THÍCH TỊNH ĐỘ
QUẦN NGHI LUẬN

(Giải Thích Những Nghi Vấn Tịnh Độ)
Pháp sư Hoài Cảm soạn
Thích Pháp Chánh dịch

Phần II. Phàm phu có thể vãng sanh Tịnh độ hữu tướng.

1. Truy cầu hữu tướng.

Hỏi: Kinh Đại Phẩm Bát Nhã, v.v…, giảng về nội không, ngoại không, nội ngoại không, v.v…, hiện nay, Tịnh độ là ngoại không, chúng sanh là nội không, nếu thế, có chúng sanh nào là năng sanh (người vãng sanh), có Tịnh độ nào là sở sanh (cõi để vãng sanh)? Hơn nữa, Kinh Duy Ma Cật nói: “Các cõi Phật đều là không. Hỏi: Lấy gì làm không? Đáp: Lấy không làm không. Hỏi: Bồ tát quán chúng sanh thế nào? Đáp: Giống như quán sát đại thứ năm, ấm thứ sáu, tình thứ bảy, nhập thứ mười ba, giới thứ mười chín, 1v.v…” Kinh Pháp Hoa nói: “Các pháp vốn xưa nay, thường là tướng tịch diệt.” Kinh Kim Cương Bát Nhã nói: “Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật tức là không trang nghiêm cõi Phật.” Lại nói: “Thực sự không có chúng sanh chứng đắc diệt độ.” Những kinh luận Đại thừa cứu cánh liễu nghĩa như vậy đều cho rằng các pháp là không tịch. Hiện nay lại nói có cõi Tịnh độ Tây Phương là chỗ vãng sanh, có chúng sanh là những kẻ vãng sanh. Khuyên mọi người chấp tướng tu hành, y vào kinh điển không liễu nghĩa. Đây là do không hiểu rõ ý nghĩa thâm sâu của chư Phật, chấp vào tướng có, không thể gọi là học tập pháp Đại thừa! (19)

Đáp: Tôi đối với giáo nghĩa Đại thừa Tánh không, cứu cánh liễu nghĩa, cảm thấy rất kính ngưỡng, không dám phỉ báng. Đây là con đường duy nhất rốt ráo đưa chúng sanh xuất ly hai loại sanh tử, đoạn trừ nhân chấp pháp chấp, chứng đắc Đại niết bàn. Chỉ có con đường này mà không có con đường thứ hai nào khác. Thế nhưng, đối với các vị Bồ tát bậc thấp, cùng các hàng Thanh văn, phàm phu đang tu tập Bồ đề hạnh, mong cầu Phật quả, nhưng chưa chứng Vô sanh pháp nhẫn, chưa ra khỏi luân hồi, không phải không có nhiều pháp môn phương tiện khác để tu học hầu xuất ly sanh tử! Tại sao lại đem những kinh điển Đại thừa giảng về Tất Cánh Không để phá hoại pháp tướng, và cho đó mới là lời dạy chân thật của Phật?

Hiện nay, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, v.v…, nói về cõi Tây Phương Cực Lạc, khuyên hành giả vãng sanh về đó. Đây cũng là lời dạy chân thật của Phật, tại sao lại đem kinh điển Tánh không ra chất vấn kinh điển Tịnh độ? Tin pháp này bỏ pháp kia, lẽ nào có lý này! Vả lại, Đức Phật giảng pháp, không lìa nhị đế, một là tục đế, hai là chân đế. Tục đế là các pháp do nhân duyên sanh, y tha khởi tánh, không thực sự hiện hữu, nhưng có vẻ như hiện hữu. Còn chân đế là pháp chân thật vô tướng, viên thành thật tánh, do các bậc thánh nội chứng, hiện hữu chân thật. Thế nhưng, hai đế này không phải một không phải khác. Nếu dùng chân đế hàm nhiếp tục đế, thì tục đế tức là chân đế, nghĩa là bổn tánh của tất cả các pháp đều là tịch diệt. Nếu dùng tục đế hàm nhiếp chân đế, thì thấy rằng tất cả các pháp do nhân duyên hội hợp mà hiện hữu, do nhân duyên ly tán mà hoại diệt, muôn pháp hiện tiền, không thể nói là không hiện hữu.

Đức Phật, hoặc là phá sự chấp tướng của chúng sanh để họ tỏ ngộ vô tướng, trừ diệt sự chấp trước vào nhân và pháp, đoạn trừ kiến hoặc và tư hoặc, cho nên đã giảng chân đế, nói tất cả các pháp đều là Không; hoặc là muốn cho chúng sanh bỏ phàm thành thánh, bỏ ác tu thiện, cầu sanh Tịnh độ, nhàm chán cõi uế, thì ngài nói vô lượng pháp môn, nhân quả sai khác, hai bậc thánh phàm, hai cõi tịnh uế. Hiện nay, Đức Phật muốn chúng sanh bỏ cõi uế sanh cõi tịnh, bỏ thân phàm nhập thân thánh, cho nên ngài mới giảng nói vô lượng pháp môn, đều là để thành tựu Phật pháp, lợi ích chúng sanh. Đây là phương tiện giáo hóa thiện xảo, thích nghi căn cơ của chúng sanh. Do đây mới có hai pháp môn Không và Hữu. Không thể chỉ đọc kinh điển giảng về Đệ nhất nghĩa đế, Tất cánh không, rồi cho rằng giáo pháp Tịnh độ, nhân quả, v.v…, không phải là lời dạy chân thật của Phật, không phải là giáo pháp rốt ráo, rồi sanh tâm hủy báng nghi ngờ. Hơn nữa, cũng không thể chỉ đọc các kinh điển giảng nói nhân quả, không tin vào lời Phật dạy về Bát Nhã Ba La Mật thâm sâu, tất cả các pháp không tịch, vô tướng, rồi bài bác, hủy báng. Đây chính là đối với kinh điển Đại thừa, Tam tạng thánh giáo, vừa khen vừa chê, vừa tin vừa nghi, vừa tu thiện pháp, vừa tạo tội nặng. Lòng tin không đầy đủ thì gọi là nhất xiển đề. Như trong Kinh Địa Tạng Thập Luân có nói rõ về các tội trạng này, cho nên hành giả phải sanh lòng tin đối với những lời Phật dạy, khéo léo dung hợp hai tông Không và Hữu. Kinh Duy Ma Cật nói:

Khéo léo phân biệt các pháp tướng
Đối Đệ nhất nghĩa không dao động.

“Khéo léo phân biệt các pháp tướng”, đây là y vào Tục đế mà nói. “Đối Đệ nhất nghĩa không dao động”, đây là y vào Đệ nhất nghĩa đế mà nói. Lại nói:

Các pháp chẳng “có”, cũng chẳng “không”
Do nhân duyên, các pháp sanh khởi.

“Chẳng có chẳng không”, đây là Đệ nhất nghĩa đế, lìa bỏ bốn trường hợp “có, không, không có không không, vừa có vừa không.” “Các pháp sanh khởi”, đây là Thế tục đế, các pháp từ những nhân duyên thế gian, xuất thế gian mà phát sanh.

Lại nói: “Tuy quán sát các cõi Phật là tịch diệt, là không, nhưng rốt ráo không đọa vào hàng Nhị thừa. Đây là hạnh của Bồ tát, tuy thành tựu tất cả các pháp, nhưng xa lìa các pháp tướng.”

“Thành tựu tất cả các pháp”, đây là Thế tục đế. “Xa lìa các pháp tướng”, đây là Đệ nhất nghĩa đế vô tướng.

Lại nói: “Tuy biết rằng cõi Phật và chúng sanh đều là không tịch, nhưng thường tu hạnh Tịnh độ, giáo hóa chúng sanh.”

Câu “cõi Phật và chúng sanh đều là không tịch” là Đệ nhất nghĩa đế, câu “tu hạnh Tịnh độ, giáo hóa chúng sanh” là Thế tục đế.

Kinh Đại Phẩm Bát Nhã, v.v…, nói về nội không, ngoại không, v.v…, đây là Đệ nhất nghĩa đế, lại nói về sự thanh tịnh cõi Phật, giáo hóa chúng sanh, đây là Thế tục đế. Như vậy, rất nhiều kinh điển Đại thừa giảng nói pháp môn Tất cánh không tịch, cũng đều nói về sự thanh tịnh cõi Phật, giáo hóa chúng sanh. Phải nên đọc kinh văn cẩn thận đầy đủ, hiểu trước hiểu sau, dung hội ý nghĩa để đoạn trừ sự nửa tin nửa ngờ, sau đó giảng nói cho người khác, đừng nên vừa khen vừa chê. Đây là vừa lợi cho mình vừa lợi cho người, khiến cho tất cả đều được giải thoát mọi sự khổ não. Chớ nên mắc vào lỗi không chịu học tập cẩn thận, nhìn thấy nghĩa kinh khác biệt, do lòng tin yếu ớt, sanh tâm hủy báng, tự mình đọa lạc, lại còn làm cho những người nghe tạo thành nghiệp nhất xiển đề. Đây là tự hại mình lại còn hại người khác!  Các kinh Giải Thâm Mật, Lăng Già, cùng các luận Du Già Sư Địa, Nhiếp Đại Thừa, Duy Thức, v.v…, nói về ba tánh và ba vô tánh: viên thành thật tánh, y tha khởi tánh, và biến kế sở chấp tánh. Viên thành thật tánh ly tướng chân thật, y tha khởi tánh không hiện hữu mà hình như hiện hữu, biến kế sở chấp tánh, chấp là có nhưng thực sự không có, chẳng hạn như lông rùa, sừng thỏ, v.v… Hiện nay, giáo pháp Tịnh độ là y vào y tha khởi tánh, các pháp do nhân duyên sanh, không hiện hữu mà hình như hiện hữu, có pháp nhân quả rõ ràng. Còn như ông thì căn cứ giáo lý viên thành thật tánh vô tướng, dựa vào những đoạn kinh đả phá biến kế sở chấp tánh, cho tất cả là không, rồi lại không tin vào giáo pháp nói về nhân duyên y tha khởi tánh. Đây là những người không tin nhân quả, nói các pháp có tướng đoạn diệt. Cho nên trong kinh có nói: “Thà khởi ‘ngã kiến’ lớn như Tu Di, không khởi ‘không kiến’ nhỏ như hạt cải.” Đây là lời khuyến cáo chân thành.

Lại nữa, nói Không nói Hữu đều là tùy thuận thế tục, Đệ nhất nghĩa đế chẳng phải Không, chẳng phải Hữu. Cho nên nói “các cõi Tịnh độ đều là không” cũng là tùy thuận thế tục, khiến cho người nghe thâm nhập Phật pháp. Đâu có gì là đúng là sai!

2. Sự lý của sự cầu sanh.

Hỏi: Cõi Tịnh độ Cực Lạc không có sự trược ác. Một khi đã vãng sanh về đó thì được thoát ly sanh tử, vĩnh viễn không đọa vào ba đường ác, không còn bị khổ “ngũ thiêu”, đều được nhập vào chánh định, chứng đắc A bệ bạt trí. Kinh Vô Lượng Thọ nói cảnh giới Cực Lạc gần như cảnh giới Niết bàn. Nếu vậy, các phàm phu tội chướng, chấp trước vào công đức tu hành không thể vãng sanh. Phải y vào kinh điển Đại thừa, và các bộ luận Trung Quán, Bách Luận, v.v…, học tập thấu suốt các pháp “vô sở đắc”, thì mới có thể vãng sanh Tịnh độ. Hiện nay lại khuyên mọi người y vào Kinh Quán Vô Lượng Thọ, v.v…, tu mười sáu pháp quán, nào cây báu, ao báu, v.v…, cùng sắc thân tướng hảo của Phật, Bồ tát, hoặc xưng danh hiệu, trụ tâm vào cảnh tướng, đây chẳng phải là có tâm sở đắc, chấp trước cảnh tướng, trở thành “bệnh hoạn” hay sao? Nếu đã có “bệnh”, khó mà thoát khỏi luân hồi, làm sao vãng sanh Tịnh độ? (20)

Đáp: Nếu có thể quán tất cả các pháp tất cánh không tịch, không có năng quán sở quán, xa lìa sự phân biệt và không phân biệt, quán sát như vậy, được vãng sanh Tây Phương, đều là hành giả bậc thượng. Như trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Bậc thượng phẩm vãng sanh đối với Đệ nhất nghĩa đế tâm không kinh động. Người này lúc lâm chung, Đức Phật A Di Đà và các thánh chúng đến tiếp dẫn, khen rằng: ‘Lành thay, pháp tử! Vì ông hiểu thấu Đệ nhất nghĩa đế, cho nên ta đến tiếp dẫn.’ Người đó mạng chung, liền được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Đức Vô Lượng Thọ.”

Thế nhưng, phàm phu công sự đa đoan, không thể học rộng kinh điển Đại thừa, quán đệ nhất nghĩa đế và pháp vô sở đắc. Hành giả phàm phu, hoặc trì giới thanh tịnh, hiếu dưỡng cha mẹ, cung kính phụng sự sư trưởng, hoặc tu hành thập thiện, hoặc chuyên tâm niệm Phật, tuy chấp trước vào công hạnh, nhưng công đức tu hành vẫn thù thắng không thể nghĩ bàn, đều được vãng sanh Tịnh độ. Đâu có thể nói rằng chỉ có một pháp vô sở đắc mới được vãng sanh, mà không tin sự tu tập ba phước, mười sáu pháp quán, v.v…, cũng được vãng sanh Tịnh độ.

Hơn nữa, “tâm chấp công đức” thông cả ba tánh. Nghiệp thiện hoặc ác đều chiêu cảm quả báo. Hiện nay, ba phước, v.v… đều là nghiệp thiện. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói ba phước này là nghiệp thiện chánh nhân [cho sự vãng sanh Tịnh độ] của chư Phật ba đời. Đã là nghiệp thiện lẽ nào không chiêu cảm quả báo Tịnh độ! Cớ sao ông lại cho rằng chỉ có thể dùng tâm vô sở đắc để vãng sanh Tịnh độ, còn tâm có sở đắc thì không được vãng sanh? Ông có kinh điển nào làm chứng cứ hay không? Nếu không có kinh điển làm chứng, thì ông dựa vào đâu mà phát ngôn như vậy?

Hiện nay, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, v.v…, nói rõ rằng tu tập ba phước, mười sáu pháp quán, v.v…, là nghiệp hữu tướng, sẽ được vãng sanh. Ý nghĩa của kinh rõ ràng như vậy, không thể phỉ báng. Ông lẽ nào không tin vào lời dạy của Phật, tự mình nông nổi, cho rằng nếu tâm có sở đắc thì không được vãng sanh!

Tâm có sở đắc là tánh thiện. Phước đức thù thắng có thể diệt trừ nghiệp ác nặng của cõi Ta Bà, khiến hành giả được vãng sanh Tịnh độ. Chẳng hạn như pháp Quán đất nói: “Tu pháp quán này, diệt trừ được tám mươi ức kiếp tội nặng sanh tử, sau khi mạng chung, ắt sẽ vãng sanh Tịnh độ, tâm được vô ngại.” Đây chẳng phải là tu pháp quán hữu tướng được vãng sanh Tây Phương hay sao? Nếu không tin những lời dạy như vậy, sẽ mắc vào tội không tin lời Phật. Kinh Quán Vô Lượng Thọ lại nói: “Do xưng niệm danh hiệu Phật, mỗi niệm diệt trừ tám mươi ức kiếp tội chướng, được vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc.” Những lời kinh vừa dẫn chứng, không phải chỉ có một. Ông không thể bác bỏ những lời Phật vừa dạy mà cho rằng tâm có sở đắc không được vãng sanh, mà chỉ có tâm vô sở đắc mới được vãng sanh.

Vả lại, những hành giả vãng sanh, có phàm có thánh, hoặc Đại thừa, hoặc Tiểu thừa, hoặc định tâm hoặc tán tâm, hoặc căn tánh thông lợi, hoặc căn tánh ám độn, hoặc tu lâu hoặc tu mau, hoặc tu nhiều hoặc tu ít, tất cả đều được vãng sanh. Cho nên kinh mới nói có ba bậc, chín phẩm khác nhau, thời gian hoa nở dài ngắn không đồng. Nếu biết rằng sự vãng sanh có phẩm loại sai biệt, sự tu nhân có sâu cạn không đồng, thì không thể cho rằng chỉ có tâm vô sở đắc mới được vãng sanh, còn tâm có sở đắc thì không được vãng sanh, bởi vì hành giả vãng sanh không phải chỉ có bậc thánh mà còn có cả phàm phu.

Hơn nữa, các cõi Tịnh độ có sự, có lý, có cõi thọ dụng, có cõi biến hóa, cho nên tu nhân Tịnh độ cũng có nhiều giai bậc khác nhau. Tu nhân vô tướng thì vãng sanh lý Tịnh độ, tu nhân hữu tướng thì vãng sanh sự Tịnh độ, tu nhân vô lậu thì vãng sanh cõi thực báo, tu nhân hữu lậu thì vãng sanh cõi biến hóa. Cõi Phật có bổn (gốc) có mạt (ngọn), tu nhân cũng có cao có thấp.

Không phải chỉ có một nhân “vô tướng” mới được vãng sanh Tịnh độ!

3. Thế đế vãng sanh.

Hỏi: Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc là do tâm quá khứ vãng sanh, tâm hiện tại vãng sanh, hay tâm vị lai vãng sanh? Nếu tâm quá khứ vãng sanh, tâm quá khứ đã diệt, không thể vãng sanh; nếu tâm vị lai vãng sanh, tâm vị lai chưa đến, làm sao vãng sanh; nếu tâm hiện tại vãng sanh, tâm hiện tại niệm niệm không trụ nơi nào, làm sao vãng sanh? Như vậy, trong ba thời quá khứ, vị lai, hiện tại, tìm tâm không thấy, tại sao hiện nay lại khuyên vãng sanh Tây Phương Cực Lạc? (21)

Đáp: Dùng thời gian suy luận, ba thời đã diệt (quá khứ), chưa sanh (vị lại) và hiện tại không dừng trụ, thì không có sự sanh chân thật, giống như ngọn đèn, không phải ngọn lửa quá khứ đang cháy, vì đã diệt mất, không phải ngọn lửa vị lại đang cháy, vì chưa sanh khởi, cũng không phải ngọn lửa hiện tại đang cháy, vì không ngừng nghỉ, mà cũng không phải là không cháy, bởi vì ngọn lửa đang trừ khử bóng tối, phát ra ánh sáng, niệm niệm tương tục, giống như dòng nước, thay đổi không ngừng, liên miên không dứt. Trong mọi thời điểm, [lửa] có bốn công dụng: trừ diệt bóng tối, phát ra ánh sáng, tỏa ra sức nóng và đốt cháy tim đèn. Ở đây cũng tương tự, do nghiệp vãng sanh Tịnh độ đã chín muồi, Thánh chúng đến nghinh tiếp, đưa về Tịnh độ, xả bỏ thân nhơ uế cõi Ta Bà, được thân thanh tịnh cõi Cực Lạc. Duyên sanh ba đời, không thường không đoạn. Tuy các pháp vốn tịch diệt, nhưng nghiệp báo rõ ràng. Các pháp vốn vô sanh, nhưng sanh tử tương tục. Không phá hoại thế tục mà kiến lập Đệ nhất nghĩa đế. Đây là ý nghĩa muốn trình bày.

Trong Kinh Duy Ma Cật, ngài Duy Ma Cật hỏi ngài Xá Lợi Phất: “Nếu các pháp không có tướng sanh diệt, tại sao ngài lại hỏi tôi là chết ở nơi đâu, sanh đến chốn này?” Đoạn này thuyết minh các pháp tịch tĩnh không đến không đi, cho nên nói không sanh diệt. Đoạn sau nói có thế giới tên là Diệu Hỷ, Đức Phật hiệu là Vô Động, đấy là cõi mà ngài Duy Ma Cật thị hiện diệt độ để sanh đến cõi Ta Bà. Ngài Duy Ma Cật nói: “Diệt là pháp có tướng bại hoại hư dối, sanh là pháp có tướng tương tục hư dối.” Đây là pháp thế tục giả danh, không phải tướng sanh diệt chân thật. Trong pháp Đệ nhất nghĩa, suy luận ba đời, rốt ráo không có ý nghĩa vãng sanh. Hiện nay khuyên xả ly cõi Ta Bà uế trược, vãng sanh cõi Cực Lạc, đây chỉ là pháp Thế tục đế, giả danh sanh diệt, nhưng không phải không có sự xả ly cõi Ta Bà để vãng sanh cõi Cực Lạc. Ông lẽ nào chỉ bàn lý Đệ nhất nghĩa đế mà phá hoại tác dụng nhân quả của Thế tục đế. Hiện nay, y vào môn nhân quả của Thế tục đế mà khuyến khích sự vãng sanh Tịnh độ.

4. Quán sắc không tà.

Hỏi: Kinh Kim Cương Bát Nhã nói:

Nếu dùng sắc thấy Phật
Dùng âm thanh cầu Phật            
Người đó hành tà đạo
Không thể thấy Như Lai.

Lại nói: “Xa lìa tất cả các tướng gọi là chư Phật.” Tại sao hiện nay dùng pháp quán Phật hữu tướng, hành tà đạo mà cầu vãng sanh? (22)

Đáp: Các kinh Kim Cương Bát Nhã, Quán Vô Lượng Thọ đều là lời dạy của Phật. Quán vô tướng, quán hữu tướng đều không phải là chỗ phàm phu có thể luận bàn tà chánh, mà có ý nghĩa rất sâu xa. Không thể y vào Kinh Kim Cương Bát Nhã mà chỉ trích Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Ông không những ôm trong lòng sự khen chê, tự thành tội nặng, mà kiến giải Phật pháp của ông cũng chưa được dung thông. Vì sao? Hai bộ kinh này vì hành giả căn cơ khác biệt, học tập không đồng, kiến giải sai khác mà giảng nói khác nhau.

(a) Do hành giả căn cơ khác biệt: Những người căn cơ nông cạn chưa thể quán lý, cho nên dạy họ quán sắc [tướng], quán báo thân, hóa thân Phật. Những người căn cơ thâm sâu có thể quán thực tướng, cho nên dạy họ quán vô tướng, quán pháp thân. Nếu người căn cơ thấp học pháp cao, thì pháp cao không lợi ích, như trong kinh nói có người uống Cam lộ mà vẫn chết yểu. Còn người căn cơ cao mà học pháp thấp, thì pháp tu đã không tiến bộ mà còn thụt lùi. Cho nên Đức Phật nói pháp khác nhau cho hai loại căn cơ khác nhau.

(b) Do sự học tập không đồng: Những người sơ học mới vào đạo, quán hạnh nông cạn, chưa thể học pháp cao, không thể dạy họ quán thực tướng. Trước tiên dạy họ quán sắc tướng, điều luyện tâm thức, sau khi thành tựu, thì mới dạy họ pháp quán vô tướng. Ví như vào biển lớn, từ chỗ nông đến chỗ sâu. Những người tu tập lâu năm mới có thể dạy họ pháp quán vô tướng. Đức Phật muốn những hành giả sơ học không bị vướng mắc vào sắc tướng, cho nên chê đó là “tà”, chứ không có ý nghĩa đó là tà kiến. Ví như có người keo kiết học pháp Bố thí ba la mật. Sau khi trừ diệt san tham, đang bị kẹt vào pháp bố thí, Đức Phật muốn họ tiến tu pháp Trì giới ba la mật, nếu như ngài không chê pháp bố thí, thì hành giả đó không thể nào thăng tiến tu học pháp trì giới. Cho nên Đức Phật mới chê bai pháp bố thí, khen ngợi pháp trì giới. Đây là Đức Đại Thánh tùy vào căn cơ mà thuyết pháp. Những người ngu muội, chấp vào mặt chữ, không hiểu ý nghĩa chân thật mà Phật muốn nói. Hiện nay, Đức Phật chê bai pháp quán hữu tướng là tà đạo, ý nghĩa cũng tương tự như vậy.

(c) Do kiến giải sai khác: Nếu hiểu rõ ý nghĩa “sắc tức là không”, thì sự quán sắc không phải là tà. Nếu cho rằng “sắc không phải không”, thì sự quán sắc là tà. Nếu hiểu “không tức là sắc”, thì sự quán không không phải là tà. Nếu cho rằng “không khác với sắc”, thì sự quán không là tà. Đây là do không hiểu rõ ý nghĩa “sắc không”, nên tự phân tốt xấu. Đâu có liên quan gì đến “sắc không” mà biện biệt chánh tà. Nếu ông hiểu rõ ý nghĩa này thì dù quán sắc cả ngày cũng là chánh, còn như mê muội bổn ý của Phật, thì dù quán không cũng là tà. Lành thay diệu chỉ của Phật, ông phải nên khéo léo suy ngẫm!

5. Phật đến không đến.
a. Sự khác biệt giữa đến và không đến.

Hỏi: Kinh Kim Cương Bát Nhã nói: “Như Lai không từ nơi nào đến, cũng không đi về đâu, cho nên gọi là Như Lai.” Kinh Duy Ma Cật nói: “Tôi quán Như Lai, niệm trước không đến, niệm sau không đi, hiện tại không trụ.” Ngài Văn Thù Sư Lợi nói: 

Không trụ cũng không đi
Không thủ cũng không xả
Xa lìa nơi sáu nhập
Kính lạy vô sở quán.

Theo lời dạy của các kinh Đại thừa này, Đức Phật không đến cũng không đi. Hiện nay, do nhân duyên nào mà Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói có Hóa Phật nghinh tiếp, hành giả theo Phật vãng sanh. Có đi có đến, trái ngược với các kinh vừa nêu trên. (23)

Đáp: Diệu lý sâu xa, thực tướng bình đẳng, pháp thân Như Lai vốn không sanh diệt, dùng bổn nguyện lớn, vô hạn đại bi, tiếp dẫn chúng sanh. Từ chân thân biến hiện hóa thân, đến khắp mười phương tiếp dẫn chúng sanh chín phẩm. Vì hóa thân tức là chân thân, không có sự tới lui, tùy căn cơ chúng sanh mà ứng hiện, nên có sự tới lui. Kinh Kim Cương Bát Nhã căn cứ vào “hóa thân tức là chân thân” nên nói không tới lui, còn Kinh Quán Vô Lượng Thọ căn cứ vào “chân thân biến hiện hóa thân” nên nói có sự tới lui.

Có người giải thích rằng thực sự không có Phật từ Tây Phương đến cõi này nghinh tiếp, cũng không có Phật tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh Tịnh độ, mà chỉ là lực tăng thượng duyên phát xuất từ chủng tử công đức bổn nguyện từ bi của Phật, khiến cho các chúng sanh có duyên với ngài, tu các công đức niệm Phật, ba phước, mười sáu pháp quán để làm nhân duyên vãng sanh, tự tâm họ biến hiện Đức A Di Đà đến tiếp dẫn và hành giả theo Phật vãng sanh Tịnh độ. Nói Đức Phật đến nghinh tiếp, không phải thực sự nghinh tiếp, mà chỉ là chủng tử công đức của Phật và của hành giả hòa hợp sanh khởi đồng thời, khiến cho hành giả thấy Hóa Phật đến nghinh tiếp, cho nên nói là đến, thực sự không có đến. Công đức bi nguyện của Đức A Di Đà trạm nhiên thường tịch, không đến không đi. Tâm thức chúng sanh nương vào uy lực công đức bổn nguyện thù thắng của ngài, tự tâm của họ biến hiện, thấy có sự đến đi, thấy có sự tiếp dẫn vãng sanh. Đó là tướng phần của tự tâm biến hiện, không liên quan gì đến Phật. Kinh Kim Cương Bát Nhã nói không đến không đi là căn cứ vào công đức của Phật, Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói có đến có đi là căn cứ vào tâm tướng của chúng sanh.

Lại có người giải thích rằng nếu căn cơ chúng sanh thích hợp, Đức Phật cảm ứng, bèn biến hiện hóa Phật, đến khắp mười phương tiếp dẫn vãng sanh. Thế nhưng, Hóa Phật giống như ngọc như ý, như trống trời, không tác ý mà vẫn thành tựu sự việc. Đối với sự tới lui mà nói không tới không lui, đây là căn cứ vào chân thân mà nói, như phần trên đã bàn qua. Hoặc căn cứ vào sự sanh diệt, niệm niệm không trụ, vừa sanh khởi là diệt tận, không thể di động. Sanh khởi ngay đó, diệt tận ngay đó. Sanh khởi nơi khác, diệt tận nơi khác, tương tự tương tục, tạm gọi là tới lui. Giống như đốm lửa quay nhanh, không phải vòng tròn mà có tướng vòng tròn. Tạm gọi là tới lui, thực sự không có tới lui. Cho nên Luận Vật Bất Thiên của ngài Tăng Triệu có nói: “Gió thổi tróc núi mà vẫn thường tĩnh lặng, ngựa chạy tứ tán mà không hề di động, nhật nguyệt lặn mọc mà chưa hề lên xuống.” Đây là nói đến sự sinh diệt quá nhanh chóng, tựa hồ không hề di động.

b. Hai nghĩa Phật và thường.

Hỏi: Kinh Đại Niết Bàn nói: “Xả bỏ sắc vô thường, chứng được sắc thường. Thọ tưởng hành thức cũng giống như vậy.” Lại nói: “Chư Phật thờ pháp làm thầy, vì pháp là thường nên chư Phật cũng là thường.” Ba thân bất động, không dời không đổi, nhưng hiện nay lại nói sanh diệt không trụ, đây là ý nghĩa gì? (24)

Đáp: Sự tranh luận này, không phải hiện nay mới có. Các học giả của tông Niết Bàn cho rằng ba thân đều là thường, không sanh không diệt. Họ dẫn chứng chi tiết các kinh Niết Bàn, Bồ Tát Bổn Nghiệp Anh Lạc, v.v…, cho rằng ba thân đều là thường. Đây là phần lớn căn cứ vào kinh điển. Còn các học giả của tông Nhiếp Luận đem các bộ luận Nhiếp Đại Thừa, v.v…, ra dẫn chứng rằng ba thân thường có ba nghĩa: (a) ngưng nhiên thường, tức là thân pháp tánh; (b) bất đoạn thường, tức là thân thọ dụng; (c) tương tục thường, tức là thân biến hóa. Tuy mỗi thân đều là thường, nhưng ý nghĩa thì khác biệt, bởi vì hai thân sau là do nhân duyên sanh. Luận Đại Trí Độ cho rằng vì hai thân sau do nhân duyên sanh, cho nên mọi tạo tác đều là vô thường. Nếu như “ngưng nhiên” thì phải đồng nhất với thân pháp tánh, do liễu nhân chứng đắc. Hơn nữa, hai thân đó phải không do năm ấm tạo thành, không có sự suy tư nghĩ tưởng, nói năng, động tác. Dùng những ý nghĩa này mà suy luận, hai thân sau không phải là “ngưng nhiên thường.” Muốn hiểu rõ chi tiết, có thể đọc Luận Duy Thức, v.v… Vả lại, căn cứ vào biến kế sở chấp, chúng sanh đều cho rằng chư Phật “có đến có đi”, thành thử [kinh luận] mới nói không đến không đi để phá những sự chấp trước này. Trong Kinh Duy Ma Cật, ngài Duy Ma Cật nói: “Lành thay, Văn Thù Sư Lợi! Không có tướng đến mà đến, không có tướng thấy mà thấy, v.v…” Hiện nay, Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói có đến có đi, không có sự trái nghịch với các kinh điển Đại thừa. Mỗi kinh căn cứ vào một ý nghĩa, đều là lời dạy vi diệu của chư Phật.

6. Phật danh hữu thuyên.

Hỏi: Trong Kinh Pháp Cú, Phật bảo Bồ tát Bảo Minh: “Thiện nam tử! ông hãy quán danh tự của Đức Phật này là có? là không? là có thật? là không có thật? Thiện nam tử! Nếu danh tự là có, thì khi nói ‘thức ăn’, người nghe cũng phải no bụng. Nếu như no bụng, thì các thực phẩm trên thế gian đều trở nên vô dụng, bởi vì nghe ‘thức ăn’ liền được no thì cần gì phải ăn!” Ý nghĩa của đoạn kinh này muốn nói rằng “danh tự tức là không”, không thể giảng giải giáo pháp của Phật. Hiện nay dạy cho người khác chuyên tâm niệm Phật, tiêu trừ tội nặng, vãng sanh Tây Phương, có khác gì nói “thức ăn” làm người nghe no bụng, nói “nước uống” làm người nghe hết khát! (25)

Đáp: Các kinh điển Đại thừa vi diệu đều cho rằng danh tự là hư giả, không có thực chất, cho nên mới nói “ngôn tự không có thể tánh”; hoặc nói “không có văn tự”; hoặc nói “danh nghĩa là khách (không thực), Bồ tát phải nên quán sát như vậy.” Thế nhưng, nếu Đức Phật ngồi an nhiên im lặng thì Kiều Trần Như sẽ không có hy vọng đắc đạo, ông Tu Bạt Ma cũng chẳng thể chứng quả A la hán. Tuy là kẻ nói người nghe khác biệt, không thể nói lời xuông cho người khác được no bụng, nhưng chung quy, danh tự có công năng giảng giải, làm cho người nghe hiểu rõ nghĩa lý, cho nên mới có ví dụ ngón tay chỉ trăng. Mặt khác, thể tánh danh tự là không, cho nên mới có ví dụ “qua sông bỏ bè.” Đức Phật biết phàm phu chấp vào danh tự sanh khởi mê hoặc, hoặc thương, hoặc ghét, gây tạo tội chướng; hoặc khen, hoặc chê, khởi tâm sanh sát, tạo đủ mười nghiệp ác, đọa vào ba đường ác. Vì muốn diệt trừ phiền não cho họ, bèn nói danh tự là hư giả. Dù được khen hay bị chê, đâu có gì làm cho mình vinh hay nhục. Nếu nói vì được khen nên cảm thấy vinh dự, vì bị chê nên cảm thấy sỉ nhục, như vậy tức là nói “thức ăn” thì được no, nói đến “lửa cháy” thì bị thiêu đốt. Thật ra, dù cả ngày nói đến “cao lương mỹ vị” cũng không tránh khỏi sự đói khát, dù lúc nào cũng nói đến “lửa cháy” cũng chẳng bị tai họa cháy thân. Cho nên biết rằng thể tánh của danh tự là hư giả, vốn không chân thật. Phàm phu không tỏ ngộ, khởi tâm thương ghét, tranh đoạt hư danh, đọa ba đường ác. Ngược lại, nếu cho rằng danh tự vô dụng, không có công năng, thì khi gọi nước đáng lẽ lửa đến, khi gọi người nam đáng lẽ người nữ đến. Hiện nay, kêu nước nước đến, gọi nữ nữ đến, không có sự lẫn lộn, cho nên biết danh tự vẫn có công năng như lưới dùng để bắt cá, bẫy dùng để bắt thỏ. Do đó, Phạm Vương đã thỉnh Đức Phật chuyển pháp luân, và Đức Phật cũng đã tùy thuận căn cơ chúng sanh mà giảng nói kinh pháp. Ý chỉ thâm sâu của Tam tạng sáng chói nơi Long cung, mười hai bộ kinh được tuyên dương trên Linh Thứu. Trời người phàm thánh đều lãnh hội pháp mầu, năm nẻo tứ sanh đều tôn sùng lời Phật dạy. Nghe nhớ đọc tụng được lợi ích vô cùng, xưng niệm danh hiệu Phật đều vãng sanh về Tịnh độ. Như vậy, đâu thể nói danh tự là hư dối, không có công năng hoằng truyền Chánh pháp.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13