THÍCH TỊNH ĐỘ
QUẦN NGHI LUẬN

(Giải Thích Những Nghi Vấn Tịnh Độ)
Pháp sư Hoài Cảm soạn
Thích Pháp Chánh dịch

 

Phần VIII: Sự khởi nghiệp của hành giả vãng sanh.

1. Tịnh độ nhuận sanh.

Hỏi: Căn cứ vào Luận Câu Xá, có chín loại mạng chung và thọ sanh: (1) chết ở cõi Dục, sanh ở cõi Dục; (2) chết ở cõi Dục, sanh ở cõi Sắc; (3) chết ở cõi Dục, sanh ở cõi Vô sắc, v.v…, cho đến (9) lúc sắp chết ở cõi này sắp sanh ở cõi kia, khởi phiền não nhuận sanh ở cõi kia. Hiện nay, vãng sanh Cực Lạc thì khởi phiền não nào để nhuận sanh? (61)

Đáp: Có hai cách giải thích: (1) Nếu chưa lìa lòng dục của cõi Dục mà vãng sanh Tây Phương, thì khởi tâm ái cõi Dục mà nhuận sanh; nếu đã lìa lòng dục của cõi Dục được định cõi Sắc mà vãng sanh, thì khởi tâm ái cõi Sắc mà nhuận sanh; nếu đã lìa tâm ái của cõi Sắc được định cõi Sắc, những người thoái chuyển sẽ khởi phiền não cõi Dục cõi Sắc mà nhuận sanh; những người không thoái chuyển ắt sẽ không vãng sanh Tịnh độ, bởi vì những người này cho rằng Tịnh độ thuộc về cõi Dục hoặc cõi Sắc. Có người cho rằng cõi Tịnh độ tuy không thuộc về cõi Dục hoặc cõi Sắc, nhưng là cõi có hình tướng, hành giả tuy đắc được định và xa lìa phiền não của cõi Sắc, cũng không thể vãng sanh cõi Tịnh độ có hình tướng. (2) Có người giải thích rằng hành giã vãng sanh Tịnh độ, lúc sắp mạng chung, Phật A Di Đà đến tiếp dẫn, dùng lòng từ bi gia hộ, khiến cho tâm hành giả không còn điên đảo. Nếu khởi phiền não thì gọi là điên đảo. Thế nhưng muốn thọ sanh thì phải cần đến phiền não. Hành giả vãng sanh Tịnh độ dùng chủng tử phiền não để nhuận sanh. Hỏi: Các bậc thánh hữu học mới có thể bàn đến dùng chủng tử phiền não để nhuận sanh, còn các hành giả vãng sanh vẫn còn là phàm phu thì làm sao bàn đến vấn đề dùng chủng tử để nhuận sanh? Đáp: Nếu căn cứ vào việc thọ sanh ở cõi uế, phàm phu chỉ có thể dùng phiền não hiện hành để nhuận sanh, bởi vì phiền não của họ mãnh liệt, khi mạng chung hầu hết đều điên đảo. Còn các hành giả vãng sanh Cực Lạc đều nhờ vào sự gia trì của Đức Phật A Di Đà, tâm không điên đảo, phiền não không sanh khởi, không thể so sánh với các trường hợp thọ sanh bình thường ở cõi uế. Tuy trong kinh không bàn đến điều này, chúng ta suy ngẫm ý nghĩa có thể suy đoán ra. Nhưng nếu cho rằng các hành giả vãng sanh vẫn còn sanh khởi phiền não thì cũng không phải là sai lầm.

2. Duyên sanh có không.

Hỏi: Hành giả vãng sanh bị nhiếp trong mười hai chi của tam giới, không biết phần vị duyên sinh ở cõi Tịnh độ bị nhiếp trong pháp nào? (62)

Đáp: Có hai cách giải thích. (1) Cõi Tịnh độ bị nhiếp trong tam giới: Những hành giả vãng sanh chưa dứt phiền não, chi vô minh và hành thuộc về cõi Dục, các chi thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ cũng thuộc về cõi Dục. Các chi ái, thủ và hữu đã thuộc về cõi Dục, chả lẽ các chi sinh, lão, tử lại không thuộc về cõi Dục hay sao? Nếu hành giả đã xa lìa tâm dục của cõi Dục, đắc được tâm cõi Sắc, thì mười hai chi đều thuộc về cõi Sắc. (2) Cõi Tịnh độ không bị nhiếp trong tam giới: Như phần trên đã giải thích. Mười hai chi là căn cứ vào tam giới mà nói, cho nên đối với cõi Tịnh độ không phân biệt mười hai chi. Hơn nữa, mười hai chi này, ngay trong cõi uế còn chưa nhiếp hết tất cả mọi pháp, chẳng hạn như chỉ có biệt định nghiệp mới thọ biệt báo quả, điều này không thuộc vào mười hai chi. Cho nên biết rằng phần vị duyên sanh không nhiếp tất cả các pháp.

3. Phiền não không khởi.

Hỏi: Nếu các hành giả vãng sanh Tịnh độ không khởi ác nghiệp có phải là không khởi phiền não hay chăng? Các Bồ tát Sơ địa vẫn còn các phiền não phá giới vi tế, Bồ tát Tam địa vẫn còn sanh khởi ngã chấp, Bồ tát Thất địa trở xuống vẫn còn có tâm thương Phật, thương Pháp. Làm thế nào các hành giả vãng sanh Cực Lạc vẫn còn là phàm phu mà có thể không sanh khởi các phiền não ác? (63)

Đáp: Các phàm phu vãng sanh Cực lạc tuy vẫn còn đầy phiền não, do vì không gặp ác cảnh, thành thử cũng không ngại gì khi cho rằng họ không sanh khởi phiền não. Chẳng hạn, đối với mười nghiệp ác, chúng sanh địa ngục chỉ sanh khởi năm nghiệp ác là tham, sân, tà kiến (si), ác khẩu và ỷ ngữ. Địa ngục thuộc về ba đường ác mà còn có thể ngăn năm nghiệp ác (sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói đâm thọc) không cho hiện hành, huống chi cõi Tịnh độ mà lại không có năng lực ngăn các ác nghiệp không cho sanh khởi hay sao?

4. Phiền não câu sanh sinh khởi.

Hỏi: Chúng sanh Cực Lạc không còn khởi tất cả phiền não, hay vẫn còn sanh khởi phiền não hữu phú vô ký? (64)

Đáp: Những phàm phu cõi Tịnh độ vẫn còn sanh khởi câu sanh (mê lý) phiền não, bởi vì họ chưa thể ngộ được diệu lý sâu xa của chân như thực tướng; tuy thế, họ không còn sanh khởi phân biệt (mê sự) phiền não. Trong luận nói rằng phân biệt ngã kiến là do tin vào tà giáo mà phát sanh, trên cõi Cực lạc không có tà kiến cho nên phân biệt phiền não không còn hiện khởi. Ngã kiến là gốc của phiền não, hiện nay không sanh khởi ngã kiến cho nên cũng không còn sanh khởi phiền não. Còn câu sanh phiền não, vì không nương vào tà giáo để sanh khởi, cho nên dù có sanh khởi cũng không ngại gì. Luận Đối Pháp cho rằng câu sanh phiền não tùy tiện sanh khởi, nếu phát khởi ác hành thì là một loại bất thiện pháp, còn ở cõi Cực Lạc, tuy câu sanh phiền não sanh khởi, nhưng lại không phát khởi ác hành, cho nên phiền não sanh ra thuộc về loại hữu phú vô ký. Trong kinh không nói đến “bất thiện”, cũng không nói đến “hữu phú”, mà chỉ nói “không có bất thiện”, nhưng đây cũng không có nghĩa là không khởi phiền não. Vả lại, “thương Phật thương Pháp” cũng là một loại phiền não pháp chấp.

5. Vãng sanh bất thoái.

Hỏi: Kinh A Di Đà cho rằng những chúng sanh vãng sanh Cực Lạc đều là bậc A bệ bạt trí, hoặc cho rằng họ toàn là chánh định tụ, không có tà định tụ hoặc bất định tụ, thế nhưng, giai vị A bệ bạt trí không phải là phàm phu, còn chánh định tụ là những bậc đã chứng thánh quả. Hiện nay, lẽ nào những phàm phu vãng sanh Tịnh độ lại là thánh nhân. Chả lẽ bọn họ trong khoảnh khắc vượt quá a tăng kỳ kiếp để trở thành Bồ tát Sơ địa. Vả lại, các phàm phu còn thoái chuyển, vãng sanh Tịnh độ không thể lập tức trở thành A bệ bạt trí, hoặc giả, những kẻ thuộc tà định tụ và bất định tụ không thể trong khoảnh khắc trở thành chánh định tụ. Nếu bọn họ không chứng đắc A bệ bạt trí thì trái ngược với ý nghĩa của Kinh Quán Vô Lượng Thọ, còn nếu chứng đắc thì lại trái ngược ý nghĩa của các kinh luận khác. Hai ý nghĩa trên mâu thuẫn nhau. Xin giải thích nghi vấn này. (65)

Đáp: Hai ý nghĩa vừa nêu quả thật có sự mâu thuẫn. Thế nhưng, cõi uế cõi tịnh cùng căn cơ của người vãng sanh đã có sự sai khác, cho nên mới có sự phán định về sự bất đồng giữa chánh định tụ và tà định tụ, hoặc sự cao thấp của các giai vị a bệ bạt trí, v.v… Hơn nữa, cõi Ta Bà ô trược, thánh ít phàm nhiều, tin ít nghi nhiều, những hành giả căn cơ hành trì cạn cợt thường gặp nghịch duyên, hoặc bị gió tà lay động, đều bị thoái chuyển. Các kinh luận nói có bốn loại thoái chuyển: (1) tín thoái, (2) vị thoái, (3) chứng thoái, và (4) hành thoái. Tín thoái, nghĩa là trong mười giai vị của Thập tín, năm giai vị đầu do vì thoái chuyển nên sanh khởi tà kiến, đoạn thiện căn, v.v…, còn năm giai vị sau thì không như thế. Vị thoái, nghĩa là trong mười giai vị của Thập trụ, sáu giai vị đầu còn bị thoái chuyển trở thành Nhị thừa (Thanh văn, Bích chi phật), bốn giai vị sau thì không còn vấn đề đó. Chứng thoái, nghĩa là các vị Bồ tát Tam hiền (chưa lên Thập địa) đối với giai vị đã chứng đắc vẫn còn có sự thoái thất, các Bồ tát Thập địa thì không như thế. Hành thoái, nghĩa là các Bồ tát từ Thất địa trở xuống, đối với sự nghe pháp hành trì vẫn còn sanh tâm khiếp sợ, không thể tu học, không thể trong mỗi niệm đều tu tập công hạnh thù thắng, đôi lúc còn khởi lên các phiền não hữu lậu, sanh tâm chấp ngã chấp pháp, v.v… Các Bồ tát Bát địa trở lên đã vào a tăng kỳ thứ ba thì không còn bốn loại thoái chuyển này, trong mỗi công hạnh đều tu tập đầy đủ tất cả công hạnh, trong mỗi thời khắc niệm niệm liên tục thường quán vô lậu nhân không pháp không, không hề có một niệm sanh khởi tâm hữu lậu thiện ác vô ký. Các vị Bồ tát Bát địa trở lên đầy đủ bốn sự bất thoái cho nên gọi là Bồ tát A bệ bạt trí, còn các vị Bồ tát từ Thất địa trở xuống vì không đầy đủ bốn sự bất thoái cho nên không được gọi là A bệ bạt trí.

Từ một phương diện khác mà nói, Bồ tát Sơ địa (Hoan hỷ địa) bước vào a tăng kỳ thứ hai, tham dự vào dòng thánh (tương đương với Sơ quả), đoạn trừ hai chướng phân biệt về kiến đạo, chứng đắc “biến mãn chân như” và bách pháp minh môn, đầy đủ hai loại chứng bất thoái và hành bất thoái, cũng được gọi là bậc A bệ bạt trí. Từ đây lên đến bậc Bồ tát Thất địa vẫn còn hai chướng “thương Phật, thương Pháp” hiện tiền, đôi khi vẫn còn hiện khởi tâm ý hữu lậu, v.v…, chưa chứng được hành bất thoái, cũng có thể gọi là chưa chứng giai vị A bệ bạt trí, nhưng vì đã chứng đắc một phần bất thoái nên cũng vẫn được gọi là Bồ tát A bệ bạt trí. Các kinh như Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp, v.v…, cho rằng Bồ tát đệ lục trụ (chánh tâm trụ) vẫn còn có thể thoái thất tâm Vô thượng Bồ đề để trở thành Nhị thừa, chẳng hạn như trường hợp ngài Xá Lợi Phất, v.v… Các bậc Thập trụ trở lên chỉ còn ba loại: vị thoái, chứng thoái và hành thoái, mà không còn tín thoái, và do vì chứng được một phần bất thoái nên cũng được gọi là A bệ bạt trí. Nếu y vào Luận Đại Thừa Khởi Tín, v.v…, từ Sơ Phát tâm trụ trở lên đều gọi là Vị bất thoái. Các Bồ tát Thập tín được gọi là ngoại phàm, cũng gọi là phàm phu lông nhẹ, giống như sợi lông nhẹ bị gió thổi bay tứ phía, cho nên có sự thoái chuyển. Bồ tát Thập trụ không còn là lông nhẹ nữa, bởi vì thiện căn đã vững chắc, không còn bị gió tà lay chuyển, nhập vào giai vị nội phàm, không còn vị thoái cho nên gọi là Bồ tát A bệ bạt trí. Ở cõi Ta Bà trược ác này, các Bồ tát Thập tín bị gió tà lay chuyển, thoái thất Bồ đề tâm, thoái thất Bồ tát hạnh, trôi lăn ba đường ác nên không được gọi là A bệ bạt trí. Ở cõi Tịnh độ, các Bồ tát từ Sơ tín đến Ngũ tín, và tất cả chúng sanh chưa lên giai vị Thập tín, lòng tin tuy chưa vững chắc, giống như lông nhẹ, nhưng vì không có gió tà lay động khiến họ thoái thất tâm Bồ đề, tạo các nghiệp nặng, trôi lăn nẻo ác; hơn nữa, cõi Tịnh độ không có những cơ duyên làm thoái chuyển, mà chỉ có nhân duyên thù thắng khiến đạo nghiệp tăng tiến, cho nên các Bồ tát này tuy chưa nhập giai vị A bệ bạt trí nhưng cũng được gọi là A bệ bạt trí. Trong các giai vị thoái pháp, tư pháp, hộ pháp, trụ pháp, và kham đạt pháp, các hàng thánh nhân hữu học vô học, nếu là bậc độn căn, đều có thể gọi là thoái chuyển. Nếu sinh trong loài người, gặp đủ năm thoái duyên, nghĩa là bệnh lâu, đi xa, giải quyết tranh tụng, việc tăng sự, tập tụng, thì dù đã đắc thánh đạo, đã đoạn trừ phiền não, gặp những thoái duyên này, cũng có thể thoái chuyển, sanh khởi phiền não. Nếu sanh trên cõi trời, không có năm thoái duyên này, dù chưa đạt đến

“bất động tánh”, nhưng do thiếu thoái duyên, nên cũng không bị thoái chuyển, hoặc sanh khởi phiền não. Trên phương diện thể tánh, các vị này tuy khác với các bậc đã chứng được bất động tánh, nhưng trên phương diện “bất thoái tu hoặc”, thì cũng không khác gì các bậc đã chứng bất động tánh. Trường hợp ở đây cũng tương tự như vậy, các hành giả vãng sanh Tịnh độ, không gặp thoái duyên, tuy họ chỉ là các Bồ tát thập tín giả danh, v.v…, đều được gọi là A bệ bạt trí. Ở trong cõi uế, các bậc Noãn, Đỉnh của Tiểu thừa, hoặc các bậc Thập tín, v.v…, của Đại thừa, do vì căn tánh bất định, nếu gặp ác duyên, có thể bị thoái chuyển, tạo nghiệp ngũ nghịch, nhập vào tà định tụ. Tà, có nghĩa là bị thọ quả báo trong ba đường ác. Định, nghĩa là nhân của nghiệp ngũ nghịch. Nếu có người tạo nhân ngũ nghịch, chắc chắn sẽ bị đọa thẳng vào ba đường ác, cho nên gọi là tà định tụ. Nếu họ gặp nhân duyên thù thắng, tu đạo, sẽ được gia nhập giai vị bất thoái chuyển, gọi là chánh định tụ. Chánh, nghĩa là chứng quả Niết bàn, lìa sự trói buộc. Định, nghĩa là vô lậu thánh đạo, nhân, pháp đều không. Tu đắc thánh đạo, nhất định sẽ chứng Niết bàn chánh quả, ly hệ (lìa sự trói buộc) trạch diệt, gọi là chánh định tụ, ngoài ra đều gọi là bất định tụ, bởi vì còn có thể tạo tà định tụ, hoặc có thể tu chánh định tụ. Vì chưa dứt khoát bên nào nên gọi là bất định tụ. Ba loại chúng sanh này, số lượng không nhất định, nên gọi là tụ. Hiện nay vãng sanh Tây Phương, không còn ác duyên, hoặc giả có người đời trước tuy đã tạo nghiệp vô gián, nhập tà định tụ, hiện nay giai vị tuy thấp kém (hạ phẩm hạ sanh), nhưng toàn gặp thắng duyên, mỗi niệm đều tiến tu Đại thừa thánh đạo, quyết định không còn thoái chuyển, cho nên được gọi là chánh định tụ. Ở cõi Cực Lạc, không phải trường hợp nào cũng giống như hoàn cảnh bị thoái chuyển ở cõi Ta Bà, cho nên không thể phán định A bệ bạt trí và chánh định tụ ở cõi Cực Lạc cũng giống như trường hợp Ta Bà. Nên biết, có sự khác biệt giữa hai cõi Ta Bà và Cực Lạc về vấn đề thoái duyên và bất thoái duyên, cho nên hành giả ở cõi này (Ta Bà), dù không ở giai vị A bệ bạt trí, không phải chánh định tụ, nhưng sau khi vãng sanh về cõi kia (Cực Lạc) thì đều được gọi là A bệ bạt trí và chánh định tụ, là vì ở cõi Cực lạc không có thoái duyên và những hành giả đó quyết định không còn tạo tà định tụ.

6. Sự vui khác biệt giữa cõi tịnh và cõi uế.

Hỏi: Kinh Pháp Hoa nói: “Ham vui thành ngu si”, lại nói: “ham mê sự vui thế gian không có trí tuệ”; hơn nữa, kinh cũng dạy rằng: “nếu không nhàm chán sự khổ thì sẽ không ham cầu Niết bàn, nếu không ham cầu Niết bàn tức là ham mê sanh tử.” Nếu vậy, sự vãng sanh Tịnh độ đi ngược với những lời dạy vừa nêu trên, và hai điều này trở thành một sự chướng ngại cho sự tu hành: một là ham mê thú vui thế gian, không có tâm mong cầu xuất thế; hai là không có tâm nhàm chán sự khổ, tức là không thể chứng đắc quả Niết bàn. Đây là điều tổn hại, tại sao lại cầu vãng sanh? (66)

Đáp: Câu hỏi này không xác đáng. Ngũ dục ở cõi uế tăng trưởng tâm tham, gây tạo mười nghiệp ác, khiến chúng sanh đọa vào đường ác, cho nên kinh mới dạy rằng “ham vui thành ngu si.” Các cõi Tịnh độ tuy cũng có sự vui, nhưng đây là tùy thuận tâm xuất thế vô lậu, nghĩa là vui pháp Đại thừa, vui thiền định tam muội, v.v…, chứ không phải là những sự vui ô nhiễm, cho nên có thể chuyển đổi tâm phàm khiến hành giả tăng tiến trên đường đạo. Kinh Xưng Tán Tịnh độ nói: “Ở cõi Cực Lạc, ngày đêm thường rải các loại hoa trời vi diệu, sáng rỡ thơm tho, sắc hương mềm mại, tuy khiến mọi người thân tâm sảng khoái, nhưng không khởi tâm tham luyến, mà lại tăng trưởng vô lượng vô số những công đức không thể nghĩ bàn.” Lại nói: “Vui pháp Đại thừa, không hề thoái chuyển, vô lượng hạnh nguyện, niệm niệm tăng tiến, khiến mau chứng Vô thượng Bồ đề, v.v…” Vả lại, những hành giả vãng sanh đều là những người đã nhàm chán cõi Ta bà uế trược, mong muốn chứng đắc quả Niết bàn, cho nên mới cầu nguyện vãng sanh, hành Bồ tát hạnh. Các hành giả này đều có ý nhàm lìa sanh tử, ưa thích Niết bàn, hơn nữa lại tinh tiến dụng công, đâu cần phải mang thân bịnh khổ mới khởi tâm mong cầu tịch diệt. Hơn nữa, mong cầu Niết bàn đâu phải chỉ có tâm nhàm chán sanh tử, mà có thể là do nghe được công đức chư Phật không thể nghĩ bàn, hoặc nghe các pháp Ba la mật hoặc các đạo phẩm, hoặc quán sát các vị Đại Bồ tát du hý thần thông, hoặc ngửi diệu hương, hoặc ăn món thượng diệu, đều có thể giúp cho hành giả tăng tiến đạo nghiệp, ưa thích Niết bàn. Nên biết rằng nhàm chán sanh tử, mong cầu Niết bàn không phải chỉ có một phương cách, không nên cả quyết rằng chỉ có nhàm chán sự khổ mới có thể khởi tâm mong cầu giải thoát.

7. Siêu thánh không khổ.

Hỏi: Trong luận cho rằng nếu trong đời quá khứ tạo tội nặng thì dù có tu các phương tiện thù thắng, nhẫn đến đã chứng đắc thánh quả, cũng vẫn phải thọ quả báo định nghiệp của đời quá khứ, như trường hợp ngài A la hán Ly Việt, v.v… Hiện nay các hành giả đã tạo đủ các tội nặng, được vãng sanh Tịnh độ Tây Phương, nhưng chưa chứng được thánh quả, như vậy là họ sẽ phải thọ khổ hay không thọ khổ. Nếu như thọ khổ thì kinh không nên nói “chỉ hưởng thọ sự vui, không còn các khổ”, còn nếu không thọ khổ thì những người vãng sanh đó chưa từng khởi lên một niệm tu tập thánh đạo, làm thế nào đã tạo tội nặng mà lại vĩnh viễn không còn thọ khổ? (67)

Đáp: Ý nghĩa này không nhất định, không thể quả quyết một cách võ đoán. Những kẻ thọ khổ là người ở cõi uế trược, dù đã chứng quả thánh, nhưng thân của họ vẫn là thân nghiệp báo, mang thân nghiệp báo cho nên lãnh thọ quả báo khổ. Còn những hành giả vãng sanh Tịnh độ, mặc dù họ còn là phàm phu đầy đủ phiền não, tuy chưa chứng quả thánh, chưa bằng các bậc thánh nhân, nhưng một khi vãng sanh, được thân thanh tịnh thù thắng, thấy Phật, nghe pháp, tu hành pháp Đại thừa, và nhờ nương vào bổn nguyện của Phật A Di Đà cho nên họ có thể siêu vượt các bậc thánh ở cõi uế trược mà không phải lãnh thọ khổ báo. Ví như bậc thoái pháp chủng tánh, tuy không sánh bằng bậc tư pháp chủng tánh, nhưng bậc tư pháp chủng tánh nếu sanh vào trong cõi người, nơi có đầy đủ năm thoái duyên, vẫn có thể bị thoái chuyển, còn bậc thoái pháp chủng tánh, nếu sanh lên cõi trời, nơi không có năm thoái duyên, các vị này căn cơ tuy  thấp kém, căn tánh tuy hạ liệt, nhưng lại không thoái chuyển. Cho nên biết rằng không phải vì căn tánh hạ liệt ở cõi Tịnh mà vẫn thoái, hoặc vì căn tánh thù thắng ở cõi uế mà không thoái. Trường hợp ở đây cũng tương tự như vậy. Tuy chứng đắc thánh quả, sanh vào cõi uế vẫn thọ khổ báo, còn như sanh cõi Tịnh, tuy là phàm phu, nhưng lại không phải lãnh thọ ác báo. Do sức mạnh thiện duyên gia trì nên không thọ khổ báo, ví như vua A Xà Thế nhất định không bị thọ khổ báo.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13