thư của ông gởi cho Đại Hưu được đăng trong báo Hải Triều Âm số ra thứ tư trong năm thứ năm khiến cho người khác kinh ngạc, than thở khôn cùng! Đấy là những lời lẽ vu báng hẹp hòi, thù hằn của kẻ tiểu nhân, nhưng thói đời bạc bẽo, ưa phô bày cái xấu của kẻ khác, liền trở thành [hiện tượng] “một con chó sủa xuông, vạn con chó sẽ sủa theo”. Nào ngờ ông chẳng suy xét, cho sao lục những lời xướng họa ấy đăng trên Hải Triều Âm, sao khỏi khiến cho người có đủ chánh nhãn bảo tri kiến của ông chẳng khác lũ phàm tục, chẳng xét thị phi, chỉ dựa theo lời đồn đãi để làm căn cứ phán định ư?

Chuyện đã như vậy thì lời vu báng của Nhất Phù đối với Quang, đối với ngài Đế Nhàn và Cổ Nông cũng sẽ có cơ sở! Như vậy thì trước đây hắn ta bảo Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Khởi Tín v.v… là ngụy tạo cũng sẽ có căn cứ! Nếu không, thì như Hàn Thoái Chi[4] tuy được gọi là nhà viết sử, nhưng thuật sự thiện – ác của người khác không đúng sự thật, nếu chẳng mắc nhân họa thì cũng bị trời giáng tai ương. Ông phát đại Bồ Đề tâm, muốn độ hết chúng sanh, nhưng lầm lẫn truyền tụng lời lẽ vu báng người khác ấy trên tờ Hải Triều Âm, há chẳng làm ô nhục tiếng tăm của tờ Hải Triều Âm cũng như gây tổn thương cho cái tâm Bồ Đề của ông hay sao? Do ông lầm lẫn coi Quang là thầy nên chẳng thể không khuyên răn, khích lệ. Nếu chẳng nghĩ là đúng thì xin hãy tuyệt giao ngay!

***

[1] Theo ý nghĩa nguyên thủy, Minh Đường (明堂) là một dinh thự để thiên tử nhà Châu hội kiến chư hầu và cử hành tế lễ, cũng như tuyên cáo chánh sách. Minh Đường đã có từ thời Hoàng Đế, nhưng không có quy định kiến trúc rõ rệt. Đến nhà Hạ gọi là Thế Thất (世室), nhà Thương gọi là Trùng Ốc (重屋) , đến nhà Châu mới gọi là Minh Đường, và từ đây Minh Đường mới mang chức năng của một trung tâm tôn giáo, nghị luận chánh sự và giáo hóa (nhưng đến cuối đời Châu, Minh Đường chỉ còn dùng vào mục đích tế lễ). Thoạt đầu chỉ ở kinh đô mới có Minh Đường, nhưng sau này, Minh Đường được xây dựng ở bất cứ một địa phương nào khi cần thiết. Chẳng hạn khi Hán Vũ Đế dự định làm lễ Phong Thiền ở Thái Sơn đã cho xây Minh Đường tại đấy. Và từ đó, mô hình kiến trúc của Minh Đường cũng tuân thủ theo một quy cách chặt chẽ hơn: Một tòa đại điện trên tròn dưới vuông, có nước vây quanh bốn phía. Riêng trong đoạn văn này, minh đường lẫn thanh miếu chỉ là những từ ngữ phiếm chỉ các cơ sở thờ tự hay hội họp trong vùng.

[2] Văn Lộ Công chính là Văn Ngạn Bác (1006-1997), tự là Khoan Phu, hiệu Y Tẩu, người xứ Giới Hư, Phần Châu (nay thuộc thành phố Giới Hưu, tỉnh Sơn Tây), là một vị Tể Tướng trải suốt bốn đời vua nhà Tống (Nhân Tông, Anh Tông, Thần Tông, Triết Tông), tước phong là Lộ Quốc Công, nên thường được gọi là Văn Lộ Công. Ông được người đời coi là một vị Tể Tướng hiền năng, có công giữ yên đất nước, đánh thắng Tây Hạ, chuyên cần chánh sự, tiết kiệm, nhân từ, giảm tô thuế. Đến già ông mới quy hướng Phật pháp. Lời thề nguyền trên đây được phát ra khi ông xướng suất lập Liên Xã.

[3] Mã Nhất Phù (1883-1967) vốn tên là Phù, tự Nhất Phù, hiệu Trạm Ông, về già lấy hiệu là Quyên Tẩu và Quyên Hý lão nhân. Được coi là một bậc thầy lừng danh về Quốc Học, đồng thời là một thư pháp gia, triện khắc gia, cũng như là người đứng đầu về học phái Tân Nho. Họ Mã quê ở huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, năm lên sáu tuổi đã đỗ đầu kỳ Hương Thí tại Thiệu Hưng. Năm 1903 sang Mỹ du học, theo đuổi ngành văn chương Âu Châu. Sau đó, ông từng du học Đức quốc và Nhật Bản để nghiên cứu triết học Tây Phương, đặc biệt sùng bái cuốn Tư Bản Luận của Karl Marx. Năm 1911, trở về nước, tham gia Quốc Dân Đảng, trở thành một trong những đồng chí thân cận của Tôn Văn, rồi chuyển sang gia nhập đảng Cộng Sản. Sau khi quân Nhật bị đánh đuổi khỏi Trung Hoa, ông ta dạy học tại đại học Chiết Giang, làm đại biểu Quốc Hội tại Hoa Lục. Kể từ năm 1964, ông đảm nhiệm chức Quán Trưởng Trung Anh Văn Quán. Ông trước tác rất nhiều, viết về Phật học với những quan điểm quá khích, sùng bái những lý luận triết học của Tây Phương cũng như đề cao Tống Nho gần như mù quáng, đến nỗi tuy mang tiếng là xiển dương, nghiên cứu Phật học nhưng gần như triệt hạ Đại Thừa, coi những kinh luận trọng yếu trong Phật giáo Đại Thừa như Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Khởi Tín v.v… đều là do người Trung Hoa ngụy tạo. Điều đáng ngạc nhiên là tuy đả phá, giải thích Phật học, Nho Học theo lối lập luận khiên cưỡng, máy móc, một chiều, đầy thiên kiến, ông ta vẫn được đề cao là “Nho – Thích – Triết nhất đại tông sư” tại Hoa Lục.

[4] Thoái Chi là tên tự của Hàn Dũ (768-824). Hàn Dũ là một văn gia lỗi lạc cuối đời Đường. Họ Hàn mang tư tưởng chống đối đạo Phật, khi viết về những nhân vật hữu danh tin tưởng Phật giáo đương thời thường xuyên tạc họ như những kẻ mê tín, dị đoan.