Cố Thiền Sư
THÍCH HƯ VÂN
1840-1959


NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT


Audio



Thiền sư Hư Vân người ở Tương Lương, tỉnh Hồ Nam Trung Quốc. Tên tục của Ngài là Tra, thuộc dòng dõi Lương Võ Đế. Thân sinh ra Thiền sư là Ngọc Ðường – từng giữ chức Tri phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, cha Ngài là một vị quan thanh liêm, được dân ái mộ. Mẹ Ngài họ Nhan, tuổi ngoài bốn mươi mà chưa có một mụn con, vì vậy đã đến chùa Quán Âm để xin con cầu tự.

Sau lần đó, vào một đêm nọ họ cùng mộng thấy một vị trưởng lão mặc y phục màu xanh, đầu đội tượng Quán Thế Âm, thân cưỡi hổ, nhảy lên giường nằm. Vợ quan Ngọc Đường kinh sợ tỉnh dậy, nghe mùi hương lạ thoảng khắp phòng và thọ thai sau đó. Tuy nhiên, bào thai lúc lọt lòng lại là một bọc thịt khiến bà thất vọng ê chề, uất khí mà qua đời. Ngày hôm sau, một ông già bán thuốc đi ngang qua, lấy dao mở bọc thịt ra thì thấy trong bọc là một đứa nhỏ con trai chính là Thiền sư Hư Vân.

Chân dung Thiền sư Hư Vân. Ảnh tư liệu

Dường như có thiện căn với Phật pháp, từ nhỏ Hòa thượng Hư Vân đã không ăn được thịt. Bên cạnh đó, đối với sách Nho giáo, Ngài không thấy có hứng thú để tìm hiểu, ngược lại với kinh sách Phật giáo Ngài đam mê vô cùng. Theo tìm hiểu được biết, Thiền sư biết đến Phật pháp qua đám tang của bà nội.

Đến năm 17 tuổi, cha của Thiền sư Hư Vân là Ngọc Đường quyết định cưới Ngài hai cô gái là Điềm Thị và Đàm Thị để giữ gìn hương hỏa, nhưng Hòa thượng Hư Vân không hề nhiễm sắc dục. Trong đêm tân hôn, Ngài Hư Vân đã cùng hai bà đi tới một thỏa thuận, với giao ước rằng trên danh nghĩa tuy là vợ chồng nhưng thực tế thì không phải, trinh tiết vẫn giữ trọn vẹn, cả ba cùng ở chung, không xâm phạm nhau, an cư như vậy.

Một năm sau đó, Hòa thượng Hư Vân đã từ bỏ đời sống gia đình êm ấm, đến chùa Dũng Tuyền ở Cổ Sơn thuộc Phúc Châu để xuất gia. Tới đây ngài lạy Trưởng lão Diệu Liên làm thầy, nhận pháp danh là Diễn Triệt, hiệu là Ðức Thanh. Vì lo sợ người trong gia đình tìm đến nên ngài đi vào núi sâu tu khổ hạnh, đói ăn đọt tùng lá dại, khát uống nước suối nước sương trong nhiều năm liền.

Thiền sư Hư Vân thu phục lòng người bằng sự từ bi

Sau hơn 20 năm tu hành, Thiền sư Hư Vân cảm thấy đạo nghiệp vẫn chưa thành, để báo đáp công sơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, Thiền sư đã phát nguyện tam bộ nhất bái từ Phổ Ðà sơn đi tới Ngũ Ðài sơn. Ba năm trời ròng rã, công đức của Ngài thành tựu viên mãn và Ngài hoàn thành được chí nguyện của mình.

Khai ngộ rồi, Ngài rời Cao Mân, vân du bốn phương, càng tinh tấn thêm trong việc tu học và tham vấn các Thiện tri thức. Sau, Ngài đến Vân Nam, rồi ở đấy trùng tu tự viện tại núi Kê Túc. Vì tài chánh thiếu hụt Ngài phải lên đường đi Nam Dương để quyên góp. Trên thuyền đi tới Singapore Sư nhuốm bệnh, rồi, khi lên bờ Ngài lại không có hộ chiếu. Nhân viên chính quyền Anh quốc nhận thấy Ngài mang bệnh truyền nhiễm nên đưa Ngài tới ở tại Viện truyền nhiễm. Chẳng khác gì đưa Ngài vào chỗ chết. Về sau người ta đưa Ngài về chùa Cực Lạc, an trí riêng một nơi, bế quan luôn, nhưng chỉ ít lâu sau, bệnh của Ngài thuyên giảm. Ngài lại lên đường đi Thái Lan để lạc quyên, tá túc tại một ngôi chùa. Sư nhập định trong chín ngày, trông bề ngoài như người đã chết mà thực không phải chết, nên cả kinh thành Bangkok kinh động. Rồi, trên từ quốc vương, các quan lớn nhỏ, đến dân chúng, mọi người kéo đến xin quy y với Ngài. Các thứ tịnh tài của tín đồ cúng dàng đều được gom lại gửi về Vân Nam để lo việc xây cất tu viện.

Thiền sư Hư Vân

Theo các tài liệu ghi lại, Thiền sư Hư Vân đã trùng tu, kiến tạo lại vài mươi ngôi chùa lớn nhỏ khắp cả nước. Lúc nào cũng thế, một mình ngài chống tích trượng lên núi hoang. Khi công trình xây cất sửa sang hoàn thành thì ngài giao lại cho chư tăng, rồi một mình chống gậy xuống núi. Việc xây cất các tu viện trên núi dường như luôn có Long thần hộ pháp gia hộ nên kể từ lúc khởi công cho đến khi hoàn tất, muôn việc lành đều đến, chùa chiền luôn được tín thí bốn sự cúng dường.

Năm 1959 (120 tuổi), bệnh tình của Thiền sư ngày càng nặng. Tuy nhiên, sư vẫn đứng ra trông coi, lo liệu việc trùng tu Chân Như Thiền Tự và hướng dẫn, sách tấn tứ chúng tu tập.

Đến 1 giờ 40 phút ngày 13/10/1959, sư an nhiên tọa Thiền thị tịch, thọ 120 tuổi, tăng lạp 101 tuổi. Chúng môn đệ ngậm ngùi tổ chức tang lễ và cử hành lễ trà tỳ, thu được hơn 100 viên xá lợi tinh khiết, đủ năm màu, lớn nhỏ đủ loại, là minh chứng cho cuộc đời tu tập chứng ngộ, công hạnh diệu kỳ của sư. Đại chúng thỉnh xá lợi của sư nhập tháp Hải Hội núi Vân Cư.